Bị Treo Lên trên Thập Tự Giá
Để trở thành một tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, đôi khi người ta phải mang một gánh nặng và đi đến những nơi đòi hỏi sự đau khổ và không tránh được sự hy sinh.
Cách đây nhiều năm, sau một cuộc thảo luận ở trường cao học về lịch sử tôn giáo Hoa Kỳ, một bạn sinh viên đã hỏi tôi: “Tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau không dùng thập tự giá mà các Ky Tô hữu khác dùng làm biểu tượng cho tín ngưỡng của họ?”
Vì những câu hỏi như vậy về thập tự giá thường là một thắc mắc về sự cam kết của chúng ta với Đấng Ky Tô, tôi nói ngay với anh ấy rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô xem sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô là sự kiện chủ yếu, nền tảng quan trọng, giáo lý chính yếu, và biểu hiện tột bậc về tình yêu thương thiêng liêng trong kế hoạch cứu rỗi vĩ đại của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài.1 Tôi giải thích rằng ân điển cứu rỗi vốn có trong hành động đó là thiết yếu và được ban cho toàn thể gia đình nhân loại từ thời A Đam và Ê Va cho đến ngày tận thế.2 Tôi đã trích dẫn lời Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Tất cả những điều … liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ” vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.3
Sau đó, tôi đọc cho anh ấy nghe những gì Nê Phi đã viết 600 năm trước khi Chúa Giê Su giáng sinh: “Và … thiên sứ lại bảo tôi: Xem kìa! Tôi bèn nhìn và thấy Chiên Con của Thượng Đế … [là Đấng] bị treo lên trên thập tự giá và bị giết chết vì tội lỗi của thế gian.”4
Với lòng nhiệt thành “yêu thương, chia sẻ và mời gọi”, tôi đã tiếp tục đọc! Đấng Ky Tô phục sinh phán cùng dân Nê Phi ở Tân Thế Giới: “Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá … , để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, …Và cũng chính vì lý do đó mà ta đã bị treo lên.”5
Tôi sắp trích dẫn lời Sứ Đồ Phao Lô thì tôi nhận thấy bạn tôi đang dán mắt nơi khác. Cái liếc nhanh vào chiếc đồng hồ đeo tay của anh ấy dường như nhắc nhở anh ấy rằng anh ấy cần phải ở đâu đó—nơi nào đó—và anh ấy lao nhanh đi đến buổi hẹn tưởng tượng của mình. Như vậy là cuộc chuyện trò của chúng tôi đã kết thúc.
Buổi sáng nay, khoảng 50 năm sau, tôi quyết tâm kết thúc lời giải thích đó—cho dù mỗi một người trong số các anh chị em bắt đầu nhìn vào đồng hồ đeo tay của mình. Khi cố gắng giải thích lý do tại sao chúng ta thường không dùng biểu tượng thập tự giá, tôi muốn làm rõ thêm sự kính trọng sâu đậm và sự khâm phục hoàn toàn của chúng ta đối với những động cơ tràn đầy đức tin và cuộc sống tận tụy của những người làm như vậy.
Một lý do khiến chúng ta không nhấn mạnh đến biểu tượng thập tự giá bắt nguồn từ cội nguồn Kinh Thánh của chúng ta. Vì sự đóng đinh là một trong những hình thức hành quyết đau đớn nhất của Đế Quốc La Mã nên nhiều môn đồ ban đầu của Chúa Giê Su đã chọn không nhấn mạnh đến dụng cụ hành hạ tàn bạo đó. Ý nghĩa về cái chết của Đấng Ky Tô chắc chắn là trọng tâm đối với đức tin của họ, nhưng trong khoảng 300 năm, họ thường tìm cách truyền đạt nguồn gốc phúc âm của mình qua các cách thức khác.6
Đến thế kỷ thứ tư và thứ năm, một thập tự giá đã được giới thiệu như là một biểu tượng của Ky Tô giáo đại đồng, nhưng tôn giáo của chúng ta không phải là “Ky Tô giáo đại đồng.” Chúng ta không phải là Công Giáo hay Tin Lành, mà đúng hơn là một giáo hội phục hồi, Giáo Hội Phục Hồi thời Tân Ước. Do đó, nguồn gốc và thẩm quyền của chúng ta có từ trước thời kỳ các cộng đồng, tín điều và biểu tượng.7 Theo nghĩa này, việc không dùng một biểu tượng mà chỉ trở nên phổ biến sau này là một bằng chứng khác cho thấy Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là sự phục hồi của Ky Tô giáo chân chính nguyên thủy.
Một lý do khác mà không dùng thập tự giá làm biểu tượng là để chúng ta nhấn mạnh phép lạ trọn vẹn nơi sứ mệnh của Đấng Ky Tô—Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài cũng như sự hy sinh đầy đau đớn và cái chết của Ngài. Để nhấn mạnh sự liên hệ đó, tôi lưu ý đến hai tác phẩm nghệ thuật8 được treo trên tường dành cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Sứ Đồ trong các buổi họp thiêng liêng hằng tuần của họ trong đền thờ vào mỗi thứ Năm ở Salt Lake City. Hai bức tranh này là sự nhắc nhở liên tục cho chúng ta về cái giá phải trả và chiến thắng đã giành được bởi Ngài, mà chúng ta chính là các tôi tớ của Ngài.
Một phần tiêu biểu công khai hơn về chiến thắng hai phần của Đấng Ky Tô là việc chúng ta sử dụng hình ảnh nhỏ này của Thorvaldsen về Đấng Ky Tô phục sinh hiện đến trong vinh quang từ mộ phần với những vết thương do Ngài bị đóng đinh vẫn còn rõ rệt.9
Cuối cùng, chúng ta tự nhắc nhở rằng Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã từng dạy: “Cuộc sống của các tín hữu chúng ta phải [là] … biểu tượng cho [đức tin] của chúng ta.”10 Những ý tưởng này—nhất là ý tưởng sau cùng—mang tôi đến phần quan trọng nhất trong tất cả các phần đề cập đến thập tự giá trong thánh thư. Điều này không liên quan gì đến mặt dây chuyền hoặc đồ trang sức, với tháp chuông hoặc biển chỉ dẫn. Đúng hơn, nó phải liên quan đến sự kiên quyết chính trực và sự quyết tâm cứng rắn sống đạo đức mà Chúa Giê Su đã yêu cầu từ mỗi một môn đồ Ky Tô Hữu của Ngài. Ngài đã phán cùng tất cả chúng ta trong mọi xứ và mọi thời đại: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”11
Câu này nói về những thập tự giá chúng ta mang là gánh nặng thuộc linh chứ không phải là biểu tượng vật chất. Để trở thành một tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, đôi khi người ta phải mang một gánh nặng—của chính mình hoặc của người khác—và đi đến những nơi đòi hỏi sự đau khổ và không tránh được sự hy sinh. Một Ky Tô hữu chân thật không thể chỉ noi theo Đức Thầy trong những vấn đề mà người đó đồng ý. Không. Chúng ta đi theo Ngài khắp mọi nơi, kể cả, nếu cần, vào những đấu trường đầy nước mắt và phiền toái, nơi mà đôi khi chúng ta chỉ có trơ trọi một mình.
Tôi biết có những người, trong và ngoài Giáo Hội, đang đi theo Đấng Ky Tô một cách trung tín như thế. Tôi biết có những đứa trẻ bị khuyết tật nghiêm trọng về thể chất, và tôi biết các bậc cha mẹ chăm sóc chúng. Tôi thấy tất cả họ đôi khi làm việc đến mức kiệt sức hoàn toàn, tìm kiếm sức mạnh, sự an toàn và một vài khoảnh khắc vui vẻ mà không thể có bằng cách nào khác. Tôi biết có nhiều người thành niên độc thân khao khát và xứng đáng có được một người bạn đời yêu thương, một cuộc hôn nhân tuyệt vời và một mái ấm riêng đông con cái của họ. Không một ước muốn nào lại có thể ngay chính hơn, nhưng năm này qua năm khác phước lành đó vẫn chưa đến. Tôi biết có những người đang chiến đấu với nhiều loại bệnh tâm thần đã cầu xin sự giúp đỡ khi họ cầu nguyện và mong mỏi phước lành đã được hứa cho tình trạng ổn định cảm xúc. Tôi biết có những người đang sống với cảnh nghèo khó cùng cực, nhưng bất chấp nỗi tuyệt vọng, chỉ cầu xin cơ hội để giúp cho những người thân yêu của họ và những người hoạn nạn xung quanh họ có được cuộc sống tốt hơn. Tôi biết có nhiều người phải vật lộn với những vấn đề nan giải về gốc tích, phái tính và bản năng giới tính. Tôi khóc cho họ, và tôi khóc với họ, vì biết rằng kết quả của những lựa chọn của họ sẽ quan trọng như thế nào.
Đây chỉ là một vài trường hợp trong rất nhiều tình huống đầy thử thách mà chúng ta có thể gặp phải trong đời sống, những lời nhắc nhở trang trọng rằng có cái giá phải trả để làm môn đồ. Vua Đa Vít đã nói cùng A Rau Na là người cố gắng dâng không cho ông bò và gỗ để làm của lễ thiêu của ông: “Không được; ta muốn mua hết của ngươi, cứ theo giá bạc. [Vì ta không] muốn dâng cho Giê Hô Va Đức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi.”12 Vậy thì, chúng ta cũng đều nói như vậy.
Khi chúng ta vác thập tự giá của mình theo Ngài, thì sẽ thật là bi thảm nếu gánh nặng của những thử thách của mình không làm cho chúng ta cảm thông hơn và chú ý hơn đến gánh nặng của người khác. Một trong những nghịch lý hùng hồn nhất của hình phạt đóng đinh là đôi cánh tay của Đấng Cứu Rỗi được dang rộng ra và sau đó bị đóng đinh ở đó, mô tả một cách ngẫu nhiên nhưng chính xác rằng mỗi người nam, người nữ và trẻ em trong toàn thể gia đình nhân loại không những được chào đón mà còn được mời gọi vào vòng tay cứu chuộc, tôn cao của Ngài.13
Cũng như sau việc Chúa bị đóng đinh một cách đau đớn là Sự Phục Sinh vinh quang, mọi loại phước lành được trút xuống cho những ai sẵn lòng, như tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn nói, để “tin Đấng Ky Tô, suy ngẫm về cái chết của Ngài, vác thập tự giá của Ngài.” Đôi khi các phước lành này đến sớm và đôi khi chúng đến muộn hơn, nhưng kết thúc kỳ diệu cho via dolorosa (sự trải nghiệm đau đớn) của riêng chúng ta14 là lời hứa từ chính Đấng Thầy rằng các phước lành đó sẽ thật sự đến. Để nhận được các phước lành như vậy, cầu xin cho chúng ta sẽ đi theo Ngài—luôn luôn, không bao giờ chùn bước lẫn bỏ đi, không bao giờ nao núng trước nhiệm vụ, không phải khi thập tự giá của chúng ta có thể trở nên nặng nề và không phải những lúc khi con đường tạm thời trở nên tăm tối. Tôi đích thân thật lòng cảm tạ sức mạnh, lòng trung thành và tình thương yêu của anh chị em. Ngày hôm nay, tôi đưa ra lời chứng với tư cách là một sứ đồ về Đấng đã “bị treo lên trên thập tự giá”15 và về những phước lành vĩnh cửu mà Ngài ban cho những người nào cũng “được nâng lên” với Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.