Đại Hội Trung Ương
Ngày Hôm Nay
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


12:1

Ngày Hôm Nay

Vị tiên tri tại thế của chúng ta đang thực hiện phần vụ của ông để làm tràn ngập thế gian với Sách Mặc Môn. Chúng ta phải tuân theo sự dẫn dắt của ông.

Các anh chị em thân mến, trong Sách Mặc Môn cụm từ “ngày hôm nay”1 được sử dụng nhiều lần để kêu gọi sự chú ý đến lời khuyên bảo, hứa hẹn, và giảng dạy. Trong bài giảng cuối cùng của mình, Vua Bên Gia Min đã khuyên nhủ dân chúng: “Hỡi đồng bào của tôi, là tất cả những người đang tập họp để nghe những lời tôi sẽ nói với các người ngày hôm nay; … hãy mở tai ra để nghe, hãy mở tâm hồn ra để hiểu, và hãy mở tâm trí ra để những điều kín nhiệm của Thượng Đế có thể phơi bày ra trước mắt mình.”2 Đại hội trung ương là một bối cảnh tương tự. Chúng ta đến để nghe lời khuyên dạy “ngày hôm nay,” để chúng ta có thể “luôn luôn trung thành”3 với Chúa và phúc âm của Ngài. “Ngày hôm nay” rất quan trọng trong việc tái lập cam kết của chúng ta đối với Sách Mặc Môn, mà Joseph Smith gọi là “đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian.”4

Quyển Sách Mặc Môn của Anh Cả Rasband

Tôi đang cầm trong tay một quyển Sách Mặc Môn. Đây là ấn bản cũ của năm 1970, và nó rất quý giá đối với tôi. Tuy bề ngoài của quyển sách đã cũ và sờn, nhưng không có cuốn sách nào khác quan trọng đối với cuộc sống và chứng ngôn của tôi như quyển sách này. Khi đọc sách đó, tôi đã nhận được một sự làm chứng bởi Thánh Linh rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế,5 rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của tôi,6 rằng các thánh thư này là lời của Thượng Đế,7 và rằng phúc âm đã được phục hồi.8 Những lẽ thật đó hằn sâu trong tôi. Như tiên tri Nê Phi đã nói: “Tâm hồn tôi rất vui thích những công việc của Chúa.”9

Anh Cả Rasband với chủ tịch phái bộ truyền giáo của ông và Anh Cả Hanks

Từ trái sang phải: Anh Cả Ronald A. Rasband, người truyền giáo trẻ tuổi; Chủ Tịch Harold Wilkinson, chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Eastern States; và Anh Cả Marion D. Hanks, Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương.

Đây là câu chuyện đằng sau. Khi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, tôi đã nghe theo lời khuyên dạy của Anh Cả Marion D. Hanks, khi ông ấy đến thăm chúng tôi ở Phái Bộ Truyền Giáo Các Tiểu Bang Miền Đông. Ông là cựu chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Anh, và hai trong số những người truyền giáo của ông hiện diện trên bục chủ tọa ngày hôm nay: Anh Cả Jeffrey R. Holland và Anh Cả Quentin L. Cook.10 Cũng giống như những người truyền giáo của ông ở Anh, ông đã yêu cầu chúng tôi đọc một quyển Sách Mặc Môn không đánh dấu ít nhất hai lần. Tôi chấp nhận thử thách đó. Lần đọc đầu tiên tôi đánh dấu hoặc gạch chân mọi điều nói đến hoặc làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đã sử dụng một cây bút chì màu đỏ và gạch chân nhiều đoạn thánh thư. Lần thứ hai, Anh Cả Hanks nói phải tô đậm các nguyên tắc và giáo lý của phúc âm, và lần này tôi sử dụng màu xanh dương để đánh dấu thánh thư. Tôi đọc Sách Mặc Môn hai lần, như đã được đề nghị, và rồi hai lần nữa sử dụng màu vàng và đen để đánh dấu các đoạn nổi bật đối với tôi.11 Như anh chị em có thể thấy, tôi đã dùng nhiều ký hiệu.

Quyển Sách Mặc Môn được đánh dấu

Việc đọc sách của tôi còn có nhiều điều hơn là chỉ đánh dấu thánh thư. Với mỗi lần đọc Sách Mặc Môn, từ đầu đến cuối, tôi đều tràn đầy tình yêu thương sâu sắc đối với Chúa. Tôi cảm thấy một sự làm chứng sâu sắc về lẽ thật của những lời giảng dạy của Ngài và cách chúng áp dụng cho “ngày hôm nay.” Cuốn sách này phù hợp với tựa đề của nó, “Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô.”12 Với sự tìm hiểu đó và sự làm chứng thuộc linh nhận được, tôi đã trở thành một người truyền giáo của Sách Mặc Môn và một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.13

“Ngày hôm nay,” Chủ Tịch Russell M. Nelson là một trong những người truyền giáo tài ba nhất của Sách Mặc Môn. Khi còn là một Sứ Đồ mới được kêu gọi, ông đã đưa ra một bài diễn thuyết ở Accra, Ghana.14 Thành phần tham dự gồm có các chức sắc, kể cả một vị vua của một bộ lạc châu Phi, là người mà ông đã nói chuyện qua một thông dịch viên. Nhà vua là một học viên nghiêm túc của Kinh Thánh và yêu mến Chúa. Sau bài nói chuyện của Chủ Tịch Nelson, vị vua đó đến gần ông và hỏi bằng tiếng Anh một cách mạch lạc: “Ông là ai?” Chủ Tịch Nelson giải thích rằng ông là “một Sứ Đồ đã được sắc phong của Chúa Giê Su Ky Tô.15 Câu hỏi kế tiếp của nhà vua là “Ông có thể dạy tôi điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô?”16

Chủ Tịch Nelson lấy quyển sách Mặc Môn và mở ra 3 Nê Phi 11. Chủ Tịch Nelson và nhà vua cùng nhau đọc bài giảng của Đấng Cứu Rỗi cho dân Nê Phi: “Này, ta là Giê Su Ky Tô, người mà các tiên tri đã làm chứng rằng sẽ đến với thế gian. … Ta là sự sáng và sự sống của thế gian.”17

Chủ Tịch Nelson tặng cho nhà vua quyển Sách Mặc Môn đó, và nhà vua đáp: “Ông có thể tặng cho tôi kim cương hay hồng ngọc, nhưng đối với tôi không có gì quý báu hơn sự hiểu biết thêm này về Chúa Giê Su Ky Tô.”18

Đó không phải là ví dụ duy nhất về cách vị tiên tri yêu dấu của chúng ta chia sẻ Sách Mặc Môn. Ông đã đưa những quyển Sách Mặc Môn cho hàng trăm người, luôn luôn làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Khi Chủ Tịch Nelson gặp các vị khách, các vị chủ tịch, các vị vua, các vị nguyên thủ quốc gia và các vị lãnh đạo của những doanh nghiệp, tổ chức và nhiều tín ngưỡng khác nhau, cho dù ở trụ sở Giáo Hội hay tại địa điểm của họ, ông đều trang trọng trao tặng quyển thánh thư đã được mặc khải này. Ông có thể tặng cho họ rất nhiều thứ được gói bằng những dải ruy băng mà có thể để trên bàn hoặc bàn làm việc hoặc trong tủ như là một điều nhắc nhở về cuộc viếng thăm của ông. Thay vì thế, ông tặng điều quý báu nhất đối với mình, vượt xa hồng ngọc và kim cương, như nhà vua của bộ lạc đã mô tả.

Chủ Tịch Nelson đã nói: “Những lẽ thật của Sách Mặc Môn có quyền năng để chữa lành, khuyên giải, phục hồi, giúp đỡ, củng cố, an ủi, và cổ vũ tâm hồn chúng ta.”19 Tôi đã thấy những quyển Sách Mặc Môn này được giữ chặt trong tay của những người nhận được chúng từ vị tiên tri của Thượng Đế. Không thể có một món quà nào lớn lao hơn.

Chủ Tịch Nelson với đệ nhất phu nhân của Gambia

Mới gần đây, ông đã gặp đệ nhất phu nhân của Gambia trong văn phòng của ông và khiêm nhường đưa cho bà một quyển Sách Mặc Môn. Ông không dừng lại ở đó. Ông mở các trang của sách ra để đọc với bà, để giảng dạy và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Chuộc Tội của Ngài, và tình yêu thương của Ngài dành cho tất cả con cái của Thượng Đế—ở khắp nơi.

Vị tiên tri tại thế của chúng ta đang thực hiện phần vụ của ông để làm tràn ngập thế gian với Sách Mặc Môn.20 Nhưng ông không thể làm một mình được. Chúng ta phải tuân theo sự dẫn dắt của ông.

Được soi dẫn bởi tấm gương của ông, tôi đã cố gắng khiêm nhường và nhiệt thành chia sẻ Sách Mặc Môn.

Anh Cả Rasband với Tổng Thống Mozambique

Gần đây tôi đã được chỉ định đến Mozambique. Những người dân ở đất nước xinh đẹp này đang vật lộn với cảnh nghèo khó, sức khỏe kém, thất nghiệp, bão tố, và tình trạng chính trị bất ổn. Tôi có vinh dự được gặp tổng thống Filipe Nyusi. Theo lời yêu cầu của ông, tôi đã cầu nguyện cho ông và dân tộc của ông; tôi nói với ông rằng chúng tôi đang xây cất một đền thờ của Chúa Giê Su Ky Tô21 ở quê hương của ông. Vào cuối cuộc viếng thăm của chúng tôi, tôi đã tặng cho ông một quyển Sách Mặc Môn bằng tiếng Bồ Đào Nha, là tiếng mẹ đẻ của ông. Khi ông nhận quyển sách này với lòng biết ơn, tôi đã làm chứng về niềm hy vọng và lời hứa cho dân ông, được tìm thấy trong những lời của Chúa trong sách.22

Anh Cả Rasband với vua và hoàng hậu Letsie của Lesotho

Vào một dịp khác, vợ tôi, là Melanie, và tôi đã gặp Vua Letsie III và vợ ông tại nhà của họ.23 Đối với chúng tôi, điểm nổi bật trong cuộc viếng thăm là việc tặng cho họ một quyển Sách Mặc Môn và sau đó chia sẻ chứng ngôn của tôi. Khi tôi nhìn lại kinh nghiệm đó và những kinh nghiệm khác, một câu thánh thư ngày sau đến với tâm trí tôi: “Phúc âm trọn vẹn của ta có thể được những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường rao truyền đến các nơi tận cùng của thế giới và tới trước mặt các vua và những người cai trị.”24

Anh Cả Rasband với Đại Sứ Pandey
Các vị lãnh đạo Giáo Hội với Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew

Tôi đã chia sẻ Sách Mặc Môn với Đại Sứ của Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Indra Mani Pandey25; với Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew26 của Chính Thống Giáo Đông Phương và với nhiều người khác. Tôi đã cảm nhận được Thánh Linh của Chúa ở cùng chúng tôi khi đích thân tặng cho họ “nền tảng của tôn giáo chúng ta”27 và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, đá góc nhà của đức tin chúng ta.28

Các anh chị em thân mến, anh chị em không cần phải đi đến Mozambique hoặc Ấn Độ hoặc gặp các vị vua và các nhà cai trị để đưa cho họ quyển sách chứa đựng những lời giảng dạy và lời hứa thiêng liêng này. Tôi mời gọi anh chị em, ngày hôm nay, hãy tặng một quyển Sách Mặc Môn cho bạn bè và gia đình, những người cộng sự của anh chị em tại nơi làm việc, huấn luyện viên bóng đá của anh chị em, hoặc người bán hàng ở chợ của anh chị em. Họ cần những lời của Chúa được tìm thấy trong sách này. Họ cần câu trả lời cho những câu hỏi về cuộc sống hằng ngày và về cuộc sống vĩnh cửu sẽ đến. Họ cần biết về con đường giao ước đã được đặt ra trước mắt họ và tình yêu thương vĩnh viễn của Chúa dành cho họ. Tất cả đều ở đây trong Sách Mặc Môn.

Khi đưa cho họ một Quyển Sách Mặc Môn, anh chị em đang mở rộng tâm trí và tấm lòng của họ cho lời của Thượng Đế. Anh chị em không cần mang theo các bản in của sách. Anh chị em có thể dễ dàng chia sẻ sách từ điện thoại di động của mình từ mục thánh thư trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm.29

Hãy nghĩ về tất cả những người có thể được phúc âm ban phước trong cuộc sống của họ, và sau đó gửi cho họ bản sao Sách Mặc Môn từ điện thoại của anh chị em. Hãy nhớ gửi kèm chứng ngôn của anh chị em và cách mà sách này đã ban phước cho cuộc sống của anh chị em.

Các bạn thân mến, với tư cách là sứ đồ của Chúa, tôi mời anh chị em hãy noi theo vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Nelson, trong việc làm tràn ngập thế gian với Sách Mặc Môn. Nhu cầu quá lớn lao; chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ. Tôi hứa rằng anh chị em sẽ tham gia vào “công việc vĩ đại nhất trên thế gian,” sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên,30 khi anh chị em được soi dẫn để tìm đến những người “bị ngăn cản khỏi lẽ thật vì họ không biết tìm thấy lẽ thật đâu cả.”31 Họ cần chứng ngôn và lời chứng của anh chị em về cách mà quyển sách này đã thay đổi cuộc sống của anh chị em và mang anh chị em đến gần Thượng Đế, sự bình an của Ngài,32 và “sự vui mừng lớn” của Ngài.33

Tôi làm chứng rằng qua kế hoạch thiêng liêng, Sách Mặc Môn đã được chuẩn bị ở Châu Mỹ thời xưa để rao truyền lời của Thượng Đế, để mang nhiều người đến với Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài “ngày hôm nay.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Gia Cốp 2:2–3; Mô Si A 2:14, 30; 5:7; An Ma 7:15; và nhiều câu khác trong Sách Mặc Môn.

  2. Mô Si A 2:9.

  3. An Ma 53:20.

  4. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 64. Toàn bộ lời phát biểu được đưa ra bởi Joseph Smith ngày 28 tháng Mười Một năm 1841, cùng với Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Tôi đã nói với các anh em trong Giáo Hội rằng Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.” Nguyên nhân then chốt của cụm từ “đúng thật nhất” là vì những mặc khải nhận được khi sách được phiên dịch và giáo lý được giảng dạy trong Sách Mặc Môn đã trình bày các lẽ thật “minh bạch quý báu” của phúc âm một cách hiệu quả hơn bất kỳ sách nào khác (xin xem 1 Nê Phi 13:40).

  5. Xin xem “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” một lời tuyên bố của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, ngày 1 tháng Một năm 2000: “Chúng tôi làm chứng với tư cách là Các Sứ Đồ được sắc phong hợp thức của Ngài—rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô Hằng Sống, Vị Nam Tử bất diệt của Thượng Đế. Ngài là vị Vua Em Ma Nu Ên cao trọng, ngày nay đứng bên tay phải của Cha Ngài. Ngài là sự sáng, sự sống và hy vọng của thế gian. Con đường của Ngài là lối đi dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. Chúng tôi xin tạ ơn Thượng Đế cho món quà độc nhất vô nhị của Vị Nam Tử thiêng liêng của Ngài” (ChurchofJesusChrist.org).

  6. Xin xem Ê Sai 49:26; 1 Nê Phi 21:26; 22:12; Giáo Lý và Giao Ước 66:1.

  7. Lời của Thượng Đế được tìm thấy trong thánh thư. Ví dụ, trong Sách Mặc Môn, La Man và Lê Mu Ên đã hỏi: “Thanh sắt có nghĩa là gì?” trong giấc mơ của Lê Hi. Nê Phi đáp: “Đó là lời của Thượng Đế; và những ai biết nghe theo lời của Thượng Đế và biết giữ vững lời ấy, thì sẽ không bao giờ bị diệt vong; và họ cũng không bị mù quáng bởi những cám dỗ cùng những tên lửa của kẻ thù nghịch khiến họ phải đi vào con đường hủy diệt” (1 Nê Phi 15:23–24).

  8. Xin xem “Sự Phục Hồi Phúc Âm Trọn Vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô: Bản Tuyên Ngôn Kỷ Niệm Hai Trăm Năm cùng Thế Giới,” bao gồm những điều sau đây: “Chúng tôi tuyên bố rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, được tổ chức vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, là Giáo Hội thời Tân Ước của Đấng Ky Tô được phục hồi. Giáo Hội này được neo chặt nơi cuộc sống hoàn hảo của đá chính góc nhà của mình, Chúa Giê Su Ky Tô, và trong Sự Chuộc Tội vô hạn và Sự Phục Sinh thật sự của Ngài. Một lần nữa, Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi Các Sứ Đồ và đã ban cho họ thẩm quyền chức tư tế. Ngài mời gọi tất cả chúng ta đến cùng Ngài và Giáo Hội của Ngài, để tiếp nhận Đức Thánh Linh, các giáo lễ cứu rỗi và để có được niềm vui lâu dài. … Chúng tôi hân hoan tuyên bố rằng Sự Phục Hồi đã được hứa sẽ tiến bước qua sự mặc khải liên tục. Thế gian sẽ không bao giờ như xưa nữa khi Thượng Đế sẽ “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô” (Ê Phê Sô 1:10)” (ChurchofJesusChrist.org).

  9. 2 Nê Phi 4:16.

  10. Xin xem Quentin L. Cook, “Be Not Weary in Well-Doing” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 24 tháng Tám năm 2020), speeches.byu.edu; “This Week on Social: How to Develop a Love for the Lord, Yourself and Others,” Church News, ngày 17 tháng Bảy năm 2020, thechurchnews.com.

  11. Lần đọc thứ ba, màu vàng: địa chất hoặc địa lý; lần đọc thứ tư, màu đen: cốt truyện của Sách Mặc Môn.

  12. “Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô” được thêm vào như là một tiêu đề cho tất cả các ấn bản của Sách Mặc Môn. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã thay đổi tên để nhấn mạnh thêm mục đích của sách như đã được nêu trên trang tựa: “Và cũng để thuyết phục cho người Do Thái và Người Dân Ngoại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu, đã biểu hiện cho tất cả các quốc gia biết.”

  13. Việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô là một cách biểu lộ tình yêu thương của chúng ta dành cho Ngài. Các môn đồ đã chịu phép báp têm; họ mang danh Chúa Giê Su Ky Tô; họ cố gắng noi theo Ngài bằng cách chấp nhận các thuộc tính của Ngài như đã được Sứ Đồ Phi E Rơ mô tả: Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến” (2 Phi E Rơ 1:5–7; cũng xem Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo [năm 2019], trang 121–132).

  14. Chủ Tịch Russell M. Nelson, là bác sĩ phẫu thuật tim được quốc tế biết đến trước khi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào năm 1984, đã đưa ra một bài diễn thuyết tại một trường y khoa ở Accra, Ghana, vào năm 1986 về lịch sử phẫu thuật tim. Sau đó, được giới truyền thông phỏng vấn, ông đã giải thích rằng ông có mặt ở đó “với tư cách là một tôi tớ của Chúa để giúp [dân chúng] trở thành những công dân tốt hơn, xây đắp các gia đình vững mạnh, đạt được hạnh phúc đích thực và thịnh vượng trong xứ.” Ông trở lại Accra, Ghana, vào ngày 16 tháng Mười Một năm 2001, để tham dự lễ động thổ Đền Thờ Accra Ghana (xin xem “Ground Broken for First Temple in West Africa,” Church News, ngày 24 tháng Mười Một năm 2001, thechurchnews.com).

  15. Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 5.1.1.1: “Trong thời kỳ của chúng ta, Chúa kêu gọi những người nam qua Chủ Tịch của Giáo Hội để được sắc phong làm Sứ Đồ và phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:26–28)” (ChurchofJesusChrist.org).

  16. Xin xem Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 60.

  17. 3 Nê Phi 11:10–11.

  18. Rusell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?” trang 61.

  19. Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?” trang 62.

  20. Xin xem Môi Se 7:62.

  21. Đền Thờ Beira Mozambique đã được Chủ Tịch Russell M. Nelson loan báo vào ngày 4 tháng Tư năm 2021. Hơn nửa triệu người sống ở Beira, bên bờ biển Ấn Độ Dương.

  22. Các ví dụ về niềm hy vọng và những lời hứa được tìm thấy trong Sách Mặc Môn gồm có 2 Nê Phi 31:20; Gia Cốp 4:4–6; An Ma 13:28–29; 22:16; 34:41; Ê The 12:32; Mô Rô Ni 7:41; 8:26.

  23. Anh Cả và Chị Rasband đã gặp gia đình hoàng gia vào ngày 10 tháng Hai năm 2020, khi được chỉ định đến Châu Phi để làm lễ cung hiến Đền Thờ Durban South Africa.

  24. Giáo Lý và Giao Ước 1:23.

  25. Anh Cả Rasband đã gặp Đại Sứ Indra Mani Pandey, Người Đại Diện Thường Trực của Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc và Các Tổ Chức Quốc Tế Khác ở Geneva, trong khi được chỉ định đến Diễn Đàn Liên Tôn Giáo ở Bologna, Ý, vào ngày 17 tháng Chín năm 2021.

  26. Anh Cả Rasband đã gặp Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew thuộc Chính Thống Giáo Đông Phương trong khi được chỉ định đến Diễn Đàn Liên Tôn Giáo ở Bologna, Ý, vào ngày 13 tháng Chín năm 2021.

  27. Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 64. Viên đá đỉnh vòm là một khối đá hình nêm nằm ở trên đỉnh vòm để giữ các viên đá khác ở đúng vị trí. Tiên Tri Joseph đã mô tả Sách Mặc Môn là “nền tảng của tôn giáo chúng ta” vì tầm quan trọng của nó trong việc đoàn kết Giáo Hội qua các nguyên tắc và giáo lễ. Sách Mặc Môn đóng vai trò là “nền tảng” cho cuộc sống của các tín hữu, giúp họ vững vàng ở trên con đường giao ước.

  28. Xin xem Ê Phê Sô 2:19–20. Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà chính của Giáo Hội chúng ta, mà mang danh của Ngài. Cũng giống như việc đặt một viên đá góc nhà tại đền thờ tượng trưng cho viên đá chính tạo thành góc nhà của Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà của đức tin và sự cứu rỗi của chúng ta. Ngài đã phó mạng sống để chúng ta có thể sống; không có ai sánh bằng Ngài về sức mạnh, mục đích, hoặc tình yêu thương.

  29. Anh chị em có thể chia sẻ nó từ điện thoại di động của mình. Một cách là mở ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, vào bộ sưu tập “Thánh Thư”, và sau đó chạm vào “Chia Sẻ Bây Giờ” ở trên cùng. Hoặc từ bên trong ứng dụng Sách Mặc Môn, anh chị em có thể chạm vào biểu tượng “Chia Sẻ”, nó sẽ hiển thị một mã kỹ thuật số mà một người bạn có thể dễ dàng quét bằng điện thoại của người ấy.

  30. Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org. “Vào ngày 3 tháng Sáu năm 2018, Chủ Tịch Russell M. Nelson và vợ của ông, Wendy W. Nelson, đã mời giới trẻ ‘gia nhập đạo quân trẻ tuổi của Chúa’ và dự phần vào thử thách ‘gay go nhất, chính nghĩa lớn nhất, và công việc vĩ đại nhất trên thế gian.’ Và thử thách lớn nhất là gì? Sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên” (Charlotte Larcabal, “A Call to Enlist and Gather Israel,” New Era, tháng Ba năm 2019, trang 24).

  31. Giáo Lý và Giao Ước 123:12.

  32. Xin xem 2 Nê Phi 4:27; Mô Si A 4:3; 15:18; An Ma 46:12.

  33. 1 Nê Phi 13:37.