Lớp Giáo Lý
1 Cô Rinh Tô 15:32–54


1 Cô Rinh Tô 15:32–54

Hình Thể Thuộc Về Thượng Thiên, Hình Thể Thuộc Về Trung Thiên và Hình Thể Thuộc Về Hạ Thiên

Hình Ảnh
Gương mặt nhìn từ một bên của một Thiếu Nữ trong ánh nắng mặt trời rực rỡ.

Tại sao việc tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô là điều đáng làm ngay cả khi những người khác dường như tìm thấy hạnh phúc trong tội lỗi? Phao Lô giải thích một trong những lý do cho câu hỏi đó bằng cách dạy cho người Cô Rinh Tô về các đẳng cấp vinh quang khác nhau trong Sự Phục Sinh. Bài học này có thể giúp em cố gắng để xứng đáng với sự phục sinh thượng thiên qua Chúa Giê Su Ky Tô.

Những phước lành tương lai trong kế hoạch của Thượng Đế

  • Nếu em biết rằng giảng viên sẽ thưởng cho tất cả những người mặc một màu nhất định hôm nay, thì điều đó có ảnh hưởng đến việc lựa chọn trang phục của em không?

  • Em có buồn không nếu biết về việc này sau khi đã quá muộn? Tại sao có hoặc tại sao không?

Bởi vì Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta, nên Ngài đã cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra sau cuộc sống này và lựa chọn nào sẽ dẫn đến hạnh phúc hay hối tiếc. Khi học thánh thư hôm nay, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể thúc đẩy em đưa ra những lựa chọn dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu.

1. Hoàn thành sinh hoạt vẽ sau đây và trả lời các câu hỏi sau đó trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.

Vẽ một hình minh họa hoặc sơ đồ đơn giản về những điều em đã biết về kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế. Bao gồm nơi chúng ta ở trước khi sinh ra, cuộc sống trên thế gian và điều gì xảy ra sau khi chết. Khi vẽ, hãy nhớ suy ngẫm về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt kế hoạch của Đức Chúa Cha của chúng ta.

  • Việc hiểu được kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta sau khi chết có thể ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định mà em đưa ra trong cuộc sống trên trần thế?

  • Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của kế hoạch đó như thế nào?

Trong 1 Cô Rinh Tô 15:1–29, Sứ Đồ Phao Lô đã sửa chỉnh niềm tin sai lạc rằng “những kẻ chết không sống lại” (1 Cô Rinh Tô 15:13). Sau đó, ông cảnh báo những người Cô Rinh Tô đừng để bị lừa gạt bởi thái độ của những kẻi nói rằng: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (1 Cô Rinh Tô 15:32), mà thể hiện niềm tin sai lầm rằng không có sự sống sau khi chết và do đó, những điều chúng ta làm trong cuộc sống này không quan trọng.

Một niềm tin sai lầm khác là bất kể lựa chọn của chúng ta như thế nào đi nữa thì Thượng Đế sẽ ban cho mọi người những phước lành của cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 2 Nê Phi 28:8; An Ma 1:4).

  • Những niềm tin sai lạc rằng không có cuộc sống nào sau khi chết hoặc rằng Thượng Đế sẽ ban cho mọi người những phước lành của cuộc sống vĩnh cửu có thể ảnh hưởng như thế nào đến quyết định và thái độ của chúng ta? Tại sao?

1 Cô Rinh Tô 15:40–42 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý bằng một cách đặc biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Em sẽ tìm hiểu thêm về đoạn thông thạo giáo lý này trong bài học tiếp theo.

Hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 15:40–42, tìm kiếm những lời giảng dạy của Phao Lô về sự phục sinh trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Có thể là hữu ích khi biết rằng Bản Dịch Joseph Smith về 1 Cô Rinh Tô 15:40 cũng đề cập đến các hình thể thuộc về hạ thiên.

  • Tại sao điều quan trọng cần biết là trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng, có các đẳng cấp vinh quang khác nhau dành cho các hình thể được phục sinh?

Các đẳng cấp vinh quang

Hình Ảnh
Hình ảnh minh họa ba đẳng cấp vinh quang. Hình vẽ mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Những hình que ở bên dưới cho thấy các mức độ khác nhau của các tia sáng.

2. Hoàn tất sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.

Sự mặc khải qua các vị tiên tri thời hiện đại cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc về những lời giảng dạy của Phao Lô. Hãy học Giáo Lý và Giao Ước 76:50–52, 62–64, 69–70, 71–76, 81–85; 88:21–24 và đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018). Tìm câu trả lời cho ba câu hỏi theo sau lời phát biểu.

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch Thomas S. Monson, năm 2008.

Nhờ Đấng Ky Tô chiến thắng cái chết, nên chúng ta đều sẽ được phục sinh. Đây là sự cứu chuộc về phần hồn. Phao Lô viết: “Lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau” (1 Cô Rinh Tô 15:40).

Chính là vinh quang thượng thiên mà chúng ta tìm kiếm. Chính là nơi hiện diện của Thượng Đế mà chúng ta mong muốn được trú ngụ. Chính là gia đình vĩnh cửu mà chúng ta mong muốn thuộc vào. Những phước lành như vậy cần phải đạt được trong suốt một cuộc đời cố gắng, tìm kiếm, hối cải và cuối cùng thành công.

(Thomas S. Monson, “Cuộc Đua trong Đời,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 93)

  • Vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc hành trình của chúng ta hướng tới vinh quang thượng thiên là gì?

  • Chúng ta cần phải làm gì để nhận được vinh quang thượng thiên?

  • Tại sao việc nhận được vinh quang thượng thiện, chứ không phải là vinh quang trung thiên hoặc hạ thiên, lại đáng để nỗ lực?

Hãy suy ngẫm về vị trí của em trên con đường dẫn đến vương quốc thượng thiên. Em có đang trông cậy nơi Đấng Cứu Rỗi để giúp mình sống theo cách mà em có thể nhận được những phước lành này không?

Chúng ta có thể thực sự đạt được vinh quang thượng thiên không?

Một số người cảm thấy nản lòng khi họ nhận ra rằng họ còn cách xa cuộc sống thượng thiên trên thế gian như thế nào. Hãy đọc những gì Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta hoặc xem video “Thượng Đế Đang Ở giữa Chúng Ta”, từ mã thời gian 5:01 đến 6:58, trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, năm 2006. Được kêu gọi làm Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 3 tháng Hai năm 2008. Ảnh chân dung chính thức được chụp vào năm 2008 thay thế ảnh chân dung được chụp vào năm 2004.

Lòng tôi tràn ngập sự biết ơn đối với Cha Thiên Thượng của tôi. Tôi nhận ra rằng Ngài đã không bắt con cái của Ngài phải chịu vấp ngã trên trần thế mà không có hy vọng về một tương lai tươi sáng và vĩnh cửu. Ngài đã ban cho những chỉ dẫn mà tiết lộ con đường trở về với Ngài. Và trọng tâm của tất cả điều đó là Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và sự hy sinh của Ngài dành cho chúng ta. …

Chúng ta đều là những đứa trẻ thơ so với các đấng vinh quang và vĩ đại mà chúng ta được dự định để trở thành. Không có người trần thế nào tiến triển từ việc bò đến đi rồi chạy mà không thường xuyên bị vấp ngã, va chạm và bầm dập. Đó là cách chúng ta học hỏi.

(Dieter F. Uchtdorf, “Thượng Đế Đang Ở giữa Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 8–9)

  • Lời phát biểu của Anh Cả Uchtdorf giúp em hiểu gì về Cha Thiên Thượng?

  • Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của em dành cho Ngài và mối quan hệ của em với Ngài?

  • Em cảm thấy được thúc giục để làm gì nhờ vào những điều mình đã học hỏi được hôm nay?

Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?

Nếu chúng ta cố gắng sống trung tín trong cuộc sống này nhưng khi chết đi vẫn không hoàn hảo thì sao?

Tiên Tri Joseph Smith (1805–1844) giải thích rằng:

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính diện, chụp nửa người của Tiên Tri Joseph Smith, Jr. Đầu của Joseph quay sang một bên ở góc ba phần tư, tay phải đặt ngang hông và tay trái cầm một xấp giấy. Ông được mô tả mặc bộ com lê màu nâu sẫm, áo sơ mi trắng và đeo cà vạt.

Khi leo lên một cái thang, các anh chị em phải bắt đầu từ dưới và leo lên từng bậc một, cho đến khi các anh chị em lên đến đỉnh; và nó cũng như vậy với các nguyên tắc phúc âm—các anh chị em cần phải bắt đầu với nguyên tắc đầu tiên, và tiếp tục cho đến khi các anh chị em học được tất cả các nguyên tắc của sự tôn cao. Nhưng sẽ là một thời gian khá lâu sau khi các anh chị em đã đi qua bức màn che trước khi các anh chị em sẽ học hỏi các nguyên tắc đó. Không phải mọi điều đều sẽ được thấu đáo trên thế gian này; việc học hỏi về sự cứu rỗi và sự tôn cao của chúng ta ngay cả sau khi chết sẽ là một công việc lớn lao.

(Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 288)

“Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát” (1 Cô Rinh Tô 15:42) có nghĩa là gì?

Phao Lô đã so sánh thể xác hữu diệt với một hạt giống không toàn hảo, hoặc hư hỏng (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:37–38, 42). Sau khi chúng ta chết và được chôn cất (gieo hoặc trồng), một ngày nào đó chúng ta sẽ sống lại từ nấm mồ như một cái cây mọc ra từ đất. Thể xác được phục sinh của chúng ta sẽ không còn hư nát nữa, nhưng sẽ được toàn hảo qua quyền năng của Thượng Đế.

Ai sẽ nhận được vinh quang thượng thiên?

Vương quốc thượng thiên là nơi được chuẩn bị cho những ai đã “nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su” và “được vẹn lành nhờ Giê Su là Đấng trung gian của giao ước mới, Đấng đã làm nên sự chuộc tội hoàn hảo này bằng sự đổ máu của chính Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 76:51, 69). Để thừa hưởng ân tứ này, chúng ta phải tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi, tuân giữ các giáo lệnh và hối cải các tội lỗi của mình. Để có lời giải thích chi tiết về những người sẽ thừa hưởng vinh quang thượng thiên, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:50–70; 76:92–96.

(Gospel Topics, “Kingdoms of Glory,” topics.ChurchofJesusChrist.org)

In