“Những Chỉ Dẫn về Giờ Ca Hát và Phần Trình Bày của Các Em Thiếu Nhi trong Lễ Tiệc Thánh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Những Chỉ Dẫn về Giờ Ca Hát,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2021
Những Chỉ Dẫn về Giờ Ca Hát và Phần Trình Bày của Các Em Thiếu Nhi trong Lễ Tiệc Thánh
Các Chủ Tịch Đoàn Hội Thiếu Nhi và Những Người Hướng Dẫn Nhạc trong Hội Thiếu Nhi thân mến,
Các bài hát dành cho Hội Thiếu Nhi là một công cụ hữu hiệu để giúp trẻ em học về kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng cùng các lẽ thật cơ bản của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi trẻ em hát về các giáo lý phúc âm, Đức Thánh Linh sẽ làm chứng về lẽ trung thực của các giáo lý đó. Lời ca và tiếng nhạc sẽ lưu lại trong tâm trí và tấm lòng của các em trong suốt cuộc đời chúng.
Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Thánh Linh khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy phúc âm qua âm nhạc. Hãy chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về các lẽ thật mà anh chị em và các em hát lên. Hãy giúp trẻ em thấy được âm nhạc có liên quan như thế nào đến những điều chúng đang học và đang kinh nghiệm được ở nhà và trong các lớp học Hội Thiếu Nhi. Trẻ em cùng gia đình chúng sẽ được ban phước nhờ vào những nỗ lực tận tâm của anh chị em.
Chúng tôi yêu thương anh chị em và biết ơn về sự phục vụ tận tâm của anh chị em để củng cố và bảo vệ các em thiếu nhi quý báu của chúng ta.
Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi
Những Chỉ Dẫn cho Phần Trình Bày trong Lễ Tiệc Thánh
Dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ, phần trình bày của các em thiếu nhi trong lễ Tiệc Thánh thường được tổ chức trong quý thứ tư của năm. Với tư cách là chủ tịch đoàn Hội Thiếu Nhi và người hướng dẫn nhạc, hãy sắp xếp để họp sớm trong năm với vị cố vấn trong giám trợ đoàn mà phụ trách trông coi Hội Thiếu Nhi để bắt đầu thảo luận các kế hoạch cho phần trình bày này. Khi anh chị em đã hoàn tất các kế hoạch cho phần trình bày, hãy xin ý kiến chấp thuận cho các kế hoạch từ vị cố vấn này.
Phần trình bày nên cho phép trẻ em bày tỏ những điều chúng cùng gia đình chúng đã học được về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô từ Giáo Lý và Giao Ước ở nhà và trong Hội Thiếu Nhi, bao gồm các bài hát dành cho Hội Thiếu Nhi mà chúng đã hát trong suốt cả năm. Hãy thành tâm cân nhắc xem những nguyên tắc phúc âm và bài hát nào hỗ trợ cho những điều các em đã học được. Trong suốt cả năm, hãy ghi chép lại về các bài nói chuyện và những kinh nghiệm riêng của trẻ em để có thể sử dụng trong phần trình bày. Mời các em chia sẻ thánh thư, các câu chuyện, và chứng ngôn của chúng về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài trong phần trình bày này. Khi anh chị em hoạch định, hãy nghĩ về những cách mà phần trình bày có thể giúp giáo đoàn tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và những lẽ thật mà Ngài đã phục hồi trong những ngày sau cùng.
Các đơn vị có ít trẻ em có thể cân nhắc những cách thức mà cho phép gia đình có thể tham gia cùng với con cái của họ. Một thành viên trong giám trợ đoàn có thể kết thúc buổi họp với những lời nhận xét ngắn gọn.
Trong khi anh chị em chuẩn bị cho phần trình bày này, hãy ghi nhớ những chỉ dẫn sau đây:
-
Những buổi tập dượt không nên làm mất thời giờ của lớp học Hội Thiếu Nhi hay gia đình một cách không cần thiết.
-
Những phần trình bày có sử dụng các đồ vật trực quan, trang phục hóa trang, và thiết bị truyền thông đều không phù hợp cho lễ Tiệc Thánh.
Xin xem Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội, mục 11.5.3, ChurchofJesusChrist.org.
Những Chỉ Dẫn về Giờ Ca Hát
5 phút (Chủ tịch đoàn Hội Thiếu Nhi): Lời cầu nguyện mở đầu, câu thánh thư hoặc tín điều, và một bài nói chuyện
20 phút (người hướng dẫn nhạc): Giờ ca hát
Mục đích của giờ ca hát là để giúp các em gia tăng đức tin của chúng nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô qua âm nhạc. Chủ tịch đoàn Hội Thiếu Nhi và người hướng dẫn nhạc nên nhớ đến mục đích này khi chọn ra những bài hát cho mỗi tháng. Các bài hát nên củng cố những nguyên tắc mà các em đang học hỏi về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong lớp học và ở nhà chúng. Một danh sách các bài hát để củng cố các nguyên tắc này được gồm vào trong tài liệu hướng dẫn này. Các bài hát này cũng được đề nghị trong các đề cương trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Khi anh chị em dạy các bài hát cho các em thiếu nhi, hãy mời chúng chia sẻ điều chúng đã từng học về các câu chuyện và các nguyên tắc giáo lý mà các bài ca đó dạy. Anh chị em có thể muốn xem lại đại cương trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi mà các em đang học trong lớp. Việc này sẽ giúp anh chị em biết được các câu chuyện và nguyên tắc mà chúng đang học để anh chị em có thể suy ngẫm cách hỗ trợ việc học tập của chúng bằng âm nhạc.
Trong giờ ca hát, anh chị em cũng có thể ôn lại các bài hát mà các em đã học trước đó và các bài hát mà chúng thích hát. Khi ôn lại, hãy mời các em chia sẻ những suy nghĩ và cảm nghĩ của chúng về các lẽ thật được tìm thấy trong các bài hát đó.
Sách Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi là tài liệu cơ bản cho phần âm nhạc trong Hội Thiếu Nhi. Các bài thánh ca từ sách thánh ca và các bài hát trong tạp chí Liahona cũng thích hợp. Đôi khi, các em có thể hát các bài hát yêu nước hoặc bài hát ngày lễ mà phù hợp trong ngày Chủ Nhật và với lứa tuổi của các em. Việc sử dụng bất cứ loại hình âm nhạc nào khác trong Hội Thiếu Nhi phải được giám trợ đoàn chấp thuận (xin xem Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội, mục 11.2.4).
Tổng Quan về Hội Thiếu Nhi
Mỗi tuần, Hội Thiếu Nhi gồm có:
-
Giờ ca hát:25 phút
-
Chuyển tiếp:5 phút
-
Lớp Học:20 phút
Những người lãnh đạo của Hội Thiếu Nhi mà có đông trẻ em có thể chia các em thành hai nhóm và một nhóm học trong các lớp học Hội Thiếu Nhi trong khi nhóm còn lại thì học giờ ca hát. Sau đó hai nhóm sẽ đổi chỗ cho nhau. Trong những trường hợp như vậy, các vị lãnh đạo Hội Thiếu Nhi có thể cần phải điều chỉnh thời gian biểu ở trên cho phù hợp với hoàn cảnh trong đơn vị.
Âm Nhạc cho Giờ Ca Hát
Tháng Một
-
“Lời Cầu Nguyện Đầu Tiên của Giô Sép Xi Mích,” Thánh Ca Và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 14
Tháng Hai
-
“Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , trang 50
-
“Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 22
Tháng Ba
Tháng Tư
-
“Ngài Phục Sinh,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 55
-
“Lòng Nhân Nên Khởi Từ Tôi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi trang 63
Tháng Năm
-
“Hãy Làm Điều Tốt” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 34
-
“Dám Làm Điều Tốt”,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 64
Tháng Sáu
Tháng Bảy
-
“Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 38
-
“Hãy Làm Điều Tốt” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 34
-
“Tôi Suy Ngẫm Khi Đọc Câu Chuyện Hay Đó,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 60
Tháng Tám
-
“Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , trang 50
-
“Thánh Linh của Thượng Đế,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , trang 28
-
““Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58
Tháng Chín
Tháng Mười
-
“Thánh Linh của Thượng Đế,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , trang 28
Tháng Mười Một
-
“Giờ Có Mến Yêu Trong Nhà Tôi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , trang 44
-
“Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 50–51
Tháng Mười Hai
-
“Nơi Xa, Xa Lắm Trên Đất Giu Đê,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , trang 52
-
“Đêm Thanh Bình! ,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi , trang 53
Sử Dụng Âm Nhạc để Giảng Dạy Giáo Lý
Hãy nhớ rằng mục đích của giờ ca hát không chỉ là để dạy các em cách hát, mà còn nhằm sử dụng âm nhạc để giúp gia tăng đức tin của chúng nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Những ý tưởng sau đây có thể truyền cảm hứng cho anh chị em trong khi hoạch định những cách thức để thực hiện điều này.
Học hỏi về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Mời các em chia sẻ điều mà chúng học được về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ những bài hát mà chúng hát. Mời các em chia sẻ lời bài hát mà chúng yêu thích mà miêu tả Thượng Đế và Đấng Cứu Rỗi.
Đọc các câu thánh thư có liên quan. Nhiều bài hát trong tài liệu Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi có liệt kê những phần tham khảo cho các câu thánh thư liên quan. Giúp các em đọc một đoạn thánh thư, và thảo luận xem đoạn thánh thư đó có liên quan đến bài hát mà chúng đang hát như thế nào. Anh chị em cũng có thể liệt kê một vài câu thánh thư tham khảo lên trên bảng và mời trẻ em ghép mỗi câu tham khảo đó với một bài hát hoặc một câu nhạc trong bài hát.
Điền vào chỗ trống. Viết một câu của bài hát lên trên bảng mà thiếu đi vài từ chủ yếu. Sau đó, yêu cầu trẻ em hát bài hát đó và lắng nghe các từ để điền vào chỗ trống. Khi chúng điền vào mỗi chỗ trống, hãy thảo luận các nguyên tắc phúc âm nào mà anh chị em và các em học được từ các từ bị thiếu đó.
Những lời trích dẫn từ các vị lãnh đạo Giáo Hội. Mời trẻ em lắng nghe một lời trích dẫn từ một vị lãnh đạo Giáo Hội mà cũng giảng dạy nguyên tắc phúc âm trong bài hát dành cho Hội Thiếu Nhi. Yêu cầu các em giơ tay lên khi chúng nghe thấy một điều gì đó mà giúp chúng hiểu được lẽ thật trong bài hát chúng đang hát. Yêu cầu các em chia sẻ điều chúng đã nghe thấy.
Làm chứng. Chia sẻ chứng ngôn ngắn gọn với trẻ em về các lẽ thật phúc âm trong bài hát dành cho Hội Thiếu Nhi đó. Hãy giúp các em hiểu rằng ca hát là một cách chúng có thể chia sẻ chứng ngôn và cảm nhận Thánh Linh.
Đứng lên làm nhân chứng. Mời các em thay phiên nhau đứng lên và chia sẻ những điều chúng học được từ bài hát chúng đang hát hoặc cảm nghĩ của chúng về các lẽ thật được dạy trong bài hát đó. Hãy hỏi xem các em cảm thấy như thế nào khi hát bài hát đó và giúp chúng nhận ra ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.
Sử dụng hình ảnh. Yêu cầu các em giúp anh chị em tìm kiếm những hình ảnh hoặc tạo ra những bức tranh phù hợp với các từ hay cụm từ quan trọng trong bài hát. Mời các em chia sẻ xem những bức hình này có liên quan đến bài hát đó như thế nào và những điều mà bài hát đó dạy. Yêu cầu các em thu thập các bức hình lại và giơ chúng lên theo đúng thứ tự trong khi anh chị em và chúng cùng nhau hát bài này.
Chia sẻ một bài học sử dụng đồ vật. Anh chị em có thể sử dụng một đồ vật để soi dẫn phần thảo luận về một bài hát. Ví dụ, khi chia sẻ một bài hát về phép báp têm, anh chị em có thể cho các em thấy một bức hình mưa rơi hoặc một ly nước và nói về cách mà phép báp têm và Đức Thánh Linh thanh tẩy linh hồn của chúng ta giống như nước mưa làm sạch trái đất; điều này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về các phước lành của việc chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh.
Mời chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân. Hãy giúp các em liên kết các nguyên tắc được giảng dạy trong bài hát với kinh nghiệm chúng đã có với các nguyên tắc đó. Ví dụ, trước khi hát một bài hát về đền thờ, anh chị em có thể yêu cầu các em giơ tay lên nếu chúng đã từng thấy một ngôi đền thờ. Trong khi các em hát, hãy mời chúng nghĩ về cảm nghĩ của chúng khi thấy một ngôi đền thờ.
Đặt câu hỏi. Có nhiều câu hỏi anh chị em có thể đặt ra khi các em hát. Ví dụ, anh chị em có thể hỏi các em xem chúng học được điều gì từ mỗi câu trong bài hát. Anh chị em cũng có thể yêu cầu chúng nghĩ về các câu hỏi mà bài hát đó giải đáp. Điều này có thể dẫn tới một cuộc thảo luận về các lẽ thật đã được dạy trong bài hát.
Lắng nghe các câu trả lời. Hãy nghĩ về một vài câu hỏi mà có thể được giải đáp bởi lời của bài hát mà các em sắp hát. Hỏi các em những câu hỏi đó và sau đó yêu cầu chúng lắng nghe để tìm câu trả lời khi chúng hát.
Giúp Trẻ Em Học và Nhớ Các Bài Hát Dành Cho Thiếu Nhi
Trẻ em học một bài hát bằng cách lắng nghe và hát đi hát lại bài hát đó. Hãy luôn luôn hát lời của một bài mới cho các em nghe—đừng chỉ đọc hoặc đọc thuộc lòng lời bài hát. Việc này giúp các em liên kết giai điệu với lời ca. Sau khi đã dạy xong một bài hát, hãy ôn lại bài hát đó bằng nhiều cách thức thú vị khác nhau trong suốt cả năm. Dưới đây là một vài ý kiến để giúp trẻ em học và ôn lại các bài hát.
Mô phỏng cao độ của bài hát. Để giúp trẻ em học giai điệu của một bài hát, hãy cho thấy độ cao thấp trong âm điệu bằng cách đặt bàn tay nằm ngang và di chuyển bàn tay lên để biểu thị các nốt cao hơn và hạ xuống để biểu thị các nốt thấp hơn.
Hát theo. Mời các em hát theo anh chị em bằng cách lặp lại lời anh chị em hát. Hãy hát cho các em một câu ngắn hay một dòng của bài hát, rồi yêu cầu chúng hát lại cho anh chị em.
Biến tấu. Hãy hát các bài hát theo nhiều kiểu khác nhau, chẳng hạn như thì thầm, ngâm nga, vỗ tay theo nhịp, thay đổi nhịp độ, hoặc hát trong khi ngồi hoặc đứng. Anh chị em cũng có thể làm một khối vuông bằng giấy, và trên mỗi mặt của khối vuông, hãy viết xuống một cách hát khác nhau. Mời một em thiếu nhi lăn khối vuông để quyết định xem chúng sẽ hát bài hát như thế nào.
Hát theo nhóm. Đưa cho mỗi lớp học hoặc mỗi em thiếu nhi một câu để hát trong khi đứng, rồi cho chúng trao đổi các câu của bài hát với nhau cho đến khi mỗi lớp học hoặc mỗi em đều đã có lượt để hát mỗi câu.
Sử dụng những động tác. Mời trẻ em nghĩ về các động tác tay đơn giản để giúp chúng ghi nhớ lời và những thông điệp của một bài hát.
Các em gái hát, các em trai hát. Vẽ hình của một em trai và hình của một em gái. Trong khi ôn lại một bài hát, hãy giơ lên một trong các bức hình để ra dấu cho các em biết ai cần phải hát phần đó của bài hát.
Ném vào giỏ. Đặt các cái giỏ hoặc hộp đựng đã được đánh số ở phía trước phòng—số lượng giỏ hoặc hộp bằng với số câu nhạc trong một bài hát nhất định. Mời một em ném một túi đậu hoặc mảnh giấy đã vo tròn vào hoặc gần một cái hộp được đánh số. Yêu cầu các em hát câu có cùng số với hộp đó.
Ghép hình với cụm từ. Viết mỗi dòng nhạc của một bài hát lên trên một mảnh giấy riêng và tìm một bức hình tượng trưng cho mỗi dòng nhạc. Đặt các bức hình ở một phía của căn phòng và những mảnh giấy ở phía kia của căn phòng. Hãy hát bài đó và yêu cầu trẻ em ghép các bức hình với lời nhạc.
Tạo ra các tấm bích chương. Trưng bày các tấm bích chương có các từ được lấy từ mỗi câu hát hoặc hình ảnh tượng trưng cho các từ đó. Khi các em hát, hãy che đi một vài từ hoặc bức hình cho đến khi chúng có thể hát toàn bộ câu mà không cần tấm bích chương đó nữa. Anh chị em cũng có thể mời trẻ em giúp anh chị em tạo ra các tấm bích chương.