“Ngày 15–21 tháng Sáu. An Ma 13–16: ‘Bước Vào Chốn An Nghỉ Của Chúa’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (2020)
“Ngày 15–21 tháng Sáu. An Ma 13–16,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020
Ngày 15–21 tháng Sáu
An Ma 13–16
“Bước Vào Chốn An Nghỉ Của Chúa”
Sự soi dẫn mà anh chị em nhận được khi suy ngẫm thánh thư là rất quý. Anh chị em có thể cho thấy rằng anh chị em quý trọng chúng bằng cách ghi chép lại và hành động theo.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Trong nhiều cách, cuộc sống ở A Mô Ni Ha tốt cho A Mu Léc và Giê Rôm. A Mu Léc “không phải là một người ít tiếng tăm,” với “nhiều bà con và bạn bè” và “lắm của cải” (An Ma 10:4). Giê Rôm là “một người thành thạo nhất” trong đám luật gia và có “nhiều việc giao dịch” (An Ma 10:31). Sau đó An Ma đến thành phố A Mô Ni Ha với một lời mời thiêng liêng để hối cải và “bước vào chốn an nghỉ của Chúa” (An Ma 13:16). Đối với A Mu Léc, Giê Rôm, và những người khác, việc chấp nhận lời mời này đòi hỏi sự hy sinh và kể cả dẫn đến nghịch cảnh gần như không thể chịu được.
Tất nhiên câu chuyện không kết thúc ở đó. Trong An Ma 13–16, chúng ta biết điều cuối cùng xảy đến cho những người tin “quyền năng của Đấng Ky Tô đem lại sự cứu rỗi “ (An Ma 15:6). Đôi khi có sự giải thoát, đôi khi là sự chữa lành—và đôi khi mọi thứ không trở nên dễ dàng hơn trong cuộc sống này. Nhưng luôn luôn, “Chúa đón [dân của Ngài] về với Ngài trong vinh quang” (An Ma 14:11). Chúa luôn luôn ban “quyền năng, thể theo đức tin của [chúng ta] hằng có nơi Đấng Ky Tô” (An Ma 14:28). Và luôn luôn, “đức tin nơi Chúa” đó ban cho chúng ta “hy vọng rằng [chúng ta] sẽ nhận được một cuộc sống vĩnh cửu” (An Ma 13:29). Khi đọc những chương này, anh chị em có thể cảm thấy được an ủi nhờ những lời hứa như vậy, và anh chị em có thể hiểu tốt hơn ý của An Ma khi ông nói về “chốn an nghỉ của Chúa.”
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Các giáo lễ chức tư tế giúp tôi nhận sự cứu chuộc qua Chúa Giê Su Ky Tô.
Anh chị em có thể nhớ lại trong An Ma 12, An Ma đã dạy về kế hoạch cứu chuộc của Thượng Đế (xin xem An Ma 12:24–27). Trong chương 13, ông đã nói về các thầy tư tế được Thượng Đế sắc phong “để giảng dạy những điều này cho dân chúng” (An Ma 13:1). Những lời của An Ma biểu lộ nhiều lẽ thật mạnh mẽ về chức tư tế. Có lẽ anh chị em có thể cố gắng nhận ra ít nhất một lẽ thật ở mỗi câu trong An Ma 13:1–9. Sau đây là một số ý kiến để giúp anh chị em bắt đầu:
-
Câu 1:Chức tư tế cũng được gọi là “ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế” (xin xem thêm GLGƯ 107:1–4).
-
Câu 2:Thượng Đế sắc phong các thầy tư tế để giúp mọi người hướng tới Vị Nam Tử của Ngài để được cứu chuộc.
-
Câu 3:Những người nắm giữ chức tư tế đã được chuẩn bị cho các trách nhiệm “từ lúc thế gian mới được tạo dựng.”
Có điều gì khác mà anh chị em tìm thấy? Anh chị em cảm thấy như thế nào về chức tư tế khi anh chị em suy ngẫm về những lẽ thật này? Các giáo lễ chức tư tế đã giúp anh chị em hướng tới Chúa Giê Su Ky Tô để được cứu chuộc như thế nào?
Là một điều thú vị để lưu ý rằng nhiều người dân ở thành phố A Mô Ni Ha theo Nê Hô (xin xem An Ma 14:18; 15:15). Các thầy tư tế theo ban của Nê Hô (xin xem An Ma 1:3–6) khác với các thầy tư tế được sắc phong “theo ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế” (GLGƯ 107:3) như thế nào, là những người mà An Ma đã mô tả? (xin xem An Ma 13:1–19).
Xin xem thêm Dale G. Renlund, “Chức Tư Tế và Quyền Năng Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 64–67.
Có phải những người nắm giữ chức tư tế là những người duy nhất “được kêu gọi và chuẩn bị từ lúc thế gian mới được tạo dựng” không?
Những lời giảng dạy của An Ma trong An Ma 13:3 đề cập cụ thể đến những người nắm giữ chức tư tế. Dù sao, nguyên tắc mà ông đã dạy—rằng mọi người đã nhận những sự chỉ định và được chuẩn bị để làm tròn những sự chỉ định đó “từ lúc thế gian mới được tạo dựng”—áp dụng cho tất cả chúng ta. Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói: “Trong thế giới trước khi chúng ta đến đây, các phụ nữ trung thành đã được ban cho những chỉ định nào đó, trong khi những người đàn ông trung thành đã được tiền sắc phong cho các nhiệm vụ nào đó của chức tư tế. Bây giờ, mặc dù chúng ta không nhớ những điều cụ thể, nhưng điều này không làm thay đổi thực tế vinh quang của điều chúng ta đã từng đồng ý nghe theo” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 215–16; xin xem thêm GLGƯ 138:55–56).
Đôi khi Thượng Đế để cho những người ngay chính chịu đau khổ.
An Ma 14 kể về những người ngay chính đã chịu đau khổ và thậm chí chết vì niềm tin của họ. Anh chị em có thể tự hỏi, giống nhiều người khác, tại sao những điều tồi tệ xảy ra với những người đang cố gắng sống một cách ngay chính. Anh chị em có thể không tìm thấy tất cả các câu trả lời cho câu hỏi khó này trong An Ma 14, nhưng có nhiều điều để học hỏi từ cách An Ma và A Mu Léc phản ứng lại với những hoàn cảnh mà họ gặp phải. Những lời nói và hành động của họ dạy anh chị em điều gì về lý do Chúa đôi khi để cho những người ngay chính chịu đau khổ? Anh chị em học được điều gì từ họ về việc đối mặt với sự ngược đãi?
Xin xem thêm Ma Thi Ơ 5:43–44; Mác 14:55–65; Rô Ma 8:35–39; 1 Phi E Rơ 4:12–14; Giáo Lý và Giao Ước 122:5–9.
Làm môn đồ đòi hỏi phải hy sinh.
Có thể là điều thú vị để lập một bản liệt kê về những điều A Mu Léc từ bỏ để đón nhận phúc âm (xin xem An Ma 10:4–5; 15:16) và so sánh nó với bản liệt kê những thứ ông nhận được (xin xem An Ma 15:18; 16:13–15; 34:8). Anh chị em sẵn lòng hy sinh điều gì để trở thành một môn đồ trung tín hơn?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.
An Ma 13
Gia đình của anh chị em có thể được lợi ích từ việc để ý tất cả những lần từ “chốn an nghỉ” xuất hiện trong An Ma 13. Những từ và ý kiến khác xuất hiện cùng với nó là gì? Làm thế nào sinh hoạt này có thể giúp chúng ta hiểu “chốn an nghỉ của Chúa” có thể có ý nghĩa gì? Nó khác với sự an nghỉ của thể xác như thế nào?
An Ma 13:10–12
Để giúp gia đình của anh chị em hình dung điều mà những câu này giảng dạy, có thể anh chị em muốn giặt thứ gì đó cùng nhau—như quần áo trắng. Chúng ta cảm thấy như thế nào khi chúng ta bẩn thỉu? Chúng ta cảm thấy như thế nào khi chúng ta trở nên sạch sẽ lần nữa? Những cảm giác này tương tự như điều chúng ta cảm thấy khi phạm tội và rồi hối cải và trở nên trong sạch qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi như thế nào?
An Ma 15:1–12
Chúng ta học được điều gì từ kinh nghiệm của Giê Rôm về quyền năng của Chúa để củng cố và chữa lành cho chúng ta, kể cả khi chúng ta phạm những sai lầm? Chức tư tế đóng vai trò gì trong việc chúng ta tiếp nhận sự củng cố và chữa lành của Ngài?
An Ma 16:1–10
Sau khi đọc xong những câu này, anh chị em có thể đọc An Ma 9:4. Chúng ta học được điều gì qua việc so sánh cách Giô Ram cảm nhận những lời của vị tiên tri và cách mà người dân A Mô Ni Ha cảm nhận? Chúng ta đang làm gì để trung tín với những lời của vị tiên tri tại thế của mình?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.