“Ngày 26 tháng Hai–Ngày 3 tháng Ba: ‘Danh Ngài Sẽ Được Gọi Là … Hoàng Tử Bình An.’ 2 Nê Phi 11–19,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)
“Ngày 26 tháng Hai–Ngày 3 tháng Ba. 2 Nê Phi 11–19” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)
Ngày 26 tháng Hai–Ngày 3 tháng Ba: “Danh Ngài Sẽ Được Gọi Là … Hoàng Tử Bình An”
2 Nê Phi 11–19
Việc khắc lên các bảng kim loại thật không dễ dàng, và chỗ trên các bảng khắc nhỏ của Nê Phi lại có giới hạn. Vậy tại sao Nê Phi lại cố gắng để chép lại rất nhiều lời ghi chép của tiên tri Ê Sai vào biên sử của mình? Ông đã làm điều đó vì ông muốn chúng ta tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Ông viết: “tâm hồn tôi hân hoan trong việc minh chứng cho dân tôi biết sự thật về sự hiện đến của Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 11:4). Nê Phi đã thấy điều sẽ xảy ra cho dân của ông trong các thế hệ tương lai. Ông thấy rằng, mặc dù nhận được những phước lành lớn lao, nhưng họ vẫn trở nên kiêu ngạo, đầy thói tranh chấp và trần tục (xin xem 1 Nê Phi 12; 15:4–6). Ông cũng đã thấy những vấn đề tương tự trong thời kỳ chúng ta (xin xem 1 Nê Phi 14). Những lời ghi chép của Ê Sai cảnh báo về sự tà ác như thế. Nhưng họ cũng mang đến cho Nê Phi hy vọng về một tương lai vinh quang—có sự chấm dứt những điều tà ác, có sự quy tụ của những người trung tín, và có “sự sáng vĩ đại” cho những người “đi trong bóng tối” (2 Nê Phi 19:2). Tất cả những điều này sẽ xảy ra vì “một con trẻ được sinh ra” là người có thể chấm dứt mọi tranh chấp—chính là “Hoàng Tử Bình An” (2 Nê Phi 19:6).
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Làm thế nào tôi có thể hiểu rõ hơn những lời dạy của Ê Sai?
Nê Phi thừa nhận rằng “những lời của Ê Sai không được rõ ràng” (2 Nê Phi 25:4). Nhưng ông cũng chia sẻ những ý kiến để giúp chúng ta tìm ra ý nghĩa trong những lời ghi chép của Ê Sai:
-
Hãy “áp dụng những lời của ông” cho bản thân anh chị em (2 Nê Phi 11:2). Nhiều lời giảng dạy của Ê Sai có thể có nhiều ý nghĩa và cách áp dụng. Ví dụ, khi anh chị em đọc về những nơi cư ngụ trong 2 Nê Phi 14:5–6, hãy suy ngẫm xem những câu này áp dụng cho ngôi nhà của anh chị em ra sao. Hãy tự hỏi: “Cha Thiên Thượng muốn tôi học điều gì?”
-
Tìm kiếm các biểu tượng về Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 11:4). Nhiều lời giảng dạy của Ê Sai về Đấng Cứu Rỗi được truyền đạt qua các biểu tượng. Ví dụ, Đấng Cứu Rỗi được mô tả như thế nào trong 2 Nê Phi 19:2? Biểu tượng này dạy cho anh chị em điều gì về Ngài?
-
Hãy tìm cách để có “đầy dẫy tinh thần tiên tri” (2 Nê Phi 25:4). Khi anh chị em học hỏi, hãy cầu xin để có được sự hướng dẫn thuộc linh. Ban đầu, anh chị em có thể không hiểu tất cả mọi điều, nhưng Thánh Linh có thể giúp anh chị em học hỏi điều anh chị em cần biết.
Anh chị em cũng có thể thấy hữu ích để tham khảo những sự trợ giúp học tập trong thánh thư, gồm có các cước chú, tiêu đề chương, Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Các sách học của viện giáo lý về Sách Mặc Môn và Kinh Cựu Ước có thêm thông tin mà có thể giúp anh chị em học hỏi về bối cảnh lịch sử của những lời giảng dạy của Ê Sai.
Ê Sai làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.
Bởi vì Ê Sai đã sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh tượng trưng, do đó chúng ta có thể dễ bỏ qua lời chứng mạnh mẽ của ông về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi trong 2 Nê Phi 13:13; 14:4–6; 15:1–7; 16:1–7; 17:14; 18:14–15; 22:2. Những câu này dạy anh chị em điều gì về Ngài?
Lời tiên tri trong 2 Nê Phi 19:6 liệt kê vài danh hiệu của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài làm trọn các vai trò này trong cuộc đời của chúng ta như thế nào?
Xin xem thêm Ulisses Soares, “Chúa Giê Su Ky Tô: Đấng Chăm Sóc Linh Hồn Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 82–84.
Những kẻ kiêu căng ưa thích vật chất thế gian sẽ bị hạ thấp.
Nê Phi đã thấy trước rằng tính kiêu căng sẽ gây ra sự sụp đổ của dân ông (xin xem 1 Nê Phi 12:19). Vì vậy, không ngạc nhiên khi Nê Phi chia sẻ với dân ông những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của Ê Sai về tính kiêu căng. Trong các chương12 và 13, hãy tìm những từ Ê Sai đã dùng để miêu tả sự tự cao, như cao ngạo và kiêu ngạo. Trong 2 Nê Phi 15:1–24, hãy tìm kiếm những hình ảnh tượng trưng mô tả các hậu quả của tính kiêu ngạo. Sau đó, anh chị em có thể tóm tắt điều đã đọc bằng lời riêng của mình. Hãy suy nghĩ về cách anh chị em sẽ chọn để trở nên khiêm nhường.
Đền thờ là nhà của Chúa.
Ê Sai gọi đền thờ là “núi của nhà Chúa” (2 Nê Phi 12:2). Tại sao núi là một biểu tượng phù hợp với đền thờ?
Anh chị em sẽ giải thích như thế nào cho một người nào đó biết tại sao chúng ta cần có đền thờ? Anh chị em có thể tìm thấy một số câu trả lời khả thi trong 2 Nê Phi 12:2–3 và trong sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Đền Thờ và Nền Móng Thuộc Linh của Anh Chị Em” (Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 93–96). Dựa trên những gì anh chị em đã đọc, Chúa muốn anh chị em học hỏi và trải nghiệm điều gì trong ngôi nhà thánh của Ngài? Anh chị em đã có những kinh nghiệm nào ở đó?
Anh chị em có thể tìm các câu hỏi phỏng vấn cho giấy giới thiệu đi đền thờ trên các trang 36–37 của Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn. Hãy cân nhắc việc đọc từng câu hỏi và tự hỏi bản thân mình, câu hỏi này dạy tôi điều gì về đường lối của Chúa? Nó giúp tôi “đi theo đường lối Ngài” như thế nào?
Xin xem thêm “Cao trên Đỉnh Núi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 30.
Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cứu chuộc dân Ngài.
Mặc dù đã chứng kiến sự tà ác, nhưng Ê Sai vẫn trông thấy niềm hy vọng cho tương lai. Cân nhắc việc nghiên cứu mỗi đoạn sau đây. Viết một hoặc nhiều lẽ thật mà mỗi đoạn dạy về thời kỳ của chúng ta: 2 Nê Phi 12:1–5; 14:2–6; 15:20–26; 19:2–8. Tại sao anh chị em cảm thấy những đoạn này là quan trọng để chúng ta hiểu?
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Đền thờ là nhà của Chúa.
-
Ê Sai mô tả đền thờ là “núi của nhà Chúa.” Các bé có thể thích giả vờ leo lên một ngọn núi khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 12:2–3. Hãy giúp chúng tìm các cụm từ trong các câu này mà mô tả lý do tại sao chúng ta có đền thờ.
-
Để minh họa cụm từ “chúng ta sẽ đi trong các nẻo của Ngài” từ 2 Nê Phi 12:3, anh chị em có thể làm một con đường trên sàn nhà, dẫn đến một bức hình đền thờ. Khi các bé đi trên con đường, chúng có thể kể ra những điều chúng có thể làm để bước đi trên các con đường của Chúa.
-
Các bé có thể vẽ tranh về bản thân chúng đang đi đến đền thờ.
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của tôi.
-
Có một vài danh xưng dành cho Chúa Giê Su Ky Tô trong 2 Nê Phi 11:4–7; 17:14; 19:6. Hãy giúp các bé tìm kiếm những danh xưng đó và nói về ý nghĩa của chúng. Ví dụ, “Đấng Ky Tô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu” và “Em Ma Nu Ên” có nghĩa là “Thượng Đế ở cùng chúng ta.” Những danh xưng này dạy chúng ta điều gì về Chúa Giê Su?
-
Hãy cho xem các đoạn trong video “The Christ Child” (Hài Nhi Ky Tô) (Thư Viện Phúc Âm) mà cho thấy những người khác nhau khi lần đầu nhìn thấy Chúa Giê Su. Tạm dừng video trong các đoạn mô tả này, và hỏi các bé nghĩ xem những người đó đang cảm thấy gì. Chúng ta sẽ cảm thấy ra sao nếu như có mặt tại đó? Chúng ta cảm thấy như thế nào khi gặp Ngài lần nữa?
Sa Tan cố gắng làm cho tôi nhầm lẫn về điều tốt và điều xấu.
-
Hãy cho các bé thấy một thứ gì đó đắng hoặc chua, chẳng hạn như một lát chanh, được gói bên trong vỏ kẹo. Cùng nhau đọc 2 Nê Phi 15:20. Sa Tan cố gắng làm cho những điều xấu nhìn giống như những điều tốt ra sao? Tại sao Sa Tan lại ngụy trang tội lỗi? Làm thế nào Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta tránh bị Sa Tan lừa dối?