Sự Thu Hút Đồng Tính
Những cách tốt nhất để cho thấy tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô là gì?


“Những cách tốt nhất để cho thấy tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô là gì?” Sức Thu Hút Đồng Tính: Gia Đình và Bạn Bè (Năm 2020)

“Những cách tốt nhất để cho thấy tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô là gì?” Sức Thu Hút Đồng Tính: Gia Đình và Bạn Bè

Những cách tốt nhất để cho thấy tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô là gì?

Nâng Đỡ Người Khác

Mặc dù sức thu hút đồng tính không phải là một tội lỗi, nhưng nó có thể là một thử thách. Mặc dù một người có thể đã không chọn để có những cảm giác này, nhưng người đó có thể cam kết tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Người cha hay mẹ của một đứa con đang trải qua sức thu hút đồng tính hoặc tự nhận mình là người đồng tính thì nên chọn yêu thương và chấp nhận đứa con đó. Là một cộng đồng các tín hữu Giáo Hội, chúng ta nên chọn để tạo ra một cộng đồng đón tiếp ân cần.

“Điều rất quan trọng là trước hết, chúng ta phải hiểu rằng mỗi người đều ở một nơi khác nhau trên con đường và chúng ta phát triển sự nhận thức về những người xung quanh mình.

“Tôi biết rằng nhiều người đến nhà thờ vào mỗi Chủ Nhật để họ có thể được soi dẫn và nâng đỡ và có những người ra về với cảm giác bị phê phán và không được yêu thương. Họ cảm thấy không được cần đến. Giống như không có chỗ cho họ ở nhà thờ. Chúng ta cần làm khác đi. Chúng ta cần nhận biết sâu sắc mục đích của việc đến nhà thờ vào ngày Chủ Nhật là gì và bảo đảm rằng mỗi người đến đó đều cảm thấy được yêu thương, được cần đến, được chấp nhận và được nâng đỡ. Ai ai cũng đều có những khó khăn mà chính chúng ta còn không biết đến. Và điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải nhận biết rằng mọi người xung quanh chúng ta đều được Thượng Đế yêu thương và chúng ta cần nhìn họ với đôi mắt giống như Đấng Ky Tô. Và chúng ta không thể cho phép sự phê phán quyết định cách chúng ta tương tác với người khác. Điều đó hoàn toàn không đúng. Tôi cảm thấy rằng Chúa đặt chúng ta vào vị trí hiện tại của chúng ta và kết nối chúng ta với những người xung quanh mình vì một mục đích. Vì điều đó không chỉ là về sự tiến triển riêng của chúng ta mà còn về việc giúp những người khác tiến triển nữa. Và tôi đã tiến đến việc nhận ra rằng chúng ta được đặt vào vị trí hiện tại của mình để chúng ta có thể yêu thương và nâng đỡ người khác.

“Chúng ta không thể chỉ là hoặc thậm chí tự gọi mình là môn đồ của Đấng Ky Tô nếu chúng ta không giúp đỡ người khác trên con đường đó. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không coi thường con người. Chỉ có con người mới coi thường lẫn nhau. Và chúng ta phải sửa chữa việc đó. Chúng ta cần phải thông cảm và yêu thương họ cùng cho phép họ có cơ hội để tăng trưởng, phát triển và trở thành con người tốt nhất của họ. Họ có những tài năng và khả năng và cá tính cần thiết trong vương quốc của Thượng Đế. Và nếu chúng ta sẽ xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian thì chúng ta cần mọi người đến, đến để làm phần vụ của họ. Và chúng ta cần phải nhận ra điều đó. Khi một người nào đó đứng ở ngưỡng cửa của giáo đường thì ngay lập tức họ phải cảm thấy được ôm choàng lấy, yêu thương, nâng đỡ và được truyền cảm hứng, khi bước ra khỏi cánh cửa đó, họ sẽ ra về và trở nên tốt hơn. Vì họ biết rằng Chúa yêu thương họ. Và vì họ có bạn bè cùng tín ngưỡng với họ” (Carol F. McConkie, “Lifting Others,” ChurchofJesusChrist.org).

Phục Vụ và Yêu Thương Người Lân Cận của Mình

“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:37–39).

“Điều răn của ta đây này: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi” (Giăng 15:12).

Chúng ta cho thấy tình yêu mến của mình đối với Thượng Đế bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Ngài (xin xem Giăng 14:15) và bằng cách yêu thương nhau (xin xem Giăng 13:34). Nếu anh chị em có một người trong gia đình hoặc một người bạn đang trải qua sức thu hút đồng tính hoặc tự nhận mình là người đồng tính thì hãy yêu thương họ. Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nhận xét:

“Nếu anh chị em muốn ở gần một người mình yêu thương nhưng không có mối quan hệ gần gũi với người ấy thì anh chị em biết phải làm thế nào rồi. Anh chị em sẽ tìm cách nói chuyện với họ, anh chị em sẽ lắng nghe họ nói, và anh chị em sẽ tìm ra những cách để làm nhiều điều cho nhau. Những việc như vậy càng được làm thường xuyên thì mối quan hệ tình cảm càng kéo dài hơn, và trở nên càng sâu đậm hơn. Nếu để quá lâu mà không nói chuyện, lắng nghe, và giúp đỡ nhau thì mối quan hệ tình cảm đó sẽ suy yếu.

“Thượng Đế là hoàn hảo và toàn năng, còn anh chị em và tôi là con người trần thế. Nhưng Ngài là Đức Chúa Cha chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta, và Ngài ban cho cùng một cơ hội để đến gần Ngài hơn giống như một người bạn tốt thường làm. Và anh chị em sẽ làm điều đó theo cách thức tương tự: nói chuyện, lắng nghe, và làm nhiều điều cho nhau” (“Để Đến Gần Thượng Đế Hơn,” Ensign, tháng Năm năm 1991, trang 66).

Anh chị em cho thấy tình yêu mến của mình dành cho Thượng Đế bằng cách yêu thương và phục vụ người khác.

“Và này, tôi nói với các người những điều này là để các người có thể học sự thông sáng; để các người hiểu rằng, khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17).

Yêu thương nhau có nghĩa là gì? Yêu thương là biết quan tâm. Yêu thương là biết lắng nghe. Yêu thương là biết mời người khác tham gia. Yêu thương là truyền cảm hứng. Yêu thương chính là điều chứng tỏ chúng ta là con người, vì chúng ta là con cái của Thượng Đế, và “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (1 Giăng 4:8). Trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Đấng Cứu Rỗi đã lặp lại: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35).

Tôn Trọng Sự Khác Biệt

Nếu anh chị em có một người trong gia đình hoặc một người bạn đang trải qua sức thu hút đồng tính hoặc tự nhận mình là người đồng tính thì hãy yêu thương họ. Điều giáo lệnh phải yêu thương nhau gồm có cả những người không cùng quan điểm và niềm tin với chúng ta.

Như Chủ Tịch Dallin H. Oaks giải thích:

“Trong rất nhiều mối quan hệ và hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận những người khác biệt với mình. Khi có những tiêu chuẩn quan trọng khác biệt với người khác thì chúng ta không nên phủ nhận hoặc từ bỏ các tiêu chuẩn này, mà với tư cách là các tín đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta nên học cách sống hòa thuận với những người không chia sẻ cùng các tiêu chuẩn với chúng ta hoặc chấp nhận những lời giảng dạy dựa trên các tiêu chuẩn đó. Kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha, mà chúng ta biết bằng sự mặc khải cho vị tiên tri, đã đặt chúng ta vào một hoàn cảnh trần thế, là nơi chúng ta phải tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Điều đó bao gồm tình yêu thương đối với những người lân cận có nền văn hóa và tín ngưỡng khác với chúng ta, giống như cách Ngài đã yêu thương chúng ta. Như một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã dạy, chúng ta phải tiến tới, có ‘tình yêu thương Thượng Đế và mọi người’ (2 Nê Phi 31:20)” (“Yêu Mến Những Người Khác và Chấp Nhận Những Dị Biệt,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 28).