Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 18–24 tháng Ba: “Đây Là Con Đường.” 2 Nê Phi 31–33


“Ngày 18–24 tháng Ba: ‘Đây Là Con Đường.’ 2 Nê Phi 31–33,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 18–24 tháng Ba. 2 Nê Phi 31–33,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy các môn đồ của Ngài

Christ Teaching His Disciples (Đấng Ky Tô Giảng Dạy Các Môn Đồ của Ngài), tranh do Justin Kunz họa

Ngày 18–24 tháng Ba: “Đây Là Con Đường”

2 Nê Phi 31–33

Trong những lời cuối cùng được Nê Phi ghi lại, chúng ta thấy tuyên bố này: “Vì Chúa đã truyền lệnh cho tôi như vậy, và tôi phải tuân theo” (2 Nê Phi 33:15). Đây là câu tóm lược rất đúng về cuộc đời của Nê Phi. Ông đã cố gắng để hiểu được ý muốn của Thượng Đế và can đảm tuân theo ý muốn đó—cho dù phải mạo hiểm mạng sống của ông để lấy các bảng khắc bằng đồng từ La Ban, đóng một chiếc tàu và vượt biển, hoặc trung tín giảng dạy giáo lý của Đấng Ky Tô thật rõ ràng và đầy quyền năng. Nê Phi có thể nói một cách đầy thuyết phục về sự cần thiết để “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô,” khi đi theo “con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:20, 18), bởi vì đó là con đường mà chính ông đã theo. Ông biết qua kinh nghiệm rằng con đường này, tuy là đôi khi có nhiều đòi hỏi, nhưng cũng đầy niềm vui, và rằng “không còn con đường hay danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này mà nhờ đó loài người được cứu vào vương quốc của Thượng Đế” (2 Nê Phi 31:21).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

2 Nê Phi 31

Chúa Giê Su Ky Tô và giáo lý của Ngài là con đường duy nhất dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Nếu phải tóm tắt con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu chỉ trong một vài từ, thì anh chị em sẽ nói gì? Hãy lưu ý cách Nê Phi mô tả điều đó trong 2 Nê Phi 31. Cân nhắc việc vẽ một con đường và viết dọc theo con đường đó một số nguyên tắc hoặc các bước mà anh chị em tìm thấy trong các chương này. Anh chị em có thể thêm vào bức tranh lời tóm lược của riêng mình về những điều Nê Phi đã dạy về mỗi nguyên tắc.

Khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 31:18–20, hãy đánh giá những nỗ lực của chính anh chị em để “tiến tới” theo con đường phúc âm.

Hình Ảnh
gia đình cầu nguyện với nhau

Việc làm theo những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu.

2 Nê Phi 31:4–13

Chúa Giê Su Ky Tô nêu tấm gương hoàn hảo về sự vâng lời khi Ngài chịu phép báp têm.

Cho dù phép báp têm của anh chị em đã diễn ra ngày hôm qua hay cách đây 80 năm, thì đó vẫn là khoảnh khắc quan trọng. Anh chị em đã lập một giao ước vĩnh cửu để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy nghĩ về lễ báp têm của anh chị em khi anh chị em đọc về lễ báp têm của Đấng Cứu Rỗi trong 2 Nê Phi 31:4–13. Có thể hữu ích khi trả lời những câu hỏi như sau:

  • Tại sao Đấng Ky Tô chịu phép báp têm? Tại sao tôi chọn để được báp têm?

  • Tôi đã lập những lời hứa nào khi chịu phép báp têm? Đổi lại, Chúa hứa điều gì? (xin xem các câu 12–13, xin xem thêm Mô Si A 18:10, 13).

  • Làm thế nào tôi có thể cho thấy rằng tôi vẫn cam kết noi theo Chúa Giê Su Ky Tô?

2 Nê Phi 31:15–20

“Kẻ nào kiên trì đến cùng thì sẽ được cứu.”

Khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 31:15–20, hãy tự hỏi bản thân rằng: “Làm sao tôi có thể biết được mình có đang kiên trì đến cùng hay không?” Anh chị em học được điều gì từ Nê Phi mà giúp anh chị em trả lời câu hỏi này?

Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy: “Kiên trì đến cùng không phải là một bước riêng biệt trong giáo lý của Đấng Ky Tô—như thể chúng ta hoàn tất bốn bước đầu tiên và sau đó thu mình lại, nghiến răng, và chờ chết. Không phải, kiên trì đến cùng là việc lặp lại các bước đó một cách tích cực và có chủ ý” (“Lifelong Conversion” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 14 tháng Chín năm 2021], trang 2, speeches.byu.edu). Làm thế nào anh chị em có thể lặp lại các bước trong giáo lý của Đấng Ky Tô (đức tin, sự hối cải, phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh)?

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

2 Nê Phi 32; 33:2

Qua những lời của Đấng Ky Tô và Đức Thánh Linh, Thượng Đế sẽ chỉ cho tôi điều phải làm.

Anh chị em có bao giờ cảm thấy không chắc chắn về những bước tiếp theo trong cuộc sống của mình không? Dân của Nê Phi cũng có những lo lắng tương tự (xin xem 2 Nê Phi 32:1). Hãy tìm kiếm câu trả lời của Nê Phi trong 2 Nê Phi 32:2–9. Bằng lời riêng của mình, anh chị em sẽ nói như thế nào về điều mà Nê Phi đã dạy? Những kinh nghiệm nào đã dạy anh chị em biết rằng những lời của Nê Phi là chân chính?

Cân nhắc việc lập một bản liệt kê các quyết định hoặc tình huống (bây giờ và trong tương lai) mà trong đó anh chị em cần sự hướng dẫn của Thượng Đế. Anh chị em có thể học được điều gì từ 2 Nê Phi 32 mà sẽ giúp anh chị em thành công trong việc nhận được sự soi dẫn từ Ngài? Điều gì có thể dẫn con người đến việc “chai đá trong lòng chống lại Đức Thánh Linh”? (2 Nê Phi 33:2).

Khi suy ngẫm về lời khuyên dạy của Nê Phi, hãy nghĩ về cách anh chị em học những lời của Đấng Cứu Rỗi. Anh chị em học ít, học vừa đủ hay học nhiều? Theo anh chị em, sự khác biệt giữa những điều đó là gì? Hãy suy ngẫm xem làm thế nào anh chị em có thể nuôi dưỡng những lời của Đấng Cứu Rỗi. Anh chị em có thể hỏi ý kiến của một người bạn hoặc một người trong gia đình.

Hãy nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô. Có nhiều cách để nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, kể cả cầu nguyện để có được sự soi dẫn, đặt câu hỏi trước và trong khi học, định nghĩa các từ ngữ, suy ngẫm, tham khảo chéo, ghi chép, tìm kiếm các lẽ thật phúc âm, và áp dụng thánh thư vào cuộc sống của mình (xin xem 1 Nê Phi 19:23).

Làm thế nào anh chị em mời Đức Thánh Linh làm một người bạn đồng hành thường xuyên trong cuộc sống của mình, thay vì là một người khách thỉnh thoảng đến thăm? Hãy đọc ba đề nghị của Anh Cả David A. Bednar để làm cho sự đồng hành của Đức Thánh Linh “luôn trở thành thực sự” trong “Nhận Được Đức Thánh Linh” (Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 94–97). Anh chị em sẽ áp dụng lời khuyên dạy của ông như thế nào?

2 Nê Phi 33

Sách Mặc Môn thuyết phục tất cả chúng ta tin vào Đấng Ky Tô.

Trong 2 Nê Phi 33, khi Nê Phi kết thúc phần ghi chép của mình, ông đã giải thích những lý do khiến ông bắt đầu biên sử này. Anh chị em tìm thấy những lý do nào trong chương này? Hãy suy ngẫm về những câu chuyện và những lời giảng dạy mà anh chị em đã đọc được cho đến hiện tại trong 1 Nê Phi và 2 Nê Phi. Điều gì đã ảnh hưởng đến anh chị em và đức tin của anh chị em nơi Đấng Ky Tô nhiều nhất?

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

2 Nê Phi 31:4–13

Khi chịu phép báp têm, tôi sẽ noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Có một tấm hình Chúa Giê Su chịu phép báp têm ở cuối đại cương này. Các bé có thể sử dụng hình đó để nói cho anh chị em biết những gì chúng biết về sự kiện này (xin xem thêm Ma Thi Ơ 3:13–17). Tại sao Chúa Giê Su muốn chúng ta chịu phép báp têm giống như Ngài? Các bé có thể lắng nghe những lý do đó trong lúc cùng anh chị em đọc các phần của 2 Nê Phi 31:4–13. Có thể hữu ích nếu có một người nào đó mới vừa chịu phép báp têm chia sẻ kinh nghiệm của người đó.

2 Nê Phi 31

Chúa Giê Su Ky Tô dạy tôi cách để trở về với Cha Thiên Thượng.

  • Để giúp các bé hình dung ra những lời giảng dạy trong 2 Nê Phi 31, chúng có thể vẽ một con đường với một bức hình của Đấng Ky Tô ở cuối đường. Anh chị em có thể giúp chúng tìm kiếm hoặc vẽ những hình ảnh tượng trưng cho các bước trên con đường đó, chẳng hạn như đức tin nơi Đấng Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng. Chúng có thể chỉ vào các hình vẽ khi cùng anh chị em đọc 2 Nê Phi 31:17–20.

2 Nê Phi 32:3–5

Tôi có thể nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô.

  • Để giảng dạy về việc “nuôi dưỡng (như ăn tiệc)” những lời nói của Đấng Ky Tô, anh chị em có thể yêu cầu chúng diễn tả bằng hành động cách chúng sẽ thưởng thức món ăn ưa thích. Trong 2 Nê Phi 32:3, Nê Phi đã nói chúng ta nên nuôi dưỡng điều gì? Việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế khác với việc chỉ đọc lời đó như thế nào? Có lẽ các bé có thể diễn tả bằng hành động những điểm khác biệt. Hãy chia sẻ với chúng các phước lành mà anh chị em đã nhận được khi nuôi dưỡng thánh thư.

2 Nê Phi 32:8–9

Cha Thiên Thượng muốn tôi cầu nguyện luôn luôn.

  • Sau khi đọc 2 Nê Phi 32:8–9, 33, hãy nói với các bé về lý do tại sao Sa Tan không muốn chúng ta cầu nguyện. Tại sao Thượng Đế muốn chúng ta “cầu nguyện luôn luôn”? Các bé có thể lập một bản liệt kê hoặc vẽ tranh về những tình huống mà chúng có thể cầu nguyện. Rồi anh chị em có thể hát một bài dạy về lời cầu nguyện, như bài “Ta Có Nhớ Nguyện Cầu?Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 48). Anh chị em có thể thay thế một số từ trong bài hát bằng những từ trong bản liệt kê của chúng. Thượng Đế ban phước cho chúng ta như thế nào khi chúng ta cầu nguyện luôn luôn?

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Giăng Báp Tít làm phép báp têm cho Chúa Giê Su

To Fulfill All Righteousness (Cho Trọn Mọi Sự Công Bình), tranh do Liz Lemon Swindle họa

In