Hãy Đến Mà Theo Ta
Đáp Ứng Nhu Cầu của Trẻ Em Nhỏ Tuổi


“Đáp Ứng Nhu Cầu của Trẻ Em Nhỏ Tuổi,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Đáp Ứng Nhu Cầu của Trẻ Em Nhỏ Tuổi,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2020

bé gái đang viết lên trên bảng phấn

Đáp Ứng Nhu Cầu của Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Trẻ em sẵn sàng và háo hức để học phúc âm nếu phúc âm được trình bày theo cách mà chúng có thể hiểu được. Đặc biệt, nếu anh chị em giảng dạy trẻ em nhỏ tuổi, hãy cân nhắc việc sử dụng các loại hình sinh hoạt sau đây để giúp chúng học hỏi.

  • Ca hát. Các bài thánh ca và những bài hát từ sách Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi giảng dạy giáo lý một cách mạnh mẽ. Hãy sử dụng bảng chú dẫn đề tài ở phía sau sách Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi để tìm kiếm những bài hát liên quan đến những nguyên tắc phúc âm mà anh chị em đang giảng dạy. Hãy giúp trẻ em liên hệ sứ điệp của các bài hát với cuộc sống của chúng. Ví dụ, anh chị em có thể đặt các câu hỏi về những từ và cụm từ trong lời bài hát. Ngoài việc ca hát, trẻ em cũng có thể làm những động tác kèm theo bài hát hoặc chỉ nghe những bài hát như là nhạc nền trong khi thực hiện những sinh hoạt khác.

  • Lắng nghe hoặc đóng diễn câu chuyện. Trẻ em nhỏ tuổi yêu thích các câu chuyện—từ thánh thư, từ cuộc sống của anh chị em, từ lịch sử Giáo Hội, hay từ các tạp chí của Giáo Hội. Hãy tìm kiếm những cách thức để các em có thể tham gia vào việc kể chuyện. Chúng có thể cầm những bức hình hay món đồ, vẽ tranh về câu chuyện chúng đang nghe kể, đóng diễn câu chuyện, hoặc giúp kể câu chuyện. Hãy giúp trẻ em nhận biết những lẽ thật phúc âm trong các câu chuyện mà anh chị em chia sẻ.

  • Đọc thánh thư. Trẻ em nhỏ tuổi có thể không có khả năng đọc nhiều nhưng anh chị em vẫn có thể để cho chúng tham gia vào việc học hỏi từ thánh thư. Anh chị em có thể cần phải tập trung vào một câu, một cụm từ, hay một từ duy nhất. Khi đọc to một câu thánh thư, anh chị em có thể mời trẻ em đứng dậy hay giơ tay lên khi chúng nghe thấy một từ hay cụm từ cụ thể mà anh chị em muốn tập trung vào. Các em thậm chí còn có thể có khả năng ghi nhớ những cụm từ ngắn nếu chúng lặp lại những cụm từ đó một vài lần. Khi nghe lời của Thượng Đế, các em sẽ cảm nhận được Đức Thánh Linh.

  • Vận động. Bởi vì trẻ em nhỏ tuổi thường hiếu động nên hãy hoạch định những sinh hoạt để chúng có thể vận động—diễu hành, nhảy, nhảy dây, uốn người, đi bộ, và những hành động khác mà liên quan đến nguyên tắc hay câu chuyện mà anh chị em đang giảng dạy. Những hành động này cũng có thể có hiệu quả khi anh chị em cùng hát với trẻ em.

  • Nhìn vào bức hình hoặc xem một đoạn video. Khi anh chị em cho trẻ em thấy một bức hình hoặc xem một đoạn video liên quan đến một nguyên tắc phúc âm hay câu chuyện trong thánh thư, hãy đặt ra cho các em những câu hỏi mà giúp chúng học từ những gì chúng đang thấy hoặc xem. Ví dụ, anh chị em có thể hỏi: “Điều gì đang xảy ra trong bức hình hay đoạn video này?” hoặc “Điều này khiến cho các em cảm thấy như thế nào?” Ứng dụng Thư Viện Phúc Âm là một nơi tốt để tìm kiếm hình ảnh và các đoạn video.

  • Chia sẻ kinh nghiệm. Trẻ em nhỏ tuổi có thể không có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ như các em lớn tuổi hơn nhưng nếu anh chị em cho chúng sự hướng dẫn cụ thể thì các em cũng có thể chia sẻ những cảm nghĩ và kinh nghiệm về điều chúng đang học.

  • Sáng tạo. Trẻ em có thể xây, vẽ, hoặc tô màu một thứ gì đó liên quan đến câu chuyện hay nguyên tắc chúng đang học. Hãy khuyến khích các em mang những tác phẩm của mình về nhà và chia sẻ với những người trong gia đình để giúp chúng nhớ điều đã học được.

  • Tham gia vào các bài học sử dụng đồ vật. Một bài học sử dụng đồ vật đơn giản có thể giúp trẻ em hiểu một nguyên tắc phúc âm khó hiểu. Trong những bài học sử dụng đồ vật, hãy tìm cách để cho trẻ em tham gia. Các em sẽ học hỏi được nhiều từ một kinh nghiệm tương tác hơn là chỉ xem một phần trình bày.

  • Đóng vai. Khi đóng vai trong một tình huống chúng có thể sẽ đối mặt trong cuộc sống thật, trẻ em sẽ có thể hiểu rõ hơn cách một nguyên tắc phúc âm áp dụng trong cuộc sống của chúng.

  • Lặp lại các sinh hoạt. Trẻ em nhỏ tuổi có thể cần nghe một khái niệm nhiều lần để hiểu được khái niệm đó. Đừng ngại thường xuyên lặp lại các câu chuyện hay sinh hoạt, kể cả trong cùng một bài học. Ví dụ, anh chị em có thể chia sẻ một câu chuyện trong thánh thư vài lần theo những cách khác nhau trong cùng một bài học—đọc từ thánh thư, tóm tắt theo lời riêng của anh chị em, cho xem một đoạn video, để cho trẻ em giúp anh chị em kể câu chuyện, mời chúng đóng diễn câu chuyện, và vân vân. Nếu một sinh hoạt được sử dụng ở lớp học mà cũng được lặp lại ở nhà thì sự lặp lại đó sẽ giúp trẻ em học hỏi và ghi nhớ.

  • Tương tác với người khác. Trẻ em đang phát triển những kỹ năng xã hội và thường vui thích việc học hỏi và chơi đùa với bạn bè của chúng. Hãy tạo ra những cơ hội cho các em chia sẻ, thay phiên nhau, và phối hợp với nhau trong khi học hỏi.

  • Tham gia trong nhiều sinh hoạt đa dạng. Trẻ em nhỏ tuổi thường chỉ có thể tập trung trong một khoảng thời gian ngắn và chúng có những phong cách học hỏi khác nhau. Hãy sử dụng nhiều sinh hoạt đa dạng và tập trung vào những dấu hiệu cho thấy trẻ em cần thay đổi nhịp độ. Ví dụ, anh chị em có thể cần luân phiên thường xuyên giữa những sinh hoạt tĩnh lặng và những sinh hoạt sinh động.

Một phần trong vai trò của anh chị em với tư cách là một giảng viên của trẻ em nhỏ tuổi—ngoài việc giảng dạy những nguyên tắc phúc âm—là để giúp các em học cách tham gia một cách thích hợp trong lớp học của Giáo Hội. Ví dụ, chúng có thể cần học về việc thay phiên nhau, chia sẻ, tôn trọng người khác, và vân vân. Một số giảng viên tạo ra những bảng biểu với những sự chỉ định dành cho mỗi đứa trẻ để chúng có thể tham gia một cách cụ thể trong lớp học (như dâng lời cầu nguyện, cầm hình ảnh, hoặc phát giấy). Những sự chỉ định có thể thay đổi mỗi tuần. Điều này giúp trẻ em thay phiên và tập trung vào những hành vi phù hợp với lớp học.

Trẻ em—đặc biệt là các em nhỏ tuổi—thường được lợi ích từ một lịch trình quy củ, có thể dự đoán được. Bời vì trẻ em nhỏ tuổi chỉ có thể tập trung trong một khoảng thời gian ngắn và đôi khi cảm thấy khó để tập trung trong suốt lớp học nên tốt nhất là lịch trình này nên bao gồm cả việc chuyển đổi thường xuyên từ sinh hoạt này sang sinh hoạt khác. Ví dụ, lịch trình trong lớp của anh chị em có thể bao gồm những phút nghỉ giải lao để chơi trò chơi, tô màu, ca hát, vân vân.

trẻ em đang chơi đùa với các giảng viên