Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Y Sơ Ra Ên, Y Sơ Ra Ên, Thượng Đế Đang Kêu Gọi


Y Sơ Ra Ên, Y Sơ Ra Ên, Thượng Đế Đang Kêu Gọi

Xin chào mừng các em tại buổi phát sóng buổi họp đặc biệt devotional này, bất cứ các em đang ở đâu trong Giáo Hội vĩ đại và rộng lớn này. Xin cám ơn tất cả đã có đủ quan tâm để tham dự, kể cả các em đang ở đây tại khuôn viên trường Dixie State College, ở thành phố quê hương tôi.

Đã Có Nhiều Sự Kêu Gọi Rời Bỏ Ba Bi Lôn

Để mời Thánh Linh của Chúa đến cùng với chúng ta, tôi đã yêu cầu chúng ta hát bài thánh ca: “Y Sơ Ra Ên, Y Sơ Ra Ên, Thượng Đế Đang Kêu Gọi”khi chúng ta bắt đầu buổi họp này. Đó là một trong những bài ca kinh điển tuyệt vời về Sự Phục Hồi và giới thiệu nhiều điều tôi muốn nói cùng với các em vào buổi tối hôm nay. Chúng ta có thể thêm vào câu “Các Anh là Các Anh Cả của Y Sơ Ra Ên”vì cùng một mục đích. Tôi thích nghe những người truyền giáo ở trên khắp thế giới hát to những lời: “Ôi Ba Bi Lôn, Ôi Ba Bi Lôn, chúng ta giã từ ngươi; chúng ta đi lên núi Ép Ra Im để ở.”1 Sứ điệp của hai bài thánh ca đó đặc biệt giống nhau---Thượng Đế luôn luôn kêu gọi con cái của Y Sơ Ra Ên đến một chỗ, nơi mà cuối cùng, tất cả sẽ được tốt lành.

Y Sơ Ra Ên, Y Sơ Ra Ên, Thượng Đế Đang Kêu Gọi,

Kêu gọi ngươi từ vùng đất tai họa.

Ba Bi Lôn vĩ đại đang sụp đổ;

Thượng Đế sẽ đạp đổ tất cả các tháp cao của nó …

Hãy đến với Si Ôn, hãy đến với Si Ôn,

Và hân hoan bên trong các tường thành của nó. …

Hãy đến với Si Ôn, hãy đến với Si Ôn!

Bên trong các tường thành của Si Ôn sẽ vang tiếng reo mừng ca ngợi.2

Quả vậy, đây từng là lịch sử của Y Sơ Ra Ên trong suốt các thời đại. Khi những sự việc trở nên có quá nhiều tội lỗi hoặc có quá nhiều điều thế tục trong xã hội hay cuộc sống với dân Ngoại đang làm hủy diệt quy tắc đạo đức và các giáo lệnh mà Thượng Đế đã ban cho, thì con cái của giao ước sẽ được sai chạy vào vùng hoang dã để tái thiết lập Si Ôn và bắt đầu lại tất cả.

Trong thời Cựu Ước, Áp Ra Ham, cha của loại giao ước này, đã phải bỏ chạy để bảo vệ mạng sống của mình từ xứ Canh Đê---thật sự là Ba Bi Lôn---để tìm kiếm một cuộc sống thánh thiện ở xứ Ca Na An (hiện nay chúng ta gọi là Đất Thánh).3 Con cháu của Áp Ra Ham (và Y Sác cùng Gia Cốp)---lúc bấy giờ chính thức được gọi là dân Y Sơ Ra Ên---không phải trải qua nhiều thế hệ để bị mất Si Ôn và bị tù đày ở xứ Ai Cập xa xôi, ngoại giáo.4Vậy nên, Môi Se đã phải được dựng lên để dẫn dắt con của lời hứa vào vùng hoang dã một lần nữa—lần này ở giữa đêm khuya mà còn không có thời giờ cho bánh của họ dậy men nữa! “Y Sơ Ra Ên, Y Sơ Ra Ên, Thượng Đế đang phán bảo,” chắc chắn là họ đã hát bài ca đó theo cách riêng của họ. “Nghe tiếng nói của Đấng Giải Thoát Vĩ Đại của ngươi!”5

Không nhiều thế kỷ về sau, một câu chuyện về mối quan tâm đặc biệt cho chúng ta thấy một trong số các gia đình Y Sơ Ra Ên đó được truyền lệnh theo một vị tiên tri tên là Lê Hi hướng dẫn, để chạy trốn khỏi ngay cả Giê Ru Sa Lem yêu dấu vì, than ôi, Ba Bi Lôn đã một lần nữa đến xâm chiếm.6 Cảnh đó lại tái diễn! Họ nào biết rằng họ đang đi đến một lục địa hoàn toàn mới mẻ để thiết lập một khái niệm hoàn toàn mới mẻ về Si Ôn,7 đó là như vậy. Và họ cũng nào biết rằng điều đó xảy ra giống y như vậy một lần trước đó với một nhóm tổ phụ của họ tên là dân Gia Rết.8

Như đã được đề cập đến, đây là một buổi phát sóng toàn cầu cho một Giáo Hội ngày càng bành trướng trên trường quốc tế, nhưng buổi phát sóng này là dành cho tất cả những người kỷ niệm Sự Phục Hồi của phúc âm để bắt đầu sự khai phá Châu Mỹ của một nhóm người trốn chạy khỏi quê hương cũ của họ với mục đích được thờ phượng theo như họ mong muốn. Một học giả lỗi lạc của khu định cư Thanh Giáo ở Mỹ đã mô tả kinh nghiệm này là ″sứ mệnh trong vùng hoang dã” của Ky Tô giáo, nỗ lực của dân Y Sơ Ra Ên để tự giải phóng khỏi Cựu Thế Giới vô thần và một lần nữa tìm kiếm con đường thiên thượng trong một vùng đất mới.9

Vì mục đích của buổi tối nay, tôi xin nhắc các em nhớ về một cuộc trốn thoát cuối cùng, cuộc trốn thoát mà bài thánh ca của chúng ta tối nay đã thật sự được viết ra. Đó là Giáo Hội của chúng ta, do các vị tiên tri của chúng ta hướng dẫn, dẫn dắt các tổ tiên trung tín của chúng ta. Với Joseph Smith bị đánh đuổi qua các tiểu bang New York, Pennsylvania, Ohio, Missouri, và cuối cùng bị giết chết ở Illinois, chúng ta phải thấy con cái Y Sơ Ra Ên ngày sau đã xuất hiện một lần nữa để tìm kiếm một nơi hẻo lánh. Một vị tiên tri người Mỹ giống như Môi Se, như ông đã được người ta ngưỡng mộ kêu như vậy, Brigham Young dẫn dắt Các Thánh Hữu đến các thung lũng của các ngọn núi trong khi Các Thánh Hữu mỏi mệt vì đi bộ hát:

Chúng ta sẽ tìm ra chỗ mà Thượng Đế đã chuẩn bị cho chúng ta,

Ở xa nơi miền Tây,

Ở nơi không một ai sẽ đến để làm tổn thương hay làm sợ hãi;

Các Thánh Hữu sẽ được ban phước ở nơi đó.10

Si Ôn. Vùng đất hứa. Tân Giê Ru Sa Lem. Đó là ở đâu? Vâng, chúng ta không biết chắc, nhưng chúng ta sẽ tìm ra nơi đó. Trong hơn 4.000 năm lịch sử lập giao ước với Thượng Đế, khuôn mẫu là đây: Chạy trốn và tìm kiếm. Chạy và định cư. Thoát khỏi Ba Bi Lôn. Xây dựng các tường thành bảo vệ của Si Ôn.

Cho đến bây giờ. Cho đến buổi tối nay. Cho đến thời kỳ này của chúng ta.

Sự Kêu Gọi của Chúng Ta Là Xây Dựng Si Ôn Nơi Chúng Ta Đang Sống

Một trong nhiều đặc tính đáng chú ý nhất của gian kỳ chúng ta, đây là gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn---gian kỳ cuối cùng và vĩ đại nhất trong tất cả các gian kỳ—là tính chất thay đổi của cách chúng ta thiết lập vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Các em thấy đó, một trong những điều phấn khởi thật sự về gian kỳ này là đây là một thời kỳ thay đổi mạnh mẻ, vội vã. Và một điều đã thay đổi là Giáo Hội của Thượng Đế sẽ không bao giờ chạy trốn, sẽ không bao giờ rời bỏ U Rơ, để rời bỏ Cha Ran, để rời bỏ Ca Na An, để rời bỏ Giê Ru Sa Lem, để rời bỏ Anh quốc, để rời bỏ Nauvoo, để rời bỏ một nơi nào khác xa lạ nữa. Không, như Brigham Young đã nói với tất cả chúng ta: “Chúng ta bị xua đuổi từ một tình thế nguy hiểm và khổ sở đến một tình thế nguy hiểm và khổ sở khác, và từ tình thế đó, chúng ta bước giữa cuộc đời, và chúng ta ở đây và chúng ta sẽ ở lại đây.”11

Dĩ nhiên, lời phát biểu đó không phải chỉ là một lời nói về Thung Lũng Salt Lake Valley hoặc ngay cả Wasatch Front nói chung; nó đã trở thành một lời phát biểu cho các tín hữu của Giáo Hội trên khắp thế giới. Trong những ngày sau cùng này, trong gian kỳ này của mình, chúng ta sẽ bắt đầu đủ phát triển để ngừng chạy. Chúng ta sẽ trở thành đủ chín chắn để giữ vững chân mình và gia đình mình cùng nền tảng của mình trong mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc một cách vĩnh cửu. Si Ôn sẽ ở khắp nơi---ở khắp nơi—bất cứ nơi nào có Giáo Hội. Và với sự thay đổi đó—một trong số những thay đổi mạnh mẽ của những ngày sau cùng—chúng ta không còn nghĩ về Si Ôn nữa như chúng ta sẽ đi đâu sống; chúng ta nghĩ về Si Ôn là chúng ta sẽ sống như thế nào.

Ba Sự Kiện Đưa Đến Ba Bài Học

Để giải thích nhiệm vụ mới này chỉ một chút, buổi tối hôm nay, tôi muốn được nói về ba sự kiện. Chị Holland và tôi đã trải qua những kinh nghiệm cũng còn khá mới. Nếu thời giờ cho phép, tôi có thể thảo luận vài chục kinh nghiệm và các em cũng có thể làm như vậy.

Số một: Cách đây một vài năm, một người bạn trẻ tuổi của tôi—là một người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà—đang chơi cho một đội bóng rổ trong trường đại học ở Utah. Anh ấy là một thanh niên tuyệt vời và chơi banh rất giỏi, nhưng anh ấy không chơi nhiều như mong muốn. Tài năng và kỹ năng đặc biệt của anh ấy hoàn toàn không phù hợp nhiều với điều đội ấy cần vào giai đoạn phát triển của họ hoặc của anh ấy. Điều đó luôn xảy ra trong thế giới thể thao.. Vậy nên, với sự hỗ trợ hoàn toàn và đầy khích lệ của các huấn luyện viên và các bạn đồng đội của mình, người bạn trẻ của tôi đã chuyển đi một trường khác là nơi anh hy vọng có thể đóng góp nhiều hơn một chút.

Hóa ra việc đó lại trở nên tốt hơn tại ngôi trường mới, và chẳng bao lâu người bạn của tôi trở thành cầu thủ xuất phát trong trận đấu. Và đây là điều sẽ xảy ra kế tiếp---lịch thi đấu (được quyết định nhiều năm trước khi trận đấu xảy ra) đưa người thanh niên này trở lại đấu với đội xưa của mình ở nơi mà lúc bấy giờ tên là Delta Center ở Salt Lake City.

Cho đến hôm nay, điều xảy ra trong trận đấu đó đã làm cho tôi không vui, và tôi dùng giây phút này trong khi nói chuyện ở đây để nói về điều đã làm cho tôi không vui. Vào buổi tối hôm ấy, khán giả la hét lăng mạ thậm tệ người thanh niên này, anh ta là một Thánh Hữu Ngày Sau, một người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà, người đóng tiền thập phân mới cưới vợ, đã phục vụ trong nhóm túc số các anh cả, phục vụ từ thiện cho giới trẻ trong cộng đồng của mình, và đang phấn khởi chờ đợi một đứa bé sơ sinh đến với vợ chồng anh ấy---những điều đã nói và làm trong buổi tối ấy tới tấp nhắm vào anh ấy, vào vợ anh ấy, và gia đình của ho mà không bất cứ con người nào phải lãnh nhận bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, cho dù môn thể thao của người ấy là gì, hay trường đại học nào đi nữa, hoặc bất cứ những quyết định riêng của anh ấy về điều nào trong những điều này là gì đi nữa.

Nhưng đây mới là phần tệ hại nhất. Người huấn luyện của đội khách là người rất nổi tiếng vì những thành tích của ông trong môn bóng rổ, quay sang người thanh niên sau một trận đấu ngoạn mục và nói: “Chuyện gì vậy? Anh là người quê quán ở đây và đã thành công mà. Đây là dân của anh. Đây là bạn bè của anh mà.” Nhưng tệ hại hơn hết, người ấy hoàn toàn ngạc nhiên nói: ″Những người này không phải hầu hết là tín hữu của Giáo Hội anh sao?”

Sự kiện thứ hai: Tôi được mời nói chuyện tại một buổi họp đặc biệt devotional trong một giáo khu dành cho những người thành niên độc thân—một buổi họp mà cử tọa đều là người độc thân và trên 18 tuổi. Khi tôi bước vào cửa sau của trung tâm giáo khu, thì có một phụ nữ trẻ khoảng 30 tuổi cùng lúc bước vào tòa nhà. Mặc dù có rất đông người tiến đến giáo đường nhưng không khó để nhận ra chị ấy. Theo như tôi nhớ, chị ấy có hai hình xăm, đeo nhiều loại khuyên ở tai và mũi, tóc dựng ngược nhuộm đủ thứ màu, mặc một cái váy rất ngắn, và một cái áo rất hở hang.

Ba câu hỏi hiện ra trong trí tôi: Người phụ nữ này là một người đang gặp khó khăn, không thuộc vào tín ngưỡng chúng ta, được dẫn dắt---hoặc hay hơn nữa, được một người nào đó dẫn đến---buổi họp đặc biệt devotional này dưới sự hướng dẫn của Chúa trong nỗ lực giúp chị ấy tìm kiếm sự bình an và hướng dẫn của phúc âm mà chị ấy cần trong cuộc sống của mình chăng? Hoặc có lẽ: Chị ấy có thể là một tín hữu đã đi lạc một chút ra khỏi một số hy vọng và tiêu chuẩn mà Giáo Hội khuyến khích các tín hữu của mình tuân theo nhưng may thay là người vẫn còn ở lại với Giáo Hội, và đã chọn tham dự sinh hoạt này của Giáo Hội vào buổi tối đó chăng? Hoặc một điều thứ ba nữa là: “Đây có phải là chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu chăng?” (Bằng cách nào đó tôi chắc chị ấy không phải là chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu đâu).

Đây là ví dụ thứ ba của tôi: Chỉ cách đây một vài tháng, trong khi tham dự lễ cung hiến Đền Thờ Kansas City Missouri, Chị Holland và tôi ở nhà của Anh Isaac Freestone, anh là một viên chức cảnh sát và một thầy tư tế thượng phẩm tuyệt vời trong Giáo Khu Liberty Missouri. Trong cuộc chuyện trò của chúng tôi, anh ấy đã kể cho chúng tôi nghe rằng vào một đêm khuya nọ, anh được gọi đi điều tra một vụ kiện ở một vùng nguy hiểm của thành phố. Ở giữa tiếng nhạc ầm ĩ và với mùi cần sa, anh bắt gặp một phụ nữ và vài người đàn ông uống rượu và chửi thề, hiển nhiên là tất cả những người này hoàn toàn quên có năm đứa trẻ—khoảng từ hai đến tám tuổi—túm tụm vào nhau trong một căn phòng, cố gắng ngủ trên một sàn nhà dơ bẩn, mà không có giường, nệm, gối, không có gì cả. Anh Freestone lục tìm trong tủ đựng thức ăn trong nhà bếp và trong tủ lạnh để xem anh có thể tìm ra một cái lon hay thùng đựng bất cứ loại thức ăn nào không—nhưng anh thật sự không tìm ra một thứ gì cả. Anh nói rằng con chó sủa ở sân sau còn có thức ăn hơn cả các đứa trẻ đó.

Trong phòng ngủ của người mẹ, anh bắt gặp một tấm nệm không, một tấm nệm độc nhất trong nhà. Anh tìm kiếm cho đến khi anh tìm ra một vài tấm khăn trải giường (nếu ta có thể gọi đó là khăn trải giường), trải khăn lên trên tấm nệm, và đặt hết năm đứa trẻ vào cái giường ứng biến đó. Sau đó, với mắt nhòa lệ, anh quỳ xuống, dâng một lời cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng xin cho chúng được bảo vệ và nói lời tạm biệt.

Khi anh đứng dậy và bước ra cửa, thì một trong mấy đứa trẻ đó, khoảng sáu tuổi, nhảy ra khỏi giường và chạy tới anh, nắm tay anh và khẩn khoản: “Ông làm ơn nhận cháu làm con nuôi được không?” Anh khóc thêm và đặt đứa bé trở lại giường, rồi tìm người mẹ đang say sưa (những người đàn ông đã đi hết từ lâu) và nói với người phụ nữ ấy: “Tôi sẽ trở lại ngày mai, và căn nhà này cần phải được cải thiện khi tôi bước vào cửa này. Và sẽ có nhiều thay đổi thêm sau đó. Bà tin tôi đi.”1215

Ba sự kiện này có gì giống nhau? Thật sự thì không giống nhau nhiều, ngoại trừ chúng xảy ra cho Chị Holland và tôi trong quá khứ. Và chúng đưa ra ba ví dụ nhỏ, rất khác biệt và có thật trong đời về Ba Bi Lôn—một hành vi cá nhân và lố bịch cũng như đáng trách tại trận đấu bóng rổ, thêm một thử thách cá nhân về văn hóa và cách biểu lộ với những người có lối sống khác chúng ta, cũng như một vấn đề rất to lớn và nghiêm trọng, với những ngụ ý pháp lý và lịch sử phức tạp đến nỗi dường như vượt quá khả năng của bất cứ ai trong chúng ta để giải quyết.

Khi đưa ra ba thử thách này, tôi có ý định không sử dụng những trường hợp phạm tội tình dục, bạo động vũ lực, hoặc thói nghiện hình ảnh sách báo khiêu dâm, mặc dù những điều đó phổ biến đối với một số các em hơn các ví dụ tôi đã sử dụng. Nhưng các em đủ khôn ngoan để áp dụng các nguyên tắc tôi đang thảo luận mà tôi không cần nói cho các em biết phải làm thế nào.

Bài Học 1: Đừng Bao Giờ ″Bỏ Lại Tôn Giáo của Mình ở Ngoài Cửa″

Trước hết, hãy nói hết về sự kiện bóng rổ đó. Cái ngày sau trận đấu đó, khi có một số phản ứng của công chúng và một lời kêu gọi phải xin lỗi về sự kiện này, thì một người thanh niên quả thật đã nói: “Nghe này. Chúng ta đang nói về bóng rổ ở đây, chứ không phải là Trường Chủ Nhật. Nếu ta không chịu nổi tiếng la hét của khán giả thì đừng chơi thể thao vậy. Chúng tôi bỏ ra nhiều tiền để xem các trận đấu này. Chúng tôi có thể hành động theo cách mình muốn. Chúng tôi bỏ lại tôn giáo của mình ở ngoài cửa trước khi vào xem trận đấu.”

Chúng ta bỏ lại tôn giáo của mình ở ngoài cửa”? Bài học số một cho việc thiết lập Si Ôn vào thế kỷ thứ 21: Ta không bao giờ “bỏ lại tôn giáo của mình ở ngoài cửa trước.” Không bao giờ.

Những người bạn trẻ của tôi ơi, không thể nào có được tư cách môn đồ kiểu đó ---đó không phải là tư cách môn đồ gì cả đâu. Như tiên tri An Ma đã dạy cho các thiếu nữ của Giáo Hội tuyên bố mỗi tuần trong chủ đề của Hội Thiếu Nữ của họ, chúng ta ″đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà [chúng ta] hiện diện,”13chứ không phải chỉ trong một thời gian nào đó, ở một vài chỗ, hoặc khi đội thể thao của chúng ta thắng lớn mà thôi.

“Chúng tôi bỏ lại tôn giáo của mình ở ngoài cửa trước khi vào xem trận đấu”! Tôi rất giận.

Bài Học 2: Cho Thấy Lòng Trắc Ẩn, nhưng Trung Thành với Các Lệnh Truyền

Chúng ta hãy nói thêm về sự kiện này trong một chốc lát vì có một bài học thứ hai tiếp theo đây. Bài học thứ hai trong việc tìm kiếm Si Ôn trong buổi tối hôm nay là trong cảm giác đầy bất mãn ngay chính của tôi (ít nhất chúng ta luôn luôn nói là ngay chính) tôi phải chắc chắn rằng tôi không đến mức làm giống như điều tôi đã kết tội người hâm mộ anh thanh niên này đã làm---nổi giận, hành động ngớ ngẩn, mất bình tĩnh, phàn nàn chửi rủa, muốn chạm tay vào người ấy—tốt nhất là tóm cổ người ấy—trước khi tôi biết được rằng, Tôi bỏ lại tôn giáo của mình ở ngoài cửa! Không đâu, một người trong thế kỷ 21, một người ở trong tất cả tình huống này đều phải sống theo tôn giáo của mình vì nếu không thì chúng ta hoàn toàn chỉ có một bọn xuẩn ngốc hành động giống như những kẻ thiếu đạo đức.

Thật là dễ dàng để sống ngay chính khi những sự việc được êm đềm, cuộc đời tốt lành và mọi việc đều trôi chảy. Cuộc trắc nghiệm là khi nào có sự cám dỗ thật sự, khi nào có áp lực và mệt mỏi, giận dữ và sợ hãi, hoặc có thể có sự phạm tội thật sự. Vậy thì, chúng ta có thể trung tín được không? Đó là vấn đề vì ″Y Sơ Ra Ên, Y Sơ Ra Ên, Thượng Đế đang kêu gọi.″ Dĩ nhiên, tình trạng nguyên vẹn như vậy là tính vĩ đại của câu “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”14—đúng là khi nào việc tha thứ, thông cảm và rộng lượng đối với những người đóng đinh mình là điều cuối cùng mà bất cứ người nào ít hoàn hảo hơn Đấng Cứu Rỗi của thế gian sẽ muốn làm. Nhưng chúng ta cần phải cố gắng; chúng ta phải mong muốn được vững mạnh. Bất kể tình huống hay điều khiêu khích hoặc vấn đề là gì đi nữa, thì không có môn đồ chân chính nào của Đấng Ky Tô lại có thể ″bỏ lại tôn giáo của mình ở ngoài cửa.”

Điều đó khiến tôi nói đến chị phụ nữ với mái tóc đủ màu và nhiều khuyên vàng chói lọi. Tuy nhiên, một người sẽ có phản ứng với người phụ nữ trẻ ấy, quy luật luôn luôn là phải có sự phản ảnh những niềm tin tôn giáo và sự cam kết phúc âm của chúng ta. Do đó, cách chúng ta phản ứng trong bất cứ tình huống nào cũng làm cho sự việc được tốt hơn, chứ không tệ hại hơn. Chúng ta không thể hành động hoặc phản ứng theo cách làm cho chúng ta phạm tội nhiều hơn người phụ nữ ấy trong trường hợp này. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không có ý kiến, rằng chúng ta không có tiêu chuẩn, rằng bằng cách nào đó, chúng ta hoàn toàn làm ngơ lệnh truyền thiêng liêng ″các ngươi phải″ và ″các ngươi chớ″ trong cuộc sống. Nhưng điều đó quả thật có nghĩa là chúng ta phải sống theo các tiêu chuẩn đó và bênh vực các lệnh truyền ″các ngươi phải″ và ″các ngươi chớ″ theo một cách ngay chính, với khả năng tốt nhất của mình, theo cách mà Đấng Cứu Rỗi đã sống theo và bảo vệ các lệnh truyền đó. Và Ngài cũng luôn luôn làm điều Ngài cần phải làm để làm cho tình thế được tốt hơn—từ việc giảng dạy lẽ thật, đến việc tha thứ kẻ phạm tội, làm sạch đền thờ. Đó là một ân tứ vĩ đại để biết làm đúng cách những điều như vậy!

Vậy nên, đối với việc người thiếu nữ ăn mặc và chải chuốt một cách kỳ lạ, chúng ta bắt đầu một cách quan trọng hơn hết bằng cách nhớ rằng người ấy là con gái của Thượng Đế và có giá trị vĩnh cửu. Chúng ta bắt đầu bằng cách nhớ rằng người ấy cũng là con gái của một ai đó nơi đây trên thế gian và cũng có thể là con gái của tôi trong những hoàn cảnh khác. Chúng ta bắt đầu bằng cách biết ơn rằng người ấy đang ở tại một buổi sinh hoạt Giáo Hội, chứ không tránh buổi sinh hoạt đó. Tóm lại, chúng ta cố gắng hết sức mình trong tình huống này với mong muốn giúp đỡ người ấy có cố gắng lớn nhất để thành người tốt. Chúng ta tiếp tục im lặng cầu nguyện: Điều đúng để làm ở đây là gì? Và điều đúng để nói ra ở đây là gì? Điều thiết yếu nào sẽ làm cho tình huống này và người ấy được tốt hơn? Việc đặt ra những câu hỏi này và thật sự cố gắng để làm điều mà Đấng Cứu Rỗi sẽ làm là điều tôi nghĩ rằng Ngài có ý đó khi phán: “Đừng cứ bề ngoài mà xét đoán, nhưng phải xét đoán theo lẽ công bình.”15

Sau khi đã nói thế, tôi xin nhắc tất cả chúng ta nhớ rằng trong khi tìm đến và giúp một con chiên trở lại sau khi đã đi lạc đường, thì chúng ta cũng có một trách nhiệm trọng đại đối với 99 con chiên kia mà không đi lạc đuờng---và trở lại với những điều mong muốn và ý muốn của Đấng chăn chiên. một bầy chiên, và chúng ta đều phải thuộc vào trong bầy đó, không kể sự an toàn và các phước lành ban cho chúng ta ở đó. Các em thân mến, giáo lý của Giáo Hội này không bao giờ có thể được “sửa đổi” để thích hợp hơn với xã hội hoặc được chấp nhận hơn về mặt chính trị, hoặc bất cứ lý do nào khác. Đó chỉ là sự an toàn của lẽ thật đã được tiết lộ mà mang đến cho chúng ta bất cứ nền tảng nào để nâng đỡ người khác có thể cảm thấy bị rắc rối hay bị bỏ rơi. Lòng trắc ẩn và tình yêu thương của chúng ta—những đặc tính cơ bản và những điều đòi hỏi của Ky Tô giáo chúng ta---đừng bao giờ được hiểu là thỏa hiệp với các lệnh truyền. Như George MacDonald tuyệt diệu có lần đã nói trong tình huống như vậy: “chúng ta không bị bắt buộc phải nói ra tất cả những gì chúng ta [tin], nhưng chúng ta bị bắt buộc không được [trông giống] như điều chúng ta [không tin].”16

Hãy Xét Đoán Ngay Chính

Về phương diện này—sự kêu gọi này để có lòng trắc ẩn lẫn trung thành với các lệnh truyền---thì đôi khi có thể có một sự hiểu lầm, đặc biệt là giữa những người trẻ tuổi là những người có thể nghĩ rằng chúng ta không được xét đoán bất cứ điều gì, rằng chúng ta không bao giờ được đánh giá bất cứ thứ gì. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau với lối suy nghĩ đó vì Đấng Cứu Rỗi đã phán rõ rằng trong một số tình huống chúng ta phải xét đoán, chúng ta có bổn phận phải xét đoán---như khi Ngài phán: “Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo.”17 Câu nói đó nghe giống như là một lời xét đoán đối với tôi. Chỉ còn cách đầu hàng và trở thành giống như thế giới tân tiến là nơi có những tiêu chuẩn đạo đức mềm dẻo bị vi phạm đến mức dẫn đến khẳng định rằng không có điều gì thiết yếu là vĩnh viễn đúng hoặc đặc biệt là thiêng liêng nữa, và, do đó, lập trường của một người về một vấn đề đã được quy định không còn quan trọng hơn lập trường của người khác nữa. Và điều đó hoàn toàn không đúng.

Trong tiến trình đánh giá này, chúng ta không được kêu gọi để kết án những người khác, mà chúng ta được kêu gọi để đưa ra quyết định mỗi ngày mà phản ảnh óc xét đoán—chúng ta hy vọng xét đoán đúng. Có lần Anh Cả Dallin H. Oaks đã ám chỉ những loại quyết định này là “những xét đoán tạm thời,” mà chúng ta thường phải đưa ra vì sự an toàn của mình hoặc vì sự an toàn của những người khác, ngược lại với điều mà ông đã gọi là ″sự phán xét cuối cùng,″ mà chỉ có thể được Thượng Đế đưa ra, là Đấng biết tất cả những sự kiện.18 (Hãy nhớ rằng trong câu thánh thư được trích dẫn trước đây, Đấng Cứu Rỗi đã phán những điều này phải là những điều “xét xử công bình,” chứ không phải những điều xét đoán tự mãn tức là một điều khác hẳn).

Ví dụ, cha mẹ phải sử dụng óc xét đoán giỏi về sự an toàn và an lạc của con cái họ mỗi ngày. Không một ai sẽ chê trách một người cha hay mẹ nào khi họ nói rằng con cái cần phải ăn rau hoặc không cho một đứa con chạy ra đường đầy xe cộ. Vậy thì tại sao khi mấy đứa con đó lớn hơn một chút thì cha mẹ lại bị chê trách khi quan tâm đến đứa con đó về nhà vào giờ nào ban đêm, hoặc quan tâm đến những tiêu chuẩn đạo đức và hành vi của bạn bè chúng, hay là chúng đi chơi hẹn hò vào lúc mấy tuổi, hoặc chúng có thử dùng ma túy hay sách báo hình ảnh khiêu dâm hoặc vi phạm tội lỗi tình dục không? Không, chúng ta đang đưa ra quyết định và có lập trường cùng tái khẳng định các giá trị của mình---tóm lại, luôn luôn, hay ít nhất chúng ta cần phải đưa ra “những xét đoán tạm thời”.

Một Số Vấn Đề và Luật Pháp Có Kết Quả Vĩnh Cửu

Khi chúng ta đối phó với tình huống như vậy với các vấn đề xã hội phức tạp trong một xã hội dân chủ, thì có thể là điều rất khó khăn và rất khó hiểu đối với một số người. Những người trẻ tuổi có thể hỏi về lập trường này hoặc chính sách khác do Giáo Hội đưa ra hay lập ra khi nói: “Vâng, chúng tôi không tin là chúng tôi nên sống hoặc hành động theo một cách nào đó, mà tại sao chúng tôi phải bắt những người khác phải làm giống theo? Họ không có quyền tự quyết hay sao? Chúng ta không tự mãn và có óc phán đoán, áp đặt niềm tin của mình lên người khác, đòi hỏi họ phải hành động theo một cách nào đó sao?” Trong những tình huống đó, các em sẽ phải thận trọng giải thích lý do tại sao một số nguyên tắc đã được bảo vệ và một số tội lỗi bị chống đối, bất cứ nơi nào chúng được tìm thấy vì các vấn đề và luật pháp liên quan không chỉ là xã hội hoặc chính trị mà còn có những kết quả vĩnh cửu nữa. Và trong khi không muốn làm tổn thương những người có niềm tin khác với chúng ta, chúng ta còn tha thiết hơn để không xúc phạm Thượng Đế, hoặc như thánh thư dạy: “không xúc phạm Đấng ban hành luật pháp cho mình”19—và tôi đang nói đây về luật pháp đạo đức hệ trọng.

Nhưng để nêu rõ vấn đề, tôi xin sử dụng ví dụ về một luật pháp thấp hơn. Gần giống như một thiếu niên nói: “Bây giờ tôi có thể lái xe rồi, tôi biết là tôi phải ngừng lại ở đèn đỏ, nhưng chúng ta có thật sự cần phải phán xét và cố gắng làm cho mọi người khác phải ngừng ở đèn đỏ không? Mọi người có đều phải làm điều chúng ta làm không? Những người khác không có quyền tự quyết sao? Họ cần phải xử sự như chúng ta không?” Rồi các em phải giải thích tại sao, vâng, chúng ta quả thật hy vọng rằng họ đều sẽ tuân theo ở ngả tư đèn đỏ. Và các em phải làm điều này mà không chỉ trích những người vi phạm hoặc những người có niềm tin khác với chúng ta vì, vâng, họ quả thực có quyền tự quyết về mặt đạo đức.

Các bạn trẻ của tôi ơi, có nhiều loại tín ngưỡng trên thế gian này và có quyền tự quyết về mặt đạo đức dành cho mọi người, nhưng không có ai sẽ được tự do hành động thể như Thượng Đế lặng câm trước những vấn đề này hoặc thể như các lệnh truyền chỉ quan trọng khi có sự thỏa thuận chung về các lệnh truyền mà thôi. Trong thế kỷ 21 chúng ta không thể chạy trốn nữa rồi. Chúng ta sẽ phải chống lại các luật pháp, hoàn cảnh và môi trường mà cho phép được tự do tham gia vào sinh hoạt tôn giáo và chúng ta được chính thức chấp thuận của chính quyền về sinh hoạt tôn giáo như vậy. Đó là một cách mà chúng ta có thể chịu ở trong Ba Bi Lôn nhưng không thuộc vào Ba Bi Lôn.

Tôi biết không có khả năng và tính liêm chính nào quan trọng hơn đối với chúng ta trên thế gian mà chúng ta không thể chạy trốn nhưng phải thận trọng bước đi trên con đường đó---giữ một lập trường đạo đức đúng theo điều Thượng Đế đã tuyên bố và các luật pháp Ngài đã ban cho, nhưng làm điều đó với lòng trắc ẩn, thông cảm và lòng bác ái rộng lớn. Điều này rất khó để làm---để phân biệt một cách hoàn hảo giữa tội lỗi và người phạm tội. Tôi biết có một vài điều còn khó hơn để phân biệt—hoặc ít nhất khó hơn để nói tới---nhưng chúng ta cần phải cố gắng làm y như thế.. Các em thân mến, hãy tin tôi, trong thế gian mà chúng ta đang sống, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển sức mạnh như vậy, bày tỏ lòng can đảm như vậy, và cho thấy lòng trắc ẩn như vậy---mọi điều cùng một lúc. Và tôi hiện đang không nói về những kiểu tóc kỳ quái và khuyên mũi của các em.

Bài Học 3: Sử Dụng Các Giá Trị Phúc Âm để Giúp Ích cho Cộng Đồng và Quốc Gia

Bây giờ, cuối cùng đến câu chuyện đầy khó khăn từ Kansas City. Không có nhiều người trong chúng ta sẽ là các viên chức cảnh sát hoặc các nhân viên xã hội hay các quan toà ngồi xử án, nhưng tất cả chúng ta nên chăm sóc sự an lạc của những người khác và sự an toàn đạo đức của cộng đồng mở rộng của chúng ta. Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai đã dành hết bài nói chuyện trong đại hội trung ương cho đề tài này cách đây hai năm. Khi ngỏ lời về việc chúng ta cần phải có ảnh huởng đến xã hội ở bên ngoài gia đình của mình, ông nói:

“Ngoài việc bảo vệ gia đình mình, chúng ta còn cần phải là một nguồn ánh sáng trong việc bảo vệ cộng đồng của mình nữa. Đấng Cứu Rỗi phán: ′Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.’…

“Trong thế gian ngày càng bất chính, thì điều thiết yếu là các giá trị đạo đức được dựa trên niềm tin tôn giáo phải là [hiển nhiên trong] cuộc sống của chúng ta trước mắt công chúng. …

“Đức tin nơi tôn giáo là một nguồn ánh sáng, hiểu biết và thông sáng cùng giúp ích cho xã hội theo cách gây ấn tượng sâu sắc.”20

Nếu chúng ta không mang các phước lành của phúc âm đến với cộng đồng và quốc gia của mình, thì sự thật đơn giản của vấn đề là chúng ta sẽ không bao giờ có đủ cảnh sát—sẽ không bao giờ có đủ Isaac Freestones—để bắt buộc hành vi đạo đức cho dù điều đó có thể thi hành được hay không. Và không phải là như vậy đâu. Mấy đứa trẻ trong căn nhà đó không có thức ăn hoặc quần áo đều là các con trai và con gái của Thượng Đế. Người mẹ đó, đáng khiển trách vì người ấy lớn hơn và nên có trách nhiệm hơn, cũng là con gái của Thượng Đế. Tình huống như vậy có thể đòi hỏi tình yêu thương bền bỉ theo những cách chính thức, thậm chí hợp pháp, nhưng chúng ta cần phải cố gắng giúp đỡ vào lúc nào và ở đâu chúng ta có thể làm được vì chúng ta không bỏ lại tôn giáo của mình ở ngoài cửa, cho dù chúng ta cảm thấy những người khác đang hành động một cách không thỏa đáng và vô trách nhiệm.

Buổi tối hôm nay, chúng ta sẽ không giải quyết mỗi vấn đề cá nhân hoặc xã hội trên thế giới này đây. Buổi tối hôm nay, khi chúng ta ra về thì sẽ vẫn còn cảnh nghèo khổ, sự ngu dốt và phạm tội, nạn thất nghiệp và lạm dụng, bạo động và khổ sở trong khu xóm, thành phố và quốc gia của chúng ta. Không, chúng ta không thể làm mọi điều, nhưng theo như câu tục ngữ cổ xưa thì chúng ta có thể làm một điều gì đó. Và để đáp lại lời kêu gọi của Thượng Đế ″con cái Y Sơ Ra Ên″ là những người phải làm điều đó—lần này không phải chạy trốn khỏi Ba Bi Lôn mà là tấn công nó. Chúng ta không ngờ nghệch hay lạc quan thái quá, nhưng có thể luôn luôn sống theo tôn giáo của mình một cách rộng rãi để tìm ra mọi cơ hội để giúp đỡ các gia đình, ban phước cho những người hàng xóm, và bảo vệ những người khác kể cả thế hệ đang vươn lên.

Sống Cuộc Sống để Phản Ảnh Tình Yêu Thương của Mình về Chúa Giê Su Ky Tô

Tôi đã không nói tới từ người truyền giáo trong văn cảnh này vì sợ rằng các em sẽ nghĩ ngay đến áo sơ mi trắng và cái thẻ tên. Đừng giới hạn tôi về vấn đề này. Hãy nghĩ tới vấn đề bao quát---nhu cầu to lớn---để luôn luôn chia sẻ phúc âm, cho dù ta có là người truyền giáo toàn thời gian hay không. Các Thánh Hữu Ngày Sau được kêu gọi để làm men trong bánh, muối không bao giờ bị mất mùi vị, ngọn đèn đặt trên ngọn đồi chứ không bao giờ giấu dưới cái đấu. Và lứa tuổi của các em---hầu hết là từ 18 đến 30 là thời gian trong cuộc đời của một người mà những người quen biết của các em hầu như có thể chấp nhận phúc âm nếu phúc âm được trình bày cho họ nghe. Chúng ta biết điều đó. Một số nghiên cứu do Giáo Hội thực hiện đã cho chúng ta biết điều đó.

Vậy thì hãy bắt đầu trình bày phúc âm cho họ! Nếu chúng ta làm và nói đúng cùng tìm đến người khác một cách rộng lượng với lời nói hành động của mình, thì khi Đấng Cứu Rỗi rút ngắn công việc của Ngài trong sự ngay chính, phán rằng không còn thời giờ nữa trong gian kỳ sau cùng và vĩ đại này và rồi hiện đến trong vinh quang của Ngài, thì Ngài sẽ tìm ra chúng ta—các em và tôi cùng tất cả chúng ta—cố gắng hết sức, cố gắng sống theo phúc âm, cố gắng làm cho cuộc sống và Giáo Hội cùng xã hội của chúng ta được tốt đẹp hơn với hết khả năng của mình. Khi Ngài đến, tôi rất muốn được thấy là đang sống theo phúc âm. Tôi muốn được ngạc nhiên ngay trong khi đang truyền bá đức tin và làm một điều tốt lành nào đó. Tôi muốn được Đấng Cứu Rỗi phán cùng tôi: “Jeffrey”---bởi vì Ngài biết tên của tất cả chúng ta---“ta nhận ra ngươi không phải qua danh xưng của ngươi mà là qua cuộc sống của ngươi, con đường mà người đang cố gắng sống theo và các tiêu chuẩn ngươi đang bảo vệ. Ta thấy tính liêm khiết trong lòng ngươi. Ta biết ngươi đã cố gắng để làm tốt hơn đầu tiên và trước hết bằng cách tự mình sống tốt hơn, và rồi rao truyền lời của ta và bảo vệ phúc âm của ta đối với những người khác trong một cách đầy trắc ẩn với khả năng của mình.″

Ngài sẽ chắc chắn phán: ″Ta biết ngươi không luôn luôn thành công, với tội lỗi của ngươi hay hoàn cảnh của những người khác, nhưng ta tin là ngươi đã thật lòng cố gắng. Ta tin rằng trong lòng ngươi, ngươi đã thật sự kính mến ta.”

Tôi muốn có một cuộc gặp gỡ giống như thế một ngày nào đó chứ không muốn điều gì khác trong cuộc sống hữu diệt này. Và tôi muốn điều đó cho các em. Tôi muốn điều đó cho tất cả chúng ta. Y Sơ Ra Ên, Y Sơ Ra Ên, Thượng Đế đang kêu gọi---kêu gọi chúng ta phải sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong những cách thức nhỏ bé cũng như to lớn, và rồi tìm đến những người có thể trông không giống, ăn mặc hay hành động khônggiống như chúng ta, và rồi (nơi nào có thể được) các em vượt qua điều đó để phục vụ trong cộng đồng to lớn nhất mà các em có thể mang đến ảnh hưởng.

Để giúp các em làm điều đó, tôi để lại cùng với chứng ngôn của mình phước lành của vị sứ đồ trong buổi tối hôm nay cho mỗi em. Tôi ban phước cho các em qua quyền năng của chức tư tế và nhiệm vụ mà tôi đã nhận được, để biết rằng Thượng Đế yêu thương các em, rằng Ngài cần các em trong gian kỳ vĩ đại cuối cùng của thời kỳ này khi mọi điều đang đến nhanh chóng và càng thêm nhiều điều hơn được trông mong. Tôi ban phước cho các em, với thẩm quyền của vị sứ đồ, để những lời cầu nguyện của các em đượnc dâng lên trong sự ngay chính sẽ được đáp ứng, để những nỗi sợ hãi riêng của các em sẽ được cất đi, để lưng và vai cùng tấm lòng của các em sẽ được vững mạnh chịu đựng các gánh nặng được đặt lên chúng. Tôi ban phước cho các em khi các em cố gắng có lòng trong sạch, tự hiến dâng mình làm một công cụ trong tay của Thượng Đế để thiết lập Si Ôn trong những ngày sau cùng này ở mọi nơi các em có mặt. Tôi ban phước cho các em hãy là bạn chân thành với nhau, và với những người không thuộc vào vòng thân hữu của các em là những người mà chúng ta sẽ tìm tới. Ngoài ra, tôi ban phước cho các em được làm bạn của Đấng Cứu Rỗi của thế gian, để được biết rõ Ngài, và tin tưởng vào sự đồng hành của Ngài.

Tôi kính mến Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đang cố gắng làm tôi tớ cho Ngài. Và tôi kính mến Cha Thiên Thượng là Đấng quan tâm đủ để ban Vị Nam Tử cho chúng ta. Tôi biết rằng, về sự ban cho ấy, Thượng Đế đang kêu gọi Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau này và Ngài trông mong chúng ta hãy đáp ứng lời kêu gọi đó và trở nên giống Đấng Ky Tô hơn, trở nên thánh thiện hơn con người hiện tại của chúng ta trong quyết tâm để sống theo phúc âm và thiết lập Si Ôn. Tôi cũng biết rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh lẫn sự thánh thiện để làm các môn đồ chân chính nếu chúng ta nài xin điều đó. Tôi làm chứng về tính chất thiêng liêng của công việc này, về tình yêu thương và sự vĩ đại của Thượng Đế Toàn Năng, và Sự Chuộc Tội vô hạn của Chúa Giê Su Ky Tô ngay cả đến người thấp kén nhất trong số mỗi người chúng ta. Tôi ban phước cho các em với hy vọng này về hạnh phúc và sự thánh thiện, buổi tối hôm nay và ngày mai và mãi mãi, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. “Ye Elders of Israel,” Hymns, số 319.

  2. “Israel, Israel, God is Calling,” Hymns, số 7.

  3. Xin xem Áp Ra Ham 2:3.

  4. Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 1:7–14.

  5. “Israel, Israel, God is Calling,” Hymns, số 7.

  6. Xin xem 1 Nê Phi 2:2.

  7. Xin xem 1 Nê Phi 18:22–24.

  8. Xin xem Ê The 6:5–13.

  9. Xin xem Perry Miller, Errand into the Wilderness (1984), 2–3.

  10. “Cùng Lại Nhau Đây, Hỡi Các Thánh Hữu,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 2.

  11. Brigham Young, được trích dẫn trong James S. Brown, Life of a Pioneer (1971), 121.

  12. Isaac Freestone, kinh nghiệm chia sẻ với tác giả vào ngày 5 tháng Năm năm 2012.

  13. Mô Si A 18:9.

  14. Lu Ca 23:34.

  15. Giăng 7:24.

  16. George MacDonald, The Unspoken Sermons (2011), 264.

  17. Ma Thi Ơ 7:6.

  18. Xin Dallin H. Oaks, “‘Judge Not’ and Judging,” Ensign, tháng Tám năm 1999, 6–13.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 64:13.

  20. Quentin L. Cook, “Hãy Có Sự Sáng!” EnsignLiahona, tháng Mười Một năm 2010, 28–29.

© 2012 do Intellectual Reserve, Inc. Giữ mọi bản quyền. Bản Anh ngữ chuẩn nhận: 5/12. Bản dịch chuẩn nhận: 5/12. Bản dịch bài hát Israel, Israel, God Is Calling. Vietnamese. PD50039052 435

In