Khải Huyền 14
“Tôi Thấy Một Vị Thiên Sứ Khác …, Có Tin Lành Đời Đời”
Hãy suy ngẫm về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô giúp em hiểu và chuẩn bị như thế nào cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô? Sứ Đồ Giăng đã tiên tri về các sự kiện sẽ xảy ra trước Ngày Tái Lâm đầy đắc thắng của Đấng Cứu Rỗi, bao gồm Sự Phục Hồi Giáo Hội của Ngài và sự tách rời người ngay chính khỏi kẻ tà ác. Bài học này nhằm giúp em hiểu cách Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội phục hồi của Ngài có thể giúp thế gian—kể cả em—chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài.
Mục đích của Giáo Hội
Hãy tưởng tượng em đang ở trong một lớp học ở trường thì đề tài về tôn giáo có tổ chức được đưa ra. Một người bạn cùng lớp nhận xét rằng ngày càng ít người thuộc vào một nhà thờ hoặc đi nhà thờ vì họ cảm thấy các nhà thờ không thực sự hữu ích. Nhận xét này khiến em suy nghĩ về tất cả những lợi ích mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang mang lại.
-
Em cảm thấy những người khác nên hiểu được Chúa Giê Su Ky Tô tổ chức Giáo Hội của Ngài vì một số lý do nào?
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đáp ứng nhiều mục đích quan trọng mà em có thể nghĩ đến. Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích một trong nhiều mục đích quan trọng của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô:
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được ban cho quyền năng độc nhất vô nhị và được ủy quyền để hoàn thành những sự chuẩn bị cần thiết cho Ngày Tái Lâm của Chúa; quả thật, Giáo Hội đã được phục hồi vì mục đích đó.
(D. Todd Christofferson, “Chuẩn Bị cho Sự Trở Lại của Chúa”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 82)
1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
-
Việc hiểu được mục đích này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách em và những người khác nhìn nhận và tham gia vào Giáo Hội?
Hãy dành ra ít phút để suy ngẫm về những phước lành của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi và phúc âm phục hồi của Ngài trong cuộc sống của em. Khi em học, hãy lắng nghe những thúc giục và ấn tượng từ Đức Thánh Linh giúp em sử dụng những phước lành này để chuẩn bị tốt hơn cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.
Giăng nhìn thấy một khải tượng về Sự Phục Hồi ngày sau
Trong một phần của khải tượng được ghi lại trong sách Khải Huyền, Giăng đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng sẽ xảy ra trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Ông nhìn thấy 144.000 thầy tư tế thượng phẩm trung tín từ tất cả các chi tộc của Y Sơ Ra Ên được sắc phong để thực thi phúc âm và mang mọi người đến với Giáo Hội (xin xem Khải Huyền 7:4–8 ; 14:1–5 ; Giáo Lý và Giao Ước 77:11). Ông cũng chứng kiến nhiều thiên sứ làm việc để chuẩn bị thế gian cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Khải Huyền 14:6–20).
-
Em có bao giờ tự hỏi tại sao hầu hết các đền thờ của chúng ta đều có bức tượng Mô Rô Ni trên đỉnh không?
Những bức tượng này tượng trưng cho việc thuyết giảng phúc âm phục hồi trên khắp thế gian. Những sứ giả từ thiên thượng, bao gồm cả Mô Rô Ni, đã đóng một vai trò quan trọng trong Sự Phục Hồi phúc âm qua Tiên Tri Joseph Smith. Trong Khải Huyền 14 , Giăng đề cập đến vai trò quan trọng của Mô Rô Ni và các thiên sứ khác trong việc giúp chuẩn bị thế gian cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi.
Hãy đọc Khải Huyền 14:6 , tìm kiếm những điều em học được từ lời mô tả của Giăng khiến em nhớ đến Mô Rô Ni và sứ mệnh của ông.
-
Em tìm thấy điều gì? (Nếu em muốn tìm hiểu thêm về vai trò của Mô Rô Ni trong Sự Phục Hồi, thì xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:29–54 .)
Ngoài Mô Rô Ni, thiên sứ được nói đến trong Khải Huyền 14:6 cũng có thể tượng trưng cho nhiều sứ giả thiên thượng đã giúp phục hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đọc phần sau để nhận ra các thiên sứ khác có vai trò trong sự phục hồi phúc âm:
Giáo Lý và Giao Ước 13 , phần tiêu đề tiết
Đọc Khải Huyền 14:7 , tìm kiếm những điều thiên sứ đã nói.
Cụm từ “giờ phán xét của Ngài đã đến” dùng để chỉ thời gian mà Chúa Giê Su Ky Tô sẽ phán xét tất cả mọi người trên thế gian. Những sự phán xét của Ngài sẽ xảy ra cả vào Ngày Tái Lâm (xin xem Ma La Chi 3:1–5) và vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng (xin xem 2 Nê Phi 9:15). Với sự giúp đỡ của các sứ giả thiên thượng, Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi phúc âm của Ngài để giúp chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Ngài.
2. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
-
Phúc âm phục hồi của Chúa và Giáo Hội của Ngài giúp chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Ngài bằng một số cách thức nào? Giải thích những câu trả lời của em.
-
Những nỗ lực của Chúa để chuẩn bị chúng ta cho Ngày Tái Lâm của Ngài dạy em điều gì về Ngài và những mong muốn của Ngài dành cho em?
Vai trò của chúng ta trong việc chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm
Giăng kết thúc phần này trong các bài viết của mình bằng cách mô tả khải tượng ông đã có về một người “giống như một con người” ( Khải Huyền 14:14). Hãy đọc Khải Huyền 14:14–15 , tìm kiếm những điều Giăng đã chứng kiến.
Lưỡi liềm là một lưỡi dao cong, sắc bén được sử dụng để cắt và thu hoạch (hoặc gặt hái) mùa màng. Khi Chúa Giê Su dạy câu chuyện ngụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng (xin xem Ma Thi Ơ 13:24–30, 36–43), Ngài phán rằng lúa mì (người ngay chính) sẽ được tách ra khỏi kẻ tà ác (người không ngay chính) “trong ngày tận thế” ( Ma Thi Ơ 13:40). Trong khải tượng của mình, Giăng đã chứng kiến sự quy tụ những người ngay chính ra khỏi những kẻ tà ác để chuẩn bị cho sự hủy diệt những kẻ tà ác (xin xem Khải Huyền 14:16–20). Cụm từ “Hãy quăng lưỡi liềm xuống và gặt đi” trong Khải Huyền 14:15 có thể có nghĩa là quy tụ những người ngay chính đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Em nghĩ lời mời đã mô tả trong câu 15 có thể được áp dụng như thế nào cho các tín hữu của Giáo Hội ngày nay? (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 4:4 ; 33:7 .)
Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta tham gia vào việc quy tụ những người ngay chính đến cùng Ngài để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Điều này thường được coi là sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên.
Hãy dành một chút thời gian để ôn lại những lời dạy gần đây của các vị tiên tri và sứ đồ của Chúa liên quan đến việc tham gia vào sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên. Để thực hiện sinh hoạt này, em có thể tìm kiếm đề tài “Quy Tụ, Sự” trong các bài nói chuyện của đại hội trung ương gần đây trên trang ChurchofJesusChrist.org hoặc ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Ngoài ra, em có thể ôn lại một hoặc nhiều sứ điệp sau đây từ Chủ Tịch Russell M. Nelson và Chị Wendy W. Nelson. Khi em học, hãy tìm những lời phát biểu mô tả vai trò của chúng ta trong việc giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên và chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm.
“Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu với Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), ChurchofJesusChrist.org
“Sự Tham Gia của Các Chị Em Phụ Nữ trong Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 68–70
“Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 92–95
3. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
-
Em tìm thấy lời phát biểu nào về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên mà đặc biệt có ý nghĩa đối với em? Tại sao?
-
Em sẽ làm một số việc cụ thể nào để chuẩn bị cho mình và những người khác cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi? Những điều này sẽ giúp em được chuẩn bị như thế nào?
Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?
Tại sao tôi đóng một vai trò trong việc chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi?
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giảng dạy:
Vì gian kỳ của chúng ta là cuối cùng và vĩ đại nhất trong tất cả các gian kỳ, vì tất cả mọi thứ cuối cùng sẽ đạt đến đỉnh cao và được làm trọn vẹn trong thời kỳ của chúng ta, do đó, có một trách nhiệm đặc biệt, rất cụ thể thuộc về những tín hữu chúng ta trong Giáo Hội bây giờ nhưng lại không được đặt lên vai của các tín hữu Giáo Hội trong bất kỳ thời gian nào trước đó. Không giống như Giáo Hội vào thời Áp Ra Ham hoặc Môi Se, Ê Sai hay Ê Xê Chi Ên, hoặc ngay cả trong thời Kinh Tân Ước của Gia Cơ và Giăng, chúng ta có trách nhiệm chuẩn bị cho Giáo Hội của Chiên Con của Thượng Đế để đón rước Chiên Con của Thượng Đế—trực tiếp, trong vinh quang đắc thắng, trong vai trò ngàn năm của Ngài với tư cách là Chúa của các chúa và Vua của các vua. Không có gian kỳ nào khác từng có nhiệm vụ đó.
… Chúng ta … với tư cách là một Giáo Hội nói chung và là các tín hữu nói riêng của Giáo Hội đó, phải xứng đáng để Đấng Ky Tô đến cùng chúng ta, xứng đáng để Ngài chào đón chúng ta, và để Ngài chấp nhận, đón tiếp và ôm lấy chúng ta. Những cuộc đời chúng ta dâng lên Ngài trong giờ thiêng liêng ấy phải xứng đáng với Ngài!
(Jeffrey R. Holland, “Preparing for the Second Coming”, New Era, tháng Mười Hai năm 2013, trang 4)
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Có bao giờ các em nghĩ về lý do tại sao mình đã được gửi đến thế gian vào thời điểm đặc biệt này không? Các em không sinh ra vào thời A Đam và Ê Va, hoặc trong khi Pha Ra Ôn cai trị Ai Cập, hay vào Triều Đại Nhà Minh. Các em đến thế gian vào lúc này, 20 thế kỷ sau khi Đấng Ky Tô hiện đến lần đầu tiên. Chức tư tế của Thượng Đế đã được phục hồi trên thế gian, và Chúa đã sẵn sàng chuẩn bị thế gian cho sự tái lâm vinh quang của Ngài. Đây là những ngày đầy cơ hội lớn lao và trách nhiệm quan trọng. Đây là những ngày của các em.
Với phép báp têm của mình, các em đã tuyên xưng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô. … Một trong các trách nhiệm quan trọng của các em là giúp chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.
(Neil L. Andersen, “Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm”, Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 49)