Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 7–13 tháng Ba. Sáng Thế Ký 37–41: “Giô Sép Được Đức Giê Hô Va Phù Hộ”


“Ngày 7–13 tháng Ba. Sáng Thế Ký 37–41: ‘Giô Sép Được Đức Giê Hô Va Phù Hộ,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 7–13 tháng Ba. Sáng Thế Ký 37–41,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Giô Sép ở Ai Cập trong tù

Hình minh họa Giô Sép ở Ai Cập đang trong tù, do Jeff Ward thực hiện

Ngày 7–13 tháng Ba

Sáng Thế Ký 37–41

“Giô Sép Được Đức Giê Hô Va Phù Hộ”

Khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 37–41, hãy cầu xin Đức Thánh Linh giúp anh chị em thấy cách mà các đoạn thánh thư áp dụng vào cuộc sống của mình. Hãy ghi lại bất cứ sự hiểu biết sâu sắc nào anh chị em nhận được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Đôi khi những điều xấu xảy ra cho những người tốt. Cuộc sống dạy chúng ta bài học đó rất rõ, và cuộc đời của Giô Sép, con trai Gia Cốp cũng vậy. Ông là người thừa hưởng giao ước mà Thượng Đế đã lập với ông cha mình, nhưng ông bị các anh mình ganh ghét và bán làm nô lệ. Ông cương quyết giữ vững sự liêm chính của mình khi vợ của Phô Ti Pha cám dỗ ông và vì thế bị bắt vào tù. Dường như ông càng trung tín thì càng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng mọi nghịch cảnh này không phải là dấu hiệu cho thấy Thượng Đế không chấp nhận ông. Thật ra, qua tất cả mọi chuyện, “[ông] được Đức Giê Hô Va phù hộ” (Sáng Thế Ký 39:3). Cuộc đời của Giô Sép là một sự biểu lộ cho lẽ thật quan trọng này: Thượng Đế sẽ không bỏ rơi chúng ta. “Việc noi theo Đấng Cứu Rỗi sẽ không cất bỏ tất cả những thử thách của anh chị em,” Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy. “Tuy nhiên, việc noi theo Đấng Cứu Rỗi sẽ cất bỏ những rào chắn giữa anh chị em và sự giúp đỡ mà Cha Thiên Thượng muốn ban cho anh chị em. Thượng Đế sẽ ở cùng với anh chị em” (“Khao Khát được Trở Về Nhà,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 22).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Sáng Thế Ký 37:1–28; 39; 41:9–45

“Giô Sép Được Đức Giê Hô Va Phù Hộ” trong nghịch cảnh của mình.

Hết lần này đến lần khác, vận may dường như từ bỏ Giô Sép, nhưng Chúa thì không bao giờ làm vậy. Khi anh chị em đọc câu chuyện của Giô Sép, hãy suy ngẫm các câu hỏi như sau: Giô Sép đã làm gì để ở gần với Chúa trong những thời gian thử thách của ông? Chúa đã “phù hộ” ông như thế nào? (Sáng Thế Ký 39:2–3, 21, 23).

Anh chị em cũng có thể đặt ra những câu hỏi tương tự về cuộc đời của mình. Anh chị em có được những bằng chứng nào cho thấy Chúa không bỏ mặc anh chị em trong những gian nan của mình? Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình với những người trong gia đình và các thế hệ tương lai (xin xem 1 Nê Phi 5:14). Anh chị em có thể làm gì bây giờ để chuẩn bị cho bản thân vẫn trung tín khi đối mặt với các thử thách trong tương lai?

Xin xem thêm Giăng 14:18; Rô Ma 8:28; An Ma 36:3; Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8; D. Todd Christofferson, “Niềm Vui của Các Thánh Đồ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 15–18.

Sáng Thế Ký 37:5–11; 40; 41:1–38

Nếu tôi trung tín, thì Chúa sẽ chỉ lối và soi dẫn tôi.

Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Những điều mặc khải được truyền ban trong nhiều cách khác nhau, ví dụ như giấc mơ, khải tượng, cuộc trò chuyện với các thiên sứ và sự soi dẫn” (“Tinh Thần Mặc Khải,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 88). Chúa sử dụng các giấc mơ để mặc khải lẽ thật cho Giô Sép, cho quan tửu chánh (người dâng rượu) và quan thượng thiện (người làm bánh) của Pha Ra Ôn, và cho chính nhà vua. Chúa cũng mặc khải cho Giô Sép cách để giải thích những giấc mơ này. Anh chị em có thể học được điều gì từ Sáng Thế Ký 37:5–11; 40:5–8; 41:14–25, 37–38 về việc nhận được và hiểu được sự mặc khải từ Chúa? Ví dụ như, anh chị em có thể học được điều gì từ tấm gương của Giô Sép khi sự mặc khải dường như khó mà hiểu được? (xin xem Sáng Thế Ký 40:8; 41:16).

Giô Sép ở trong tù đang giải nghĩa các giấc mơ

Joseph Interpreting the Butler and Baker’s Dreams (Giô Sép Giải Thích Các Giấc Mơ của Quan Tửu Chánh và Quan Thượng Thiện), tranh do François Gérard họa

Hãy suy ngẫm cách mà Chúa đang mặc khải ý muốn của Ngài cho anh chị em. Anh chị em đang làm gì để hành động theo sự mặc khải mà Chúa ban cho mình? Anh chị em đang tìm kiếm thêm sự hướng dẫn từ Ngài bằng cách nào?

Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 93–96; Michelle Craig, “Khả Năng Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 19–21.

Sáng Thế Ký 38; 39:7–20

Với sự giúp đỡ của Chúa, tôi có thể thoát khỏi sự cám dỗ.

Khi anh chị em bị cám dỗ, tấm gương của Giô Sép có thể cho anh chị em sự khích lệ và sức mạnh. Trong khi đọc về kinh nghiệm của ông ấy trong Sáng Thế Ký 39, hãy lưu ý những điều Giô Sép đã làm để chống lại cám dỗ. Ví dụ như:

  • Ông “từ chối” lời gạ gẫm từ vợ của Phô Ti Pha (câu 8).

  • Ông nhận ra rằng tội lỗi sẽ xúc phạm Thượng Đế và những người khác (các câu 8–9).

  • Ông “chẳng khấng nghe” theo cám dỗ, mặc dù nó tiếp diễn “thường ngày” (câu 10).

  • Ông “tuột áo để lại … chạy trốn ra ngoài” (câu 12).

Với tấm gương của Giô Sép trong tâm trí, hãy nghĩ đến việc lập một kế hoạch để tránh khỏi và chống lại cám dỗ. Ví dụ như, anh chị em có thể nghĩ về một cám dỗ mình phải đối mặt, viết xuống các tình huống để tránh đi, và lập một kế hoạch để dựa vào Cha Thiên Thượng khi cám dỗ xuất hiện (xin xem 2 Nê Phi 4:18, 27–33).

Cám dỗ:

Những tình huống cần tránh:

Kế hoạch để phản ứng:

Câu chuyện này về sức mạnh của Giô Sép khi đối mặt với cám dỗ được kể lại sau một câu chuyện rất khác về anh trai Giu Đa của ông, ở trong Sáng Thế Ký 38. Các chương 37, 38, và 39, cùng với nhau dạy cho anh chị em điều gì về luật trinh khiết?

Xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 10:13; 1 Nê Phi 15:23–24; 3 Nê Phi 18:17–18.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Sáng Thế Ký 37.Nếu anh chị em là một trong các anh của Giô Sép, thì anh chị em có thể làm điều gì để thói ganh tỵ không làm suy yếu mối quan hệ với em mình? Làm thế nào điều đó giúp chúng ta “lấy lời tử tế nói” với nhau? (câu 4).

Sáng Thế Ký 39. Trong khi thảo luận về những thử thách của Giô Sép trong nhà của Phô Ti Pha, anh chị em có thể hỏi những người trong gia đình là họ sẽ chia sẻ lời khuyên nào cho Giô Sép khi ông đối mặt với thử thách của mình.

Sáng Thế Ký 39:7–12.Việc đọc các câu này có thể mang lại một cơ hội để thảo luận luật trinh khiết với gia đình anh chị em. Sau đây là một số tài liệu mà có thể giúp cuộc thảo luận này: Gia Cốp 2:28; An Ma 39:3–9; “Sự Trong Sạch về Mặt Tình Dục” (trong Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ [năm 2011], trang 35–37).

Sáng Thế Ký 41:15–57.Chúng ta học được điều gì từ các câu này về cách Chúa ban phước cho người dân Ai Cập qua Giô Sép? Chúng ta có thể học được điều gì về việc chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp trong tương lai? Hãy thảo luận điều anh chị em có thể làm để chuẩn bị tốt hơn cùng gia đình mình.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi trang 12.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy áp dụng thánh thư vào cuộc sống của anh chị em. Khi anh chị em đọc, hãy suy ngẫm cách mà những câu chuyện và những lời giảng dạy trong thánh thư áp dụng trong cuộc sống của anh chị em. Ví dụ như, sự trung tín của Giô Sép ở Ai Cập có thể soi dẫn cho anh chị em tiếp tục trung tín với Chúa mặc cho nghịch cảnh như thế nào?

Các anh của Giô Sép lấy đi áo choàng của ông

Hình ảnh minh họa các anh của Giô Sép lấy đi áo choàng của ông, do Sam Lawlor thực hiện