Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Cho Dù Ta Là Ai Đi Nữa Thì Cũng Nên Làm Giỏi Phần Vụ của Mình: Hãy Tránh Đeo Mặt Nạ để Ngụy Trang


Cho Dù Ta Là Ai Đi Nữa Thì Cũng Nên Làm Giỏi Phần Vụ của Mình: Hãy Tránh Đeo Mặt Nạ để Ngụy Trang

Buổi Họp Đặc Biệt CES Devotional dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 4 tháng Ba năm 2012 • Brigham Young University–Idaho

Tôi hân hoan với cơ hội được nói chuyện với các em là các thành niên trẻ tuổi. Tôi mang đến các em tình yêu thương và lời chào mừng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai. Thật khó tin để được có mặt ở nơi đây trong trung tâm đại hội BYU-Idaho. Tôi có thể tưởng tượng ra các em đang hiện diện ở nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới.

Chủ Tịch David O. McKay là vị tiên tri vào lúc tôi bằng tuổi các em. Chủ Tịch McKay phục vụ với tư cách là chủ tịch của Giáo Hội từ năm 1951 đến năm 1970 tức là năm tôi 30 tuổi. Luôn luôn có một điều gì đó rất đặc biệt về vị tiên tri đang phục vụ vào lúc ta là một người thành niên trẻ tuổi. Tôi yêu thương và ngưỡng mộ Chủ Tịch McKay. Ông thường kể lại một câu chuyện có thật đã xảy ra trong khi ông là một người truyền giáo phục vụ ở Scotland. Ông cảm thấy nhớ nhà sau khi đi truyền giáo được một thời gian ngắn và dành ra một vài giờ đồng hồ đi tham quan Tòa Lâu Đài Stirling gần đó. Khi ông và người bạn đồng hành của mình trở về từ tòa lâu đài đó, họ đi ngang qua một tòa nhà nơi có tảng đá ở trên cửa có khắc một câu thường được người ta cho là của Shakespeare: Cho Dù Ta Là Ai Đi Nữa Thì Cũng Nên Làm Giỏi Phần Vụ Của Mình.

Khi nhắc lại kinh nghiệm này trong một bài nói chuyện vào năm 1957, Chủ Tịch McKay giải thích: Tôi tự nói với mình hoặc với Thánh Linh ở trong tôi: ‘Ta là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Hơn nữa, ta hiện đang ở đây với tư cách là một người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô. Ta đã chấp nhận trách nhiệm là một người đại diện của Giáo Hội.’ Rồi tôi nghĩ [về] những điều chúng tôi đã làm buổi sáng đó. Chúng tôi đã đi tham quan, chúng tôi đã được hướng dẫn và biết thông tin về lịch sử, đúng thế, và tôi đã rất phấn khởi về điều đó ... Tuy nhiên, đó không phải là công việc truyền giáo... Tôi đã chấp nhận sứ điệp ban cho mình khắc ở trên tảng đá đó và từ giây phút đó, chúng tôi đã cố gắng làm phần vụ của mình với tư cách là những người truyền giáo ở Scotland.” 1

Sứ điệp này--- Cho Dù Ta Là Ai Đi Nữa Thì Cũng Nên Làm Giỏi Phần Vụ Của Mình---là rất quan trọng và có một ảnh hưởng như vậy đối với Anh Cả McKay nên ông đã sử dụng ảnh hưởng đó để soi dẫn suốt cuộc sống còn lại của mình. Ông quyết tâm rằng cho dù có trách nhiệm gì đi nữa thì ông cũng sẽ cố gắng hết sức.

Khi Anh Cả David B. Haight là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Scotland, ông đã thấy tảng đá nguyên thủy có khắc câu ấy và đã cho làm một tảng đá giống y như vậy mà hiện nay đang để tại Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo ở Provo, Utah. Nhiều em đã thấy câu trích dẫn đó và đã suy ngẫm về ý nghĩa của sứ điệp khắc trên tảng đá đó. Mới đây, Anh Cả Russell M. Nelson đã tái xác nhận sứ điệp này tại lễ kỷ niệm 50 nămTrung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo.

Khi tôi suy nghĩ về các em là người như thế nào, thì tôi có cảm giác rằng các em có thể đã không hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của thế hệ mình. Xã hội nói chung đã đặt tên cho nhiều thế hệ khác nhau đang sống ngày nay. Thế hệ lớn tuổi nhất trong số chúng ta ở Hoa Kỳ và những quốc gia khác đã được đặt tên là "Thế Hệ Vĩ Đại Nhất" vì điều họ đã chịu đựng trong thời kỳ kinh tế trì trệ khủng khiếp trên toàn cầu vào thập niên 1930 và rồi thành đạt vào lúc Đệ Nhị Thế Chiến và hậu quả của cuộc thế chiến đó để xây đắp một thế giới tốt đẹp hơn. Một số Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương Thâm Niên của Giáo Hội đã tham gia vào những sự kiện này. Chủ Tịch Thomas Monson ở trong Hải Quân Hoa Kỳ; Chủ Tịch Boyd Packer phục vụ trong Không Quân Hoa Kỳ; Anh Cả L. Tom Perry là một người Lính Thủy Đánh Bộ Hoa Kỳ. Tôi sẽ chia sẻ với các em sau một số kinh nghiệm họ đã có và các bài học họ đã học được và giảng dạy.

Thế hệ của các em sinh ra vào thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 hiện được gọi là “Thế Hệ Thiên Niên Kỷ.” Một số nhà bình luận đầy hoài nghi về điều thế hệ các em sẽ đạt được. Tôi tin rằng các em có quá trình và nền tảng để trở thành thế hệ tốt nhất từ trước đến giờ, nhất là trong việc xúc tiến kế hoạch của Cha Thiên Thượng

Tại sao tôi nói như vậy? Thế hệ của các em được tiếp cận với Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý nhiều hơn các thế hệ trước và các em được giảng dạy tốt nhất so với Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý của các thế hệ trước, và các em được huấn luyện tốt nhất so với bất cứ thế hệ nào từ Hội Thiếu Nhi, Chức Tư Tế và Hội Thiếu Nữ. Ngoài ra, có khoảng 375.000 em đã phục vụ hoặc đang phục vụ với tư cách là người truyền giáo. Các em đại diện cho một phần ba tất cả những người truyền giáo đã phục vụ trong gian kỳ này. Samuel Smith, người truyền giáo đầu tiên trong gian kỳ này được sắc phong với tư cách là Anh Cả và được phong nhiệm với tư cách là người truyền giáo vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, vào ngày Giáo Hội được tổ chức. Khi các em suy ngẫm về tất cả những người truyền giáo đã phục vụ kể từ lúc đó, thì thật là điều kỳ diệu để thấy rằng một phần ba số đó thuộc vào lứa tuổi của các em. Chỉ so sánh 76.000 người truyền giáo hoặc ít hơn 8% đã phục vụ trong 12 năm khi tôi từ 18 đến 30 tuổi. Đối với các em đã không có cơ hội đi phục vụ truyền giáo, thì phần đóng góp của các em có thể lại rất đáng kể. Hầu như một nửa số các vị trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đòan và Nhóm Túc Số Mười Hai đã không có cơ hội để phục vụ truyền giáo.

Hãy Tránh Thể Hiện Một Cá Tính Bằng Cách Đeo Mặt Nạ Ngụy Trang

Khi xem xét tiềm năng to lớn tốt lành của các em, thì mối quan tâm của tôi về tương lai của các em là gì? Tôi có thể đưa ra cho các em lời khuyên nào? Trước hết, đối với mỗi em sẽ có áp lực nặng nề để thể hiện một cá tính—thậm chí còn đeo mặt nạ nữa—và trở thành một người nào đó không thật sự phản ảnh con người của các em hoặc con người mà các em muốn trở thành.

Mùa hè vừa qua, với trách nhiệm trong lãnh vực công vụ, Anh Cả L. Tom Perry và tôi, cùng với Michael Otterson, 2 đã họp với Abraham Foxman trong văn phòng của ông ở New York. Ông Foxman là giám đốc quốc gia về Hiệp Hội Chống Lại Lời Phỉ Báng. Sứ mệnh của hiệp hội này là ngăn chặn lời phỉ báng những người Do Thái. Ông đã tham gia vào công việc này gần 40 năm. Câu chuyện về cuộc đời của ông đã đưa ông đến chức vụ này thì rất hấp dẫn. Ông sinh ra vào lúc bắt đầu Đệ Nhị Thế Chiến. Để đối phó với sắc lệnh chống dân Do Thái, cha mẹ của ông, Joseph và Helen Foxman,, đã giao Abraham cho một cô gái người Ba Lan theo đạo công giáo ngay trước khi họ vào khu xóm người Do Thái ở Vilna, Lithuania vào tháng Chín năm 1941. Abraham mới được 13 tháng tuổi. Cha mẹ của ông sống sót sau chiến tranh và nạn tàn sát người Do Thái dưới thời Hitler nhưng không đoàn tụ với Abraham cho đến khi ông bốn tuổi. Người ta ước tính có khoảng1 triệu rưỡi trẻ em Do Thái chết trong địa ngục của Đức quốc xã. Abraham được cô gái theo đạo Công Giáo bảo vệ và dẫn đi nhà thờ mỗi Chủ Nhật và che giấu tông tích Do Thái của ông.3 Nên chẳng ngạc nhiên gì khi Abraham Foxman đã cống hiến đời mình để chống lại phong trào chống dân Xê Mít, lòng căm thù, cố chấp và kỳ thị.

Tôi đã làm việc với Ông Foxman vào những dịp trước cũng như ngưỡng mộ lòng can đảm và cam kết của ông. Trong các cuộc họp của chúng tôi với ông ở New York, tôi hỏi ông có lời khuyên nào cho chúng tôi liên quan đến trách nhiệm của chúng tôi trong Công Vụ đối với Giáo Hội không. Ông suy ngẫm một lát rồi giải thích về tầm quan trọng của việc khuyến khích những người khác đừng đeo mặt nạ. Ông mô tả đảng Ku Klux Klan. Đó là một tổ chức có ảnh hưởng rất lớn và khá kinh hoàng đối với đa số người dân Mỹ trong thời gian đầu thế kỷ cuối cùng. Với áo choàng và mặt nạ giống nhau làm cho không ai có thể nào nhận ra những người tham gia, họ đốt những cây thập tự trên bãi cỏ của những người bị họ nhắm vào để khủng bố và tự xem mình là những kẻ được gọi là người giám hộ tinh thần. Trong số những người bị nhắm vào để khủng bố nhiều nhất là những người Mỹ gốc Châu Phi, cũng như những người theo đạo công giáo, Do Thái và người dân di cư. Những đảng viên của họ tham gia vào việc đánh đập, hành hạ thể xác và ngay cả còn giết người nữa. Ông Foxman chỉ ra rằng một số ít đảng viên Ku Klux Klan thường là các đảng viên Đức quốc xã trong chế độ độc tài của Châu Âu vào thập niên 1930. Nhưng nếu không đeo mặt nạ thì đa số họ đều là những người bình thường kể cả các doanh nhân và những người đi nhà thờ. Ông thấy rằng việc giấu diếm tông tích của họ và đeo mặt nạ để ngụy trang làm cho họ có thể tham gia vào các sinh hoạt mà thường thường có lẽ họ đã tránh được.4 Hành vi của họ gây ra một ảnh hưởng khủng khiếp cho xã hội Hoa Kỳ.

Lời khuyên của Ông Foxman là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những người tránh đeo mặt nạ để giấu diếm tông tích thật của họ.

Trong lịch sử ban đầu của Giáo Hội, Tiên Tri Joseph, Emma và hai đứa con sinh đôi 11 tháng của họ, Joseph và Julia đang ở Hiram, Ohio tại Nông Trại Johnson. Cả hai đứa con của họ đều mắc bệnh sởi. Joseph và đứa con trai nhỏ của ông đang ngủ trên một cái giường gầm gần cửa trước.

Anh Mark L. Staker đã thuật lại điều xảy ra:

Trong đêm đó, một nhóm người mặt sơn đen xông vào cửa và lôi Vị Tiên Tri ra ngoài, ở đó họ đã đánh đập ông và tạt nhựa đường vào người ông và Sidney Rigdon.

“Emma đã ngất xỉukhi nhìn thấy Joseph bị đánh đập và tạt nhựa đường….

“… Mặc dù Vị Tiên Tri đã bị gãy một cái răng, bị thương tích nặng ở bên hông, mất một mảng tóc, và bị phỏng vì chất axít nitric, nhưng ông đã thuyết giảng tại buổi lễ thờ phượng vào ngày Chủ Nhật như thường lệ. Trong số Các Thánh Hữu quy tụ ở đó, có ít nhất bốn người là ở trong đám đông khủng bố.”5

Phần bi thảm nhất của cuộc khủng bố này là bé Joseph bị bỏ ngoài trời ban đêm khi cha của nó bị lôi ra ngoài và nó bị cảm nặng và do đó đã chết một vài ngày sau đó.

Cũng thật thú vị khi biết rằng những người tham gia vào việc giết Tiên Tri Joseph và anh Hyrum của ông, đã sơn mặt để cố gắng giấu diếm tông tích thật của họ.6 Những người đã ngụy trang tông tích của họ và liên kết với những tập đoàn bí mật cũng là một mối quan tâm đặc biệt. Chúng ta biết được trong Sách Mặc Môn rằng Lu Xi Phe “… xách động con cái loài người, đem họ vào những tập đoàn sát nhân bí mật cùng đủ mọi hình thức những việc làm bí mật trong bóng tối.” (2 Nê Phi 9:9; xin xem thêm 3 Nê Phi 6:27–30).

Này nhé, tôi không đề nghị rằng bất cứ em nào sẽ tham gia vào loại sự kiện khủng khiếp mà tôi mới vừa mô tả. Tôi thật sự tin rằng trong thời chúng ta, khi việc ẩn danh là dễ dàng hơn bao giờ hết, thì có những nguyên tắc quan trọng gồm có việc không đeo mặt nạ và "trung thành với đức tin mà các vị tuẫn đạo đã chết cho đức tin đó.” 7

Một trong những sự bảo vệ quan trọng nhất của chúng ta chống lại việc chọn những điều xấu là không đeo bất cứ mặt nạ nào để ngụy trang cả. Nếu có bao giờ các em thấy muốn làm như vậy, thì xin biết rằng đó là một dấu hiệu rất nguy hiểm và một trong những công cụ của kẻ nghịch thù là muốn các em làm một điều gì đó mà các em không nên làm. Một trong những lý do chúng tôi khuyên bảo những người truyền giáo phải ăn mặc trang nhã và các anh cả phải cạo râu nhẵn nhụi để sẽ không có người nào sẽ thắc mắc họ là ai và họ phải hành động như thế nào. Một số người sẽ hỏi: "Điều này có thiển cận không? Tôi không nghĩ thế. Hãy nghĩ về cách ăn mặc và đồ trang sức đã được Tiên Tri Mô Rô Ni mô tả trong Sách Mặc Môn, ông là người đã coi tính kiêu hãnh ngang với việc mặc “trang phục lộng lẫy.” Ông liên kết tính kiêu hãnh thể hiện bằng việc mặc “trang phục lộng lẫy” với việc “… tranh giành, xảo trá, ngược đãi và làm đủ mọi điều bất chính” (Mặc Môn 8:36). Tôi đặc biệt lo lắng rằng trong thời kỳ của mình, cách ăn mặc và đồ trang sức của chúng ta có thể cho thấy là mình chống đối hoặc không tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức, và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các tiêu chuẩn đạo đức của những người khác.

Hành Động Theo Sự Tin Tưởng Chân Chính của Mình

Lời khuyên thứ hai tôi sẽ đưa ra là: Hành động theo sự tin tưởng chân chính của mình bằng cách dành thời giờ vào những điều sẽ xây đắp và phát triển cá tính của mình cũng như giúp bản thân mình trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Tôi hy vọng rằng không một ai trong các em xem cuộc sống chính yếu là thích vui chơi mà thay vì thế, là thời gian “để chuẩn bị gặp Thượng Đế” (An Ma 34:32).

Một tấm gương tuyệt vời về việc làm phần vụ của mình và sử dụng thời giờ một cách thích hợp được cho thấy qua một sự kiện trong cuộc sống của Anh Cả L. Tom Perry khi ông là một phần tử của lực lượng chiếm đóng của Hoa Kỳ ở Nhật Bản vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, với tư cách là một lính thủy đánh bộ. Anh Cả Perry đã chia sẻ câu chuyện này khi ông thu âm lời chứng đặc biệt của mình về Đấng Cứu Rỗi mà đã được chiếu trong trung tâm du khách của chúng ta:

Câu Chuyện của Anh Cả Perry

“Có một kinh nghiệm trong đời tôi thường nhắc nhở tôi về niềm vui có được khi đặt ra câu hỏi: ‘Đấng Cứu Rỗi sẽ làm gì trong tình huống này?’

“Tôi thuộc vào trong số những đợt Lính Thủy Đánh Bộ đầu tiên đi đến nước Nhật sau khi hiệp ước hòa bình tiếp theo Đệ Nhị Thế Chiến đã được ký kết. Khi chúng tôi đi vào thành phố Nagasaki bị tàn phá, thì đó là một trong số những kinh nghiệm buồn nhất của đời tôi. Một phần lớn thành phố đã bị hoàn toàn tàn phá. Một số người chết chưa được chôn cất. Là quân chiếm đóng, chúng tôi đặt bộ chỉ huy và bắt tay vào làm việc.

“Tình thế rất ảm đạm và một vài người chúng tôi muốn ban phát thêm. Chúng tôi đi đến vị tuyên úy của sư đoàn và xin phép giúp xây cất lại các nhà thờ Ky Tô hữu. Vì những hạn chế của chính quyền trong thời chiến nên các nhà thờ hầu như ngừng hoạt động. Một vài tòa nhà của họ bị hư hại nặng. Một nhóm người chúng tôi tình nguyện sửa sang và trát vôi lại những ngôi giáo đường này trong thời gian nghỉ phép của mình để các ngôi giáo đường này được sẵn sàng tổ chức lại thánh lễ Ky Tô hữu.

“Chúng tôi không biết ngôn ngữ ở đó. Điều chúng tôi chỉ có thể hoàn thành là lao nhọc để sửa sang các tòa nhà. Chúng tôi tìm ra các mục sư đã không thể phục vụ trong những năm tháng chiến tranh và khuyến khích họ trở lại phục vụ giáo hội của họ. Chúng tôi có một kinh nghiệm kỳ lạ với những người này khi một lần nữa họ được tự do để thực hành niềm tin Ky Tô hữu của họ.

“Một sự kiện đã xảy ra khi chúng tôi sắp rời Nagasaki để trở về nhà mà tôi sẽ nhớ mãi. Khi lên chiếc xe lửa chở chúng tôi ra tàu để trở về nhà, chúng tôi đã bị những người lính thủy đánh bộ khác chọc ghẹo rất nhiều. Họ nói lời chia tay những cô bạn gái của họ. Họ cười nhạo chúng tôi và cho biết rằng chúng tôi đã bỏ lỡ cuộc vui ở Nhật. Chúng tôi hoàn toàn lãng phí thời gian của mình để làm việc và trét hồ các bức tường.

“Ngay lúc họ đang chọc ghẹo dữ dội thì trên một ngọn đồi nhỏ gần trạm xe lửa xuất hiện khoảng 200 người Nhật Ky Tô hữu cao quý này từ các nhà thờ mà chúng tôi đã sửa sang, cùng hát bài ca “Onward, Christian Soldiers” (Hãy Tiến Lên, Hỡi Những Người Lính Ky Tô Hữu.) Họ đi xuống và cho chúng tôi rất nhiều quà. Rồi họ đứng dọc theo đường ray và khi chiếc xe lửa bắt đầu chạy, chúng tôi giơ tay ra và sờ vào ngón tay của họ khi chúng tôi đi. Chúng tôi không thể nói chuyện; cảm xúc của chúng tôi quá mạnh mẽ. Nhưng chúng tôi biết ơn rằng trong một phương diện rất nhỏ, chúng tôi đã có thể giúp tái lập Ky Tô giáo trong một quốc gia sau chiến tranh.

“Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Tôi biết rằng chúng ta đều là con cái của Ngài và Ngài yêu thương chúng ta. Tôi biết rằng Ngài đã gửi Con Trai của Ngài đến thế gian để làm sự hy sinh chuộc tội cho tất cả nhân loại, và những người nào chấp nhận phúc âm của Ngài và noi theo Ngài thì sẽ vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu, ân tứ lớn hơn hết trong số tất cả các ân tứ của Thượng Đế. Tôi biết rằng Ngài hướng dẫn sự phục hồi phúc âm một lần nữa trên thế gian qua giáo vụ của Tiên Tri Joseph Smith. Tôi biết rằng niềm vui và hạnh phúc duy nhất lâu dài mà chúng ta sẽ tìm thấy trong kinh nghiệm trần thế của mình sẽ là qua việc noi theo Đấng Cứu Rỗi, tuân theo luật pháp của Ngài, và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Ngài hằng sống. Đây là lời chứng của tôi với các em trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.”8

Hãy nghĩ về ý nghĩa của việc một số quân nhân đã dành ra thời giờ để phục hồi Giáo Hội của Đấng Ky Tô so sánh với các quân nhân khác tham dự vào các sinh hoạt phù phiếm, rồ dại hay xấu xa. Xin hãy suy ngẫm và chủ động trong việc chọn lựa cách các em sử dụng thời giờ của mình.

Việc xem cuốn video này nhắc tôi nhớ đến một trong những kỷ niệm lúc tôi còn rất nhỏ khi mới vừa năm tuổi. Chủ tịch giáo khu của tôi là cha của Anh Cả Perry. Vào lúc kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, ông đã mời tất cả các quân nhân trở về ngồi trên bục chủ tọa trong giáo đường tại buổi lễ Tiệc Thánh. Họ đến và mặc bộ quân phục tươm tất nhất của họ và mỗi người chia sẻ một chứng ngôn ngắn. Chủ Tịch Perry đã khóc khi hai người con trai của ông, Anh Cả Perry và em trai của ông là Ted, chia sẻ chứng ngôn của họ. Đối với tôi lúc bấy giờ chỉ là một cậu bé thì điều đó thật là đầy soi dẫn và gây ấn tượng. Tôi không nhớ họ đã nói điều gì nhưng tôi thật sự nhớ là tôi đã cảm thấy như thế nào.

Như các em có thể thấy từ tấm gương của Anh Cả Perry trong cuốn video này, tôi không nói về việc tỏ ra sùng đạo hay trung tín ở bề ngoài. Điều đó có thể làm cho các em và Giáo Hội bị đặt vào tình trạng bối rối. Tôi nói về việc các em trở thành con người các em cần phải trở thành. Khi đang soạn thảo quyển sách hướng dẫn truyền giáo, Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, chúng tôi cảm thấy rằng đó có thể là một quyển sách hướng dẫn bổ ích suốt đời dành cho những người truyền giáo và các tín hữu của chúng ta, nhất là Chương 6, “Làm Thế Nào Tôi Phát Triển Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô?” Khi cố gắng làm phần vụ của mình và nhận ra các thuộc tính mình mong muốn phát triển, các em sẽ muốn “liệt kê và nghiên cứu các đoạn thánh thư giảng dạy về các thuộc tính,” "đề ra các mục tiêu và lập kế hoạch để áp dụng (các) thuộc tính trong cuộc sống của mình" và "cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ mình phát triển (các) thuộc tính.”9 Khi làm như vậy, các em không được đeo mặt nạ và giấu giếm tông tích thật sự của mình.

Một số các em có thể đã có thói quen vượt quá việc chỉ thích vui chơi. Các em nào dính dáng đến hình ảnh sách báo khiêu dâm hay bất cứ hình thức vô luân nào khác thì đều đang đóng một vai trò khác hơn là con người các em thật sự muốn trở thành hay phải trở thành. Thật là thú vị khi thấy hầu hết mọi người dính dáng vào hình ảnh sách báo khiêu dâm đều mang lấy một tông tích giả mạo và giấu giếm việc dính dáng của mình. Các em này ngụy trang hành vi của mình là hành vi mà các em ấy biết là đáng bị khiển trách và nguy hại đối với mọi người mà các em ấy quan tâm đến. Hình ảnh sách báo khiêu dâm là một tai họa nguy hại không những đối với đạo đức của một người đang đứng với Thượng Đế, mà còn có thể hủy diệt hôn nhân và gia đình và gây ra ảnh hưởng có hại cho xã hội. Thói nghiện ngập Internet và hình ảnh sách báo khiêu dâm đều gây tai hại cho hôn nhân.10 Khi tiến đến hôn nhân, các em không được mang bất cứ mặt nạ nào để giấu giếm hành vi không thích hợp mà sẽ gây tai hại cho các em hay hôn nhân của mình.

Đối với các em nào đã sa vào thói quen tai hại này thì xin hãy chắc chắn rằng các em có thể hối cải và có thể được chữa lành. Sự hối cải sẽ cần phải đi trước sự chữa lành. Sự chữa lành có thể là một tiến trình lâu dài. Vị giám trợ của các em có thể khuyên bảo cách các em có thể nhận được sự giúp đỡ các em cần để được chữa lành như thế nào. Chúng tôi đã yêu cầu các vị giám trợ hướng dẫn các em đến những người có thể phụ giúp các em tốt nhất.

Ngoài hình ảnh sách báo khiêu dâm và sự vô luân về mặt tình dục, còn có những hành vi ngấm ngầm mà đầu độc xã hội và làm suy yếu đạo đức cơ bản. Việc giấu giếm tông tích của mình là điều rất thông thường ngày nay khi ẩn danh viết trực tuyến những điều thù oán, cay độc, cố chấp. Một số người ám chỉ đó là cường điệu. Một số cơ quan cố gắng kiểm soát những lời phê bình góp ý. Chẳng hạn tờ báo New York Times sẽ không khoan dung cho những lời phê bình góp ý chứa đựng “những lời lẽ tấn công, tục tĩu, thô bỉ, báng bổ, … mạo nhận danh nghĩa, nhảm nhí và RỦA SẢ. …

“Tạp chí Times cũng khuyến khích việc sử dụng tên thật vì ‘Chúng tôi thấy rằng những người dùng tên thật đều xúc tiến những cuộc chuyện trò hấp dẫn, lễ phép hơn.’”11

Sứ Đồ Phao Lô viết:

“Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt.

“Hãy tỉnh biết, theo các công bình, và chớ phạm tội; vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào” (1 Cô Rinh Tô 15:33–34).

Rõ ràng là những thông tin liên lạc xấu xa không những là một vấn đề cư xử xấu mà nếu được thực hành bởi những người là Các Thánh Hữu Ngày Sau thì có thể ảnh hưởng bất lợi đến những người không hiểu biết về Thượng Đế hay có một chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi.

Bất cứ việc sử dụng Internet nhằm mục đích bắt nạt, làm hại thanh danh, hoặc hủy hoại uy tín của một người thì đều đáng bị khiển trách. Điều chúng ta đang thấy trong xã hội là khi người ta đeo mặt nạ ẩn danh, thì có thể họ đang tham gia vào một hành vi đầy sức hủy diệt đối với cuộc nói chuyện lễ độ. Điều này cũng vi phạm các nguyên tắc cơ bản mà Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy.

Một trong các sứ điệp cơ bản về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà các em đã học được từ khi còn nhỏ là: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16; xin xem thêm GLGƯ 34:3). Đấng Cứu Rỗi giải thích rằng Ngài đã không đến để xét đoán mà là cứu rỗi thế gian. Rồi Ngài mô tả ý nghĩa của sự xét đoán là gì:

““Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa.

“Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng.

“Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời” (Giăng 3:19–21; xin xem các câu 17–21).

Người ngay chính không cần đeo mặt nạ để giấu giếm tông tích của mình. Tôi ưa thích câu chuyện có thật về cuộc sống của Chủ Tịch Thomas S. Monson. Ông chưa đầy 18 tuổi vào lúc gần cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Thật vậy, chiến tranh ở Châu Âu kết thúc nhưng chiến tranh ở khu vực Thái Bình Dương vẫn tiếp diễn.

Ông gia nhập Hải Quân Hoa Kỳ và được gửi đi San Diego. Các em sẽ còn nhớ câu chuyện của ông vào đại hội trung ương trước. Vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của ông, người trung sĩ huấn luyện bắt mọi người sắp hàng để đi nhà thờ. Người này bảo những người Công Giáo đi đến một chỗ, người Do Thái giáo đi đến một chỗ khác, và cố gắng bảo những người còn lại đi tới buổi lễ của đạo Tin Lành. Chủ Tịch Monson nói rằng ông biết ông không phải là người Công Giáo, Do Thái giáo hay Tin Lành; Ông là người Mặc Môn. Ông đã có can đảm để đứng tại chỗ và rất mừng khi biết rằng có các tín hữu trung tín khác đứng ở đằng sau ông. Sẽ dễ dàng để đi với nhóm đông người đến buổi lễ Tin Lành. Ông quyết tâm phải cho người khác biết ông là ai và làm đúng theo phần vụ của mình.12

Đặt Ra Mục Tiêu Thích Hợp

Lời khuyên thứ ba của tôi liên quan đến một số mục tiêu mà các em nên cân nhắc. Vào khoảng cùng thời gian Anh Cả Perry đang ở Nhật Bản với Binh Chủng Lính Thủy Đánh Bộ thì Chủ Tịch Boyd K. Packer cũng phục vụ ở Nhật Bản trong Không Quân vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến.

Trong bài nói chuyện của ông vào lễ kỷ niệm 100 năm Lớp Giáo Lý vào ngày 22 tháng Giêng năm nay, ông đã giải thích rằng đây là một thời gian đầy tiến triển trong cuộc sống của ông.13 Vào năm 2004, tôi đi theo Chủ Tịch Packer và những người khác đến Nhật Bản. Ông đã có cơ hội để hồi tưởng lại một số giai đoạn của ông và ngẫm nghĩ về một số kinh nghiệm và quyết định ông đã lập ra vào lúc đó. Ông thuật lại một số điều đó trong bài nói chuyện của ông tại buổi lễ kỷ niệm Lớp Giáo Lý. Với sự cho phép của ông, tôi chia sẻ với các em những ý nghĩ và cảm tưởng khác nữa.

Chủ Tịch Packer mô tả những kinh nghiệm xảy ra trên một hòn đảo nằm ngoài khơi cách xa bờ biển Okinawa. Ông coi nơi đây là ngọn núi của ông trong vùng hoang dã. Việc chuẩn bị riêng của ông và gặp gỡ với các tín hữu khác đã gia tăng sự tin tưởng của ông vào việc giảng dạy phúc âm. Điều ông thiếu là sự xác nhận---sự hiểu biết chắc chắn về điều ông đã bắt đầu cảm nhận được là chân chính.

Sau đó, người viết tiểu sử của Chủ Tịch Packer nhấn mạnh đến điều đã xảy ra: (Trích dẫn) “Ngược lại với sự bình an xác nhận mà ông đã tìm kiếm, ông đối diện với địa ngục của chiến tranh chống lại người vô tội. Để tìm kiếm nơi tĩnh mịch và thời gian để suy nghĩ, một ngày kia, ông đã leo lên một cái gò nhô cao lên trên mặt biển. Nơi đó, ông đã tìm thấy phần còn lại của ngôi nhà tranh của người nông dân bị hủy hoại, thửa ruộng trồng khoai lang của người nông dân bị bỏ hoang ở bên cạnh. Và ở giữa cây cối đang chết rủ, ông thấy xác chết của một người mẹ và hai đứa con của bà. Cảnh tượng đó làm cho lòng ông tràn đầy nỗi buồn bã lẫn lộn với cảm giác yêu thương đối với gia đình của ông và đối với tất cả mọi gia đình.”14

Rồi sau đó, ông đi vào bên trong một cái hầm tạm, trong đó ông đã suy nghĩ, ngẫm nghĩ và cầu nguyện. Khi nhìn lại sự kiện này, Chủ Tịch Packer đã mô tả điều tôi thường gọi là một kinh nghiệm thuộc linh được xác nhận. Ông cảm thấy soi dẫn về điều ông nên làm với cuộc sống của mình. Dĩ nhiên, ông không hề biết rằng ông sẽ nhận được sự kêu gọi cao quý và thiêng liêng ông hiện đang nắm giữ. Viễn ảnh của ông là muốn làm giảng viên, nhấn mạnh đến những điều giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Ông quyết tâm rằng mình sẽ sống một cuộc sống ngay chính.

Trong một cách sâu xa, ông hiểu rằng ông sẽ phải tìm kiếm một người vợ ngay chính và họ sẽ cùng nhau nuôi nấng một gia đình đông con. Người lính trẻ này nhận biết rằng sự lựa chọn nghề nghiệp của mình sẽ mang đến phần đền bù khiêm tốn và người bạn đời tuyệt vời của mình sẽ cần phải chia sẻ cùng những điều ưu tiên và sẵn lòng sống mà không có một số thứ vật chất nào đó. Đối với các em nào đã quen biết với Chị Donna Packer, thì chị chính là người bạn đời tuyệt vời của Chủ Tịch Packer. Họ không bao giờ dư thừa tiền bạc nhưng họ không cảm thấy bị thiếu thốn trong bất cứ phương diện nào. Họ nuôi dạy 10 đứa con và họ đã phải hy sinh nhiều điều. Hiện họ có 60 đứa cháu và 79 đứa chắt.

Tôi còn có thể nhớ đến những cảm giác dịu dàng tôi đã có khi biết được rằng ông đã lúng túng với tư cách là một vị thẩm quyền trung ương mới để đi với một vị thẩm quyền trung ương thâm niên đến một buổi họp của các vị lãnh đạo Giáo Hội vì ông đã không có một cái áo sơ mi trắng thích hợp để mặc.

Tôi chia sẻ câu chuyện có thật này với các em vì các mục tiêu của chúng ta thường dựa vào những gì thế gian quý trọng. Các yếu tố thiết yếu thật sự khá giản dị đối với các tín hữu đã nhận được các giáo lễ cứu rỗi. Hãy ngay chính. Xây dựng gia đình. Tìm ra một cách thức thích hợp để chu cấp. Phục vụ khi được kêu gọi. Chuẩn bị gặp Thượng Đế.

Đấng Cứu Rỗi dạy rằng “sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu” (Lu Ca 12:15). Rồi Ngài dùng một ngụ ngôn:

“Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm:

“Người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật?

“Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó.

“Rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ.

“Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?

“Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (Lu Ca 12:16–21).

Xây Dựng Quốc Gia của Các Em Và Cộng Đồng Nơi Các Em Đang Sinh Sống

Ngoài các thuộc tính, đức tin và quyết định cá nhân ra, nếu các em thuộc vào thế hệ mà mình cần phải thuộc vào, thì các em sẽ xây dựng quốc gia của mình và cộng đồng nơi mình sinh sống. Thế hệ của các em, giống như Thế Hệ Vĩ Đại nhất, sẽ cần bảo vệ sự ngay chính và tự do tôn giáo. Di sản Do Thái/Ky Tô giáo mà chúng ta thừa hưởng không những là quý báu mà còn thiết yếu đối với kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Chúng ta cần phải giữ gìn di sản này cho các thế hệ mai sau. Chúng ta cần phải liên kết với những người tốt, kể cả những người thuộc mọi tín ngưỡng---nhất là những người cảm thấy chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế về hành vi của họ. Đây là những người sẽ hiểu lý do tại sao buổi tối hôm nay chúng ta nói về việc “cho dù ta là ai đi nữa thì cũng nên làm giỏi phần vụ của mình.” Việc các giá trị của Do Thái/Ky Tô giáo và sự tự do tôn giáo càng ngày càng gia tăng một cách thành công sẽ đánh dấu thế hệ của các em là thế hệ trọng đại, và điều đó cần phải là như vậy.

Với những thử thách trên thế giới ngày nay, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai đã đặc biệt quan tâm rằng các em nên tham gia một cách thích hợp vào diễn tiến chính trị nơi quốc gia các em đang sinh sống. Giáo Hội giữ thái độ trung lập trong những cuộc tranh cử chính trị và không ủng hộ bất cứ ứng cử viên hay đảng phái nào. Tuy nhiên, chúng ta thật sự trông mong rằng các tín hữu của chúng ta sẽ tham gia trọn vẹn trong việc hỗ trợ các ứng cử viên và đảng phái theo sự lựa chọn của họ dựa theo các nguyên tắc mà sẽ bảo vệ chính quyền tốt. Giáo lý của chúng ta rất rõ ràng: “phải siêng năng tìm kiếm những người chân thật và khôn ngoan” (GLGƯ 98:10).) “Khi kẻ ác cai trị thì dân chúng rên siết” (D&C 98:9). Điều này có nghĩa là mọi người cần phải cảm thấy có bổn phận phải đi bầu cử.

Trong các tiểu bang ở Hoa Kỳ mà có các cuộc tuyển cử sơ bộ của đảng để đề cử ứng cử viên, các em nên làm quen với các vấn đề và các ứng cử viên cũng như hãy hoàn toàn tham gia. Ví dụ, các buổi tuyển cử sơ bộ ở Utah và Idaho cho vài đảng phái khác nhau sẽ được tổ chức bắt đầu vào tuần này và kéo dài cho đến giữa tháng Tư. Nếu có đi dự, thì các em sẽ sẽ được phép tham gia. Chúng tôi hy vọng rằng các em sẽ tìm xem giờ giấc của cuộc tuyển cử sơ bộ cho đảng mà mình đã chọn và rồi cảm thấy có bổn phận phải tham dự. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ đúng như vậy đối với tất cả các công dân, các tín hữu cũng như những người ngoại đạo trong tất cả các tiểu bang và các quốc gia nơi sẽ tổ chức những cuộc bầu cử. Tự do vẫn luôn có cái giá rất cao và hậu quả của việc không tham gia đều quá lớn đối với bất cứ công dân nào để cảm thấy rằng họ có thể làm ngơ trách nhiệm của mình.

Xin hãy biết rằng chúng tôi tin tưởng nhiều vào các em. Giới lãnh đạo của Giáo Hội thật sự tin rằng các em có thể xây đắp Vương Quốc không hề giống như bất cứ thế hệ trước nào. Các em không những có tình yêu thương và sự tin tưởng của chúng tôi mà còn có những lời cầu nguyện và phước lành của chúng tôi nữa. Chúng tôi biết rằng sự thành công của thế hệ các em là thiết yếu cho tổ chức liên tục của Giáo Hội và sự tăng trưởng của Vương Quốc. Chúng tôi cầu nguyện rằng các em sẽ làm giỏi phần vụ của mình: khi các em tránh đeo mặt nạ ngụy trang, hành động theo đúng nguồn gốc của mình, đặt ra các mục tiêu thích hợp cùng xây dựng quốc gia và cộng đồng nơi mình sinh sống.

Tôi kết thúc với lời chứng cá nhân của mình về phúc âm phục hồi qua phương tiện của Tiên Tri Joseph Smith. Joseph Smith quả thật đã nhìn thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô. Cha Thiên Thượng là cha nhân từ, với một kế hoạch nhằm ban phước cho mỗi con cái của Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và Sự Chuộc Tội của Ngài là sự kiện có ảnh hưởng sâu xa trong suốt lịch sử. Đức Thánh Linh phục sự chúng ta và làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Tôi làm chứng về những điều này với tư cách là một trong số các nhân chứng của Đấng Cứu Rỗi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. David O. McKay, trong Francis M. Gibbons, David O. McKay: Apostle to the World, Prophet of God (1986), 45; xin xem thêm “Pres. McKay Speaks to Pioneer Stake Youth,” Church News, ngày 21 tháng Chín năm 1957, 4.

  2. Michael Otterson là giám đốc quản trị Phòng Công Vụ của Giáo Hội.

  3. Xin xem Joseph Foxman, In the Shadow of Death (2011), 10.

  4. Họp với Abraham Foxman trong văn phòng của ông ở New York City, vào ngày 14 tháng Sáu năm 2011.

  5. Mark L. Staker, “Remembering Hiram,” Ensign, tháng Mười năm 2002, 35, 37.

  6. Xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 24.

  7. “True to the Faith,” Hymns, số254.

  8. L. Tom Perry, ghi lại từ Special Witnesses of Christ (DVD, 2003).

  9. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn cho Sự Phục Vụ Truyền Giáo [2004], 123; xin xem các trang 115–26.

  10. Xin xem Elizabeth Stuart, “Internet Addiction Harming Marriage,” Deseret News, ngày 20 tháng Bảy năm 2011, http://www.deseretnews.com/article/700164510/Internet-addiction-harming-marriage.html.

  11. Mark Brent, trong “The Public Forum,” The Salt Lake Tribune, ngày 27 tháng Bảy năm 2011, A16.

  12. Xin Thomas S. Monson, “Dám Đứng Một Mình,” Ensign, tháng Mười Một năm 2011, 61–62; xin xem thêm Heidi Swinton, To the Rescue: The Biography of Thomas S. Monson (2010), 96–97.

  13. Xin xem Boyd K. Packer, “Làm Thế Nào để Sống Còn trong Lãnh Thổ của Kẻ Thù,” buổi phát sóng chương trình Kỷ Niệm 100 Năm Lớp Giáo Lý ngày 22 tháng Giêng năm 2012, http://seminary.lds.org/history/centennial/eng/how-to-survive-in-enemy-territory/.

  14. Lucile C. Tate, Boyd K. Packer: A Watchman on the Tower (1995), 58–59.

© 2012 by Intellectual Reserve, Inc. All rights reserved. English approval: 2/12. Translation approval: 2/12. Translation of What E’er Thou Art, Act Well Thy Part: Avoid Wearing Masks That Hide Identity. Language. PD50039044 xxx

In