Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 4–10 tháng Mười Một: “Tôi Nói với Các Người như thể Các Người Có Trước Mặt Tôi.” Mặc Môn 7–9


“Ngày 4–10 tháng Mười Một: ‘Tôi Nói với Các Người như thể Các Người Có Trước Mặt Tôi.’ Mặc Môn 7–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Ngày 4–10 tháng Mười Một. Mặc Môn 7–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)

Mô Rô Ni đang viết trên các bảng khắc bằng vàng

Moroni Writing on Gold Plates (Mô Rô Ni Viết Trên Các Bảng Khắc Bằng Vàng), tranh do Dale Kilborn họa

Ngày 4–10 tháng Mười Một: “Tôi Nói với Các Người như thể Các Người Có Trước Mặt Tôi”

Mặc Môn 7–9

Mô Rô Ni biết cảm giác cô đơn một mình trong một thế giới tà ác—đặc biệt là sau khi cha của ông chết trong chiến trận và dân Nê Phi bị hủy diệt. Ông đã viết: “Chỉ còn một mình tôi.” “Tôi cũng không còn bạn bè nào nữa, cũng không còn nơi nào để đi” (Mặc Môn 8:3, 5). Mọi thứ dường như trở nên vô vọng, nhưng Mô Rô Ni đã tìm thấy hy vọng nơi Chúa Giê Su Ky Tô và chứng ngôn của ông rằng “mục đích vĩnh cửu của Chúa sẽ còn tiếp tục mãi” (Mặc Môn 8:22). Và Mô Rô Ni đã biết rằng vai trò then chốt trong các mục đích vĩnh cửu đó là Sách Mặc Môn—biên sử mà bấy giờ ông đang chuyên tâm hoàn tất, biên sử mà đến một ngày sẽ mang nhiều người đến “sự hiểu biết Đấng Ky Tô” (Mặc Môn 8:16; 9:36). Đức tin của Mô Rô Ni trong những lời hứa này làm cho ông có thể tuyên bố với những độc giả tương lai của quyển sách này: “Tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi” và “Tôi biết rằng các người sẽ có được những lời của tôi” (Mặc Môn 8:35; 9:30). Giờ đây chúng ta có những lời của ông, và công việc của Chúa đang tiếp tục, phần nào bởi vì Mặc Môn và Mô Rô Ni đã trung thành với sứ mệnh của họ, ngay cả khi họ đơn độc.

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Mặc Môn 7

“Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” và “nắm vững” phúc âm của Ngài.

Sau khi tóm lược biên sử của dân ông, Mặc Môn đã đưa ra sứ điệp kết thúc của ông trong Mặc Môn 7. Anh chị em nghĩ tại sao ông lại chọn sứ điệp này? Việc “nắm vững phúc âm của Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì với anh chị em? (Mặc Môn 7:8).

Mặc Môn 7:8–10; 8:12–16; 9:31–37

Sách Mặc Môn có giá trị lớn lao.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã hỏi: “Nếu anh chị em được tặng kim cương hay hồng ngọc, hay Sách Mặc Môn, anh chị em sẽ chọn thứ nào? Thật ra, thứ nào giá trị hơn với anh chị em?” (“Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 61).

Anh chị em tìm thấy điều gì trong Mặc Môn 7:8–10; 8:12–22; và 9:31–37 mà giúp anh chị em hiểu tại sao Sách Mặc Môn có giá trị trong thời kỳ của chúng ta? Tại sao sứ điệp này có giá trị đối với anh chị em? Anh chị em có thể tìm thấy thêm những hiểu biết sâu sắc trong 1 Nê Phi 13:38–41; 2 Nê Phi 3:11–12; và Giáo Lý và Giao Ước 33:16; 42:12–13.

những quyển Sách Mặc Môn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau

Những điều các vị tiên tri viết trong Sách Mặc Môn áp dụng cho chúng ta

Mặc Môn 8:1–11

Tôi có thể tuân giữ các lệnh truyền ngay cả khi những người khác không làm như vậy.

Đôi khi, anh chị em có thể cảm thấy cô đơn trong các nỗ lực của mình để tuân giữ các lệnh truyền. Anh chị em có thể học được điều gì từ tấm gương của Mô Rô Ni mà có thể giúp ích? (xin xem Mặc Môn 8:1–11). Nếu anh chị em có thể hỏi Mô Rô Ni làm thế nào ông vẫn trung tín, thì anh chị em nghĩ ông sẽ nói gì?

Mặc Môn 8:26–41; 9:1–30

Sách Mặc Môn được viết cho thời kỳ chúng ta.

Chúa Giê Su Ky Tô đã cho Mô Rô Ni thấy điều sẽ xảy ra khi Sách Mặc Môn xuất hiện (xin xem Mặc Môn 8:34–35), là nguyên nhân khiến ông đưa ra những lời cảnh báo mạnh mẽ cho thời kỳ chúng ta. Khi anh chị em đọc Mặc Môn 8:26–419:1–30, hãy suy ngẫm cách mà những lời của ông có thể áp dụng cho anh chị em. Ví dụ, trong các câu này Mô Rô Ni đưa ra 24 câu hỏi. Anh chị em thấy bằng chứng nào trong những câu hỏi này cho thấy Mô Rô Ni đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta? Làm thế nào Sách Mặc Môn có thể giúp giải quyết những thử thách mà Mô Rô Ni đã thấy trước?

Lắng nghe Thánh Linh. Hãy chú ý đến cảm nghĩ và cảm giác của mình, thậm chí nếu chúng dường như không liên quan gì đến điều anh chị em đang đọc. Những ấn tượng này có thể là những điều mà Cha Thiên Thượng muốn anh chị em học được. Ví dụ, anh chị em có những ấn tượng nào sau khi suy ngẫm những câu hỏi của Mô Rô Ni trong Mặc Môn 9:1–30?

Mặc Môn 9:1–25

biểu tượng lớp giáo lý
Chúa Giê Su Ky Tô là một Thượng Đế có nhiều phép lạ.

Mô Rô Ni đã kết thúc những bài viết của cha ông với một sứ điệp mạnh mẽ dành cho những người trong thời kỳ chúng ta, là những người không tin vào phép lạ (xin xem Mặc Môn 8:26; 9:1, 10–11). Tại sao anh chị em cảm thấy niềm tin nơi các phép lạ là điều cần thiết ngày nay? Hãy tra cứu Mặc Môn 9:9–11, 15–27Mô Rô Ni 7:27–29 và suy ngẫm những câu hỏi như:

  • Tôi học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi từ các câu này?

  • Anh chị em học được điều gì về các phép lạ, ở cả quá khứ và hiện tại?

  • Những lợi ích của việc tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là một Thượng Đế có nhiều phép lạ là gì? Những hậu quả của việc không tin điều này là gì?

  • Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện những phép lạ nào—lớn và nhỏ—trong cuộc sống của tôi? Những phép lạ này dạy tôi điều gì về Ngài?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng: “Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ thực hiện một số các công việc lạ lùng nhất của Ngài từ bây giờ cho đến khi Ngài tái lâm. Chúng ta sẽ thấy các dấu chỉ kỳ diệu cho thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chủ tọa Giáo Hội này trong vẻ uy nghi và vinh quang” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96). Anh chị em cảm thấy một số phép lạ này có thể là gì? Anh chị em có thể làm gì để giúp đỡ từ Đấng Cứu Rỗi làm tròn chúng?

Anh chị em học được điều gì về đức tin và phép lạ từ những kinh nghiệm của Các Thánh Hữu ở Samoa, Tonga, Fiji, và Tahiti khi Chủ Tịch và Chị Nelson đến thăm họ? (xin xem Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 101–104).

Xin xem thêm Ronald A. Rasband: “Này! Ta là Thượng Đế có Nhiều Phép Lạ,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 109–112.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Mặc Môn 7:8–10

Sách Mặc Môn và Kinh Thánh đều làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Để nhấn mạnh mối quan hệ giữa Kinh Thánh và Sách Mặc Môn, như Mô Rô Ni đã làm, anh chị em có thể chơi một trò chơi giống như trò chơi này với các bé: Yêu cầu chúng nói “Kinh Cựu Ước, Kinh Tân Ước” khi anh chị em giơ lên một quyển Kinh Thánh và “Một Chứng Thư Khác” khi anh chị em giơ lên một quyển Sách Mặc Môn. Anh chị em cũng có thể chọn một vài sự kiện mà cả Kinh Thánh lẫn Sách Mặc Môn đều làm chứng—chẳng hạn như sự giáng sinh, cái chết, và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su—và mời các bé tìm những bức tranh về những sự kiện này (ví dụ, trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm).

  • Để giúp các bé học tín điều thứ tám, anh chị em có thể viết mỗi từ lên những mảnh giấy rời. Hãy mời các bé cùng làm việc với nhau để sắp xếp các từ theo đúng thứ tự và lặp lại cả câu vài lần.

Mặc Môn 8:1–7

Tôi có thể tuân giữ các lệnh truyền ngay cả khi tôi cảm thấy đơn độc.

  • Tấm gương của Mô Rô Ni có thể truyền cảm hứng cho các bé để tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế ngay cả khi chúng cảm thấy cô đơn. Sau khi anh chị em đọc Mặc Môn 8:1–7 với chúng, chúng có thể chia sẻ mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu chúng là Mô Rô Ni. Trong các câu 1, 3, và 4, Mô Rô Ni được truyền lệnh phải làm gì, và ông đã tuân theo như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể trở nên giống như Mô Rô Ni hơn?

  • Có lẽ anh chị em và các bé có thể nói về những tình huống mà chúng phải chọn giữa điều đúng và điều sai khi không có ai quan sát. Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta trong những tình huống này như thế nào?

Mặc Môn 8:24–26; 9:7–26

Chúa Giê Su Ky Tô là “Thượng Đế có nhiều phép lạ.”

  • Anh chị em có thể muốn giải thích cho các bé rằng một phép lạ là một điều mà Thượng Đế làm để cho thấy quyền năng của Ngài và ban phước cho cuộc sống của chúng ta. Sau đó, anh chị em có thể đọc các cụm từ trong Mặc Môn 9:11–13, 17 mà mô tả một số phép lạ của Thượng Đế, và các bé có thể nghĩ về những phép lạ khác (hình ảnh từ Sách Họa Phẩm Phúc Âm, như các số 26, 40, 41, và 83, có thể giúp ích). Hãy nói về những phép lạ mà Thượng Đế đã thực hiện trong cuộc sống của anh chị em.

  • Hãy cho các bé xem một công thức nấu ăn, và nói về điều sẽ xảy ra nếu anh chị em bỏ đi một nguyên liệu thiết yếu. Cùng nhau đọc Mặc Môn 8:249:20–21 để tìm “những nguyên liệu” mà có thể dẫn đến những phép lạ từ Thượng Đế.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Mô Rô Ni nhìn thấy sự hủy diệt của dân Nê Phi

Moroni Overlooking the Destruction of the Nephites (Mô Rô Ni Nhìn Thấy Sự Hủy Diệt của Dân Nê Phi), tranh do Joseph Brickey họa