Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 14–20 tháng Sáu. Giáo Lý và Giao Ước 64–66: “Chúa Đòi Hỏi Tấm Lòng Thành và Tâm Hồn Đầy Thiện Chí”


“Ngày 14–20 tháng Sáu. Giáo Lý và Giao Ước 64–66: ‘Chúa Đòi Hỏi Tấm Lòng Thành và Tâm Hồn Đầy Thiện Chí,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 14–20 tháng Sáu. Giáo Lý và Giao Ước 64–66,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2021

một cánh đồng vào lúc bình minh

Hạt Daviess, Missouri

Ngày 14–20 tháng Sáu

Giáo Lý và Giao Ước 64–66

“Chúa Đòi Hỏi Tấm Lòng Thành và Tâm Hồn Đầy Thiện Chí”

Khi chuẩn bị để giảng dạy, hãy xem xét cách mà anh chị em có thể thích ứng phương pháp của mình để phù hợp với nhu cầu của các em. Hãy nhớ rằng anh chị em có thể sử dụng bất kỳ sinh hoạt nào trong đại cương này cho các trẻ em nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Cho mỗi em một cơ hội để cầm một bức hình của Đấng Cứu Rỗi và chia sẻ một điều gì đó mà chúng đang học về Ngài và phúc âm của Ngài.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 64:9–10

Chúa Giê Su Ky Tô phán bảo tôi phải tha thứ cho người khác.

Anh chị em có thể nghĩ ra những sinh hoạt hoặc bài học với đồ vật nào mà sẽ giúp các em hiểu ý nghĩa của việc tha thứ? Khi anh chị em thảo luận về sự tha thứ, hãy nhắc cho các em nhớ rằng việc tha thứ không có nghĩa là cho phép người khác làm tổn thương chúng ta.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc cụm từ “các ngươi phải biết tha thứ cho nhau” (Giáo Lý và Giao Ước 64:9) và hỏi các em xem việc tha thứ cho một người nào đó có nghĩa là gì. Để giúp chúng hiểu, hãy chia sẻ một vài ví dụ đơn giản. Giúp các em đóng diễn các ví dụ này để thực tập việc tha thứ.

  • Đọc cho các em nghe Giáo Lý và Giao Ước 64:10 một cách chậm rãi, và bảo các em hãy bắt tay với một em khác khi chúng nghe được từ “tha thứ.” Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về sự bình an và hạnh phúc mà sẽ đến khi chúng ta tha thứ cho người khác.

  • Hát một bài hát về sự tha thứ. Bài hát này dạy cho chúng ta điều gì về việc tha thứ cho người khác?

Giáo Lý và Giao Ước 64:34

Tôi có thể vâng lời Chúa Giê Su với tấm lòng và tâm trí của mình.

Chúa đã phán dạy các Thánh Hữu rằng để xây dựng Si Ôn thì họ cần phải dâng cho Ngài tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí của họ. Suy ngẫm cách mà anh chị em có thể giúp các em bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của điều này đối với chúng.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc cho các em nghe từ Giáo Lý và Giao Ước 64:34: “Này, Chúa đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí.” Lặp lại cụm từ này một vài lần, đồng thời chỉ vào trái tim và đầu của mình khi anh chị em đọc những từ này, và mời các em làm giống như vậy. Làm cách nào chúng ta có thể dâng tấm lòng và tâm hồn của mình cho Đấng Cứu Rỗi? (Có thể hữu ích để giải thích rằng tấm lòng của chúng ta ám chỉ những cảm nghĩ và tình yêu thương, còn tâm hồn của chúng ta ám chỉ những suy nghĩ.)

  • Hát một bài hát về việc yêu thương và tuân theo Đấng Cứu Rỗi. Làm thế nào chúng ta cho Đấng Cứu Rỗi thấy rằng chúng ta yêu thương Ngài? Chia sẻ những cảm nghĩ của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô.

Giáo Lý và Giao Ước 66

Chúa biết rõ tôi là ai và Ngài yêu thương tôi.

William E. McLellin đã có năm câu hỏi cụ thể để cầu vấn Chúa. Joseph Smith đã nhận được câu trả lời cho những câu hỏi đó qua một điều mặc khải mặc dù ông không biết các câu hỏi của William là gì. Kinh nghiệm này có thể giúp anh chị em dạy các em rằng Chúa quan tâm đến chúng và có thể giải đáp các thắc mắc của chúng.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Kể về cách mà Chúa đã giải đáp những câu hỏi của William E. McLellin thông qua một điều mặc khải từ Tiên Tri Joseph Smith (xin xem tiêu đề tiết của Giáo Lý và Giao Ước 66). Làm chứng rằng Cha Thiên Thượng biết rõ chúng ta và muốn giúp đỡ chúng ta. Yêu cầu các em chia sẻ cách chúng biết rằng Thượng Đế yêu thương chúng.

  • Đọc cho các em nghe Giáo Lý và Giao Ước 66:4. Kể cho các em nghe về một lần mà Chúa đã cho anh chị em biết điều mà Ngài muốn anh chị em làm. Đọc câu này một lần nữa, và lần này lồng vào tên của một em. Lặp lại điều này với mỗi em.

    Chúa Giê Su và trẻ em

    Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương mỗi người chúng ta.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 64:7–10

Chúa muốn tôi tha thứ cho người khác.

Những câu này cho thấy rằng ngay cả những môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đôi lúc cũng gặp khó khăn để tha thứ cho nhau. Xem xét cách mà anh chị em có thể giúp các em hiểu lệnh truyền của Chúa để “tha thứ tất cả mọi người.” (Hãy nói rõ rằng việc tha thứ không có nghĩa là cho phép người khác làm tổn thương chúng ta; các em phải luôn luôn kể cho một người lớn đáng tin cậy biết nếu một ai đó làm tổn thương chúng.)

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em tưởng tượng rằng chúng được yêu cầu để dạy cho một đứa em về việc tha thứ cho người khác. Chúng sẽ làm điều đó bằng cách nào? Mời các em đọc Giáo Lý và Giao Ước 64:7–10 theo từng cặp và tìm kiếm những cụm từ để sử dụng trong việc giảng dạy của chúng. Các em cũng có thể thực tập giảng dạy lẫn nhau.

  • Cùng nhau hát “Lòng Tôi Khiêm Nhu Chúa Ơi” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 25–26). Cha Thiên Thượng giúp chúng ta tha thứ cho người khác như thế nào?

  • Hãy nghĩ về một phép so sánh mà có thể giúp các em hiểu chúng ta “bị đau khổ” như thế nào khi chúng ta không tha thứ (câu 8). Ví dụ, cho các em thấy một túi đựng bùn đất; yêu cầu chúng tưởng tượng rằng một người nào đó ném bùn lên người chúng. Việc không tha thứ cũng giống như việc giữ lại bùn đó và luôn luôn mang nó cùng với chúng ta như thế nào? Tại sao tốt hơn là chúng ta nên vứt bỏ bùn đó đi? Giúp các em nghĩ về những phép so sánh khác mà dạy về lý do tại sao việc tha thứ là quan trọng.

Giáo Lý và Giao Ước 64:33–34

Chúa đòi hỏi “tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí” của tôi.

Việc xây dựng Si Ôn—hoặc giúp Giáo Hội phát triển—là “một công việc lớn lao.” Để hoàn thành việc đó, Chúa đã đòi hỏi chúng ta phải dâng lên Ngài những tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí của mình. Những người sống ở Si Ôn đều “đồng một lòng và một trí” (Môi Se 7:18).

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cho các em thấy một số thứ được cấu thành bởi nhiều phần nhỏ, như một bộ trò chơi ghép hình hoặc một tấm thảm. Giúp chúng nghĩ đến những ví dụ khác. Mời các em đọc Giáo Lý và Giao Ước 64:33. Thượng Đế muốn chúng ta làm gì để giúp Ngài hoàn thành “công việc lớn lao” của Ngài? “Những việc nhỏ” nào mà chúng ta có thể làm để giúp hoàn thành công việc này?

  • Yêu cầu các em hoàn thành một hành động mà đòi hỏi hai vật, nhưng chỉ đưa cho chúng một trong hai vật ấy (ví dụ, việc viết lên bảng đen mà không có phấn hoặc việc cắt một tờ giấy mà không có kéo). Mời các em đọc Giáo Lý và Giao Ước 64:34 để biết được hai thứ mà Chúa đòi hỏi từ chúng ta. Tại sao chúng ta cần phải dâng cho Chúa cả tấm lòng lẫn tâm hồn của mình? Chúng ta làm điều này bằng cách nào?

Giáo Lý và Giao Ước 65

Tôi có thể giúp chuẩn bị thế gian để tiếp nhận Chúa Giê Su Ky Tô.

Sứ mệnh của Giáo Hội—vương quốc của Thượng Đế trên thế gian—là để chuẩn bị thế gian cho sự tái lâm của Đấng Cứu Rỗi. Các trẻ em mà anh chị em giảng dạy là một phần quan trọng trong sứ mệnh này. Anh chị em có thể làm gì để giúp chúng tham gia?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 65 với cả lớp hoặc theo từng cặp, và đếm xem từ “chuẩn bị” được viết xuống bao nhiêu lần. Chúa đang đòi hỏi chúng ta chuẩn bị cho điều gì? Chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị cho bản thân mình và cho thế gian?

  • Cho thấy một bức hình về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 66), và yêu cầu các em miêu tả những gì chúng thấy hoặc biết được về sự kiện này. Cho các em những từ và cụm từ then chốt để tìm kiếm trong Giáo Lý và Giao Ước 65 (chẳng hạn như “lăn cùng khắp thế gian” và ”các công việc kỳ diệu”). Những từ và cụm từ này dạy chúng ta điều gì về Ngày Tái Lâm và về vai trò của chúng ta để giúp chuẩn bị cho ngày đó?

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Giúp các em tìm kiếm một câu thánh thư trong Giáo Lý và Giao Ước 64–66 mà chúng ưa thích và muốn chia sẻ với một người trong gia đình hoặc bạn bè.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Học cách nhận biết sự mặc khải. Khi cầu nguyện và suy ngẫm về thánh thư, anh chị em sẽ thấy rằng những ý tưởng và ấn tượng có thể đến vào bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu—”trong khi anh chị em đi làm, làm công việc nhà, hoặc giao tiếp với gia đình và bạn bè” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 12).