“Ngày 13–19 tháng Bảy. An Ma 32–35: ‘Gieo Trồng Lời Này vào Tim Mình,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 13–19 tháng Bảy. An Ma 32–35,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2020
Ngày 13–19 tháng Bảy
An Ma 32–35
“Gieo Trồng Lời Này vào Tim Mình”
Hãy nghĩ về trẻ em mà anh chị em giảng dạy khi anh chị em thành tâm học tập An Ma 32–35. Theo cách này, những ý nghĩ và ấn tượng về cách giảng dạy cho chúng sẽ đến. Hãy ghi lại và hành động theo những ấn tượng này.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Đặt tên của mỗi đứa trẻ vào một cái hộp đựng. Yêu cầu một ai đó bốc ra một cái tên và mời đứa trẻ đó chia sẻ một điều gì đó mà gân đây em ấy học được từ Sách Mặc Môn. Tiếp tục thực hiện sinh hoạt cho đến khi mỗi em đều đã có cơ hội nhưng đừng tạo áp lực phải chia sẻ.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Tôi có thể giúp đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô phát triển.
Hạt giống, cây cối, và trái cây là những thứ quen thuộc mà có thể giúp trẻ em hiểu những nguyên tắc trừu tượng như đức tin và chứng ngôn. Hãy suy ngẫm cách anh chị em có sử dụng phép ẩn dụ của An Ma để giảng dạy trẻ em.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Tóm lược An Ma 32:28–43; anh chị em có thể sử dụng “Chương 29: An Ma Giảng Dạy về Đức Tin và Lời của Thượng Đế” (Sách Truyện Mặc Môn, trang 81, hoặc đoạn video tương ứng trên trang ChurchofJesusChrist.org). Cho thấy hình ảnh của một cái cây trong nhiều giai đoạn phát triển và yêu cầu trẻ em giúp anh chị em đặt những bức hình này theo đúng thứ tự (xin xem các bức hình trong trang sinh hoạt của tuần này). Giải thích rằng khi chúng ta sống theo phúc âm, chứng ngôn của chúng ta phát triển—nó bắt đầu nhỏ bé như một hạt giống nhưng có thể trở nên to lớn như một cái cây.
-
Cho trẻ em thấy một hạt giống và đọc một số dòng đầu tiên của An Ma 32:28. Nói với trẻ em rằng lời của Thượng Đế giống như một hạt giống vậy. Hãy hỏi xem làm thế nào chúng ta có thể giúp hạt giống phát triển. Cho trẻ em giả vờ gieo trồng, tưới nước, và giúp hạt giống phát triển. Chỉ ra rằng chúng ta không thể thấy hạt giống sau khi đã gieo trồng nó, nhưng chúng ta biết nó đang ở đâu và nó đang phát triển; chúng ta cũng không thể thấy Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng chúng ta biết Hai Ngài có thật và yêu thương chúng ta. Hãy giúp trẻ em nghĩ về những điều chúng có thể làm để giúp đức tin của chúng nơi Chúa Giê Su Ky Tô phát triển.
-
Vẽ một cái cây lên trên bảng và để cho trẻ em vẽ thêm một chiếc lá hoặc một trái cây mỗi lần các em nghĩ về một điều gì đó chúng có thể làm để giúp chứng ngôn của chúng nơi Chúa Giê Su Ky Tô phát triển. Mời các em thực hiện những hành động đơn giản để tượng trưng cho những điều chúng nghĩ tới.
Cha Thiên Thượng lắng nghe tôi khi tôi cầu nguyện.
Dân Giô Ram cầu nguyện mỗi tuần một lần, mỗi lần sử dụng những lời giống nhau (xin xem An Ma 31:22–23). An Ma và A Mu Léc đã giảng dạy rằng chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào về bất cứ nhu cầu thuộc linh hay vật chất nào của chúng ta.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Đọc các cụm từ anh chị em đã chọn ra từ An Ma 33:4–11 mà mô tả những nơi chúng ta có thể cầu nguyện và giúp trẻ em nghĩ về những nơi chúng có thể cầu nguyện. Sau đó, hãy mời các em vẽ tranh về bản thân chúng cầu nguyện ở những nơi đó. Làm chứng rằng chúng có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, ngay cả khi chúng cầu nguyện thầm.
-
Chọn ra những cụm từ từ An Ma 34:17–27 mà mô tả những điều chúng ta có thể cầu nguyện và đọc các cụm từ này cho trẻ em nghe. Hãy giúp các em nghĩ về những điều chúng có thể thưa với Cha Thiên Thượng khi cầu nguyện và mời chúng vẽ tranh về những điều này. Làm chứng rằng chúng có thể thưa với Cha Thiên Thượng về bất cứ điều gì chúng nghĩ tới hoặc cảm thấy. Chia sẻ một kinh nghiệm khi Cha Thiên Thượng đã lắng nghe những lời cầu nguyện của anh chị em.
-
Hát một bài hát mà dạy trẻ em về sự cầu nguyện. Hãy giúp trẻ em để ý đến những điều bài hát dạy về sự cầu nguyện.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Khi tôi khiêm nhường, Chúa có thể giảng dạy tôi.
An Ma và A Mu Léc đã có được thành công khi giảng dạy những người Giô Ram khiêm nhường và sẵn sàng lắng nghe lời của Thượng Đế. Hãy cân nhắc cách anh chị em có thể khuyến khích trẻ em chọn để khiêm nhường.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Hỏi trẻ em xem chúng nhớ đã học được những điều gì về dân Giô Ram vào tuần trước (xin xem An Ma 31:8–24). Nhắc các em nhớ rằng một lý do tại sao An Ma đã lo lắng về dân này là sự kiêu ngạo của họ (xin xem An Ma 31:24–28). Cùng nhau đọc An Ma 32:1–5 và yêu cầu trẻ em tóm lược những điều đã xảy đến với những người Giô Ram nghèo khổ. Sau đó, mời trẻ em đọc các câu 12–13 để tìm kiếm lý do tại sao An Ma cảm thấy rằng việc những người này bị đuổi ra khỏi các nhà hội (hoặc nhà thờ) của họ là một điều tốt cho họ. Một số phước lành nào đến từ việc khiêm nhường?
-
Hãy giúp trẻ em tìm kiếm một định nghĩa của từ khiêm nhường hoặc lòng khiêm nhường trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc một cuốn từ điển. Chúng có thể tìm thấy những thông tin nào khác về ý nghĩa của những từ này trong An Ma 32:13–16? Mời các em nghĩ về những cách khác nhau để hoàn thành một câu như “Tôi khiêm nhường khi tôi .”
Chứng ngôn của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô phát triển khi tôi nuôi dưỡng nó.
Hãy giúp trẻ em mà anh chị em giảng dạy khám phá những điều mà chúng có thể làm để “gieo trồng” lời của Thượng Đế trong lòng mình.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Trưng bày một vật rắn, cứng (như đá) để tượng trưng cho một tấm lòng chai đá hay kiêu ngạo và một vật mềm (như đất) để tượng trưng cho một tấm lòng mềm mại hay khiêm nhường. Cho trẻ em sờ vào cả hai vật đó. Sau đó, cho trẻ em thấy một hạt giống tượng trưng cho lời của Thượng Đế. Mời các em thử ấn hạt giống vào vật cứng và vật mềm. Hãy cùng nhau đọc An Ma 32:27–28 và nói về việc “chừa … chỗ” (câu 27) cho lời của Thượng Đế trong lòng mình có thể có nghĩa là gì.
-
Khi anh chị em đọc An Ma 32:26–43 cùng với trẻ em, hãy thỉnh thoảng dừng lại và mời trẻ em vẽ tranh về hạt giống hoặc cây giống được mô tả—ví dụ, một hạt giống và một mầm cây, (câu 28), một cây non đang phát triển (câu 30), và một cây giống trưởng thành đang ra trái (câu 37). Hãy khuyến khích các em đặt tên cho các bức tranh của chúng với những câu thánh thư tham khảo từ An Ma 32. Việc nuôi dưỡng hạt giống giống việc nuôi dưỡng chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Bằng cách nào chúng ta nuôi dưỡng chứng ngôn của mình? Mời các em lặng lẽ suy nghĩ về việc chứng ngôn của chúng đang phát triển như thế nào và chúng sẽ làm gì để nuôi dưỡng chứng ngôn của chúng.
Cha Thiên Thượng lắng nghe tôi khi tôi cầu nguyện.
Dân Giô Ram đã có những quan niệm sai lầm về sự cầu nguyện, một số những quan niệm này chúng ta vẫn còn thấy ngày nay. An Ma và A Mu Léc đã giảng dạy những lẽ thật hùng hồn để khắc phục các quan niệm sai lầm này.
Những Sinh Hoạt Khả Thi
-
Giúp trẻ em tra cứu An Ma 33:2–11 để tìm những từ hoặc cụm từ quan trọng được lặp lại nhiều lần mà liên quan đến sự cầu nguyện. Những từ và cụm từ này giảng dạy cho chúng ta điều gì về sự cầu nguyện?
-
Giúp trẻ em lập ra một bản liệt kê những tình huống trong đó chúng có thể cầu nguyện, ngay cả những tình huống được đề cập đến trong An Ma 33:4–10 và 34:17–27 cũng như trong cuộc sống của chúng. Mời trẻ em nghĩ về hoặc chia sẻ những kinh nghiệm khi chúng đã cầu nguyện và cảm thấy Thượng Đế đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng.
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Nếu có thể, đưa cho mỗi đứa trẻ hạt giống mà chúng có thể mang về nhà trồng để nhắc nhở các em giúp chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô phát triển. Khuyến khích các em nói với gia đình chúng về những điều chúng đã học được về việc thực hành đức tin của chúng nơi Chúa Giê Su Ky Tô.