Hãy Đến Mà Theo Ta
Phụ Lục C: Ba Nhân Chứng


“Phụ Lục C: Ba Nhân Chứng” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Phụ Lục C,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Phụ Lục C

Ba Nhân Chứng

Trong hơn năm năm—kể từ lần đầu tiên thiên sứ Mô Rô Ni đến thăm Joseph Smith cho đến năm 1829—Joseph là người duy nhất được phép nhìn thấy các bảng khắc bằng vàng. Điều này đưa đến sự chỉ trích nặng nề và ngược đãi từ những kẻ tin rằng ông đang lừa dối mọi người. Vì vậy hãy tưởng tượng ra niềm vui mà Joseph đã cảm thấy trong khi ông phiên dịch Sách Mặc Môn, vào lúc mà ông biết được rằng Chúa sẽ cho phép những người khác thấy các bảng khắc và rằng họ cũng sẽ “làm chứng cho lẽ thật của cuốn sách và những điều chứa đựng trong sách” (2 Nê Phi 27:12–14; xin xem thêm 2 Nê Phi 11:3; Ê The 5:2–4).

Vào tháng Sáu năm 1829, Olivery Cowdery, David Whitmer, và Martin Harris khẩn xin để được phép trở thành ba nhân chứng mà Sách Mặc Môn đã tiên đoán. Chúa đã ban cho họ theo mong muốn của họ (xin xem GLGƯ 17) và cử một vị thiên sứ xuống cho họ thấy các bảng khắc. Ba người này trở thành Ba Nhân Chứng, và chứng ngôn họ viết ra được gồm vào mỗi quyển Sách Mặc Môn.1

Chủ Tịch Dallin H. Oaks giải thích lý do tại sao chứng ngôn của Ba Nhân Chứng lại có tính thuyết phục: “Chứng ngôn của Ba Nhân Chứng về Sách Mặc Môn đứng vững với sức mạnh to lớn. Mỗi người họ có nhiều lý do và cơ hội để từ bỏ lời chứng của mình nếu nó không đúng, hoặc nói mập mờ về chi tiết nếu chúng không chính xác. Như đã được biết, vì những bất đồng hay ghen tức liên quan đến các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội, cả ba nhân chứng đều bị khai trừ khỏi Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô khoảng tám năm sau khi chứng ngôn của họ được xuất bản. Cả ba người đều đi theo những con đường khác nhau, không hề quan tâm đến việc thông đồng với nhau. Nhưng cho đến cuối đời họ—khoảng thời gian từ 12 đến 50 năm sau khi họ bị khai trừ—không một ai thay đổi chứng ngôn đã được công bố của họ hay nói những điều làm giảm đi tính trung thực của nó.”2

Cho đến cuối đời họ, Ba Nhân Chứng vẫn kiên định trung thành với chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn.

Oliver Cowdery

Sau khi được báp têm lại vào Giáo Hội và không lâu trước khi mất, Oliver gặp một người truyền giáo, Anh Cả Jacob Gates, là người đang băng qua vùng Richmond, Missouri trên đường đi phục vụ truyền giáo tại Anh Quốc. Anh Cả Gates đã hỏi Oliver về chứng ngôn của ông về Sách Mặc Môn. Con trai của Anh Cả Gates kể lại phản ứng của Oliver như sau:

“Việc hỏi Oliver về chứng ngôn của ông dường như đã làm ông xúc động sâu sắc. Ông không nói một lời nào, nhưng đứng lên khỏi cái ghế thoải mái của mình, đi lại kệ sách, lấy xuống một quyển Sách Mặc Môn ấn bản đầu tiên, mở ra phần chứng ngôn của Ba Nhân Chứng, và đọc một cách long trọng nhất những lời mà ông đã ký tên vào gần hai mươi năm trước. Quay về phía cha tôi, ông nói: ‘Jacob, tôi muốn anh ghi nhớ điều tôi nói với anh. Tôi sắp chết rồi, vậy có ích lợi gì để tôi nói dối anh?’ Ông nói: ‘Tôi biết rằng quyển Sách Mặc Môn này đã được phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Chính mắt tôi đã thấy, chính tai tôi đã nghe, và sự hiểu biết của tôi được ảnh hưởng, và tôi biết rằng những gì mà tôi đã làm chứng là chân thật. Không có mơ mộng, không có sự tưởng tượng hão huyền nào của tâm trí—chứng ngôn của tôi là có thật.’”3

David Whitmer

Trong những năm cuối đời mình, David Whitmer biết về những tin đồn cho rằng ông đã chối bỏ chứng ngôn của ông về Sách Mặc Môn. Để đáp lại những lời cáo buộc này, David đã tái khẳng định chứng ngôn của ông trong một bức thư được xuất bản trên một tờ báo địa phương, tờ Richmond Conservator:

“Để cả thế giới có thể biết sự thật, giờ đây vào lúc chiều tàn của cuộc đời tôi, và trong nỗi kính sợ Thượng Đế, tôi muốn đưa ra lời tuyên bố công khai này một cách dứt khoát:

“Rằng với tư cách là một trong ba nhân chứng, tôi chưa có lúc nào chối bỏ chứng ngôn đó, hay bất kỳ phần nào trong chứng ngôn đó, mà từ lâu đã được xuất bản cùng với Sách đó. Những ai biết rõ tôi nhất, thì biết chắc rằng tôi vẫn luôn luôn trung thành với chứng ngôn đó. Và để cho không người nào có thể bị lừa dối hoặc nghi ngờ quan điểm của tôi về vấn đề này, một lần nữa tôi khẳng định sự thật của tất cả những tuyên bố của tôi, như đã được đưa ra và xuất bản.

“‘Ai có tai mà nghe, hãy nghe,’ không hề có sự lừa bịp nào! Điều đã viết thì đã được viết rồi—và ai đọc thì hãy hiểu.”4

Martin Harris

Giống như Oliver Cowdery, Martin Harris đã rời bỏ Giáo Hội trong một thời gian nhưng cuối cùng được báp têm lại. Trong những năm sau đó, ông nổi tiếng luôn mang theo một quyển Sách Mặc Môn trong tay và làm chứng về lẽ trung thực của sách đó cho tất cả những ai lắng nghe: “Tôi biết là Sách Mặc Môn hoàn toàn chân thật. Và ngay cả khi tất cả mọi người chối bỏ lẽ thật của quyển sách đó, thì tôi cũng không dám làm vậy. Lòng tôi vững chắc. Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững chắc! Tôi không thể nào biết một cách chân thật và chắc chắn hơn vậy nữa.”5

George Godfrey, một người quen của Martin, đã viết rằng: “Một vài giờ trước khi ông qua đời … tôi đã hỏi [Martin] liệu ông có cảm thấy một chút nào gian lận và dối trá trong những điều đã được viết ra và kể về sự ra đời của Sách Mặc Môn không, và ông đã trả lời giống như ông luôn làm … và nói rằng: ‘Sách Mặc Môn không có gì bịa đặt cả. Tôi quả thật biết điều tôi được biết. Tôi đã thấy điều tôi được thấy và tôi đã nghe điều tôi được nghe. Tôi đã thấy các bảng khắc bằng vàng mà Sách Mặc Môn được viết ra từ đó. Một thiên sứ đã hiện đến với tôi và những người khác và làm chứng về lẽ trung thực của biên sử này, và nếu tôi mà sẵn sàng khai man và làm chứng dối chống lại chứng ngôn tôi đưa ra bây giờ thì tôi đã trở nên giàu có rồi, nhưng tôi không thể nào làm chứng khác với điều tôi đã nói và đang nói vì những điều này là thật.’”6

“Bởi Miệng Những Nhân Chứng mà Ngài Thấy Thích Hợp”

Chứng ngôn của Ba Nhân Chứng đặc biệt ấn tượng khi tính đến những kinh nghiệm của họ khi còn tích cực lẫn lúc ra khỏi Giáo Hội.7 Trải qua tất cả, Oliver, David, và Martin chưa bao giờ ngừng làm chứng về kinh nghiệm họ đã trải qua và chia sẻ chứng ngôn rằng Sách Mặc Môn đã được phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Và họ không phải là những người duy nhất.

Trong thời xưa, Nê Phi đã tuyên bố: “Đức Chúa Trời sẽ tiến hành phổ biến những lời của cuốn sách. Ngài sẽ lập những lời nói của Ngài bởi miệng những nhân chứng mà Ngài thấy thích hợp” (2 Nê Phi 27:14). Ngoài Tiên Tri Joseph Smith và Ba Nhân Chứng, Chúa cũng đã chọn ra tám nhân chứng khác để cho xem các bảng khắc. Chứng ngôn của họ cũng được đưa vào mọi quyển Sách Mặc Môn. Giống như Oliver, David, và Martin, Tám Nhân Chứng vẫn trung thành với chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn và việc họ chứng kiến các bảng khắc bằng vàng.

William E. McLellin là một trong những người cải đạo đầu tiên theo Giáo Hội mà quen biết riêng với nhiều nhân chứng của Sách Mặc Môn. Cuối cùng William đã rời bỏ Giáo Hội, nhưng ông tiếp tục được ảnh hưởng sâu sắc bởi những chứng ngôn đầy thuyết phục mà ông đã nghe từ các nhân chứng.

McLellin đã viết vào cuối đời ông: “Giờ thì tôi xin hỏi, làm sao tôi có thể nghi ngờ nhóm những nhân chứng trung tín này khi họ đã đưa ra một chứng ngôn rất lý trí và cũng thật long trọng như vậy? Những người đàn ông này trong những năm xuân xanh của cuộc đời, đã trông thấy một khải tượng về vị thiên sứ, và đưa ra lời chứng của họ cho tất cả mọi người. Và tám người đã thấy những bảng khắc, và cầm chúng trong tay. Do đó tất cả những người này biết những điều họ đã tuyên bố là vô cùng chân thật. Cũng như điều họ đã nói khi còn trẻ, giờ đây lúc về già họ cũng tuyên bố cùng những điều y hệt.”8

Mặc dù chúng ta không thấy các bảng khắc bằng vàng giống như Ba Nhân Chứng, chúng ta có thể có được sức mạnh từ những chứng ngôn của họ. Mặc dù thanh danh của họ bị thách thức và sự an toàn cùng cả mạng sống của họ bị đe dọa bởi vì chứng ngôn của họ, những người liêm chính này đã dũng cảm trung thành với lời chứng của mình cho đến phút cuối cùng.

  1. Hãy đọc về kinh nghiệm của họ trong Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, Tập 1, Cờ Hiệu về Lẽ Thật, 1815–1846 (năm 2018), trang 73–75.

  2. Dallin H. Oaks, “The Witness: Martin Harris,” Ensign, tháng Năm năm 1999, trang 36.

  3. Jacob F. Gates, “Testimony of Jacob Gates,” Improvement Era, tháng Ba năm 1912, trang 418–419.

  4. Trong sách do Lyndon W. Cook biên soạn, David Whitmer Interviews: A Restoration Witness (năm 1991), trang 79.

  5. Trong sách của Mitchell K. Schaefer, “The Testimony of Men: William E. McLellin and the Book of Mormon Witnesses,” BYU Studies, tập 50, số 1 (năm 2011), trang 108; cách viết hoa đã được tiêu chuẩn hóa.

  6. George Godfrey, “Testimony of Martin Harris” (bản thảo chưa xuất bản), được trích từ Eldin Ricks, The Case of the Book of Mormon Witnesses (năm 1961), trang 65–66.

  7. Ví dụ, xin xem Các Thánh Hữu, 1:182–183.

  8. Trong Schaefer, “Testimony of Men,” trang 110.

In