Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 25–31 tháng Bảy. Ê Xơ Tê: “[Ngươi Ở Đây] Vì Cớ Cơ Hội Hiện Lúc Này”


“Ngày 25–31 tháng Bảy. Ê Xơ Tê: ‘[Ngươi Ở Đây] Vì Cớ Cơ Hội Hiện Lúc Này’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 25–31 tháng Bảy. Ê Xơ Tê,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Ê Xơ Tê cầu nguyện

Esther (Ê Xơ Tê), tranh do James Johnson họa

Ngày 25–31 tháng Bảy

Ê Xơ Tê

“[Ngươi Ở Đây] Vì Cớ Cơ Hội Hiện Lúc Này”

Trong khi anh chị em đọc sách Ê Xơ Tê, hãy tìm kiếm sự soi dẫn từ Thánh Linh dành riêng cho mình, và ghi lại các ấn tượng mà anh chị em nhận được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Nhiều sự kiện trong sách Ê Xơ Tê dường như là may mắn hoặc là trùng hợp ngẫu nhiên. Anh chị em có cách giải thích nào khác cho việc một cô bé Do Thái mồ côi trở thành hoàng hậu của Phê Sơ Rơ (nước Ba Tư) vào đúng thời điểm để cứu dân của mình khỏi bị thảm sát? Làm sao mà người anh họ Mạc Đô Chê của Ê Xơ Tê lại có thể tình cờ nghe được một âm mưu ám sát nhà vua? Những việc này trùng hợp ngẫu nhiên, hay chúng là một phần trong kế hoạch thiêng liêng? Anh Cả Ronald A. Rasband đã nhận xét: “Điều có thể dường như xảy ra ngẫu nhiên trên thực tế được giám sát bởi Cha Thiên Thượng nhân từ. … Ảnh hưởng của Chúa có thể thấy được trong những chi tiết nhỏ của cuộc sống chúng ta” (“Theo Kế Hoạch Thiêng Liêng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 56). Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra ảnh hưởng của Chúa trong “những chi tiết nhỏ” này. Nhưng chúng ta học được từ kinh nghiệm của Ê Xơ Tê là Ngài có thể dẫn lối cho chúng ta và chuẩn bị chúng ta cho “cơ hội hiện lúc này” (Ê Xơ Tê 4:14) khi chúng ta có thể là công cụ trong tay Ngài để thực hiện các mục đích Ngài.

Để có được thông tin khái quát về sách Ê Xơ Tê, xin xem “Ê Xơ Tê” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ê Xơ Tê

Chúa có thể biến tôi thành một công cụ để ban phước người khác.

Chị Anne C. Pingree đã dạy: “Việc trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế là một đặc ân lớn và trách nhiệm thiêng liêng. Bất cứ nơi nào chúng ta sống, bất luận hoàn cảnh của chúng ta ra sao, bất luận tình trạng gia đình hay tuổi tác của chúng ta, Chúa đều cần mỗi người chúng ta làm tròn phần vụ độc nhất của mình trong việc xây đắp vương quốc của Ngài trong gian kỳ sau cùng này” (“Biết Được Ý Muốn của Chúa Dành Cho Các Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 112).

Trong khi anh chị em đọc câu chuyện về Ê Xơ Tê, hãy suy ngẫm cách mà lời phát biểu này áp dụng cho bà. Hãy tìm những cách thức Chúa làm cho bà có thể cứu được dân Do Thái (ví dụ, xin xem Ê Xơ Tê 2:21–23; 3:10–14; 4:14–16). Rồi suy ngẫm cách Ngài hướng dẫn cuộc sống của anh chị em mà cho phép anh chị em ban phước những người khác. Có những hoàn cảnh hoặc mối quan hệ nào mà anh chị em cảm thấy Ngài đã hướng dẫn đến “cơ hội hiện lúc này”? (ÊXơ Tê 4:14). Nếu anh chị em có một phước lành tộc trưởng, thì hãy cân nhắc đọc nó để biết thêm về công việc Chúa muốn cho anh chị em làm.

Ê Xơ Tê 3; 5:9–147

Tính kiêu ngạo và tức giận có thể dẫn đến sự sa ngã.

Trong sách Ê Xơ Tê, chúng ta học hỏi từ lòng thành tín của Ê Xơ Tê và Mạc Đô Chê cũng như từ tính kiêu ngạo và dễ tức giận của Ha Man. Trong khi anh chị em đọc Ê Xơ Tê 3; 5:9–14, hãy cân nhắc ghi chú lại những cảm nghĩ, lời nói, và hành động của Ha Man. Chúng cho thấy điều gì về ông ta và những động cơ của ông ta? Ông ta đối mặt với những hậu quả gì? (xin xem Ê Xơ Tê 7). Phần đọc về Ha Man có thể thúc giục anh chị em để đánh giá những động cơ thúc đẩy cảm nghĩ và hành động của mình. Anh chị em được soi dẫn để đưa ra bất kỳ thay đổi nào không? Làm thế nào anh chị em có thể hướng về Cha Thiên Thượng để được giúp đỡ?

Xin xem thêm Châm Ngôn 16:32; An Ma 5:28.

Ê Xơ Tê 3–4; 5:2–3; 8:11–12

Việc nhịn ăn cho thấy sự nương cậy của tôi nơi Chúa.

Hãy lưu ý những tình thế khiến Ê Xơ Tê và những người Do Thái còn lại phải nhịn ăn (xin xem Ê Xơ Tê 3:13; 4:1–3, 10–17). Sự nhịn ăn đã là một phước lành đối với họ ra sao? (xin xem Ê Xơ Tê 5:2–3; 8:11–12). Tại sao Chúa muốn chúng ta nhịn ăn? Hãy cân nhắc điều anh chị em có thể làm để làm cho việc nhịn ăn trở thành một phước lành lớn hơn trong cuộc sống của mình.

Xin xem thêm Ê Sai 58:6–12; Ma Thi Ơ 4:1–4; 17:14–21.

Ê Xơ Tê 3:1–11; 4:10–17; 5:1–4

Để làm điều đúng thường cần có nhiều can đảm.

Khi Mạc Đô Chê và Ê Xơ Tê bênh vực niềm tin của họ, họ đang mạo hiểm tính mạng của mình. Những sự lựa chọn của chúng ta đưa đến những kết cục có thể ít trầm trọng hơn, nhưng việc làm điều đúng thì vẫn có thể đòi hỏi lòng dũng cảm. Anh chị em học được điều gì từ Ê Xơ Tê 3:1–4; 4:10–17 về việc dũng cảm làm điều đúng? Hãy lưu ý những kết quả khác nhau mà Mạc Đô Chê và Ê Xơ Tê nhận được sau khi cho thấy lòng can đảm (xin xem Ê Xơ Tê 3:5–11; 5:1–4). Một người sẽ cần phải biết điều gì về Thượng Đế để chọn lựa giống như Ê Xơ Tê và Mạc Đô Chê đã làm—làm điều đúng mà không màng đến hậu quả?

Lần kế tiếp khi anh chị em cân nhắc những hậu quả của việc làm điều đúng, anh chị em có thể áp dụng những lời can đảm của Ê Xơ Tê trong Ê Xơ Tê 4:16 vào hoàn cảnh của chính mình. Ví dụ, anh chị em có thể tự nhủ: “Khi tôi chọn điều đúng, nếu tôi [mất bạn bè], thì tôi [chịu mất bạn bè].”

Xin xem thêm Thomas S. Monson, “Cầu Xin Cho Các Anh Chị Em Có Can Đảm,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 123–127.

Hình Ảnh
Ê Xơ Tê và vua

Esther before the King (Ê Xơ Tê diện kiến Vua), tranh do Minerva K. Teichert họa

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ê Xơ Tê 1–10.Sau khi xem lại câu chuyện về Ê Xơ Tê (xin xem “Ê Xơ Tê” trong Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước), gia đình anh chị em có thể thích làm những con rối đơn giản cho một vài nhân vật (xin xem trang sinh hoạt tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi). Rồi họ có thể sử dụng những con rối đó để kể lại câu chuyện. Anh chị em cũng có thể hát một bài về lòng dũng cảm và trung thành, như là “Dám Làm Điều Tốt” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 64) hoặc “Nào Cùng Nhau Bước Mạnh” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 10). Những từ nào trong bài hát nhắc chúng ta nhớ về Ê Xơ Tê?

Ê Xơ Tê 2:5–7.Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương của Mạc Đô Chê về việc giúp đỡ những người thân trong nhà trong lúc khó khăn? Ai trong gia đình chúng ta cần sự hỗ trợ của chúng ta? Hãy lập một kế hoạch để giúp đỡ họ.

Ê Xơ Tê 4:15–17.Lòng can đảm của Ê Xơ Tê có thể truyền cảm hứng cho gia đình anh chị em thảo luận cách để phát triển lòng dũng cảm để đứng lên bảo vệ lẽ thật trong những tình huống họ gặp phải. Ê Xơ Tê có ý gì khi nói “nếu tôi phải chết thì tôi chết”? Những lời này của bà áp dụng cho chúng ta như thế nào khi chúng ta cần phải dũng cảm?

Ê Xơ Tê 9:26–32.Các ngày lễ Phu Rim của dân Do Thái được lập ra để tưởng nhớ câu chuyện của Ê Xơ Tê. Vào bữa ăn trong tuần này, hãy cân nhắc chia sẻ các câu chuyện về thời điểm mà những người trong gia đình anh chị em, kể cả ông bà tổ tiên, đã ban phước cho những người khác bằng cách đứng lên bảo vệ điều đúng giống như Ê Xơ Tê đã làm.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Dám Làm Điều Tốt,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 64.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Hãy bắt chước sống theo cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi. “Quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giảng dạy và nâng đỡ những người khác đến từ cách Ngài sống và con người của Ngài. Anh chị em càng siêng năng cố gắng để sống giống như Chúa Giê Su Ky Tô, thì anh chị em sẽ càng có thể giảng dạy giống như Ngài” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 13).

Hình Ảnh
Ê Xơ Tê

Queen Esther (Hoàng Hậu Ê Xơ Tê), tranh do Minerva Teichert họa, © William and Betty Stokes

In