Lớp Giáo Lý
Lời Giới Thiệu Sách Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý


“Lời Giới Thiệu Sách Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Lời Giới Thiệu”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Lời Giới Thiệu Sách Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Hình Ảnh
em giới trẻ đang đứng trước lớp học

Mục tiêu của Lớp Giáo Lý và Học Viện Tôn Giáo là “nhằm giúp giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi gia tăng sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài, hội đủ điều kiện để nhận được các phước lành của đền thờ, cũng như chuẩn bị cho bản thân họ, gia đình họ và những người khác nhận được cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng” (“Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý” [năm 2022], ChurchofJesusChrist.org).

Để giúp đạt được mục tiêu này, sách này cung cấp cho học viên nhiều kinh nghiệm học tập đa dạng qua hai loại bài học khác nhau: các bài học về sách Giáo Lý và Giao Ước, và các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống. Các bài học về sách Giáo Lý và Giao Ước tương ứng với các đoạn thánh thư được nhấn mạnh mỗi tuần trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Giáo Lý và Giao Ước năm 2025. Các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống giúp học viên học cách nhận được sức mạnh từ Chúa Giê Su Ky Tô và áp dụng những lời dạy của Ngài để chuẩn bị cho những thử thách trong cuộc sống.

Bằng cách sử dụng những đề nghị giảng dạy có trong hai loại bài học này và tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, anh chị em có thể giúp học viên nhận được quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong nhiều khía cạnh của cuộc sống của các em—bao gồm thuộc linh, xã hội, trí tuệ và thể chất. Anh chị em cũng sẽ giúp các em chuẩn bị cho tương lai của các em với đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Sách hướng dẫn dành cho giảng viên này hiện có trong Thư Viện Phúc Âm trực tuyến tại ChurchofJesusChrist.org, tại đây anh chị em cũng có thể tải xuống bản PDF của sách. Sách cũng có trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Nếu anh chị em muốn sử dụng sách dưới dạng bản in, xin hãy yêu cầu điều phối viên hoặc quản trị viên chương trình tại địa phương của anh chị em.

Các Công Cụ Giúp Anh Chị Em Chuẩn Bị Giảng Dạy

Bất kể anh chị em đang dạy loại bài học nào, cũng đều cần một vài công cụ để giúp anh chị em chuẩn bị.

Thánh Thư

Việc học theo các nhóm câu thánh thư trong Hãy Đến Mà Theo Ta là một cách quan trọng để chuẩn bị giảng dạy cho học viên. Những bài học trong sách này cần một giảng viên được soi dẫn, là người thường xuyên nghiên cứu thánh thư và tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Khi thường xuyên học thánh thư, anh chị em có thể tin tưởng rằng Cha Thiên Thượng sẽ soi dẫn cho anh chị em qua Thánh Linh của Ngài về cách điều chỉnh những tài liệu này cho phù hợp với nhu cầu của học viên.

Khái Quát

Một nội dung khái quát được đưa ra ở đầu mỗi tuần của các bài học về sách Giáo Lý và Giao Ước và ở đầu mỗi phạm trù của các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống. Các phần khái quát này cung cấp thông tin cụ thể về bài học để giúp anh chị em chuẩn bị giảng dạy, gồm có:

  • Mục đích của bài học

  • Các ý tưởng cho phần học viên chuẩn bị

  • Danh sách các bài học sử dụng đồ vật minh họa, tài liệu phát tay, hình ảnh, video hoặc các tài liệu khác có thể cần được chuẩn bị trước

Việc xem lại phần khái quát trước khi giảng dạy các bài học tương ứng có thể giúp anh chị em quyết định trước tài liệu nào cần chuẩn bị.

Hãy tìm nội dung khái quát hằng tuần cho tuần tiếp theo của các bài học mà anh chị em sẽ dạy.

  • Anh chị em nhận thấy thông tin nào ở đây là hữu ích để biết trước?

  • Anh chị em có thể sử dụng thông tin này như thế nào khi chuẩn bị giảng dạy?

Những Lời Khuyên về Cách Giảng Dạy

Mỗi phần khái quát trước khi dạy các bài học về sách Giáo Lý và Giao Ước đều có lời khuyên về cách giảng dạy, giải thích phương pháp thực hành hoặc các nguyên tắc được đề nghị từ tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và ở Nhà Thờ. Những lời khuyên này được đánh dấu bằng biểu tượng: . Khi anh chị em cảm thấy đã sẵn sàng, hãy thử thực hiện những phương pháp thực hành và nguyên tắc này trong khi giảng dạy. Anh chị em sẽ nhận thấy rằng việc kết hợp những gợi ý này có thể giúp cải thiện khả năng giảng dạy của mình.

Lời khuyên về cách giảng dạy trong mỗi phần khái quát sẽ hướng anh chị em đến một bài học trong đó có phần làm mẫu của phương pháp thực hành hoặc nguyên tắc được đề nghị. Hãy xem biểu tượng huấn luyện trong bài học đó để tìm ví dụ về lời khuyên được làm mẫu. Những trợ giúp này cũng hướng anh chị em đến Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên mà có thể giúp anh chị em tìm hiểu thêm về các phương pháp giảng dạy hoặc các nguyên tắc đang được nhấn mạnh. Nếu thời gian và khả năng của anh chị em cho phép, hãy cân nhắc việc sử dụng các buổi huấn luyện này như là một phần chuẩn bị bài học của mình.

Xem lại lời khuyên về cách giảng dạy trong phần khái quát cho nội dung mà anh chị em sẽ giảng dạy sắp tới. Anh chị em có thể thử thực hiện gợi ý này trong bài học sắp tới bằng cách nào?

Những Đề Nghị về Tiến Độ Giảng Dạy

Phần khái quát về mỗi nhóm bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống bao gồm những đề nghị về tiến độ giảng dạy. Những đề nghị này cung cấp ý kiến về khi nào các bài học này có thể được kết hợp theo tiến độ giảng dạy. Các điều phối viên và quản trị viên chương trình có thể sử dụng những đề nghị này khi họ lập tiến độ giảng dạy.

Học Viên Chuẩn Bị

Mỗi phần khái quát cũng bao gồm những đề nghị nhằm giúp học viên chuẩn bị tâm trí và tấm lòng cho mỗi bài học. Anh chị em có thể xem qua những ý tưởng này vào đầu tuần và thành tâm quyết định xem anh chị em cảm thấy ý tưởng nào sẽ giúp ích tốt nhất cho học viên của mình. Anh chị em không cần phải sử dụng hết mọi đề nghị trong phần học viên chuẩn bị. Anh chị em có thể điều chỉnh những gợi ý đó hoặc tạo ra những ý tưởng của riêng mình. Nhiều gợi ý trong số này được thiết kế để cho học viên biết trước một ngày hoặc sớm hơn trước khi buổi học diễn ra.

Xem lại các ý tưởng trong phần học viên chuẩn bị trong phần khái quát cho các bài học của tuần học sắp tới mà anh chị em sẽ dạy. Cân nhắc xem những ý tưởng nào anh chị em sẽ sử dụng, điều chỉnh hay không sử dụng. Nếu anh chị em quyết định mời học viên của mình chuẩn bị, thì anh chị em sẽ chia sẻ ý tưởng chuẩn bị đó với các em bằng cách nào? Anh chị em có thể chia sẻ ý tưởng này bằng lời nói hoặc đưa ra ý tưởng đó vào cuối buổi học trước. Hoặc, nếu thích hợp, hãy gửi nó qua email hoặc ứng dụng nhắn tin.

Hướng Dẫn Giảng Dạy

Trong mỗi bài học, anh chị em sẽ thấy các ô chứa những hướng dẫn dành cho giảng viên. Những hướng dẫn giảng dạy được thiết kế để giúp anh chị em chuẩn bị giảng dạy. Những hướng dẫn này có thể giúp anh chị em biết cách sử dụng các sinh hoạt học tập được đề nghị trong bài học. Những hướng dẫn này có thể giải thích cho mục đích của các sinh hoạt trong bài học hoặc đưa ra các gợi ý về cách điều chỉnh nội dung của bài học để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học viên. Những gợi ý này có thể bao gồm các cách tiếp cận, câu hỏi hoặc sinh hoạt thay thế giúp anh chị em điều chỉnh nội dung và các sinh hoạt khi cần thiết.

Hãy xem lại một số hướng dẫn giảng dạy trong một bài học mà anh chị em sẽ sớm dạy. Anh chị em có thể thực hiện những điều chỉnh nào dựa trên các hướng dẫn giảng dạy mà anh chị em tìm thấy?

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Mỗi bài học đều có ý tưởng về những cách khả thi giúp anh chị em tạo ra kinh nghiệm học tập ý nghĩa. Anh chị em không cần phải sử dụng tất cả các sinh hoạt học tập được gợi ý trong các bài học mà mình giảng dạy.

Để học viên có kinh nghiệm tốt nhất có thể, anh chị em nên sử dụng nội dung trong phần này như một hướng dẫn thay vì một kịch bản. Nếu anh chị em mới bắt đầu làm giảng viên lớp giáo lý, thì có thể tốt nhất là hãy bắt đầu bằng cách làm đúng như các sinh hoạt học tập được gợi ý. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn, anh chị em sẽ có khả năng tốt hơn để điều chỉnh nội dung của sách này nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của học viên.

Nhiều sinh hoạt học tập được đề nghị sẽ mời các học viên hoàn thành chúng trong nhật ký học tập. Một bản PDF của nhật ký học tập mà học viên có thể sử dụng có sẵn tại ChurchofJesusChrist.org/si/seminary/manuals. Xin hãy liên lạc với điều phối viên hoặc quản trị viên chương trình để nhận các bản in của quyển nhật ký này cho lớp học của anh chị em, nếu muốn.

Để được trợ giúp về cách để cân bằng việc kết hợp các sinh hoạt học tập được đề nghị với việc điều chỉnh các tài liệu giảng dạy nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học viên, xin xem “Áp Dụng rồi Điều Chỉnh phần Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý” trong Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý (năm 2025). Có thể là hiệu quả nhất khi hoàn tất chương trình huấn luyện này trong vòng vài tuần đầu tiên của năm.

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Hầu hết các bài học đều có phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” ở cuối bài học. Phần này bao gồm các thông tin có thể giúp cho việc học tập chuyên sâu. Anh chị em có thể tìm thấy những câu trả lời khả thi cho những câu hỏi mà học viên có thể có hoặc những lời phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội mà anh chị em có thể muốn đưa vào bài học. Anh chị em chỉ xem được phần này nếu truy cập sách dành cho giảng viên trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc Thư Viện Phúc Âm trực tuyến trên trang ChurchofJesusChrist.org. Phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” không có trong bản PDF của sách hướng dẫn dành cho giảng viên.

Hãy xem liệu bài học tiếp theo mà anh chị em dạy có phần “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” không. Có bất kỳ câu hỏi, câu trả lời hoặc lời phát biểu nào của các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể hữu ích để chia sẻ với học viên của anh chị em không?

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Phần này, cũng nằm ở cuối bài học, có các ý tưởng bổ sung để mang đến trải nghiệm học tập ý nghĩa cho học viên. Các sinh hoạt học tập này gồm có những cách để điều chỉnh các sinh hoạt hiện tại trong bài học, hoặc những cách khác để giảng dạy tài liệu ngoài những cách đã có trong bài học. Anh chị em chỉ xem được các sinh hoạt học tập bổ sung nếu truy cập sách dành cho giảng viên trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc Thư Viện Phúc Âm trực tuyến trên trang ChurchofJesusChrist.org. Phần này không có trong bản PDF của sách hướng dẫn dành cho giảng viên.

Nếu bài học sắp tới có phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung”, thì hãy xem lại các sinh hoạt này. Có bất kỳ điều gì mà anh chị em nghĩ là sẽ có lợi ích cho học viên để sử dụng bổ sung hoặc thay thế cho các sinh hoạt học tập trong phần chính của học liệu không?

Các Bài Học về Sách Giáo Lý và Giao Ước, và Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống

Học viên nên được dạy cả các bài học về sách Giáo Lý và Giao Ước lẫn các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống trong suốt cả năm. Nói chung, ba bài học mỗi tuần thường sẽ là các bài học về sách Giáo Lý và Giao Ước, trong khi hai bài học còn lại trong tuần sẽ là các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống. Có thể có vài tuần buộc anh chị em phải điều chỉnh những kỳ vọng chung này.

Thông tin sau đây có thể giúp anh chị em hiểu được mục đích và cách thức thực hiện cả hai loại bài học.

Các Bài Học về Sách Giáo Lý và Giao Ước

Các bài học về sách Giáo Lý và Giao Ước tương ứng với các đoạn thánh thư được nhấn mạnh mỗi tuần trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta. Những bài học này mang đến cho học viên cơ hội để có những trải nghiệm sâu sắc khi nghiên cứu những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong sách Giáo Lý và Giao Ước. Các bài học về sách Giáo Lý và Giao Ước cũng bao gồm các bài học Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý và các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em.

Thông Thạo Giáo Lý

Ưu tiên quan trọng đối với anh chị em trong vai trò giảng viên là giúp học viên đạt được các yêu cầu của việc thông thạo giáo lý. Những kết quả này bao gồm việc giúp đỡ học viên:

  • Học hỏi và áp dụng các nguyên tắc thiêng liêng để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

  • Thông thạo các đoạn thánh thư thông thạo giáo lý và giáo lý của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà các đoạn đó giảng dạy.

Việc thông thạo các đoạn đã được chọn ra và giáo lý của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà các đoạn đó giảng dạy có nghĩa là học viên sẽ:

  • Biết và hiểu rõ giáo lý được giảng dạy trong các đoạn thánh thư thông thạo giáo lý.

  • Giải thích giáo lý đó một cách rõ ràng bằng cách sử dụng những đoạn thánh thư thông thạo giáo lý mà có liên quan.

  • Áp dụng giáo lý của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và các nguyên tắc của việc đạt được sự hiểu biết thuộc linh trong những lựa chọn hằng ngày và trong các câu trả lời của các em trước những câu hỏi và các vấn đề về giáo lý, cá nhân, xã hội, và lịch sử.

  • Ghi nhớ và tìm được các đoạn thánh thư thông thạo giáo lý cũng như học thuộc các cụm từ thánh thư then chốt.

Ứng Dụng Thông Thạo Giáo Lý có thể giúp học viên đạt được một số yêu cầu của việc thông thạo giáo lý. Ứng dụng này được thiết kế nhằm giúp học viên học thuộc phần tham khảo thánh thư và các cụm từ thánh thư then chốt cho mỗi đoạn thông thạo giáo lý. Anh chị em có thể muốn sử dụng ứng dụng này trong lớp và, nếu có thể, hãy khuyến khích học viên tải ứng dụng xuống thiết bị riêng của các em. Ứng dụng có cho các thiết bị iOSAndroid.

Để biết thêm thông tin về các mục đích của việc thông thạo giáo lý, hãy xem “What Is Doctrinal Mastery?” (3:56), có trên ChurchofJesusChrist.org.

Các Bài Học Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý

Các bài học Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý nhằm giúp học viên hướng tới việc đạt được các yêu cầu của việc thông thạo giáo lý.

Để biết thêm thông tin về cách giúp học viên đạt được các yêu cầu của việc thông thạo giáo lý, hãy xem phần “Huấn Luyện về Phần Thông Thạo Giáo Lý” trong Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý. Có thể là hiệu quả nhất để hoàn tất khóa huấn luyện này trong vòng một vài tuần sau khi anh chị em hoàn tất khóa huấn luyện “Áp Dụng rồi Điều Chỉnh Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý”.

Các Bài Học Đánh Giá Việc Học Tập của Em

Đánh giá là một phần quan trọng trong học tập. Cơ hội để tạm dừng và suy ngẫm về quá trình học tập có thể là một kinh nghiệm tích cực cho học viên và thúc đẩy các em tiếp tục phát triển và dần cải thiện để trở nên giống Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Bằng cách đánh giá việc học tập của mình, học viên trở thành những người tham gia tích cực vào tiến trình học tập và có trách nhiệm hơn đối với việc học của mình.

Các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em mang đến cho học viên cơ hội để giải thích giáo lý then chốt từ sách Giáo Lý và Giao Ước, suy ngẫm về những thái độ và mong muốn của mình, đồng thời chia sẻ sự tiến triển của các em trong việc phát triển các hành vi giúp các em trở thành những môn đồ tận tâm hơn của Chúa Giê Su Ky Tô. Các bài học này có thể giúp học viên cảm thấy niềm vui khi nhận ra sự phát triển của mình và xác định các khía cạnh trong tương lai cần tiến triển thêm. Để nhận được tín chỉ khóa học, học viên sẽ cần tham gia ít nhất một bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em trong mỗi nửa khóa học.

Những học viên không tham gia vào bất kỳ bài học nào trong số các bài học này trong nửa khóa học sẽ cần phải hoàn thành bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em cho mỗi nửa khóa học như một yêu cầu bắt buộc để nhận được tín chỉ khóa học. Hai bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em đã được đưa vào phần phụ lục của sách hướng dẫn này. Học viên có thể sử dụng “Đánh Giá Việc Học Tập của Em, Phần 1” để bù cho bài đánh giá đã bỏ lỡ trong nửa đầu của khóa học. Học viên có thể sử dụng “Đánh Giá Việc Học Tập của Em, Phần 2” để bù cho bài đánh giá trong nửa sau của khóa học. Anh chị em có thể cung cấp cho học viên bài đánh giá này và yêu cầu các em hoàn thành bài đánh giá này cùng với các bạn cùng lớp hoặc những người trong gia đình. Khi các em làm xong, hãy khuyến khích các em chia sẻ với anh chị em điều các em đã học được từ kinh nghiệm đó. Điều này có thể cho anh chị em cơ hội để phục sự những học viên này và cùng các em vui mừng trước sự phát triển thuộc linh của các em. Trao tín chỉ cho học viên cho bài đánh giá trong nửa khóa học khi các em hoàn thành bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em này.

Để biết thêm thông tin về cách triển khai các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em, xin xem “Huấn Luyện về phần Đánh Giá” trong Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý. Có thể là hiệu quả nhất khi hoàn thành khóa huấn luyện này trong vòng một vài tuần sau khi anh chị em hoàn tất “Huấn Luyện về Phần Thông Thạo Giáo Lý.”

Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống

Các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống mang đến cho học viên cơ hội để áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi để:

  • Giải quyết những câu hỏi khó và những hoàn cảnh thử thách trong cuộc sống

  • Đưa ra những lựa chọn được soi dẫn bằng cách sử dụng những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô và các vị tiên tri của Ngài

  • Xây đắp khả năng tự lực để chu cấp cho bản thân và gia đình

  • Trở nên khỏe mạnh hơn về mặt thể chất và cảm xúc

  • Phát triển các kỹ năng để thành công trong việc học

  • Lập kế hoạch để chuẩn bị cho học vấn và công việc trong tương lai

  • Chuẩn bị cho công việc truyền giáo và phục vụ Giáo Hội

  • Chuẩn bị lập và tuân giữ các giao ước trong đền thờ

Hãy cố gắng dạy hai bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống mỗi tuần. Một số tuần lễ anh chị em có thể dạy nhiều hơn mức này và những tuần khác anh chị em có thể dạy ít hơn, nhưng trung bình anh chị em nên cố gắng dạy mỗi tuần hai bài học càng thường xuyên càng tốt. Điều này sẽ tạo cơ hội cho học viên được giảng dạy mỗi bài trong số các bài học này trong suốt năm học. Các anh chị em thường không cần phải giảng dạy những bài học này theo một thứ tự cụ thể, mặc dù có một vài bài học dựa trên những ý tưởng đã được giảng dạy trong các bài học trước.

Phần khái quát cho mỗi loại bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống có thể là một nguồn tài liệu quý giá trong việc giúp anh chị em đưa ra quyết định về thời điểm nên dạy một số bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống nhất định. Những phần khái quát này sẽ giúp anh chị em nhanh chóng thấy được mục đích riêng của mỗi bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống, cũng như những đề nghị về tiến độ giảng dạy và thời gian trong năm cho anh chị em có thể cân nhắc giảng dạy các bài học này.

Hãy chắc chắn có được một bản sao của bản hướng dẫn về tiến độ giảng dạy do điều phối viên hoặc quản trị viên chương trình của anh chị em cung cấp cho anh chị em.

Anh chị em cũng có thể muốn tham khảo “Huấn Luyện Lập Bản Tiến Độ Giảng Dạy” trong Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý để giúp anh chị em điều chỉnh tiến độ giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu của học viên.

In