Đại Hội Trung Ương
Mão Hoa thay vì Tro Bụi: Con Đường Chữa Lành của Sự Tha Thứ
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


10:7

Mão Hoa thay vì Tro Bụi: Con Đường Chữa Lành của Sự Tha Thứ

Việc sống theo cách mà anh chị em cho đi mão hoa thay vì tro bụi của cuộc đời mình, chính là một hành động của đức tin để noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Sách 1 Sa Mu Ên có một câu chuyện ít được biết đến về Đa Vít, vị vua tương lai của Y Sơ Ra Ên, và một phụ nữ tên là A Bi Ga In.

Sau cái chết của Sa Mu Ên, Đa Vít và người của ông đã tránh xa Vua Sau Lơ, người lúc ấy đang tìm giết Đa Vít. Họ trông coi đàn gia súc và những người hầu cận cho một người đàn ông giàu có tên là Na Banh, một kẻ hung ác. Đa Vít đã cử 10 người của mình đến chào hỏi Na Banh và yêu cầu thực phẩm và vật dụng cần thiết.

Na Banh đáp lại yêu cầu của Đa Vít bằng sự sỉ nhục và đuổi người của ông về tay không.

Bị xúc phạm, Đa Vít chuẩn bị cho người của mình đến đánh Na Banh và gia đình của hắn, bảo rằng: “Hắn [Na Banh] lại lấy oán trả ơn.”1 Một người hầu nói với A Bi Ga In, vợ của Na Banh, về việc chồng nàng đối xử tệ với người của Đa Vít. A Bi Ga In nhanh chóng thu gom thực phẩm và vật dụng cần thiết và đi xin giúp chồng mình.

Khi A Bi Ga In gặp Đa Vít, nàng ấy “sấp mình xuống đất tại trước mặt Đa Vít mà lạy,

“[Và] nàng phục dưới chân người mà nói rằng: Lạy chúa, lỗi về tôi, về tôi! Xin cho phép con đòi ông nói trước mặt ông. …

“Bây giờ, Đức Giê Hô Va đã ngăn chúa đến làm đổ huyết ra, và lấy chánh tay mình mà báo thù. …

“… Và bây giờ, nầy là lễ vật mà con đòi chúa đem đến dâng cho chúa, để phát cho các người đi theo sau. …

“Xin hãy tha lỗi cho con đòi chúa. …

“Đa Vít đáp cùng A Bi Ga In rằng: Đáng ngợi khen Giê Hô Va Đức Chúa Trời của Y Sơ Ra Ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay!

“Đáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình. …

“Vậy, Đa Vít nhận lễ vật do nơi tay nàng đem đến cho người, và nói rằng: Hãy trở lên nhà ngươi bình an. … [Ta] đã nghe theo tiếng ngươi, và tiếp ngươi tử tế.”2

Cả hai đều ra về trong an bình.

Trong câu chuyện này, A Bi Ga In có thể được xem là một kiểu mẫu hoặc biểu tượng mạnh mẽ của Chúa Giê Su Ky Tô.3 Qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và gánh nặng của lòng nóng giận và cung cấp cho chúng ta sự nuôi dưỡng cần thiết.4

Cũng như A Bi Ga In sẵn sàng chịu lỗi thay cho Na Banh, thì Đấng Cứu Rỗi cũng vậy—theo một cách khó lý giải—Ngài gánh lấy tội lỗi của chúng ta và tội lỗi của những người đã làm tổn thương hoặc xúc phạm chúng ta.5 Tại vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá, Ngài đã nhận hết những tội lỗi này. Ngài đã mở lối để chúng ta buông bỏ lòng thù hận. “Lối” đó chính là thông qua sự tha thứ—đó có thể là một trong những điều khó khăn nhất mà chúng ta từng làm và là một trong những điều thiêng liêng nhất mà chúng ta từng trải qua. Trên con đường của sự tha thứ, quyền năng chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể tràn vào cuộc sống của chúng ta và bắt đầu chữa lành những vết rạn nứt sâu trong trái tim và tâm hồn.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta khả năng tha thứ:

“Nhờ vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, anh chị em có thể tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình và những người có thể không bao giờ nhận trách nhiệm cho sự tàn ác của họ đối với anh chị em.

“Thường là rất dễ dàng để tha thứ cho một người chân thành và khiêm nhường tìm kiếm sự tha thứ nơi anh chị em. Nhưng Đấng Cứu Rỗi sẽ ban cho anh chị em khả năng để tha thứ cho bất cứ người nào đã ngược đãi anh chị em trong mọi phương diện. Rồi sau đó, hành vi gây tổn thương của họ không còn có thể là gánh nặng trong tâm hồn của anh chị em nữa.”6

Việc A Bi Ga In mang đến rất nhiều thực phẩm và vật dụng có thể dạy chúng ta rằng Đấng Cứu Rỗi ban sự nuôi dưỡng cho những người bị đau đớn và tổn thương, cũng như sự giúp đỡ chúng ta cần để được chữa lành và trở nên toàn vẹn.7 Chúng ta không cần phải tự mình giải quyết hậu quả từ hành động của người khác; chúng ta cũng có thể được trở nên toàn vẹn và có cơ hội được cứu khỏi gánh nặng của lòng nóng giận và bất kỳ hành động nào có thể xảy ra sau đó.

Chúa đã nói: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người.”8 Chúa đòi hỏi chúng ta phải tha thứ vì lợi ích của chính chúng ta.9 Nhưng Ngài không yêu cầu chúng ta làm điều đó mà không có sự giúp đỡ, tình yêu thương, và sự hiểu biết của Ngài. Qua các giao ước của chúng ta với Chúa, mỗi người chúng ta có thể nhận được sức mạnh củng cố, sự hướng dẫn và sự giúp đỡ mà chúng ta cần để tha thứ và được tha thứ.

Hãy biết rằng tha thứ cho ai đó không có nghĩa là anh chị em đặt mình vào hoàn cảnh mà anh chị em sẽ tiếp tục bị tổn thương. “Chúng ta có thể nỗ lực để tha thứ cho ai đó và vẫn cảm thấy được Thánh Linh thúc giục để tránh xa họ.”10

Cũng giống như A Bi Ga In đã giúp Đa Vít “không bị lòng cắn rứt”11 và nhận được sự giúp đỡ mà ông cần, thì Đấng Cứu Rỗi cũng sẽ giúp đỡ anh chị em. Ngài yêu thương anh chị em, và Ngài sẽ gặp anh chị em trên con đường của anh chị em “với đôi cánh có sự chữa lành [của Ngài].”12 Ngài muốn anh chị em được bình an.

Cá nhân tôi đã chứng kiến phép lạ của Đấng Ky Tô chữa lành tấm lòng nóng giận của mình. Được sự cho phép của cha tôi, tôi xin chia sẻ rằng tôi lớn lên trong một ngôi nhà mà tôi không phải lúc nào cũng cảm thấy an toàn vì bị ngược đãi về cảm xúc và lời nói. Trong những năm niên thiếu và trưởng thành, tôi đã oán hận cha mình và căm giận trong lòng vì sự tổn thương đó.

Qua nhiều năm và nhiều nỗ lực tìm kiếm sự bình an và chữa lành trên con đường để tha thứ, tôi đã nhận ra một cách sâu sắc rằng chính Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng đã chuộc tội cho tôi, cũng chính là Đấng Cứu Chuộc sẽ cứu giúp những ai làm tổn thương tôi sâu sắc. Tôi không thể chỉ tin vào sự thật đầu tiên mà không tin vào sự thật thứ hai được.

Khi tình yêu thương của tôi dành cho Đấng Cứu Rỗi ngày càng lớn, tôi cũng muốn thay thế sự tổn thương và giận dữ bằng sự chữa lành của Ngài. Đó là một quá trình kéo dài nhiều năm, đòi hỏi lòng can đảm, sự cởi mở dù sợ bị tổn thương, sự kiên trì và học cách tin tưởng vào quyền năng thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi để cứu chuộc và chữa lành. Tôi vẫn cần phải nỗ lực nhiều, nhưng tôi không còn tức giận và muốn trả thù nữa. Tôi đã được ban cho “một tấm lòng mới”13—một tấm lòng cảm nhận được theo một cách rất riêng tình yêu sâu sắc và bền chặt của Đấng Cứu Rỗi, Đấng luôn ở bên cạnh tôi, nhẹ nhàng và kiên nhẫn dẫn dắt tôi đến một nơi tốt hơn, Đấng đã khóc cùng tôi, và hiểu nỗi buồn của tôi.

Chúa đã ban cho tôi những phước lành để được bù đắp giống như A Bi Ga In đã mang đến những gì Đa Vít cần. Ngài đã gửi những người hướng dẫn và giúp đỡ vào cuộc sống của tôi. Và điều ngọt ngào nhất cũng như thay đổi nhiều nhất chính là mối quan hệ của tôi với Cha Thiên Thượng. Thông qua Ngài, tôi biết ơn tình yêu thương dịu dàng, che chở và hướng dẫn của một người Cha hoàn hảo.

Anh Cả Richard G. Scott đã nói: “Anh chị em không thể xóa đi điều đã xảy ra, nhưng anh chị em có thể tha thứ.14 Sự tha thứ chữa lành các viết thương tệ hại, bi thảm, vì nó cho phép tình yêu thương của Thượng Đế làm thanh tẩy độc tố của sự thù ghét ra khỏi trái tim và tâm trí của anh chị em. Nó làm tiêu tan mong muốn trả thù trong ý thức của anh chị em. Nó dành chỗ cho tình yêu thương giúp thanh tẩy, chữa lành và phục hồi của Chúa.”15

Người cha trần thế của tôi cũng đã có một sự thay đổi kỳ diệu trong lòng những năm gần đây và đã hướng về Chúa—điều mà tôi không thể ngờ tới trong cuộc đời này. Một chứng ngôn khác của tôi về quyền năng hoàn thiện và biến đổi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi biết Ngài có thể chữa lành những người mắc tội và những người tái phạm. Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian, là Đấng đã hy sinh mạng sống của Ngài để chúng ta có thể sống lại. Ngài đã nói, “Thần của Chúa ngự trên ta; vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để [chữa lành cho những tấm lòng tan vỡ], rao cho kẻ bị [giam] cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do.”16

Đối với tất cả những ai có tấm lòng tan vỡ, bị giam cầm, bị hà hiếp, và có lẽ bị mù lòa do tổn thương hoặc vì tội lỗi, Ngài ban sự chữa lành, sự bình phục và giải cứu. Tôi làm chứng rằng sự chữa lành và bình phục mà Ngài ban cho là có thật. Thời gian của việc chữa lành tùy thuộc vào mỗi cá nhân và chúng ta không thể đánh giá thời gian của người khác. Điều quan trọng là hãy cho phép bản thân chúng ta có thời gian cần thiết để lành lặn và đối xử tốt với chính mình trong quá trình này. Đấng Cứu Rỗi luôn nhân từ và chu đáo, và sẵn sàng mang đến sự giúp đỡ mà chúng ta cần.17

Trên con đường của sự tha thứ và chữa lành, có một sự lựa chọn là không tiếp tục duy trì những khuôn mẫu hoặc mối quan hệ không lành mạnh trong gia đình chúng ta hoặc ở những nơi khác. Đối với tất cả những ai ở trong phạm vi ảnh hưởng của mình, chúng ta có thể dùng sự tử tế đáp lại sự tàn nhẫn, yêu thương đáp lại căm ghét, dịu dàng đáp lại vô tâm, an toàn đáp lại hiểm nguy, và bình an đáp lại tranh cãi.

Việc cho đi những gì anh chị em bị từ chối chính là một phần quyền năng của sự chữa lành thiêng liêng, chỉ khả thi nhờ có đức tin vào Chúa Giê Su Ky Tô. Việc sống theo cách có thể cho đi như vậy, như Ê Sai đã nói, mão hoa thay vì tro bụi của cuộc đời mình18 chính là một hành động của đức tin biết noi theo tấm gương tuyệt vời nhất của Đấng Cứu Rỗi, Đấng đã chịu đựng tất cả để Ngài có thể cứu giúp tất cả.

Giô Sép người Ê Díp Tô đã sống một cuộc đời nhận lấy nhiều tro bụi. Ông bị các anh em của mình ghét bỏ, bị phản bội, bị bán làm nô lệ, bị giam cầm oan ức và bị lãng quên bởi một người đã hứa sẽ giúp đỡ. Tuy nhiên, ông đã tin cậy nơi Chúa. “Đức Giê Hô Va phù hộ Giô Sép”19 và biệt riêng những thử thách của ông cho phước lành và sự trưởng thành của chính ông—cũng như cho sự cứu rỗi gia đình ông và toàn thể xứ Ê Díp Tô.

Khi Giô Sép gặp những người anh em của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo vĩ đại ở Ai Cập, sự tha thứ và quan điểm qua tôi luyện của ông được thể hiện qua những lời nhân từ mà ông nói:

“Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh. …

“Không, chẳng phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời.”20

Thông qua Đấng Cứu Rỗi, cuộc đời của Giô Sép trở thành “mão hoa thay vì tro bụi.”21

Kevin J Worthen, chủ tịch trường BYU, đã nói rằng Chúa “có thể làm cho những điều tốt đẹp đến… không chỉ từ những thành công của chúng ta mà còn từ những thất bại của chúng ta và những thất bại của những người khác khiến chúng ta đau đớn. Thượng Đế quả thật tuyệt vời và quyền năng như thế đấy.”22

Tôi làm chứng rằng tấm gương sáng nhất về tình yêu thương và sự tha thứ chính là của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng mà trong cơn đau đớn tột cùng đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết mình làm điều gì.”23

Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta mong muốn sự tốt lành và hy vọng cho mỗi con cái của Ngài. Trong sách Giê Rê Mi chúng ta đọc được rằng: “Đức Giê Hô Va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an.”24

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si riêng của anh chị em, là Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Rỗi yêu thương của anh chị em, Đấng biết những lời khẩn cầu trong lòng anh chị em. Ngài mong muốn sự chữa lành và hạnh phúc của anh chị em. Ngài yêu thương anh chị em. Ngài cùng khóc trong nỗi buồn của anh chị em và vui mừng giúp anh chị em trở nên trọn lành. Cầu mong cho chúng ta hãy mạnh dạn nắm lấy bàn tay thương xót của Ngài đang đưa ra đón chờ25 khi chúng ta bước đi trên con đường chữa lành của sự tha thứ, đây là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.