Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng


Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 2 tháng Mười Một năm 2014 • Đại Thính Đường Ogden, Ogden, Utah

Thật là hân hạnh đối với Chị Hallstrom và tôi để được có mặt với các em buổi chiều hôm nay. Khi nhìn vào gương mặt của những người mà chúng tôi có thể nhìn thấy buổi tối hôm nay, thì chúng tôi hình dung ra những người thành niên trẻ tuổi trên khắp thế giới, cả độc thân lẫn đã kết hôn, đang tham dự buổi phát sóng này. Chúng tôi có cơ hội đi khắp Giáo Hội. Chúng tôi đã gặp nhiều em và nhiều người giống như các em. Chúng tôi đã gặp những người thành niên trẻ tuổi đã được cải đạo và những người đang cố gắng để trở nên được cải đạo nhiều hơn. Chúng tôi đã gặp những người thành niên trẻ tuổi đã bị lạc đường và những người đã tìm lại được---hay chính xác hơn, đã tìm thấy bản thân mình lần nữa. Chúng tôi đã gặp những người không cùng đức tin với chúng ta, những người mới chịu phép báp têm, và những người từ các gia đình là tín hữu Giáo Hội thuộc nhiều thế hệ. Chúng tôi làm chứng rằng họ đều là con cái của Thượng Đế và có đầy đủ cơ hội để đạt được mọi phước lành của thời vĩnh cửu.

Thay mặt các vị lãnh đạo của Giáo Hội, tôi có thể nói một cách nhiệt tình rằng: "Chúng tôi yêu thương các em!" Khi quan sát kỹ các vị tiên tri và sứ đồ và biết họ kỹ như tôi, thì tôi có thể nói một cách tự tin rằng họ vô cùng quan tâm đến những người thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội. Các em là hiện tại và tương lai của Giáo Hội. Chúng tôi cần các em!

Buổi họp này được phát sóng từ Đại Thính Đường Ogden, một tòa nhà vĩ đại đẹp đẽ mới vừa được tu bổ lại nằm kế bên Đền Thờ Ogden Utah uy nghi. Ngôi đền thờ và đại thính đường đã được Chủ Tịch Thomas S. Monson làm lễ tái cung hiến chỉ mới cách đây sáu tuần. Ngôi đền thờ này là một trong 143 đền thờ hiện đang hoạt động trong Giáo Hội và nằm rải rác khắp mặt đất. Như là một dấu hiệu để chỉ số tuổi của tôi, hoặc có lẽ nói một cách chắc chắn hơn, Chúa đang gấp rút làm công việc của Ngài biết bao, khi tôi mới sinh ra, lúc đó chỉ có tám đền thờ.

Bằng cách sử dụng đền thờ làm ẩn dụ, tối nay tôi sẽ nói về các nền móng. Với cách thiết kế và xây cất của mọi đền thờ, công việc quan trọng được sử dụng vào điều không thể dễ dàng được nhìn thấy khi dự án kết thúc---đó là nền tảng. Ví dụ, bản đồ họa do một họa sĩ vẽ Đền Thờ Philadelphia Pennsylvania, hiện đang được xây cất. Khi hoàn thành, tòa nhà vĩ đại đặc biệt này sẽ cao 25 mét đến đường bao mái và 60  mét đến đỉnh tượng thiên sứ Mô Rô Ni. Như các em thấy đó, tòa nhà này sẽ rất tráng lệ! Tuy nhiên, cho dù có to lớn đồ sộ và uy nghi đến mấy đi nữa, thì công trình kiến trúc này sẽ vẫn có thể bị gió và nước ngầm hủy hoại. Nếu chúng ta không tìm cách đối phó, thì những tình trạng khắc nghiệt này có thể gây thiệt hại đáng kể và thậm chí còn phá hủy tòa nhà vĩ đại cao quý này.

Khi biết các lực này không ngừng tấn công đền thờ, các kỹ sư thiết kế và nhà thầu đã khai quật một cái hố sâu 10  mét ở bên dưới toàn bộ cấu trúc. Cái hố này được đào vào đá hoa cương tự nhiên Pennsylvania để tạo nên một nền móng bất di bất dịch để tòa nhà này được xây cất trên đó. Sau đó, những cái chân tường và nền móng bằng bê tông được gắn vào tảng đá góc hoa cương với những cái neo đá để chống lại cả những cơn mưa gió xối xả và dòng nước ngầm chảy xiết. Những cái neo này được khoan xuống độ sâu 15 đến 69 mét vào đá hoa cương và kéo tải trọng 17,5 ngàn kilôgram cho mỗi centimét vuông. Những cái neo này nằm khoảng cách nhau 5 mét theo cả hai hướng.

Tôi đưa ra thông tin chi tiết như vậy để giảng dạy điểm này: Không giống như xây cất một tòa nhà (mà theo bất cứ định nghĩa nào cũng là tạm thời), đôi khi chúng ta quan tâm rất ít đến kỹ thuật và cách xây dựng nền tảng của chúng ta, trong việc xây đắp cuộc sống trường cửu (và hy vọng là vĩnh cửu) của mình. Do đó, chúng ta bị đặt vào tình thế vô cùng nguy hiểm và bị các áp lực lợi hại hành hạ dễ dàng.

Chúng ta sống trong một thế giới có thể vô cùng hoang mang---nếu được phép, nó có thể khiến cho chúng ta quên đi việc chúng ta thực sự là ai. Chủ Tịch Thomas S. Monson nói:

“Cuộc sống trần thế là thời gian thử thách, thời gian để tự chứng tỏ xứng đáng để trở về nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng chúng ta. Để được thử thách, chúng ta cần phải đương đầu với những thử thách và trở ngại. Những điều này có thể hủy hoại chúng ta và tâm hồn chúng ta có thể bị rạn nứt và vỡ vụn---nghĩa là, nếu nền tảng đức tin của chúng ta, chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật không gắn chặt vào bên trong chúng ta.

“Chúng ta chỉ có thể dựa vào đức tin và chứng ngôn của những người khác trong một thời gian nào đó mà thôi. Cuối cùng chúng ta cũng cần phải có cho riêng mình nền tảng vững mạnh và được gắn chặt vào tâm hồn, nếu không thì chúng ta sẽ không thể chống lại những cơn bão của cuộc đời, mà sẽ đến.”1

Chúa Giê Su Ky Tô đã mô tả điều đó theo cách này khi phán về một người đã nghe và làm theo Ngài:

“Kẻ ấy giống như một người kia cất nhà, đào đất cho sâu, xây nền trên vầng đá: nước tràn lan, dòng nước chảy mạnh xô vào nhà đó, nhưng không xô động được, vì đã cất chắc chắn.

“Song kẻ nào nghe lời ta mà không làm theo, thì giống như một người kia cất nhà trên đất không xây nền: dòng nước chảy mạnh xô vào nhà đó, tức thì nhà sụp xuống, và sự hư hại lớn lao” (Luke 6:48–49).

Chúa Giê Su Ky Tô là đá mà chúng ta phải xây dựng nền tảng của mình trên đó. Chúa đã tự gọi mình là "đá của Y Sơ Ra Ên" và dứt khoát nói: "Kẻ nào xây dựng trên đá này sẽ không bao giờ ngã” (GLGƯ 50:44).

Môi Se nói: “Hãy tôn sự oai nghiêm cho Đức Chúa Trời chúng tôi! Công việc của Hòn Đá là trọn vẹn” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:3–4). Đa Vít nói: “Đức Giê Hô Va là hòn đá và đồn lũy tôi, … là thuẫn đỡ tôi, … ngọn tháp cao” (2 Sa Mu Ên 22:2–3). Chúa phán cùng Hê Nóc: “Ta là Đấng Mê Si, Vua của Si Ôn, là Tảng Đá Trời” (Môi Se 7:53). Nê Phi ca ngợi Chúa là “tảng đá cứu rỗi của con” và “tảng đá ngay chính của tôi” (2 Nê Phi 4:30, 35). Ê Sai gọi Chúa là “đá đã thử nghiệm, là đá góc quí báu, là nền bền vững” (Ê Sai 28:16). Phao Lô nói về các vị sứ đồ và các vị tiên tri là nền tảng của Giáo Hội, với “chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:20).2

Đây không phải là giáo lý mới mẻ. Trong hình thức này hay hình thức khác, tất cả chúng ta đều hiểu giáo lý này. Chúng ta đã được cha mẹ dạy giáo lý này, trong Hội Thiếu Nhi, trong các lớp học của Hội Thiếu Nữ và Chức Tư Tế A Rôn và các nhóm túc số, trong lớp giáo lý, trong viện giáo lý, bởi những người truyền giáo toàn thời gian, bởi bạn bè, bởi các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương, bởi thánh thư, và bởi các vị tiên tri và sứ đồ. Thì tại sao giáo lý này lại rất khó khăn đối với nhiều người trong chúng ta để sống theo?

Vâng, nói một cách giản dị, giáo lý này cần phải nhận được từ tâm trí của chúng ta vào lòng và tâm hồn chúng ta. Giáo lý này cần phải là nhiều hơn điều mà đôi khi chúng ta suy nghĩ hoặc thậm chí là điều chúng ta đôi khi cảm nhận được---giáo lý này phải trở thành con người của chúng ta. Mối liên kết của chúng ta với Thượng Đế, Đức Chúa Cha chúng ta, và kế hoạch vĩnh cửu của Ngài, và với Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Ngài và Đá của chúng ta, cần phải được thiết lập chắc chắn đến mức sẽ thực sự trở thành đá nền của nền tảng chúng ta. Sau đó, nguồn gốc của chúng ta trở thành đầu tiên nguồn gốc của một con người vĩnh cửu---một người con trai hay con cái của Thượng Đế---và của một người thụ nhận biết ơn các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, các nguồn gốc ngay chính khác có thể được xây đắp một cách an toàn trên nền tảng đó vì chúng ta sẽ biết được nguồn gốc nào là vĩnh cửu và nguồn gốc nào là tạm thời và làm thế nào để sắp xếp ưu tiên cho những nguồn gốc này. Và các nguồn gốc khác và những thực hành đi kèm theo của chúng (một số nguồn gốc được thế gian đánh giá cao), thậm chí chúng ta còn sẽ chọn để loại bỏ nữa.

Tôi rất thích bài thánh ca thân yêu "Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng." Màn trình diễn ưa thích của tôi (cũng không ngạc nhiên) là của Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle. Khi ngồi ngay trước mặt của đại ca đoàn đó trong đại hội trung ương và lắng nghe cùng cảm nhận được sức mạnh của cây đại phong cầm, những giọng hát và tiếng nhạc cùng lời bài hát làm cho tôi muốn đứng lên và tham gia cùng họ. Vì biết là mình sẽ bị hộ tống ra khỏi Trung Tâm Đại Hội nên tôi kiềm chế lại không làm vậy. Hãy nghe bài thánh ca thân yêu này được hát lên chỉ cách đây bốn tuần trong phiên họp sáng Chủ Nhật của đại hội trung ương. Hãy tận hưởng từng lời ca; đặc biệt hãy lắng nghe câu cuối cùng. Đó thực sự là câu bảy, nhưng đã được hát như là câu thứ tư.

Gần đây, tôi tham dự một buổi họp tại Đền Thờ Salt Lake với các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và tất cả các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khác được chỉ định làm việc tại trụ sở Giáo Hội. Chúng tôi đã hát ba câu tiêu chuẩn của bài thánh ca tuyệt vời này, sau khi kết thúc câu ba như chúng ta thường làm trong lễ Tiệc Thánh hoặc các buổi họp khác. Nhưng nhân dịp này, Chủ Tịch Monson nói: "Chúng ta hãy hát câu thứ bảy." Với tất cả Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương này, gồm có các vị tiên tri và sứ đồ tại thế, chúng tôi hát:

Linh hồn mà đã dựa vào Chúa Giê Su để nghỉ ngơi

Tôi sẽ không, tôi không thể, bỏ mặc cho kẻ thù của Ngài;

Linh hồn đó, dù tất cả ngục giới sẽ cố gắng lay động,

Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ, tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ,

Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ từ bỏ!3

Điều này có mô tả các em là ai không? Điều này có ít nhất mô tả con người mà các em đang cố gắng trở thành không? Nỗ lực xây đắp và duy trì một nền tảng thuộc linh không phải là dễ. Tiến trình xây đắp là một công việc quan trọng, và việc duy trì là một nỗ lực suốt đời.

Đối với các em đang thực sự cố gắng, chúng tôi thật lòng khen ngợi các em và chúng tôi muốn biết điều các em đang làm. Xin hãy sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ điều các em đang làm bằng cách sử dụng #cesdevo, và hoàn tất câu nói "Tôi đang xây đắp nền tảng thuộc linh của mình bằng cách ..." Những câu trả lời sẽ khác nhau nhiều như hoàn cảnh cá nhân cũng khác nhau, và điều đó cũng tốt thôi. Một lần nữa, câu nói phải được hoàn tất là "Tôi đang xây đắp nền tảng thuộc linh của mình bằng cách ..." Chúng tôi sẽ biết ơn được nghe từ các em và được các em giảng dạy về điều đang xảy ra trong cuộc sống của các em.

Nếu các em chưa bao giờ có nền tảng mà chúng ta đang nói đến, hoặc vì thờ ơ nên đã để cho nền tảng đó bị rạn nứt hoặc sụp đổ, thì cũng không phải là quá muộn để đội chiếc mũ cứng vào và đi làm việc. Tất cả các công cụ các em cần đều có sẵn cho các em. Đây là những công cụ tương tự được sử dụng để duy trì một nền tảng đã được thiết lập. Các em biết các công cụ này là gì. Chúng bao gồm việc cầu nguyện kiên định, đầy đặc trưng; nghiên cứu phúc âm hàng ngày qua thánh thư; tích cực tham dự các buổi họp của Giáo Hội, đặc biệt là bằng cách dự phần Tiệc Thánh với ý định thực sự; tiếp tục phục vụ một cách vị tha; và siêng năng tuân giữ giao ước.

Một công cụ thiết yếu nữa là lời khuyên bảo của các vị tiên tri tại thế. Trên thế gian, có 15 người đã được tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Họ nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế của Thượng Đế. Chúng ta được họ giảng dạy thường xuyên. Chúng ta giơ tay lên để tán trợ họ vài lần một năm. Chúng ta cầu nguyện cho họ mỗi ngày. Tuy nhiên, phước lành phi thường để tiếp nhận sứ điệp của họ có thể dẫn đến việc thiếu lòng biết ơn về tầm quan trọng của sứ điệp đó.

Chủ Tịch Henry B. Eyring cảnh báo: "Việc tìm kiếm con đường dẫn đến sự an toàn trong lời khuyên bảo của các vị tiên tri có ý nghĩa đối với những người có đức tin mạnh mẽ. Khi một vị tiên tri nói, thì những người có ít đức tin có thể nghĩ rằng họ chỉ nghe một người khôn ngoan đưa ra lời khuyên bổ ích. Sau đó, nếu lời khuyên của vị tiên tri dường như tiện lợi và hợp lý, phù hợp với điều họ muốn làm, thì họ chấp nhận lời khuyên đó. Nếu không, thì họ xem đó là lời khuyên không tốt hoặc họ lấy hoàn cảnh của họ để biện minh cho rằng họ là một ngoại lệ đối với lời khuyên đó."

Chủ Tịch Eyring nói tiếp: "Một điều sai lầm khác là tin rằng sự lựa chọn để chấp nhận hoặc không chấp nhận lời khuyên bảo của các vị tiên tri chỉ là quyết định có nên chấp nhận lời khuyên tốt không và được lợi ích từ lời khuyên đó hoặc vẫn sống theo cách mình đang sống. Nhưng sự lựa chọn để không chấp nhận lời khuyên bảo của vị tiên tri sẽ làm thay đổi nền tảng của chúng ta. Điều đó sẽ trở nên nguy hiểm hơn"4

Để xây đắp và duy trì một nền tảng, thì hãy nhớ ba nguyên tắc: tầm nhìn, lòng cam kết, và kỷ luật tự giác. Tầm nhìn là khả năng nhìn thấy. Theo văn cảnh phúc âm, đôi khi chúng ta gọi điều này là "viễn cảnh vĩnh cửu." Như Gia Cốp đã mô tả, đó là nhìn "những điều đúng với sự thật hiện hữu, và   đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có” (Gia Cốp 4:13).

Cam kết tức là sẵn sàng để lập một lời hứa. Chúng ta thường gọi đó là “các giao ước." Chúng ta long trọng lập giao ước với Thượng Đế qua các giáo lễ chức tư tế. Hãy nhớ rằng, "trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt” (GLGƯ 84:20). Ngoài Thượng Đế ra, chúng ta nên sẵn lòng lập cam kết với chính mình, với người phối ngẫu (hoặc để trở thành một người phối ngẫu), với bạn bè, và với những người phục vụ cùng chúng ta.

Kỷ luật tự giác có thể được định nghĩa là khả năng để sống một cách kiên định với tầm nhìn chúng ta có và với những cam kết chúng ta đã lập. Việc phát huy kỷ luật tự giác là cần thiết để được tiến bộ vì nó liên kết không ngừng với việc học và làm. Cuối cùng, sức mạnh của nền tảng thuộc linh của chúng ta được cho thấy bằng cách chúng ta sống cuộc sống của mình, nhất là trong lúc thất vọng và thử thách.

Cách đây nhiều năm, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley kể câu chuyện của Caroline Hemenway, sinh vào ngày 2 tháng Giêng năm 1873, ở Salt Lake City, là đứa con thứ hai trong số 11 đứa con:

"Lúc hai mươi hai tuổi, Caroline kết hôn với George Harman. Họ có bảy đứa con, một đứa trong số đó đã chết lúc sơ sinh. Sau đó, khi bà được ba mươi chín tuổi, chồng của bà qua đời và bà trở thành góa phụ.

"Chị gái của bà, là Grace, kết hôn với anh chồng của bà là David. Năm 1919, trong thời gian dịch cúm khủng khiếp, David bị mắc bệnh nặng, và rồi vợ của ông là Grace, bị bệnh. Caroline chăm sóc cho họ và con cái của họ cũng như cho con cái của bà. Trong cảnh hoạn nạn này, Grace đã sinh ra một đứa con trai, và sau đó bà qua đời trong vòng vài giờ. Caroline mang đứa trẻ sơ sinh nhỏ bé đó về nhà mình nuôi dưỡng và cứu mạng đứa bé. Ba tuần sau đó, con gái của bà, là Annie, qua đời.

"Bấy giờ, Caroline đã mất hai đứa con, người chồng, và chị gái của mình. Bà bị căng thẳng quá nhiều. Bà ngã gục. Bà thoát ra khỏi cảnh ngã gục đó với một căn bệnh tiểu đường trầm trọng. Nhưng bà không ngừng lại. Bà tiếp tục chăm sóc cho đứa con sơ sinh của chị gái mình; và anh rể của mình, cha của đứa bé đó, mỗi ngày đều đến thăm đứa bé. Sau đó, David Harman và Caroline kết hôn, và bấy giờ có mười ba trẻ em trong nhà của họ.

“Năm năm sau đó David phải chịu một tai biến mang đến một thử thách nghiêm trọng cho những người cùng phải khổ sở với ông. Trong khi chuẩn bị hạt giống để trồng trọt, có một lần ông đã sử dụng một chất thuốc khử trùng mạnh. Chất thuốc này đã dính vào người ông, và hậu quả thật là tai hại. Da thịt của ông bị tróc ra khỏi xương. Lưỡi và răng bị rụng. Chất thuốc ăn da đã thật sự ăn sống ông.

"Caroline chăm sóc cho ông với căn bệnh khủng khiếp này, và khi qua đời, ông bỏ bà lại với năm đứa con riêng của bà và tám đứa con của chị bà, và một trang trại rộng 280 mẫu Anh, là nơi bà và các con của bà đã cày cấy, gieo trồng, tưới nước và thu hoạch để cung cấp đủ cho nhu cầu của họ. Vào lúc này, bà cũng là chủ tịch Hội Phụ Nữ, một chức vụ bà đã nắm giữ trong mười tám năm.

“Trong khi chăm sóc cho gia đình đông con của mình và dang ra bàn tay bác ái cho những người khác, bà thường nướng tám ổ bánh mỗi ngày và giặt bốn mươi lố quần áo mỗi tuần. Bà đóng hộp cả tấn trái cây và rau quả, và chăm sóc cho một ngàn con gà mái đẻ để có được một ít tiền mặt. Tiêu chuẩn của bà là tự lực cánh sinh. Bà xem tính biếng nhác là tội lỗi. Bà tự chăm sóc cho mình và giúp đỡ người khác trong tinh thần tử tế để không một người nào mà bà biết bị đói, thiếu mặc, hoặc bị lạnh.

"Về sau bà kết hôn với Eugene Robinson. Không lâu sau đó, ông bị đột quỵ. Trong năm năm cho đến khi ông qua đời, bà đã chăm sóc cho ông và lo lắng cho tất cả nhu cầu của ông.

"Cuối cùng, vì kiệt sức, thân thể gầy guộc của bà đã bị ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, bà qua đời lúc sáu mươi bảy tuổi. Những thói quen cần cù và làm việc siêng năng mà bà đã truyền lại cho con cái bà bù đắp cho các nỗ lực của họ trong suốt những năm tháng. Đứa bé nhỏ xíu của chị gái bà mà bà nuôi dưỡng từ lúc sơ sinh, cùng với anh chị em của nó, đều hành động với tình yêu thương và lòng biết ơn, [để lại cho trường Brigham Young University] một số tiền thừa kế đáng kể để có thể có được [một] tòa nhà đẹp đẽ [mang tên của bà].”5

Việc có được một nền tảng vững chắc là sự bảo vệ tột bậc khỏi những vùi dập của thế gian. Chúng ta nên thiết tha tìm kiếm điều mà dân La Man đã được Am Môn giảng dạy và các anh em của ông đã đạt được khi họ được nói là "đã cải đạo theo Chúa, [và] họ không hề bỏ đạo” (An Ma 23:6).

Mary Ann Pratt kết hôn với Parley P. Pratt vào năm 1837. Sau khi dọn đến Missouri, họ cùng với Các Thánh Hữu khác, đã phải chịu đựng những sự ngược đãi khủng khiếp. Khi Parley bị một đám đông bắt đi cùng với Tiên Tri Joseph ở Far West, Missouri, và bị cầm tù, Mary Ann bị bệnh nặng nằm liệt giường trong khi chăm sóc cho hai đứa con nhỏ.

Về sau, Mary Ann đến thăm chồng trong tù và ở lại với ông ta trong một thời gian. Bà viết: "Tôi chia sẻ ngục tối với ông, đó là một nơi ẩm ướt, tối tăm, bẩn thỉu, không có hệ thống thông gió, chỉ có một cái lưới sắt nhỏ ở một bên. Chúng tôi buộc phải ngủ trong chỗ như vậy. "

Sau khi Parley được thả ra khỏi tù, thì Mary Ann và chồng phục vụ truyền giáo ở New York và nước Anh và là một trong số những người thực hiện "sự quy tụ kiệt quệ cuối cùng để đến Utah," như bà mô tả. Cuối cùng Parley tuẫn đạo trong khi phục vụ một công việc truyền giáo khác.

Mặc dù cuộc sống này đầy biến động, nhưng Mary Ann Pratt vẫn trung tín. Bà đã tuyên bố một cách hùng hồn: "Tôi đã chịu báp têm vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô ... tin vào lẽ trung thực của các giáo lý của Giáo Hội qua bài giảng đầu tiên tôi đã nghe; và tôi đã nói trong lòng mình, nếu chỉ có ba người giữ vững đức tin, thì tôi sẽ là một trong số ba người đó; và qua tất cả sự ngược đãi tôi đã phải chịu đựng thì tôi cũng vẫn cảm thấy không thay đổi; lòng tôi chưa bao giờ đi chệch khỏi quyết tâm đó.”6

Đề tài chúng ta đang thảo luận buổi tối hôm nay là rất riêng tư. Chúng ta có thể được giảng dạy bởi những người khác. Chúng ta có thể quan sát những người khác. Chúng ta có thể học hỏi từ những lỗi lầm và thành công của người khác. Nhưng không ai có thể làm điều đó cho chúng ta. Không ai có thể xây đắp nền tảng thuộc linh của chúng ta. Trong vấn đề này, chúng ta chính là người xây đắp bản thân mình.

Như Hê La Man đã giảng dạy một cách hùng hồn, “Và giờ đây, hỡi các con trai của cha, hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Helaman 5:12).

Một trong những kinh nghiệm xây đắp nền tảng đáng kể trong cuộc đời tôi xảy ra cách đây hơn 36 năm. Sau khi chúng tôi học xong đại học, Diane và tôi dọn đến Honolulu (nơi tôi sinh ra và lớn lên) để bắt đầu giai đoạn tiếp theo của cuộc đời chúng tôi. Hóa ra đó lại là một thời gian dài---27 năm. Chỉ có một sự kêu gọi từ một vị tiên tri đã làm cho chúng tôi rời khỏi Hawaii.

Đền Thờ Hawaii, bây giờ được gọi là Đền Thờ Laie Hawaii vì có hai ngôi đền thờ ở Hawaii, lần đầu tiên được Chủ Tịch Heber J. Grant làm lễ cung hiến (thật thích hợp) vào Ngày Lễ Tạ Ơn, ngày 27 tháng Mười Một năm 1919. Đó là ngôi đền thờ đầu tiên được xây cất bên ngoài Utah, ngoại trừ Kirtland và Nauvoo. Trong gần sáu thập niên, ngôi đền thờ đó đã phục vụ Các Thánh Hữu ở Hawaii và trong phần lớn thời gian đó, phục vụ những người ở khắp khu vực Thái Bình Dương và châu Á. Vào giữa thập niên 1970, đền thờ cần phải đóng cửa để nới rộng và sửa chữa lại. Do đó, ngôi đền thờ này cần phải được tái cung hiến, xảy ra vào ngày 13 tháng Sáu năm 1978.

Chủ Tịch của Giáo Hội là Spencer W. Kimball đã chủ tọa lễ tái cung hiến này. Cố vấn thứ nhất và thứ hai của ông là N. Eldon Tanner và Marion G. Romney cũng có mặt với ông. Ezra Taft Benson, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, cùng những người khác trong Nhóm Túc Số Mười Hai và Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi cũng tham dự. Đây không phải là một điều mà các em thường thấy trong Giáo Hội đông đảo hơn ngày nay, có rất nhiều Vị Thẩm Quyền Trung Ương thâm niên cùng tham dự một buổi lễ ở rất xa trụ sở Giáo Hội. Nhưng đó là phước lành của chúng tôi vào năm 1978.

Vào lúc đó, tôi là một người lãnh đạo chức tư tế trẻ tuổi và được ủy ban phối hợp lễ tái cung hiến đền thờ yêu cầu chịu trách nhiệm về việc sắp xếp an ninh và phương tiện chuyên chở địa phương cho Chủ Tịch Kimball và nhóm người đi theo ông. Tôi không muốn phóng đại trách nhiệm của mình; các trách nhiệm này chỉ là hỗ trợ và ở đằng sau hậu trường mà thôi. Tuy nhiên, chỉ định của tôi đã cho phép tôi được ở gần Chủ Tịch Kimball. Trong một thời gian kéo dài một tuần bao gồm ba ngày với các phiên lễ tái cung hiến đền thờ, một buổi họp trọng thể, và một đại hội khu vực đông người, tôi đã quan sát rất gần Vị Chủ Tịch của Giáo Hội. Tôi đã quan sát ông lúc giảng dạy, làm chứng, và nói tiên tri với thẩm quyền và với quyền năng. Tôi thấy nỗ lực không mệt mỏi của ông để phục sự "cho một người," yêu cầu gặp riêng các cá nhân ông thấy trong các buổi họp hoặc trên đường đi. Tôi đã chứng kiến ông được liên tục sử dụng để làm "một công cụ trong tay Thượng Đế” (An Ma 17:9). Lòng tôi vô cùng cảm kích!

Vào lúc kết thúc tuần lễ đó, chúng tôi có mặt tại sân bay trước khi Chủ Tịch Kimball và các cộng sự của ông khởi hành. Một lần nữa, bằng cách nhấn mạnh đến vai trò hạn chế và hỗ trợ của tôi, tôi chia sẻ như sau: Chủ Tịch Kimball đến cám ơn tôi về các nỗ lực ít ỏi của tôi. Ông không cao lắm, còn tôi thì cao lớn. Ông túm lấy ve áo của tôi và giật mạnh để tôi cúi xuống ngang chiều cao của ông. Sau đó, ông hôn lên má tôi và cám ơn tôi. Sau khi đi được một vài bước, Chủ Tịch Kimball quay trở lại. Ông nắm lấy tôi trong cùng một cách như vậy và kéo tôi xuống một lần nữa. Lần này ông hôn lên má bên kia của tôi và nói với tôi rằng ông yêu mến tôi. Sau đó, ông bước đi.

Năm trước đó, một quyển tiểu sử của Spencer W. Kimball đã được xuất bản, do con trai và cháu trai của ông viết. Vào lúc đó, tôi nhận được và đọc sách đó, thấy rất thú vị. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm rất riêng tư này với Spencer Woolley Kimball, tôi đi về nhà từ sân bay và kéo quyển sách dày từ kệ tủ sách của chúng tôi, cảm thấy một ước muốn mãnh liệt để đọc sách đó một lần nữa. Trong vài ngày kế tiếp, mỗi giây phút khi thức giấc nếu tôi không phải làm gì thì tôi đọc sách đó và suy ngẫm. Các em thấy đó, lúc bấy giờ tôi đã đọc về một người mà tôi yêu mến vô cùng. Lúc bấy giờ tôi đã đọc về một người mà tôi biết đã yêu mến tôi. Lúc bấy giờ tôi đã đọc về một người mà tôi sẽ làm bất cứ điều gì cho người ấy vì tôi biết bất cứ điều gì ông ta yêu cầu cũng sẽ vì lợi ích tốt nhất cho tôi.

Qua kinh nghiệm vui vẻ đó, tôi đã có một kinh nghiệm khác. Kinh nghiệm này cũng rất riêng tư để chia sẻ, nhưng tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn vì điều đó. Tôi thấu hiểu rằng tôi đã không yêu mến và tôn trọng các Đấng quan trọng nhất, các Đấng trong Thiên Chủ Đoàn, và đặc biệt là Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc. Điều này thúc đẩy tôi nghiên cứu "tiểu sử" của Ngài và qua lời cầu nguyện và nhịn ăn cùng suy ngẫm để biết rằng tôi hiện đang đọc về một người mà tôi yêu mến vô cùng. Tôi hiện đang đọc về một người nào đó mà tôi biết là yêu thương tôi. Tôi hiện đang đọc về một người nào đó mà tôi sẽ làm bất cứ điều gì cho người đó vì tôi biết bất cứ điều gì Ngài đòi hỏi sẽ là vì lợi ích tốt nhất cho chính tôi.

Các em thân mến, tôi làm chứng rằng sự hiểu biết này đã tạo ra một sự khác biệt rất lớn trong cuộc sống của tôi và gia đình chúng tôi. Tôi phải nhanh chóng nói thêm rằng sự hiểu biết đó đã không làm cho chúng tôi không bị tì vết và không nhất thiết làm cho cuộc sống được dễ dàng một cách kỳ diệu. Đó sẽ là trái với kế hoạch của Thượng Đế. Nhưng sự hiểu biết đó đã mang đến một hy vọng cơ bản---"với một niềm hy vọng hết sức sáng lạn” (2 Nê Phi 31:20). Chưa bao giờ có một ý nghĩ đầu hàng, từ bỏ, hoặc rút lui. Tôi muốn các em cũng như vậy.

Trong một giáo đoàn với kích thước như thế này, cho dù các em có tuyệt vời như thế nào đi nữa, thì cũng có nhiều niềm vui và đau khổ. Cá nhân các em có thể cảm nhận sâu xa gánh nặng của cuộc sống. Có lẽ các vấn đề trong gia đình của các em không được như các em mong muốn. Có lẽ các em đang gặp khó khăn với đức tin của mình. Có lẽ các em đang đối phó với điều gì đó trong quá khứ---hoặc là điều gì đó mà các em đã làm hoặc điều gì đó đã không công bằng đối với các em. Một số các em có thể có những thử thách về thể chất, tâm thần hoặc cảm xúc mà dường như quá sức chịu đựng. Dù hoàn cảnh của các em ra sao, thì việc có được một nền tảng vững chắc sẽ giảm bớt gánh nặng của các em. Với sứ điệp của bài thánh ca quen thuộc "Tôi Là Con Đức Chúa Cha" 7trong lòng và trong tâm hồn chứ không chỉ từ miệng của các em, và với một sự phụ thuộc liên tục vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, thì các em có thể được bình an và an ủi ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.

Hôm nay có thể là một ngày quan trọng, thậm chí còn là một ngày lịch sử trong cuộc sống của chúng ta. Đó có thể là ngày mà chúng ta đưa ra quyết định và có những nỗ lực kỷ luật để xây đắp hoặc củng cố nền tảng của mình. Đối với một số người trong chúng ta, điều đó có thể là từ bỏ một thói quen nghiện ngập hoặc lối thực hành ghê tởm nào đó mà đang xúc phạm đến Thượng Đế. Đối với những người khác, điều đó có thể là qua việc sắp xếp lại ưu tiên cho cuộc sống của chúng ta và dành tình yêu mến của chúng ta cho Thượng Đế tối cao. Điều đó thật là đáng bõ công với bất cứ giá nào. Quả thật, đó là thực chất của công việc trong cuộc sống của chúng ta.

Một cách riêng tư và cá nhân đối với một cử tọa rất đông người, tôi tuyên bố lời chứng của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, là nền tảng của Giáo Hội và đá của cuộc sống chúng ta. Tôi làm chứng về thánh danh của Ngài. Tôi làm chứng về thẩm quyền của Ngài và sứ mệnh của Ngài và quan trọng hơn hết, về Sự Chuộc Tội của Ngài, mà có thể thực hiện cho mỗi người chúng ta để đến cùng Ngài, cho dù hoàn cảnh trong quá khứ hay hiện tại của chúng ta là gì đi nữa (xin xem Mô Rô Ni 10:32), trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thomas S. Monson, “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 62.

  2. Bản liệt kê thánh thư phỏng theo Robert J. Matthews, “I Have a Question,” Ensign, tháng Giêng năm 1984, 52.

  3. “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.

  4. Henry B. Eyring, “Finding Safety in Counsel,” Ensign, tháng Năm năm 1997, 25.

  5. Gordon B. Hinckley, “Five Million Members—a Milestone and Not a Summit,” Ensign, tháng Năm năm 1982, 45–46.

  6. Câu chuyện về Mary Ann Pratt được trích dẫn từ Sheri Dew, Women and the Priesthood: What One Mormon Woman Believes (2013), 94–95; xin xem thêm Edward W. Tullidge, The Women of Mormondom (1877), 406–7.

  7. “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

In