Lớp Giáo Lý
Bài Học 134—Thiết Lập Nauvoo: Thành Phố Xinh Đẹp


“Bài Học 134—Thiết Lập Nauvoo: Thành Phố Xinh Đẹp,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Thiết Lập Nauvoo,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 134: Giáo Lý và Giao Ước 124

Thiết Lập Nauvoo

Thành Phố Xinh Đẹp

Sau khi Các Thánh Hữu bị đuổi khỏi Missouri, họ đã biến vùng đầm lầy bên Sông Mississippi thành một thành phố phát đạt. Nauvoo, Illinois, đã trở thành một nơi xinh đẹp và được dùng làm trụ sở của Giáo Hội từ năm 1839 đến năm 1846. Bài học này có thể giúp học viên vận dụng thánh thư và các câu chuyện lịch sử Giáo Hội cho bản thân các em.

Hình Ảnh
tranh vẽ Nauvoo

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Áp dụng cho chúng ta

Hãy mời học viên suy ngẫm xem có bao nhiêu lần các em học được các lẽ thật trong Giáo Lý và Giao Ước và trong lịch sử Giáo Hội mà có liên quan đến mình.

Ở một phía của căn phòng, hãy cân nhắc trưng ra một quyển Giáo Lý và Giao Ước hoặc một bức hình của Tiên Tri Joseph Smith tượng trưng cho thời kỳ của Các Thánh Hữu thời kỳ đầu. Mời một học viên đứng ở phía bên kia phòng để tượng trưng cho thời kỳ của chúng ta. Chỉ ra không gian giữa thời kỳ của Joseph Smith và thời hiện tại, và đặt ra những câu hỏi sau đây.

  • Trong những phương diện nào có thể khó cho chúng ta để hiểu Joseph Smith và Các Thánh Hữu thời kỳ đầu?

  • Khi học Giáo Lý và Giao Ước, lịch sử Giáo Hội, các em làm những gì để hiểu được Joseph Smith và Các Thánh Hữu thời kỳ đầu hoặc để vận dụng những gì học được cho bản thân mình?

Hãy viết những câu trả lời của học viên cho câu hỏi này lên trên bảng. Nếu học viên không đề cập đến bốn nguyên tắc này, thì cũng hãy cân nhắc việc viết các nguyên tắc này lên trên bảng. Học viên sẽ sử dụng các nguyên tắc này trong suốt bài học.

  1. Tìm các chi tiết quan trọng.

  2. So sánh với cuộc sống của các em.

  3. Khám phá những bài học quý giá.

  4. Xác định cách áp dụng cho cá nhân.

Hãy mời học viên suy ngẫm về điều các em cần được Chúa giúp đỡ nhất ngay bây giờ trong cuộc sống của mình.

Khuyến khích các em tìm kiếm sự hướng dẫn và giúp đỡ từ Thượng Đế về vấn đề này khi các em học về Các Thánh Hữu ở Nauvoo. Hãy làm chứng rằng Thượng Đế có thể đáp ứng cho các em qua Đức Thánh Linh.

Tài liệu sau đây nhằm hướng dẫn kỹ năng so sánh và chuẩn bị cho học viên để tự mình thực hành.

Bước 1: Tìm các chi tiết quan trọng

Để luyện tập bước này, hãy mời học viên lắng nghe các chi tiết quan trọng khi anh chị em đọc hoặc khi một học viên đọc to thông tin sau đây:

Trong khi Tiên Tri Joseph Smith đang ở trong Ngục Thất Liberty, hàng ngàn Thánh Hữu bị đuổi ra khỏi nhà của họ ở Missouri. Sau khi được thả, Joseph đã đoàn tụ với gia đình mình cùng gần 5.000 người tị nạn khác từ Missouri là những người đã được những người tử tế ở Quincy, Illinois thu nhận.

Chúa chỉ thị cho Các Thánh Hữu mua và quy tụ tại vùng đầm lầy rẻ tiền gần bờ Sông Missouri. Họ phải sống trong các lều trại và xe kéo trong khi bắt đầu xây cất một thành phố mà về sau họ gọi là Nauvoo. Muỗi khiến cho nhiều Thánh Hữu bị bệnh sốt rét, gây ra những cơn sốt nặng cùng những cơn ớn lạnh, và nhiều người đã chết.

  • Những chi tiết nào trong câu chuyện này dường như quan trọng đối với các em?

Bước 2: So sánh với cuộc sống của em

Mời học viên luyện tập bước thứ hai bằng cách trả lời câu hỏi sau đây, ghi nhớ các chi tiết quan trọng từ bước 1.

  • Mặc dù hoàn cảnh của chúng ta có thể khác biệt nhưng có những cách nào để giúp chúng ta liên hệ những việc đang xảy ra với các Thánh Hữu bấy giờ với cuộc sống hiện tại của chúng ta không?

    Một số câu trả lời có thể là cảm giác như chúng ta đã hoàn tất một thử thách chỉ để gặp một thử thách khác, chuyển đến một nơi mới hoặc làm lại từ đầu, sống trong điều kiện khó khăn, hoặc mắc bệnh nặng.

  • Các em làm gì để cho thấy đức tin nơi Chúa trong những tình huống thế này?

Bước 3: Tìm hiểu những bài học quý giá

Hãy mời học viên tìm kiếm các bài học quý giá khi các em làm những điều sau đây: Giải thích rằng vào ngày 22 tháng Bảy năm 1839, Joseph Smith và những người khác đã đi từ nhà này sang nhà khác và từ lều này sang lều khác, để chữa cho những người mắc bệnh. Sau đó giải thích rằng họ đến thăm một người tên là Elijah Fordham. Ông bệnh nặng đến nỗi vợ ông, Anna, đang khóc lóc và chuẩn bị quần áo để chôn cất ông. Hãy mời một học viên đọc to phần sau đây:

Joseph đến gần Elijah và nắm lấy tay ông. Ông hỏi: “Anh Fordham, anh không có đức tin để được chữa lành sao?”

Ông ấy nói: “Tôi e là đã quá trễ”.

“Anh không tin Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô hay sao?”

“Tôi tin, thưa Anh Joseph.”

Vị tiên tri nói: “Elijah, trong danh Chúa Giê Su ở Na Xa Rét, tôi truyền lệnh cho anh hãy đứng lên và trở thành một người lành lặn.”

Những lời đó dường như làm rung chuyển căn nhà. Elijah bật dậy khỏi giường, gương mặt ông tươi tỉnh trở lại. Ông mặc quần áo, đòi được ăn, và theo Joseph ra ngoài để giúp phục vụ nhiều người khác. (Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 [năm 2018], trang 402–403)

Hãy đọc ít nhất hai trong số các đoạn sau đây, tìm kiếm những điểm tương đồng giữa điều Đấng Cứu Rỗi đã làm hoặc đã mặc khải với câu chuyện ở trên: Ma Thi Ơ 4:23; 1 Nê Phi 11:31; Giáo Lý và Giao Ước 42:44; 66:9; 84:68.

  • Các em đã học được bài học nào từ các câu thánh thư này và từ Các Thánh Hữu ở Nauvoo?

Liệt kê các câu trả lời của học viên lên trên bảng. Một ví dụ là qua đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của chức tư tế của Ngài, Thượng Đế có thể ban phước và củng cố chúng ta.

Để giúp học viên hiểu được nguyên tắc này, hãy cân nhắc việc đặt ra thêm những câu hỏi như “Lẽ thật này dạy chúng ta điều gì về Chúa?” “Các em có những kinh nghiệm nào mà xác nhận cho nguyên tắc này trong cuộc sống của các em?” và “Ngoài việc chữa lành cho chúng ta thì còn có những cách nào khác mà Chúa có thể củng cố và ban phước cho chúng ta?” Hãy cân nhắc hỏi xem học viên có bất kỳ câu hỏi nào về nguyên tắc này không. Nếu có, hãy thảo luận chúng với cả lớp.

Giải thích điều sau đây:

Dù ngày hôm đó họ được chữa lành, nhưng bệnh tật vẫn tiếp diễn giữa Các Thánh Hữu trong vài tháng kế tiếp. Tuy nhiên, họ tiếp tục chăm sóc lẫn nhau và thực hành đức tin nơi Chúa. Họ đào những cái mương để dẫn nước từ các đầm lầy ra sông, làm cho vùng đất này trở nên có ích hơn và giảm bớt muỗi. Họ đã xây dựng một cộng đồng phát triển và cuối cùng là Đền Thờ Nauvoo.

Bước 4: Xác định cách áp dụng cho cá nhân

Tại bước này, hãy mời học viên chia sẻ một số cách thức các em có thể áp dụng các lẽ thật mà các em đã học được. Những câu trả lời của các em có thể gồm có những cách các em có thể thực hành đức tin nơi Chúa, kể cả việc cầu xin các phước lành của chức tư tế.

Các bài học bổ sung

Để tiếp tục tập vận dụng thánh thư và lịch sử Giáo Hội cho bản thân mình, học viên có thể làm các sinh hoạt trên tờ giấy “Áp Dụng Lịch Sử Giáo Hội cho Bản Thân Chúng Ta.” Học viên có thể hoàn thành các sinh hoạt này một mình hoặc theo nhóm nhỏ. Mời học viên viết xuống điều các em đã làm cho mỗi bước trong số bốn bước.

Áp Dụng Lịch Sử Giáo Hội cho Bản Thân Chúng Ta

Sinh hoạt A

Rao giảng phúc âm

Tiên Tri Joseph Smith đã viết: “Sự ngược đãi đã không ngăn chặn sự tiến triển của lẽ thật” (History of the Church, 4:540). Trước đây, Chúa đã kêu gọi nhiều thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ để phục vụ truyền giáo ở nước ngoài. Mặc cho bệnh tật và khó khăn, Các Vị Sứ Đồ đầy quyết tâm này đã vâng lời khi rời Nauvoo để lên đường phục vụ. Kết quả là, hàng ngàn người—chủ yếu là từ nước Anh—đã nhận được lời chứng từ Thượng Đế, gia nhập Giáo Hội, và hành trình đến Nauvoo. Họ trở thành một sức mạnh lớn lao cho Giáo Hội.

Hãy đọc 1 Nê Phi 3:7Giáo Lý và Giao Ước 3:1, và xem những câu này có thể liên quan đến ví dụ này về công việc truyền giáo như thế nào.

Sinh hoạt B

Thành lập Hội Phụ Nữ

Trong khi Các Thánh Hữu đang xây cất Đền Thờ Nauvoo, một vài chị em phụ nữ nhận thấy rằng nhiều người đàn ông đang xây cất đền thờ mà không có đủ giày và quần áo. Được Chúa soi dẫn, họ tổ chức một nhóm các chị em phụ nữ và bắt đầu cùng nhau làm việc để cung cấp những bộ y phục này. Giống như các nhóm tương tự trong thời kỳ đó, họ đã soạn thảo một bản hiến pháp. Họ đã trình hiến pháp này cho Joseph Smith để ông chấp thuận.

[Khi] Joseph [thấy bản hiến pháp, ông] nói rằng đó là bản hiến pháp hay nhất trong số các hiến pháp. Nhưng rồi ông nói: “Đây không phải là điều mà các chị em muốn”. “Hãy nói cho các chị em phụ nữ biết rằng lời đề nghị của họ đã được Chúa chấp thuận, và Ngài có một điều gì đó tốt cho họ hơn. … Tôi sẽ tổ chức các phụ nữ dưới sự hướng dẫn của chức tư tế đúng theo mẫu mực của chức tư tế.” (Saints, 1:448)

Vào ngày 17 tháng Ba năm 1842, Thượng Đế đã chỉ dẫn cho Joseph Smith tổ chức Hội Phụ Nữ. Thượng Đế tiếp tục soi dẫn những người lãnh đạo Hội Phụ Nữ ngày nay để phục vụ và củng cố các tín hữu của Giáo Hội và vô số những người khác.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 58:26–28, tìm kiếm xem những câu này có thể liên quan như thế nào đến các chị em phụ nữ được soi dẫn để những hành động của họ đưa đến việc thành lập Hội Phụ Nữ.

Sau khi học viên đã hoàn tất việc nghiên cứu, hãy mời các em chia sẻ cách áp dụng điều các em đã học được vào cuộc sống.

Một số ví dụ về các lẽ thật các em có thể nhận ra gồm có những điều sau đây: Chúa chuẩn bị một cách thức cho chúng ta hoàn thành điều Ngài truyền lệnh. Công việc của Thượng Đế không thể bị thất bại. Thượng Đế tưởng thưởng cho những người tích cực tìm cách mang lại sự ngay chính.

  • Các em đã học được điều gì từ kinh nghiệm này?

  • Việc vận dụng thánh thư và các câu chuyện lịch sử Giáo Hội vào cuộc sống có thể giúp đỡ các em như thế nào trong tương lai?

In