Đại Hội Trung Ương
Hạnh Phúc Vĩnh Viễn
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


13:21

Hạnh Phúc Vĩnh Viễn

Niềm vui đích thực, lâu dài và vĩnh cửu với những người chúng ta yêu thương chính là thực chất của kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế.

Các anh chị em và bạn bè thân mến, các anh chị em có nhớ mình đã tin, hoặc muốn tin vào hạnh phúc mãi mãi về sau không?

Rồi thực tại của cuộc sống diễn ra. Chúng ta “lớn lên.” Các mối quan hệ trở nên phức tạp. Thế giới này ồn ào, đông đúc, xô bồ, với sự giả tạo và cố chấp. Tuy nhiên, trong “thâm tâm” của mình,1 chúng ta tin, hoặc muốn tin, ở một nơi nào đó, bằng cách nào đó, hạnh phúc vĩnh viễn là có thật và có thể đạt được.

“Hạnh phúc vĩnh viễn” không phải là điều tưởng tượng trong các câu chuyện cổ tích. Niềm vui đích thực, lâu dài và vĩnh cửu với những người chúng ta yêu thương chính là thực chất của kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế. Con đường được chuẩn bị đầy yêu thương của Ngài có thể làm cho cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng ta được hạnh phúc vĩnh viễn.

Chúng ta có nhiều điều để tán dương và biết ơn về những điều đó. Tuy nhiên, không một ai trong chúng ta là hoàn hảo, cũng như không có gia đình nào là hoàn hảo cả. Trong các mối quan hệ của mình, chúng ta thường thể hiện tình yêu thương, sự giao tiếp xã hội và cá tính nhưng cũng thường xuyên xảy ra xích mích, tổn thương, đôi khi là nỗi đau tột cùng.

“Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại.”2 Việc sống lại trong Chúa Giê Su Ky Tô gồm có sự bất diệt—ân tứ của Ngài về sự phục sinh thể xác của chúng ta. Khi chúng ta sống với đức tin và sự vâng lời, thì việc sống trong Đấng Ky Tô cũng có thể gồm có cuộc sống vĩnh cửu tràn đầy niềm vui với Thượng Đế và những người chúng ta yêu thương.

Trong một cách phi thường, vị tiên tri của Chúa đang mang chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn, gồm có qua các giáo lễ và giao ước thiêng liêng đến gần chúng ta hơn ở nhiều nơi hơn. Chúng ta có cơ hội và ân tứ sâu sắc để khám phá ra sự hiểu biết mới về phần thuộc linh, tình yêu thương, sự hối cải, và sự tha thứ cho nhau và cho gia đình của mình, trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.

Được sự cho phép, tôi xin chia sẻ hai kinh nghiệm trực tiếp thiêng liêng, khác thường về mặt thuộc linh mà đã được bạn bè kể lại về việc Chúa Giê Su Ky Tô kết hợp các gia đình bằng cách chữa lành cả những nỗi đau khổ liên thế hệ.3 “Vô hạn và vĩnh cửu,”4 “mạnh hơn cả dây của sự chết,”5 Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta mang lại bình an cho quá khứ và hy vọng cho tương lai của mình.

Khi gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, người bạn của tôi và chồng của cô ấy vui mừng biết được các mối quan hệ gia đình không tồn tại “đến khi cái chết chia lìa.” Trong nhà của Chúa, gia đình có thể được kết hợp vĩnh viễn (được làm lễ gắn bó).

Nhưng người bạn của tôi không muốn được làm lễ gắn bó với cha của mình. “Ông ấy không phải là một người chồng tử tế đối với mẹ tôi. Ông không phải là một người cha tử tế với con cái của ông,” cô ấy nói. “Cha tôi sẽ phải chờ. Tôi không hề có ước muốn nào để làm công việc đền thờ cho ông và làm lễ gắn bó với ông trong thời vĩnh cửu.”

Trong một năm, cô ấy nhịn ăn, cầu nguyện, nói rất nhiều với Chúa về cha của mình. Cuối cùng, cô ấy đã sẵn sàng. Công việc đền thờ của cha cô ấy đã hoàn tất. Về sau, cô ấy nói: “Trong giấc ngủ, cha tôi hiện ra với tôi trong một giấc mơ, tất cả quần áo đều màu trắng. Ông đã thay đổi. Ông nói: ‘Hãy nhìn cha. Cha đã trong sạch. Cảm ơn con đã làm công việc này cho cha trong đền thờ.’” Cha của cô ấy nói thêm: “Hãy đứng dậy và trở lại đền thờ; anh của con đang chờ được báp têm.”

Người bạn của tôi nói: “Tổ tiên của tôi và những người đã qua đời đang háo hức chờ đợi công việc của họ được thực hiện.”

Cô ấy nói: “Đối với tôi, đền thờ là một nơi chữa lành, học hỏi, và cảm tạ cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Kinh nghiệm thứ hai. Một người bạn khác đã siêng năng nghiên cứu lịch sử gia đình của mình. Anh ấy muốn tìm ra ông cố của mình.

Vào một buổi sáng nọ, bạn tôi nói rằng anh ấy cảm thấy sự hiện diện thuộc linh của một người đàn ông trong phòng mình. Người đàn ông đó muốn được tìm thấy và được biết đến trong gia đình mình. Người ấy cảm thấy hối hận vì một lỗi lầm mà bây giờ người ấy đã hối cải. Người đàn ông đó đã giúp bạn tôi nhận ra rằng người bạn của tôi không có mối quan hệ ADN với người mà bạn tôi nghĩ là ông cố của mình. Bạn tôi nói: “Nói cách khác, tôi đã khám phá ra ông cố của tôi và biết được rằng ông ấy không phải là người mà gia phả viết là ông cố của chúng tôi.”

Người bạn của tôi nói: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, bình an. Việc biết gia đình tôi là ai tạo ra sự khác biệt lớn lao.” Bạn tôi nghĩ: “Một cành cây cong không có nghĩa là cả một cái cây xấu. Cách chúng ta đến thế gian này không quan trọng bằng con người của chúng ta khi rời bỏ thế gian.”

Thánh thư và những kinh nghiệm thiêng liêng về sự chữa lành và bình an cá nhân, kể cả với những người sống trong thế giới linh hồn, nhấn mạnh đến năm nguyên tắc giáo lý.

Thứ nhất: Trọng tâm trong kế hoạch cứu chuộc và hạnh phúc của Thượng Đế, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô hứa sẽ kết hợp linh hồn và thể xác của chúng ta, “không bao giờ bị phân rẽ nữa, để [chúng ta] có thể nhận được niềm vui trọn vẹn.”6

Thứ hai: Sự Chuộc Tội—hiệp một với Đấng Ky Tô—xảy đến khi chúng ta thực hành đức tin và mang lại kết quả đưa đến sự hối cải.7 Giống như trong cuộc sống trần thế, cuộc sống trong thế giới linh hồn cũng vậy. Các giáo lễ đền thờ không thay đổi chúng ta hoặc những người trong thế giới linh hồn. Nhưng các giáo lễ thiêng liêng này cho phép các giao ước thánh hóa với Chúa có thể mang lại sự hòa hợp giữa chúng ta với Ngài và với nhau.

Niềm vui của chúng ta được tràn đầy khi chúng ta cảm nhận được ân điển và sự tha thứ của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho chúng ta. Và, khi chúng ta trao cho nhau phép lạ về ân điển và sự tha thứ của Ngài, thì lòng thương xót chúng ta nhận được và lòng thương xót chúng ta trao đi có thể giúp làm cho những bất công của cuộc sống trở nên công bình.8

Thứ ba: Thượng Đế biết và yêu thương chúng ta một cách trọn vẹn. “Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu”,9 cũng như Ngài cũng không thể bị lừa gạt. Với lòng thương xót và công lý hoàn hảo, Ngài bao bọc những người khiêm nhường và hối cải trong vòng tay an toàn của Ngài.

Tại Đền Thờ Kirtland, Tiên Tri Joseph Smith thấy trong khải tượng anh trai Alvin của ông đã cứu được trong thượng thiên giới. Tiên Tri Joseph đã kinh ngạc, vì Alvin đã chết trước khi tiếp nhận giáo lễ cứu rỗi của phép báp têm.10 Một cách an ủi, Chúa đã giải thích lý do tại sao: Chúa sẽ “phán xét [chúng ta] tùy theo việc làm của [chúng ta] và tùy theo những ước muốn trong lòng [mình].”11 Tâm hồn chúng ta làm chứng về những việc làm và ước muốn của chúng ta.

Với lòng biết ơn, chúng ta biết người sống và “những người chết nào hối cải sẽ được cứu chuộc qua sự tuân theo các giáo lễ của ngôi nhà Thượng Đế”12 và Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Trong thế giới linh hồn, ngay cả những người đang phạm tội và phạm giới cũng có cơ hội để hối cải.13

Ngược lại, những người cố tình chọn điều tà ác, cố tình trì hoãn sự hối cải, hoặc trong bất cứ tình trạng định trước hay biết trước nào mà vi phạm các lệnh truyền, lập ra để hối cải dễ dàng thì sẽ bị Thượng Đế phán xét và có một “trí nhớ minh mẫn về tất cả những tội lỗi [họ] đã phạm.”14 Chúng ta không thể cố tình phạm tội vào ngày thứ Bảy, rồi mong đợi sự tha thứ bằng cách dự phần Tiệc Thánh vào ngày Chủ Nhật. Đối với những người truyền giáo hoặc những người khác mà nói việc tuân theo Thánh Linh có nghĩa là không cần tuân theo các tiêu chuẩn truyền giáo hoặc các giáo lệnh, xin hãy nhớ rằng việc tuân theo các tiêu chuẩn của phái bộ truyền giáo và các giáo lệnh sẽ mời gọi Thánh Linh. Chúng ta không nên trì hoãn sự hối cải. Các phước lành của sự hối cải bắt đầu khi chúng ta bắt đầu hối cải.

Thứ tư: Chúa ban cho chúng ta cơ hội thiêng liêng để trở nên giống như Ngài hơn khi chúng ta làm thay các giáo lễ đền thờ mà người khác cần nhưng không thể tự làm được. Chúng ta trở nên trọn vẹn và hoàn hảo hơn15 khi chúng ta trở thành “các kẻ giải cứu … trên núi Si Ôn.”16 Khi chúng ta phục vụ người khác, Đức Thánh Linh Hứa Hẹn có thể xác nhận các giáo lễ và thánh hóa cả người cho lẫn người nhận. Cả người cho lẫn người nhận đều có thể lập và làm sâu sắc thêm các giao ước biến đổi, theo thời gian nhận được các phước lành đã được hứa với Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp.

Cuối cùng, thứ năm: Như Quy Tắc Vàng17 dạy, chúng ta phải tha thứ cho người khác theo cách mà chúng ta mong muốn được tha thứ, điều đó mời gọi mỗi người chúng ta cho đi những điều mà bản thân chúng ta cần và mong muốn.

Đôi khi sự sẵn lòng của chúng ta để tha thứ cho một người khác cho phép cả họ lẫn chúng ta tin rằng chúng ta có thể hối cải và được tha thứ. Đôi khi sự sẵn lòng để hối cải và khả năng tha thứ đến vào những thời điểm khác nhau. Đấng Cứu Rỗi là Đấng Trung Gian giữa chúng ta với Thượng Đế, nhưng Ngài cũng giúp mang chúng ta đến với chính mình và với nhau khi chúng ta đến cùng Ngài. Nhất là khi nỗi đau khổ và đau đớn trở nên sâu sắc, thì việc sửa đổi các mối quan hệ của chúng ta và chữa lành tấm lòng của chúng ta là khó khăn, có lẽ không thể nào tự mình làm được. Nhưng thiên thượng có thể ban cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan vượt quá khả năng của mình để biết khi nào nên níu kéo và làm thế nào để buông bỏ.

Chúng ta bớt cô đơn khi chúng ta nhận biết rằng mình không đơn độc một mình. Đấng Cứu Rỗi luôn luôn thấu hiểu.18 Với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể từ bỏ tính kiêu ngạo, những tổn thương, tội lỗi của mình trước Thượng Đế. Cho dù chúng ta có thể cảm thấy như thế nào đi nữa khi bắt đầu, thì chúng ta cũng trở nên toàn vẹn hơn khi tin cậy Ngài để làm cho mối quan hệ của chúng ta được trọn vẹn.

Chúa, là Đấng thấy và hiểu một cách trọn vẹn, tha thứ cho ai Ngài muốn; chúng ta (không hoàn hảo) phải tha thứ cho tất cả mọi người. Khi đến cùng Đấng Cứu Rỗi, chúng ta ít tập trung hơn vào bản thân mình. Chúng ta xét đoán ít hơn và tha thứ nhiều hơn. Việc tin cậy vào công lao, lòng thương xót, và ân điển19 của Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi sự tranh chấp, tức giận, ngược đãi, bị bỏ rơi, bất công, và những thử thách về thể chất và tinh thần mà đôi khi xảy đến với một thể xác trong thế giới hữu diệt. Hạnh phúc vĩnh viễn không có nghĩa là mọi mối quan hệ sẽ được hạnh phúc vĩnh viễn. Nhưng một ngàn năm mà Sa Tan bị ràng buộc20 có thể cho chúng ta thời gian cần thiết và những cách thức đáng kinh ngạc để yêu thương, hiểu và làm mọi việc khi chúng ta chuẩn bị cho thời vĩnh cửu.

Chúng ta tìm thấy sự giao tiếp của thiên thượng từ nhau.21 Công việc và vinh quang của Thượng Đế gồm có việc mang lại hạnh phúc vĩnh viễn.22 Cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao là phải biết Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô, như vậy, qua quyền năng của Thượng Đế, chúng ta sẽ ở nơi hiện diện của Hai Ngài.23

Các anh chị em thân mến, Thượng Đế Cha Thiên Thượng của chúng ta và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài hằng sống. Hai Ngài mang đến sự bình an, niềm vui, và sự chữa lành cho mọi sắc tộc và sắc ngữ, cho mỗi người chúng ta. Vị tiên tri của Chúa đang dẫn đường. Sự mặc khải ngày sau vẫn tiếp tục. Cầu xin cho chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn trong ngôi nhà thánh của Chúa, và cầu xin Ngài mang chúng ta đến gần hơn với Thượng Đế và với nhau, khi chúng ta cùng nhau đồng tâm với lòng trắc ẩn, lẽ thật và lòng thương xót do Đấng Ky Tô ban cho trong tất cả các thế hệ của mình—trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu, hạnh phúc vĩnh viễn. Trong Chúa Giê Su Ky Tô, điều đó có thể thực hiện được; trong Chúa Giê Su Ky Tô, điều đó là chân chính. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.