Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 12–18 tháng Hai: “Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc.” 2 Nê Phi 3–5


“Ngày 12–18 tháng Hai: ‘Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc.’ 2 Nê Phi 3–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 12–18 tháng Hai. 2 Nê Phi 3–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
Nê Phi và vợ

Ngày 12–18 tháng Hai: “Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc”

2 Nê Phi 3–5

Khi đọc 1 Nê Phi, anh chị em có thể nhận được ấn tượng rằng bằng cách nào đó Nê Phi rất phi thường. “Có vóc dáng cao lớn” về mặt thể chất lẫn thuộc linh (1 Nê Phi 2:16), ông dường như không bị lay chuyển bởi những thử thách mà ông gặp phải. Hoặc ít nhất chúng ta cho rằng như vậy. Mặc dù đức tin của Nê Phi rất phi thường, nhưng những lời bộc bạch đau đớn của ông trong 2 Nê Phi 4 cho thấy rằng ngay cả những người trung tín nhất đôi khi cũng cảm thấy “khốn [khổ]” và bị “quấy nhiễu … dễ dàng” bởi những cám dỗ. Ở đây chúng ta thấy một người đang cố gắng, muốn được vui mừng, nhưng “tim … lại rên rỉ vì những tội lỗi của [ông].” Chúng ta có thể hiểu được điều này và hiểu cả quyết tâm đầy hy vọng theo sau: “Tuy nhiên, tôi biết mình đã đặt lòng tin cậy nơi ai rồi” (xin xem 2 Nê Phi 4:15–19).

Trong khi Nê Phi và dân của ông biết cách để sống “trong hạnh phúc” (2 Nê Phi 5:27), họ cũng đã học được rằng hạnh phúc không đến dễ dàng mà không có những thời kỳ đau buồn. Nhưng cuối cùng, hạnh phúc sẽ đến từ việc tin cậy Chúa, “tảng đá ngay chính [của chúng ta]” (2 Nê Phi 4:35).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

2 Nê Phi 3:6–24

Joseph Smith đã được Thượng Đế chọn để phục hồi phúc âm.

Lê Hi chia sẻ với con trai Giô Sép của ông về một lời tiên tri do Giô Sép ở Ai Cập đưa ra. Lời tiên tri này nói về một “vị tiên kiến chọn lọc” trong tương lai, tức là Joseph Smith. Các câu 6–24 nói rằng Joseph Smith sẽ làm gì để ban phước cho dân của Thượng Đế? Hãy nghĩ xem công việc của Joseph Smith đã “có một giá trị lớn lao” như thế nào đối với anh chị em. Hãy nghĩ về những câu hỏi như sau, và cân nhắc ghi lại những câu trả lời của anh chị em:

  • Anh chị em biết điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô nhờ vào những điều Joseph Smith đã dạy?

  • Cuộc sống của anh chị em khác biệt như thế nào nhờ vào những điều mà Chúa đã phục hồi qua Joseph Smith?

  • Cuộc sống của anh chị em sẽ như thế nào nếu Sự Phục Hồi không xảy ra?

Một phần quan trọng trong sứ mệnh của Joseph Smith là phổ biến Sách Mặc Môn. Anh chị em học được điều gì từ chương này về lý do tại sao Sách Mặc Môn lại quan trọng? Đặc biệt, anh chị em có thể tìm kiếm những lý do trong các câu 7, 11–13, 18–24.

Xin xem thêm “Ca Khen Người,” Thánh Ca Và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 50.

Hình Ảnh
Tiên Tri Joseph Smith

Prophet of the Lord (Vị Tiên Tri của Chúa), tranh do David Lindsley họa

2 Nê Phi 4:15–35

“Hỡi Chúa, con đã tin cậy nơi Ngài.”

Nê Phi nói rằng ông sẽ “ghi lại những điều trong tâm hồn [ông]” (câu 15). Khi anh chị em đọc điều ông đã viết trong 2 Nê Phi 4:15–35, hãy tự hỏi: “Tâm hồn tôi có những điều gì?” Hãy cân nhắc việc viết chúng xuống, như Nê Phi đã làm, và chia sẻ chúng với những người mà anh chị em yêu thương.

Việc thấy cách Nê Phi tìm kiếm sự an ủi khi ông cảm thấy quá sức chịu đựng và lo lắng có thể giúp ích cho anh chị em khi anh chị em có những cảm giác tương tự. Hãy tìm trong các câu 15–35 những đoạn thánh thư mà sẽ mang lại sự an ủi cho anh chị em. Anh chị em có biết một người nào khác mà có thể tìm thấy sự an ủi trong các đoạn này không?

Xin xem thêm Ronald A. Rasband, “Những Điều Trong Tâm Hồn Tôi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 39–41.

2 Nê Phi 5

Tôi có thể tìm thấy hạnh phúc trong việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh chị em nghĩ hạnh phúc có nghĩa là gì? Nê Phi đã viết rằng dân ông sống “trong hạnh phúc” (2 Nê Phi 5:27). Anh chị em có thể tìm kiếm những sự lựa chọn của Nê Phi và dân của ông mà đã giúp họ được hạnh phúc (xin xem, ví dụ 2 Nê Phi 5:6, 10–17). Điều gì có thể giúp anh chị em xây đắp một cuộc sống hạnh phúc giống như dân Nê Phi?

2 Nê Phi 5:20–21

Sự nguyền rủa nào đã giáng xuống dân La Man?

Trong thời kỳ của Nê Phi, dân La Man đã bị nguyền rủa rằng họ “bị loại trừ khỏi sự hiện diện của Chúa … vì những điều bất chính của họ” (2 Nê Phi 5:20–21). Điều này có nghĩa là Thánh Linh của Chúa đã rút khỏi cuộc sống của họ. Về sau, khi dân La Man chấp nhận phúc âm thì “sự rủa sả của Thượng Đế không còn theo họ nữa” (An Ma 23:18).

Sách Mặc Môn cũng nêu ra rằng dân La Man đã bị đánh dấu bởi màu da sẫm sau khi dân Nê Phi tách khỏi họ. Chúng ta không thể hiểu hết bản chất và sự biểu lộ bề ngoài của dấu này. Ban đầu, dấu này giúp phân biệt dân La Man với dân Nê Phi. Về sau, khi dân Nê Phi và dân La Man đều đã trải qua những thời kỳ tà ác cũng như ngay chính thì dấu này trở nên không còn ý nghĩa nữa.

Các vị tiên tri đã khẳng định trong thời kỳ của chúng ta rằng màu da đen không phải là dấu của sự ghét bỏ hay nguyền rủa đến từ Thượng Đế. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Tôi cam đoan với anh chị em rằng vị thế của anh chị em trước mặt Thượng Đế không được quyết định bởi màu da của anh chị em. Việc làm Thượng Đế đẹp lòng hoặc không hài lòng tùy thuộc vào [sự] tận tụy của anh chị em đối với Thượng Đế và các giáo lệnh của Ngài chứ không phải vào màu da của anh chị em” (“Hãy Để Thượng Đế Ngự Trị,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 94).

Như Nê Phi đã dạy, Chúa “không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ; … tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế” (2 Nê Phi 26:33).

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

2 Nê Phi 3:6–24

Joseph Smith là một vị tiên tri.

  • Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể giảng dạy các bé về công việc vĩ đại mà Thượng Đế đã thực hiện qua Joseph Smith. Để bắt đầu, anh chị em có thể giúp các bé tìm kiếm từ “vị tiên kiến” trong 2 Nê Phi 3:6 và giải thích rằng các vị tiên tri được gọi là các vị tiên kiến bởi vì Cha Thiên Thượng giúp họ thấy được những điều chúng ta không thể thấy. Chia sẻ lý do tại sao anh chị em biết ơn vì có một vị tiên kiến lãnh đạo Giáo Hội.

  • Sách Họa Phẩm Phúc Âm có một số hình ảnh mà anh chị em có thể sử dụng để giảng dạy về công việc mà Thượng Đế đã làm qua Joseph Smith (xin xem các bức hình 89–95). Hãy để các bé chia sẻ điều mà chúng biết về bức hình đó. Tại sao Joseph Smith được gọi là một vị “tiên kiến chọn lọc”? Joseph Smith đã làm điều gì mà “có một giá trị lớn lao”? (câu 7).

2 Nê Phi 4:15–355

Tôi yêu thích “những công việc của Chúa.”

  • Điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc? Hãy cân nhắc việc cùng nhau đọc các câu từ 2 Nê Phi 4 để tìm hiểu điều gì khiến Nê Phi hân hoan hoặc làm cho ông vui sướng (xin xem các câu 15–16, 20–25, 34–35). Trong sứ điệp của ông “Những Điều trong Tâm Hồn Tôi”, Anh Cả Ronald A. Rasband đã chia sẻ bảy “công việc của Chúa” được ông trân quý (Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 39–41). Anh chị em có thể cùng nhau xem lại bản liệt kê của ông và nói về “những công việc của Chúa” mà rất quý báu đối với anh chị em.

  • 2 Nê Phi 5 cũng mô tả những điều mà đã giúp Nê Phi sống “trong hạnh phúc” (câu 27). Anh chị em có thể cung cấp một số từ hoặc hình ảnh tượng trưng cho những điều này và giúp các bé ghép chúng với các câu thánh thư tương ứng trong chương 5. Một số ví dụ nói về gia đình (câu 6), các giáo lệnh của Thượng Đế (câu 10), thánh thư (câu 12), công việc làm (câu 15 và 17), đền thờ (câu 16), và sự kêu gọi trong Giáo Hội (câu 26). Làm thế nào mà những điều này mang lại hạnh phúc cho chúng ta?

2 Nê Phi 5:15–16

Đền thờ là nhà của Chúa.

  • Khi anh chị em đọc 2 Nê Phi 5:15–16 cho các bé nghe, chúng có thể giả vờ rằng chúng đang giúp Nê Phi xây cất một đền thờ. Anh chị em cũng có thể cho chúng thấy những bức tranh về các tòa nhà khác nhau, kể cả đền thờ. Đền thờ khác với các tòa nhà khác như thế nào? Chia sẻ với nhau lý do tại sao đền thờ là quan trọng đối với anh chị em.

Bất cứ lúc nào cũng có thể là giây phút giảng dạy. Đừng nghĩ về việc giảng dạy gia đình mình như là một điều gì đó mà anh chị em làm mỗi tuần một lần trong một bài học chính thức. Hãy xem nó như là một điều gì đó mà anh chị em có thể làm bất cứ lúc nào.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Dân Nê Phi xây cất một đền thờ

The Temple of Nephi (Đền Thờ của Nê Phi), tranh do Michael T. Malm họa

In