Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Phụ Lục A: Dành Cho Cha Mẹ—Chuẩn Bị cho Con Cái của Anh Chị Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời


“Phụ Lục A: Dành Cho Cha Mẹ—Chuẩn Bị cho Con Cái của Anh Chị Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Phụ Lục A,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024

Phụ Lục A

Dành Cho Cha Mẹ—Chuẩn Bị cho Con Cái của Anh Chị Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời

Vì Ngài yêu thương anh chị em, tin cậy anh chị em, và biết tiềm năng của anh chị em, Cha Thiên Thượng đã ban cho anh chị em cơ hội để giúp con cái của mình bước vào và tiến triển theo con đường giao ước của Ngài, là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:25–28). Điều này gồm có việc giúp chúng chuẩn bị để lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, chẳng hạn như giao ước báp têm và các giao ước được lập trong đền thờ. Qua các giao ước này, con cái của anh chị em sẽ tự ràng buộc chúng với Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.

Có nhiều cách để chuẩn bị cho con cái của anh chị em bước vào cuộc hành trình này trên con đường giao ước, và Cha Thiên Thượng sẽ giúp anh chị em khám phá ra cách tốt nhất để giúp đỡ chúng. Khi anh chị em tìm kiếm sự soi dẫn, hãy nhớ rằng không phải mọi quá trình học tập đều xảy ra trong các bài học đã được hoạch định. Thật ra, một lý do làm cho việc học tập ở nhà có ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy là bởi các cơ hội để học hỏi qua tấm gương và qua những khoảnh khắc nhỏ nhặt, đời thường—là những gì xảy ra một cách tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Cũng giống như việc đi theo con đường giao ước là một tiến trình kiên định suốt đời, thì việc học hỏi về con đường giao ước cũng vậy. (Xin xem “Mái Gia Đình,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi [năm 2022], trang 30–31.)

người mẹ và đứa trẻ

Có nhiều cách để chuẩn bị con cái của anh chị em cho cuộc hành trình trên con đường giao ước của Thượng Đế.

Dưới đây là một số ý kiến có thể dẫn đến nhiều sự soi dẫn hơn. Anh chị em có thể tìm thêm ý kiến để giảng dạy các trẻ em trong Hội Thiếu Nhi trong “Phụ Lục B: Dành Cho Thiếu Nhi—Chuẩn Bị Cho Trẻ Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời.”

Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận

Nê Phi dạy rằng “cổng mà [chúng ta] đi vào” con đường giao ước “là sự hối cải và phép báp têm bằng nước” (2 Nê Phi 31:17). Các nỗ lực của anh chị em để giúp con cái mình chuẩn bị cho phép báp têm và lễ xác nhận có thể giúp chúng bước đi vững chắc trên con đường đó. Những nỗ lực này bắt đầu với việc giảng dạy về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải. Nỗ lực này cũng gồm có việc giảng dạy về cách chúng ta tái lập các giao ước báp têm của mình qua việc dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần.

Sau đây là một số tài liệu mà có thể giúp anh chị em: 2 Nê Phi 31; số đặc biệt của tạp chí Bạn Hữu về phép báp têm.

  • Bất cứ khi nào anh chị em có một kinh nghiệm củng cố đức tin của mình nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, thì hãy chia sẻ kinh nghiệm đó với con của mình. Hãy giúp nó hiểu rằng đức tin là một điều gì đó có thể phát triển ngày càng mạnh mẽ trong suốt cuộc đời. Con của anh chị em có thể làm một số điều gì để phát triển đức tin mạnh mẽ hơn nơi Đấng Ky Tô trước khi được báp têm?

  • Khi con của anh chị em lựa chọn sai, hãy vui vẻ nói về ân tứ của sự hối cải. Và khi anh chị em lựa chọn sai, hãy chia sẻ niềm vui có được khi anh chị em hối cải. Hãy làm chứng rằng bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau khổ và chết cho tội lỗi của chúng ta, nên Ngài đã ban cho chúng ta quyền năng để thay đổi. Khi con của anh chị em tìm kiếm sự tha thứ, thì hãy sẵn lòng tha thứ với sự vui mừng.

  • Nói cho con của anh chị em biết về lễ báp têm của anh chị em. Hãy cho nó xem hình ảnh và chia sẻ những kỷ niệm. Hãy nói về cảm nghĩ của anh chị em, cách mà các giao ước báp têm của anh chị em đã giúp anh chị em tiến đến việc biết Chúa Giê Su Ky Tô rõ hơn, và cách mà các giao ước đó tiếp tục ban phước cho cuộc sống của anh chị em. Hãy khuyến khích con của anh chị em đặt câu hỏi.

  • Khi có một lễ báp têm trong gia đình hoặc tiểu giáo khu của anh chị em, hãy đưa con của anh chị em đến xem. Hãy cùng nhau trò chuyện về điều anh chị em và con của anh chị em đã thấy và cảm nhận. Nếu có thể, hãy nói chuyện với người chịu phép báp têm và hỏi những câu hỏi như sau: “Điều gì khiến anh/chị đã đưa ra quyết định này? Anh/chị đã chuẩn bị như thế nào?”

  • Bất cứ khi nào anh chị em nhận thấy con mình đang làm một điều gì đó mà nó đã hứa sẽ làm, thì hãy đưa ra lời khen ngợi chân thành. Hãy chỉ ra rằng việc tuân giữ các cam kết giúp chúng ta chuẩn bị tuân giữ các giao ước chúng ta lập khi chịu phép báp têm. Chúng ta hứa với Thượng Đế điều gì khi chúng ta chịu phép báp têm? Ngài hứa với chúng ta điều gì? (xin xem Mô Si A 18:8–10, 13).

  • Khi anh chị em và con của mình có một kinh nghiệm thiêng liêng với nhau (chẳng hạn như ở nhà thờ, trong khi đọc thánh thư, hoặc trong khi phục vụ một người nào đó), hãy nói cho nó biết về những cảm nghĩ hoặc ấn tượng thuộc linh của anh chị em. Hãy mời con của anh chị em chia sẻ cảm nghĩ của nó. Hãy lưu ý những cách thức khác nhau mà Thánh Linh có thể nói với mọi người, kể cả những cách Ngài phán bảo với cá nhân anh chị em. Hãy giúp con của anh chị em nhận ra những giây phút khi nó có thể đang có ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

  • Cùng nhau trò chuyện về những cách thức khác nhau mà các tôi tớ của Chúa lắng nghe tiếng nói của Ngài. Mời con của anh chị em vẽ tranh hoặc làm một video về cách chúng nghe tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi.

  • Hãy nói về việc trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã ban phước cho anh chị em ra sao. Anh chị em đã đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn như thế nào khi anh chị em phục vụ người khác và khi những người khác phục vụ anh chị em? Hãy giúp con của anh chị em nghĩ về những cách thức để phục vụ và củng cố người khác với tư cách là tín hữu của Giáo Hội.

  • Làm cho Tiệc Thánh thành một sự kiện thiêng liêng và vui vẻ trong gia đình anh chị em. Hãy giúp con của anh chị em hoạch định những cách thức để tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong lễ Tiệc Thánh. Chúng ta sẽ làm thế nào để cho thấy rằng lễ Tiệc Thánh là thiêng liêng đối với mình?

  • Nhiều ấn phẩm của tạp chí Bạn Hữu gồm có các bài viết, các câu chuyện, và sinh hoạt nhằm giúp trẻ em chuẩn bị cho phép báp têm và lễ xác nhận. Hãy để cho con của anh chị em chọn một số bài viết đó để vui đọc cùng anh chị em.

    cậu bé đang chịu phép báp têm

    Nê Phi dạy rằng “cổng mà [chúng ta] đi vào” con đường giao ước “là sự hối cải và phép báp têm bằng nước” (2 Nê Phi 31:17).

Quyền Năng, Thẩm Quyền và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Chức tư tế là thẩm quyền và quyền năng của Thượng Đế mà qua đó Ngài ban phước cho con cái của Ngài. Chức tư tế của Thượng Đế hiện có trên thế gian ngày nay trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tất cả các tín hữu Giáo Hội tuân giữ các giao ước của họ—kể cả trẻ em—đều được ban phước với quyền năng chức tư tế của Thượng Đế trong nhà của mình để củng cố bản thân và gia đình họ (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 3.5, Thư Viện Phúc Âm). Quyền năng này sẽ phụ giúp các tín hữu thực hiện công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế trong cuộc sống cá nhân và gia đình của họ (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, phần 2.2).

Chúng ta nhận được các giáo lễ bởi thẩm quyền của chức tư tế. Khi người nam và người nữ phục vụ trong các chức vụ kêu gọi của Giáo Hội, họ làm như vậy với thẩm quyền chức tư tế, dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế. Tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng—các con trai và con gái của Ngài—sẽ được ban phước khi họ hiểu rõ hơn về chức tư tế.

Để tìm hiểu thêm về chức tư tế, xin xem Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 76–79; Russell M. Nelson, “Cái Giá của Quyền Năng Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 66–69; “Các Nguyên Tắc của Chức Tư Tế,” chương 3 trong Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

  • Hãy làm cho các giáo lễ chức tư tế thành một phần thường xuyên có trong cuộc sống gia đình của anh chị em. Ví dụ, hãy giúp con của anh chị em chuẩn bị phần thuộc linh cho Tiệc Thánh mỗi tuần. Khuyến khích con của anh chị em tìm kiếm các phước lành của chức tư tế khi chúng bị bệnh hoặc cần được an ủi hoặc hướng dẫn. Hãy tạo một thói quen để chỉ ra những cách thức Chúa đang ban phước cho gia đình anh chị em qua quyền năng chức tư tế.

  • Khi anh chị em cùng nhau đọc thánh thư, hãy tìm kiếm cơ hội để thảo luận cách Thượng Đế ban phước cho mọi người qua quyền năng của Ngài. Chia sẻ những kinh nghiệm riêng của anh chị em khi Thượng Đế ban phước cho anh chị em qua chức tư tế của Ngài. Để có ví dụ về các phước lành chúng ta nhận được từ Thượng Đế qua chức tư tế, xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, các phần 3.2, 3.5.

  • Hãy tìm hiểu về nguồn gốc thẩm quyền chức tư tế của một người nào đó trong gia đình anh chị em. (Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể nhận được một bản sao nguồn gốc thẩm quyền của họ bằng cách gửi email đến LineofAuthority@ChurchofJesusChrist.org.) Hãy thảo luận về lý do tại sao điều quan trọng là việc biết rằng thẩm quyền chức tư tế đến từ chính Chúa Giê Su Ky Tô. Tại sao Ngài chia sẻ điều đó với chúng ta?

  • Hãy dạy cho con của anh chị em rằng sau phép báp têm, nó có thể nhận được quyền năng chức tư tế bằng cách tuân giữ giao ước báp têm. Cùng nhau ôn lại sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Những Kho Báu Thuộc Linh” (Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 76–79). Hãy nói cho con của anh chị em biết các giáo lễ chức tư tế đã mang quyền năng của Thượng Đế vào cuộc sống của anh chị em ra sao. Để có bản liệt kê một số cách chúng ta được ban phước bởi quyền năng chức tư tế, xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, phần 3.5.

  • Thảo luận câu hỏi “Như thế nào là một tôi tớ của Chúa?” Hãy cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 121:36–42, và tìm kiếm câu trả lời. Bất cứ khi nào anh chị em nhận thấy con mình (hoặc một người nào khác) áp dụng một trong các nguyên tắc hoặc thuộc tính trong các câu này, thì hãy chỉ ra điều đó.

  • Khi anh chị em hoặc con của anh chị em sử dụng chìa khóa để mở cửa hoặc khởi động một chiếc xe, hãy dành một chút thời gian để so sánh các chìa khóa đó với các chìa khóa mà các vị lãnh đạo chức tư tế nắm giữ. (Để có định nghĩa về các chìa khóa của chức tư tế, xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, đoạn 3.4.1). Các chìa khóa của chức tư tế “mở” hoặc “khởi động” điều gì cho chúng ta? Xin xem thêm Gary E. Stevenson, “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế Ở Đâu?,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 29–32.

  • Khi anh chị em được phong nhiệm cho một chức vụ kêu gọi, hãy mời con của anh chị em có mặt ở đó, nếu có thể. Hãy để cho con của anh chị em thấy anh chị em làm tròn sự kêu gọi của mình. Anh chị em thậm chí có thể tìm kiếm những cách thích hợp để con cái có thể giúp đỡ mình. Hãy mô tả về việc anh chị em cảm nhận quyền năng của Chúa như thế nào trong sự kêu gọi của mình.

Đi Đền Thờ—Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận cho Người Chết

Đền thờ là một phần trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài. Trong đền thờ, chúng ta lập các giao ước thiêng liêng với Cha Thiên Thượng khi tham gia vào các giáo lễ thiêng liêng, tất cả đều hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô. Cha Thiên Thượng đã cung ứng một cách thức cho tất cả con cái của Ngài để lập các giao ước và tham gia vào các giáo lễ, kể cả những người không nhận được các giao ước đó trong cuộc sống này. Vào đầu năm mà con của anh chị em lên 12 tuổi, bé đã đủ lớn để thực hiện phép báp têm và lễ xác nhận trong đền thờ thay cho các tổ tiên đã qua đời.

  • Hãy tham dự đền thờ thường xuyên nhất có thể khi hoàn cảnh của anh chị em cho phép. Nói chuyện với con của anh chị em về lý do tại sao anh chị em đi đền thờ và cách đền thờ giúp anh chị em cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô ra sao.

  • Cùng nhau xem lại và thảo luận những câu hỏi phỏng vấn để cấp giấy giới thiệu đi đền thờ. Hãy nói chuyện với con của anh chị em về điều sẽ diễn ra trong một buổi phỏng vấn để cấp giấy giới thiệu đi đền thờ. Chia sẻ lý do tại sao việc có được giấy giới thiệu đi đền thờ là quan trọng đối với anh chị em.

  • Cùng nhau đọc Ma La Chi 4:6. Hãy nói về cách mà tấm lòng của anh chị em có thể hướng về tổ tiên của mình. Tìm hiểu thêm về tổ tiên của anh chị em bằng cách cùng nhau khám phá lịch sử gia đình của mình trên trang FamilySearch.org. Tìm kiếm các tổ tiên cần phép báp têm và lễ xác nhận. Một người tư vấn về đền thờ và lịch sử gia đình của tiểu giáo khu có thể giúp anh chị em.

Nhận một Phước Lành Tộc Trưởng

Phước lành tộc trưởng có thể là một nguồn hướng dẫn, an ủi, và soi dẫn. Nó bao gồm lời khuyên từ Cha Thiên Thượng dành cho cá nhân chúng ta và giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc và mục đích vĩnh cửu của mình. Hãy giúp con của anh chị em chuẩn bị để nhận một phước lành tộc trưởng bằng cách giảng dạy cho nó ý nghĩa và tính chất thiêng liêng của các phước lành tộc trưởng.

  • Hãy chia sẻ với con cái kinh nghiệm của anh chị em về việc nhận một phước lành tộc trưởng. Anh chị em có thể chia sẻ những điều như cách anh chị em đã chuẩn bị để nhận phước lành đó, phước lành đó đã giúp anh chị em đến gần Thượng Đế hơn như thế nào, và cách anh chị em sử dụng phước lành đó trong cuộc sống của mình. Anh chị em cũng có thể mời con mình trò chuyện với những người khác trong gia đình mà đã nhận phước lành tộc trưởng.

  • Để tìm hiểu về tiến trình nhận phước lành tộc trưởng, xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, phần 18.17.

  • Nếu anh chị em có các tổ tiên đã nhận các phước lành tộc trưởng, thì điều này có thể soi dẫn anh chị em để ôn lại một số phước lành đó với con của mình. Để yêu cầu các phước lành của các tổ tiên đã qua đời, hãy đăng nhập vào ChurchofJesusChrist.org, rồi bấm vào biểu tượng tài khoản ở góc trên bên phải của màn hình, và chọn “Phước Lành Tộc Trưởng.”

  • Sau khi con của anh chị em đã nhận được một phước lành tộc trưởng, hãy mời bất cứ người nào trong gia đình mà có mặt để ghi lại những cảm nghĩ của họ và chia sẻ chúng với con của anh chị em.

Đi Đền Thờ—Lễ Thiên Ân

Thượng Đế muốn ban phước cho tất cả con cái của Ngài với “quyền năng từ trên cao” (Giáo Lý và Giao Ước 95:8). Chúng ta đi đền thờ để tiếp nhận lễ thiên ân của mình chỉ một lần, nhưng các giao ước chúng ta lập với Thượng Đế và quyền năng thuộc linh Ngài ban cho từ lễ thiên ân có thể ban phước cho chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống của mình.

  • Hãy đặt một bức hình đền thờ trong nhà của anh chị em. Hãy nói cho con của anh chị em biết về những cảm nghĩ anh chị em đã có trong đền thờ. Thường xuyên nói về tình yêu thương của anh chị em dành cho Chúa và ngôi nhà của Ngài và các giao ước anh chị em đã lập ở đó.

  • Hãy để cho con của anh chị em đặt ra bất cứ câu hỏi nào về đền thờ. Để được hướng dẫn về những điều mà anh chị em có thể nói ở bên ngoài đền thờ, xin xem sứ điệp của Anh Cả David A. Bednar “Được Chuẩn Bị để Thu Nhận Mọi Điều Cần Thiết” (Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 101–104, xin đặc biệt xem phần có tựa đề “Việc Học Hỏi Đặt Trọng Tâm vào Mái Gia Đình và Được Giáo Hội Hỗ Trợ và Chuẩn Bị Đi Đền Thờ”).

  • Khi anh chị em và con của mình tham gia hoặc chứng kiến các giáo lễ khác (chẳng hạn như lễ Tiệc Thánh hoặc một lễ ban phước cho người bệnh), hãy dành ra một chút thời gian để thảo luận về các biểu tượng liên quan đến giáo lễ này. Các biểu tượng đó tượng trưng cho điều gì? Chúng làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Điều này có thể giúp con của anh chị em chuẩn bị để suy ngẫm về ý nghĩa biểu tượng của các giáo lễ đền thờ, mà cũng làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Giúp con của anh chị em nhận thấy cách nó đang tuân giữ giao ước báp têm được mô tả trong Mô Si A 18:8–10, 13. Cũng hãy giúp con của anh chị em nhận thấy cách Chúa đang ban phước cho nó. Hãy xây đắp sự tin tưởng của con anh chị em vào khả năng của bản thân chúng để tuân giữ các giao ước.

  • Trò chuyện cởi mở và thường xuyên về cách mà các giao ước đền thờ hướng dẫn những lựa chọn của anh chị em và giúp anh chị em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Anh chị em có thể sử dụng Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, phần 27.2, để ôn lại các giao ước chúng ta lập trong đền thờ.

Phục Vụ Truyền Giáo

Anh Cả David A. Bednar dạy: “Chỉ có một điều quan trọng nhất mà anh chị em có thể làm để chuẩn bị cho sự kêu gọi phục vụ là trở thành một người truyền giáo từ lâu trước khi anh chị em đi truyền giáo. … Vấn đề không phải là đi truyền giáo; mà đúng hơn, vấn đề là trở thành người truyền giáo và phục vụ trong suốt đời mình với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh. … Anh chị em đang chuẩn bị suốt đời cho công việc truyền giáo” (“Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 45–46). Những kinh nghiệm khi con của anh chị em trở thành một người truyền giáo sẽ ban phước cho nó vĩnh viễn, không chỉ trong khoảng thời gian để phục vụ với tư cách là người truyền giáo.

Để tìm hiểu thêm, xin xem Russell M. Nelson, “Thuyết Giảng Phúc Âm về Sự Bình An,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 6–7; M. Russell Ballard, “Việc Phục Vụ Truyền Giáo Đã Ban Phước cho Cuộc Sống của Tôi Mãi Mãi,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 8–10.

  • Hãy mô phạm những cách thức chia sẻ phúc âm sao cho tự nhiên. Hãy luôn luôn sẵn sàng nắm bắt những cơ hội để chia sẻ với những người khác những cảm nghĩ của anh chị em về Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi và các phước lành anh chị em nhận được với tư cách là một tín hữu của Giáo Hội của Ngài. Mời những người khác cùng tham gia với gia đình anh chị em trong các sinh hoạt liên quan đến Giáo Hội và hướng về gia đình.

  • Hãy tìm kiếm các cơ hội cho gia đình anh chị em trò chuyện với những người truyền giáo. Mời họ giảng dạy cho bạn bè của anh chị em, hoặc đề nghị để họ giảng dạy những người trong gia đình anh chị em. Hãy hỏi những người truyền giáo về những kinh nghiệm họ đang có và cách mà công việc phục vụ truyền giáo đang giúp họ đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Cũng hãy hỏi họ về điều họ đã làm (hoặc ước là đã làm) để chuẩn bị trở thành những người truyền giáo.

  • Nếu anh chị em đã phục vụ truyền giáo, thì hãy thường xuyên nói chuyện cởi mở về những kinh nghiệm của mình. Hoặc mời bạn bè hay những người trong gia đình đã phục vụ truyền giáo nói về kinh nghiệm của họ. Anh chị em cũng có thể nói về những cách anh chị em đã chia sẻ phúc âm với những người khác trong cuộc sống của mình. Hãy giúp con của anh chị em nghĩ về những cách mà nó có thể chia sẻ phúc âm.

  • Hãy cho con của anh chị em cơ hội để giảng dạy các nguyên tắc phúc âm cho gia đình. Con của anh chị em cũng có thể tập chia sẻ những điều nó tin tưởng với người khác. Ví dụ, anh chị em có thể thảo luận những câu hỏi như “Chúng ta giới thiệu Sách Mặc Môn cho một người nào đó chưa bao giờ nghe nói về sách đó bằng cách nào?” hoặc “Làm thế nào để chúng ta mô tả sự cần thiết của Đấng Cứu Rỗi cho một người không phải là Ky Tô hữu?”

  • Hãy giúp con của anh chị em trở nên thoải mái khi trò chuyện với mọi người. Một số cách thức tốt để bắt đầu một cuộc trò chuyện là gì? Khuyến khích con của anh chị em học cách lắng nghe điều người khác nói, hiểu những điều trong lòng họ, và chia sẻ các lẽ thật của phúc âm mà có thể ban phước cho cuộc sống của họ.

  • Hãy tìm kiếm những cơ hội cho con của anh chị em học hỏi về các nền văn hóa và tín ngưỡng khác. Giúp nó nhận ra và tôn trọng các nguyên tắc tốt và chân chính trong tín ngưỡng của người khác.

Đi Đền Thờ—Lễ Gắn Bó

Trong đền thờ, một cặp vợ chồng có thể được kết hôn cho thời vĩnh cửu. Điều này xảy ra trong một giáo lễ được gọi là lễ gắn bó. Mặc dù con cái của anh chị em có thể mất nhiều năm nữa mới tiếp nhận giáo lễ này, nhưng những điều nhỏ nhặt tầm thường, kiên định mà anh chị em cùng làm với nhau trong những năm đó có thể giúp chúng chuẩn bị cho phước lành tuyệt vời này.

  • Hãy cùng nhau đọc “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” trên Thư Viện Phúc Âm. Bản tuyên ngôn này dạy gì về hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và về các cuộc hôn nhân thành công? Cùng với con của anh chị em, hãy chọn một trong các nguyên tắc được liệt kê trong bản tuyên ngôn để nghiên cứu. Anh chị em có thể tra cứu các câu thánh thư liên quan đến nguyên tắc đó trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Anh chị em cũng có thể đặt mục tiêu để áp dụng nguyên tắc đó một cách trọn vẹn hơn trong gia đình mình. Khi anh chị em thực hiện các mục tiêu của mình, hãy cùng nhau thảo luận xem việc sống theo nguyên tắc đó có ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống gia đình.

  • Hãy cùng con của anh chị em đọc sứ điệp của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf “Lời Khen Ngợi Những Người Bảo Vệ Gìn Giữ” (Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 77–80). Khi đọc đến phần có tựa đề “Một Xã Hội Chỉ Dùng Một Lần Rồi Bỏ,” anh chị em có thể tìm kiếm trong nhà mình những món đồ dùng một lần và những món đồ khác dùng lâu dài. Hãy nói về cách anh chị em đối xử khác biệt với các vật dụng này khi anh chị em muốn chúng bền lâu. Điều này gợi ý gì về cách chúng ta nên đối xử với các mối quan hệ hôn nhân và gia đình? Chúng ta học được điều gì nữa từ sứ điệp của Chủ Tịch Uchtdorf về cách Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta xây đắp hôn nhân và gia đình vững mạnh?

  • Nếu anh chị em đã kết hôn, thì hãy cởi mở với con cái của mình về những điều anh chị em cảm thấy mình đang làm tốt với tư cách là một cặp vợ chồng, những điều anh chị em đang học hỏi, và những cách anh chị em đang cố gắng cải thiện. Nếu anh chị em và người phối ngẫu của mình đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ, thì hãy cho con mình thấy tấm gương của anh chị em đang cố gắng tuân giữ các giao ước của mình với nhau và với Chúa. Nói cho con của anh chị em biết cách anh chị em cố gắng đặt Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi làm trọng tâm của mối quan hệ của anh chị em và cách hai Ngài đang giúp đỡ anh chị em.

  • Khi cần đưa ra những quyết định trong gia đình, hãy tổ chức các buổi họp hội đồng gia đình và thảo luận. Hãy chắc chắn rằng tất cả ý kiến của mọi người trong gia đình đều được lắng nghe và trân trọng. Hãy sử dụng những cuộc thảo luận này như là một cơ hội để làm gương về cách giao tiếp lành mạnh và tử tế trong các mối quan hệ gia đình, ngay cả khi không phải ai cũng nhìn nhận theo cùng một cách.

  • Khi có bất đồng hoặc mâu thuẫn trong gia đình, hãy cho thấy lòng kiên nhẫn và sự cảm thông. Hãy giúp con của anh chị em thấy cách giải quyết xung đột theo những cách thức giống như Đấng Ky Tô để có thể giúp nó chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hãy cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 121:41–42, và thảo luận về cách các nguyên tắc trong các câu này có thể được áp dụng cho hôn nhân.