Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 19–25 tháng Hai: “Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta.” 2 Nê Phi 6–10


“Ngày 19–25 tháng Hai: ‘Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta.’ 2 Nê Phi 6–10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 19–25 tháng Hai. 2 Nê Phi 6–10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
Chúa Giê Su cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Not My Will, but Thine, Be Done (Xin Ý Cha Được Nên, Chớ Không Theo Ý Con), tranh do Harry Anderson họa

Ngày 19–25 tháng Hai: “Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta”

2 Nê Phi 6–10

Đã ít nhất 40 năm kể từ khi gia đình Lê Hi rời khỏi Giê Ru Sa Lem. Họ đã ở trên một vùng đất mới xa lạ, cách Giê Ru Sa Lem nửa vòng trái đất. Lê Hi qua đời, và gia đình ông đã bắt đầu mối bất hòa mà sẽ kéo dài hàng thế kỷ giữa dân Nê Phi—“những người tin vào những sự báo trước và mặc khải của Thượng Đế”—và dân La Man, những người không tin (2 Nê Phi 5:6). Gia Cốp, em trai của Nê Phi và bấy giờ được sắc phong làm một thầy giảng cho dân Nê Phi, muốn dân giao ước này biết rằng Thượng Đế sẽ không bao giờ quên họ, vì thế họ phải không bao giờ được quên Ngài. Đây là một sứ điệp mà chúng ta chắc chắn cần đến ngày nay (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:15–16). “Chúng ta hãy nhớ đến Ngài, … vì chúng ta không bị loại trừ. … Vĩ đại thay những lời hứa [của] Chúa,” Gia Cốp đã phán (2 Nê Phi 10:20–21). Trong số những lời hứa đó, không có lời hứa nào vĩ đại hơn lời hứa ban cho một “sự chuộc tội vô hạn” để vượt qua cái chết và ngục giới (2 Nê Phi 9:7). Gia Cốp kết luận rằng: “Vì vậy, hãy hoan hỉ lên đi”! (2 Nê Phi 10:23).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

2 Nê Phi 6–8

Chúa thương xót dân Ngài và sẽ làm tròn các giao ước của Ngài.

Để giúp dân ông hiểu được rằng họ là một phần gia tộc Y Sơ Ra Ên và có thể tin cậy Thượng Đế cùng những lời hứa của Ngài, Gia Cốp đã trích dẫn những lời tiên tri của Ê Sai, được ghi trong 2 Nê Phi 6–8. Sứ điệp đó cũng dành cho anh chị em, bởi Các Thánh Hữu Ngày Sau cũng là một phần của dân giao ước của Thượng Đế. Khi anh chị em đọc những chương này, hãy nghĩ về những câu hỏi như sau:

  • Tôi học được gì về tình yêu cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi dành cho tôi? Những từ hoặc cụm từ nào phù hợp để bày tỏ tình yêu thương này?

  • Đấng Cứu Rỗi mang đến điều gì cho những người tìm kiếm Ngài?

  • Tôi có thể làm gì để “chờ đợi” Đấng Cứu Rỗi và những phước lành Ngài đã hứa một cách thành tín hơn?

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

2 Nê Phi 9:1–26

Chúa Giê Su Ky Tô cứu tôi khỏi tội lỗi và cái chết.

Một cách để gia tăng lòng biết ơn của anh chị em đối với Chúa Giê Su Ky Tô là nghĩ về những điều có thể xảy ra với chúng ta nếu không có Ngài. Khi đọc 2 Nê Phi 9:1–26, anh chị em hãy cân nhắc liệt kê hoặc đánh dấu bằng một màu mực những điều sẽ xảy ra cho chúng ta nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi, trong một bản liệt kê hoặc bằng một màu mực khác, anh chị em có thể chỉ ra những điều chúng ta có thể nhận được qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Dựa trên những gì mình đã đọc, anh chị em sẽ giải thích như thế nào về lý do tại sao chúng ta cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? Anh chị em đã tìm thấy điều gì soi dẫn cho mình để ca ngợi “sự thông sáng của Thượng Đế, lòng thương xót và ân điển của Ngài”? (2 Nê Phi 9:8).

Ngoài việc giảng dạy điều mà Chúa Giê Su Ky Tô đã cứu chúng ta thoát khỏi, Gia Cốp còn đưa ra những hiểu biết sâu sắc về cách Ngài đã làm điều đó. Cân nhắc ghi lại điều anh chị em tìm thấy trong 2 Nê Phi 9:11–15, 20–24.

Gia Cốp rất kinh ngạc trước kế hoạch cứu chuộc của Thượng Đế đến nỗi ông thốt lên: “Ôi vĩ đại thay kế hoạch của Thượng Đế chúng ta.” Hãy tìm kiếm những lời cảm thán của ông trong 2 Nê Phi 9 (hầu hết những lời đó được tìm thấy trong các câu 8–20). Anh chị em học được gì từ những câu này về kế hoạch của Thượng Đế? Những kinh nghiệm nào đã giúp anh chị em cảm nhận được một số điều mà Gia Cốp đã cảm nhận? Là một phần trong việc thờ phượng và học hỏi của anh chị em, hãy cân nhắc tìm kiếm một bài thánh ca mà có thể bày tỏ cảm nghĩ của anh chị em về Ngài.

2 Nê Phi 9:7

Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là vô hạn.

Anh chị em có thể làm gì để hiểu rõ hơn về “sự chuộc tội vô hạn” của Chúa Giê Su Ky Tô? (2 Nê Phi 9:7). Anh chị em có thể nhìn ngắm những thứ dường như vô hạn về số lượng—những ngọn cỏ trên cánh đồng, những hạt cát trên bãi biển, hoặc các vì sao trên bầu trời. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi vô hạn như thế nào? Sự Chuộc Tội cũng mang tính cá nhân ra sao? Các cụm từ nào trong 2 Nê Phi 9 giúp anh chị em cảm thấy biết ơn về điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm cho mình?

2 Nê Phi 9:27–54

Tôi có thể đến cùng Đấng Ky Tô và tuân theo kế hoạch của Thượng Đế.

Trong 2 Nê Phi 9, Gia Cốp đã sử dụng hai cụm từ có tác động mạnh mẽ và tương phản nhau: “kế hoạch thương xót của Đấng Sáng Tạo vĩ đại” và “xảo quyệt thay kế hoạch của kẻ tà ác đó” (2 Nê Phi 9:6, 28). Anh chị em có thể vẽ một con đường và đặt tên cho nó là Kế Hoạch Của Cha Thiên Thượng. Rồi tra cứu 2 Nê Phi 9:27–52. Hãy tìm kiếm những lời cảnh báo và mời gọi mà Gia Cốp đã đưa ra để giúp chúng ta tuân theo kế hoạch này. Viết xuống điều mà anh chị em tìm thấy bên cạnh con đường. Sa Tan cố gắng dẫn dắt chúng ta rời xa kế hoạch của Thượng Đế bằng cách nào’? Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để làm gì nhằm đáp lại những lời cảnh báo và mời gọi của Gia Cốp?

2 Nê Phi 10:20, 23–25

Sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang đến cho tôi niềm vui.

Sứ điệp của Gia Cốp thật đáng để vui mừng. Ông nói: “Tôi nói với các người những điều này để cho các người được vui mừng, và ngước đầu lên mãi mãi” (2 Nê Phi 9:3). Khi đọc 2 Nê Phi 10:20, 23–25, anh chị em tìm thấy điều gì làm mình hân hoan trong lòng? Anh chị em sẽ làm gì để ghi nhớ những điều này khi cảm thấy thất vọng?

Xin xem thêm Giăng 16:33; D. Todd Christofferson, “Niềm Vui của Các Thánh Đồ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 15–18.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

2 Nê Phi 9:6–10, 19–24

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của tôi.

  • Anh chị em sẽ giúp các bé hiểu và cảm thấy rằng chúng cần Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách nào? Trang sinh hoạt của tuần này có thể giúp ích. Sinh hoạt này sử dụng phép loại suy đơn giản về một cái hố và một cái thang. Cân nhắc việc sử dụng 2 Nê Phi 9:21–22 để nói chuyện với các bé về lý do tại sao anh chị em biết ơn Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Một cách để giúp các bé hiểu lý do tại sao chúng ta cần Đấng Cứu Rỗi là giảng dạy chúng về Sự Sa Ngã. Anh chị em có thể cho chúng xem một bức tranh về A Đam và Ê Va, chẳng hạn như Leaving the Garden of Eden (Rời Khỏi Vườn Ê Đen) và một bức hình Chúa Giê Su Ky Tô trên thập tự giá. Cân nhắc việc bảo chúng mô tả điều đang diễn ra trong mỗi bức hình. Chúng ta giống như A Đam và Ê Va như thế nào? Có lẽ 2 Nê Phi 9:6–10 có thể giúp chúng thấy điều Chúa Giê Su Ky Tô làm cho chúng ta. Cân nhắc việc mời các bé chia sẻ những cảm nghĩ của chúng về Chúa Giê Su Ky Tô.

Giảng dạy lẽ thật bằng những câu chuyện và các ví dụ. Hãy chắc chắn rằng các câu chuyện và ví dụ mà anh chị em sử dụng đều dạy về lẽ thật. Ví dụ, khi sử dụng trang sinh hoạt của tuần này, hãy dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã bước vào “cái hố” để giúp chúng ta trong mỗi bước đi khi chúng ta leo ra ngoài.

2 Nê Phi 9:20, 28–29, 42–43, 49

“Lòng tôi hân hoan về sự ngay chính.”

  • Để khuyến khích các bé “hân hoan về sự ngay chính” hoặc vui vẻ vâng lời Chúa (2 Nê Phi 9:49), anh chị em có thể chia sẻ những ví dụ mà trong đó một đứa trẻ đưa ra một lựa chọn đúng đắn hoặc một lựa chọn sai lầm. Mời các bé đứng lên khi lựa chọn đó mang đến niềm vui và ngồi xuống khi lựa chọn đó mang lại nỗi buồn. Khi nào chúng ta cảm thấy vui vẻ bởi vì đã lựa chọn để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Các bé có thể (hoặc đã từng) tiếp xúc với những người mà nghĩ rằng các lệnh truyền của Chúa là điên rồ hoặc lỗi thời. Anh chị em và các bé có thể nói về cách giải thích lý do tại sao chúng ta vui vẻ tuân giữ các lệnh truyền. Tại sao điều quan trọng là phải tin tưởng lời khuyên dạy của Thượng Đế ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu lời khuyên dạy đó? Anh chị em có thể khuyến khích chúng tìm kiếm trong 2 Nê Phi 9:20, 28–29, và 42–43 để được giúp đỡ khi suy ngẫm và thảo luận các câu hỏi này.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su chữa lành người bệnh

He Healed Many of Diverse Diseases (Ngài Chữa Lành Nhiều Người Bệnh), tranh do J. Kirk Richards họa

In