Nuôi Dưỡng và Chia Sẻ Chứng Ngôn
Tôi mời anh chị em hãy tìm kiếm cơ hội đưa ra chứng ngôn của mình qua lời nói và việc làm.
Lời Giới Thiệu
Những giây phút quyết định trong cuộc sống thường đến bất ngờ, kể cả khi anh chị em vẫn còn trẻ. Xin cho phép tôi chia sẻ một câu chuyện về một học sinh trung học tên là Kevin được chọn đi sang tiểu bang khác để tham dự một sự kiện dành cho các thủ lĩnh học sinh, qua lời kể của em ấy.
“Đã tới lượt tôi, và một người trông như nhân viên chính thức ngồi ghi danh ở bàn đăng ký đã hỏi tên tôi. Cô ấy nhìn vào danh sách và nói, ‘À, em là chàng trai trẻ từ Utah’.
“‘Dạ ý cô là em là người duy nhất từ Utah à?’ Tôi hỏi.
“‘Đúng vậy, người duy nhất’. Cô ấy đưa cho tôi bảng tên với chữ ‘Utah’ được ghi bên dưới tên tôi. Khi tôi gắn nó lên áo, tôi cảm thấy cứ như mình đang bị đánh dấu vậy.
“Tôi chen chúc trong thang máy khách sạn cùng với năm học sinh trung học khác cũng đeo bảng tên giống tôi. Một học sinh hỏi: ‘Này, anh bạn đến từ Utah. Cậu là người Mặc Môn à?’.
“Tôi cảm thấy lạc lõng giữa tất cả những bạn thủ lĩnh học sinh này đến từ mọi miền đất nước. ‘Vâng’, tôi ngập ngừng thừa nhận.
“Cậu ta hỏi tiếp: ‘Mấy người bọn cậu tin là Joseph Smith đã trông thấy các thiên sứ nhỉ? Cậu không thật sự tin điều đó, phải không?’
“Tôi không biết phải nói gì. Tất cả các học sinh trong thang máy đều nhìn tôi chằm chằm. Tôi chỉ vừa mới đến, thế mà ai cũng nghĩ là tôi khác biệt. Tôi trở nên đề phòng một chút, nhưng rồi cũng trả lời: ‘Tôi biết rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế.’
“’Những lời đó từ đâu ra vậy?’ Tôi tự hỏi. Tôi không biết là mình có can đảm để nói ra những lời đó. Nhưng tôi cảm thấy những lời đó chân thật.
“‘Đấy, tớ nghe kể là mấy người bọn cậu ai cũng cuồng tín mà’, cậu ta nói.
“Sau lời nhận xét đó, một sự im lặng ngột ngạt bao trùm cho đến khi cửa thang máy mở ra. Khi chúng tôi lấy hành lý của mình, cậu học sinh kia vừa đi vào hành lang vừa cười phá lên.
“Rồi, một giọng nói vang lên phía sau tôi, “Này, chẳng phải người Mặc Môn có một cuốn sách dạng như một cuốn Kinh Thánh khác à?’
“Ôi không! Lại nữa ư! Tôi quay lại và thấy một học sinh khác cũng đã đi chung thang máy với tôi, Christopher.
“‘Nó được gọi là Sách Mặc Môn’, tôi đáp, tỏ ra không muốn nói đến chủ đề đó nữa. Tôi lấy túi của mình và bắt đầu bước vào hành lang.
“‘Có phải đó là quyển sách được dịch bởi Joseph Smith không?’ cậu ấy hỏi.
“‘Đúng rồi, nó đó’, tôi trả lời. Tôi tiếp tục bước đi, hy vọng không bị làm cho xấu hổ nữa.
“‘Chà, bạn có biết làm sao để mình có được một cuốn không?’
“Một câu thánh thư tôi đã học trong lớp giáo lý đột nhiên đến với tôi. ‘Tôi không hổ thẹn về [phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô] đâu’.1 Khi câu này đến với tâm trí tôi, tôi cảm thấy hổ thẹn vì tôi đã rất xấu hổ.
“Kể từ đó cho đến hết tuần, tôi luôn nhớ đến câu thánh thư đó. Tôi đã trả lời càng nhiều càng tốt các câu hỏi về Giáo Hội trong khả năng của mình, và đã kết bạn với nhiều người.
“Tôi khám phá ra là tôi tự hào về tôn giáo của mình.
“Tôi đã tặng Christopher một quyển Sách Mặc Môn. Sau đó bạn ấy có viết thư cho tôi kể rằng bạn ấy đã mời những người truyền giáo đến nhà.
“Tôi học được là không cần xấu hổ khi chia sẻ chứng ngôn của mình.”2
Tôi được soi dẫn nhờ lòng can đảm Kevin đã có khi chia sẻ chứng ngôn của em ấy. Sự can đảm đó được lặp lại mỗi ngày bởi các tín hữu trung tín của Giáo Hội trên khắp thế giới. Khi tôi chia sẻ những ý kiến của mình, tôi mời anh chị em suy ngẫm bốn câu hỏi sau:
-
Tôi có biết và hiểu được chứng ngôn là gì không?
-
Tôi có biết cách chia sẻ chứng ngôn của mình không?
-
Tôi gặp những trở ngại nào khi chia sẻ chứng ngôn của mình?
-
Tôi gìn giữ chứng ngôn của mình bằng cách nào?
Tôi Có Biết và Hiểu được Chứng Ngôn Là Gì Không?
Chứng ngôn của anh chị em là tài sản quý báu nhất, thường đi kèm với những cảm giác thuộc linh ấm áp. Những cảm giác này thường đến một cách thầm lặng và được mô tả như một “tiếng nói nhỏ nhẹ”.3 Đó là niềm tin hoặc sự hiểu biết của anh chị em về lẽ thật, dưới dạng một lời chứng thuộc linh qua ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Việc có được lời chứng này sẽ thay đổi lời nói và hành động của anh chị em. Những yếu tố then chốt trong chứng ngôn của anh chị em, được Đức Thánh Linh xác nhận, bao gồm:
-
Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của anh chị em; anh chị em là con của Ngài. Ngài yêu thương anh chị em.
-
Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của anh chị em.
-
Joseph Smith là một vị tiên tri được Thượng Đế kêu gọi để phục hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội của Thượng Đế được phục hồi trên thế gian.
-
Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô được lãnh đạo bởi một vị tiên tri tại thế ngày nay.
Tôi Có Biết Cách Chia Sẻ Chứng Ngôn của Mình Không?
Anh chị em đưa ra chứng ngôn của mình khi chia sẻ những cảm nghĩ thuộc linh với người khác. Là một tín hữu của Giáo Hội, anh chị em có cơ hội chia sẻ chứng ngôn của mình trong các buổi họp trang trọng của Giáo Hội hoặc trong những cuộc trò chuyện thân mật, riêng tư với gia đình, bạn bè, và những người khác.
Một cách khác để anh chị em chia sẻ chứng ngôn của mình là qua hành vi ngay chính. Chứng ngôn của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ là những điều anh chị em nói—mà còn thể hiện qua chính con người anh chị em.
Mỗi lần anh chị em lên tiếng làm chứng hoặc chứng tỏ bằng hành động về sự cam kết của anh chị em để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em mời người khác “đến cùng Đấng Ky Tô”4.
Các tín hữu của Giáo Hội đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu.5 Những cơ hội để làm điều này trong thế giới kỹ thuật số bằng cách sử dụng nội dung đầy soi dẫn của chính anh chị em hoặc chia sẻ nội dung nâng đỡ tinh thần do người khác chuẩn bị là vô tận. Chúng ta làm chứng khi chúng ta yêu thương, chia sẻ, và mời gọi, kể cả trên mạng trực tuyến. Những dòng tweet, tin nhắn và bài đăng của anh chị em sẽ có mục đích cao thượng và thiêng liêng hơn khi anh chị em cũng dùng mạng xã hội để cho thấy cách mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô tác động đến cuộc sống mình.
Tôi Gặp Những Trở Ngại Nào Khi Chia Sẻ Chứng Ngôn của Mình?
Những trở ngại trong việc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em có thể bao gồm việc không biết phải nói gì. Matthew Cowley, một Vị Sứ Đồ thời kỳ đầu, đã chia sẻ kinh nghiệm này khi ông khởi hành đến New Zealand ở tuổi 17 để phục vụ truyền giáo trong năm năm:
“Tôi sẽ không bao giờ quên những lời cầu nguyện của cha tôi vào ngày tôi lên đường. Tôi chưa bao giờ được nghe một phước lành nào tuyệt vời hơn trong cả cuộc đời mình. Sau đây là những lời cuối cùng ông nói với tôi tại ga xe lửa: ‘Con trai của cha, con sẽ đi làm công việc truyền giáo; con sẽ học hỏi; con sẽ cố gắng chuẩn bị các bài giảng của mình; và đôi lúc khi được kêu đến, con sẽ nghĩ là mình đã vô cùng sẵn sàng, nhưng khi con đứng lên, thì tâm trí con lại hoàn toàn trống rỗng.’ Tôi đã có kinh nghiệm đó nhiều hơn một lần.
“Tôi thưa rằng: ‘Cha làm gì khi tâm trí cha trống rỗng?’
“Ông đáp: ‘Con hãy đứng đó và với tất cả sự nhiệt thành trong tâm hồn mình, hãy làm chứng rằng Joseph Smith là một vị tiên tri của Thượng Đế hằng sống, và những ý nghĩ sẽ tuôn chảy vào tâm trí con và từ ngữ sẽ dồi dào ra khỏi miệng con … mà làm ngập tràn tấm lòng của bất cứ ai lắng nghe con.’ Và thế là dù tâm trí tôi chủ yếu trống rỗng trong công việc truyền giáo … của mình, nhưng điều đó đã cho tôi cơ hội để làm chứng về sự kiện tuyệt vời nhất trong lịch sử thế gian kể từ khi Đấng Thầy bị đóng đinh. Hãy thử làm vậy vào lúc nào đó, hỡi các thanh niên nam nữ trẻ tuổi. Nếu các em không biết nói gì khác, thì hãy làm chứng rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế, và toàn bộ lịch sử của Giáo Hội sẽ tuôn chảy vào tâm trí các em”6.
Tương tự, Chủ Tịch Dallin H. Oaks có chia sẻ: “Một số chứng ngôn thì nhận được dễ dàng khi đứng lên làm chứng hơn là quỳ xuống để xin nhận được một chứng ngôn”7. Thánh Linh làm chứng cho cả người nói lẫn người nghe.
Một trở ngại khác, như được nhấn mạnh trong câu chuyện của Kevin, là nỗi sợ. Tương tự với điều Phao Lô đã viết cho Ti Mô Thê:
“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu. …
“Vậy con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta”8.
Những cảm giác sợ hãi không đến từ Chúa mà thường chủ yếu đến từ kẻ nghịch thù. Việc có đức tin, như Kevin đã có, sẽ cho phép anh chị em vượt qua những cảm giác này và thoải mái chia sẻ những gì có trong tấm lòng mình.
Tôi Gìn Giữ Chứng Ngôn của Mình Bằng Cách Nào?
Tôi tin trong mỗi chúng ta đều có sẵn một chứng ngôn, tuy nhiên, để giữ gìn và giúp nó tăng trưởng trọn vẹn, An Ma đã dạy rằng chúng ta phải nuôi dưỡng chứng ngôn của mình một cách hết sức cẩn thận9. Khi chúng ta làm vậy, “nó sẽ mọc rễ rồi lớn lên, và sinh ra trái”10. Còn khi không làm vậy, thì “nó sẽ héo khô đi”11.
Mỗi thành viên yêu quý trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã cho chúng ta sự chỉ dẫn về cách giữ gìn một chứng ngôn.
Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nhẹ nhàng dạy chúng ta rằng “việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế, cầu nguyện chân thành, và tuân theo các lệnh truyền của Chúa cần phải được áp dụng một cách đều đặn và liên tục để chứng ngôn của [anh chị em] tăng trưởng và phát triển”12.
Chủ Tịch Dallin H. Oaks nhắc nhở chúng ta duy trì chứng ngôn của mình, “chúng ta cần phải dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần (xin xem GL&GƯ 59:9) để nhận được lời hứa quý báu rằng chúng ta sẽ ‘luôn luôn có Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]’(GL&GƯ 20:77)”13.
Và Chủ Tịch Russell M. Nelson gần đây đã khuyên bảo một cách nhân từ:
“Hãy [nuôi dưỡng chứng ngôn của anh chị em] bằng lẽ thật. …
“… Hãy nuôi dưỡng bản thân mình bằng những lời của các vị tiên tri thời xưa và thời hiện đại. Cầu xin Chúa giảng dạy cho [anh chị em] cách để nghe Ngài rõ hơn. Dành thời gian nhiều hơn trong đền thờ và trong công việc lịch sử gia đình.
“… [Hãy] đặt ưu tiên cao nhất cho chứng ngôn của mình”14.
Kết Luận
Thưa các anh chị em yêu quý, tôi hứa rằng khi anh chị em hiểu rõ hơn một chứng ngôn là gì, và khi anh chị em chia sẻ nó, thì anh chị em sẽ vượt qua được những trở ngại của sự không chắc chắn và sợ hãi, để cho phép anh chị em nuôi dưỡng và gìn giữ được tài sản quý báu nhất này, chính là chứng ngôn của anh chị em.
Chúng ta được phước để có vô số ví dụ về các vị tiên tri thời xưa lẫn thời hiện đại đã mạnh dạn đưa ra lời chứng của họ.
Sau cái chết của Đấng Ky Tô, Phi E Rơ đã đứng lên làm chứng:
“Hết thảy các ông, … ấy là nhơn danh [Chúa Giê Su Ky Tô] ở Na Xa Rét, Đấng mà các ông đã đóng đinh trên thập tự giá, và Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, … mà người này … hiện đứng trước mặt các ông. …
“… Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”15.
A Mu Léc, sau bài giảng của An Ma về đức tin, đã mạnh mẽ tuyên bố: “Chính tôi cũng xin làm chứng với các người rằng những điều này đều là thật. Này, tôi nói cho các người hay rằng, tôi biết chắc Đấng Ky Tô sẽ đến giữa con cái loài người, … và Ngài sẽ chuộc tội lỗi của thế gian; vì Đức Chúa Trời đã phán vậy”16.
Joseph Smith và Sidney Rigdon, sau khi chứng kiến một khải tượng huy hoàng về Đấng Cứu Rỗi phục sinh, đã làm chứng:
“Và giờ đây, sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!
“Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài, ngay cả ở bên tay phải của Thượng Đế; và chúng tôi đã nghe được tiếng nói làm chứng rằng Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha”17.
Thưa các anh chị em, tôi mời anh chị em hãy tìm kiếm cơ hội đưa ra chứng ngôn của mình qua lời nói và việc làm. Một cơ hội như vậy gần đây đã đến với tôi vào cuối cuộc gặp gỡ với thị trưởng của một thành phố thủ đô tại Nam Mỹ, trong phòng họp của ông cùng một số quan chức nội các. Khi chúng tôi kết thúc với một vài cảm nghĩ chân thành, tôi do dự khi nghĩ là tôi nên chia sẻ chứng ngôn của mình. Tuân theo sự thúc giục, tôi đã đưa ra lời chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Mọi thứ thay đổi kể từ giây phút đó. Thánh Linh trong căn phòng thật không thể phủ nhận. Dường như tất cả mọi người đều xúc động. “Đấng An Ủi … làm chứng về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.”18 Tôi rất biết ơn vì đã lấy hết can đảm đưa ra chứng ngôn của mình.
Khi một thời khắc như vậy đến, anh chị em hãy nắm lấy nó. Anh chị em sẽ cảm thấy sự ấm áp của Đấng An Ủi ở trong lòng khi anh chị em làm như vậy.
Tôi xin đưa ra chứng ngôn và làm chứng với anh chị em—Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống, và Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội của Thượng Đế trên thế gian ngày nay được dẫn dắt bởi vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.