“Người thân của tôi là người đồng tính. Tôi nên làm gì đây?” Sức Thu Hút Đồng Tính: Gia Đình và Bạn Bè (Năm 2020)
“Người thân của tôi là người đồng tính. Tôi nên làm gì đây?” Sức Thu Hút Đồng Tính: Gia Đình và Bạn Bè
Người thân của tôi là người đồng tính. Tôi nên làm gì đây?
Bắt Đầu với Tình Yêu Thương
Việc nói về sức thu hút đồng tính của một người có thể gây kinh hãi và hoang mang. Đứa con, người phối ngẫu hoặc một người trong gia đình của anh chị em có thể không biết cách nói chuyện với anh chị em về điều đó. Có lẽ đôi khi anh chị em cảm thấy không thích đáng. Mặc dù không phải lúc nào anh chị em cũng biết cách phản ứng với những khó khăn mà một người trong gia đình đang đối phó nhưng anh chị em cũng sẽ không bao giờ hối tiếc việc tìm đến họ với tình yêu thương và sự thông cảm.
Anh chị em sẽ không bao giờ hối tiếc khi nói lời yêu thương họ.
Anh chị em sẽ không bao giờ hối tiếc khi quàng tay qua người thân của mình và ôm chặt người ấy. Anh chị em sẽ không bao giờ hối tiếc khi lắng nghe. Anh chị em sẽ không bao giờ hối tiếc khi cố gắng thông cảm.
Nếu anh chị em phản ứng thái quá, tức giận, hoặc nói ra những điều mà mình hối tiếc thì đừng nản lòng. Đây là một khoảnh khắc trong một cuộc trò chuyện suốt đời. Không bao giờ là quá trễ để xin lỗi.
Nếu anh chị em gián tiếp biết được về sức thu hút đồng tính của người thân yêu của mình, thì đừng tức giận về điều đó. Việc nói về sức thu hút đồng tính có thể gây kinh hãi và hoang mang. Người thân yêu của anh chị em có thể không biết cách nói chuyện với anh chị em về điều đó.
Đau buồn là lẽ tự nhiên. Anh chị em có cảm thấy ước mơ của mình về một gia đình “hoàn hảo” đang xa cách dần không? Anh chị em có sợ đánh mất một mối quan hệ thân thiết không? Anh chị em có sợ người thân của mình sẽ không được đối xử tử tế không? Những cảm giác này là bình thường. Không có gì xấu hổ khi đau buồn.
Đừng tự trách mình về sức thu hút đồng tính của người thân của anh chị em. Đây không phải là lỗi của ai cả. Việc đổ lỗi là không cần thiết và cũng không hữu ích.
Hãy Tìm Kiếm Sự Hướng Dẫn về Phần Thuộc Linh
Là một người trong gia đình, lời cầu nguyện kém hiệu quả nhất là “tại sao?” Một lời cầu nguyện thứ hai cũng gần như kém hiệu quả là “xin hãy cất điều này đi ngay bây giờ.” Câu hỏi hữu ích nhất mà anh chị em có thể hỏi là “phải làm sao đây?” Tôi có thể giúp đỡ bằng cách nào? Làm sao tôi có thể trở thành sự hỗ trợ mà người thân của tôi cần? Làm thế nào chúng ta có thể học được từ điều này?
Hãy tìm kiếm sự hiểu biết và học hỏi với hết khả năng của anh chị em. Hãy nói chuyện với vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh của anh chị em và nhận lời khuyên bảo từ một tôi tớ được cho phép của Chúa. Nếu anh chị em cảm thấy có ấn tượng thì hãy hỏi xin ông ban cho một phước lành chức tư tế để giúp anh chị em đáp ứng nhu cầu của người thân mình. Một số người tìm thấy viễn cảnh nơi các nhóm hỗ trợ hoặc qua việc tham dự đền thờ. Trên thực tế, không có nơi nào tốt hơn để tìm được sự bình an và viễn cảnh cho bằng trong đền thờ.
Xây Đắp Sự Hiểu Biết
Hãy ở gần với những người nâng đỡ tinh thần cho anh chị em. Một số người quan tâm. Một số người tò mò. Việc trả lời các câu hỏi có thể giúp xây đắp sự thông cảm nhưng cũng có thể gây mệt mỏi. Hãy chắc chắn làm tràn đầy phần thuộc linh của anh chị em bằng cách dành thời gian quý báu ở những nơi thánh thiện. Và không ai quan tâm cho bằng Cha trên Trời của anh chị em.
Việc học cách làm cha hay mẹ trong cuộc hành trình này sẽ mang đến thử thách tích cực cho anh chị em. Khi tìm kiếm sự đồng hành của Thánh Linh, anh chị em sẽ đến gần Thượng Đế, con của anh chị em, và có thể cả người phối ngẫu của anh chị em nữa. Hãy nhớ tôn trọng quyền tự quyết. Nếu người phối ngẫu của anh chị em không đồng ý với cách anh chị em muốn giải quyết mọi việc thì hãy giải quyết vấn đề với sự lễ độ. Nếu con anh chị em đưa ra những lựa chọn mà anh chị em không đồng ý thì hãy cho nó biết cảm nghĩ của anh chị em. Đừng bao giờ cố gắng kiểm soát hoặc điều khiển nó. Hãy dành thời gian của anh chị em cho nó và bảo đảm với nó về tình yêu thương của anh chị em.
Cân Bằng giữa Tình Yêu Thương và Luật Pháp
“Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, nhiều người trong chúng ta—không phải tất cả chúng ta, mà là nhiều người trong chúng ta—có khuynh hướng nhấn mạnh vào luật pháp và làm như vậy một cách thiếu yêu thương.
“Tôi nhận được nhiều thư từ những người bị suy sụp trước sự lựa chọn của một người nào đó trong gia đình họ. Và họ nói: ‘Chúng tôi phải làm gì đây?’ Và điều đầu tiên tôi luôn đề nghị là hãy tiếp tục yêu thương người đó. Cuối cùng, đó là điều anh chị em luôn có thể làm. Chúng ta phải ghi nhớ các lệnh truyền của Chúa, mà tôi sẽ gọi là luật pháp, và cũng như lệnh truyền lớn phải yêu thương nhau. Và những lệnh truyền đó sẽ mâu thuẫn với nhau khi một người nào đó mà chúng ta giao tiếp không tuân giữ các lệnh truyền, hay không tuân giữ luật pháp. Và điều đó khiến cho chúng ta khó giao tiếp và yêu thương họ. Tuy nhiên, nếu chúng ta yêu thương cá nhân đó và đồng thời tuân giữ những gì chúng ta biết là trách nhiệm của mình đối với luật pháp thì chúng ta có thể làm được như vậy. …
“Chúng ta không nên bắt đầu tương tác với những người đang đưa ra những lựa chọn khác với những lựa chọn chúng ta mong muốn bằng cách tranh cãi về những lựa chọn của họ. Tốt hơn là chúng ta nên bắt đầu nói về quan điểm của họ là gì? Giá trị cơ bản của họ là gì? Họ muốn đạt được điều gì? Và rồi trong bối cảnh đó, chúng ta có thể giải thích rằng chúng ta quan tâm đến các lệnh truyền của Chúa vì điều quan trọng đối với chúng ta là ở trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.
“Chúng ta được ban cho các lệnh truyền. Khi tuân theo những lệnh truyền đó, chúng ta đang vâng lời. Kết quả của việc tuân theo các lệnh truyền là tự đặt mình phù hợp với luật pháp vĩnh cửu mà cho phép chúng ta tăng trưởng và tiến triển tới cuộc sống vĩnh cửu. Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho các môn đồ của Ngài phải ‘yêu nhau; cũng như ta đã yêu các ngươi’ (Giăng 13:34). Vì vậy chúng ta nhìn vào cách Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã hy sinh mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ngài luôn luôn quan tâm đến từng cá nhân. Ngài đã có một cách tiếp cận tuyệt vời với mọi người. Tôi nghĩ những điều đó đã cho chúng ta thấy cách chúng ta có thể yêu thương nhau giống như Ngài đã yêu thương chúng ta. Nếu lấy Ngài làm mẫu mực để noi theo thì chúng ta nên luôn luôn cố gắng tìm đến để mời gọi mọi người” (Dallin H. Oaks, “Love and Law,” ChurchofJesusChrist.org).
Tình yêu thiêng liêng không bào chữa cho tội lỗi—“Vì ta là Chúa chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận”—nhưng nóng lòng để tha thứ—“tuy nhiên, kẻ nào hối cải và làm theo các giáo lệnh của Chúa thì sẽ được tha thứ” (Giáo Lý và Giao Ước 1:31–32). Tương tự như thế, chúng ta nên tuân phục và bênh vực các lệnh truyền của Thượng Đế, nhưng để thể hiện trọn vẹn tình yêu thương của Thượng Đế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau một cách công khai và trọn vẹn để không một ai có thể cảm thấy bị bỏ rơi hoặc cô đơn một mình hoặc tuyệt vọng.
Nói về Chứng Trầm Cảm và Tự Tử
Những cảm nghĩ trầm cảm là có thật và có thể quá sức chịu đựng và gây suy nhược. Thường thường, việc tham vấn chuyên môn và sự chăm sóc y tế cũng có thể giúp mọi người đối phó với chứng trầm cảm. Khi những cảm nghĩ trầm cảm trở thành ý nghĩ tự tử thì điều quan trọng là phải có người để nói chuyện. Những người muốn tự tử đang ở trong tình trạng đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc cảm xúc; thường bị cô lập; và có thể cảm thấy là họ không có hy vọng cho tương lai. Họ có thể cảm thấy là không có cách nào khác để chấm dứt nỗi đau cùng cực này ngoại trừ việc tự kết liễu đời mình. Những ý nghĩ về cái chết bằng cách tự tử thường được suy tính, cân nhắc đi, cân nhắc lại trước khi cố gắng thực hiện bất cứ nỗ lực nào. Trong khoảng thời gian suy tính này, sự can thiệp có thể cứu một mạng người.
Việc ngăn ngừa tự tử bắt đầu bằng việc nhận ra các dấu hiệu cảnh báo. Để có được một bản liệt kê các dấu hiệu cảnh báo, xin hãy vào trang mạng American Foundation of Suicide Prevention.
Nếu dường như có ai đó có thể gặp nguy cơ thì điều tốt nhất mà một người có thể làm là nói chuyện với họ về điều đó. Dường như có thể là điều khó xử hoặc táo bạo, nhưng những người bị trầm cảm thường rất cần ai đó để nói chuyện, một người nào đó giúp họ suy nghĩ và cảm nhận tích cực hơn. Những cuộc trò chuyện này có thể là khó nhưng chúng rất quan trọng trong việc giảm bớt những cảm giác bị cô lập và vô vọng mà có thể dẫn đến tự tử. Nếu có một người dường như có nguy cơ toan tự tử ngay lập tức thì hãy gọi vào đường dây cứu hộ ngăn chặn tự tử của quốc gia theo số 1-800-273-TALK (8255).
Crisis Help Lines, ChurchofJesusChrist.org