Chức Tư Tế và Quyền Năng Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi
Tuy nhiên, để những mục đích của Cha Thiên Thượng được hoàn thành, quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô cần được có sẵn cho con cái của Thượng Đế. Chức tư tế mang đến những cơ hội này.
Xin hãy hình dung cùng với tôi một quả tên lửa được đưa lên bệ phóng để nó có thể sẵn sàng được phóng đi. Bây giờ, hãy hình dung quá trình khởi động tên lửa. Nhiên liệu ở trong buồng đốt được chuyển đổi thành khí nóng phun ra, cung cấp lực đẩy cần thiết để đẩy tên lửa bay vào không gian. Cuối cùng, hãy hình dung trọng tải hay hàng hoá ở đầu tên tửa. Giá trị của trọng tải thu được chỉ khi nó đến được nơi cần đến và thực hiện được chức năng nó cần làm. Chẳng hạn một người không cần phải là một nhà khoa học về tên lửa để đánh giá rằng một vệ tinh nhân tạo đắt tiền, kết nối toàn cầu sẽ chỉ là một vật ít giá trị nếu nó chỉ nằm trong kho hàng. Nhiệm vụ của tên lửa đơn giản là để vận chuyển trọng tải.
Buổi tối hôm nay tôi muốn so sánh chức tư tế mà chúng ta nắm giữ với một quả tên lửa và cơ hội để được lợi ích từ quyền năng chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi với trọng tải mà tên lửa vận chuyển.
Nhờ sự hi sinh chuộc tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng và thẩm quyền để cứu chuộc nhân loại. Để làm cho quyền năng chuộc tội của Ngài có thể nhận được, Ngài đã ủy thác một phần quyền năng và thẩm quyền cho những người nam trên thế gian. Quyền năng và thẩm quyền được ủy thác này gọi là chức tư tế. Nó cho phép những người nắm giữ chức tư tế phụ giúp Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong công việc của hai Ngài, nhằm mang lại sự cứu rỗi và sự tôn cao cho con cái của Thượng Đế. Sự ủy thác quyền năng và thẩm quyền làm được như vậy bởi vì nó cung cấp cho con cái của Ngài cơ hội để nhận những phước lành của quyền năng chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi.
Quyền năng chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô là thiết yếu bởi vì không ai trong chúng ta có thể trở về ngôi nhà thiên thượng của mình mà không có sự giúp đỡ. Trong cuộc sống hữu diệt, chúng ta lúc nào cũng phạm sai lầm và vi phạm các luật pháp của Thượng Đế. Chúng ta trở nên ô uế bởi tội lỗi và không thể được phép trở về sống nơi có sự hiện diện của Thượng Đế. Chúng ta cần quyền năng chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi để có thể được hòa thuận với Cha Thiên Thượng. Chúa Giê Su đã cắt đứt những dây trói buộc của sự chết, mang đến sự phục sinh cho tất cả mọi người. Ngài ban cho sự xá miễn tội lỗi, với điều kiện là phải tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của phúc âm của Ngài. Qua Ngài, sự tôn cao được ban cho. Cơ hội để được lợi ích từ quyền năng chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi là tải trọng quan trọng nhất của sự sáng tạo.
Tuy nhiên, để những mục đích của Cha Thiên Thượng được hoàn thành, quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô cần được có sẵn cho con cái của Thượng Đế.1 Chức tư tế mang đến những cơ hội này. Nó là quả tên lửa. Chức tư tế là thiết yếu bởi vì những giáo lễ và giao ước cần thiết trên thế gian chỉ được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế. Nếu chức tư tế không mang đến cơ hội để được lợi ích từ quyền năng chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi thì mục đích của nó là gì? Nó chỉ là một trái pháo phức tạp thu hút sự chú ý chăng? Thượng Đế có ý muốn chức tư tế được sử dụng nhiều hơn là trong một lớp học vào ngày Chủ Nhật hay một cơ hội phục vụ. Ngài có ý muốn chức tư tế vận chuyển trọng tải.
Những chỗ hư hỏng nhỏ trên quả tên lửa có thể là nguyên nhân làm nhiệm vụ thất bại. Những chỗ nối bị hỏng và vật liệu trở nên kém bền có thể là nguyên nhân làm cho quả tên lửa gặp trục trặc. Để bảo vệ chức tư tế khỏi sự sai hỏng, Thượng Đế bảo vệ cả sự sắc phong lẫn việc sử dụng.2 Việc truyền giao chức tư tế được bảo vệ bởi những chìa khóa chức tư tế, là những quyền hạn của chủ tịch đoàn được trao cho người nam.3 Việc sử dụng chức tư tế được bảo vệ bởi các chìa khóa của chức tư tế nhưng cũng bởi các giao ước mà người nắm giữ chức tư tế đã lập. Việc sử dụng chức tư tế được kiểm soát bởi cả các chìa khóa chức tư tế lẫn các giao ước. Sự ủy thác chức tư tế của một người nam là một sự ủy thác mang tính cá nhân và và không tồn tại nếu không phụ thuộc vào người ấy;4 chức tư tế không phải là một nguồn vô hình của quyền năng độc lập.
Cả chức tư tế A Rôn lẫn chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đều được tiếp nhận bởi giao ước.5 Thượng Đế quy định những điều kiện và loài người chấp nhận. Nói chung, những người nắm giữ chức tư tế giao ước sẽ phụ giúp Thượng Đế trong công việc của Ngài. Vào đầu gian kỳ này, Chúa Giê Su Ky Tô đã giải thích rằng giao ước chức tư tế “được xác nhận cho các ngươi vì lợi ích của các ngươi, và không những cho lợi ích của các ngươi mà còn vì lợi ích của toàn thể thế gian nữa … vì họ không đến cùng ta.”6
Điều này dạy rằng mục đích của chức tư tế là để mời gọi những người khác đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách tiếp nhận phúc âm phục hồi của Ngài. Chúng ta có chức tư tế để chúng ta có thể giúp đỡ con cái của Cha Thiên Thượng giảm bớt gánh nặng tội lỗi và trở nên giống như Ngài. Thông qua chức tư tế, quyền năng của sự tin kính biểu lộ trong cuộc sống của tất cả những ai lập và giữ những giao ước của phúc âm và nhận những giáo lễ liên quan.7 Đây là cách thức mỗi người chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô, được thanh tẩy, và hòa thuận với Thượng Đế. Quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô có sẵn cho chúng ta thông qua chức tư tế, là thứ vận chuyển trọng tải.
Những giao ước với Thượng Đế là trọng thể và nghiêm túc. Một người nên chuẩn bị, học hỏi, và bước vào những giao ước như vậy với một chủ ý sẽ tôn trọng những giao ước đó. Một giao ước trở thành một lời cam kết của bản thân. Diễn giải lời của nhà soạn kịch người Anh Robert Bolt, một người nam lập giao ước chỉ khi người ấy muốn cam kết bản thân một cách khác thường với một lời hứa. Người ấy tạo sự đồng nhất giữa lẽ thật của lời hứa và đức hạnh của mình. Khi một người lập một giao ước, người ấy đang giữ bản thân mình, giống như nước, trong hai bàn tay khum lại của mình. Và nếu người ấy xòe những ngón tay ra, người ấy sẽ không còn hi vọng tìm lại bản thân nữa. Một người vi phạm giao ước sẽ không có bản thân để dâng hiến hay một sự đảm bảo để đưa ra nữa.8
Một người nắm giữ chức Tư Tế A Rôn giao ước để tránh sự tà ác, giúp đỡ người khác trở nên hòa thuận với Thượng Đế, và chuẩn bị để tiếp nhận chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.9 Những trách nhiệm thiêng liêng này được làm tròn khi người ấy giảng dạy, làm phép báp têm, củng cố các tín hữu của Giáo Hội, và mời gọi người khác chấp nhận phúc âm. Đây là những chức năng “tên lửa” của người ấy. Bù lại, Thượng Đế hứa ban cho sự hi vọng, sự tha thứ, sự phù trợ của các thiên sứ, và những chìa khóa của phúc âm về sự hối cải và của phép báp têm.10
Một người nắm giữ chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc giao ước để làm tròn các trách nhiệm liên quan với chức Tư Tế A Rôn và để làm vinh hiển sự kêu gọi của mình trong chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.11 Người ấy làm vậy bằng cách tuân giữ những lệnh truyền liên hệ với giao ước. Những lệnh truyền này bao gồm việc “chuyên tâm chú ý đến những lời về cuộc sống vĩnh cửu” bằng cách sống theo “mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời,”12 chia sẻ chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và công việc ngày sau của Ngài,13 không khoe khoang về bản thân,14 và trở thành một người bạn của Đấng Cứu Rỗi, tin tưởng Ngài như một người bạn.15
Bù lại, Thượng Đế hứa rằng một người nắm giữ chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc sẽ nhận được các chìa khóa để hiểu những điều kín nhiệm của Thượng Đế. Người ấy sẽ trở nên hoàn hảo để có thể đứng ở nơi hiện diện của Thượng Đế. Người ấy sẽ có khả năng làm tròn vai trò của mình trong công việc cứu rỗi. Chúa Giê Su Ky Tô sẽ chuẩn bị trước con đường cho người nắm giữ chức tư tế và sẽ ở cùng người ấy. Đức Thánh Linh sẽ ở trong tâm hồn người nắm giữ chức tư tế và các thiên sứ sẽ nâng người ấy lên. Cơ thể của người ấy sẽ được củng cố và làm mới. Người ấy sẽ trở thành người kế tự các phước lành của Áp Ra Ham và, cùng với vợ của mình, đồng kế tự vương quốc của Cha Thiên Thượng cùng với Chúa Giê Su Ky Tô.16 Đây là “những lời hứa rất quí và rất lớn.”17 Không lời hứa nào lớn hơn có thể tưởng tượng được.
Đối với mỗi người tiếp nhận chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, Thượng Đế xác nhận giao ước của Ngài với một lời thề.18 Lời thề này chỉ gắn liền với chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc,19 và Thượng Đế là người nói lời thề, không phải người nắm giữ chức tư tế.20 Bởi vì tình thế độc nhất vô nhị này liên quan đến quyền năng và thẩm quyền thiêng liêng của Ngài, nên Thượng Đế sử dụng lời thề, dùng ngôn ngữ mạnh mẽ nhất mà Ngài có thể, để đảm bảo tính ràng buộc và không thể thay đổi trong những lời hứa của Ngài.
Những hậu quả trầm trọng đến từ việc vi phạm những giao ước chức tư tế và hoàn toàn từ bỏ các giao ước đó.21 Việc trở nên cẩu thả và hờ hững trong một sự kêu gọi của chức tư tế là giống như việc khiến cho thành phần cấu tạo của tên lửa trở nên kém bền. Nó gây hại cho giao ước chức tư tế bởi vì nó có thể dẫn đến sự thất bại của nhiệm vụ. Việc không tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế là phá vỡ giao ước. Những phước lành được hứa sẽ bị rút lại.
Tôi hiểu trọn vẹn hơn mối quan hệ giữa tên lửa “chức tư tế” và trọng tải “cơ hội để được lợi ích từ quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô” vài năm trước đây. Trong một dịp cuối tuần, tôi đã có hai sự chỉ định. Một là thành lập giáo khu đầu tiên tại một đất nước, và sự chỉ định kia là phỏng vấn một người thanh niên và, nếu tất cả đúng trật tự, phục hồi chức tư tế và các phước lành đền thờ của cậu ấy. Người thanh niên 30 tuổi này đã gia nhập Giáo Hội khi sắp hết tuổi vị thành niên. Cậu ấy đã phục vụ truyền giáo đầy vinh dự. Nhưng khi trở về nhà, cậu lạc lối và đánh mất tư cách tín hữu của mình trong Giáo Hội. Vài năm sau, “[cậu] tỉnh ngộ’”22 và với sự giúp đỡ của các vị lãnh đạo chức tư tế đáng mến và những tín hữu tốt bụng, cậu hối cải và gia nhập lại bằng phép báp têm vào Giáo Hội.
Sau đó, cậu nộp đơn xin được phục hồi chức tư tế và các phước lành đền thờ của mình. Chúng tôi đặt cuộc hẹn vào 10 giờ sáng thứ Bảy tại nhà hội. Khi tôi đến sớm cho các cuộc phỏng vấn khác, cậu ấy đã có mặt ở đó. Cậu ấy đã rất khao khát để có chức tư tế một lần nữa, cậu ấy không đợi được.
Trong buổi phỏng vấn, tôi đã cho cậu thấy bước thư giải thích rằng Chủ Tịch Thomas S Monson đã tự mình xem lại tờ đơn của cậu và ủy quyền cuộc phỏng vấn. Chàng trai cứng rắn này khóc nức nở. Và rồi tôi nói với cậu rằng ngày phỏng vấn của chúng tôi sẽ không có ý nghĩa chính thức nào trong cuộc đời cậu. Cậu bối rối. Tôi thông báo cho cậu rằng sau khi tôi phục hồi các phước lành của cậu, hồ sơ tín hữu của cậu sẽ chỉ hiển thị ngày báp têm, ngày xác nhận, ngày nhận chức tư tế, và ngày nhận lễ thiên ân gốc thôi. Cậu nghẹn lại lần nữa.
Tôi yêu cầu cậu đọc một lệnh truyền trong Giáo Lý và Giao Ước:
“Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.
“Qua cách thức này, các ngươi có thể biết được một người có hối cải tội lỗi của mình không—này, kẻ đó sẽ thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó.”23
Nước mắt cậu tràn ra lần thứ ba. Và rồi, tôi đặt tay lên đầu cậu trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, bởi thẩm quyền của chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, và với sự ủy quyền của Chủ Tịch Giáo Hội, tôi đã phục hồi chức tư tế và các phước lành đền thờ của cậu.
Niềm vui đến với chúng tôi thật sâu sắc. Cậu biết mình được cho phép lần nữa để nắm giữ và thực hành chức tư tế của Thượng Đế. Cậu biết rằng các phước lành đền thờ của cậu hoàn toàn có hiệu lực trở lại. Bước chân cậu trở nên nhanh nhẹn và ánh sáng tỏa ra xung quanh cậu. Tôi đã rất tự hào về câu ấy và cảm giác được Cha Thiên Thượng tự hào về cậu ấy như thế nào.
Sau đó, giáo khu được tổ chức. Những buổi họp có sự tham gia của các thánh hữu nhiệt thành, trung tín, và chủ tịch đoàn giáo khu tuyệt vời đã được tán trợ. Tuy nhiên, đối với tôi, sự kiện lịch sử về việc tổ chức giáo khu đầu tiên ở quốc gia này đã bị lu mờ bởi niềm vui tôi cảm nhận trong việc phục hồi các phước lành cho cậu thanh niên này.
Tôi đã nhận ra rằng mục đích của việc tổ chức giáo khu, hay sử dụng chức tư tế của Thượng Đế trong mọi cách, là để hỗ trợ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong công việc của hai Ngài—để cung ứng cơ hội cho sự cứu chuộc và sự tôn cao cho mỗi người con của Thượng Đế. Giống như mục đích của tên lửa là để vận chuyển trọng tải, chức tư tế vận chuyển phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, làm cho tất cả mọi người có khả năng để lập các giao ước và nhận các giáo lễ liên quan. “Máu chuộc tội của Đấng Ky Tô”24 có thể theo cách đó được áp dụng vào cuộc sống của chúng ta khi chúng ta trải qua tác động thánh hóa của Đức Thánh Linh và nhận được các phước lành Thượng Đế đã hứa.
Ngoài việc chính các anh em tuân theo các luật pháp và giáo lễ của phúc âm, tôi mời gọi các anh em lập và giữ các giao ước chức tư tế. Hãy tiếp nhận lời thề của Thượng Đế và lời hứa của Ngài. Hãy làm vinh hiển những trách nhiệm của các anh em trong chức tư tế để giúp đỡ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy sử dụng chức tư tế để giúp vận chuyển cơ hội có được lợi ích từ quyền năng chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi đến với một ai đó! Khi các anh em làm như vậy, những phước lành lớn lao sẽ đến với các anh em và gia đình của các anh em. Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Chuộc hằng sống và hướng dẫn công việc này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.