Kinh Cựu Ước năm 2022
Những Điều Cần Ghi Nhớ: Cách Đọc Thơ trong Kinh Cựu Ước


“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Cách Đọc Thơ trong Kinh Cựu Ước,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Cách Đọc Thơ trong Kinh Cựu Ước,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
hình biểu tượng ghi nhớ

Những Điều Cần Ghi Nhớ

Cách Đọc Thơ trong Kinh Cựu Ước

Trong các sách Kinh Cựu Ước trước sách Gióp, chúng ta thấy phần lớn là các câu chuyện—những bài tường thuật dạng truyện kể mô tả những sự kiện lịch sử từ một quan điểm thuộc linh. Nô Ê đóng tàu, Môi Se giải thoát Y Sơ Ra Ên, An Ne cầu xin có một đứa con trai, và vân vân. Bắt đầu với sách Gióp, chúng ta thấy một phong cách viết khác, dường như những tác giả của Kinh Cựu Ước chuyển sang dùng ngôn ngữ thơ ca để diễn tả những cảm nghĩ sâu lắng hoặc những lời tiên tri vĩ đại theo một cách dễ nhớ.

Chúng ta đã thấy một vài ví dụ về thơ ca rải rác khắp các sách lịch sử của Kinh Cựu Ước. Và từ sách Gióp trở đi, chúng ta sẽ thấy nhiều bài thơ hơn. Hầu như toàn bộ các sách Gióp, Thi Thiên, và Châm Ngôn đều là thơ, thơ cũng chiếm một số phần trong các bài viết của các vị tiên tri như Ê Sai, Giê Rê Mi, và A Mốt. Bởi vì việc đọc thơ khác với đọc một câu chuyện, để hiểu một bài thơ thì cần có một phương pháp khác. Sau đây là một vài ý kiến mà có thể giúp anh chị em hiểu thêm ý nghĩa của các bài thơ trong Kinh Cựu Ước.

Cách để Hiểu Thơ Hê Bơ Rơ

Đầu tiên, điều có thể hữu ích là anh chị em ghi nhớ rằng thơ Hê Bơ Rơ trong Kinh Cựu Ước không có vần điệu giống như những thể loại thơ khác. Và mặc dù vần điệu, lối chơi chữ, và sự lặp lại của thanh điệu là những đặc điểm thường thấy trong thể thơ Hê Bơ Rơ cổ, các đặc điểm này thường bị mất đi khi phiên dịch. Tuy nhiên, một đặc điểm mà anh chị em sẽ thấy đó là sự lặp lại các ý, đôi khi được gọi là “lối diễn đạt song song.” Câu này từ sách Ê Sai là một ví dụ đơn giản:

  • Hỡi Si Ôn, … mặc lấy sức mạnh ngươi!

  • hỡi Giê Ru Sa Lem … hãy mặc lấy áo đẹp (Ê Sai 52:1).

Chương 29 Thi Thiên có nhiều dòng mang ý song song—sau đây là một ví dụ:

  • Tiếng Đức Giê Hô Va rất mạnh;

  • tiếng Đức Giê Hô Va có sự oai nghiêm (Thi Thiên 29:4).

Và đây là một ví dụ về việc biết rằng dòng thứ hai có ý song song với dòng đầu tiên đã thực sự làm cho cả đoạn dễ hiểu hơn:

  • Ta đã làm cho răng các ngươi nên sạch trong mọi thành các ngươi,

  • và làm cho thiếu bánh trong mọi nơi các ngươi ở (A Mốt 4:6).

Trong những ví dụ này, một ý được lặp lại với chút ít thay đổi. Phương pháp này có thể giúp nhấn mạnh ý được lặp lại trong khi những thay đổi có thể giúp diễn tả ý đó trọn vẹn hơn hoặc giúp phát triển ý đó.

Trong những trường hợp khác, hai câu song song sử dụng ngôn ngữ tương tự nhau để truyền đạt các ý trái ngược nhau, như trong ví dụ này:

  • Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận;

  • Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm (Châm Ngôn 15:1).

Biện pháp song song này không phải là vô tình. Các tác giả đã sử dụng nó với dụng ý. Nó cho phép họ bày tỏ những cảm nghĩ thuộc linh hoặc các lẽ thật bằng một cách dường như vừa hùng hồn vừa tuyệt mỹ đối với họ. Vì thế khi anh chị em thấy biện pháp song song trong các tác phẩm Kinh Cựu Ước, hãy tự hỏi nó có thể giúp anh chị em hiểu được thông điệp của tác giả như thế nào. Ví dụ, Ê Sai có lẽ đang cố gắng nói gì khi liên hệ “sức mạnh” với “áo đẹp” và “Si Ôn” với “Giê Ru Sa Lem”? (ÊSai 52:1). Chúng ta có thể suy ra điều gì về cụm từ “lời đáp êm nhẹ” nếu chúng ta biết rằng “lời xẳng xớm” là từ đối lập của nó? (Châm Ngôn 15:1).

Hình Ảnh
người đàn ông đang viết lên một cuộn giấy

He Restoreth My Soul (Ngài Bổ Lại Linh Hồn Tôi), tranh do Walter Rane họa

Thơ Hê Bơ Rơ là một Người Bạn Mới

Anh chị em có thể cảm thấy hữu ích khi so sánh việc đọc thơ với việc gặp một người mới. Ví dụ, anh chị em có thể so sánh việc đọc thơ trong Kinh Cựu Ước với việc gặp một người đến từ một quốc gia xa xôi và có văn hóa ngoại quốc khác ngôn ngữ với mình—và hóa ra là người đó cũng đã hơn hai ngàn tuổi rồi. Người này có lẽ sẽ nói những điều mà ban đầu chúng ta không hiểu, nhưng không có nghĩa là người ấy không có điều gì hay để kể với chúng ta. Với một chút kiên nhẫn và thông cảm, người bạn mới của chúng ta cuối cùng có thể trở thành một người bạn đáng mến. Chúng ta chỉ cần dành thêm thời gian cho nhau, cố gắng nhìn nhận mọi việc từ quan điểm của người ấy. Thậm chí chúng ta có thể tìm thấy rằng từ sâu trong lòng, chúng ta thật sự hiểu được nhau khá tốt.

Vì thế lần đầu tiên anh chị em đọc một đoạn, ví dụ trong sách Ê Sai, thì hãy xem đó như lời giới thiệu đầu tiên của mình với một người bạn mới. Hãy tự hỏi: “Ấn tượng chung chung của tôi là gì?” Đoạn đó làm anh chị em cảm thấy như thế nào—thậm chí nếu anh chị em không hiểu hết các từ ngữ? Rồi hãy đọc lại đoạn đó, vài lần nếu được. Một số người hiểu tốt hơn khi họ đọc thành tiếng các đoạn thánh thư đó. Hãy lưu ý những từ cụ thể mà Ê Sai đã chọn, đặc biệt những từ mà vẽ nên một bức tranh trong tâm trí anh chị em. Những bức tranh đó làm cho anh chị em cảm thấy như thế nào? Hình ảnh đó gợi ý điều gì về cảm nhận của Ê Sai? Anh chị em càng nghiên cứu những lời thơ trong Kinh Cựu Ước, thì anh chị em sẽ càng thấy rằng các tác giả đã cố tình chọn lựa từ ngữ và thủ pháp của mình để diễn đạt một sứ điệp thuộc linh sâu sắc.

Thơ có thể làm những người bạn tuyệt vời bởi vì chúng giúp chúng ta hiểu những cảm nghĩ và kinh nghiệm của mình. Các bài thơ Kinh Cựu Ước đặc biệt quý giá, bởi vì chúng giúp chúng ta hiểu những cảm nghĩ và kinh nghiệm quan trọng nhất của mình—những điều hẳn phải liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế.

Trong khi anh chị em học thơ trong Kinh Cựu Ước, hãy ghi nhớ rằng việc học thánh thư có giá trị nhất khi nó dẫn chúng ta đến Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm kiếm các biểu tượng, hình ảnh, và lẽ thật mà xây đắp đức tin của anh chị em nơi Ngài. Hãy lắng nghe theo những thúc giục của Đức Thánh Linh trong khi anh chị em học.

Văn Học Thông Thái

Một thể loại thơ trong Kinh Cựu Ước được giới học giả gọi là “văn học thông thái.” Gióp, Châm Ngôn, và Truyền Đạo thuộc vào thể loại này. Trong khi thể loại thánh thi (như Thi Thiên) diễn tả những cảm nghĩ ca tụng, than khóc, và thờ phượng thì văn học thông thái tập trung vào những lời khuyên răn bất hủ hoặc những câu hỏi triết lý sâu sắc. Ví dụ, sách Gióp khám phá sự công bằng của Thượng Đế và các lý do đằng sau nỗi đau khổ của loài người. Châm Ngôn đưa ra lời khuyên về cách sống đẹp, kể cả những lời nói khôn ngoan được thu thập và truyền lại từ những thế hệ trước đó. Và Truyền Đạo đặt ra những câu hỏi về bản thân mục đích của cuộc sống—khi mọi thứ dường như thật phù du và ngẫu nhiên, chúng ta tìm thấy ý nghĩa thật sự ở đâu? Anh chị em có thể nghĩ về văn học thông thái giống như những cuộc trò chuyện sâu sắc với các bậc tiền bối được soi dẫn, là những người muốn chia sẻ một số điều họ nhận thấy về Thượng Đế và thế giới mà Ngài tạo ra—và có lẽ sẽ giúp anh chị em hiểu rõ hơn một chút về những điều này so với trước đây.

In