Kinh Cựu Ước năm 2022
Những Điều Cần Ghi Nhớ: “Giê Su Sẽ Phán ‘Về Đi Y Sơ Ra Ên’”


“Những Điều Cần Ghi Nhớ: ‘Giê Su Sẽ Phán “Về Đi Y Sơ Ra Ên,”’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Những Điều Cần Ghi Nhớ: ‘Giê Su Sẽ Phán “Về Đi Y Sơ Ra Ên,”’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

hình biểu tượng ghi nhớ

Những Điều Cần Ghi Nhớ

“Giê Su Sẽ Phán ‘Về Đi Y Sơ Ra Ên’”

Trong hoang mạc Si Nai, Môi Se đã quy tụ con cái của Y Sơ Ra Ên dưới chân một ngọn núi. Ở đó Chúa phán rằng Ngài muốn biến nhóm những nô lệ vừa được tự do này thành một dân tộc hùng mạnh. Ngài phán rằng: “Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho ta” (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:6). Ngài hứa rằng họ sẽ thịnh vượng, ngay cả khi bị bao quanh bởi những kẻ thù lớn mạnh hơn (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:1–14).

Tất cả những chuyện sẽ xảy ra không phải vì dân Y Sơ Ra Ên đông đảo hoặc khỏe mạnh hay tài giỏi. Nó sẽ xảy ra, như Chúa giải thích, “nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta” (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5). Đó là quyền năng của Thượng Đế, không phải quyền năng của họ, mà sẽ làm cho họ hùng mạnh.

Tuy nhiên, dân Y Sơ Ra Ên không phải lúc nào cũng nghe theo tiếng nói của Ngài, và qua thời gian, họ không còn tuân giữ giao ước Ngài. Nhiều người bắt đầu thờ phượng những thần khác và tiếp nhận những tục lệ của các nền văn hóa quanh họ. Họ chối bỏ chính điều đã làm cho họ thành một quốc gia biệt riêng với tất cả những quốc gia khác—đó là mối quan hệ giao ước của họ với Chúa. Không có quyền năng của Thượng Đế bảo vệ (xin xem 2 Các Vua 17:6–7), thì không có gì chặn đứng được những kẻ thù của họ (xin xem 2 Sử Ký 36:12–20).

Sự Phân Tán

Một vài lần từ năm 735 đến 720 TCN, dân A Si Ri xâm chiếm Bắc Vương Quốc Y Sơ Ra Ên, là nơi cư ngụ của mười trên mười hai chi tộc, và bắt giữ hàng ngàn người Y Sơ Ra Ên, mang họ đến những vùng khác nhau trong Đế Quốc A Si Ri (xin xem 2 Các Vua 17:1–7).1 Những người Y Sơ Ra Ên này được biết đến với tên “các chi tộc bị thất lạc,” một phần bởi vì họ bị mang ra khỏi quê hương mình và bị phân tán giữa các quốc gia khác. Nhưng họ cũng bị thất lạc theo một nghĩa sâu xa hơn: qua thời gian, họ đã mất đi ý thức về danh tính của họ với tư cách là dân giao ước của Thượng Đế.

Bởi vì Nam Vương Quốc Giu Đa có những lúc ngay chính hơn Bắc Vương Quốc, nên nó tồn tại lâu hơn.2 Nhưng cuối cùng dân chúng ở đó cũng rời xa Chúa. Người A Si Ri tấn công và chinh phục phần lớn Nam Vương Quốc; chỉ có Giê Ru Sa Lem là được bảo vệ một cách kỳ diệu (xin xem 2 Các Vua 19; Ê Sai 10:12–13). Sau đó, từ năm 597 đến 580 TCN, người Ba By Lôn phá hủy Giê Ru Sa Lem, kể cả đền thờ, bắt nhiều cư dân của thành phố này đi làm phu tù (xin xem 2 Các Vua 24–25; 2 Sử Ký 36; Giê Rê Mi 3952). Khoảng 70 năm sau, một phần còn sót lại của Giu Đa được phép quay trở lại Giê Ru Sa Lem và xây dựng lại đền thờ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ở tại Ba By Lôn.3

Khi nhiều thế hệ qua đi, dân Y Sơ Ra Ên thuộc mọi chi tộc bị “tan tác … như bởi một cơn gió lốc trong khắp các nước mà chúng nó chưa từng biết” (Xa Cha Ri 7:14; xin xem thêm A Mốt 9:8–9). Một số người đã được Chúa dẫn đi đến các vùng đất khác (xin xem 2 Nê Phi 1:1–5; Ôm Ni 1:15–16). Số khác rời khỏi Y Sơ Ra Ên để không bị bắt giữ (xin xem 2 Các Vua 25:22–26; Giê Rê Mi 42:13–19; 43:1–7) hoặc vì những lý do chính trị hay kinh tế.4

Chúng ta gọi những sự kiện này là sự phân tán của Y Sơ Ra Ên. Và việc biết về sự phân tán là thật sự quan trọng vì một vài lý do. Thứ nhất, đây là đề tài chính trong Kinh Cựu Ước: Nhiều vị tiên tri trong Kinh Cựu Ước là nhân chứng cho sự suy đồi thuộc linh dữ dội đã đưa đến sự phân tán của Y Sơ Ra Ên. Họ thấy trước sự phân tán và đã cảnh báo về nó, và một vài người trong số họ thậm chí đã sống qua sự kiện này.5 Đó là thông tin hữu ích cần ghi nhớ khi anh chị em đọc các sách Ê Sai, Giê Rê Mi, A Mốt, và nhiều sách khác trong phần sau của Kinh Cựu Ước. Với bối cảnh này trong tâm trí, khi anh chị em đọc những lời tiên tri của họ về A Sa Ri và Ba By Lôn, sự thờ lạy hình tượng và cảnh giam cầm, sự tan hoang và cuối cùng là sự phục hồi, anh chị em sẽ hiểu được họ đang nói về điều gì.

Việc hiểu được sự phân tán của Y Sơ Ra Ên cũng sẽ giúp anh chị em hiểu Sách Mặc Môn tốt hơn, bởi vì Sách Mặc Môn là một biên sử về một nhánh của Y Sơ Ra Ên bị phân tán (xin xem 1 Nê Phi 15:12). Biên sử này bắt đầu với gia đình Lê Hi chạy trốn khỏi Giê Ru Sa Lem vào khoảng 600 năm TCN, ngay trước khi người Ba By Lôn tấn công. Lê Hi là một trong những vị tiên tri mà đã tiên tri về sự phân tán của Y Sơ Ra Ên.6 Và gia đình ông đã giúp làm ứng nghiệm lời tiên tri đó, khi mang nhánh của họ trong gia tộc Y Sơ Ra Ên đến cư ngụ tại phía bên kia thế giới, tức Châu Mỹ.

dân chúng rời khỏi thành phố đang cháy

The Destruction of Jerusalem by Nebuzar-adan (Sự Phá Hủy Giê Ru Sa Lem bởi Nê Bu Xa Ra Đan), tranh do William Brassey Hole họa, © Providence Collection/licensed từ goodsalt.com

Sự Quy Tụ

Tuy nhiên, sự phân tán của Y Sơ Ra Ên chỉ là một nửa câu chuyện. Chúa không quên dân Ngài, cũng không hoàn toàn bỏ họ, ngay cả khi họ đã chối bỏ Ngài. Nhiều lời tiên tri rằng Y Sơ Ra Ên bị phân tán thường đi kèm với nhiều lời hứa rằng Thượng Đế sẽ quy tụ họ lại vào một ngày nào đó.7

Ngày đó chính là ngày nay—thời của chúng ta. Sự quy tụ đã bắt đầu rồi. Vào năm 1836, hàng ngàn năm sau khi Môi Se quy tụ con cái Y Sơ Ra Ên dưới chân núi Si Nai, Môi Se đã hiện đến trong Đền Thờ Kirtland để trao cho Joseph Smith “những chìa khóa về sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên từ bốn phương trời” (Giáo Lý và Giao Ước 110:11). Giờ đây, dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa này, những chi tộc của Y Sơ Ra Ên đang được quy tụ từ khắp các quốc gia nơi mà những tôi tớ của Chúa có thể đến.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã gọi sự quy tụ này là “[công việc] quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay. Không có điều gì khác so sánh được về tầm cỡ, về tầm quan trọng, hay về sự oai nghiêm của công việc này. Và nếu [anh chị em] chọn, nếu [anh chị em] muốn, thì [anh chị em] có thể là một phần tử quan trọng của sự quy tụ này.”8

Anh chị em làm vậy bằng cách nào? Quy tụ Y Sơ Ra Ên có nghĩa là gì? Có phải nó có nghĩa là khôi phục mười hai chi tộc về với vùng đất nơi họ từng cư ngụ không? Thật ra, nó mang một ý nghĩa lớn lao hơn, vĩnh cửu hơn nhiều. Như Chủ Tịch Nelson đã giải thích:

“Khi nói về sự quy tụ, đơn giản là chúng ta đang nói về lẽ thật [cơ bản] này: mỗi một người con của Cha Thiên Thượng, ở cả hai bên bức màn che, đều xứng đáng được nghe về sứ điệp của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. …

Bất cứ lúc nào [anh chị em] làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai—ở cả hai bên bức màn che—tiến một bước đến việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là [anh chị em] đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Chỉ đơn giản vậy thôi.”9

Việc này xảy ra, theo như Ê Sai đã nói: “từng người một” (Ê Sai 27:12) hoặc, như Giê Rê Mi tiên tri: “mỗi thành một người, mỗi họ hai người” (Giê Rê Mi 3:14).

Việc quy tụ Y Sơ Ra Ên có nghĩa là mang các con cái của Thượng Đế về với Ngài. Nó có nghĩa là khôi phục họ về với mối quan hệ giao ước với Ngài. Nó có nghĩa là tái thiết lập “dân tộc thánh” mà Ngài dự định thiết lập từ rất lâu trước đây (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:6).

Hãy Về Nhà

Với tư cách là một người tuân giữ giao ước, anh chị em là một phần trong gia tộc Y Sơ Ra Ên.10 Anh chị em đã được quy tụ, và anh chị em là một người đi quy tụ. Thiên truyện kéo dài hàng thế kỷ này đã bắt đầu với một giao ước giữa Thượng Đế và Áp Ra Ham đang đi đến hồi cao trào của nó, và anh chị em là một nhân vật then chốt. Bây giờ là thời điểm khi “Giê Su sẽ phán ‘Về đi Y Sơ Ra Ên.’”11

Đây là sứ điệp của những người đi quy tụ: Hãy về nhà với giao ước. Hãy về nhà tại Si Ôn. Hãy về nhà với Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Chí Thánh của Y Sơ Ra Ên, và Ngài sẽ mang anh chị em về nhà của Thượng Đế, Đức Chúa Cha của anh chị em.

Ghi Chú

  1. Mười chi tộc mà bị bắt cầm tù bởi A Si Ri là Ru Bên, Si Mê Ôn, Y Sa Ca, Sa Bu Lôn, Đan, Nép Ta Li, Gát, A Se, Ép Ra Im, và Ma Na Se. Những người thuộc chi tộc Lê Vi sống trong khắp các lãnh thổ của những chi tộc khác để có thể thực hiện những trách nhiệm tư tế của họ.

  2. Nam Vương Quốc chủ yếu bao gồm các chi tộc Giu Đa và Bên Gia Min. Tuy nhiên, những người thuộc một vài chi tộc khác cũng sống tại đó (xin xem 2 Sử Ký 11:14–17). Ví dụ, Lê Hi, người sống tại Giê Ru Sa Lem, thuộc chi tộc Ma Na Se.

  3. Xin xem Ê Xơ Ra 1; 7; Nê Hê Mi 2. Đế Quốc Ba By Lôn bị Đế Quốc Phe Rơ Sơ (tức Ba Tư) chinh phục. Chính Vua Ba Tư là Cyrus (Si Ru) đã cho phép một số nhóm người Do Thái bị trục xuất quay trở về Giê Ru Sa Lem.

  4. Vào năm 70 SCN, Giê Su Ra Lem và đền thờ tại đó bị phá hủy một lần nữa, lần này là bởi người La Mã, và những người Do Thái còn lại bị phân tán ra nhiều quốc gia trên thế giới.

  5. Xin xem Giê Rê Mi 29:18; Ê Xê Chi Ên 22:15; Ô Sê 9:17; A Mốt 9:9; 1 Nê Phi 1:13.

  6. Xin xem 1 Nê Phi 1:13, 18–20; 10:12–14.

  7. Xin xem Ê Sai 5:26; 27:12; 54; Giê Rê Mi 16:14–15; 29:14; 31:10; Ê Xê Chi Ên 11:17; 34:12; 37:21–28; Xa Cha Ri 10:8; 1 Nê Phi 10:14; 22:25; 3 Nê Phi 16:1–5; 17:4.

  8. Russell M. Nelson và Wendy Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), phần bổ sung cho New EraEnsign, trang 8, ChurchofJesusChrist.org.

  9. Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,” trang 15 ChurchofJesusChrist.org.

  10. Xin xem 2 Nê Phi 30:2.

  11. Giờ Đây Chúng Ta Hãy Cùng Vui Mừng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 32.