Lớp Giáo Lý
Thông Thạo Giáo Lý: 1 Cô Rinh Tô 15:20–22


Thông Thạo Giáo Lý: 1 Cô Rinh Tô 3:20–22

“Trong Đấng Ky Tô Mọi Người Đều Sẽ Sống Lại”

Hình Ảnh
Một bức tranh sơn dầu vẽ cảnh Ma Ri trông thấy Đấng Ky Tô phục sinh. Ngôi mộ ở phía sau, Mary được vẽ mặc đồ màu nâu, lưng bà quay lưng về phía người xem. Đấng Ky Tô được vẽ với các dấu đinh trên tay Ngài, mặc một chiếc áo choàng trắng.

Trong bài học trước, em đã biết rằng nhờ Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, tất cả con cái của Cha Thiên Thượng sẽ được phục sinh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:20–22). Bài học này sẽ giúp em học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt cho 1 Cô Rinh Tô 15:20–22, giải thích giáo lý của Sự Phục Sinh và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh trong tình huống thực tế.

Học thuộc lòng và giải thích

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã dạy rằng “trong tất cả các sự kiện của lịch sử nhân loại, không có sự kiện nào quan trọng bằng sự phục sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế” (“The Empty Tomb Bore Testimony”, Ensign, tháng Năm năm 1988, trang 65).

1. Hoàn tất phần sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

Sử dụng các lẽ thật trong 1 Cô Rinh Tô 15:20–22, chẳng hạn như vì Sự Phục sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, mọi người sẽ được phục sinh, để giải thích tại sao Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Bao gồm lý do tại sao điều đó có ý nghĩa đối với cá nhân em.

Hãy dành một chút thời gian để học thuộc lòng phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt cho 1 Cô Rinh Tô 15:20–22. Các bước sau đây là một cách để thực hiện điều này.

  1. Ở trên cùng của một tờ giấy, hãy viết phần tham khảo thánh thư và cụm từ then chốt trong thánh thư:

    1 Cô Rinh Tô 15:20–22: “Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng [Ky Tô] mọi người đều sẽ sống lại.”

  2. Gấp phần đầu tờ giấy xuống để em không thể nhìn thấy những điều mình đã viết. Sau đó, em có thể ghi thuộc lòng phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt đó càng nhiều càng tốt.

  3. Mở phần trên cùng ra để kiểm tra độ chính xác của mình và sửa bất kỳ lỗi nào.

  4. Lặp lại tiến trình này cho đến khi em có thể viết thuộc lòng hoàn toàn phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt.

Thực hành áp dụng

Vì Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, mỗi con cái của Cha Thiên Thượng sống trên trần thế sẽ phải chết (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:21–22). Khi trải qua việc một người thân qua đời, chúng ta có thể hiểu được cảm giác đau buồn. Mặc dù những kinh nghiệm này khác nhau đối với mọi người, việc thông hiểu và áp dụng các lẽ thật của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp xoa dịu nỗi đau buồn đó.

Anh Cả Mark Palmer Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã mô tả kinh nghiệm của cha mẹ ông về cái chết của con gái họ trước khi họ biết về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Xem “Sự Lo Buồn Các Ngươi Sẽ Đổi Làm Vui Vẻ”, trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 3:27 đến 4:26 hoặc đọc lời phát biểu dưới đây.

Hình Ảnh
Chân dung chính thức của Anh Cả S. Mark Palmer. Được thay thế vào tháng Ba năm 2017.

Cha mẹ tôi là những người nông dân chăn cừu ở New Zealand. Họ rất vui hưởng cuộc sống của mình. Là một cặp vợ chồng trẻ, họ đã được ban phước với ba bé gái. Bé gái nhỏ nhất có tên là Ann. Một ngày nọ, trong lúc họ đang đi nghỉ cùng nhau ở bên hồ, bé Ann mới 17 tháng tuổi chập chững rời đi. Sau vài phút tìm kiếm trong tuyệt vọng, cô bé được tìm thấy đang nằm bất động dưới nước.

Cơn ác mộng này đã gây ra một nỗi buồn không gì tả được. Nhiều năm sau, cha tôi chép lại rằng cuộc sống của họ vĩnh viễn mất đi một số tiếng cười. Điều này cũng dẫn đến việc mong mỏi câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc đời: Ann bé bỏng của chúng tôi sẽ ra sao? Chúng tôi có bao giờ gặp lại [Ann] nữa không? Làm thế nào gia đình chúng tôi có thể hạnh phúc trở lại?

(S. Mark Palmer, “Sự Lo Buồn Các Ngươi Sẽ Đổi Làm Vui Vẻ”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 88–89)

  • Có khi nào em hoặc người nào đó mà em biết trải qua những cảm giác tương tự như cha mẹ của Anh Cả Palmer sau khi bị mất người thân không?

  • Làm thế nào mà việc không biết về kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng lại có thể khiến những tình huống này trở nên khó khăn hơn?

Các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh có thể giúp chúng ta trung tín chịu đựng những tình huống khó khăn như điều gia đình Palmer đã trải qua. Hãy tưởng tượng rằng em là bạn với một trong những chị gái của Ann, hiện đang gặp khó khăn với những câu hỏi và thử thách sau khi mất Ann. Em cảm thấy được thúc giục để viết cho bạn ấy một bức thư động viên và hỗ trợ. Ngoài ra, hãy viết một bức thư và gửi cho người mà em biết, người sẽ được có lợi từ bức thư đó.

Để chuẩn bị viết bức thư này, hãy đọc các đoạn 5–8, 11 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2022). Tìm kiếm và đánh dấu các từ, cụm từ, thánh thư hoặc những lẽ thật mà em cảm thấy sẽ hữu ích cho người mà mình đang viết thư.

  • Việc cố gắng nhìn nhận người mà em đang viết thư giống như cách Cha Thiên Thượng nhìn nhận họ sẽ làm thay đổi như thế nào những điều em viết cho họ?

2. Hoàn tất phần sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:

Viết một bức thư cho chị gái của Ann hoặc cho người khác mà em chọn. Gồm vào những hiểu biết sâu sắc từ ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

Hãy cân nhắc một số ý tưởng sau đây khi em viết.

Hành động với đức tin

  • Trong hoàn cảnh của họ, hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể trông giống như thế nào?

  • Làm thế nào mà hành động với đức tin nơi Đấng Ky Tô có thể giúp chúng ta chịu đựng sự mất mát?

  • Em hoặc người nào đó mà em biết đã có kinh nghiệm gì khi mà hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp ích trong việc chịu đựng một thử thách tương tự?

Xem xét các khái niệm và câu hỏi bằng một quan điểm vĩnh cửu

  • Những lẽ thật nào về Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài có thể an ủi trong hoàn cảnh của người mà em đang viết thư? Tại sao?

  • Làm cách nào mà việc có một quan điểm vĩnh cửu có thể giúp họ biết cách phản ứng trong tình huống của mình?

Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định

  • Những cụm từ nào trong 1 Cô Rinh Tô 15:20–22 sẽ hữu ích cho họ? Tại sao?

  • Những nguồn phương tiện khác nào đã được Chúa quy định sẽ giúp họ phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Cân nhắc kết thúc bức thư bằng cách chia sẻ chứng ngôn của em.

In