Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Ân Tứ Đức Thánh Linh Không Xiết Kể


Ân Tứ Đức Thánh Linh Không Xiết Kể

Buổi Họp Đặc Biệt CES Devotional dành cho Những Thành Niên Trẻ • Ngày 8 tháng Giêng năm 2012 • Trường Brigham Young University

Chị Jensen và tôi rất hân hạnh được có mặt với các em. Tôi rất chân thành cám ơn ca đoàn không những về cách họ hát mà còn về điều họ hát nữa. Các bài thánh ca quả thật đã mời Thánh Linh của Chúa đến, tạo ra một cảm nghĩ tôn kính và dạy cho chúng ta biết các giáo lý của vương quốc. Đây là một công việc chỉ định đầy khiêm tốn, và tôi đã cầu nguyện cùng tiếp tục cầu nguyện để Đức Thánh Linh sẽ là người thầy dạy chân chính của chúng ta.

Sứ điệp của tôi có tựa đề là “Ân Tứ Đức Thánh Linh Không Xiết Kể,” đó là một cụm từ trong sách Giáo Lý và Giao Ước: “Thượng Đế sẽ ban cho các ngươi sự hiểu biết bằng Đức Thánh Linh của Ngài, phải, bằng một ân tứ Đức Thánh Linh không xiết kể, một sự hiểu biết chưa từng được tiết lộ kể từ lúc có thế gian cho đến bây giờ” (GLGƯ 121:26). Các em có thể nhận ra một vài ý nghĩ tôi đã đưa ra trong một bài nói chuyện tại đại hội trung ương vào tháng Mười năm 2010. Với thời giờ dành cho sứ điệp này của tôi hôm nay, tôi sẽ bàn rộng thêm những ý nghĩ này.

Tầm Quan Trọng của Đức Thánh Linh

Tầm quan trọng của Đức Thánh Linh và ân tứ không xiết kể chính là Ngài thì có thể được nhấn mạnh với hai ví dụ minh họa, mỗi ví dụ này đều chứa đựng sứ điệp riêng của nó. Ví dụ thứ nhất là từ Sách Mặc Môn và ví dụ thứ hai là từ một sự kiện trong Lịch Sử Giáo Hội.

Khi Chúa Giê Su Ky Tô đến thăm dân trong thời Sách Mặc Môn, Ngài đã giảng dạy họ, ban phước cho con cái của họ, lập Tiệc Thánh và rồi ra đi. Những người dân trở về nhà họ và lao nhọc suốt đêm để tụ họp những người khác đến nơi mà Ngài phán là Ngài sẽ hiện đến cùng họ vào ngày hôm sau.

Vì số người quá đông, mười hai môn đồ đã chia những người này ra thành mười hai nhóm để giảng dạy cho họ điều Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy cho các môn đồ vào ngày hôm trước, và rồi họ cầu nguyện. Trong tất cả những điều họ có thể cầu nguyện, thì “họ cầu xin điều mà họ mong muốn nhất; họ mong muốn được ban cho Đức Thánh Linh.” (3 Nê Phi 19:9), nhấn mạnh đến Đức Thánh Linh và tầm quan trọng của Ngài là điều độc đáo trong tất cả thánh thư.

Tiếp theo lời cầu nguyện của họ và để đáp lại lời khẩn cầu của họ, Nê Phi đã làm phép báp têm cho các môn đồ và sau đó “Đức Thánh Linh đổ xuống trên họ, và được dẫy đầy Đức Thánh Linh và lửa” (3 Nê Phi 19:13). Họ nhận được sự làm chứng đầy thuyết phục hoặc chứng ngôn về Ngài.

Sau đó Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng họ:

“Và chuyện rằng, Chúa Giê Su… đi ra khỏi họ một khoảng ngắn, rồi cúi mình xuống đất và nói rằng:

Thưa Cha, con xin cám ơn Cha đã ban Đức Thánh Linh cho những người mà con đã lựa chọn; …

Thưa Cha, con cầu xin Cha ban Đức Thánh Linh cho tất cả những ai sẽ tin vào những lời nói của họ” (3 Nê Phi 19:19–21).

Tôi biết không có một đoạn thánh thư nào lại bày tỏ tuyệt vời hơn cảm nghĩ của Đấng Cứu Rỗi về tầm quan trọng của Đức Thánh Linh.

Ví dụ minh họa thứ hai là từ những lời giảng dạy của Chủ Tịch Brigham Young. Các Thánh Hữu đang ở trong Khu Chung Cư Mùa Đông và chuẩn bị di cư về miền Tây vào mùa xuân. Bấy giờ, Joseph Smith đã qua đời được hai năm rưỡi. Chủ Tịch Young đã có một khải tượng, một giấc mơ, trong đó ông đã trò chuyện với Tiên Tri Joseph Smith. Khi các em lắng nghe, xin hãy lưu ý đến bao nhiêu lần ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Thánh Linh của Chúa:

“’Thưa Anh Joseph …, các anh em rất nóng lòng được hiểu … các nguyên tắc gắn bó; và nếu anh có một lời khuyên bảo cho tôi thì tôi rất vui mừng tiếp nhận. ’

“Joseph bước đến phía tôi, và tuy trông rất nghiêm túc nhưng vui vẻ nói: ‘Hãy nói cho các tín hữu biết rằng họ phải khiêm nhường và trung tín, cùng chắc chắn tuân giữ Thánh Linh của Chúa và Thánh Linh đó sẽ dẫn họ đến điều phải. Hãy thận trọng và đừng chối bỏ tiếng nói êm nhẹ mà sẽ giảng dạy cho các anh em điều phải làm và nơi nào phải đi; Thánh Linh đó sẽ sinh ra trái của vương quốc.Hãy nói cho các anh em Thẩm Quyền Trung Ương biết phải giữ tâm hồn họ mở rộng đối với lòng tin chắc, để khi Đức Thánh Linh đến với họ, thì tâm hồn của họ sẽ sẵn sàng tiếp nhận. Họ có thể phân biệt được Thánh Linh của Chúa với tất cả mọi linh khác. Thánh Linh của Chúa sẽ mách bảo sự bình an và niềm vui cho tâm hồn của họ, và cất đi ác tâm, lòng căm thù, nỗi ganh tị, mối bất hòa, và tất cả mọi điều xấu xa khỏi tâm hồn của họ; và ước muốn trọn vẹn của họ sẽ là làm điều thiện, mang đến sự ngay chính, và xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Hãy nói cho các anh em Thẩm Quyền Trung Ương biết rằng nếu họ chịu tuân theo Thánh Linh của Chúa thì họ sẽ đi đúng đường. Hãy nhớ nói với các tín hữu phải tuân giữ Thánh Linh của Chúa; và nếu chịu làm như vậy, họ sẽ tự thấy mình giống như đã được Cha Thiên Thượng tổ chức trước khi họ đến thế gian. Cha Thiên Thượng đã tổ chức gia đình nhân loại. …’

“Sau đó Joseph chỉ cho tôi thấy khuôn mẫu mà gia đình nhân loại đã được tổ chức lúc ban đầu như thế nào. Tôi không thể mô tả nhưng tôi đã thấy điều này và thấy nơi Chức Tư Tế đã bị cất khỏi thế gian và cách gia đình nhân loại cần phải liên kết lại với nhau như thế nào, để sẽ có được một chuỗi hoàn hảo từ Tổ Phụ A Đam đến dòng dõi sau cùng của ông.Một lần nữa Joseph nói: ‘Hãy nói cho các tín hữu biết phải chắc chắn tuân giữ và tuân theo Thánh Linh của Chúa và Thánh Linh đó sẽ dẫn họ đến điều phải.’”1

Không những câu chuyện này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đức Thánh Linh và tìm kiếm ảnh hưởng của Ngài, mà còn mang đến tâm trí tôi những nguyên tắc và lẽ thật này:

  • Thánh Linh của Chúa tìm cách mang lại trật tự—cụ thể là tổ chức một gia đình vĩnh cửu qua giáo lễ của lễ gắn bó trong đền thờ.

  • Kẻ nghịch thù tìm cách phá rối và hủy diệt tổ chức (xin xem GLGƯ 10:6–7, 22–27), nhất là gia đình như đã được cho thấy ngày hôm nay với tình trạng phá thai, ly dị, và hôn nhân đồng giới tính. Tôi tự hỏi nếu trong nhóm tuổi của các em càng ngày càng gia tăng lối thực hành để trì hoãn hôn nhân, thì điều đó có góp phần vào việc phá rối tổ chức gia đình không?

  • Sự mặc khải và hiểu biết qua ân tứ Đức Thánh Linh không xiết kể nhận được để đáp ứng cho một câu hỏi, như thường xảy ra đối với sự mặc khải.

Từ hai ví dụ minh họa này, tôi kết luận rằng Đức Thánh Linh là thiết yếu và chúng ta cần phải thiết tha tìm kiếm sự đồng hành, hướng dẫn, và các ân tứ của Ngài là những điều—quả thật tạo thành một ân tứ không xiết kể.

Bây giờ tôi sẽ tập trung vào ba đề tài: (1) các sứ mệnh của Đức Thánh Linh; (2) các điều kiện để nhận được Đức Thánh Linh; và (3) cách nhận ra sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh.

Các Sứ Mệnh của Đức Thánh Linh

Đôi khi Đức Thánh Linh được gọi là Thánh Linh, được gọi một cách thích hợp là Thánh Linh của Thượng Đế, Thánh Linh của Chúa, và Đấng An Ủi.

Đức Thánh Linh có một số sứ mệnh hay trách nhiệm nhất định. Tôi sẽ đề cập đến bốn sứ mệnh.

Sứ Mệnh 1—Ngài làm chứng hoặc mặc khải về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.Đức Thánh Linh quả thật mặc khải hoặc làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Tôi đã trải qua điều này khi còn nhỏ, mặc dù lúc bấy giờ tôi đã không thể giải thích điều đó.

Tôi lớn lên với niềm tin nơi Thượng Đế trong một mái ấm gia đình Thánh Hữu Ngày Sau tuyệt vời. Tôi chịu phép báp têm và nhận được Đức Thánh Linh lúc tám tuổi. Tôi không bao giờ thắc mắc về sự hiện hữu của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử; thay vì thế, trong gia đình chúng tôi có một sự chấp nhận trọn vẹn và hoàn toàn, một sự thờ phượng và đức tin nơi hai Ngài được cho thấy qua việc đều đặn cầu nguyện chung gia đình, ngừng lại để ban phước thức ăn ở mỗi bữa ăn, buổi tối gia đình, đọc thánh thư (nhất là Sách Mặc Môn), đi nhà thờ, tuân theo các lệnh truyền, và tất cả những điều khác chúng ta làm với tư cách là CácThánh Hữu Ngày Sau. Cá nhân tôi không thể tìm đến thánh thư để giảng dạy giáo lý rằng vai trò chính yếu của Đức Thánh Linh là mặc khải về Thượng Đế, Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô, mà chính vì đức tin nên tôi chắc chắn là đã hiểu nguyên tắc đó.

Trong khi đi truyền giáo, tôi bắt đầu học thánh thư hằng ngày. Sự hiểu biết của tôi về thánh thư, chứng ngôn và đức tin nơi Thượng Đế và nơi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã được củng cố bởi giáo lý thiêng liêng, bởi những kinh nghiệm thuộc linh, và bởi sự mặc khải cá nhân. Tôi tự biết rằng những lời này từ Đấng Cứu Rỗi là chân chính: “Và Đức Thánh Linh sẽ làm chứng về Đức Chúa Cha và ta; và vì ta, Đức Chúa Cha sẽ ban Đức Thánh Linh cho con cái loài người” (3 Nê Phi 28:11; xin xem thêm phần tóm lược chương 3 Nê Phi 273 Nê Phi 27:13–20).

Sứ Mệnh 2—Ngài làm chứng về mọi lẽ thật.Đức Thánh Linh mặc khải lẽ thật của tất cả mọi điều. Những người thật lòng tìm kiếm và đọc Sách Mặc Môn cùng cầu nguyện và suy ngẫm với chủ ý thực sự để biết về lẽ trung thực của sách đó được hứa rằng họ sẽ biết được sách ấy là chân chính, “và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, [họ] sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều” (Mô Rô Ni 10:5).

An Ma đã mời những người nghèo khó bị dân Giô Ram đuổi đi nên trắc nghiệm những lời nói. Cụ thể, ông đã nhấn mạnh với họ rằng những lời nói chân thật được gieo vào các tấm lòng chịu lãnh hội thì sẽ “bắt đầu nẩy nở trong lồng ngực các người; và khi các người cảm thấy sự nẩy nở ấy đang tiến triển thì các người sẽ bắt đầu tự nhủ với mình rằng—Chắc đây phải là một hạt giống tốt, hay là lời của Thượng Đế tốt” (An Ma 32:28) đưa đến ba cách để họ biết được lẽ thật:

  1. “Lời nói đó bắt đầu mở rộng tâm hồn tôi,” được cho thấy ở những người thật lòng tìm kiếm lẽ thật bằng giọt nước mắt, tiếng thở, một cái gật đầu, hoặc một động tác của thân thể mà Đức Thánh Linh đã gieo những lời nói chân chính vào lòng họ.

  2. “Lời nói đó bắt đầu soi sáng sự hiểu biết của tôi,” được cho thấy qua những lời nói chẳng hạn như “điều đó có ý nghĩa,” hoặc “tôi đã luôn luôn tin tưởng rằng,” hay một câu hỏi: “như thế anh/chị đang nói là … ?”

  3. “Lời nói đó bắt đầu hấp dẫn đối với tôi,” được cho thấy chẳng hạn khi những người tầm đạo nói như sau: “xin nói cho tôi biết thêm,” hoặc “anh/chị nói nhà thờ của anh/chị ở đâu vậy?” hoặc “anh/chị không thể ở lại một chút nữa và dạy cho chúng tôi thêm được sao?”—có nghĩa là họ đang khao khát và muốn có thêm.

Chứng ngôn của Brigham Young giải thích các lẽ thật này: “Nếu tất cả tài năng, sự khéo léo, khôn ngoan và tinh tế của thế gian được gửi đến tôi với Sách Mặc Môn, và trong lời lẽ hùng hồn nhất, khẳng định lẽ thật của sách ấy, cố gắng để chứng minh về sách ấy, bằng cách học hỏi, và sự khôn ngoan của thế gian, thì những điều này đối với tôi cũng giống như khói bay lên để rồi tan biến. Nhưng khi tôi nhìn thấy một người không có tài hùng biện, hoặc khả năng nói trước công chúng, nhưng chỉ có thể nói: ‘Tôi biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, rằng Sách Mặc Môn là chân chính, rằng Joseph Smith là một vị tiên tri của Chúa: ’ từ lời nói của người đó, Đức Thánh Linh sẽ tiếp tục soi sáng sự hiểu biết cá nhân của tôi về ánh sáng, vinh quang và sự bất diệt; Tôi được bao quanh và đầy dẫy với những điều này, và tôi tự mình biết được rằng chứng ngôn của người ấy là chân chính.”2

Sứ Mệnh 3—Ngài thánh hóa.Từ thánh hóa là từ tiếng La Tinh mà ra và có hai gốc từ, sanct, có nghĩa là “thánh thiện” và facere, có nghĩa là “làm”—theo nghĩa đen là “làm cho thánh thiện.” Trong việc sử dụng từ này theo ý nghĩa tôn giáo của chúng ta, thánh hóa chỉ có nghĩa là thanh tẩy hoặc là xá miễn khỏi tội lỗi, một sứ điệp chính yếu của phúc âm phục hồi.

Phúc âm là “kế hoạch của Thượng Đế, có thể thực hiện được nhờ vào sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô [và] gồm có các lẽ thật hay luật pháp vĩnh cửu, các giao ước, và giáo lễ cần thiết cho loài người để trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế.”3

Vai trò thánh hóa của Đức Thánh Linh thích ứng với văn cảnh của định nghĩa của Đấng Cứu Rỗi về phúc âm của Ngài trong sách 3 Nê Phi 27:13–20, và kết thúc với câu thánh thư đầy ý nghĩa này: “Hãy hối cải, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta và chịu phép báp têm trong danh ta, ngõ hầu các ngươi có thể được thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh, để các ngươi có thể đứng không tì vết trước mặt ta vào ngày sau cùng” (3 Nê Phi 27:20). Đức Thánh Linh là Đấng thánh hóa, và nhờ vào Ngài và qua Sự Chuộc Tội vô hạn nên chúng ta mới có thể được không tì vết, trong sạch và thanh sạch.

Qua những sự kêu gọi khác nhau nên tôi có các chìa khóa của chức tư tế với tư cách là vị phán quan trong Y Sơ Ra Ên, nhất là với tư cách là một giám trợ, tôi đã chứng kiến quyền năng thanh tẩy, thánh hóa của Đức Thánh Linh. Có một kinh nghiệm mà có các yếu tố quả thật tiêu biểu hơn các kinh nghiệm khác.

Vào một sáng Chủ Nhật, một thanh niên tuổi ngoài hai mươi đến gặp tôi là giám trợ của anh ấy. Trong tuần qua, anh ấy và cô bạn gái đã để cho mối cảm xúc và niềm đam mê của họ vượt ra ngoài ranh giới do Chúa quy định. Tôi thành tâm lắng nghe. Chúng tôi cùng nhau đọc thánh thư cùng với những lời của các vị tiên tri ngày sau. Tôi chỉ định cho anh ấy đọc sách, giới hạn một cách thích đáng các đặc ân Giáo Hội của anh ấy, hoạch định những buổi hẹn trong tương lai và rồi quỳ xuống cầu nguyện với anh ấy.

Với mỗi cuộc phỏng vấn tiếp theo, anh ấy báo cáo về sự chỉ định đọc sách của mình, nhất là đọc Sách Mặc Môn, và nỗi đau khổ trên vẻ mặt của anh và trong cử chỉ của anh đã được thay thế bằng đức tin nơi Thượng Đế và nơi Vị Nam Tử của Ngài, bằng hy vọng và niềm lạc quan, bằng quyết tâm vững chắc, và bằng một sự thay đổi trong lòng của anh ấy. Dần dần, anh ấy tăng trưởng về phần thuộc linh. Tiếp theo thời gian hạn chế thích hợp, và được Thánh Linh hướng dẫn, tôi đã bãi bỏ những giới hạn của anh ấy và cho phép anh ấy được dự phần Tiệc Thánh. Trong khi tôi ngồi trên bục chủ tọa trong lễ Tiệc Thánh, tôi nhìn anh khi khay bánh thánh chuyền đến dãy ghế nơi anh ngồi rồi sau đó là khay nước. Tôi thấy ánh sáng, sự bình an và tha thứ được thánh hóa.

Những lời của Đấng Cứu Rỗi ban cho Joseph và Oliver Cowdery sau khi họ dự phần Tiệc Thánh đã đến với tâm trí của tôi: “Này, các ngươi được tha tội; các ngươi được thanh sạch trước mặt ta; vậy nên, hãy ngẩng đầu lên mà vui mừng” (GLGƯ 110:5). Giống như Joseph Smith và Oliver Cowdery, anh thanh niên này đã nhận được sự xá miễn các tội lỗi nhờ lửa và Đức Thánh Linh (xin xem 2 Nê Phi 31:17; GLGƯ 19:31).

Không những anh thanh niên này đã cảm nhận được quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh, mà các em và tôi còn cảm nhận được cùng sự tự do khỏi tội lỗi đó, ngày Sa Bát này qua ngày Sa Bát khác.

Sứ Mệnh 4—Đấng thầy giảng.Với tất cả những gì có thể đã nói về việc học hỏi và giảng dạy, tôi tóm lược những điều đó chỉ bằng cách nói rằng Đức Thánh Linh chính là người thầy dạy. Trong 10 câu của sách Giáo Lý và Giao Ước 50:13–22, câu có số lẻ là câu hỏi và câu có số chẵn là câu trả lời của Chúa. Trong khi tôi đọc câu 13 và 14, xin hãy lưu ý đến hai vai trò và mỗi vai trò nêu lên điều gì:

“Vậy nên, ta là Chúa hỏi các ngươi câu này—vậy chớ các ngươi được sắc phong để làm gì vậy?

“Để thuyết giảng phúc âm của ta qua Thánh Linh, là Đấng An Ủi được phái xuống để giảng dạy lẽ thật.”

Vai trò của Đức Thánh Linh là giảng dạy. Ngài là Đấng thầy giảng chân chính! Vai trò của tôi không phải là dạy hết tài liệu hoặc bài học, mà thay vì thế với tư cách là một người nắm giữ chức tư tế, tôi phải thuyết giảng, giảng dạy, giải nghĩa, cảnh cáo và mời mọc qua Thánh Linh (xin xem GLGƯ 20:59).

Vai trò của tôi là công cụ trong việc tạo ra một bầu không khí cho Thánh Linh làm điều Ngài đang làm trong tiến trình thiêng liêng như đã được mô tả trong câu 22 tiết 50: “Vậy nên, người thuyết giảng và người nhận hiểu được nhau, và cả hai được gây dựng và cùng nhau vui vẻ.”

Nê Phi kết thúc những bài viết của ông và bày tỏ cảm giác bất xứng cũng như sự hiểu biết chính xác của mình về vai trò của Đức Thánh Linh: “Và giờ đây, tôi, Nê Phi, không thể viết hết những gì đã được giảng dạy trong dân tôi; vả lại tôi cũng không được hùng hồn trong văn chương bằng trong lời nói; vì khi một người nói lên nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh thì quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ truyền những lời ấy [đến] tâm hồn con cái loài người” (2 Nê Phi 33:1).

Xin hãy lưu ý đến giới từ đếnchứ không phải là vào. Vì quyền tự quyết của chúng ta, nên Ngài truyền đến tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta mời Ngài, thì Ngài truyền những lời đến tâm hồn của chúng ta như đã được giảng dạy trong sách Khải Huyền: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta” (Khải Huyền 3:20).

Tôi làm chứng cùng các em rằng Ngài có những trách nhiệm hay sứ mệnh khác. Ngài là Đấng An Ủi. Ngài kiềm chế hoặc hạn chế, hướng dẫn, cảnh cáo và khiển trách.Tôi mời gọi các em nên tự mình học hỏi các sứ mệnh này của Ngài. Giờ đây, tôi sẽ nói về những điều kiện để nhận được Đức Thánh Linh.

Điều Kiện để Nhận Được Đức Thánh Linh

Những điều kiện hay những điều đòi hỏi để nhận được Đức Thánh Linh đều rất giản dị. Tôi sẽ chỉ đề cập đến ba điều kiện: (1) mong muốn mà đối với tôi có nghĩa là cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa (2) sự xứng đáng, và (3) sự cảnh giác—về phương diện thuộc linh lẫn thể chất.

Các từ mong muốn, cầu xin, tìm kiếm,gõ cửa thường được bắt gặp đi chung với nhau trong thánh thư, và các từ này là nền tảng để nhận được Đức Thánh Linh và các ân tứ không xiết kể của Ngài. An Ma đã dạy rằng Thượng Đế ban cho loài người “tùy theo sự mong muốn của họ” (An Ma 29:4).

Tôi lưu ý các em về những từ này trong sách Giáo Lý và Giao Ước tiết 11, một điều mặc khải của Chúa ban cho Hyrum Smith. Từ mong muốn và những từ cùng gốc với từ ấy được thấy tám lần. Có lẽ một trong những câu được biết đến và trích dẫn nhiều nhất là trong câu 21. Từ này bao gồm việc tìm kiếm, mong muốn,lời nói,Thánh Linh—đưa đến quyền năng Thượng Đế: “Chớ tìm cách rao truyền lời của ta, mà trước hết hãy tìm kiếm để thụ nhận lời của ta, và rồi lưỡi ngươi sẽ được thong thả; rồi nếu ngươi ước muốn, ngươi sẽ có được Thánh Linh của ta và lời của, phải, quyền năng của Thượng Đế để thuyết phục loài người” (sự nhấn mạnh được thêm vào).

Kế đến là sự xứng đáng. Để có được ân tứ không xiết kể của Đức Thánh Linh, chúng ta cần phải tuân giữ các lệnh truyền. Tôi tin rằng các em biết những điều xấu xa nào xúc phạm đến Thánh Linh, và tôi sẽ không đề cập đến những điều đó. Một câu từ phước lành tộc trưởng của tôi đã hướng dẫn tôi: “Jay, hãy giữ cho thể xác của anh khỏi những cám dỗ và những điều xấu xa tự tiêu biểu cho chúng. Hãy sống một cuộc sống trong sạch và tốt lành để Thánh Linh của Cha Thiên Thượng ngự vào các thân thể trong sạch. [Ngài] không ngự vào các thân thể ô uế.” Tôi thấy điều này đã được hỗ trợ trong Sách Mặc Môn: “Thánh Linh của Chúa không còn gìn giữ họ nữa; phải, Ngài đã từ bỏ họ, vì Thánh Linh của Chúa không ngự trong những ngôi đền không thánh thiện” (Hê La Man 4:24).

Sự cảnh giác—về phương diện thuộc linh lẫn thể chất. Chúng ta sống trong một thế giới rất bận rộn khi có nhiều điều đòi hỏi thời giờ và sự chú ý của chúng ta. Chúng ta lúc nào cũng nên khuyến khích đi đến các buổi họp đúng giờ, nhất là lễ Tiệc Thánh, để lắng nghe âm nhạc dạo mở đầu, chuẩn bị có được Thánh Linh, và nhận được mặc khải. Chúng ta nhịn ăn, cầu nguyện, suy ngẫm, đi đền thờ, và chúng ta học cách lắng nghe và quan sát kỹ.

Chủ Tịch Joseph F. Smith giải thích sự cảnh giác về phương diện thể chất lẫn thuộc linh khi ông nhận được điều mặc khải chúng ta gọi là khải tượng về sự cứu chuộc người chết được tìm thấy trong tiết 138 sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Vào ngày ba tháng Mười năm 1918, tôi ngồi trong phòng suy ngẫm về thánh thư;

“Và ngẫm nghĩ về sự hy sinh chuộc tội lớn lao mà Vị Nam Tử của Thượng Đế đã thực hiện” (GLGƯ 138:1–2).

Tôi tưởng tượng ra Chủ Tịch Smith đang ngồi trên ghế, có lẽ là một cái ghế bằng gỗ, tại một cái bàn có thánh thư để trước mặt ông cùng với bút và giấy. Ông không nằm trên chiếc ghế dài hoặc ngồi ngả người ra trên ghế.

Chủ Tịch David O. McKay đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cảnh giác về phương diện thuộc linh và thể chất với câu chuyện về con trai của Giám Trợ John Wells, từng là thành viên trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, con trai của ông chết trong một tai nạn xe lửa. Một vài tuần sau tang lễ, người mẹ đang ngồi ở nhà buồn bã vì cái chết của người con trai đó, rất tỉnh táo về phương diện thuộc linh và thể chất. Người con trai hiện đến cùng bà và nói cho bà biết rằng khi anh ta nhận biết rằng mình đang ở trong thế giới linh hồn, thì anh ta đã cố gắng tiếp xúc với cha của mình nhưng không thể được, và anh ta nói với bà rằng cha của anh quá bận rộn ở văn phòng.4

Trong nhiều buổi họp huấn luyện của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương của chúng ta, Các Chủ Tịch của Giáo Hội và Các Sứ Đồ đều nhắc nhở chúng ta đừng bận rộn làm công việc của Chúa đến nỗi chúng ta không thể nhận được các ấn tượng của Thánh Linh.

Làm Thế Nào Nhận Được Sự Hướng Dẫn từ Đức Thánh Linh

Tôi thấy rất khó để giảng dạy cách nhận ra sự hướng dẫn, chỉ dẫn và những thúc giục của Thánh Linh. Những kinh nghiệm như vậy đều rất riêng tư và thường thích hợp đối với từng cá nhân và những điều kiện tôi mới vừa mô tả. Tuy nhiên, có một vài trường hợp tôi đã trải qua và học hỏi từ những người khác.

Một là sự bình an cho tâm trí của các em.Chúa đã dạy cho Oliver Cowdery đang gặp khó khăn một bài học mạnh mẽ khi Ngài nhắc Oliver nhớ: “Ta chẳng đã phán bình an cho tâm trí ngươi về vấn đề này rồi hay sao?” GLGƯ 6:23). Tôi tin rằng việc được bình an cho tâm trí là một trong những cách thông thường nhất để nhận được sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh. Các từ đồng nghĩa với bình anthanh thản, yên tĩnh, hòa hợp, yên lặng, trong khi nghĩa trái ngược của nó là nhầm lẫn, lo âu, xao lãng, khích độngbất hòa. Chúng ta thường nói câu: “Tôi không cảm thấy hài lòng về điều này,” hoặc “Tôi không cảm thấy yên lòng.” Những cảm nghĩ như vậy liên quan đến nguyên tắc kế tiếp: tâm trí.

“Phải, này, ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của người bởi Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ đến với ngươi và sẽ ngự trong tâm ngươi. Giờ đây, này, đây là tinh thần mặc khải.

“Giờ đây, này, đây là tinh thần mặc khải” (GLGƯ 8:2–3).

Tôi đã học biết từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai, cũng như qua những kinh nghiệm của mình, rằng những điều mặc khải cho trí thường là những từ, ý nghĩ và ngay cả những câu cụ thể, trong khi những điều mặc khải cho tâm hồn thường là những cảm nghĩ bình an. Các ví dụ từ cuộc sống của Ê Nót dạy: Các câu 3 và 9 trong câu chuyện của ông mô tả một cảm nghĩ chung với những cụm từ này: “niềm vui …in sâu vào tim tôi” và “tôi bắt đầu cảm thấy.” Trong các câu 5 và 10 chúng ta thấy được toàn bộ các câu, mỗi câu được giới thiệu với “một tiếng nói vọng đến tai tôi mà rằng,” và “tiếng nói của Chúa lại đến với tâm trí tôi mà rằng.”

Việc nhận được những cảm nghĩ trong lòng và ý nghĩ trong tâm trí đã được giảng dạy ngắn gọn trong những lời này ban cho Hyrum Smith:

“Ta sẽ truyền cho ngươi Thánh Linh của ta, là Đấng sẽ soi sáng tâm trí ngươi, là Đấng sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy niềm vui.

“Và rồi ngươi sẽ biết, hay nhờ đó ngươi sẽ biết rằng tất cả những gì ngươi mong ước nơi ta” (GLGƯ 11:13–14).

Một cách khác là nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình. Một câu thánh thư thường được trích dẫn nói về việc nhận ra điều mặc khải và những thúc giục của Đức Thánh Linh là Giáo Lý và Giao Ước 9:7–9:

“Nhưng này, ta nói cho ngươi hay rằng, ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi ngươi phải hỏi ta xem điều đó có đúng không; và nếu đúng thì ta sẽ làm cho tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy, ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng.

“Nhưng nếu điều đó không đúng thì ngươi sẽ không có những cảm giác như vậy, mà ngươi sẽ cảm thấy tâm trí như tê dại” (GLGƯ 9:8–9).

Anh Cả Dallin H. Oaks sáng suốt dạy rằng một người có thể có “một ước muốn mạnh mẽ để được Thánh Linh của Chúa hướng dẫn nhưng …đã không khôn ngoan để mong muốn đến mức muốn được hướng dẫn trong mọi điều. Một ước muốn được Chúa hướng dẫn là sức mạnh, nhưng ước muốn này cũng cần phải được kèm theo sự hiểu biết rằng Cha Thiên Thượng đã để cho chúng ta tự quyết định nhiều điều. …

“Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình, bằng cách sử dụng khả năng suy luận mà Đấng Sáng Tạo đã đặt vào bên trong chúng ta. Sau đó, chúng ta cần phải cầu nguyện để được hướng dẫn và hành động theo nếunhận được hướng dẫn. Nếu không nhận được hướng dẫn, chúng ta cần phải hành động theo óc xét đoán giỏi nhất của mình. Những người nào kiên trì trong việc tìm kiếm điều mặc khải hướng dẫn về các vấn đề mà Chúa đã không chọn để hướng dẫn chúng ta thì có thể tạo ra một câu trả lời từ khả năng tưởng tượng hay khuynh hướng của họ, hoặc họ còn có thể nhận được câu trả lời qua điều mặc khải trung gian sai lạc.”5

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã sáng suốt dạy rằng: “Ta không thể nào ép buộc những sự việc thuộc linh. Những từ như bắt buộc, ép buộc, cưỡng chế, áp lực, đòi hỏi đều không mô tả các đặc ân của chúng ta với Thánh Linh. Ta không thể nào ép buộc Thánh Linh phải đáp ứng thể như ta có thể ép buộc một hạt đậu phải nảy mầm, hay một quả trứng phải nở trước kỳ hạn vậy. Ta có thể tạo ra một môi trường để thúc đẩy sự tăng trưởng, nuôi dưỡng và bảo vệ; nhưng ta không thể ép buộc hay bắt buộc: ta cần phải chờ đợi sự tăng trưởng.”6

“Hừng hực trong tâm can,” cụm từ trong tiết 9 của Giáo Lý và Giao Ước. Về cảm giác hừng hực trong tâm can này, khi còn là một chủ tịch phái bộ truyền giáo được giải nhiệm, tôi được kêu gọi phục vụ trong một ủy ban với các chủ tịch phái bộ truyền giáo khác cũng được giải nhiệm để tìm cách cải tiến việc truyền đạo. Một đề nghị được đưa ra để giúp những người truyền giáo trải qua kinh nghiệm và nhận biết cảm giác hừng hực trong tâm can như đã được dạy trongGiáo Lý và Giao Ước 9:7–9. Vị chủ tịch ủy ban, một thành viên trong Đệ Nhất Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi và cựu chủ tịch phái bộ truyền giáo, đã chia sẻ một kinh nghiệm ông có với một thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai đã đến tham quan phái bộ truyền giáo của ông. Trong chuyến tham quan này, vị chủ tịch phái bộ truyền giáo tuyệt diệu này đã giảng dạy về tầm quan trọng của ba câu thánh thư này.

Tiếp theo buổi họp đó và trong khi lái xe đến buổi họp kế tiếp, người thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai đã nêu lên rằng trong những năm kinh nghiệm của mình, ông thấy có các tín hữu cảm thấy thất bại trong việc tìm kiếm sự mặc khải qua cảm giác hừng hực trong tâm can, cho dù sau khi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều. Họ đã không hiểu rằng cảm giác hừng hực trong tâm can không liên quan gì đến nhiệt độ trong người, mà thay vì thế là cường độ của cảm giác—sự bình an trong tâm trí và những cảm nghĩ trong lòng mà đã được đề cập trước đây.

Nhiều người có thể thông cảm với những người cải đạo trong Sách Mặc Môn đã “được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh, mà họ không hay biết điều đó” (3 Nê Phi 9:20).

Trong một điều mặc khải ban cho Hyrum Smith, chúng ta thấy có bốn cách để nhận biết cách Thánh Linh hướng dẫn chúng ta như thế nào: “Hãy đặt sự tin cậy vào Thánh Linh là Đấng dẫn dắt [1] làm điều tốt lành—phải, [2] làm điều công bình, [3] bước đi khiêm nhường, [và 4] xét đoán ngay chính; và đây là Thánh Linh của ta vậy” (GLGƯ 11:12).

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Làm thế nào chúng ta biết được những sự việc của Thánh Linh? Làm thế nào chúng ta biết nếu đó là từ Thượng Đế mà đến? Nhờ kết quả của điều đó. Nếu điều đó dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển, nếu điều đó dẫn đến đức tin và chứng ngôn, nếu điều đó dẫn đến cách làm việc tốt hơn, nếu điều đó dẫn đến sự tin kính, thì điều đó là thuộc về Thượng Đế. Nếu điều đó làm chúng ta chia rẽ, nếu điều đó mang chúng ta vào nơi tối tăm, nếu điều đó làm chúng ta hoang mang và lo lắng, nếu điều đó dẫn đến sự không trung tín, thì điều đó thuộc về quỷ dữ vậy.” 7

Một cách khác nữa: Một vấn đề có thể chiếm tâm trí hay tiếp tục đè nặng lên tâm trí các em. Lẽ thật này từ bức thư của Joseph Smith về phép báp têm cho người chết là một cách phán khác của Thánh Linh: “Vấn đề đó dường như chiếm tâm trí tôi, và nó đang đè nặng lên những cảm nghĩ của tôi một cách mạnh mẽ nhất” (GLGƯ 128:1). Việc liên tục có ấn tượng cho đến khi chúng ta hành động theo là có thật và thiêng liêng.

Trong khi chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Cali Colombia, tôi đọc thánh thư vào một đêm nọ, sau 10 giờ tối. Một ý nghĩ đến với tâm trí tôi là phải gọi điện thoại cho một anh cả. Tôi mới vừa phỏng vấn anh ấy và biết là anh ấy đã gặp một vài khó khăn, và vì thế tôi đã gạt ý nghĩ ấy qua một bên. Ấn tượng đó lại đến một lần nữa, và bằng cách dùng cùng một lập luận như trước, tôi gạt ý nghĩ ấy qua một bên một lần nữa. Ấn tượng đó đến lần thứ ba và cuối cùng tôi nhận ra ấn tượng đó và tôi gọi điện thoại cho anh cả ấy. Người bạn đồng hành của anh ấy đang ngủ và trả lời điện thoại. Tôi yêu cầu được nói chuyện với anh cả mà tôi có ấn tượng phải gọi điện thoại. Người bạn đồng hành của anh cả ấy nói là anh cả ấy không có ở trong giường.

Tôi nói: “Hãy đặt điện thoại xuống và đi tìm anh cả đó.”

Anh cả đó được bắt gặp đang ở ngoài sân nói chuyện với một thiếu nữ mới dọn vào ngày đó. Các anh cả đã dọn đi đến một căn hộ mới ngày hôm sau.

Để kết thúc, tôi trích dẫn một kinh nghiệm đáng kể và lời khuyên dạy đầy sáng suốt của Chủ Tịch Wilford Woodruff. Trong những chuyến đi của mình, ông đã kể lại rằng Joseph Smith, Brigham Young, và các vị lãnh đạo Giáo Hội ban đầu đều hiện đến cùng ông. Vào một dịp nọ, Brigham Young (đã qua đời ba năm trước đó) hiện đến cùng ông: “Khi đến nơi, … tôi hỏi Chủ Tịch Young có thuyết giảng cho chúng tôi không. Ông nói: ‘Không, tôi đã hoàn tất chứng ngôn của mình trong xác thịt. Tôi sẽ không nói chuyện với các tín hữu nữa.’Ông nói: ‘Nhưng tôi phải đến gặp anh; tôi đến để trông nom anh, và xem điều mà các tín hữu đang làm. ‘ Rồi ông nói: ‘Tôi muốn anh giảng dạy cho các tín hữu—và tôi muốn anh tự mình tuân theo lời khuyên dạy này—rằng họ cần phải lao nhọc và sống sao cho có thể nhận được Đức Thánh Linh, vì nếu không có điều này thì họ không thể nào xây đắp vương quốc; nếu không có Thánh Linh của Thượng Đế thì anh đang có nguy cơ bước đi trong bóng tối, và nguy cơ thất bại trong việc chu toàn sự kêu gọi của mình với tư cách là các sứ đồ cũng như các anh cả trong giáo hội và vương quốc của Ngài.’”8

Tôi khiêm nhường cầu nguyện rằng các em sẽ mong muốn thiết tha hơn để được xứng đáng với ân tứ không xiết kể của Đức Thánh Linh; để các em có thể nhận biết những thúc giục của Ngài và tăng trưởng trong khả năng để làm được như vậy; để các em có thể “yên tâm và hiểu” (GLGƯ 101:16) Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử qua Đức Thánh Linh; và rằng các em sẽ tỏ lòng biết ơn đối với Ngài và sự hướng dẫn của Ngài, vì việc bày tỏ lòng biết ơn sẽ mời gọi thêm Thánh Linh.

Qua ân tứ không xiết kể của Đức Thánh Linh, tôi biết rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Sự Phục Hồi và rằng Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta. Tôi biết Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hằng sống. Hai Ngài có thật. Đức Thánh Linh làm chứng về tất cả lẽ thật. Ngài thánh hóa, và giảng dạy. Chúng ta được các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải tại thế, Các Sứ Đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô hướng dẫn trong ngày nay. Mười lăm vị này đã được ân tứ không xiết kể của Đức Thánh Linh hướng dẫn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Manuscript History of Brigham Young, 1846–1847, do Elden J. Watson biên soạn (1971), 529–30.

  2. Brigham Young, Deseret News, ngày 9 tháng Hai năm 1854, 4.

  3. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Phúc Âm,” scriptures.lds.org.

  4. Xin xem David O. McKay, Gospel Ideals (1953), 525–26.

  5. Dallin H. Oaks, “Our Strengths Can Become Our Downfall,” Ensign, tháng Mười năm 1994, 13–14.

  6. Boyd K. Packer, “The Candle of the Lord,” Ensign, tháng Giêng năm 1983, 53.

  7. Gordon B. Hinckley, “Inspirational Thoughts,” Ensign, tháng Bảy năm 1998, 5.

  8. Wilford Woodruff, trong Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff (2004) 46.

In