Sự Hối Cải Luôn Luôn Là Một Điều Tích Cực
Ngay giây phút mà chúng ta bắt đầu tiến trình hối cải, chúng ta mời gọi quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình.
Cách đây vài năm, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã tham dự một trận đấu bóng bầu dục của một trường đại học. Ông có mặt ở đó để loan báo rằng sân vận động này sẽ được đặt tên theo tên của huấn luyện viên yêu mến lâu đời của đội, là người sắp nghỉ hưu. Đội bóng rất mong muốn được thắng trận đấu này để vinh danh người huấn luyện viên của họ. Chủ Tịch Hinckley được mời vào phòng để đồ của đội để đưa ra vài lời khích lệ. Được soi dẫn bởi những lời này của ông nên đội đó đã thắng trận đấu đó và kết thúc mùa đấu bóng với một giải chiến thắng kỷ lục.
Hôm nay, tôi muốn nói chuyện với những người mà có thể lo lắng rằng họ đang không thắng mọi thứ trong đời sống. Dĩ nhiên, sự thật là chúng ta “đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”1 Mặc dù có thể có một số đội thể thao chưa thua trận nào trong mùa đấu nhưng không có sự hoàn hảo như vậy trong đời sống thật. Nhưng tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô đã thực hiện Sự Chuộc Tội hoàn hảo và ban cho chúng ta ân tứ hối cải—con đường của chúng ta trở lại với một niềm hy vọng sáng lạn và một cuộc sống thành công.
Sự Hối Cải Mang Lại Hạnh Phúc
Chúng ta thường nghĩ đến sự hối cải là một điều đau khổ và buồn nản. Nhưng kế hoạch của Thượng Đế là kế hoạch hạnh phúc chứ không phải là kế hoạch đau khổ! Sự hối cải là nâng cao tinh thần và cải thiện con người. Tội lỗi mới mang đến đau khổ.2 Sự hối cải là con đường giải thoát của chúng ta! Như Anh Cả D. Todd Christofferson đã giải thích: “Nếu không có sự hối cải, thì sẽ không có tiến triển hay cải tiến thật sự trong cuộc sống. … Và, dĩ nhiên, chỉ qua sự hối cải, chúng ta mới nhận được ân điển chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự cứu rỗi. Sự hối cải … hướng chúng ta đến tự do, sự tin tưởng và bình an.”3 Sứ điệp của tôi cho mọi người—nhất là giới trẻ—sự hối cải luôn là một điều tích cực.
Khi nói về sự hối cải, chúng ta không chỉ nói về những nỗ lực cải thiện bản thân mình. Sự hối cải đích thực còn nhiều hơn thế nữa—ân tứ này được soi dẫn nhờ vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của Ngài để tha thứ tội lỗi của chúng ta. Như Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy cho chúng ta: “Nếu không có Đấng Cứu Chuộc … sự hối cải chỉ là tiến trình thay đổi đầy đau khổ để thay đổi hành vi.”4 Chúng ta có thể tự mình cố gắng thay đổi hành vi của mình, nhưng chỉ có Đấng Cứu Rỗi mới có thể loại bỏ vết nhơ của chúng ta và nâng gánh nặng của chúng ta lên, làm cho chúng ta có thể theo đuổi con đường vâng lời với sự tin tưởng và sức mạnh. Niềm vui hối cải còn có ý nghĩa nhiều hơn là niềm vui của việc sống một cuộc sống tốt đẹp. Đó là niềm vui của sự tha thứ, của việc được trong sạch lại, và gần gũi với Thượng Đế hơn. Một khi các anh chị em đã kinh nghiệm niềm vui đó, thì không có một cảm nghĩ mãn nguyện nào bằng.
Sự hối cải đích thực soi dẫn chúng ta để làm cho sự vâng lời của chúng ta thành một cam kết—một giao ước, bắt đầu bằng phép báp têm và được tái lập mỗi tuần tại Bữa Ăn Tối của Chúa, là Tiệc Thánh. Ở đó chúng ta nhận được lời hứa rằng chúng ta có thể “luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta],”5 với tất cả niềm vui và sự bình an đến từ sự đồng hành thường xuyên của Ngài. Đây là kết quả của sự hối cải, và đây là điều làm cho sự hối cải đáng mừng!
Sự Hối Cải Đòi Hỏi Lòng Kiên Trì
Tôi thích câu chuyện ngụ ngôn về đứa con hoang phí.6 Có một điều gì đó có ý nghĩa trong giây phút quan trọng đó khi mà đứa con hoang phí “mới tỉnh ngộ.” Khi ngồi trong một chuồng heo, nó ước gì có thể “muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no,” cuối cùng nó đã nhận ra rằng nó đã lãng phí không chỉ gia tài thừa kế của cha nó không thôi mà còn cả cuộc đời của nó nữa. Với niềm tin rằng cha của nó có thể chấp nhận nó trở lại—nếu không với tư cách là một đứa con trai thì ít nhất cũng là một người tôi tớ—nó đã quyết định bỏ lại sau lưng quá khứ nổi loạn của mình để đi về nhà.
Tôi đã thường tự hỏi về con đường dài của đứa con trai đó đi về nhà. Đã có lần nào mà anh ta do dự và tự hỏi: “Tôi sẽ được cha tôi tiếp nhận như thế nào?” Có lẽ anh ta còn quay một vài bước trở lại chuồng heo nữa không chừng. Hãy tưởng tượng câu chuyện sẽ khác như thế nào nếu anh ấy đã bỏ cuộc. Nhưng đức tin vẫn giữ anh ta tiến bước, và đức tin giữ cho cha của anh ta trông chờ một cách kiên nhẫn, cho đến cuối cùng thì:
“Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn.
“Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa.
“Nhưng người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân: …
“Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được.”
Sự Hối Cải Là dành cho Mọi Người
Thưa các anh chị em, tất cả chúng ta đều giống như đứa con trai hoang phí. Chúng ta đều phải “tỉnh ngộ”—thường là hơn một lần—và chọn con đường dẫn trở lại nhà. Đó là sự lựa chọn hằng ngày của chúng ta, suốt cuộc đời của chúng ta.
Chúng ta thường liên kết sự hối cải với những tội lỗi nặng nề đòi hỏi “một sự thay đổi lớn lao trong lòng.”7 Nhưng sự hối cải là dành cho tất cả mọi người—những người đang lang thang “vào những lối cấm rồi lạc mất luôn”8 cũng như những người “đã đi vào con đường chật và hẹp” và giờ đây cần phải “tiến tới.”9 Sự hối cải đã đặt chúng ta trên con đường đúng và giữ cho chúng ta trên con đường đúng đó. Chính là cho những người chỉ mới bắt đầu tin, những người đã tin trong suốt cuộc sống của họ, và những người cần phải bắt đầu tin một lần nữa. Như Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Hầu hết chúng ta đều hiểu rõ rằng Sự Chuộc Tội là dành cho kẻ phạm tội. Tuy nhiên, tôi không chắc chắn rằng chúng ta biết và hiểu rằng Sự Chuộc Tội cũng dành cho các thánh hữu—cho những người đàn ông và phụ nữ tốt lành biết vâng lời, xứng đáng và … cố gắng để trở nên tốt hơn.”10
Gần đây tôi có đến thăm một trung tâm huấn luyện truyền giáo khi một nhóm những người truyền giáo còn mới đến nơi. Tôi đã vô cùng xúc động trong khi quan sát họ và thấy được nét rực rỡ trong mắt họ. Họ dường như trong sáng, vui vẻ và nhiệt tình. Rồi tôi nghĩ: “Họ đã kinh nghiệm đức tin đưa đến sự hối cải. Chính vì vậy lòng họ tràn đầy niềm vui và hy vọng.”
Tôi không nghĩ rằng điều đó có nghĩa là họ đều phạm tội nghiêm trọng trong quá khứ, mà là tôi quả thực nghĩ rằng họ biết cách hối cải; họ đã học được rằng sự hối cải là điều tích cực; và họ đã sẵn sàng và mong muốn chia sẻ sứ điệp vui mừng này với thế gian.
Đây là điều xảy ra khi chúng ta cảm nhận được niềm vui khi hối cải. Hãy xem ví dụ của Ê Nót. Ông đã có giây phút “tỉnh ngộ” của riêng ông, và sau khi “tội lỗi của [ông] đã được tẩy sạch,” ông lập tức quan tâm đến những người khác. Ê Nót đã dành phần còn lại của đời mình để mời gọi tất cả mọi người hối cải và “vui với công việc này hơn hết mọi điều gì khác trên thế gian này.”11 Sự hối cải là như vậy đó; nó xoay lòng của chúng ta hướng tới đồng bào của chúng ta, vì chúng ta biết rằng niềm vui mà chúng ta cảm nhận là nhằm dành cho mọi người.
Sự Hối Cải Là một Điều Theo Đuổi Suốt Đời của Chúng Ta
Tôi có một người bạn lớn lên trong một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau kém tích cực. Khi còn là thanh niên, anh ấy “tỉnh ngộ” và quyết định chuẩn bị đi truyền giáo.
Anh ấy trở thành một người truyền giáo xuất sắc. Vào ngày cuối cùng của anh trước khi trở về nhà, chủ tịch phái bộ truyền giáo đã phỏng vấn và yêu cầu anh chia sẻ chứng ngôn của anh. Anh đã làm như vậy, và sau cái ôm đầy nước mắt, vị chủ tịch này nói: “Anh Cả này, anh có thể quên đi hoặc chối bỏ mọi điều mà anh vừa làm chứng chỉ trong vài tháng nếu anh không tiếp tục làm những điều mà đã xây đắp chứng ngôn của anh từ trước đến nay.”
Về sau, người bạn của tôi đã nói với tôi rằng anh ấy đã cầu nguyện và đọc thánh thư hằng ngày kể từ khi anh đi truyền giáo trở về nhà. Việc luôn “được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế” đã giữ cho anh “đi con đường đúng.”12
Anh chị em nào đang chuẩn bị cho công việc truyền giáo toàn thời gian và đang trở về nhà sau khi truyền giáo, xin hãy lưu ý! Việc chỉ đạt được chứng ngôn là không đủ; anh chị em phải duy trì và củng cố chứng ngôn đó nữa. Mọi người truyền giáo đều biết là nếu mình ngừng đạp xe đạp thì nó sẽ ngã xuống, và nếu anh chị em ngừng nuôi dưỡng chứng ngôn của mình thì chứng ngôn sẽ bị suy yếu. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho sự hối cải—đó là một sự theo đuổi suốt đời chứ không phải là một kinh nghiệm chỉ một lần trong đời.
Đối với tất cả những người đang tìm kiếm sự tha thứ—giới trẻ, người thành niên trẻ tuổi độc thân, cha mẹ, ông bà, và vâng, thậm chí cả các ông bà cố nữa—Tôi xin mời các anh chị em hãy trở lại con đường ngay chính. Bây giờ là lúc để bắt đầu. Đừng trì hoãn ngày hối cải của các anh chị em.13
Rồi, một khi các anh chị em đã chọn quyết định đó thì hãy đi theo con đường. Đức Chúa Cha đang chờ đợi, mong muốn đón nhận các anh chị em. Ngài đưa tay ra cho họ “suốt ngày”.14 Phần thưởng đáng bỏ nỗ lực.
Hãy nhớ những lời này của Nê Phi: “Các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”15
Đôi khi cuộc hành trình dường như quá dài—xét cho cùng đó là cuộc hành trình hướng tới cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng đó có thể là một cuộc hành trình vui vẻ nếu chúng ta theo đuổi nó với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hy vọng nơi Sự Chuộc Tội của Ngài. Tôi làm chứng rằng ngay giây phút mà chúng ta bắt đầu tiến trình hối cải, là chúng ta mời gọi quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình. Quyền năng đó sẽ làm cho chúng ta được vững vàng, mở rộng sự hiểu biết của chúng ta, và gia tăng quyết tâm của chúng ta để tiếp tục tiến bước, từng bước một, cho đến ngày vinh quang đó khi mà cuối cùng chúng ta trở về ngôi nhà thiên thượng của mình và nghe Cha Thiên Thượng phán với chúng ta rằng: “Được lắm.”16 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.