Đại Hội Trung Ương
Giúp Đỡ Người Nghèo Khó và Đau Khổ
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


13:38

Giúp Đỡ Người Nghèo Khó và Đau Khổ

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô cam kết phục vụ những người hoạn nạn, đồng thời cũng cam kết hợp tác với các tổ chức khác trong nỗ lực đó.

Thưa anh chị em, Chủ Tịch Russell M. Nelson yêu dấu của chúng ta sẽ ngỏ lời sau trong phiên họp này. Ông đã yêu cầu tôi là người nói chuyện đầu tiên.

Đề tài của tôi hôm nay liên quan đến những gì mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và các tín hữu Giáo Hội hiến tặng và làm cho người nghèo khó và đau khổ. Tôi cũng sẽ nói về những khoản hiến tặng tương tự của những người tốt bụng khác. Việc ban phát cho người hoạn nạn là một nguyên tắc trong tất cả các tôn giáo đến từ Áp Ra Ham và cũng trong những tôn giáo khác.

Cách đây một vài tháng, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô lần đầu tiên báo cáo về mức độ hoạt động nhân đạo của chúng ta trên toàn thế giới.1 Năm 2021, chi phí cho những người hoạn nạn ở 188 quốc gia trên toàn cầu tổng cộng là 906 triệu đô la—gần một tỷ đô la. Ngoài ra, các tín hữu của chúng ta đã tình nguyện dành ra hơn 6 triệu giờ lao động cũng để giúp đỡ những người hoạn nạn.

Dĩ nhiên, những số liệu này là báo cáo không đầy đủ về những hoạt động hiến tặng và giúp đỡ của chúng ta. Số liệu đó không bao gồm sự phục vụ cá nhân của các tín hữu của chúng ta hiến tặng riêng rẽ khi họ phục sự lẫn nhau trong các chức vụ kêu gọi và sự phục vụ tình nguyện giữa từng tín hữu với nhau. Và bản báo cáo năm 2021 của chúng ta không hề đề cập đến những gì mà riêng từng tín hữu của chúng ta làm qua vô số các tổ chức từ thiện không chính thức liên kết với Giáo Hội chúng ta. Tôi bắt đầu với các ví dụ sau.

Năm 1831, chưa đầy hai năm sau khi Giáo Hội phục hồi được tổ chức, Chúa đã ban điều mặc khải này để hướng dẫn các tín hữu Giáo Hội, và tôi tin là cũng dành cho tất cả con cái của Ngài trên toàn cầu:

“Vì này, điều không đúng cho ta khi phải ra lệnh về mọi việc; vì kẻ nào bị bắt buộc làm mọi việc, thì kẻ đó là một tôi tớ biếng nhác và không khôn ngoan. …

“Thật vậy ta nói, con người phải biết thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa, và làm được nhiều việc theo ý muốn của mình, và thực hiện nhiều điều ngay chính;

“Vì quyền năng ở trong họ, mà qua đó họ có quyền quản lý chính mình. Và nếu con người làm được những điều tốt lành, thì không có lý do nào họ phải mất đi phần thưởng của mình.”2

Trong hơn 38 năm làm Sứ Đồ, và hơn 30 năm làm việc chuyên nghiệp, tôi đã thấy nhiều nỗ lực hào phóng của các tổ chức và cá nhân cho loại lý do mà điều mặc khải này miêu tả là “chính nghĩa” và “thực hiện nhiều điều ngay chính.” Có vô số ví dụ về sự phục vụ nhân đạo như vậy trên khắp thế giới, vượt ra ngoài biên giới và sự hiểu biết thông thường của chúng ta. Khi suy ngẫm về điều này, tôi nghĩ tới vị tiên tri trong Sách Mặc Môn là vua Bên Gia Min, mà bài giảng của ông bao gồm lẽ thật vĩnh cửu này: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy.”3

Nhiều sự phục vụ an sinh và nhân đạo cho đồng bào của chúng ta đều được Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và các tín hữu chúng ta giảng dạy và thực hành. Ví dụ, chúng ta nhịn ăn vào tuần đầu tiên của mỗi tháng và đóng góp ít nhất số tiền tương đương với bữa không ăn để giúp người hoạn nạn trong chính giáo đoàn của mình. Giáo Hội cũng đóng góp rất lớn cho các dịch vụ nhân đạo và các dịch vụ khác trên khắp thế giới.

Dù cho tất cả những gì Giáo Hội chúng ta trực tiếp thực hiện, hầu hết các dịch vụ nhân đạo dành cho con cái của Thượng Đế trên toàn cầu đều được thực hiện bởi cá nhân và các tổ chức không có liên kết chính thức với Giáo Hội chúng ta. Như nhận xét của một trong các Vị Sứ Đồ của chúng ta: “Thượng Đế đang sử dụng nhiều hơn một người để hoàn thành công việc vĩ đại và kỳ diệu của Ngài. … Công việc đó quá to lớn, quá khó nhọc đối với bất kỳ một người nào.”4 Là tín hữu của Giáo Hội phục hồi, chúng ta cần phải nhận thức rõ hơn và biết ơn nhiều hơn về sự phục vụ của người khác.

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô cam kết phục vụ những người hoạn nạn, đồng thời cũng cam kết hợp tác với các tổ chức khác trong nỗ lực đó. Chúng ta vừa mới trao tặng một món quà từ thiện lớn cho Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hợp Quốc. Trong nhiều thập kỷ hoạt động nhân đạo của chúng ta, chúng ta đã hợp tác với hai tổ chức rất quan trọng: dự án với các cơ quan như Hội Chữ Thập Đỏ và Hội Lưỡi Liềm Đỏ trong hàng chục quốc gia đã cung cấp cho con cái của Thượng Đế sự cứu trợ quan trọng trong những lúc thiên tai và xung đột. Cũng vậy, chúng ta có lịch sử lâu dài cùng cộng tác với Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo. Các tổ chức này đã dạy chúng ta rất nhiều về sự cứu trợ tầm cỡ thế giới.

Chúng ta cũng có những sự hợp tác hiệu quả với các tổ chức khác, gồm có tổ chức Viện Trợ Hồi Giáo, Cung Cấp Nước Sạch, và IsraAID, đây chỉ là một vài ví dụ. Mặc dù mỗi tổ chức nhân đạo đều có lĩnh vực quan tâm đặc biệt riêng, nhưng chúng ta đều chia sẻ một mục tiêu chung là nhằm giảm bớt nỗi đau khổ trong số con cái của Thượng Đế. Tất cả những điều này đều là một phần công việc của Thượng Đế dành cho con cái Ngài.

Sự mặc khải hiện đại dạy rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, “là sự sáng thật soi sáng cho mọi người sinh ra ở thế gian này.”5 Do đó, Chúa Giê Su Ky Tô soi dẫn tất cả con cái của Thượng Đế phục vụ Ngài và phục vụ lẫn nhau bằng hết khả năng và sự hiểu biết của mình.

Sách Mặc Môn dạy rằng “tất cả những gì để mời mọc và thuyết phục loài người làm điều thiện, cùng yêu mến Thượng Đế và phục vụ Ngài đều do Thượng Đế soi dẫn cả.”6

Tiếp tục:

“Vì này, Thánh Linh của Đấng Ky Tô được ban cho mọi người, để họ có thể biết phân biệt được thiện và ác; vậy nên, tôi chỉ cho các người biết cách xét đoán; vì bất cứ việc gì mời mọc làm điều thiện, và thuyết phục để tin nơi Đấng Ky Tô, đều do quyền năng và ân tứ của Đấng Ky Tô; …

“Và giờ đây, hỡi đồng bào, … vì các người biết được sự sáng mà nhờ đó các người có thể xét đoán, sự sáng này là ánh sáng của Đấng Ky Tô.”7

Đây là một số ví dụ về các con cái của Thượng Đế giúp đỡ các con cái khác của Thượng Đế với những nhu cầu thiết yếu của họ như thực phẩm, chăm sóc y tế, và giảng dạy:

Cách đây mười năm, gia đình Kandharis, một cặp vợ chồng theo đạo Sikh ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã đích thân phát động một nỗ lực phi thường để cung cấp thức ăn cho người đói khát. Qua đền thờ Guru Nanak Darbar của đạo Sikh, họ hiện đang phục vụ hơn 30.000 bữa ăn chay mỗi cuối tuần cho bất kỳ người nào bước vào cửa, bất kể tôn giáo hay chủng tộc nào. Bác sĩ Kandhari giải thích: “Chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều là một, chúng ta đều là con cái của một Thượng Đế, và chúng ta ở đây để phục vụ mọi người.”8

Một ví dụ khác là cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và nha khoa cho những người hoạn nạn. Ở Chicago, tôi đã gặp một bác sĩ chăm sóc đặc biệt người Mỹ gốc Syria, Bác Sĩ Zaher Sahloul. Ông là một trong những người thành lập ra MedGlobal, là tổ chức sắp xếp cho các chuyên gia y tế tình nguyện dành thời gian, kỹ năng, kiến thức, và khả năng lãnh đạo để giúp đỡ người khác trong các cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như trong chiến tranh Syria, là nơi Bác Sĩ Sahloul đã mạo hiểm tính mạng để chăm sóc y tế cho người dân. MedGlobal và các tổ chức tương tự khác (bao gồm nhiều chuyên gia y tế Thánh Hữu Ngày Sau) cho thấy rằng Thượng Đế đang thúc đẩy các chuyên gia có đạo để mang đến sự cứu trợ cần thiết trên toàn cầu.9

Nhiều con cái vô vị kỷ của Thượng Đế cũng đang tham gia vào các nỗ lực giảng dạy trên toàn cầu. Một tấm gương sáng, mà chúng tôi biết đến nhờ các nỗ lực nhân đạo của chúng ta, là hoạt động của một người chúng tôi gọi là Ông Gabriel, một người tị nạn vài lần từ nhiều cuộc xung đột khác nhau. Gần đây ông đã chứng kiến hàng trăm ngàn trẻ em tị nạn ở Đông Phi cần sự giúp đỡ để giữ vững hy vọng và trí óc luôn hoạt động. Ông tổ chức các giáo viên khác trong cộng đồng người tị nạn để lập ra các lớp học cho trẻ em mà họ gọi là “trường học dưới bóng cây.” Ông không chờ cho đến khi người khác tổ chức hoặc hướng dẫn mà đã đích thân dẫn đầu nỗ lực tạo ra các cơ hội học tập cho hàng ngàn học sinh tiểu học trong những năm tị nạn đầy áp lực của các em.

Dĩ nhiên, ba ví dụ này không có nghĩa là mọi điều mà một số tổ chức hoặc cá nhân nói hay làm là vì mục đích tốt hoặc vì Thượng Đế đều thật sự như vậy. Các ví dụ này cho thấy rằng Thượng Đế soi dẫn nhiều tổ chức và cá nhân làm nhiều việc thiện. Nó cũng cho thấy rằng nhiều người hơn nữa trong số chúng ta cần phải nhận biết những việc thiện mà các tổ chức khác đã làm và ủng hộ tổ chức đó nếu chúng ta có thời giờ và phương tiện để làm như vậy.

Đây là một số ví dụ về sự phục vụ mà Giáo Hội hỗ trợ và các tín hữu của chúng ta cũng như những người tốt và các tổ chức khác cũng hỗ trợ bằng cách hiến tặng riêng thời gian và tiền bạc:

Tôi bắt đầu với sự tự do tôn giáo. Để ủng hộ tự do tôn giáo, chúng ta phục vụ lợi ích của riêng mình, nhưng cũng vì lợi ích của các tôn giáo khác. Như Vị Chủ Tịch đầu tiên của chúng ta, Joseph Smith, đã dạy: “Chúng tôi xin đặc ân thờ phượng Đấng Thượng Đế Toàn Năng theo tiếng gọi lương tâm riêng của chúng tôi, và cũng xin dành cho tất cả mọi người có được cùng đặc ân này, để họ thờ phượng gì, bằng cách nào hay ở đâu tùy theo họ chọn.”10

Các ví dụ khác về các khoản đóng góp nhân đạo và sự hỗ trợ khác của Giáo Hội phục hồi mà cũng được các tín hữu của chúng ta tình nguyện ủng hộ là các trường học, trường cao đẳng, và trường đại học được nhiều người biết đến của chúng ta và các khoản đóng góp lớn ít người biết đến nhưng nay đã được công khai để cứu trợ những người đang phải chịu đựng cảnh tàn phá và phân tán do thiên tai như lốc xoáy và động đất gây ra.

Có quá nhiều để liệt kê hết các hoạt động từ thiện khác mà các tín hữu của chúng ta ủng hộ nhờ việc tình nguyện đóng góp và bỏ ra nỗ lực, nhưng việc chỉ nêu ra một vài hoạt động sẽ cho thấy sự đa dạng và tầm quan trọng của các hoạt động này: chống sự phân biệt chủng tộc và những định kiến khác, nghiên cứu cách phòng ngừa và chữa bệnh, giúp đỡ người khuyết tật, ủng hộ các tổ chức âm nhạc, và cải thiện môi trường đạo đức và thể chất cho tất cả mọi người.

Tất cả các nỗ lực nhân đạo của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đều tìm cách để noi theo tấm gương của một dân tộc ngay chính được miêu tả trong Sách Mặc Môn: “Và mặc dầu sống trong cảnh thịnh vượng như vậy, nhưng họ không xua đuổi những kẻ thiếu áo quần, đói khát hay bệnh tật, … và họ … ban phát rất rộng rãi cho tất cả mọi người, trẻ cũng như già, nô lệ cũng như tự do, nam cũng như nữ, người trong giáo hội cũng như người ngoài giáo hội.”11

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, mà ánh sáng và Thánh Linh của Ngài hướng dẫn tất cả con cái của Thượng Đế trong việc giúp đỡ người nghèo khó và người đau khổ trên khắp thế giới. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.