“Ngày 8–14 tháng Tám. Thi Thiên 1–2; 8; 19–33; 40; 46: ‘Đức Giê Hô Va Là Đấng Chăn Giữ Tôi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 8–14 tháng Tám. Thi Thiên 1–2; 8; 19–33; 40; 46,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022
Ngày 8-14 tháng Tám
Thi Thiên 1–2; 8; 19–33; 40; 46
“Đức Giê Hô Va Là Đấng Chăn Giữ Tôi”
Đừng cảm thấy bị giới hạn bởi những phần được chọn ra từ Thi Thiên hoặc các nguyên tắc được đề nghị trong đại cương này. Hãy để Thánh Linh hướng dẫn anh chị em đến các lẽ thật mà giúp anh chị em cảm thấy gần Chúa hơn.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Chúng ta không biết chắc chắn ai đã viết Thi Thiên. Một vài phần được cho là của Vua Đa Vít, nhưng phần lớn các tác giả vẫn là ẩn danh. Mặc dù vậy, sau khi đọc Thi Thiên, chúng ta có thể cảm thấy như thể chúng ta biết được tấm lòng của các tác giả Thi Thiên, mặc dù chúng ta không biết tên của họ. Điều chúng ta biết đó là Thi Thiên là một phần quan trọng của sự thờ phượng ở giữa dân Y Sơ Ra Ên, và chúng ta biết rằng Đấng Cứu Rỗi thường trích dẫn từ đó. Trong Thi Thiên, một cửa sổ được mở ra cho chúng ta nhìn vào tâm hồn những con người cổ xưa của Thượng Đế. Chúng ta thấy điều họ cảm nhận về Thượng Đế, điều lo lắng của họ, và cách họ tìm được sự bình an. Là những người có đức tin ngày nay trên khắp thế giới, chúng ta vẫn sử dụng những lời này trong sự thờ phượng Thượng Đế của mình. Các tác giả Thi Thiên dường như mở được cửa sổ vào tâm hồn chúng ta và dường như đã tìm được cách để diễn tả điều chúng ta cảm nhận về Thượng Đế, điều lo lắng của chúng ta, và cách chúng ta tìm được sự bình an.
Để có được thông tin khái quát về sách Thi Thiên, xin xem “Thi Thiên” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Thi Thiên 1; 23; 26–28; 46
Thi Thiên dạy chúng ta cách tin cậy Chúa.
Trong khi đọc Thi Thiên, anh chị em có thể nhận thấy rằng các tác giả thường xuyên bộc lộ nỗi sợ hãi, đau buồn, hoặc lo lắng. Những cảm nghĩ đó là bình thường, kể cả đối với người có đức tin. Nhưng điều làm cho Thi Thiên đầy tính soi dẫn chính là các giải pháp mà họ đưa ra, bao gồm sự tin cậy hoàn toàn nơi Chúa. Hãy suy ngẫm những sứ điệp soi dẫn trong khi anh chị em đọc Thi Thiên 1; 23; 26–28; 46. Hãy tìm những điều sau đây, và viết xuống những gì anh chị em khám phá ra:
-
Lời mời để tin cậy Chúa:
-
Những lời mô tả Chúa:
-
Những lời mô tả sự bình an, sức mạnh, và các phước lành khác mà Ngài cung ứng:
-
Những lời mô tả những ai tin cậy Ngài:
Thi Thiên hướng tâm trí chúng ta đến cuộc đời và giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô.
Một số phần trong Thi Thiên nói đến cuộc sống trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô. Các Ky Tô Hữu trong Kinh Tân Ước đôi khi cũng thấy được những sự liên quan này—ví dụ, họ nhận ra trong Thi Thiên 2 ngụ ý đến việc Chúa Giê Su bị xét xử bởi Vua Hê Rốt và Bô Xơ Phi Lát (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:24–30). Hãy cân nhắc đọc Thi Thiên 2 và 22 cùng với Ma Thi Ơ 27:35–46; Lu Ca 23:34–35; và Giăng 19:23–24. Tìm những sự liên kết giữa các từ ngữ trong những đoạn thơ này với cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi, và tiếp tục tìm kiếm những mối liên kết tương tự trong khi anh chị em học sách Thi Thiên trong vài tuần tới.
Hãy tưởng tượng rằng anh chị em là một người Do Thái trong thời của Chúa Giê Su và quen thuộc với sách Thi Thiên và thấy được những sự liên kết với cuộc đời Đấng Cứu Rỗi. Sự hiểu biết này có thể là một phước lành như thế nào đối với anh chị em?
Xin xem thêm Thi Thiên 31:5; 34:20; 41:9; Lu Ca 24:44; Hê Bơ Rơ 2:9–12.
Thi Thiên 8; 19; 33
“Thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết về Chúa.”
Việc đọc Thi Thiên 8; 19; và 33 có thể soi dẫn anh chị em để suy ngẫm về nhiều tuyệt tác của Chúa. Hãy chú ý đến những ý nghĩ và cảm nhận của mình trong lúc đó. Những tạo vật của Chúa đã “rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” cho anh chị em như thế nào? (Thi Thiên 19:1).
Lời của Chúa rất mạnh mẽ và “làm cho lòng vui mừng.”
Trong Thi Thiên, những từ như sự chứng cớ, giềng mối (khuôn phép), điều răn và các mạnh lịnh có thể nói đến lời của Chúa. Hãy ghi nhớ điều này trong tâm trí trong khi anh chị em đọc Thi Thiên 19:7–11. Những câu này gợi ý cho anh chị em điều gì về lời của Thượng Đế? Thi Thiên 29 dạy anh chị em điều gì về tiếng của Ngài? Theo kinh nghiệm của anh chị em, lời hay giọng nói của Chúa phù hợp như thế nào với những lời mô tả này?
Việc bước vào nơi hiện diện của Chúa đòi hỏi sự thanh khiết.
Bởi vì đền thờ tại Giê Ru Sa Lem được xây trên một ngọn đồi, cụm từ “núi Đức Giê Hô Va” (Thi Thiên 24:3) có thể ám chỉ đến đền thờ hoặc sự hiện diện của Thượng Đế. Điều này bổ sung gì cho sự hiểu biết của anh chị em về Thi Thiên 24? Anh chị em hiểu “có tay trong sạch và lòng thanh khiết” có nghĩa là gì? (Thi Thiên 24:4).
Thi Thiên 26 và 27 dạy gì cho anh chị em về nhà của Chúa?
Xin xem thêm Thi Thiên 15; David A. Bednar, “Tay Trong Sạch và Lòng Thanh Khiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 80–83.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Thi Thiên 22.Trong khi một người trong gia đình đọc lời ca thánh này, những người khác có thể tìm những điều tương tự trong Ma Thi Ơ 27:35–46. Rồi họ có thể chia sẻ những cảm nghĩ của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh của Ngài dành cho chúng ta.
-
Thi Thiên 23. Gia đình anh chị em có thể thích vẽ tranh về một điều họ tìm thấy trong đoạn thánh thi này hoặc trong thánh ca hoặc để cho mọi người đoán câu hoặc lời hát nào đi chung với các bức vẽ đó. Đối với chúng ta, Chúa giống như một người chăn chiên như thế nào?
-
Thi Thiên 24:3–5.Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có tay trong sạch và lòng thanh khiết, anh chị em có thể đọc Thi Thiên 24:3–5 trong khi mọi người trong nhà rửa tay. Những bàn tay tượng trưng cho điều gì trong bài thánh thi này? Tấm lòng có thể tượng trưng cho điều gì? Chúng ta có thể làm gì để làm trong sạch tay và làm thanh khiết tấm lòng mình?
-
Thi Thiên 30:5, 11.Thi Thiên 30:5 có lời hứa rằng ″sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.” Bằng cách nào Chúa biến nỗi buồn của chúng ta thành niềm vui? Một số thành viên trong gia đình có thể thích đóng diễn điều câu 11 mô tả.
-
Thi Thiên 33.Hãy để ý xem có bao nhiêu lần những từ mang nghĩa hết thảy, tất cả được sử dụng cho bài thánh thi này. Chúng ta học được gì về Chúa từ việc lặp lại ý này, đặc biệt trong các câu 13–15?
-
Thi Thiên 46:10.Anh chị em có thể cùng nhau làm một điều gì đó mà cần các thành viên “yên lặng.” Làm thế nào việc yên lặng hoặc ngồi yên có thể giúp chúng ta biết đến Thượng Đế? Chúng ta có những cơ hội nào để yên lặng và tìm đến Thượng Đế?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát gợi ý: “Tình Yêu và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 19.