Hết Lòng
Chúng ta nên là các tín đồ của Chúa Giê Su và là những người hân hoan cùng hết lòng trong cuộc hành trình riêng của mình để làm môn đồ.
Đôi khi, điều hữu ích là để biết những gì ta kỳ vọng.
Gần cuối giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su phán cùng Các Sứ Đồ của Ngài rằng thời kỳ khó khăn sẽ đến. Nhưng Ngài cũng phán rằng: “Hãy giữ mình, đừng bối rối.”1 Vâng, Ngài sẽ rời đi, nhưng Ngài sẽ không bỏ mặc họ một mình.2 Ngài sẽ gửi Thánh Linh của Ngài đến giúp họ tưởng nhớ, đứng vững, và tìm thấy sự bình an. Đấng Cứu Rỗi làm tròn lời hứa của Ngài để ở cùng với chúng ta, là các môn đồ của Ngài, nhưng chúng ta phải luôn tìm đến Ngài để giúp chúng ta nhận ra và hân hoan với sự hiện diện của Ngài.
Các môn đồ của Đấng Ky Tô luôn gặp khó khăn.
Một người bạn thân của tôi đã gửi cho tôi một bài báo cũ từ Nebraska Advertiser, một tờ báo ở Midwestern Hoa Kỳ, đề ngày 9 tháng Bảy năm 1857. Bài báo viết: “Sáng sớm hôm nay, một đoàn người Mặc Môn đã đi ngang qua đây trong cuộc hành trình của họ đến Salt Lake. Những người phụ nữ (trông chẳng mấy thanh tú) kéo xe tay như những con vật, một người [phụ nữ] bị ngã vào vũng bùn đen, là nguyên nhân khiến cho cuộc hành trình bị ngừng lại, lũ trẻ con lê bước trong những chiếc váy [kỳ quặc] lạ lẫm trông rất quả cảm như mẹ của chúng vậy”.3
Tôi đã nghĩ rất nhiều về người phụ nữ lấm lem bùn đất này. Tại sao chị ấy lại kéo xe tay một mình? Chị ấy có phải là một người mẹ đơn thân không? Điều gì đã mang đến cho chị ấy sức mạnh nội tâm, sự quả cảm, lòng kiên trì để thực hiện một cuộc hành trình gian khổ qua những con đường lầy lội, kéo tất cả tài sản của mình trên một chiếc xe kéo tay để đến sống nơi hoang mạc xa lạ—đôi khi bị những người trông thấy chế giễu?4
Chủ Tịch Joseph F. Smith nói về sức mạnh nội tâm của những người phụ nữ tiền phong này, rằng: “Các anh chị em có khiến cho một trong những người phụ nữ này rời bỏ niềm tin vững chắc của họ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không? Các anh chị em có thể làm mờ tâm trí của họ về sứ mệnh của Tiên Tri Joseph Smith không? Các anh chị em có thể làm cho họ mù quáng về sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế không? Không, trên đời này, các anh chị em chẳng thể nào làm được điều đó. Tại sao? Bởi vì họ biết điều đó. Thượng Đế đã mặc khải điều đó cho họ biết, và họ hiểu được điều đó, và không có quyền năng nào trên thế gian có thể làm cho họ rời xa điều họ biết là lẽ thật đó.”5
Thưa các anh chị em, để trở thành những người nam và người nữ như vậy là thử thách lớn nhất trong thời kỳ của chúng ta—[để làm] những môn đồ tìm kiếm sức mạnh để tiếp tục kéo chiếc xe tay khi được kêu gọi đi qua vùng hoang dã, [để làm] các môn đồ với lòng tin chắc đã được Thượng Đế mặc khải cho chúng ta, [để làm] các tín đồ của Chúa Giê Su là những người vui mừng và hết lòng trong cuộc hành trình riêng của chúng ta trong vai trò môn đồ. Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tin tưởng và có thể tiến triển trong ba lẽ thật quan trọng.
Trước Hết, Chúng Ta Có Thể Tuân Giữ Các Giao Ước, Ngay Cả Khi Điều Đó Chẳng Dễ Dàng
Khi đức tin, gia đình, hoặc tương lai của anh chị em bị thử thách—khi anh chị em tự hỏi tại sao cuộc sống lại khó khăn như thế trong khi anh chị em đang cố gắng hết sức mình để sống theo phúc âm—hãy nhớ rằng Chúa phán bảo chúng ta phải trông đợi những khó khăn. Khó khăn là một phần của kế hoạch này và không có nghĩa là anh chị em đã bị bỏ rơi; khó khăn là một phần của ý nghĩa trong việc làm môn đồ của Ngài.6 Xét cho cùng, Ngài là Đấng “từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm.”7
Tôi biết được rằng Cha Thiên Thượng quan tâm đến sự tiến triển của tôi với tư cách là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô hơn là sự an nhàn của tôi. Có thể không phải lúc nào tôi cũng muốn điều đó diễn ra như vậy—nhưng thật ra là thế!
Việc sống trong một cuộc sống an nhàn không mang lại quyền năng. Quyền năng mà chúng ta cần để chống lại các thử thách trong thời kỳ của chúng ta là quyền năng của Chúa, và quyền năng của Ngài tuôn chảy qua các giao ước của chúng ta với Ngài.8 Việc dựa vào đức tin của mình khi đối mặt với những khó khăn—để chân thành cố gắng mỗi ngày để làm điều mà chúng ta đã giao ước với Đấng Cứu Rỗi chúng ta sẽ làm, ngay cả và nhất là khi chúng ta mệt mỏi, lo lắng, và tranh đấu với những câu hỏi và vấn đề phiền não—thì dần dần nhận được ánh sáng của Ngài, sức mạnh, tình yêu thương của Ngài, Thánh Linh của Ngài, sự bình an của Ngài.
Mục tiêu của việc đi trên con đường giao ước là đến gần Đấng Cứu Rỗi. Ngài là mục tiêu, chứ không phải sự tiến triển hoàn hảo của chúng ta. Đó không phải là một cuộc đua, và chúng ta không được so sánh cuộc hành trình của mình với người khác’. Ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm, Ngài vẫn ở đó.
Thứ Hai, Chúng Ta Có Thể Hành Động Theo Đức Tin
Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta hiểu rằng đức tin nơi Ngài đòi hỏi phải có hành động—nhất là trong những lúc khó khăn.9
Cách đây nhiều năm, cha mẹ tôi đã quyết định thay thảm ngôi nhà. Đêm trước khi tấm thảm mới đến, mẹ tôi đã yêu cầu các em trai của tôi chuyển đồ đạc và tháo thảm cũ trong phòng ngủ để có thể lắp đặt thảm mới vào. Lúc bấy giờ, Emily, đứa em gái bảy tuổi của tôi đã ngủ rồi. Vậy nên, trong lúc em ấy ngủ, họ lặng lẽ chuyển tất cả đồ đạc ra khỏi phòng của em ấy, ngoại trừ cái giường, và rồi gỡ bỏ tấm thảm. Và cũng giống như các anh trai thỉnh thoảng hay đùa với mấy đứa em, họ quyết định trêu chọc em ấy. Họ chuyển hết vật dụng còn lại của em ấy ra khỏi tủ quần áo và cả những vật treo trên tường, chỉ để lại căn phòng trống. Sau đó, họ viết một bức thư ngắn và dán nó lên tường: “Emily thân yêu, cả nhà đã dọn đi rồi. Mọi người sẽ viết thư cho em sau một vài ngày nữa và báo cho em biết mọi người đang ở đâu. Yêu em, cả nhà.”
Sáng hôm sau, khi Emily không đến ăn sáng, mấy cậu em của tôi bèn đi tìm em ấy—em ở đó buồn lủi thủi sau cánh cửa đóng chặt. Về sau, Emily đã nghĩ về kinh nghiệm này: “Tôi bị tổn thương tột cùng. Nhưng lúc đó, điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi mở cánh cửa? Tôi sẽ nghe được gì? Tôi sẽ ngửi thấy mùi gì? Tôi sẽ biết rằng mình không ở đó một mình. Tôi sẽ biết rằng mình thực sự được yêu thương. Lúc đó, ý nghĩ về hành động để thay đổi hoàn cảnh của mình chẳng hề hiện hữu trong tâm trí tôi. Tôi chỉ biết từ bỏ và ở trong tủ quần áo của mình mà khóc. Và nếu tôi chỉ đơn thuần mở cánh cửa ra.”10
Em gái tôi đã đưa ra một giả định dựa trên những gì mà em ấy thấy, nhưng điều đó không phản ảnh được bản chất thật của sự việc. Chẳng phải thật thú vị hay sao khi chúng ta, giống như Emily, lòng trĩu nặng bởi nỗi phiền muộn, tổn thương, chán nản, hay lo lắng, cô đơn, tức giận hay sự khó chịu đến mức thậm chí không thể làm được gì, như để mở cánh cửa, để hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
Thánh thư đầy dẫy các tấm gương của những người nam và người nữ, các môn đồ của Đấng Ky Tô, là những người khi gặp những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua, thì họ chỉ hành động—là những người quyết hành động theo đức tin và thực hiện theo quyết định đó.11
Đấng Ky Tô phán cùng những người mắc bệnh phung tìm kiếm sự chữa lành rằng: “Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ. Họ đương đi, thì phung lành hết thảy.”12
Họ đi đến trình diện với các thầy tế lễ như thể họ đã được chữa lành, và trong quá trình hành động, họ đã được chữa lành rồi.
Tôi cũng muốn nói rằng nếu anh chị em cảm thấy không thể hành động trong những lúc đau khổ, thì xin hãy để hành động của các anh chị em là tìm đến sự giúp đỡ—của một người bạn, một người trong gia đình, một vị lãnh đạo Giáo Hội, một chuyên gia. Đây có thể là bước đầu tiên để hy vọng.
Thứ Ba, Chúng Ta Có Thể Hết Lòng và Hân Hoan Trong Sự Tận Tâm Của Mình13
Khi gặp khó khăn, tôi cố gắng nhớ rằng tôi đã chọn theo Đấng Ky Tô trước khi đến thế gian và rằng những thử thách về đức tin, sức khỏe, và sự kiên trì của tôi đều là một phần của lý do tại sao tôi ở đây. Và chắc chắn là tôi không bao giờ được nghĩ rằng thử thách ngày hôm nay sẽ dẫn đến sự hoài nghi về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho tôi hoặc để nó biến đức tin của tôi nơi Ngài trở thành sự ngờ vực. Thử thách không có nghĩa là kế hoạch này đang thất bại; mà chúng là một phần của kế hoạch nhằm giúp tôi tìm đến Thượng Đế. Tôi trở nên giống như Ngài hơn khi kiên trì chịu đựng và hy vọng, giống như Ngài, trong nỗi thống khổ, tôi cầu nguyện khẩn thiết hơn.14
Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo về việc hết lòng yêu mến Đức Chúa Cha—làm theo ý muốn của Ngài, bất kể cái giá phải trả.15 Tôi muốn noi theo tấm gương của Ngài bằng cách làm như vậy.
Tôi được soi dẫn bởi sự hết lòng, hết tâm hồn làm môn đồ của người đàn bà góa, người đã ném hai đồng tiền của mình vào chiếc rương trong nhà hội. Bà đã bỏ hết của mình có.16
Chúa Giê Su Ky Tô đã nhận ra sự dư dật của bà, trong khi những người khác chỉ thấy hai đồng xu ít ỏi của bà. Điều này cũng đúng với mỗi người chúng ta. Ngài không xem sự thiếu sót của chúng ta là sự thất bại, mà là cơ hội [cho chúng ta] để thực hành đức tin và tiến triển.
Kết Luận
Thưa các anh chị em cùng là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, bằng cả tấm lòng, tôi chọn trung tín noi theo Chúa. Tôi chọn kề vai sát cánh cùng các tôi tớ được chọn của Ngài—Chủ Tịch Russell M. Nelson và các anh em Sứ Đồ của ông—vì họ nói thay cho Ngài và là những người quản lý các giáo lễ và giao ước mà ràng buộc tôi với Đấng Cứu Rỗi.
Khi phạm phải sai lầm, tôi sẽ tiếp tục cố gắng để làm tốt hơn, trông cậy vào ân điển và quyền năng làm cho có khả năng của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi sẽ giữ vững giao ước của mình với Ngài và tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi của mình bằng cách học hỏi lời của Thượng Đế, bằng đức tin, và với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, là Đấng mà tôi tin cậy vào sự hướng dẫn của Ngài. Tôi sẽ tìm kiếm Thánh Linh của Ngài mỗi ngày bằng cách làm những việc nhỏ nhặt tầm thường.
Đây là con đường làm môn đồ của tôi.
Và cho đến ngày mà những vết thương hằng ngày trên cuộc sống trần thế được chữa lành, tôi sẽ trông đợi Chúa và tin cậy Ngài—kỳ định, sự thông sáng, kế hoạch của Ngài.17
Tôi muốn kề vai sát cánh với các anh chị em để trung tín noi theo Ngài và ở bên Ngài mãi mãi. Hết lòng. Vì biết rằng khi chúng ta hết lòng yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô, thì Ngài cũng đáp lại như vậy.18 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.