Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Lẽ Thật Là Gì?


2:3

Lẽ Thật Là Gì?

Các em thân mến, các bạn trẻ thân mến, tôi biết ơn về đặc ân được có mặt với các em ngày hôm nay. Việc được vây quanh bởi các thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội luôn luôn làm nâng cao tinh thần của tôi và các em soi dẫn cho tôi để nói: ″Hãy để cho Si Ôn trỗi dậy trong vẻ đẹp của nó.″ Vì đang sống ở khắp nơi trên thế giới, nên các em tượng trưng cho tương lai và sức mạnh của Giáo Hội trong một cách thật tuyệt diệu. Nhờ vào ước muốn ngay chính và lòng cam kết của các em để noi theo Đấng Cứu Rỗi, nên tương lai của Giáo Hội này sẽ được rực rỡ.

Tôi mang đến cho các em tình yêu thương và phước lành của Chủ Tịch Thomas S. Monson. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn thường xuyên cầu nguyện cho các em. Chúng tôi luôn cầu xin Chúa ban phước, giữ gìn và hướng dẫn các em.

Nguời Mù và Con Voi

Cách đây hơn một trăm năm, một thi sĩ Mỹ đặt vần cho một câu chuyện ngụ ngôn xưa. Câu đầu tiên của bài thơ nói về:

Sáu người Indostan

trí thức,

Đi xem Voi

(Mặc dù họ đều mù),

Để bằng cách nhận xét,

Mỗi người có thể thỏa mãn trí tò mò của mình.

Trong bài thơ ấy, mỗi người khách bộ hành cầm một phần khác nhau của con voi và rồi diễn tả cho những người khác nghe điều mà người ấy đã khám phá ra.

Một người tìm thấy chân của con voi và mô tả là con voi tròn và xù xì như một cái cây. Người khác sờ vào ngà voi và mô tả con voi giống như một cái cây giáo. Người thứ ba nắm lấy đuôi và khẳng định rằng con voi giống như một sợi dây thừng. Người thứ tư khám phá ra cái vòi và khẳng định rằng con voi giống như một con rắn to.

Mỗi người đều mô tả một lẽ thât.

Và vì lẽ thật của mỗi người đến từ kinh nghiệm cá nhân nên mỗi người khẳng định rằng mình biết điều mình đã biết.

Bài thơ kết luận:

Và như vậy những người Indostan này

Cãi cọ to tiếng và rất lâu.

Mỗi người có ý kiến riêng,

Vô cùng bướng bỉnh và mạnh mẽ.

Mặc dù mỗi người đều đúng một phần,

Nhưng tất cả cũng đều sai!1

Chúng ta nhìn vào câu chuyện này với một sự hiểu biết và mỉm cười. Xét cho cùng, chúng ta biết con voi trông như thế nào rồi. Chúng ta đã đọc về voi, thấy chúng trên phim ảnh, và nhiều người trong chúng ta còn tận mắt nhìn thấy voi nữa. Chúng ta tin rằng chúng ta biết sự thật về con voi là như thế nào. Ai đó có thể đưa ra một ý kiến dựa trên một khía cạnh của sự thật và áp dụng nó cho toàn bộ sự thật thì có vẻ vô lý hoặc thậm chí không thể tin được. Mặt khác, có thể nào chúng ta không nhận ra chính mình trong sáu người mù này chăng? Chúng ta đã bao giờ phạm tội với cùng một ý tưởng giống như vậy không?

Tôi cho rằng lý do mà câu chuyện này vẫn còn rất phổ biến trong nhiều văn hóa và tồn tại nhiều năm là nhờ vào cách áp dụng rộng lớn của nó. Sứ Đồ Phao Lô đã nói rằng trong thế giới này ánh sáng rất lu mờ nên chúng ta chỉ thấy một phần lẽ thật thể như chúng ta đang xem ″trong một cái gương, cách mập mờ.”2 Tuy nhiên, dường như đó là một phần bản tính của chúng ta là con người để đưa ra những nhận định về con người, chính trị, và niềm tin dựa trên kinh nghiệm không đầy đủ và thường xuyên nhầm lẫn của chúng ta.

Tôi nhớ một câu chuyện về một cặp vợ chồng nọ đã kết hôn được 60 năm. Họ ít khi cãi vã trong thời gian đó, và cuộc sống của họ với nhau trôi qua trong hạnh phúc và mãn nguyện. Họ chia sẻ tất cả mọi thứ và không có bí mật gì giữa họ--ngoại trừ một điều. Người vợ có một cái hộp mà bà đã giữ ở trên nóc cái tủ đựng bát đĩa, và bà nói với chồng mình khi họ kết hôn là ông đừng bao giờ nhìn vào bên trong đó.

Khi các thập niên trôi qua, đến lúc mà người chồng lấy cái hộp xuống và hỏi xem cuối cùng ông ta có thể biết cái hộp chứa đựng những gì trong đó. Người vợ đồng ý, rồi người chồng mở cái hộp ra và khám phá ra hai cái khăn lót ren và 25,000 đô la. Khi ông hỏi vợ về ý nghĩa của các vật này, thì bà đáp: ″Khi chúng ta kết hôn, mẹ của em bảo em rằng bất cứ khi nào em tức giận với anh hoặc bất cứ khi nào anh nói hoặc làm một điều gì đó mà em không thích, thì em nên đan một cái khăn lót ren nhỏ và rồi nói chuyện với anh về việc đó.″

Người chồng cảm động đến rơi nước mắt khi nghe về câu chuyện tuyệt vời này. Ông ngạc nhiên thấy rằng trong suốt 60 năm chung sống, ông đã chỉ làm vợ buồn đủ để đan hai tấm khăn lót ren. Cảm thấy vô cùng hài lòng về bản thân mình, ông cầm lấy bàn tay của vợ mình và nói: ″Điều đó giải thích về các tấm khăn lót ren, nhưng còn 25,000 đô la thì sao?"

Vợ ông mỉm cười dịu dàng và nói: ″Đó là tiền em nhận được từ việc bán tất cả các tấm khăn lót ren mà em đã đan trong những năm qua."

Câu chuyện này không chỉ đặc biệt dạy một cách thú vị để đối phó với những bất đồng trong hôn nhân, mà còn minh họa điều nực cười của việc vội vàng đi đến kết luận khi chưa có đủ chi tiết.

Rất thường, ″lẽ thật″ mà chúng ta tự nói với mình chỉ là những phần của lẽ thật, và đôi khi còn không phải là lẽ thật gì cả.

Hôm nay tôi muốn nói về lẽ thật. Trong khi làm như vậy, tôi mời các em hãy suy ngẫm một vài câu hỏi quan trọng.

Câu hỏi đầu tiên là “Lẽ thật là gì?″

Thứ hai: “Có thể thật sự biết được lẽ thật không?“

Và thứ ba: “Chúng ta nên phản ứng như thế nào đối với những điều mâu thuẫn với lẽ thật mà mình đã học trước đây?″

Lẽ Thật Là Gì?

Lẽ thật là gì? Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Ngài, Đấng Cứu Rỗi bị giải trước Phi Lát. Các trưởng lão của dân Do Thái buộc tội Chúa Giê Su đã xúi giục cuộc nổi loạn và phản bội chống lại Rô Ma và khẳng định rằng Ngài phải bị xử tử.

Khi đối diện với Người ở Ga Li Lê, Phi Lát hỏi: “Thế thì ngươi là vua sao?”

Chúa Giê Su đáp: “Nầy, vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta.”3

Tôi không biết Phi Lát là loại người nào, cũng như tôi không biết ông ta nghĩ gì. Tuy nhiên, tôi ngờ rằng ông là một người có học thức cao và đã đi nhiều nơi trên thế giới quen thuộc.

Tôi cảm nhận được một nỗi hoài nghi đầy mệt mỏi nào đó trong câu trả lời của Phi Lát. Tôi nghe trong lời của ông tiếng nói của một người đã từng là người duy tâm nhưng bây giờ---sau bao nhiêu kinh nghiệm trong cuộc sống---thì dường như có một chút cứng rắn và còn mệt mỏi nữa.

Tôi không tin Phi Lát đã khuyến khích một cuộc đối thoại khi ông trả lời với câu nói đơn giản: ″Lẽ thật là cái gì?”4

Để bàn rộng ra, tôi tự hỏi có phải ông đã thực sự hỏi: ″Có ai có thể nào biết được lẽ thật không?”

Và đó là một câu hỏi trong mọi lúc và đối với tất cả mọi người.

Có Ai Biết Được Lẽ Thật Không?

Giờ đây, có ai biết được lẽ thật không? Một số người có đầu óc thông minh nhất từng sống trên thế gian này đã cố gắng để trả lời câu hỏi đó. Bản chất mơ hồ của lẽ thật đã từng là một chủ đề ưa thích của các đại thi sĩ và người kể chuyện lịch sử. Shakespeare dường như đặc biệt thích thú với chủ đề đó. Lần tới, khi đọc một trong những vở kịch của Shakespeare, hãy lưu ý đến bao nhiêu lần cốt truyện chống lại sự hiểu lầm về lẽ thật quan trọng.

Giờ đây, chưa bao giờ trong lịch sử của thế gian mà chúng ta dễ dàng truy cập thêm thông tin hơn---một số thông tin đúng sự thật, một số thông tin sai, và phần lớn thông tin chỉ đúng một phần.

Do đó, chưa bao giờ trong lịch sử của thế gian mà việc biết cách chính xác để phân biệt giữa lẽ thật và điều sai lầm sai lại quan trọng hơn.

Một phần vấn đề của chúng ta trong việc tìm kiếm lẽ thật là sự khôn ngoan của con người đã thường xuyên làm cho chúng ta thất vọng. Chúng ta có rất nhiều ví dụ về những điều mà nhân loại từng "biết" là đúng, nhưng rồi từ đó đã được chứng minh là sai.

Ví dụ, mặc dù đa số người có lần đã từng đồng ý, nhưng trái đất không phải là phẳng. Các ngôi sao không xoay quanh trái đất. Việc ăn một quả cà chua sẽ không gây ra cái chết tức thì. Và, dĩ nhiên, con người thực sự có thể bay được---thậm chí còn phá vỡ bức tường âm thanh nữa.

Thánh thư đầy dẫy những câu chuyện cảnh cáo những người đàn ông và phụ nữ hiểu sai ″lẽ thật″.

Trong Kinh Cựu Ước, Ba La Am đã không thể cưỡng lại ″tiền công của tội ác″5 do dân Mô Áp ban cho ông. Vì vậy, ông tự thuyết phục mình tin một lẽ thật mới và giúp dân Mô Áp xui dân Y Sơ Ra Ên tự làm hại họ qua cuộc sống vô luân và không vâng lời.6

Cô Ri Ho, kẻ bội giáo, sau khi đã dẫn dắt nhiều người xa rời lẽ thật, thú nhận rằng quỷ dữ đã lừa gạt hắn đến mức mà hắn thật sự tin rằng những gì hắn nói là sự thật.7

Trong Sách Mặc Môn, dân Nê Phi lẫn dân La Man đã tạo ra ″lẽ thật″ riêng của họ về nhau. ″Lẽ thật″ của dân Nê Phi về dân La Man là ″một dân tộc man dại, hung bạo và khát máu,”8 không bao giờ có thể chấp nhận phúc âm. ″Lẽ thật″ của dân La Man về dân Nê Phi là Nê Phi đã đánh cắp quyền trưởng nam của các anh của mình và rằng con cháu của Nê Phi là những kẻ nói dối, tiếp tục cướp đoạt những gì chính đáng thuộc vào dân La Man.9 Những "lẽ thật" này nuôi dưỡng lòng hận thù của họ đối với nhau cho đến khi cuối cùng nó đã hủy diệt tất cả họ.

Không cần phải nói, có rất nhiều ví dụ trong Sách Mặc Môn trái ngược với cả hai điều rập khuôn này. Tuy nhiên, dân Nê Phi và dân La Man đều tin các "lẽ thật" này mà đã định hướng vận mệnh của dân tộc từng có một thời hùng mạnh và tuyệt vời này.

Bản Tính Con Người và Lẽ Thật

Trong một cách nào đó, chúng ta đều dễ mắc phải cách suy nghĩ lạ lùng như vậy.

Các "lẽ thật" mà chúng ta chấp nhận ảnh hưởng vào đặc tính của các xã hội của chúng ta cũng như tính nết cá nhân của chúng ta. Các "lẽ thật" này rất thường được dựa trên bằng chứng không đầy đủ và thiếu chính xác cũng như đôi khi, chúng phục vụ cho các động cơ rất ích kỷ.

Một phần lý do của sự xét đoán sai là do khuynh hướng của nhân loại không phân biệt chính xác niềm tin với lẽ thật. Chúng ta cũng thường nhầm lẫn niềm tin với lẽ thật, nghĩ rằng vì một điều gì đó hợp lý hoặc là thuận tiện, thì nó phải là sự thật. Ngược lại, đôi khi chúng ta không tin vào lẽ thật hoặc chối bỏ lẽ thật vì nó thường đòi hỏi chúng ta phải thay đổi hoặc thừa nhận rằng mình đã sai lầm. Thông thường, lẽ thật bị chối bỏ vì dường như nó không phù hợp với những kinh nghiệm trước đây.

Khi ý kiến ​​hoặc "lẽ thật" của những người khác mâu thuẫn với ý kiến hoặc lẽ thật của mình, thay vì cân nhắc rằng có thể có thông tin mà có thể là hữu ích và làm tăng thêm hoặc bổ sung cho điều mình biết, thì chúng ta thường vội vàng kết luận hoặc đưa ra những giả thuyết rằng người kia có thông tin sai lạc, tinh thần bệnh hoạn, hoặc thậm chí còn cố tình lừa gạt.

Rủi thay, khuynh hướng này có thể lan rộng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống---từ thể thao đến mối quan hệ trong gia đình và từ tôn giáo đến chính trị.

Ignaz Semmelweis

Một ví dụ bi thảm về khuynh hướng này là câu chuyện về Ignaz Semmelweis, một bác sĩ người Hungary hành nghề y trong thời gian giữa thế kỷ 19. Thời gian đầu trong sự nghiệp của mình, Bác sĩ Semmelweis đã biết được rằng 10 phần trăm các phụ nữ đến phòng khám của ông đã chết vì bệnh sốt ngay sau khi sinh con, trong khi tỷ lệ tử vong tại một bệnh viện gần đó là ít hơn 4 phần trăm. Ông quyết định phải tìm hiểu tại sao.

Sau khi điều tra hai bệnh viện, Bác Sĩ Semmelweis kết luận rằng chỉ có sự khác biệt đáng kể là bệnh viện của ông là bệnh viện có chương trình giảng dạy và cũng là nơi khám xác chết. Ông quan sát và thấy các bác sĩ đã đi thẳng từ việc khám nghiệm tử thi đến việc đỡ đẻ. Ông kết luận rằng bằng cách nào đó xác chết đã làm nhiễm bẩn tay của các bác sĩ và gây ra các cơn sốt chết người.

Khi bắt đầu đề nghị các bác sĩ nên rửa tay sạch sẽ bằng một dung dịch khử trùng làm bằng đá vôi, thì ông đã gặp phải phản ứng bằng thái độ lãnh đạm và thậm chí còn khinh miệt nữa. Kết luận của ông mâu thuẫn với các "lẽ thật" của các bác sĩ khác. Một số đồng nghiệp của ông thậm chí còn tin rằng là điều vô lý để nghĩ rằng tay của một bác sĩ lại có thể là bẩn hoặc gây ra bệnh tật.

Nhưng Semmelweis vẫn khăng khăng với lập luận của mình, và ông đã đưa ra một chính sách cho các bác sĩ trong bệnh viện của ông là phải rửa tay trước khi đỡ đẻ. Kết quả là tỷ lệ tử vong nhanh chóng giảm khoảng 90 phần trăm. Semmelweis cảm thấy mình đã được chứng minh là đúng và chắc chắn là cách thực hành này giờ đây sẽ được chấp nhận trong cộng đồng y khoa. Nhưng ông đã nghĩ sai. Ngay cả kết quả gây ấn tượng sâu sắc của ông cũng không đủ để thay đổi ý nghĩ của nhiều bác sĩ thời đó.

Có Thể Biết Được Lẽ Thật Không?

Thật ra, lẽ thật vượt quá niềm tin. Điều đó đúng ngay cả khi không ai tin vào điều đó.

Chúng ta có thể nói phía tây là phía bắc và phía bắc là phía tây suốt cả ngày và thậm chí còn hết lòng tin vào điều đó nữa, nhưng ví dụ nếu chúng ta muốn bay từ Quito, Ecuador đến New York City ở Hoa Kỳ, thì chỉ có một hướng duy nhất sẽ dẫn chúng ta tới nơi đó, đó là phía bắc---không phải là phía tây.

Dĩ nhiên, đây chỉ là một sự so sánh đơn giản với hàng không. Tuy nhiên, quả thật là có lẽ thật tuyệt đối---lẽ thật không thể phủ nhận được và bất biến.

Lẽ thật này khác với niềm tin, khác với hy vọng. Lẽ thật tuyệt đối không tùy thuộc vào dư luận hay tính phổ biến. Cuộc thăm dò ý kiến không thể gây ảnh hưởng đến lẽ thật đó. Ngay cả việc những người nổi tiếng không ngừng tán thành với thẩm quyền cũng không thể thay đổi lẽ thật đó.

Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy lẽ thật?

Tôi tin rằng Cha Thiên Thượng hài lòng với con cái của Ngài khi họ sử dụng tài năng và khả năng tinh thần của họ để nghiêm túc khám phá ra lẽ thật. Qua nhiều thế kỷ, nhiều người nam và người nữ khôn ngoan---qua tính hợp lý, lý luận, việc tìm hiểu bằng khoa học, và vâng, cả sự soi dẫn nữa---đã khám phá ra lẽ thật. Những khám phá này đã làm phong phú cho nhân loại, cải tiến cuộc sống của chúng ta, và niềm vui đầy cảm ứng, kỳ diệu và kinh ngạc.

Mặc dù vậy nhưng những điều chúng ta từng nghĩ là mình đã biết vẫn tiếp tục được tăng cường, sửa đổi, hoặc thậm chí còn mâu thuẫn bởi các học giả sốt sắng là những người tìm cách để hiểu lẽ thật.

Như chúng ta đều biết, rất khó để chọn ra lẽ thật từ những kinh nghiệm của chúng ta. Càng khó hơn nữa, chúng ta còn có một kẻ nghịch thù: “là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.”10

Satan là kẻ lừa dối quỷ quyệt, "kẻ kiện cáo anh em,"11cha đẻ của tất cả những điều dối trá,12 kẻ liên tục tìm cách đánh lừa để nó có thể chế ngự chúng ta.13

Kẻ thù có nhiều chiến lược quỷ quyệt để ngăn giữ loài người khỏi lẽ thật. Nó mang đến sự tin tưởng rằng lẽ thật chỉ là tương đối, bằng cách làm cho chúng ta bị lôi cuốn bởi cảm giác khoan dung và công bằng, nó giữ cho lẽ thật bị giấu kín bằng cách tuyên bố rằng "lẽ thật" của một người cũng có giá trị như bất cứ lẽ thật nào khác.

Nó dụ dỗ một số người để tin rằng có một lẽ thật tuyệt đối ở đâu đó nhưng không một ai có thể biết được.

Đối với những người đã chấp nhận lẽ thật, thì chiến lược chính của nó là gieo rắc các hạt giống nghi ngờ. Ví dụ, nó đã làm cho nhiều tín hữu của Giáo Hội vấp ngã khi họ khám phá ra thông tin về Giáo Hội là điều dường như mâu thuẫn với những gì họ đã biết được trước đây.

Nếu các em gặp một giây phút như vậy, thì hãy nhớ rằng trong thời đại thông tin này, có rất nhiều người nghi ngờ về bất cứ điều gì và về mọi điều, vào bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Các em sẽ còn tìm thấy ngay cả những người vẫn cho rằng họ có bằng chứng rằng trái đất là phẳng, mặt trăng là một hình ba chiều, và rằng một số ngôi sao điện ảnh thực sự là người ngoài hành tinh và đến từ hành tinh khác. Và luôn luôn là điều hay để nhớ rằng một điều nào đó được in ra trên giấy, xuất hiện trên Internet, thường xuyên được lặp đi lặp lại, hoặc có một nhóm tín đồ vững mạnh thì cũng không làm cho điều đó là đúng.

Đôi khi những lời tuyên bố hoặc thông tin không đúng sự thật được trình bày trong một cách mà chúng trông khá dễ tin. Tuy nhiên, khi các em đang đối mặt với thông tin mâu thuẫn với lời mặc khải của Thượng Đế, thì hãy nhớ rằng những người mù trong chuyện ngụ ngôn về con voi sẽ không bao giờ có thể mô tả chính xác lẽ thật trọn vẹn.

Chúng ta hoàn toàn không biết tất cả mọi sự việc---chúng ta không thể nhìn thấy tất cả mọi điều. Điều có thể dường như mâu thuẫn bây giờ lại có thể hoàn toàn hiểu được khi chúng ta tìm kiếm và nhận được thông tin đáng tin cậy hơn. Vì nhìn qua một cái gương mù mờ, nên chúng ta phải tin cậy Chúa, là Đấng nhìn thấy rõ ràng tất cả mọi thứ.

Phải, thế giới của chúng ta đầy hoang mang, nhầm lẫn. Nhưng cuối cùng tất cả những thắc mắc của chúng ta sẽ được giải đáp. Tất cả những nỗi nghi ngờ của chúng ta sẽ được thay thế bằng sự chắc chắn. Và đó là nhờ vào có một nguồn lẽ thật đầy đủ, chính xác, và vĩnh viễn. Nguồn đó chính là Cha Thiên Thượng vô cùng thông sáng và toàn tri. Ngài biết lẽ thật đúng như trạng thái về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có của nó mà đã có, đang có và sẽ có.14 ″Ngài hiểu thấu tất cả mọi vật, … và Ngài ở trên tất cả mọi vật, … và tất cả mọi vật do Ngài, và từ nơi Ngài.″15

Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta ban lẽ thật của Ngài cho chúng ta, là con cái trên trần thế của Ngài.

Vậy thì, lẽ thật này là gì?

Chính là phúc âm của Ngài. Chính là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa Giê Su Ky Tô là đường đi, lẽ thật và sự sống.”16

Nếu chúng ta có đủ can đảm và đức tin để bước đi trên con đường của Ngài, thì con đường này sẽ dẫn chúng ta đến sự thanh thản của tâm trí, đến ý nghĩa lâu dài trong cuộc sống, đến hạnh phúc trong thế giới này, và niềm vui trong thế giới mai sau. Đấng Cứu Rỗi "chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.″17 Chúng ta có được lời hứa của Ngài rằng nếu chuyên cần tìm kiếm Ngài thì chúng ta sẽ thấy Ngài.18

Nhiệm Vụ của Chúng Ta để Tìm Kiếm Lẽ Thật

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể biết được rằng "lẽ thật" này là khác với bất cứ lẽ thật nào khác? Làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng vào "lẽ thật" này?

Lời mời để tin cậy Chúa cũng không làm nhẹ bớt trách nhiệm của chúng ta để tự mình phải biết. Đây là nhiều hơn một cơ hội; đây là một nhiệm vụ và đây là một trong những lý do mà chúng ta đã được gửi đến thế gian này.

Các Thánh Hữu Ngày Sau không được bảo phải mù quáng chấp nhận mọi điều họ nghe thấy. Chúng ta được khuyến khích nên suy nghĩ và tự mình khám phá lẽ thật. Chúng ta được kỳ vọng nên suy ngẫm, tìm kiếm, đánh giá, và do đó đi đến một sự hiểu biết riêng về lẽ thật.

Brigham Young nói: “Tôi … sợ rằng dân tộc này có quá nhiều tin tưởng nơi các vị lãnh đạo của họ đến nỗi họ sẽ không tự mình cầu vấn lên Thượng Đế xem họ có được Ngài hướng dẫn không. Tôi sợ rằng họ phát triển một trạng thái an toàn cho bản thân một cách mù quáng … Hãy cho mỗi người nam và người nữ biết, qua lời mách bảo của Thánh Linh của Thượng Đế cho chính họ, cho dù các vị lãnh đạo của họ có đang đi theo con đường Chúa ra lệnh hay không.″19

Chúng ta tìm kiếm lẽ thật bất cứ nơi nào mình có thể tìm thấy lẽ thật đó. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng "Đạo Mặc Môn là lẽ thật. ... Nguyên tắc đầu tiên và cơ bản của tôn giáo thiêng liêng của chúng ta là tin rằng chúng ta có quyền để chấp nhận tất cả, và mỗi phần của lẽ thật, mà không có sự hạn chế hoặc ... bị cấm đoán bởi các tín điều hoặc khái niệm mê tín của loài người.”20

Vâng, quả thật chúng ta có được phúc âm trường cửu trọn vẹn nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta biết hết mọi điều. Thật vậy, một nguyên tắc của phúc âm phục hồi là chúng ta tin rằng Thượng Đế “sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng.”21

Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã có được nhờ vào một thiếu niên với một tấm lòng khiêm nhường và một tâm hồn nhiệt tình để tìm kiếm lẽ thật. Joseph đã nghiên cứu và sau đó hành động theo. Ông đã khám phá ra rằng nếu một người thiếu khôn ngoan, thì người ấy có thể cầu xin Thượng Đế và lẽ thật sẽ thực sự được ban cho.22

Phép lạ lớn lao của Sự Phục Hồi không phải chỉ là sửa đổi những ý tưởng sai lầm và các giáo lý sai lạc---mặc dù Sự Phục Hồi chắc chắn đã làm như thế---mà còn mở tung các bức màn che của thiên thượng và bắt đầu một sự trút xuống đều đặn ánh sáng và sự hiểu biết mới mà vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Vì vậy, chúng ta liên tục tìm kiếm lẽ thật từ tất cả các quyển sách hay và các nguồn lành mạnh khác. ″Nếu có điều gì đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen, thì chúng tôi theo đuổi những điều này.″23 Theo cách này, chúng ta có thể chống lại sự lừa gạt của quỷ dữ. Theo cách này, chúng ta học được lẽ thật ″từng hàng chữ một; từng lời chỉ giáo một.″24Và chúng ta sẽ học được rằng tri thức gắn chặt với tri thức, và sự thông sáng tiếp nhận sự thông sáng, và lẽ thật quấn quít với lẽ thật.25

Các bạn trẻ của tôi ơi, khi chấp nhận trách nhiệm để tìm kiếm lẽ thật với một trí óc cởi mở và một tấm lòng khiêm nhường, các em sẽ trở nên khoan dung hơn đối với những người khác, mở rộng lòng hơn để lắng nghe, sẵn sàng hơn để hiểu, có khuynh hướng hơn để xây dựng thay vì đả phá, và sẵn lòng hơn để đi nơi nào Chúa muốn các em đi.

Đức Thánh Linh—Đấng Hướng Dẫn của Chúng Ta đến Mọi Lẽ Thật

Hãy nghĩ về điều đó. Các em thật sự có được một Đấng đồng hành mạnh mẽ và Đấng hướng dẫn đáng tin cậy trong cuộc tìm kiếm lẽ thật đang tiếp diễn này---Đấng đó là ai? Đó chính là Đức Thánh Linh. Cha Thiên Thượng biết thật là khó biết bao cho chúng ta để chọn lọc qua tất cả tiếng nói ồn ào đầy tranh đua và khám phá ra lẽ thật trong cuộc sống trần thế của chúng ta. Ngài biết rằng chúng ta sẽ chỉ thấy được một phần lẽ thật, và Ngài biết rằng Sa Tan sẽ cố gắng lừa gạt chúng ta. Vậy nên, Ngài ban cho chúng ta ân tứ thiêng liêng của Đức Thánh Linh để soi sáng tâm trí chúng ta, giảng dạy chúng ta và làm chứng cho chúng ta về lẽ thật.

Đức Thánh Linh là Đấng mặc khải. Ngài là Đấng An Ủi dạy cho chúng ta biết “lẽ thật của mọi sự vật; … Đấng biết tất cả mọi vật và có mọi quyền năng theo sự thông sáng, lòng thương xót, lẽ thật, công lý và sự phán xét.”26

Đức Thánh Linh là Đấng hướng dẫn chắc chắn và an toàn để phụ giúp tất cả những người trần thế tìm kiếm Thượng Đế trong khi họ lựa chọn ở giữa cảnh hỗn loạn và mâu thuẫn.

Sự Làm Chứng về lẽ thật của Đức Thánh Linh đều có sẵn cho tất cả mọi người, ở khắp nơi, trên khắp địa cầu. Tất cả những người nào tìm cách để biết được lẽ thật, nghiên cứu kỹ trong tâm trí họ,27 và “cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì [sẽ biết được] lẽ thật ... bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.”28

Ân Tứ Đức Thánh Linh không tả xiết có sẵn thêm cho tất cả những người nào tự mình hội đủ điều kiện qua phép báp têm và bằng cách sống xứng đáng với sự đồng hành thường xuyên của Ngài.

Vâng, Cha Thiên Thượng nhân từ sẽ không bao giờ bỏ mặc các em để đi lang thang trong bóng tối trong cuộc sống trần thế này. Các em không cần phải bị lừa gạt. Các em có thể khắc phục bóng tối của thế giới này và khám phá ra lẽ thật thiêng liêng.

Tuy nhiên, một số người không tìm kiếm lẽ thật nhiều như vậy khi họ cố gắng tranh cãi. Họ không chân thành tìm cách học hỏi; thay vì thế, họ mong muốn tranh chấp, phô trương điều được cho là kiến thức của họ và do đó gây ra tranh cãi. Họ bỏ qua hoặc khước từ lời khuyên dạy của Sứ Đồ Phao Lô cho Ti Mô Thê: ″Hãy cự những lời biện luận điên dại và trái lẽ, vì biết rằng chỉ sanh ra điều tranh cạnh mà thôi.”29

Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta biết rằng sự tranh chấp như vậy là hoàn toàn không phù hợp với Thánh Linh là Đấng mà chúng ta dựa vào trong cuộc tìm kiếm lẽ thật. Như Đấng Cứu Rỗi đã cảnh cáo dân Nê Phi: ″Vì quả thật ... ta nói cho các ngươi hay, kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp.″30

Nếu các em tuân theo Thánh Linh, thì cuộc tìm kiếm lẽ thật của riêng các em chắc chắn sẽ dẫn dắt các em đến Chúa và Đấng Cứu Rỗi, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, vì Ngài là "đường đi, lẽ thật, và sự sống.”31 Điều này có thể không phải là con đuờng thuận tiện nhất, mà cũng có lẽ sẽ là con đường ít người đi hơn, và nó sẽ là con đường với núi phải trèo, dòng sông chảy xiết để băng qua, nhưng đó sẽ là con đường của Ngài---con đường cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi.

Tôi thêm vào lời chứng của mình với tư cách là Sứ Đồ của Chúa, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Tôi biết điều này với tất cả tâm trí của mình. Tôi biết điều này nhờ sự làm chứng và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Tôi yêu cầu các em hãy cố gắng trong công cuộc tìm kiếm của mình để tự mình biết được lẽ thật này—vì lẽ thật này sẽ buông tha các em.32

Các bạn trẻ thân mến, các em là niềm hy vọng của Y Sơ Ra Ên. Chúng tôi yêu thương các em. Chúa biết các em, Ngài yêu thương các em. Chúa tin tưởng các em rất nhiều. Ngài biết về thành công của các em, và Ngài quan tâm đến những thử thách và những điều thắc mắc của các em trong đời sống.

Tôi cầu nguyện rằng các em sẽ tha thiết và không ngừng tìm kiếm lẽ thật mà các em sẽ khao khát để uống từ nguồn mạch của tất cả lẽ thật, là nguồn mạch có nước tinh khiết và ngọt ngào, ″một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.”33

Tôi ban phước cho các em với sự tin tưởng nơi Chúa và một ước muốn sâu đậm để phân biệt đúng lẽ thật với lỗi lầm---bây giờ và suốt cuộc sống của các em. Đây là lời cầu nguyện và phước lành của tôi, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

© 2013 do Intellectual Reserve, Inc. giữ mọi bản quyền. Bản tiếng Anh chuẩn nhận: 8/12. Bản dịch chuẩn nhận: 8/12. Bản dịch What Is Truth? Vietnamese. PD50045368 435