Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 25–31 tháng Ba: “Ngài Sẽ Sống Dậy … với Sự Chữa Lành trong Đôi Cánh của Ngài.” Lễ Phục Sinh


“Ngày 25–31 tháng Ba: ‘Ngài Sẽ Sống Dậy … với Sự Chữa Lành trong Đôi Cánh của Ngài.’ Lễ Phục Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Ngày 25–31 tháng Ba. Lễ Phục Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)

Đấng Ky Tô phục sinh và Các Sứ Đồ của Ngài

Christ and the Apostles (Đấng Ky Tô và Các Sứ Đồ), tranh do Del Parson họa

Ngày 25–31 tháng Ba: “Ngài Sẽ Sống Dậy … với Sự Chữa Lành trong Đôi Cánh của Ngài”

Lễ Phục Sinh

Các Vị Sứ Đồ thời xưa mạnh dạn trong chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Sinh của Ngài (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:33). Hàng triệu người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cố gắng noi theo Ngài nhờ những lời của họ được ghi chép trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, một số người có thể tự hỏi: Nếu Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của toàn thế gian, vậy thì tại sao những người tận mắt trông thấy Ngài chỉ giới hạn cho một số người trong một khu vực nhỏ?

Sách Mặc Môn là một chứng thư khác, đầy sức thuyết phục rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, “đã biểu hiện cho tất cả quốc gia biết” (trang tựa của Sách Mặc Môn) và ban cho sự cứu rỗi cho tất cả những ai đến cùng Ngài. Thêm vào đó, chứng thư thứ hai này cũng làm sáng tỏ ý nghĩa của sự cứu rỗi. Đây là lý do tại sao Nê Phi, Gia Cốp, Mặc Môn, và tất cả các vị tiên tri đã “cần mẫn làm việc để ghi khắc những chữ này trên các bảng khắc”—để tuyên bố với các thế hệ tương lai rằng họ cũng “đã biết về Đấng Ky Tô, và … đã từng hy vọng trông đợi vinh quang của Ngài” (Gia Cốp 4:3–4). Mùa lễ Phục Sinh này, hãy suy nghĩ về các chứng ngôn trong Sách Mặc Môn về quyền năng của Đấng Cứu Rỗi dành cho cả nhân loại lẫn cá nhân—để cứu chuộc toàn bộ thế gian và cứu chuộc anh chị em.

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

biểu tượng lớp giáo lý
Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, tôi sẽ được phục sinh.

Theo truyền thống, lễ Phục Sinh là để suy ngẫm về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng việc được phục sinh chính xác có nghĩa gì? Sách Mặc Môn mang lại những hiểu biết sâu sắc nào về sự phục sinh? Vào mùa lễ Phục Sinh này, anh chị em có thể liệt kê ra các lẽ thật về sự phục sinh mà mình tìm thấy trong 2 Nê Phi 9:6–15, 22; An Ma 11:42–45; 40:21–25; 3 Nê Phi 26:4–5.

Anh chị em cũng có thể ghi lại xem những lẽ thật này về sự phục sinh ảnh hưởng như thế nào đến hành động và cách anh chị em sống. Ví dụ, hãy suy ngẫm về cách anh chị em sẽ hoàn tất những câu này: Nếu tôi không biết những điều này …Vì tôi biết những điều này …

Một bài thánh ca như “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 38) có thể giúp anh chị em nghĩ về lý do tại sao Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi là quan trọng đối với anh chị em. Khi hát, hãy lắng nghe, hoặc đọc bài thánh ca, anh chị em có thể tự hỏi: “Cuộc sống của tôi khác biệt như thế nào nhờ Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sinh?”

Xin xem thêm Lu Ca 24:36–43; 1 Công Vụ Các Sứ Đồ 24:15; 1 Cô Rinh Tô 15:12–23; Reyna I. Aburto, “Mồ Mả Không Còn Sự Đắc Thắng Được Nữa,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 85–86.

Chúa Giê Su Ky Tô mang lên mình Ngài những tội lỗi, nỗi đau khổ, và sự yếu đuối của tôi.

Kinh Thánh giảng dạy một cách rõ ràng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã chuộc tội lỗi cho chúng ta. Sách Mặc Môn mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về sự hy sinh và nỗi thống khổ của Đấng Ky Tô theo những cách thức quan trọng. Anh chị em có thể tìm thấy một vài những lời giảng dạy này trong Mô Si A 3:7; 15:5–9; An Ma 7:11–13. Sau khi anh chị em đọc các đoạn này, hãy cân nhắc ghi chép lại những điều anh chị em khám phá ra vào một bảng biểu giống như sau:

Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng điều gì?

Tại sao Ngài chịu thống khổ?

Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi?

Đây là một cách khác để nghiên cứu các đoạn này: Hãy tìm kiếm những bài thánh ca mà anh chị em cảm thấy phù hợp với các sứ điệp mà các câu thánh thư đó giảng dạy. Bảng mục lục “Thánh Thư” ở cuối sách thánh ca có thể giúp ích. Các cụm từ nào từ các bài thánh ca và các câu thánh thư này giúp anh chị em biết ơn sâu sắc hơn về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi?

Xin xem thêm Ê Sai 53; Hê Bơ Rơ 4:14–16; Gérald Caussé, “Một Nhân Chứng Sống về Đấng Ky Tô Hằng Sống,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 38–40.

Chúa Giê Su Ky Tô có thể thanh tẩy tôi và giúp tôi được hoàn hảo.

Có thể nói rằng phần lớn Sách Mặc Môn là một câu chuyện về một dân tộc đã thay đổi nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em có thể đọc một vài kinh nghiệm này trong Mô Si A 5:1–2; 27:8–28; và An Ma 15:3–12; 24:7–19. Anh chị em cũng có thể nghĩ ra những ví dụ khác để học. Anh chị em để ý thấy những kinh nghiệm này có điểm chung nào? Anh chị em để ý thấy những điểm khác biệt nào? Những kinh nghiệm này dạy cho anh chị em điều gì về cách Đấng Cứu Rỗi có thể thay đổi anh chị em?

Xin xem thêm An Ma 5:6–14; 13:11–12; 19:1–16; 22:1–26; 36:16–21; Ê The 12:27; Mô Rô Ni 10:32–33.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Bởi vì Chủ Nhật này là ngày Chủ Nhật tuần thứ năm của tháng, các giảng viên Hội Thiếu Nhi được khuyến khích sử dụng các sinh hoạt học tập trong “Phụ Lục B: Chuẩn Bị Cho Trẻ Em Bước Đi trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Đời.”

Bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sinh nên tôi cũng sẽ được phục sinh.

  • Anh chị em có thể sử dụng “Chương 53: Chúa Giê Su Bị Đóng Đinh” và “Chương 54: Chúa Giê Su Phục Sinh” (trong Các Câu Chuyện trong Kinh Tân Ước, trang 136–138, 139–144) để kể cho các bé nghe về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Hoặc hãy để cho các bé kể câu chuyện đó, bằng cách sử dụng những bức tranh trong những chương này.

  • Sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi Phục Sinh đến Châu Mỹ là một bằng chứng hùng hồn về Sự Phục Sinh của Ngài. Hãy cân nhắc việc kể cho các bé nghe về sự kiện đó bằng cách sử dụng 3 Nê Phi 1117; bài hát “Ngày Nay Chúa Phục Sinh” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 54). Hãy khuyến khích các bé tưởng tượng xem việc rờ vào các vết thương của Chúa Giê Su (xin xem 3 Nê Phi 11:14–15) hoặc là một trong những đứa trẻ được Ngài ban phước (xin xem 3 Nê Phi 17:21) thì sẽ như thế nào. Hãy chia sẻ với nhau những cảm nghĩ của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Sinh của Ngài.

  • Để giúp các bé khám phá điều mà Sách Mặc Môn dạy về sự phục sinh, anh chị em có thể mời chúng giả vờ rằng anh chị em không biết gì về điều đó và yêu cầu chúng giải thích điều đó cho anh chị em. Hãy giúp chúng tìm trong 2 Nê Phi 9:10–15; An Ma 11:41–45; và An Ma 40:21–23 để trả lời cho những câu hỏi như: Được phục sinh có nghĩa là gì? Ai sẽ được phục sinh? Cũng hãy mời các bé làm chứng về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi như là một phần của câu trả lời của chúng.

Chúa Giê Su Ky Tô biết cách an ủi tôi.

  • Mô Si A 3:7An Ma 7:11 mô tả một số điều Đấng Cứu Rỗi đã trải qua trong Sự Chuộc Tội của Ngài. Anh chị em có thể đọc một trong những câu thánh thư này cho các bé nghe và bảo chúng lắng nghe những từ mà cho chúng biết điều mà Chúa Giê Su đã chịu đựng vì chúng ta. Sau đó, anh chị em có thể đọc An Ma 7:12 để tìm hiểu lý do tại sao Ngài chịu đựng điều đó. Làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã cảm nhận được tất cả “những đau đớn và bệnh tật” của chúng ta để Ngài có thể hiểu cách để an ủi chúng ta.

  • Các bé có thích một bài thánh ca hoặc bài hát nào về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài không? Anh chị em có thể cùng nhau hát bài hát đó—hoặc học một bài hát mới. Hãy nói về những từ hoặc cụm từ trong lời bài hát mà dạy anh chị em về sự an ủi và bình an mà Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta.

Đấng Ky Tô cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Gethsemane (Vườn Ghết Sê Ma Nê), tranh do Michael T. Malm họa

Chúa Giê Su Ky Tô có thể thanh tẩy tôi và giúp tôi thay đổi.

  • Sách Mặc Môn đưa ra nhiều ví dụ về những người được thay đổi nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Có lẽ các bé có thể chọn một người để học hỏi, chẳng hạn như Ê Nót (xin xem Ê Nót 1:2–8), An Ma Con (xin xem Mô Si A 27:8–24), hoặc dân An Ti Nê Phi Lê Hi (xin xem An Ma 24:7–19). Người này hoặc nhóm người này đã thay đổi như thế nào nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? Làm thế nào chúng ta có thể noi theo các tấm gương của họ?

  • Anh chị em và các bé cũng có thể so sánh một vật gì đó sạch sẽ và một vật gì đó dơ bẩn và nói về cách mà những vật dơ bẩn được làm cho sạch sẽ. Cùng nhau đọc An Ma 13:11–13. Chúa Giê Su đã làm gì để chúng ta có thể được thanh tẩy khỏi tội lỗi của mình? Việc này làm cho chúng ta cảm thấy như thế nào về tội lỗi? Việc này làm cho chúng ta cảm thấy như thế nào về Đấng Cứu Rỗi?

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hãy sống xứng đáng với sự hướng dẫn của Thánh Linh. Thánh Linh là một giảng viên thực sự. Khi anh chị em tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài và sống xứng đáng, Ngài sẽ ban cho anh chị em những ý nghĩ và ấn tượng về cách đáp ứng nhu cầu của những người mà anh chị em giảng dạy.

Đấng Ky Tô chào đón dân Nê Phi

Tranh minh họa Đấng Ky Tô cùng với dân Nê Phi, do Ben Sowards họa