“Ngày 21–27 tháng Ba. Xuất Ê Díp Tô Ký 1–6: ‘Ta Nhớ Lại Sự Giao Ước của Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 21–27 tháng Ba. Xuất Ê Díp Tô Ký 1–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022
Ngày 21–27 tháng Ba
Xuất Ê Díp Tô Ký 1–6
“Ta Nhớ Lại Sự Giao Ước của Ta”
Hãy bắt đầu việc học của anh chị em với một lời cầu nguyện, và xin sự giúp đỡ để tìm thấy những sứ điệp trong Xuất Ê Díp Tô Ký 1–6 mà liên quan đến cuộc sống và sự phục vụ của anh chị em trong vương quốc của Thượng Đế.
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Lời mời để sống tại Ai Cập đúng là đã cứu gia đình Gia Cốp. Nhưng sau hàng trăm năm, dòng dõi của họ bị bắt làm nô lệ và bị áp bức bởi một vị pha ra ôn mới “chẳng quen biết Giô Sép” (Xuất Ê Díp Tô Ký 1:8). Một cách tự nhiên, dân Y Sơ Ra Ên có lẽ đã tự hỏi tại sao Thượng Đế cho phép việc này xảy đến với họ, dân giao ước của Ngài. Ngài có nhớ đến giao ước mà Ngài đã lập với họ không? Họ vẫn là dân của Ngài chứ? Ngài có thấy họ đang chịu khổ sở đến mức nào không?
Có thể có đôi lần anh chị em đã cảm thấy như đang đặt ra những câu hỏi tương tự. Anh chị em có thể băn khoăn là Thượng Đế có biết điều mình đang trải qua không? Ngài có thể nghe được lời nài xin giúp đỡ của mình không? Câu chuyện trong Xuất Ê Díp Tô Ký về sự giải thoát dân Y Sơ Ra Ên ra khỏi Ai Cập trả lời những câu hỏi đó rất rõ ràng: Thượng Đế quả thật không quên dân Ngài. Ngài nhớ các giao ước đã lập với chúng ta và sẽ thực hiện chúng theo kỳ định và cách thức của riêng Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:68). Ngài tuyên bố rằng “Ta sẽ giơ thẳng tay ra … chuộc các ngươi. Ta là Giê Hô Va và Đức Chúa Trời của các ngươi, đã rút các ngươi khỏi gánh nặng của [các ngươi]” (Xuất Ê Díp Tô Ký 6:6–7).
Để có được thông tin khái quát về sách Xuất Ê Díp Tô Ký, xin xem “Xuất Ê Díp Tô Ký” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Giải Cứu của tôi.
Một trong những chủ đề chính của sách Xuất Ê Díp Tô Ký là Thượng Đế có quyền năng để giải thoát dân Ngài khỏi sự áp bức. Cảnh nô lệ của dân Y Sơ Ra Ên như được mô tả trong Xuất Ê Díp Tô Ký 1 có thể được xem là một biểu tượng cho sự tù đày mà tất cả chúng ta đều đối mặt bởi vì tội lỗi và cái chết (xin xem 2 Nê Phi 2:26–27; 9:10; An Ma 36:28). Và Môi Se, người giải cứu dân Y Sơ Ra Ên, có thể được xem là một kiểu mẫu, hoặc đại diện cho Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:18–19; 1 Nê Phi 22:20–21). Hãy đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 1-2 với những sự so sánh đó trong tâm trí. Anh chị em có thể lưu ý rằng, ví dụ như, cả Môi Se và Chúa Giê Su đều được bảo vệ khỏi cái chết khi còn nhỏ (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 1:22–2:10; Ma Thi Ơ 2:13–16) và rằng cả hai đã ở trong vùng hoang dã trước khi bắt đầu giáo vụ của họ (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 2:15–22; Ma Thi Ơ 4:1–2). Anh chị em học được từ Xuất Ê Díp Tô Ký những hiểu biết sâu sắc nào khác về sự cầm tù thuộc linh? về sự giải cứu của Đấng Cứu Rỗi?
Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Sự Cứu Chuộc,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 109–112.
Thượng Đế ban quyền năng cho những ai mà Ngài kêu gọi làm công việc của Ngài.
Ngày nay chúng ta biết Môi Se là một vị tiên tri và nhà lãnh đạo vĩ đại. Nhưng Môi Se không nhìn nhận bản thân mình theo cách đó khi Chúa lần đầu tiên kêu gọi ông. “Tôi là ai,” Môi Se băn khoăn, “[mà] dám đi đến Pha Ra Ôn?” (Xuất Ê Díp Tô Ký 3:11). Tuy nhiên, Chúa đã biết Môi Se thật sự là ai—và ông có thể trở thành người như thế nào. Trong khi anh chị em đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 3–4, hãy lưu ý cách Chúa trấn an Môi Se và giải đáp cho những lo lắng của ông. Anh chị em tìm thấy điều gì trong những chương này mà có thể soi dẫn cho mình khi cảm thấy không đủ khả năng? Chúa ban phước cho các tôi tớ của Ngài với quyền năng gia tăng để thực hiện ý muốn của Ngài như thế nào? (xin xem Môi Se 1:1–10, 24–39; 6:31–39, 47). Có khi nào anh chị em đã thấy Thượng Đế làm công việc của Ngài qua mình hoặc những người khác không?
Để biết thêm về cuộc đời và giáo vụ của Môi Se, xin xem “Môi Se” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.
Các mục đích của Chúa sẽ được thực hiện vào kỳ định riêng của Ngài.
Mặc dù Môi Se đã dũng cảm đi đến trước mặt Pha Ra Ôn, y theo Chúa truyền lệnh, và nói ông ta thả cho dân Y Sơ Ra Ên đi, nhưng Pha Ra Ôn đã từ chối. Thật ra, ông ta còn khiến cho cuộc sống của dân Y Sơ Ra Ên cực nhọc hơn. Môi Se và dân Y Sơ Ra Ên có lẽ đã băn khoăn tại sao mọi việc lại không suôn sẻ thậm chí khi Môi Se đang làm điều mà Thượng Đế đã yêu cầu ông (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 5:22–23).
Anh chị em có bao giờ cảm thấy mình đang làm theo ý muốn của Thượng Đế nhưng không có được thành công mà mình mong đợi không? Hãy đọc lại Xuất Ê Díp Tô Ký 6:1–8, tìm kiếm điều Chúa đã phán để giúp Môi Se bền chí. Chúa đã giúp anh chị em kiên trì làm theo ý muốn của Ngài như thế nào?
Đức Giê Hô Va là ai?
Đức Giê Hô Va là một trong những danh xưng của Chúa Giê Su Ky Tô và ý nói đến Đấng Cứu Rỗi tiền dương thế. Bản Dịch Joseph Smith minh giải rằng các vị tiên tri Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp đã biết được danh xưng này của Chúa. Thường thì khi cụm từ “Đức Chúa Trời” xuất hiện trong Kinh Cựu Ước đều muốn nói đến Đức Giê Hô Va. Trong Xuất Ê Díp Tô Ký 3:13–15, danh xưng “Đấng Hằng Hữu” cũng mang ý nói đến Đức Giê Hô Va (xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 38:1; 39:1).
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 1–2.Một vài người phụ nữ đã đóng vai trò thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế để dựng lên một người giải cứu cho dân Y Sơ Ra Ên. Cùng với cả gia đình, anh chị em có thể đọc về những bà mụ Siếp Ra và Phu A (Xuất Ê Díp Tô Ký 1:15–20); mẹ của Môi Se là Giô Kê Bết, và chị của ông là Mi Ri Am (Xuất Ê Díp Tô Ký 2:2–9; Dân Số Ký 26:59); con gái của Pha Ra Ôn (Xuất Ê Díp Tô Ký 2:5–6, 10); và vợ của Môi Se là Sê Phô Ra (Xuất Ê Díp Tô Ký 2:16–21). Những người phụ nữ này đã xúc tiến kế hoạch của Thượng Đế như thế nào? Kinh nghiệm của họ nhắc chúng ta về sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Anh chị em cũng có thể thu thập hình ảnh của những người họ hàng và tổ tiên là nữ giới và chia sẻ các câu chuyện về họ. Chúng ta đã được phước ra sao nhờ những phụ nữ ngay chính? Sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ” (Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 95–98) có thể bổ sung cho cuộc thảo luận của anh chị em.
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 3:1–6.Khi Môi Se đến gần bụi gai đang cháy, Chúa đã phán bảo ông cởi giày mình ra như một dấu hiệu tôn kính. Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ lòng tôn kính đối với những nơi thiêng liêng? Ví dụ như: chúng ta có thể làm gì để nhà của chúng ta trở thành một nơi thiêng liêng cho Thánh Linh của Chúa có thể ngự? Chúng ta có thể làm gì để cho thấy lòng tôn kính ở những nơi thiêng liêng khác?
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 4:1–9.Chúa đã ban cho Môi Se quyền năng thực hiện ba phép lạ làm dấu cho con cái của Y Sơ Ra Ên thấy rằng Ngài đã sai Môi Se đến. Những dấu này dạy cho chúng ta điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 5:2.“Biết” Chúa có nghĩa là gì đối với chúng ta? Làm thế nào để chúng ta tiến đến việc biết Ngài? (để có ví dụ, xin xem An Ma 22:15–18). Mối quan hệ của chúng ta với Ngài ảnh hưởng đến ước muốn vâng theo Ngài như thế nào? (xin xem thêm Giăng 17:3; Mô Si A 5:13).
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.