Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Để Chúng Ta Có Thể “Không … Co Rúm” (GLGƯ 19:18)


2:3

Để Chúng Ta Có Thể “Không … Co Rúm” (GLGƯ 19:18)

CES Devotional for Young Adults • Ngày 3 tháng Ba năm 2013 • Trường University of Texas Arlington

Tôi biết ơn được tham dự buổi họp devotional này với những người trẻ tuổi của Giáo Hội từ khắp nơi trên thế giới. Tôi yêu mến các em và biết ơn cơ hội này để cùng thờ phượng với nhau.

Susan đã nói và làm chứng về các nguyên tắc quan trọng, và mỗi người chúng ta sẽ được ban phước và củng cố khi chúng ta liên tục áp dụng những lời giảng dạy của bà vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Susan là một người phụ nữ ngay chính, một phụ nữ chọn lọc, và là người tôi yêu suốt đời.

Tôi đã suy ngẫm và tha thiết cầu khẩn Cha Thiên Thượng để biết cách tôi có thể phục vụ các em hữu hiệu nhất vào buổi tối hôm nay. Tôi cầu nguyện để quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ ở với mỗi người chúng ta---để chúng ta có thể suy nghĩ đến điều chúng ta cần phải suy nghĩ, cảm thấy điều chúng ta cần phải cảm thấy, và học biết điều chúng ta cần phải học biết để có thể làm điều chúng ta biết mình nên làm và cuối cùng trở thành con người mà Chúa muốn chúng ta trở thành.

Một Môn Đồ Tận Tụy và một Tấm Gương Không Co Rúm vì Sợ Hãi

Anh Cả Neal A. Maxwell là một môn đồ yêu dấu của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông đã phục vụ với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ trong 23 năm, từ năm 1981 đến năm 2004. Quyền năng thuộc linh về những lời giảng dạy của ông và tấm gương của ông về người môn đồ trung thành đã ban phước và tiếp tục ban phước trong những cách kỳ diệu cho các tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Đấng Cứu Rỗi cũng như những người trên thế gian.

Vào tháng Mười năm 1997, Chị Bednar và tôi đã tổ chức tiếp đón Anh Cả và Chị Maxwell tại trường Brigham Young University-Idaho. Anh Cả Maxwell dự định sẽ nói chuyện với các sinh viên, nhân viên nhà trường, và ban giảng huấn trong một buổi họp đặc biệt devotional. Mọi người trong trường đều nôn nóng mong chờ ông đến tham quan trường đại học và nghiêm túc chuẩn bị tiếp nhận sứ điệp của ông.

Đầu năm đó, Anh Cả Maxwell đã trải qua 46 ngày đêm suy nhược vì hóa học trị liệu bệnh bạch cầu. Ngay sau khi điều trị xong và được cho ra viện, ông đã nói chuyện vắn tắt trong đại hội tháng Tư của Giáo Hội. Khả năng phục hồi chức năng của ông và việc tiếp tục điều trị tiến triển rất khả quan suốt các tháng mùa xuân và mùa hè, nhưng thể lực và sức chịu đựng của Anh Cả Maxwell dù sao cũng bị giới hạn khi ông đi Rexburg. Sau khi chào hỏi Anh Cả và Chị Maxwell tại sân bay, Susan và tôi lái xe đưa họ đến nhà chúng tôi để nghỉ ngơi và ăn một bữa ăn trưa nhẹ trước buổi họp đặc biệt devotional.

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi vào ngày hôm đó, tôi hỏi Anh Cả Maxwell về những bài học nào ông đã học được qua căn bệnh của ông. Tôi sẽ nhớ mãi câu trả lời chính xác và thâm thúy ông đã đưa ra. Ông nói: ″Dave nè, tôi đã biết được rằng việc không co rúm vì sợ hãi thì quan trọng hơn là sự sống còn.″

Câu trả lời của ông cho câu hỏi của tôi là một nguyên tắc mà nhờ đó ông đã đạt được nhiều kinh nghiệm cá nhân trong tiến trình hóa trị liệu. Khi lái xe đến bệnh viện vào tháng Giêng năm 1997 vào ngày đã định để bắt đầu lần điều trị đầu tiên của ông, họ đậu xe vào bãi đậu xe và dừng lại để dành ra một giây lát riêng tư với nhau. Anh Cả Maxwell ″thở một hơi dài và nhìn [vợ mình]. Ông với lấy tay bà và nói...: ′Anh không muốn co rúm vì sợ hãi′″ (Bruce C. Hafen, A Disciple’s Life: The Biography of Neal A. Maxwell [2002], 16).

Trong sứ điệp của ông đưa ra vào đại hội trung ương tháng Mười năm 1997 có tựa đề là "Áp Dụng Máu Cứu Chuộc của Đấng Ky Tô,″ Anh Cả Maxwell đã giảng dạy với tấm lòng hết sức chân thành: "Khi đối đầu với … những thử thách và nỗi thống khổ của mình, chúng ta cũng có thể cầu khẩn với Đức Chúa Cha, như Chúa Giê Su đã làm, để chúng ta ′có thể không ... co rúm'---có nghĩa là rút lui hoặc lùi lại ( GLGƯ 19:18). Không co rúm còn quan trọng hơn là sống còn! Ngoài ra, việc uống chén đắng mà không trở nên cay đắng cũng tương tự như là một phần của việc noi theo Chúa Giê Su″ (Ensign, tháng Mười Một năm 1997, 22).

Câu trả lời của Anh Cả Maxwell cho câu hỏi của tôi làm cho tôi suy nghĩ về những lời dạy của Anh Cả Orson F. Whitney, cũng là người phục vụ với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: ″Không có nỗi đau đớn nào mà chúng ta chịu đựng, không có thử thách nào mà chúng ta trải qua là lãng phí cả. Những kinh nghiệm này giúp rèn luyện chúng ta, phát huy những đức tính như là lòng kiên nhẫn, đức tin, quyết tâm và lòng khiêm nhường. Tất cả những gì chúng ta đau khổ và tất cả những gì chúng ta chịu đựng, nhất là khi chịu đựng một cách kiên nhẫn, sẽ xây đắp cá tính chúng ta, thanh tẩy tâm hồn chúng ta, mở rộng tâm hồn chúng ta, và làm cho chúng ta dịu dàng và bác ái hơn, xứng đáng hơn để được gọi là con cái Thượng Đế, ... và chính là qua nỗi đau buồn và khổ sở, vất vả và thống khổ, mà chúng ta mới được rèn luyện là điều chúng ta đến đây để nhận được” (được trích dẫn trong Spencer W. Kimball, Faith Precedes the Miracle [1972], 98).

Và những câu thánh thư này về nỗi đau đớn của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài ban cho sự hy sinh chuộc tội vô hạn và vĩnh cửu đã trở nên càng sâu sắc và có ý nghĩa hơn đối với tôi:

“Vậy nên ta truyền lệnh cho ngươi phải hối cải—hãy hối cải, bằng không thì ta sẽ đánh ngươi bằng gậy của miệng ta, và bằng cơn thịnh nộ của ta và bằng sự giận dữ của ta, và rồi nỗi đau khổ của ngươi sẽ lớn lao vô cùng—lớn lao đến mức nào ngươi đâu biết được, cùng cực ra sao ngươi đâu biết được, phải, gánh chịu khổ sở ra sao ngươi đâu biết được.

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm.

“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người” (GLGƯ19:15–19).

Đấng Cứu Rỗi đã không co rúm vì sợ hãi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê hoặc trên Đồi Sọ.

Anh Cả Maxwell cũng không co rúm vì sợ hãi. Vị Sứ Đồ vững mạnh này tiếp tục tiến bước một cách bền bỉ và được ban phước với thêm thời gian trên trần thế để yêu thương, phục vụ, giảng dạy, và làm chứng. Trong những năm cuối đời, ông đã nêu lên một tấm gương rõ rệt hơn về vai trò môn đồ tận tụy---qua lời nói lẫn hành động của ông.

Tôi tin rằng hầu hết chúng ta đều có thể kỳ vọng một người với khả năng thuộc linh, kinh nghiệm, và tầm vóc của Anh Cả Maxwell phải đương đầu với căn bệnh nghiêm trọng và cái chết với một sự hiểu biết về kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế, với sự đảm bảo và ân điển, và với nhân phẩm. Và chắc chắn ông đã làm như vậy. Nhưng mục đích hôm nay của tôi là để làm chứng rằng các phước lành như vậy không phải được dành riêng cho Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương hoặc cho rất ít tín hữu chọn lọc của Giáo Hội không thôi.

Kể từ khi tôi được kêu gọi để bổ khuyết cho chỗ trống trong Nhóm Túc Số Mười Hai do sự qua đời của Anh Cả Maxwell, thì những sự chỉ định và các chuyến đi của tôi đã giúp tôi làm quen với Các Thánh Hữu Ngày Sau trung thành, can đảm, và dũng cảm trên khắp thế giới. Tôi muốn kể cho các em nghe về một thanh niên và một thiếu nữ là những người đã ban phước cho cuộc sống của tôi và là những người mà tôi đã học được với họ những bài học thuộc linh thiết yếu về việc không co rúm vì sợ hãi và về việc cho phép ý muốn cá nhân của chúng ta phải ″lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha” ( Mô Si A 15:7).

Câu chuyện này là có thật, và các nhân vật cũng có thật. Tuy nhiên, tôi sẽ không sử dụng tên thật của những người liên quan đến câu chuyện. Tôi gọi người thanh niên là Giang và người thiếu nữ là Hiền. Tôi cũng sử dụng với sự cho phép những câu đã được chọn ra từ nhật ký riêng của họ.

Xin Ý Cha được Nên, Chớ không theo Ý Tôi

Giang là một người nắm giữ chức tư tế xứng đáng và đã phục vụ trung tín với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian. Sau khi đi truyền giáo về, anh ta hẹn hò và kết hôn với một thiếu nữ ngay chính và tuyệt vời tên là Hiền. Giang 23 tuổi và Hiền 20 tuổi vào lúc họ được làm lễ gắn bó cho thời tại thế và suốt vĩnh cửu trong nhà của Chúa. Xin hãy nhớ số tuổi của từng người, Giang và Hiền, trong khi câu chuyện này được kể ra.

Khoảng ba tuần sau khi lễ hôn phối của họ trong đền thờ, Giang đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương. Bệnh của anh ta được chẩn đoán là không tốt khi các bướu ung thư cũng được tìm thấy trong phổi của anh.

Giang ghi lại trong nhật ký của mình: ″Đây là cái ngày đáng sợ nhất trong đời tôi. Không phải chỉ vì tôi đã được cho biết là tôi bị ung thư, mà còn là vì tôi mới kết hôn và bằng cách nào đó tôi cảm thấy rằng tôi đã thất bại với tư cách là một người chồng. Tôi là người lo liệu và bảo vệ gia đình mới của chúng tôi, và bây giờ---ba tuần trong vai trò đó---tôi cảm thấy như là mình đã thất bại. Tôi biết rằng suy nghĩ đó là ngớ ngẩn, nhưng đó là một trong những điều điên rồ tôi đã tự nói trong một giây phút khủng hoảng.”

Hiền viết: ″Đây thật là một tin dữ, và tôi nhớ điều đó đã thay đổi quan điểm của chúng tôi biết bao. Tôi ngồi trong phòng chờ ở bệnh viện để viết thư cám ơn đã nhận quà đám cưới trong khi chúng tôi trông chờ kết quả các cuộc thử nghiệm [của Giang]. Nhưng sau khi biết được căn bệnh ung thư của Giang, thì các đồ nấu nướng dường như không còn quan trọng nữa. Đây là ngày tồi tệ nhất của cuộc đời tôi, nhưng tôi nhớ đêm đó tôi đã đi ngủ với lòng biết ơn về lễ gắn bó của chúng tôi trong đền thờ. Mặc dù các bác sĩ đã dự đoán là [Giang] chỉ có 30 phần trăm cơ hội sống sót, nhưng tôi biết rằng nếu chúng tôi tiếp tục trung thành thì tôi có 100 phần trăm cơ hội để được ở với anh vĩnh viễn.″

Khoảng một tháng sau đó, Giang bắt đầu điều trị bằng hóa học trị liệu. Anh ta mô tả kinh nghiệm của mình: ″Các phương pháp điều trị làm cho tôi bệnh nặng hơn lúc nào hết trong cuộc sống của tôi. Tôi rụng hết tóc, mất 19 kílôgram, và cơ thể của tôi cảm thấy như rã rời héo mòn. Hóa học trị liệu cũng ảnh hưởng đến mặt tình cảm, tinh thần, và thuộc linh của tôi. Cuộc sống đầy thăng trầm, xáo trộn trong những tháng điều trị bằng hóa học trị liệu với trạng thái vui buồn lẫn lộn. Nhưng qua tất cả những điều đó, [Hiền] và tôi vẫn giữ vững đức tin rằng Thượng Đế sẽ chữa lành cho tôi. Chúng tôi biết chắc như vậy.″

Hiền ghi lại những suy nghĩ và cảm nghĩ của mình: ″Tôi không thể để cho [Giang] ở một mình ban đêm trong bệnh viện, nên mỗi đêm tôi ngủ trên chiếc ghế nhỏ trong phòng của anh ấy. Chúng tôi có rất nhiều bạn bè và người thân trong gia đình đến thăm ban ngày, nhưng ban đêm thì khó khăn nhất. Tôi nhìn lên trần nhà và tự hỏi Cha Thiên Thượng đã hoạch định điều gì cho chúng tôi. Đôi khi tâm trí của tôi nghĩ ngợi lan man tới nỗi thất vọng, và nỗi sợ hãi sẽ mất [Giang] gần như tràn ngập lòng tôi. Nhưng tôi biết những suy nghĩ này không phải là từ Cha Thiên Thượng. Lời cầu nguyện của tôi để được an ủi trở nên thường xuyên hơn, và Chúa đã ban cho tôi sức mạnh để tiếp tục sống.″

Ba tháng sau đó, Giang đã trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ một khối u lớn ở chân anh. Giang nói: ″Cuộc phẫu thuật này thật là to lớn đối với chúng tôi vì các cuộc thử nghiệm bệnh lý về khối u để xem nó còn tồn tại được bao nhiêu và căn bệnh ung thư đã bị diệt được bao nhiêu. Cuộc phân tích này sẽ cho chúng tôi thấy dấu hiệu đầu tiên về hiệu quả của hóa học trị liệu và chúng tôi sẽ cần phải tích cực như thế nào với các phương pháp điều trị trong tương lai.″

Hai ngày sau cuộc giải phẫu, tôi đến thăm Giang và Hiền trong bệnh viện. Chúng tôi nói về lần đầu tiên tôi gặp Giang trong khi đi truyền giáo, về cuộc hôn nhân của họ, về căn bệnh ung thư, và về các bài học luôn luôn quan trọng mà chúng tôi học được qua các thử thách của cuộc sống trần thế. Khi sắp ra về, Giang hỏi xin tôi ban cho anh ta một phước lành chức tư tế. Tôi trả lời rằng tôi sẵn sàng ban cho một phước lành như vậy, nhưng trước hết tôi cần đặt ra một số câu hỏi.

Sau đó tôi đặt ra câu hỏi tôi đã không dự định để hỏi và chưa bao giờ suy nghĩ trước đó: ″[Giang] nè, anh có tin là không được chữa lành không? Nếu đó là ý muốn của Cha Thiên Thượng là anh đang được cái chết chuyển đổi từ tuổi trẻ của anh đến thế giới linh hồn để tiếp tục giáo vụ của mình, thì anh có đức tin để tuân phục theo ý muốn của Ngài và không được chữa lành không?”

Quả thật tôi rất ngạc nhiên trước những câu hỏi mà tôi đã cảm thấy thúc giục để hỏi cặp vợ chồng đặc biệt này. Thường thường trong thánh thư, Đấng Cứu Rỗi hoặc các tôi tớ của Ngài sử dụng ân tứ thuộc linh về sự chữa lành (xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:9;GLGƯ 35:9; 46:20) và nhận thức rằng một cá nhân phải có đức tin để được chữa lành (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 14:9; 3 Nê Phi 17:8; GLGƯ 46:19). Nhưng khi Giang, Hiền và tôi bàn thảo với nhau và vật lộn với những câu hỏi này, thì chúng tôi càng hiểu rằng nếu ý muốn của Thượng Đế là chàng thanh niên này phải được chữa lành, thì phước lành đó chỉ có thể nhận được nếu cặp vợ chồng dũng cảm này trước hết có đức tin là có thể không được chữa lành. Nói cách khác, Giang và Hiền cần phải khắc phục, qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, khuynh hướng ″con người thiên nhiên″ (Mô Si A 3:19) trong tất cả chúng ta để nôn nóng đòi hỏi và không ngừng cố nài các phước lành mà chúng ta muốn và tin rằng mình xứng đáng nhận được.

Chúng tôi nhận ra một nguyên tắc áp dụng cho tất cả mọi môn đồ tận tâm: đức tin vững mạnh nơi Đấng Cứu Rỗi là phục tùng và chấp nhận ý muốn và kỳ định của Ngài trong cuộc sống của chúng ta---cho dù kết quả không phải là điều chúng ta hy vọng hoặc mong muốn. Chắc chắn là Giang và Hiền sẽ mong muốn, khao khát, và cầu khẩn để được chữa lành với tất cả tâm trí, năng lực và sức mạnh của họ. Nhưng quan trọng hơn hết, họ sẽ ″sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.” ( Mô Si A 3:19). Quả vậy, họ sẵn sàng “dâng tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài” (Ôm Ni 1:26) và khiêm nhường cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu Ca 22:42).

Lúc đầu, dường như đối với Giang, Hiền và tôi thì các câu hỏi gây hoang mang đã trở thành một phần mô hình phổ biến về nghịch lý của phúc âm. Hãy suy nghĩ về lời dạy của Đấng Cứu Rỗi: ″Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được″ ( Ma Thi Ơ 10:39). Ngài cũng phán: ″Song có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu″ ( Ma Thi Ơ 19:30). Và Chúa khuyên bảo các môn đồ ngày sau của Ngài: ″Và nhờ lời nói của ngươi, nhiều người cao ngạo sẽ bị hạ xuống, và nhờ lời nói của ngươi mà nhiều người khiêm tốn sẽ được tôn cao″ (GLGƯ 112:8). Do đó, việc có đức tin là không được chữa lành dường như phù hợp một cách thích đáng với một mô hình mạnh mẽ về nghịch lý của phúc âm mà đòi hỏi chúng ta phải cầu xin, tìm kiếm, và gõ cửa để có thể nhận được kiến ​​thức và sự hiểu biết (xin xem 3 Nê Phi 14:7).

Sau khi dành thời gian cần thiết để suy ngẫm về câu hỏi của tôi và nói chuyện với vợ mình, Giang nói với tôi: ″Thưa Anh Cả Bednar, tôi không muốn chết. Tôi không muốn bỏ lại [Hiền]. Nhưng nếu ý muốn của Chúa là để chuyển đổi tôi đến thế giới linh hồn, thì tôi nghĩ rằng tôi chấp nhận thôi.″ Lòng tôi tràn đầy biết ơn và ngưỡng mộ khi tôi chứng kiến cặp vợ chồng trẻ này phải vật lộn với điều khó khăn nhất trong tất cả những khó khăn về mặt thuộc linh---Việc họ đã phục tùng và tuân theo ý muốn của Thượng Đế. Đức tin của tôi đã được củng cố khi tôi chứng kiến cặp vợ chồng này để cho những ước muốn mạnh mẽ và có thể hiểu được của họ về sự chữa lành ″lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha″ ( Mô Si A 15:7).

Giang mô tả phản ứng của mình đối với cuộc trò chuyện của chúng tôi và phước lành mà anh nhận được: ″Anh Cả Bednar đã chia sẻ với chúng tôi ý nghĩ của Anh Cả Maxwell rằng việc không co rúm vì sợ hãi thì tốt hơn là sống còn. Sau đó, Anh Cả Bednar hỏi chúng tôi: ′Tôi biết hai anh chị có đức tin để được chữa lành, nhưng hai anh chị có đức tin để không được chữa lành không?′ Đây là một khái niệm lạ lùng đối với tôi. Chủ yếu, ông ấy hỏi tôi có đức tin để chấp nhận ý muốn của Thượng Đế nếu ý muốn của Ngài là tôi sẽ không được chữa lành không? Nếu đã gần đến lúc cho tôi để bước vào thế giới linh hồn qua cái chết, thì tôi có chuẩn bị để tuân phục và chấp nhận không?

Giang viết tiếp: “Việc có đức tin để không được chữa lành dường như là nghịch lý, nhưng quan điểm đó đã thay đổi cách suy nghĩ của vợ chồng tôi và cho phép chúng tôi tin cậy trọn vẹn nơi kế hoạch của Đức Chúa Cha dành cho chúng tôi. Chúng tôi đã học được rằng mình cần phải đạt được đức tin rằng Chúa toàn quyền dù cho bất cứ kết quả nào có thể xảy ra, và Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta từ nơi chúng ta đang ở đến nơi nào chúng ta cần phải đến. Trong khi chúng tôi cầu nguyện, những lời cầu xin của chúng tôi đã thay đổi từ 'Xin làm cho con được lành bệnh′ thành ′Xin ban cho con đức tin để chấp nhận bất cứ kết quả nào mà Ngài đã hoạch định cho con.′

″Tôi chắc chắn rằng vì Anh Cả Bednar là một Sứ Đồ nên ông sẽ ban phước để cho các cơ quan trong cơ thể tôi được hoạt động lại, và tôi sẽ nhảy ra khỏi giường và bắt đầu nhảy nhót hay làm một điều gì đó đầy ấn tượng như thế! Nhưng khi ông ban phước cho tôi ngày hôm đó, tôi đã ngạc nhiên thấy rằng những lời ông nói thì gần như giống hệt với lời của cha tôi, cha vợ tôi, và chủ tịch phái bộ truyền giáo của tôi. Tôi nhận ra rằng cuối cùng các bàn tay của ai đặt trên đầu tôi thì đều không quan trọng. Quyền năng của Thượng Đế không thay đổi, và ý muốn của Ngài được tỏ ra cho riêng cá nhân chúng ta biết và qua các tôi tớ được phép của Ngài.″

Hiền viết: “Ngày hôm nay đầy tràn những cảm xúc lẫn lộn đối với tôi. Tôi đã tin rằng Anh Cả Bednar sẽ đặt tay lên đầu của [Giang] và chữa lành cho Giang khỏi căn bệnh ung thư. Tôi biết rằng qua quyền năng của chức tư tế, anh ấy có thể được chữa lành, và tôi rất muốn điều đó xảy ra. Sau khi ông dạy cho chúng tôi về đức tin không được chữa lành, tôi đã sợ hãi. Cho đến lúc đó, tôi chưa bao giờ phải đối đầu với sự kiện rằng kế hoạch của Chúa có thể bao gồm cái chết của người chồng mới của tôi. Đức tin của tôi tùy thuộc vào các kết quả mà tôi mong muốn. Có thể nói đó là đức tin một chiều. Mặc dù lúc đầu rất sợ hãi nhưng ý nghĩ về việc có đức tin không được chữa lành cuối cùng đã giải thoát tôi khỏi nỗi lo lắng. Điều đó cho phép tôi tin tưởng hoàn toàn rằng Cha Thiên Thượng biết tôi rõ hơn là tôi tự biết mình, và Ngài sẽ làm những gì tốt nhất cho tôi và Giang.”

Một phước lành được ban cho, và nhiều tuần, tháng và năm trôi qua. Căn bệnh ung thư của Giang đã thuyên giảm một cách kỳ diệu. Anh ấy đã có thể tốt nghiệp đại học và có được việc làm tốt. Giang và Hiền tiếp tục củng cố mối quan hệ của họ và tận hưởng cuộc sống chung với nhau.

Một thời gian sau đó, tôi nhận được một lá thư từ Giang và Hiền cho tôi biết rằng căn bệnh ung thư đã trở lại. Hóa học trị liệu được tiếp tục và cuộc phẫu thuật được hoạch định. Giang giải thích: ″Không những tin này mang đến nỗi thất vọng cho Hiền và tôi, mà còn làm cho chúng tôi hoang mang nữa. Có một điều gì đó mà chúng tôi đã không học được lần đầu tiên chăng? Chúa có kỳ vọng một điều gì đó nhiều hơn ở chúng tôi không? Là Thánh Hữu Ngày Sau, khi lớn lên, chúng tôi thường đi nhà thờ và nghe nói: ′mỗi thử thách Thượng Đế ban cho chúng ta vì lợi ích của chúng ta.′ Vâng, thật lòng mà nói, tôi không thể thấy điều này đã mang lại lợi ích nào cho tôi cả!

“Vì vậy, tôi bắt đầu cầu nguyện để được cảm thấy rõ ràng và để Chúa giúp tôi hiểu lý do tại sao căn bệnh ung thư này đã tái phát. Một ngày nọ, trong khi đọc trong Kinh Thánh Tân Ước, thì tôi nhận được câu trả lời của mình. Tôi đọc câu chuyện về Đấng Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài ở trên mặt biển khi một cơn bão tố nổi lên. Vì lo sợ thuyền sẽ lật, nên các môn đồ đến với Đấng Cứu Rỗi và hỏi: ′Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?′ Đó chính là cảm nghĩ của tôi! Ngài không lo rằng tôi mắc bệnh ung thư sao? Ngài không lo rằng chúng tôi bắt đầu một gia đình sao? Nhưng khi đọc tiếp câu chuyện, tôi tìm thấy câu trả lời của mình. Chúa nhìn họ và phán: "Hỡi kẻ ít đức tin,’ và Ngài giơ tay ra và làm lặng sóng gió.

“Trong lúc đó, tôi đã phải tự hỏi: ′Tôi có thực sự tin câu thánh thư này không?′ Tôi có thực sự tin rằng Ngài đã làm lặng sóng gió vào ngày hôm đó không? Hoặc là đó chỉ là một câu chuyện hay để đọc thôi?′ Câu trả lời là: Tôi thật sự tin, và vì biết Ngài đã làm lặng sóng gió, nên ngay lập tức tôi biết rằng Ngài có thể chữa lành cho tôi. Cho đến lúc này, tôi đã khó hòa hợp đức tin cần thiết của mình nơi Đấng Ky Tô với ý muốn tất yếu của Ngài. Tôi thấy hai điều này là hai thứ riêng biệt, và đôi khi tôi còn cảm thấy rằng điều này lại mâu thuẫn với điều kia nữa. Tôi hỏi: ′Tại sao tôi cần phải có đức tin nếu ý muốn của Ngài cuối cùng sẽ chiếm ưu thế?′ Sau kinh nghiệm này, tôi biết rằng việc có đức tin---ít nhất là trong hoàn cảnh của tôi--không nhất thiết phải biết rằng Ngài sẽ chữa lành cho tôi, mà là Ngài có thể chữa lành cho tôi. Tôi phải tin rằng Ngài có thể, và rồi cho dù điều đó có xảy ra hay không thì tùy vào Ngài.

“Khi cho phép hai ý nghĩ đó cùng tồn tại trong cuộc sống của mình, tập trung vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân phục trọn vẹn theo ý muốn của Ngài, thì tôi thấy thoải mái và bình an nhiều hơn. Thật là phi thường khi thấy bàn tay của Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Mọi thứ đã rơi đúng vào vị trí của chúng, các phép lạ đã xảy ra, và chúng tôi liên tục hạ mình để thấy kế hoạch của Thượng Đế xảy đến với chúng ta.″

Tôi lặp lại câu nói Giang đã nhấn mạnh: “Khi cho phép hai ý nghĩ đó cùng tồn tại trong cuộc sống của mình, tập trung vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân phục trọn vẹn theo ý muốn của Ngài, thì tôi thấy thoải mái và bình an nhiều hơn.″

Chắc chắn là sự ngay chính và đức tin là công cụ trong việc dời chuyển núi---nếu việc dời chuyển núi hoàn thành các mục đích của Thượng Đế và phù hợp với ý muốn của Ngài. Chắc chắn là sự ngay chính và đức tin là công cụ trong việc chữa lành người bệnh, kẻ điếc, hoặc què---nếu việc chữa lành như vậy hoàn thành các mục đích của Thượng Đế và phù hợp với ý muốn của Ngài. Do đó, ngay cả với đức tin mạnh mẽ, nhiều dãy núi sẽ không được dời chuyển. Và không phải là tất cả những người bệnh và yếu đuối sẽ được chữa lành. Nếu tất cả sự phản nghịch đều bị giảm bớt, nếu tất cả các chứng bệnh đều được chữa lành, thì các mục đích chính yếu của kế hoạch của Cha Thiên Thượng sẽ mất tác dụng.

Nhiều bài học chúng ta phải học trên trần thế chỉ có thể nhận được nhờ vào những điều chúng ta trải qua và đôi khi chịu đựng. Và Thượng Đế kỳ vọng và tin tưởng rằng chúng ta sẽ đối đầu với nghịch cảnh tạm thời trên trần thế với sự giúp đỡ của Ngài để chúng ta có thể học được điều chúng ta cần phải học và cuối cùng trở thành con người mà chúng ta phải trở thành trong vĩnh cửu.

Hiểu Được Ý Nghĩa của Mọi Sự Việc

Câu chuyện này về Giang và Hiền là bình thường lẫn phi thường. Cặp vợ chồng trẻ này đại diện cho hàng triệu Thánh Hữu Ngày Sau trung tín, tuân giữ giao ước trên khắp thế giới, là những người đang tiến bước dọc theo con đường chật và hẹp, với đức tin vững vàng nơi Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sáng lạn. Giang và Hiền không phục vụ trong vị trí lãnh đạo cao cấp trong Giáo Hội, họ không liên hệ đến Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, và đôi khi họ đã nghi ngờ và sợ hãi. Trong nhiều chi tiết này, câu chuyện của họ là khá bình thường.

Các em thân mến, người thanh niên và thiếu nữ này được ban phước trong những cách phi thường để học được những bài học thiết yếu cho thời vĩnh cửu qua cơn hoạn nạn và gian nan. Tôi đã chia sẻ câu chuyện này với các em vì Giang và Hiền, cũng giống như rất nhiều em đây, đã bắt đầu hiểu rằng việc không co rúm vì sợ hãi thì quan trọng hơn là sống còn. Do đó, kinh nghiệm của họ chủ yếu không phải là sống và chết; mà thay vì thế, đó là về việc học hỏi, sống và trở thành.

Sự phối hợp mạnh mẽ về phần thuộc linh của đức tin và thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, về việc ngoan ngoãn tuân phục theo ý muốn và kỳ định của Ngài, về sự tiến bước ″một cách cần mẫn không biết mệt mỏi″ ( Hê La Man 15:6), và về việc thừa nhận bàn tay của Ngài trong mọi sự việc để mang lại sự bình an trong vương quốc của Thượng Đế, niềm vui và cuộc sống vĩnh cửu (xem GLGƯ 42:61). Khi đối mặt với những thử thách dường như quá nhiều, thì cặp vợ chồng này đã sống một ″đời... bình tịnh yên ổn″ (1 Ti Mô Thê 2:2). Họ sống một cách hòa bình (xin xem Mô Rô Ni 7:4) chung với và ở giữa con cái loài người. ″Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng [của họ] trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô″ (Phi Líp 4:7).

Đối với nhiều em, câu chuyện của họ, đã hoặc có thể là câu chuyện của các em. Các em đang, đã và sẽ đối mặt với những thử thách tương tự trong cuộc sống của các em với cùng một lòng can đảm và quan điểm thuộc linh như Giang và Hiền đã làm. Tôi không biết lý do tại sao một số người học các bài học về thời vĩnh cửu qua thử thách và đau khổ---trong khi những người khác học các bài học tương tự qua sự giải cứu và chữa lành. Tôi không biết tất cả các lý do, tất cả các mục đích, và tôi không biết tất cả về kỳ định của Chúa. Với Nê Phi, các em và tôi có thể nói rằng chúng ta ″không hiểu được ý nghĩa của mọi sự việc” (1 Nê Phi 11:17).

Nhưng có một số điều tôi thật sự hoàn toàn biết. Tôi biết chúng ta là các con trai và con gái của Cha Thiên Thượng nhân từ.Tôi biết Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu là tác giả của kế hoạch hạnh phúc. Tôi biết Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Tôi biết Chúa Giê Su cho phép kế hoạch của Đức Chúa Cha được thực hiện qua Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu của Ngài. Tôi biết rằng Chúa, là Đấng ″bị bầm giập, đánh đập [và] bị thương tích vì chúng ta″ (“Jesus of Nazareth, Savior and King,” Hymns số 181), có thể giúp đỡ và củng cố ″dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ″ ( An Ma 7:12). Và tôi biết một trong các phước lành lớn nhất trên trần thế là không co rúm vì sợ hãi và để cho ý muốn riêng của chúng ta sẽ được ″lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha″ ( Mô Si A 15:7).

Mặc dù tôi không biết tất cả mọi điều về việc làm thế nào, khi nào, ở đâu và tại sao các phước lành này xảy ra, nhưng tôi thật sự biết và làm chứng rằng các phước lành này là có thật. Tôi làm chứng rằng tất cả những điều này là có thật---và chúng ta biết đủ nhờ vào quyền năng của Đức Thánh Linh để làm chứng một cách chắc chắn về thiên tính, tính xác thực và hiệu quả của các phước lành này. Các em thân mến, tôi cầu xin phước lành này cho các em: cho dù khi các em tiến bước trong cuộc sống của mình với đức tin vững vàng nơi Đấng Ky Tô, thì các em cũng sẽ có khả năng để không co rúm vì sợ hãi. Tôi chia sẻ lời chứng này và cầu khẩn phước lành này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

© 2013 do Intellectual Reserve, Inc. Giữ mọi bản quyền. Bản tiếng Anh chuẩn nhận: 8/12. Bản dịch chuẩn nhận: 8/12. Bản dịch That We Might “Not … Shrink. Vietnamese. PD50045417 435