2 Cô Rinh Tô 7
“Buồn Rầu Theo Ý Chúa”
Có thể là khó để biết liệu chúng ta đã hối cải một cách trọn vẹn hay chưa. Em đã bao giờ gặp khó khăn để biết liệu mình đã hối cải một cách trọn vẹn về một điều gì đó hay chưa? Trong bức thư đầu tiên gửi cho người Cô Rinh Tô, Sứ Đồ Phao Lô đã khiển trách một số Thánh Hữu Cô Rinh Tô về tội lỗi của họ. Sau đó, với sự vui mừng và hài lòng, Phao Lô nhận được tin Các Thánh Hữu Cô Rinh Tô đã hối cải thật sự. Bài học này có thể giúp em hiểu được một phần quan trọng của sự hối cải thật sự và giúp em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
Buồn Rầu Theo Ý Chúa
Đọc tình huống sau đây. Trong một cuộc phỏng vấn xin giấy giới thiệu đi đền thờ cho lễ cưới, một người phụ nữ trẻ thú nhận với vị giám trợ của mình một số tội lỗi trong quá khứ. Sau khi thảo luận thêm, vị giám trợ hiểu rằng người phụ nữ trẻ này chưa thực sự hối cải tội lỗi của mình và tội lỗi của cô ấy nghiêm trọng đến mức khiến cô ấy không xứng đáng với giấy giới thiệu đi đền thờ. Vị giám trợ giải thích rằng người phụ nữ trẻ sẽ phải đợi để nhận được giấy giới thiệu cho đến khi nào mà cô ấy hối cải một cách trọn vẹn. Cô ấy hoảng hốt, cho rằng mình đã hối cải vì đã lâu rồi không tái phạm những tội lỗi đó. Vị giám trợ giải thích rằng việc chỉ ngừng lại tội lỗi không phải là hối cải hoàn toàn, và ông mời cô chân thành bắt đầu tiến trình hối cải thực sự.
Người phụ nữ trẻ giải thích với vị giám trợ của mình rằng cô ấy rất buồn vì cô ấy đã nói với những người khác về đám cưới và lên kế hoạch để cử hành. Cô ấy lo sợ bị xấu hổ khi kế hoạch đám cưới của mình bị trì hoãn và cô ấy sẽ nói sao với vị hôn phu và cha mẹ của mình. Cô ấy hỏi liệu có cách nào để cô ấy tiến tới thực hiện đám cưới như đã định và tiếp tục với tiến trình hối cải sau đó hay không.
-
Dựa trên phản ứng của người phụ nữ trẻ với vị giám trợ, cô ấy có vẻ lo lắng nhất về điều gì?
-
Tại sao điều tập trung của cô ấy có thể khiến cô ấy khó có thể hối cải một cách trọn vẹn?
Hãy suy ngẫm về điều mà người phụ nữ trẻ này không hiểu hết về sự hối cải. Khi em tiếp tục học bài học này, hãy tìm một nguyên tắc có thể giúp ích cho người phụ nữ trẻ này. Cũng hãy suy ngẫm xem em có cần nguyên tắc này trong sự hối cải của chính mình không.
Buồn rầu theo ý Chúa
Một trong những mục đích của Phao Lô khi viết bức thư trước đó cho người Cô Rinh Tô là để khuyến khích một số cá nhân hối cải. Trong bức thư tiếp theo, Phao Lô khen ngợi những người mà ông đã khiển trách nhờ vào sự hối cải chân thành của họ và dạy về một phần thiết yếu của sự hối cải.
Hãy đọc 2 Cô Rinh Tô 7:8–11, tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc mà Phao Lô đưa ra về sự hối cải mà có thể giúp ích cho người phụ nữ trẻ trong trường hợp này. (Lưu ý rằng từ phàn nàn được sử dụng trong câu 8 có nghĩa là hối hận.)
Để có những hiểu biết sâu sắc từ Sách Mặc Môn về sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, hãy đọc An Ma 36:12–13; 42:29.
-
Em đã đạt được những hiểu biết sâu sắc nào mà sẽ có ích cho người phụ nữ trong tình huống đó?
-
Những lời giảng dạy đó sẽ hữu ích như thế nào đối với em?
Một lẽ thật mà em có thể đã khám phá ra là sự buồn rầu theo ý Chúa dẫn đến sự hối cải chân thành.
-
Phao Lô đã đề cập đến loại nỗi buồn nào khác trong câu 10?
-
Em đã nhìn thấy điều gì trong tình huống cho thấy loại nỗi buồn mà người phụ nữ trẻ này đang cảm thấy?
Hãy tạo hai cột trong nhật ký ghi chép việc học tập của em bằng cách kẻ một đường xuống giữa trang. Viết Buồn Rầu Theo Ý Chúa ở đầu một cột và Buồn Rầu Theo Kiểu Thế Gian ở đầu cột kia.
Hãy thêm suy nghĩ của em vào các câu hỏi sau đây dưới mỗi đề mục.
-
Phao Lô dạy gì trong các câu 8–10 về sự khác biệt giữa buồn rầu theo ý Chúa và buồn rầu theo kiểu thế gian?
-
Em nghĩ có sự khác biệt nào giữa hai loại buồn rầu này?
Đọc những lời phát biểu sau đây và tìm thêm những hiểu biết sâu sắc khác về buồn rầu theo ý Chúa và buồn rầu theo kiểu thế gian. Thêm những hiểu biết sâu sắc này vào sơ đồ của mình.
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra định nghĩa này về nỗi buồn rầu theo ý Chúa:
[Sự buồn rầu theo ý Chúa có nghĩa là] cảm thấy nỗi buồn và sự hối hận sâu sắc về hành vi đã gây thêm đau đớn và thống khổ cho Đấng Cứu Rỗi, khi linh hồn của chúng ta bỏ qua hết bất kỳ sự phủ nhận hoặc bào chữa nào. …
Có lẽ sự thức tỉnh lớn nhất trong cuộc đời này đối với một người con trai hay con gái của Thượng Đế nhạy cảm về phần thuộc linh là khi chính cá nhân ấy biết nhận ra rằng sự trả giá vì tội lỗi của Chúa Giê Su Ky Tô thật sự có thật và nỗi thống khổ của Ngài không chỉ dành cho những người khác—mà còn cho các anh chị em và cho tôi! … Khi chúng ta hiểu về mặt thuộc linh rằng Ngài đã phải chịu đựng tội lỗi của chúng ta, chúng ta cảm thấy buồn rầu vì tội lỗi của mình trong nỗi đau của Ngài. Chúng ta nhận ra rằng đó là một phần trong kế hoạch của Cha chúng ta, nhưng chúng ta choáng ngợp bởi ân tứ mà Ngài đang ban cho chúng ta. Sự ngạc nhiên này, lòng biết ơn này, sự tôn thờ Đấng Cứu Rỗi đã làm điều này cho chúng ta, khiến chúng ta quỳ xuống khi linh hồn chúng ta tràn đầy nỗi buồn rầu theo ý Chúa.
(Neil L. Andersen, The Divine Gift of Forgiveness [năm 2019], trang 149, 150)
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi ấy thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói những điều sau đây về sự buồn rầu theo ý Chúa:
Sự buồn rầu theo ý Chúa soi dẫn sự thay đổi và hy vọng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự buồn rầu theo thế gian làm hạ thấp chúng ta, làm tiêu tan hy vọng, và thuyết phục chúng ta nhượng bộ cám dỗ nhiều hơn nữa.
Nỗi buồn theo ý Chúa dẫn đến sự cải đạo và một sự thay đổi trong lòng. Nó làm cho chúng ta ghét tội lỗi và yêu thương lòng nhân từ. Nó khuyến khích chúng ta đứng lên và bước đi trong ánh sáng yêu thương của Đấng Ky Tô. Sự hối cải chân thật là nhằm mục đích thay đổi, chứ không tra tấn hay hành hạ. Vâng, cảm giác hối tiếc chân thành và cảm giác hối hận thật sự vì bất tuân thường là đau đớn và là những bước rất quan trọng trong tiến trình thiêng liêng của sự hối cải. Nhưng khi cảm giác tội lỗi dẫn đến cảm giác tự thấy ghê tởm hay ngăn cản chúng ta đứng lên lại, thì nó đang làm cản trở thay vì thúc đẩy chúng ta hối cải.
(Dieter F. Uchtdorf, “Anh Em Có Thể Làm Điều Đó Ngay Bây Giờ!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 56)
Hãy suy ngẫm một chút về nỗ lực hối cải của bản thân em. Hãy suy ngẫm những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã cảm thấy và trải qua khi gánh chịu những tội lỗi của em. Em có thể làm gì để mở rộng tấm lòng hơn để cảm nhận sự buồn rầu theo ý Chúa và mời quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình? Cân nhắc viết câu trả lời của em cho câu hỏi này vào nhật ký ghi chép hoặc sổ ghi chép cá nhân.
Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?
Làm thế nào tôi có thể hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa buồn rầu theo ý Chúa và buồn rầu theo kiểu thế gian?
Trong khi đang phục vụ với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng, Anh Cả D. Chad Richardson đã nói:
Sự khác biệt chính giữa [buồn rầu theo ý Chúa và buồn rầu theo thế gian] là nguồn gốc của chúng. Sa Tan đã thúc đẩy sự buồn rầu theo thế gian. Đó là sự buồn rầu của việc bị bắt, không thể tiếp tục phạm tội, hoặc quay lưng lại với chính mình với cảm giác tự thấy ghê tởm hoặc coi thường bản thân.
Trái lại, sự buồn rầu theo ý Chúa là nỗi buồn được ban cho như một ân tứ từ Thượng Đế cho những ai sẵn lòng đón nhận nó. Sự buồn rầu theo ý Chúa dẫn chúng ta đến chỗ nhận thức trọn vẹn về mức độ tội lỗi của mình nhưng với sự hiểu biết rằng chúng ta có thể thoát khỏi những tội lỗi đó.
(D. Chad Richardson, “Forgiving Oneself”, Ensign, tháng Ba năm 2007, trang 32)
Vào tháng Chín năm 2019, tạp chí New Era đã in ra một hình ảnh đồ họa dựa trên những lời giảng dạy của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ mà có thể giúp anh chị em phân biệt thêm giữa nỗi buồn rầu theo ý Chúa và theo kiểu thế gian. Tìm nó ở đây: Dieter F. Uchtdorf, “Godly Sorrow,” New Era, tháng Chín năm 2019, trang 32–33.