Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 4–10 tháng Ba: “Chúng Tôi Hoan Hỷ về Đấng Ky Tô.” 2 Nê Phi 20–25


“Ngày 4–10 tháng Ba: ‘Chúng Tôi Hoan Hỷ về Đấng Ky Tô.’ 2 Nê Phi 20–25,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 4–10 tháng Ba. 2 Nê Phi 20–25,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

gia đình đang học tập

Ngày 4–10 tháng Ba: “Chúng Tôi Hoan Hỷ về Đấng Ky Tô”

2 Nê Phi 20–25

Những ghi chép của Ê Sai gồm có những lời cảnh báo mạnh mẽ, nhưng cũng mang đến niềm hy vọng và niềm vui. Đây là một lý do khiến Nê Phi đưa những lời ghi chép của Ê Sai vào biên sử của ông, ông nói: “Tôi ghi lại một số lời nói của Ê Sai, để những ai … thấy những lời này sẽ nức lòng và hoan hỷ” (2 Nê Phi 11:8). Theo một ý nghĩa nào đó, lời mời đọc những điều Ê Sai viết ra là một lời mời để hoan hỷ. Anh chị em có thể vui thích, giống như Nê Phi, trong những lời tiên tri của Ê Sai về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên, sự hiện đến của Đấng Mê Si, và sự bình an đã được hứa cho người ngay chính. Anh chị em có thể vui mừng được sống trong thời đại mà đã được tiên tri là Chúa sẽ “dựng lên một cờ hiệu cho các nước, nhóm họp những người Y Sơ Ra Ên bị đuổi” (2 Nê Phi 21:12). Khi khát sự ngay chính, anh chị em có thể “vui vẻ mà múc nước nơi các nguồn cứu rỗi” (2 Nê Phi 22:3). Nói cách khác, anh chị em có thể “hoan hỷ trong Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 25:26).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

2 Nê Phi 21–22

Tôi có thể tìm thấy sự bình an nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Các con của Lê Hi xảy ra vấn đề tranh chấp. Vấn đề đó trở nên tồi tệ hơn trong các thế hệ tương lai, dẫn đến cảnh chia rẽ, tù đày, đau khổ, và hủy diệt. Và sự tranh chấp tiếp tục là một vấn đề ngày nay.

Với tất cả những điều đó, hãy suy ngẫm những lời tiên tri trong 2 Nê Phi 21–22. Hãy xem xét cách Đấng Cứu Rỗi đang làm ứng nghiệm những lời tiên tri này. Lời tiên tri rằng sói sẽ “ở chung với chiên con” có ý nghĩa gì đối với anh chị em? (2 Nê Phi 21:6). Hãy suy ngẫm điều anh chị em có thể làm để trở thành người hòa giải.

Xin xem Dale G. Renlund, “Sự Bình An của Đấng Ky Tô Xóa Bỏ Hận Thù,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 83–85.

2 Nê Phi 21:9–12

Chúa đang quy tụ dân Ngài.

Nê Phi và gia đình ông là các nhân chứng cho sự phân tán Y Sơ Ra Ên (xin xem 2 Nê Phi 25:10). Giờ đây anh chị em có thể tham gia vào việc quy tụ Y Sơ Ra Ên (xin xem 2 Nê Phi 21:12). Khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 21:9–12, hãy nghĩ về cách anh chị em có thể giúp làm ứng nghiệm những lời tiên tri mà các câu này mô tả.

Ví dụ, khi anh chị em đọc về “cờ hiệu” (lá cờ hoặc biểu ngữ) mà sẽ được giơ lên để quy tụ dân của Thượng Đế, hãy nghĩ về cách anh chị em đã thấy Thượng Đế quy tụ dân Ngài, về mặt địa lý và về mặt thuộc linh. Điều gì thu hút mọi người đến với Chúa và Giáo Hội của Ngài?

Anh chị em cảm thấy được soi dẫn làm gì để giúp quy tụ dân của Thượng Đế?

2 Nê Phi 23–24

Vật chất thế gian của Ba Bi Lôn sẽ sụp đổ.

Vương quốc Ba Bi Lôn là một mối đe dọa lớn về chính trị và quân sự đối với Y Sơ Ra Ên thời xưa. Nhưng đối với dân của Nê Phi—và đối với chúng ta ngày nay—mối đe dọa lớn hơn là những điều mà Ba Bi Lôn đại diện cho: vật chất thế gian và tội lỗi. Hãy xem xét những lời cảnh báo trong 2 Nê Phi 23–24 có thể đã ảnh hưởng như thế nào đến những người sợ hãi hoặc ngưỡng mộ hoặc tin cậy sự giàu có và sức mạnh của Ba Bi Lôn (xin xem ví dụ 23:6–9, 11, 19–22; 24:10–19). Ngày nay, chúng ta có thể sợ hãi hoặc ngưỡng mộ hoặc tin cậy những gì tương tự như vậy? Anh chị em cảm thấy sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi dành cho mình có thể là gì trong các chương này? Hãy nghĩ về cách mà anh chị em có thể cho thấy rằng mình “vui mừng trong sự cao trọng [của Chúa]” (2 Nê Phi 23:3).

hình biểu tượng lớp giáo lý

2 Nê Phi 25:19–29

“Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô … chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô.”

Nê Phi đã cởi mở về việc chia sẻ niềm tin của ông—đặc biệt là chứng ngôn của ông về Chúa Giê Su Ky Tô. Trong khi anh chị em nghiên cứu 2 Nê Phi 25, hãy nghĩ về ước muốn của Nê Phi để “thuyết phục con cháu [của ông] … để họ biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế” (câu 23). Nê Phi muốn mọi người biết điều gì về Đấng Cứu Rỗi? (xin xem câu 12–13, 16). Nê Phi đã cố gắng thuyết phục dân chúng tin nơi Ngài như thế nào? (xin xem các câu 19–29). Hãy ghi chú những đoạn trong chương này mà thuyết phục anh chị em tin tưởng và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Một số người trong chúng ta có thể không cảm thấy mạnh dạn như Nê Phi khi nói về Đấng Ky Tô. Nhưng có lẽ anh chị em có thể tìm thấy một điều gì đó trong những lời giảng dạy của Nê Phi trong 2 Nê Phi 25:23–26 mà soi dẫn anh chị em nói về Ngài với những người khác một cách cởi mở hơn. Ví dụ, lời tuyên bố của Nê Phi “Chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô” có thể thúc giục anh chị em suy nghĩ về cách Đấng Cứu Rỗi mang đến cho anh chị em niềm vui—và cách anh chị em có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác.

Trong sứ điệp của mình “Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô” (Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 88–91), Anh Cả Neil L. Andersen có gợi ý những cách chúng ta có thể nói về Đấng Ky Tô một cách cởi mở hơn trong nhiều bối cảnh khác nhau. Những đề nghị nào của ông nổi bật đối với anh chị em? Anh chị em có những cơ hội nào để nói về Đấng Ky Tô với những người khác?

Anh chị em cảm thấy được soi dẫn điều gì để nói cho người khác biết về Chúa Giê Su Ky Tô? Nếu cần thêm ý tưởng, thì anh chị em có thể tra cứu “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ” (Thư Viện Phúc Âm).

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Liahona Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

2 Nê Phi 21:1–5

Chúa Giê Su Ky Tô sẽ phán xét trong sự ngay chính.

  • Để giúp các bé hình dung ra những câu này, nếu có thể, anh chị em hãy tìm một cái cây đã bị đốn hoặc một nhánh cây mọc ra từ thân cây (hoặc sử dụng bức hình dưới đây). Nếu “nhánh” trong 2 Nê Phi 21:1 tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô, thì các câu 2–5 dạy chúng ta điều gì về Ngài?

cây nhỏ mọc ra từ gốc cây

2 Nê Phi 21:6–9

Chúa Giê Su Ky Tô mang đến sự bình an và niềm vui.

  • Các câu 2 Nê Phi 21:6–9 dạy rằng điều gì có thể xảy ra khi mọi người noi theo Đấng Cứu Rỗi? (xin xem thêm 4 Nê Phi 1:15–18). Làm thế nào chúng ta có thể làm cho ngôi nhà của mình giống như thế này hơn? Các bé có thể thích xem những bức tranh về các con vật được đề cập trong các câu 6–7—các loại động vật đối kháng nhau nhưng sẽ không làm tổn thương lẫn nhau khi Chúa Giê Su tái lâm (xin xem trang sinh hoạt của tuần này). Chúng cũng có thể vẽ tranh về chính mình và các con vật này đang chung sống hòa thuận cùng Chúa Giê Su.

2 Nê Phi 21:11–1222

Chúa đang quy tụ dân Ngài.

  • Ê Sai nói rằng Chúa sẽ dựng lên một “cờ hiệu cho các nước” để quy tụ dân Ngài trong những ngày sau cùng (xin xem 2 Nê Phi 21:11–12). Hãy giúp các bé hiểu rằng cờ hiệu giống như một lá cờ. Có lẽ chúng sẽ thích vẽ lá cờ riêng của chúng. Chúng có thể thêm vào các hình vẽ và từ ngữ tượng trưng cho những lý do tại sao chúng đến với Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài. Hãy cho chúng nói về lá cờ của chúng, và giúp chúng nghĩ về cách để có thể giúp những người khác “quy tụ” lại với Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Sau khi cùng nhau đọc 2 Nê Phi 22:4 anh chị em có thể nói với các con của mình về “những công việc rực rỡ” mà Chúa đã làm. Những “việc làm của Chúa trong [chúng ta]” mà chúng ta có thể rao truyền là gì? Làm thế nào chúng ta có thể giúp người khác biết về những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta?

2 Nê Phi 25:26

“Chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô.”

  • Làm thế nào anh chị em có thể giúp các bé “hoan hỷ về Đấng Ky Tô”? Sau đó, khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 25: 26, chúng có thể nói về lý do tại sao chúng “hoan hỷ về Đấng Ky Tô.”

Làm chứng về Đấng Ky Tô. Đừng cho rằng gia đình anh chị em đã biết anh chị em cảm thấy ra sao về Đấng Cứu Rỗi. Hãy nói cho họ, và để cho những cảm nghĩ của anh chị em về Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng đến cách anh chị em đối xử với họ.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

những người truyền giáo đang giảng dạy một gia đình

I’ll Go Where You Want Me to Go (Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con), tranh do Ramon Ely Garcia Rivas họa