“Ngày 11–17 tháng Ba: ‘Một Công Việc Lạ Lùng và Một Điều Kỳ Diệu.’ 2 Nê Phi 26–30,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)
“Ngày 11–17 tháng Ba. 2 Nê Phi 26–30,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)
Ngày 11–17 tháng Ba: “Một Công Việc Lạ Lùng và Một Điều Kỳ Diệu”
2 Nê Phi 26–30
Nê Phi đã viết: “Tôi tiên tri cho các người biết về những ngày cuối cùng” (2 Nê Phi 26:14). Nói cách khác, ông viết về thời kỳ của chúng ta. Và chúng ta có lý do để lo lắng về điều ông đã thấy: loài người chối bỏ quyền năng và những phép lạ của Thượng Đế; sự ganh tị và xung đột lan rộng. Nhưng ngoài “những việc làm trong bóng tối” trong những ngày sau này (2 Nê Phi 26:10, 22) do kẻ nghịch thù cầm đầu, Nê Phi cũng nói về “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu” do chính Thượng Đế dẫn dắt (2 Nê Phi 27:26). Trọng tâm của công việc đó sẽ là một quyển sách—một quyển sách vạch trần những lời dối trá của Sa Tan và quy tụ những người ngay chính. Sách đó là Sách Mặc Môn, còn công việc lạ lùng là công việc của Giáo Hội của Chúa trong những ngày sau, và điều kỳ diệu chí ít cũng là Thượng Đế mời gọi tất cả chúng ta, bất kể những yếu kém của chúng ta, để tham gia vào việc quy tụ.
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Thượng Đế đã chuẩn bị Sách Mặc Môn cho thời kỳ của chúng ta.
Trong 2 Nê Phi 26–27, Nê Phi đã trích dẫn từ một lời tiên tri trước đó của Ê Sai (xin xem Ê Sai 29) và áp dụng điều đó cho dân của ông và biên sử của họ—Sách Mặc Môn. Ông biết qua sự mặc khải, ngay cả trước khi Sách Mặc Môn được hoàn tất, rằng một ngày nào đó nó sẽ “có một giá trị rất lớn lao đối với con cái loài người” (2 Nê Phi 28:2). Tại sao Sách Mặc Môn có một giá trị rất lớn lao đối với anh chị em? Hãy nghĩ về câu hỏi này khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 29–30. “Công việc lạ lùng” (2 Nê Phi 27:26) mà Thượng Đế đang hoàn tất trên thế gian và trong cuộc sống của anh chị em qua Sách Mặc Môn là gì?
Xin xem thêm Joseph Smith—Lịch Sử 1:62–65.
Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi tất cả chúng ta hãy đến cùng Ngài.
Có nhiều lẽ thật tuyệt vời để suy ngẫm trong 2 Nê Phi 26:23–24. Ví dụ, anh chị em có thể nghĩ về điều Chúa Giê Su Ky Tô đã làm vì “lợi ích cho thế gian”—và cho anh chị em. Làm thế nào Ngài “thu hút tất cả loài người”—và anh chị em—“đến với Ngài”? Anh chị em cảm thấy được soi dẫn làm gì để đáp lại tình yêu thương của Ngài?
Hãy tiếp tục đọc và tìm kiếm các lẽ thật về Đấng Cứu Rỗi trong các câu 25–33. Hãy đặc biệt lưu ý đến những lời mời gọi của Ngài. Làm thế nào anh chị em có thể tóm tắt sứ điệp của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho mình chỉ trong một câu?
Hãy suy ngẫm xem các câu thánh thư này có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp xúc với những người khác và mời gọi họ đến cùng Đấng Ky Tô. Anh chị em có thể tìm thêm ý kiến trong sứ điệp của Anh Cả D. Todd Christofferson “Giáo Lý về Sự Thuộc Vào” (Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 53–56).
Xin xem thêm 3 Nê Phi 18:30–32; Dallin H. Oaks, “Đấng Cứu Rỗi Đã Làm Gì cho Chúng Ta?,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 75–77.
Sa Tan tìm cách lừa gạt.
Nhiều sự giả dối và quỷ kế của Sa Tan được vạch trần trong 2 Nê Phi 28. Hãy tìm kiếm chúng trong các câu 6, 8, 21–23, 29. Tại sao anh chị em cần phải biết về những sự giả dối của Sa Tan? Anh chị em sẽ làm gì khi kẻ nghịch thù cố gắng lừa gạt anh chị em?
Dưới đây là một số câu thánh thư bác bỏ những lời dối trá của Sa Tan. Hãy xem liệu anh chị em có thể tìm sự đối lập giữa giáo lý chân chính trong các câu này với giáo lý sai lạc mà Nê Phi đã cảnh báo chúng ta trong 2 Nê Phi 28:
-
2 Nê Phi 2:17: có một quỷ dữ (2 Nê Phi 28:22: “Tôi không phải là quỷ dữ, vì làm gì có quỷ”)
Xin xem thêm Gary E. Stevenson, “Chớ Dối Gạt Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 93–96.
Thượng Đế tiếp tục ban sự mặc khải để hướng dẫn các con cái của Ngài.
Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta được ban phước dồi dào với lời của Thượng Đế. Tuy nhiên, như Nê Phi đã cảnh báo, chúng ta đừng bao giờ cảm thấy rằng “chúng ta có đủ rồi!” Khi anh chị em đọc những lời cảnh báo trong 2 Nê Phi 28:27–31 và 2 Nê Phi 29, hãy suy ngẫm những câu hỏi như sau:
-
Thượng Đế muốn tôi cảm nhận điều gì và phản ứng như thế nào về lời của Ngài?
-
Tại sao đôi khi người ta “tức giận” về việc tiếp nhận thêm lẽ thật từ Thượng Đế? (2 Nê Phi 28:28). Tôi có bao giờ cảm thấy như thế không? Nếu thế thì, làm thế nào tôi có thể thay đổi?
-
Việc tiếp nhận lời của Thượng Đế có nghĩa là gì? Làm thế nào tôi có thể cho Ngài thấy rằng tôi muốn nhận được nhiều lời của Ngài hơn?
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Chúa Giê Su Ky Tô muốn tất cả mọi người đến cùng Ngài.
-
Để giảng dạy các bé về những lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này, anh chị em có thể nói chuyện với chúng về những lần chúng mời mọi người đến một sự kiện đặc biệt, như một bữa tiệc sinh nhật. Sau đó, anh chị em có thể cùng nhau đọc 2 Nê Phi 26:23–28 và tìm hiểu điều Chúa Giê Su đang mời chúng ta làm. Các bé có thể muốn làm một tấm thiệp để mời một người nào đó đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy khuyến khích chúng sử dụng một cụm từ trong các câu này trong thiệp mời của chúng.
-
Bức tranh ở cuối đại cương này cho thấy mọi người có gốc gác khác nhau. Các bé có thể xem bức tranh này khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 26:33. Anh chị em có thể lặp lại cụm từ “Chúa Giê Su mời gọi tất cả mọi người hãy đến cùng Ngài” khi các bé chỉ vào mỗi người trong bức hình—và rồi chỉ chính chúng. Làm thế nào để chúng ta đến cùng Chúa Giê Su?
2 Nê Phi 28:2; 29:7–11; 30:3–6
Sách Mặc Môn là một phước lành.
-
Để giúp các bé cảm thấy rằng Sách Mặc Môn có “một giá trị rất lớn lao” (2 Nê Phi 28:2), anh chị em có thể gói một quyển Sách Mặc Môn lại như là một món quà và để cho chúng đoán bên trong có gì. Chúng có thể tìm kiếm những manh mối trong 2 Nê Phi 30: 3–6. Nói cho các bé biết lý do tại sao Sách Mặc Môn có giá trị rất lớn lao đối với anh chị em, và cũng hãy để cho chúng chia sẻ những cảm nghĩ của mình.
-
Hãy cân nhắc việc yêu cầu các bé tưởng tượng rằng có một người bạn nói: “Tôi không cần phải đọc Sách Mặc Môn. Tôi có Kinh Thánh để đọc rồi.” Chúng ta có thể nói gì với người bạn của mình? Hãy cùng nhau đọc 2 Nê Phi 29:7–11 để biết lý do tại sao Thượng Đế muốn chúng ta có cả hai quyển sách.
Cha Thiên Thượng giảng dạy cho tôi từng chút một.
-
Anh chị em có thể nghĩ về một bài học sử dụng đồ vật mà sẽ giúp các bé hiểu ý nghĩa của việc học hỏi “từng hàng chữ một.” Ví dụ, chúng có thể ghép hoặc xây một cái gì đó với những khối ghép hình, từng miếng một. Hoặc anh chị em có thể dạy cho chúng một kỹ năng theo từng bước một, chẳng hạn như thắt nơ hoặc vẽ hình. Sau đó anh chị em có thể đọc 2 Nê Phi 28:30 và thảo luận cách Cha Thiên Thượng giảng dạy chúng ta từng lẽ thật một.
-
Một ý kiến khác có thể là chọn một cụm từ trong 2 Nê Phi 28:30 và thay nhau viết cụm từ đó, từng từ một. Điều này giống với cách Thượng Đế ban cho chúng ta lẽ thật như thế nào? Tại sao Thượng Đế mặc khải lẽ thật cho chúng ta “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít” thay vì tất cả lẽ thật cùng một lúc? Làm thế nào chúng ta có thể cho Thượng Đế thấy rằng chúng ta muốn nhận được thêm lẽ thật từ Ngài?