Trở Về cùng Chúa
Chúng ta không thể kiểm soát tất cả những gì xảy ra cho mình, nhưng chúng ta có quyền kiểm soát tuyệt đối cách chúng ta phản ứng đối với những thay đổi trong cuộc sống của mình.
Vào mùa xuân năm 1998, Carol và tôi đã có thể kết hợp một chuyến công tác kinh doanh với một kỳ nghỉ của gia đình và đưa bốn đứa con của chúng tôi, cùng với bà mẹ vợ mới góa chồng của tôi, đi Hawaii trong một vài ngày.
Cái đêm trước khi chúng tôi bay tới Hawaii, đứa con trai bốn tháng tuổi của chúng tôi, là Jonathon, được chẩn đoán bị nhiễm trùng hai tai, và chúng tôi được cho biết là nó không thể đi đâu được ít nhất là ba tới bốn ngày. Quyết định được đưa ra là để Carol ở nhà với Jonathon, trong khi tôi sẽ đi cùng với những người khác trong gia đình.
Dấu hiệu đầu tiên của tôi là đây không phải là chuyến đi suôn sẻ như tôi đã hình dung, đã xảy ra ngay sau khi chúng tôi đến nơi. Khi đang đi xuống một con đường tràn ngập ánh trăng ở giữa hai hàng cây họ cọ, với cảnh đại dương ở trước mặt chúng tôi, tôi quay lại để nói về vẻ đẹp của hòn đảo, và trong khoảnh khắc lãng mạn đó, thay vì nhìn Carol, tôi thấy mình đang nhìn vào mắt của mẹ vợ tôi—là người mà tôi xin thêm vào là tôi yêu thương rất nhiều. Điều đó hoàn toàn không phải là điều tôi đã lường trước. Cũng như Carol đã không dự kiến là sẽ dành kỳ nghỉ để ở nhà một mình với đứa con sơ sinh đang đau của chúng tôi.
Sẽ có những lúc trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta thấy mình đang ở trên một con đường bất ngờ, đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt hơn nhiều so với kỳ nghỉ bị gián đoạn. Chúng ta phản ứng như thế nào khi các sự kiện, thường nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, làm thay đổi cuộc sống mà chúng ta đã hoạch định hoặc hy vọng?
Vào ngày 6 tháng Sáu năm 1944, Hyrum Shumway, một viên thiếu úy trong Quân Đội Hoa Kỳ, đã đến bờ biển Omaha trong cuộc đổ bộ vào Normandy. Anh đi vào đất liền an toàn, nhưng vào ngày 27 tháng Bảy, khi tiến lên cùng với quân Đồng Minh, anh bị thương nặng bởi một trái mìn chống xe tăng phát nổ. Ngay lập tức, cuộc đời và sự nghiệp y khoa tương lai của anh đã bị ảnh hưởng rất lớn. Sau nhiều lần phẫu thuật, mà đã giúp anh hồi phục từ hầu hết những vết thương nặng, Anh Shumway không bao giờ nhìn thấy được nữa. Anh sẽ phản ứng như thế nào?
Sau ba năm ở bệnh viện hồi sức, anh trở về nhà ở Lovell, Wyoming. Anh biết rằng ước mơ trở thành bác sĩ y khoa của anh không thể nào thực hiện được nữa, nhưng anh quyết tâm tiến bước, kết hôn và lo liệu cho một gia đình.
Cuối cùng anh đã tìm được việc làm ở Baltimore, Maryland, với tư cách là một chuyên gia tư vấn hồi phục sức khỏe và kiếm việc làm cho người mù. Trong tiến trình hồi phục của mình, anh đã biết được rằng người mù có khả năng làm việc nhiều hơn anh đã biết, và trong tám năm trong chức vụ này, anh đã tìm việc cho nhiều người mù hơn bất cứ chuyên gia tư vấn nào khác trên cả nước.
Bấy giờ, vì tin tưởng vào khả năng của mình để chu cấp cho một gia đình, Hyrum đã cầu hôn với người yêu của mình khi nói với chị: “Nếu em chịu đọc thư, sắp xếp vớ, và lái xe, thì anh có thể làm phần còn lại.” Chẳng bao lâu sau họ được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Salt Lake và cuối cùng được ban phước với tám đứa con.
Năm 1954, gia đình Shumway trở lại Wyoming, nơi mà Anh Shumway đã làm việc 32 năm trong chức vụ Giám Đốc Sở Giáo Dục Tiểu Bang của Người Khiếm Thính và Khiếm Thị. Trong thời gian đó, anh đã phục vụ bảy năm với tư cách là giám trợ của Tiểu Giáo Khu First Cheyenne, và về sau, 17 năm với tư cách là tộc trưởng giáo khu. Sau khi nghỉ hưu, Anh Chị Shumway cũng đã phục vụ với tư cách là cặp vợ chồng cao niên trong Phái Bộ Truyền Giáo London England South.
Hyrum Shumway qua đời vào tháng Ba năm 2011, để lại một di sản đức tin và tin cậy nơi Chúa, cho dù trong những hoàn cảnh thử thách, cho hậu thế đông đúc con, cháu và chắt của anh.1
Cuộc đời của Hyrum Shumway có thể đã bị thay đổi bởi chiến tranh, nhưng anh không bao giờ nghi ngờ thiên tính và tiềm năng vĩnh cửu của mình. Giống như anh, chúng ta là các con trai và con gái linh hồn của Thượng Đế, và chúng ta đã “chấp nhận kế hoạch của Ngài mà qua đó [chúng ta] có thể nhận được một thể xác và đạt được kinh nghiệm trần thế để tiến triển đến sự toàn hảo và cuối cùng ý thức được số mệnh thiêng liêng của mình với tư cách là một người thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.”2 Không có số lượng thay đổi, thử thách, hoặc chống đối nào có thể làm thay đổi hướng đi vĩnh cửu—mà chỉ là những lựa chọn của chúng ta, khi chúng ta thực hành quyền tự quyết của mình.
Những thay đổi, và những thử thách từ đó mang đến, mà chúng ta gặp phải trên trần thế là muôn hình vạn trạng và ảnh hưởng mỗi người chúng ta theo một cách riêng. Giống như các anh chị em, tôi đã chứng kiến những bạn bè và gia đình đối phó với những thử thách gây ra bởi:
-
Cái chết của một người thân.
-
Một cuộc ly dị đầy đắng cay.
-
Có lẽ chưa bao giờ có cơ hội kết hôn.
-
Một căn bệnh nặng hoặc thương tích nghiêm trọng.
-
Và thậm chí cả thiên tai, như chúng ta mới vừa chứng kiến trên khắp thế giới.
Và còn nhiều nữa. Mặc dù mỗi “sự thay đổi” có thể là độc nhất vô nhị đối với hoàn cảnh cá nhân của chúng ta, nhưng những gian nan và thử thách từ đó mà đến đều có một yếu tố chung—hy vọng và sự bình an luôn có sẵn qua sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cung cấp các biện pháp tột bậc để sửa chữa và chữa lành cho mọi thể xác bị tổn thương, tâm hồn bị tổn hại, và tấm lòng đau khổ.
Ngài biết, theo cách mà không một ai khác có thể hiểu được, điều gì cá nhân chúng ta cần để tiến bước giữa những sự thay đổi. Không giống như bạn bè và các thân nhân, Đấng Cứu Rỗi không chỉ thông cảm với chúng ta, mà Ngài còn có thể thấu cảm trọn vẹn, vì Ngài đã từng trải qua điều chúng ta đang trải qua. Ngoài ra, để trả cái giá và chịu đau khổ cho tội lỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô còn đi trên mọi con đường, đối phó với mọi thử thách, đối diện với mọi tổn thương—về mặt thể xác, tình cảm hoặc tinh thần—mà chúng ta sẽ luôn luôn gặp phải trên trần thế.
Chủ Tịch Boyd K. Packer đã dạy: “Lòng thương xót và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ giới hạn cho những người phạm tội … , mà còn bao gồm lời hứa về sự bình an trường cửu cho tất cả những người chịu chấp nhận và tuân theo Ngài. … Lòng thương xót của Ngài là sự chữa lành phi thường, thậm chí cho cả nạn nhân vô tội bị tổn thương.”3
Trong kinh nghiệm trần thế này, chúng ta không thể kiểm soát tất cả những gì xảy ra cho mình, nhưng chúng ta có quyền kiểm soát tuyệt đối cách chúng ta phản ứng đối với những thay đổi trong cuộc sống của mình. Điều này không ngụ ý rằng những thử thách và gian nan mà chúng ta trải qua là không có hậu quả và dễ dàng giải quyết hoặc đối phó. Điều này không ngụ ý rằng chúng ta sẽ không còn đau đớn hay đau lòng nữa. Nhưng điều này quả thật có nghĩa là có lý do để hy vọng và vì Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể tiến bước và tìm thấy những ngày tốt lành hơn—chính là những ngày đầy niềm vui, ánh sáng và hạnh phúc.
Chúng ta đọc trong sách Mô Si A câu chuyện về An Ma, thầy tư tế cũ của Vua Nô Ê, và dân của ông, là những người đã “được Chúa báo trước cho biết … [,] để ra đi vào vùng hoang dã trước khi quân của vua Nô Ê đến.” Sau tám ngày, “họ đến được một vùng đất … rất đẹp và đáng yêu” nơi mà “họ dựng lều, rồi bắt đầu cày cấy đất đai, và bắt đầu xây dựng nhà cửa.”4
Tình huống của họ trông đầy hứa hẹn. Họ đã chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ đã chịu phép báp têm là một giao ước rằng họ sẽ phục vụ Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Và “họ gia tăng dân số và phát đạt vô cùng trong xứ.”5
Tuy nhiên, hoàn cảnh của họ sẽ sớm thay đổi. “Một đạo binh của dân La Man đã xâm nhập biên thùy của xứ họ.”6 Chẳng bao lâu, An Ma và dân của ông bị bắt vào vòng nô lệ, và “những nỗi thống khổ của họ thật quá lớn lao đến đỗi họ phải kêu cầu thống thiết với Thượng Đế.” Ngoài ra, những người bắt giam họ còn ra lệnh cho họ phải ngừng cầu nguyện, nếu không, “hễ thấy ai kêu cầu Thượng Đế thì đem xử tử.”7 An Ma và dân của ông ta đã không làm điều gì để lâm vào tình trạng mới này của họ. Họ sẽ phản ứng như thế nào?
Thay vì đổ lỗi cho Thượng Đế, họ trở về cùng Ngài và “chỉ biết dâng hết lòng mình lên Ngài.” Đáp lại đức tin và lời cầu nguyện âm thầm của họ, Chúa đã phán: “Hãy vui vẻ, … ta cũng sẽ … làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình.” Chẳng bao lâu sau đó, “Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn.”8 Mặc dù chưa được giải thoát ra khỏi vòng nô lệ, nhưng bằng cách trở về cùng Chúa, chứ không phải rời xa Chúa, họ đã được ban phước theo nhu cầu của họ và theo sự thông sáng của Chúa.
Anh Cả Dallin H. Oaks đã dạy: “Các phước lành của sự chữa lành đến trong nhiều cách thức, mỗi cách thức thích hợp với nhu cầu cá nhân của chúng ta, dựa theo sự hiểu biết của Ngài là Đấng yêu thương chúng ta nhiều nhất. Đôi khi một ‘sự chữa lành’ chữa lành bệnh chúng ta hoặc làm nhẹ gánh chúng ta. Nhưng đôi khi chúng ta ‘được chữa lành’ bằng cách được ban cho sức mạnh hoặc sự hiểu biết, hay sự nhẫn nại để có thể mang những gánh nặng đặt trên vai chúng ta.”9
Cuối cùng, nhờ vào “đức tin và lòng kiên nhẫn của họ quá lớn lao,” đến đỗi An Ma và dân của ông đã được Chúa giải thoát, chúng ta cũng sẽ được như vậy, “họ đã dâng lời tạ ơn,” “vì họ ở trong cảnh nô lệ và chẳng một ai có thể giải thoát được cho họ ngoại trừ Chúa, Thượng Đế của họ.”10
Buồn thay, trớ trêu là, những người hoạn nạn nhất lại rất thường quay lưng lại với nguồn giúp đỡ hoàn hảo của họ—Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Một câu chuyện quen thuộc trong thánh thư về con rắn bằng đồng dạy chúng ta rằng chúng ta có một sự lựa chọn khi gặp thử thách. Sau khi nhiều con cái của Y Sơ Ra Ên bị “những con rắn lửa bay xuống”11 cắn, thì “một biểu tượng đã được treo lên … để cho bất cứ ai nhìn lên đó thì được sống. [Nhưng đó là một điều lựa chọn.] Và đã có nhiều người nhìn và được sống.
“… Nhưng có nhiều người lại còn quá chai đá khiến họ không chịu nhìn, vì thế mà họ đã chết.”12
Giống như những người Y Sơ Ra Ên thời xưa, chúng ta cũng được mời gọi và khuyến khích để nhìn vào Đấng Cứu Rỗi và sống—vì ách của Ngài dễ dàng và gánh của Ngài nhẹ nhàng, cho dù ách và gánh của chúng ta có thể nặng nề.
An Ma Con đã dạy lẽ thật thiêng liêng này khi ông nói: “Cha biết rằng, kẻ nào tin cậy nơi Thượng Đế thì sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, trong những khó khăn và những thống khổ của mình, và sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng.”13
Trong những ngày sau cùng này, Chúa đã cung cấp cho chúng ta vô số phương tiện, “những con rắn bằng đồng” của chúng ta, mà tất cả đều được thiết kế để giúp chúng ta nhìn vào Đấng Ky Tô và đặt sự tin cậy của chúng ta nơi Ngài. Việc đối phó với những thử thách của cuộc sống không phải là bỏ qua thực tế mà thay vì thế là nơi mà chúng ta chọn tập trung và là nền tảng mà trên đó chúng ta chọn xây đắp.
Những phương tiện này gồm có nhưng không giới hạn:
-
Thường xuyên học thánh thư và những lời dạy của các vị tiên tri tại thế.
-
Thường xuyên chân thành cầu nguyện và nhịn ăn.
-
Dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng.
-
Thường xuyên tham dự đền thờ.
-
Các phước lành chức tư tế.
-
Nhận lời tư vấn khôn ngoan qua các chuyên gia được huấn luyện.
-
Và ngay cả thuốc men, khi được kê toa và sử dụng thích hợp như đã được cho phép.
Bất chấp sự thay đổi nào trong hoàn cảnh sống có thể xảy đến với chúng ta, và bất chấp con đường bất ngờ nào chúng ta có thể phải đi, thì cách chúng ta phản ứng là một sự lựa chọn. Việc trở về cùng Đấng Cứu Rỗi và nắm lấy cánh tay dang rộng của Ngài luôn là cách lựa chọn tốt nhất của chúng ta.
Anh Cả Richard G. Scott đã dạy về lẽ thật vĩnh cửu này: “Hạnh phúc vĩnh cửu đích thực đi kèm theo là sức mạnh, lòng dũng cảm, và khả năng để khắc phục những gian nan khó khăn nhất đến từ một cuộc sống tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. … Kết quả không bảo đảm sẽ đến trong một sớm một chiều, nhưng có một sự bảo đảm tuyệt đối rằng, trong kỳ định của Chúa, những giải pháp sẽ đến, sự bình an sẽ chiếm ưu thế, và tấm lòng trống trải sẽ được tràn đầy hạnh phúc.”14
Tôi chia sẻ lời chứng của tôi về các lẽ thật này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.