“Ngày 29 tháng Một–Ngày 4 tháng Hai: ‘Ta Sẽ Sửa Soạn Con Đường Trước cho Các Ngươi.’ 1 Nê Phi 16–22,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)
“Ngày 29 tháng Một–Ngày 4 tháng Hai. 1 Nê Phi 16–22,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)
Ngày 29 tháng Một–Ngày 4 tháng Hai: “Ta Sẽ Sửa Soạn Con Đường trước cho Các Ngươi”
1 Nê Phi 16–22
Khi gia đình Lê Hi hành trình tiến đến đất hứa, Chúa đã ban cho họ lời hứa này: “Ta sẽ sửa soạn con đường trước cho các ngươi, nếu các ngươi tuân giữ các lệnh truyền của ta” (1 Nê Phi 17:13). Rõ ràng rằng lời hứa đó không có nghĩa là cuộc hành trình sẽ dễ dàng—các thành viên trong gia đình vẫn bất đồng ý kiến với nhau, các cây cung bị gãy, mọi người phải chịu đựng nỗi vất vả và cái chết, và họ vẫn phải đóng một chiếc tàu từ nguyên liệu thô sơ. Tuy nhiên, khi gia đình này đối mặt với nghịch cảnh hoặc các nhiệm vụ dường như bất khả thi, Nê Phi nhận ra rằng Chúa không bao giờ xa cách họ. Ông biết rằng Thượng Đế “sẽ nuôi dưỡng [người trung tín], làm tăng thêm sức mạnh cho họ, và cung cấp cho họ những phương tiện để nhờ đó có thể thực hiện được điều Ngài đã ra lệnh cho họ” (1 Nê Phi 17:3). Nếu anh chị em đã từng thắc mắc lý do tại sao những điều xấu xảy ra với những người tốt như Nê Phi và gia đình ông, thì anh chị em có thể tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc trong các chương này. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là anh chị em sẽ thấy điều mà người tốt sẽ làm khi điều xấu xảy đến.
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp tôi đối mặt với những thử thách của cuộc sống.
Gia đình của Nê Phi đã đối mặt với một số thử thách khó khăn—giống như tất cả chúng ta. Anh chị em có thể học được điều gì từ Nê Phi về việc đối mặt với nghịch cảnh bằng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô? Hãy đọc về những kinh nghiệm trong 1 Nê Phi 16:17–32; 16:34–39; 17:7–16; 18:1–4; và 18:9–22. Cân nhắc việc ghi lại điều anh chị em tìm thấy dưới các tiêu đề như sau: “Thử Thách,” “Cách Nê Phi Đã Ứng Phó,” và “Cách Chúa Đã Giúp Đỡ.” Anh chị em học được điều gì mà có thể áp dụng cho những thử thách mình gặp phải?
Sau khi học hỏi từ Nê Phi và gia đình của ông, anh chị em có thể ghi lại thêm những ý nghĩ dưới các tiêu đề này: “Những Thử Thách của Tôi,” “Cách Tôi Sẽ Ứng Phó,” và “Cách Chúa Có Thể Giúp Tôi.” Khi làm như vậy, anh chị em có thể tham khảo các câu thánh thư như sau: Ma Thi Ơ 11:28–30; Giăng 14:26–27; Mô Si A 24:13–15.
Xin xem thêm Anthony D. Perkins, “Hỡi Thượng Đế của Chúng Con, Xin Ngài Nhớ Đến Các Thánh Hữu của Ngài Đang Bị Khốn Khổ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 103–105.
1 Nê Phi 16:10–16, 23–31; 18:11–22
Thượng Đế hướng dẫn tôi qua các phương tiện nhỏ bé tầm thường.
Khi Thượng Đế dẫn gia đình Lê Hi vào vùng hoang dã, Ngài đã không ban cho họ một tấm bản đồ cho thấy từng chi tiết của cuộc hành trình. Thay vì thế, Ngài ban cho họ quả cầu Li A Hô Na để hướng dẫn họ hằng ngày. Trong khi đọc 1 Nê Phi 16:10–16, 23–31, và 18:10–22, hãy cân nhắc lập một bản liệt kê các lẽ thật mà cho thấy cách Thượng Đế hướng dẫn con cái Ngài (ví dụ, 1 Nê Phi 16:10 có thể dạy rằng Thượng Đế đôi khi hướng dẫn chúng ta bằng những cách không ngờ đến). Anh chị em thấy những điểm tương đồng nào giữa quả cầu Li A Hô Na và Đức Thánh Linh? “Những phương tiện nhỏ bé” mà qua đó Ngài đã mang lại “những điều lớn lao” trong cuộc sống của anh chị em là gì?
Xin xem thêm An Ma 37:7, 38–47; Giáo Lý và Giao Ước 64:33–34.
Những thử thách của tôi có thể là một phước lành.
Mặc dù Nê Phi và các anh của ông cùng gặp thử thách trong vùng hoang dã, nhưng những kinh nghiệm của họ thì rất khác biệt. Anh chị em có thể đối chiếu câu chuyện của Nê Phi hành trình trong vùng hoang dã (xin xem 1 Nê Phi 17:1–6) với câu chuyện của các anh ông (xin xem 1 Nê Phi 17:17–22). Nê Phi đã biết hoặc làm điều gì mà đã giúp ông có được một quan điểm trung tín? Cân nhắc viết về một thử thách gần đây hoặc hiện tại từ một quan điểm tràn đầy đức tin và lòng biết ơn. Anh chị em cảm nhận hay học được điều gì từ việc này?
Xin xem thêm Jeffrey R. Holland, “Đấng Ky Tô Hàn Gắn Những Gì Đổ Vỡ,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 81–84.
Tôi có thể “áp dụng tất cả các thánh thư” cho bản thân mình.
Vì thánh thư đã được viết cách đây rất lâu, có vẻ như chúng không còn liên quan đến chúng ta ngày nay. Nhưng Nê Phi biết rõ hơn. Ông nói: “Tôi áp dụng tất cả các thánh thư cho chúng tôi, ngõ hầu đem lại nhiều lợi ích cho sự học hỏi của chúng tôi” (1 Nê Phi 19:23). Đây là một lý do khiến Nê Phi tìm thấy rất nhiều quyền năng thuộc linh trong thánh thư.
Hãy suy ngẫm những câu hỏi như sau khi anh chị em đọc 1 Nê Phi 20–22:
-
1 Nê Phi 20:1–9.Các câu này giảng dạy điều gì về dân chúng trong thời của Ê Sai? Anh chị em tìm thấy điều gì áp dụng cho mình?
-
1 Nê Phi 20:17–22.Các câu này giảng dạy điều gì về cách Cha Thiên Thượng dẫn dắt dân chúng trong thời của Ê Sai? Ngài mời gọi anh chị em noi theo Ngài bằng cách nào?
Anh chị em tìm thấy điều gì khác trong 1 Nê Phi 20–22 mà anh chị em có thể “áp dụng” cho bản thân mình?
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
1 Nê Phi 16:10, 28–29; 18:8–13, 20–22
Khi tôi tuân giữ các lệnh truyền, Chúa sẽ hướng dẫn tôi.
-
Nếu anh chị em có một cái la bàn, một bản đồ, hoặc một vật gì khác mà giúp chúng ta tìm đường, thì anh chị em có thể cho các bé xem. Đây có thể là cách hay để bắt đầu một cuộc thảo luận về quả cầu Li A Hô Na, mà anh chị em có thể đọc về nó trong 1 Nê Phi 16:10, 28–29. Một cái la bàn hoặc bản đồ có thể không hoạt động vì một số nguyên nhân nào? Tại sao cái quả cầu Li A Hô Na đôi khi không hoạt động cho gia đình của Lê Hi? (xin xem 1 Nê Phi 18:9–12, 20–22). Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta điều gì ngày nay để hướng dẫn chúng ta trở về với Ngài?
-
Để giúp các bé áp dụng điều chúng học được về quả cầu Li A Hô Na trong 1 Nê Phi 16:10, 26–31; 18:8–22, anh chị em có thể mời chúng nghĩ về một quyết định quan trọng hoặc khó khăn. Thượng Đế đã ban cho chúng ta điều gì để hướng dẫn chúng ta ngày nay mà hoạt động giống như quả cầu Li A Hô Na? (Ví dụ, xin xem An Ma 37:38–44.) Hãy cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân mà trong đó Cha Thiên Thượng đã hướng dẫn anh chị em.
Tôi có thể làm một tấm gương tốt cho gia đình tôi.
-
Khi anh chị em cùng nhau đọc 1 Nê Phi 16:21–32 hãy giúp các bé khám phá cách mà tấm gương của Nê Phi đã ban phước cho gia đình ông như thế nào. Việc này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về cách chúng ta có thể trở nên giống như Nê Phi. Hãy mời các bé hoạch định một điều mà chúng có thể làm để có ảnh hưởng tốt đến những người khác trong gia đình.
Cha Thiên Thượng có thể giúp tôi làm những việc khó.
-
Trẻ em thích kể chuyện. Anh chị em có thể mời chúng giúp kể câu chuyện về Nê Phi được truyền lệnh đóng một chiếc tàu (xin xem 1 Nê Phi 17:7–19; 18:1–4; xin xem thêm “Chương 7: Đóng Chiếc Tàu”, trong Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 21–22). Điều gì đã giúp Nê Phi có can đảm khi các anh của ông chế nhạo ông vì cố gắng đóng một con tàu?
-
Nê Phi không biết cách để đóng một chiếc tàu, vì thế ông trông cậy vào sự chỉ dẫn từ Chúa. Sau khi cùng anh chị em đọc 1 Nê Phi 18:1 các bé có thể hoàn thành trang sinh hoạt của tuần này. Khi chúng làm như vậy, hãy nói với chúng về cách Cha Thiên Thượng có thể giúp chúng ta làm những việc khó, giống như Ngài đã giúp Nê Phi.