Đại Hội Trung Ương
Nhìn Thấy Phước Lành và Sự Hướng Dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô Nhiều Hơn trong Cuộc Sống của Chúng Ta
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


10:16

Nhìn Thấy Phước Lành và Sự Hướng Dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô Nhiều Hơn trong Cuộc Sống của Chúng Ta

Đấng Cứu Rỗi mời chúng ta xem xét cuộc sống của mình như cách Ngài xem xét để thấy được phước lành và sự hướng dẫn của Ngài nhiều hơn trong cuộc sống chúng ta.

Thưa các anh chị em, tôi cảm thấy khiêm nhường biết bao khi đứng trước các anh chị em trong buổi sáng hôm nay. Tôi xin hòa cùng anh chị em với lòng biết ơn, vì được quy tụ lại để lắng nghe các sứ điệp từ các vị tiên tri, sứ đồ, tiên kiến, mặc khải và lãnh đạo trong vương quốc của Thượng Đế, cho dù anh chị em ở đâu trên khắp thế giới. Nói một cách ẩn dụ, chúng ta cũng giống như dân chúng trong thời của Vua Bên Gia Min, dựng lều mình và hướng cửa lều về phía vị tiên tri của Thượng Đế trên thế gian,1 Chủ Tịch Russell M. Nelson.

Thị lực của tôi rất kém trong một thời gian dài và luôn cần đeo kính theo chỉ định của bác sỹ để có thể nhìn rõ. Mỗi sáng khi mở mắt ra, tôi thấy thế giới nhìn thật rối loạn. Mọi thứ đều mờ ảo, nhiễu, và méo mó. Ngay cả người chồng yêu dấu của tôi cũng nhìn giống như một bức chân dung trừu tượng hơn là con người thực sự của anh, một người được yêu mến và biết an ủi! Trước khi làm bất cứ điều gì khác để bắt đầu ngày mới, theo phản xạ, tôi với tay lấy chiếc kính để giúp tôi nhìn được mọi thứ xung quanh và tận hưởng một trải nghiệm sống động hơn khi có chiếc kính giúp tôi làm mọi việc trong ngày.

Qua nhiều năm, tôi đã nhận ra rằng hành vi này cho thấy sự phụ thuộc hằng ngày của tôi vào hai điều: thứ nhất, một công cụ giúp tôi nhìn rõ, tập trung, và nhìn thấy được thế giới thực sự quanh mình; và thứ hai, việc cần thiết có được sự hướng dẫn rõ ràng để luôn luôn chỉ cho tôi đi đúng hướng. Thói quen đơn giản thường ngày này đối với tôi cũng giống như sự chú ý đáng kể đến mối quan hệ của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi cuộc sống chúng ta thường chất chứa những thắc mắc, nỗi lo lắng, áp lực và cơ hội, thì tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho cá nhân chúng ta và con cái giao ước của Ngài, cũng như những lời giảng dạy và luật pháp của Ngài, là những nguồn sẵn có hằng ngày cho chúng ta dựa vào, và trở thành một “ánh sáng mà nó chiếu sáng, … soi sáng mắt [chúng ta], và làm cho sự hiểu biết của [chúng ta] được linh hoạt.”2 Khi tìm kiếm các phước lành của Thánh Linh trong cuộc sống, chúng ta sẽ có thể, như Gia Cốp đã dạy, nhìn thấy “những điều đúng với sự thật hiện hữu, và đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có.”3

Là con cái giao ước của Thượng Đế, chúng ta được đặc biệt ban phước với nguồn cung cấp các công cụ dồi dào được Ngài chỉ định để cải thiện tầm nhìn thuộc linh của chúng ta. Chúng ta có thể nhận được những lời phán bảo và giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô như được ghi lại trong thánh thư và các sứ điệp từ các vị tiên tri chọn lọc của Ngài, và Thánh Linh của Ngài qua sự cầu nguyện hằng ngày, tham dự đền thờ thường xuyên và giáo lễ Tiệc Thánh hằng tuần mà có thể giúp phục hồi lại sự bình an và mang đến ân tứ phân biệt thiết yếu để ánh sáng và sự hiểu biết của Đấng Ky Tô được đem đến mọi góc cạnh trong cuộc sống chúng ta và đến với một thế giới u ám mờ mịt. Đấng Cứu Rỗi cũng có thể là la bàn và hoa tiêu của chúng ta khi chúng ta lèo lái con thuyền của mình qua vùng nước êm ả lẫn sóng gió của cuộc đời. Ngài có thể chỉ rõ con đường dẫn chúng ta tới đích đến vĩnh cửu. Vậy thì, Ngài muốn chúng ta thấy điều gì, và Ngài muốn chúng ta đi đâu?

Vị tiên tri yêu dấu của chúng ta đã dạy rằng “sự tập trung của chúng ta cần phải được dựa vào Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài” và rằng chúng ta phải “cố gắng hướng tới Ngài trong mọi ý nghĩ.”4 Chủ Tịch Nelson cũng hứa rằng: “Không có điều gì mời gọi Thánh Linh [tốt hơn] việc chuyển hướng sự tập trung của anh chị em vào Chúa Giê Su Ky Tô. … Ngài sẽ dẫn dắt và hướng dẫn anh chị em trong cuộc sống cá nhân của anh chị em nếu anh chị em chịu dành thời gian cho Ngài trong cuộc sống của mình—mỗi một ngày.”5 Các bạn thân mến, Chúa Giê Su Ky Tô là mục tiêu và đích đến của chúng ta. Để giúp chúng ta giữ vững mục tiêu và đi đúng hướng, Đấng Cứu Rỗi mời chúng ta xem xét cuộc sống của mình như cách Ngài xem xét để thấy được phước lành và sự hướng dẫn của Ngài nhiều hơn trong cuộc sống chúng ta. Tôi đã biết được nhiều hơn về lời mời đặc biệt này khi tôi nghiên cứu Kinh Cựu Ước.

Luật pháp Môi Se được ban cho dân Y Sơ Ra Ên thời kỳ đầu như là sự chuẩn bị phúc âm, được ban ra nhằm chuẩn bị mọi người cho một mối quan hệ giao ước cao hơn với Thượng Đế qua Chúa Giê Su Ky Tô.6 Luật pháp ấy mang đầy tính biểu tượng và hướng những tín đồ tới việc “trông chờ sự hiện đến” và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,7 nhằm giúp dân Y Sơ Ra Ên tập trung vào Đấng Cứu Rỗi bằng cách thực hành đức tin nơi Ngài, nơi sự hy sinh, và luật pháp cùng các lệnh truyền của Ngài trong cuộc sống của họ8—và để đem lại cho họ sự hiểu biết lớn lao hơn về Đấng Cứu Chuộc.

Cũng giống như chúng ta ngày nay, dân tộc thời xưa của Thượng Đế cũng được mời để xem xét cuộc sống của họ như cách Ngài xem xét để có thể nhìn thấy được phước lành và sự hướng dẫn của Ngài nhiều hơn trong cuộc sống của họ. Nhưng vào lúc giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, dân Y Sơ Ra Ên đã không còn noi theo Đấng Ky Tô mà đặt Ngài qua một bên và thêm vào luật pháp của Ngài các lối thực hành không được phép mà lại không mang tính biểu tượng hướng đến nguồn gốc thật sự và duy nhất cho sự cứu rỗi và cứu chuộc của họ—Chúa Giê Su Ky Tô.9

Dân Y Sơ Ra Ên đã bị mất phương hướng và mơ hồ trong các sinh hoạt hằng ngày của họ. Con cái Y Sơ Ra Ên, trong tình trạng này, đã tin rằng những lề thói và nghi lễ của luật pháp là con đường dẫn đến sự cứu rỗi cá nhân và phần nào rút ngắn luật pháp Môi Se thành các nghi thức được thực hiện để cai trị cuộc sống của người dân.10 Điều này buộc Đấng Cứu Rỗi phải phục hồi trọng tâm và sự minh bạch cho phúc âm của Ngài.

Cuối cùng phần đông dân Y Sơ Ra Ên đã chối bỏ sứ điệp của Ngài, thậm chí còn buộc tội Đấng Cứu Rỗi đã phá vỡ luật pháp ấy, dù Ngài là Đấng đã ban ra luật pháp và tuyên bố rằng Ngài “luật pháp, và sự sáng”.11 Chúa Giê Su, trong Bài Giảng trên Núi của Ngài, khi nói đến luật pháp Môi Se, đã tuyên phán: “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.”12 Rồi qua Sự Chuộc Tội vĩnh cửu của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã chấm dứt các luật lệ, phép tắc, và nghi lễ được dân Y Sơ Ra Ên thời đó tuân theo. Sự hy sinh cuối cùng của Ngài đã dẫn đến sự thay đổi từ việc dâng của lễ thiêu làm vật hy sinh sang dâng “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối,”13 từ giáo lễ hy sinh sang giáo lễ Tiệc Thánh.

Chủ Tịch M. Russell Ballard, khi giảng dạy về chủ đề này, đã nói: “Theo một nghĩa nào đó, sự hy sinh đã thay đổi từ của lễ hy sinh sang người dâng của lễ hy sinh.”14 Khi dâng của lễ lên Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đang được mời để thấy phước lành và sự hướng dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn trong cuộc sống của mình, khi khiêm nhường dâng ý muốn của chúng ta lên Ngài trong sự công nhận và hiểu biết về việc tuân phục hoàn hảo của Ngài theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Khi chú tâm vào Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta nhận ra và hiểu rằng Ngài là nguồn gốc và cách thức duy nhất để chúng ta nhận được sự tha thứ và cứu chuộc, ngay cả cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao.

Là một Ky Tô hữu trước khi gia nhập Giáo Hội, tôi đã gặp rất nhiều người đã quan sát và nhận thấy những thay đổi trong hành vi, lối thực hành, và các lựa chọn của tôi sau khi tôi gia nhập Giáo Hội. Họ tò mò về “nguyên do” của những điều họ thấy—tại sao tôi chọn để chịu phép báp têm và gia nhập giáo đoàn các tín đồ này, chính là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô; tại sao tôi tránh làm một số điều trong ngày Sa Bát; tại sao tôi trung tín tuân giữ Lời Thông Sáng; tại sao tôi đọc Sách Mặc Môn; tại sao tôi tin và làm theo những lời giảng dạy của các vị tiên tri và sứ đồ thời hiện đại trong cuộc sống của mình; tại sao tôi tham dự các buổi họp hằng tuần của Giáo Hội; tại sao tôi mời những người khác “đến và xem, đến và giúp đỡ,đến và ở lại,”15 cùng “đến và thuộc vào.”16

Vào thời điểm đó, những câu hỏi này khiến tôi cảm thấy choáng ngợp và, rõ ràng là đôi khi như bị cáo buộc vậy. Nhưng khi vật lộn với những câu hỏi đó của mọi người, tôi nhận ra rằng sự dò xét của họ thực ra chính là lời mời đầu tiên cho tôi nhận lấy và đeo vào chiếc kính thuộc linh để làm sáng tỏ, tập trung và củng cố những gì đã thúc đẩy tôi bám chặt vào các lối thực hành và tiêu chuẩn của phúc âm. Điều gì là nguồn gốc cho chứng ngôn của tôi? Liệu tôi có chỉ đang thực hiện “các lễ nghi bề ngoài” mà không cho phép các lối thực hành đó kết nối với luật pháp của Thượng Đế để “củng cố đức tin của [tôi] nơi Đấng Ky Tô”17 hoặc để cho thấy sự hiểu biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn sức mạnh duy nhất để tôi tuân theo hay không?

Qua nỗ lực nghiêm chỉnh để hướng về Chúa Giê Su Ky Tô trong mọi ý nghĩ và hành động, mắt tôi được soi sáng và sự hiểu biết của tôi được linh hoạt để nhận ra rằng Chúa Giê Su Ky Tô đang mời gọi tôi “đến cùng” Ngài.18 Kể từ thời gian đầu của vai trò môn đồ trong thời niên thiếu, tôi có thể nhớ là những người truyền giáo đã mời tôi tham gia cùng họ khi họ dạy phúc âm cho một nhóm các bạn thiếu nữ ở độ tuổi tôi. Một tối nọ, khi chúng tôi ngồi trong nhà của một trong các bạn thiếu nữ đó, câu hỏi dịu dàng và chân thành của họ về việc tại sao tôi tin đã cảm động lòng tôi, và cho phép tôi làm chứng cùng họ với một sự hiểu biết sâu sắc về cách Chúa nhìn những sự thúc đẩy thuộc linh trong vai trò môn đồ của tôi, và đã tinh luyện chứng ngôn của tôi từ đó về sau.

Khi ấy tôi đã biết được, như tôi hiện đang biết, rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, soi dẫn bước chân chúng ta đến nhà hội mỗi tuần để dự Tiệc Thánh của Ngài, đến nhà của Chúa để lập các giao ước với Ngài, đến với thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri để học hỏi lời Ngài. Ngài soi dẫn miệng chúng ta để làm chứng về Ngài, bàn tay chúng ta để nâng đỡ và phục vụ như cách Ngài nâng đỡ và phục vụ, mắt chúng ta để thấy thế gian và mỗi người như cách Ngài nhìn—“đúng với sự thật hiện hữu, và đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có.”19 Và khi chúng ta để cho Ngài hướng dẫn trong tất cả mọi điều, chúng ta nhận được chứng ngôn rằng “tất cả mọi vật đều chứng tỏ là có Thượng Đế,”20 vì khi chúng ta tìm kiếm Ngài chúng ta sẽ thấy Ngài21—mỗi ngày. Tôi làm chứng về điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.