Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Cứu Sự Sống Mình


Cứu Sự Sống Mình

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 14tháng Chín năm 2014 • Brigham Young University

Khi Chúa Giê Su và Các Sứ Đồ của Ngài đang ở với nhau trong Sê Sa Rê Phi Líp, Ngài hỏi họ câu hỏi này: “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?”1Với tài hùng biện đầy tôn kính và quyền năng, Phi E Rơ đáp: “Chúa là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.”2Tôi cảm thấy xúc động khi đọc những lời đó; tôi xúc động để nói những lời đó. Tuy nhiên, ngay sau giây phút thiêng liêng này, Chúa Giê Su đã phán cùng Các Sứ Đồ về cái chết và sự phục sinh sắp tới của Ngài, và Phi E Rơ đã phủ nhận lời Ngài. Điều này đã khiến cho Phi E Rơ bị khiển trách nặng nề rằng ông đã không hòa hợp hoặc không "thấu hiểu” những sự việc của Thượng Đế “song nghĩ đến việc người ta.”3Sau đó, Chúa Giê Su, "tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà [Ngài] đã khiển trách,”4 dịu dàng chỉ dẫn cho Phi E Rơ và các anh em của ông về việc một người vác thập tự giá của mình và hy sinh mạng sống của mình là cách để tìm thấy cuộc sống phong phú và vĩnh cửu, chính Ngài là một tấm gương hoàn hảo. Hãy xem phần mô tả của sự kiện này trong một trong số các video về Kinh Thánh do Giáo Hội sản xuất:

Chúa Giê Su:Con người phải chịu nhiều điều khốn khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo bỏ ra, phải bị giết, ngày thứ ba phải sống lại.

Phi E Rơ:Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!

Chúa Giê Su: Ớ Sa Tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta. Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại. Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?Vì Con người sẽ ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm.5

Tôi muốn nói chuyện với các em về lời phán dường như nghịch lý của Chúa rằng “Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.”6Lời phán này giảng dạy một giáo lý hùng hồn, sâu rộng mà chúng ta cần phải hiểu và áp dụng.

Một giáo sư triết thâm trầm tại Đại học Collin ở McKinney, Texas, đã đưa ra sự hiểu biết sâu sắc này: "Vì trời cao hơn đất, nên việc làm của Thượng Đế trong cuộc sống của các em lớn hơn câu chuyện các em muốn kể lại về cuộc sống. Cuộc sống của Ngài lớn hơn các kế hoạch, mục tiêu hoặc nỗi sợ hãi của các em. Để cứu sự sống của mình, các em sẽ phải từ bỏ câu chuyện của mình và trả sự sống của các em lại cho Ngài từng phút, từng ngày.”7

Càng nghĩ thì tôi càng kinh ngạc về việc Chúa Giê Su đã phó mạng sống của Ngài một cách kiên định như thế nào cho Đức Chúa Cha, Ngài đã phó mạng sống một cách hoàn hảo như thế nào theo ý muốn của Đức Chúa Cha---trong cuộc sống và cái chết. Chính điều này là ngược lại với thái độ và phương pháp của Sa Tan, mà đã được áp dụng rộng rãi trong thế giới khi người ta đang tập trung vào bản thân mình. Trong đại hội tiền dương thế, trong khi tình nguyện đảm nhận vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong kế hoạch thiêng liêng của Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su nói: "Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”8 Mặt khác, Lu Xi Phe tuyên bố: “Này, tôi đây, xin phái tôi đi, tôi sẽ là con trai của Ngài, và tôi sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại, khiến cho không một linh hồn nào sẽ bị thất lạc, và chắc chắn tôi sẽ làm được điều đó; vậy nên xin ban sự vinh hiển của Ngài cho tôi..”9

Lệnh truyền của Đấng Ky Tô phải noi theo Ngài là một lệnh truyền để một lần nữa khước từ mô hình của Sa Tan và làm mất sự sống của chúng ta, có lợi cho cuộc sống thực tế, cuộc sống đích thực, cuộc sống thượng thiên giới mà Thượng Đế cho phép hoạch định cho mỗi chúng ta. Cuộc sống đó sẽ ban phước cho mọi người mà chúng ta giao tiếp và sẽ làm cho chúng ta thành thánh hữu. Với tầm nhìn hiện tại, giới hạn của chúng ta, đó là một cuộc sống vượt quá sự hiểu biết. Quả thật “Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”10

Tôi ước gì chúng ta đã có thêm cuộc chuyện trò giữa Chúa Giê Su và các môn đồ của Ngài. Có lẽ là điều hữu ích để có thêm một số ánh sáng về ý nghĩa thực sự của việc hy sinh cuộc sống của mình vì Ngài và do đó tìm lại được sự sống của mình. Nhưng khi suy ngẫm về điều này,, tôi nhận thấy rằng những lời dẫn giải của Đấng Cứu Rỗi đưa ra ngay trước và sau khi lời phán này của Ngài đều cung cấp sự hướng dẫn rất giá trị. Hãy xem xét ba trong số những lời dẫn giải này theo văn cảnh.

Phải Liều Mình Vác Thập Tự Giá của Mình Mỗi Ngày

Trước tiên là những lời của Chúa phán ngay trước khi Ngài phán rằng: “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất.”11Như đã được ghi lại trong mỗi sách phúc âm tóm tắt, Chúa Giê Su phán: "Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”12Lu Ca thêm từ mỗi ngày--- “Phải tự … mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.”13Bản Dịch Ma Thi Ơ của Joseph Smith nới rộng lời phát biểu này với định nghĩa của Chúa về ý nghĩa của việc một người vác thập tự giá của mình: “Và này việc một người vác thập tự giá của mình là từ bỏ tất cả mọi sự không tin kính và mọi dục vọng của thế gian, và tuân giữ các giáo lệnh của ta.”14

Lệnh này phù hợp với lời tuyên bố của Gia Cơ: “Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.”15Đó là một cuộc sống hàng ngày để tránh tất cả những gì ô uế trong khi cương quyết tuân giữ hai giáo lệnh lớn---tình yêu mến Thượng Đế và đồng bào---mà tất cả các giáo lệnh khác đều bởi hai giáo lệnh đó mà ra.16Vì vậy, một yếu tố của việc đánh mất sự sống của chúng ta để có được sự sống lớn hơn do Chúa hoạch định cho chúng ta bao gồm việc vác thập tự giá hằng ngày.

Ai Xưng Ta Ra trước mặt Thiên Hạ, thì Ta Cũng Sẽ Xưng Họ trước mặt Cha Ta ở Trên Trời;

Một lời phát biểu thứ hai đi kèm theo gợi ý rằng việc tìm kiếm sự sống của chúng ta vì Ngài và phúc âm gồm có việc sẵn lòng công khai hóa vai trò môn đồ của chúng ta: “Vì giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi nầy, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh.”17

Ở một nơi khác trong sách Ma Thi Ơ, chúng ta tìm thấy một lời phát biểu tương tự:

“Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời.”

“Còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.”18

Một ý nghĩa rõ ràng và khá trọng đại của việc đánh mất sự sống của các em bằng cách thú nhận Đấng Ky Tô là để mất sự sống theo nghĩa đen, thật sự, đó là việc duy trì và bảo vệ niềm tin của các em nơi Ngài. Chúng ta đã quen với lối suy nghĩ về đòi hỏi tột bậc này khi áp dụng vào lịch sử khi chúng ta đọc về các vị tuẫn đạo của thời xưa, bao gồm hầu hết Các Sứ Đồ thời xưa. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta thấy rằng điều thuộc vào lịch sử đang đi vào hiện tại. Những bản tin tức từ Iraq và Syria nói về hàng trăm Ky Tô hữu và các dân tộc thiểu số khác bị những kẻ cực đoan Hồi Giáo đuổi ra khỏi nhà của họ hoặc bị giết trong vài tháng qua. Những kẻ khủng bố đòi hỏi các Ky Tô hữu này phải cải đạo theo Hồi Giáo hoặc bỏ làng ra đi hay chết. Các Ky Tô hữu sẽ không chối bỏ Ngài là Đấng họ tôn thờ, nên rất nhiều người đã bỏ trốn và một số người đã bị giết chết.19Chắc chắn những người đó sẽ là trong số những người mà Đấng Cứu Rỗi sẽ không hổ thẹn để thú nhận trước mặt Cha Ngài trong tương lai. Chúng ta không biết điều gì có thể xảy đến trong tương lai, nhưng nếu có người nào trong chúng ta phải đối mặt với thảm kịch của việc đánh mất sự sống của chúng ta theo nghĩa thật sự vì chính nghĩa của Đức Thầy, thì tôi tin rằng chúng ta cũng sẽ cho thấy lòng can đảm và trung thành như vậy.

Tuy nhiên, cách áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi phổ biến hơn (và đôi khi khó khăn hơn) có liên quan đến cách chúng ta sống hàng ngày, liên quan đến những lời chúng ta nói, tấm gương chúng ta nêu lên. Cách chúng ta sống phải là một lời thú nhận về Đấng Ky Tô, và cùng với những lời nói của chúng ta làm chứng về đức tin của chúng ta và lòng tận tụy cùng Ngài. Và chứng ngôn này phải được bảo vệ mạnh mẽ trước sự nhạo báng, kỳ thị, hoặc phỉ báng từ phía những người chống đối Ngài “giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi nầy.”20

Vào một dịp khác, Chúa còn phán thêm lời đặc biệt này về lòng trung thành của chúng ta đối với Ngài:

“Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.

“Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia

“Và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.

“Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta;

“Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.”21

Câu nói rằng Ngài đến không phải để mang lại sự bình an, mà thay vì thế là gươm giáo, thì dường như ấn tượng đầu tiên là một mâu thuẫn với câu thánh thư có nói rằng Đấng Ky Tô là "Hoàng Tử Bình An,”22và lời loan báo lúc Ngài giáng sinh: "Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!”23—và những tài liệu tham khảo nổi tiếng khác, như: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi.”24“Đúng là Đấng Ky Tô đến để mang lại hòa bình---hòa bình giữa người tin và Thượng Đế, và hòa bình giữa con người. Tuy nhiên, kết quả chắc chắn về sự hiện đến của Đấng Ky Tô là sự xung đột giữa Đức Ky Tô và kẻ chống đối Đấng Ky Tô, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa con cái của Đấng Ky Tô và con cái của quỷ dữ. Cuộc xung đột này có thể xảy ra ngay cả giữa những người trong cùng một gia đình.”25

Tôi tin rằng một số các em đang ngồi trong nhóm cử tọa trên toàn thế giới buổi tối hôm nay đã có kinh nghiệm cá nhân về điều Chúa đã phán trong những câu này. Các em đã bị cha mẹ, anh chị em hắt hủi và khước từ các em chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và lập giao ước với Ngài. Trong cách này hay cách khác, tình yêu thương tột bậc của các em dành cho Đấng Ky Tô đã đòi hỏi các em phải hy sinh các mối quan hệ thân thiết, và các em đã khóc nhiều. Tuy nhiên, với tình yêu thương không hề suy giảm của mình, các em đứng vững dưới cây thập tự giá này, cho thấy mình không hổ thẹn về Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Cách đây khoảng ba năm, một tín hữu của Giáo Hội đã chia sẻ một quyển Sách Mặc Môn với một người bạn theo đạo Amish ở Ohio.  Người bạn này bắt đầu đọc quyển sách này và không thể đặt sách đó xuống. Trong ba ngày người ấy đã không có ước muốn nào khác ngoài việc đọc Sách Mặc Môn. Vợ chồng người ấy chịu phép báp têm, và trong vòng bảy tháng đã có ba cặp vợ chồng Amish cải đạo và chịu phép báp têm trở thành tín hữu Giáo Hội.  Con cái của họ chịu phép báp têm vài tháng sau đó. Ba gia đình này quyết định ở lại trong cộng đồng của họ và tiếp tục lối sống Amish mặc dù họ đã rời bỏ tôn giáo Amish. Tuy nhiên, vì đã chịu phép báp têm, nên họ đã phải chịu cảnh xa lánh của những người láng giềng Amish gần gũi. Xa lánh có nghĩa là không một ai trong cộng đồng Amish của họ chịu nói chuyện với họ, làm việc với họ, làm ăn với họ, hoặc giao kết với họ trong bất cứ hình thức nào. Điều này không chỉ gồm có bạn bè mà luôn cả những người trong gia đình---anh chị em, cha mẹ và ông bà.

Ban đầu, các Thánh Hữu Amish cảm thấy rất cô đơn và bị cô lập vì ngay cả con cái của họ đã bị lảng tránh và đuổi ra khỏi trường học Amish của họ, vì đã chịu phép báp têm và là tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Con cái của họ đã bị ông bà, anh chị em họ hàng, những người láng giềng gần gũi lảng tránh. Ngay cả một số con cái lớn hơn trong các gia đình Amish này mà đã không chấp nhận phúc âm cũng không chịu nói chuyện, hoặc ngay cả chấp nhận cha mẹ của họ. Các gia đình này đã gặp khó khăn để phục hồi từ các hậu quả xã hội và kinh tế của việc bị lảng tránh này, nhưng họ đang thành công.

Đức tin của họ vẫn vững mạnh. Nghịch cảnh và sự chống đối của việc bị lảng tránh đã làm cho họ vững chắc và bền bỉ. Một năm sau khi chịu phép báp têm, các gia đình này đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ và tiếp tục trung thành tham dự đền thờ hàng tuần. Họ đã tìm thấy sức mạnh qua việc tiếp nhận các giáo lễ và lập cùng tôn trọng các giao ước. Họ đều tích cực sinh hoạt trong nhóm Giáo Hội của họ và tiếp tục tìm kiếm cách để chia sẻ ánh sáng và sự hiểu biết về phúc âm với bà con thân thuộc và cộng đồng của họ qua các hành vi tử tế và phục vụ.

Vâng, cái giá để gia nhập Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể rất cao, nhưng lời khuyên để đặt Đấng Ky Tô lên trên tất cả những người khác, ngay cả những người gần gũi nhất trong gia đình chúng ta, cũng áp dụng cho những người có thể đã được sinh ra trong giao ước. Nhiều người trong chúng ta đã trở thành tín hữu của Giáo Hội mà không bị chống đối, có lẽ như các trẻ em. Chúng ta có thể phải đối phó với thử thách là vẫn trung thành với Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài trong khi cha mẹ, gia đình bên chồng hay bên vợ, anh chị em, hoặc ngay cả con cái chúng ta có hành vi, niềm tin, hoặc sự lựa chọn làm cho chúng ta không thể nào hỗ trợ Ngài lẫn họ được. Đây không phải là một vấn đề về tình yêu thương. Chúng ta có thể và phải yêu thương nhau như Chúa Giê Su yêu thương chúng ta. Khi Ngài phán: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”26Nhưng, Chúa nhắc nhở chúng ta: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta.”27Vì vậy, mặc dù tình cảm gia đình vẫn tiếp tục, nhưng các mối quan hệ có thể bị gián đoạn và, tùy theo hoàn cảnh, còn hỗ trợ hoặc khoan dung đôi khi phải ngừng lại vì tình yêu thương cao hơn của chúng ta.

Trong thực tế, cách tốt nhất để giúp đỡ những người chúng ta yêu thương---cách tốt nhất để yêu thương họ---là tiếp tục đặt Đấng Cứu Rỗi lên trên hết. Nếu chúng ta cắt bỏ mối quan hệ với Chúa vì thông cảm với những người thân yêu đang đau khổ hoặc đau buồn, thì chúng ta mất đi phương tiện mà qua đó chúng ta có thể đã giúp họ. Tuy nhiên, nếu vẫn có đức tin sâu thẳm nơi Đấng Ky Tô, thì chúng ta đang ở trong một vị thế tiếp nhận lẫn đưa ra sự giúp đỡ thiêng liêng. Nếu (hoặc tôi nên nói khi nào) đến lúc mà một người trong gia đình rất muốn tìm đến một nguồn giúp đỡ thực sự và lâu dài, thì người đó sẽ biết tin cậy vào ai để làm người hướng dẫn và bạn đồng hành. Trong khi chờ đợi, với ân tứ Đức Thánh Linh để hướng dẫn, chúng ta có thể giúp đỡ một cách kiên định để làm giảm bớt nỗi đau của sự lựa chọn sai và vỗ về an ủi tới mức chúng ta được cho phép. Nếu không, chúng ta không phục vụ những người chúng ta yêu thương lẫn bản thân mình.

Người Nào Nếu Được Cả Thiên Hạ mà Mất Linh Hồn Mình, thì Có Ích Gì?

Yếu tố thứ ba của việc đánh mất sự sống của mình vì Chúa mà tôi muốn đề cập đến được tìm thấy trong những lời của Chúa:

"Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu.

“Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư?”28

Như đã được đưa ra trong Bản Dịch Joseph Smith: “Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì?”29

Để nói rằng việc từ bỏ thế gian để tiếp nhận “người đã được Thượng Đế sắc phong” là không bình thường trong thế giới ngày nay thì thật là hiển nhiên. Các ưu tiên và mối quan tâm chúng ta thường thấy xung quanh mình (và đôi khi nơi chúng ta) thật là ích kỷ vô cùng: một cơn đói phải được ghi nhận; khăng khăng đòi hỏi rằng các quyền của một người được tôn trọng (bao gồm cả quyền cho rằng không bao giờ bị tổn thương); ước muốn mãnh liệt đối với tiền bạc, mọi thứ, và quyền lực; cảm nghĩ phải có được một cuộc sống thoải mái và đầy lạc thú; một mục tiêu để giảm tối thiểu trách nhiệm cũng như tránh bất cứ sự hy sinh cá nhân nào vì lợi ích của người khác; đó chỉ là một vài ví dụ mà thôi.

Đây không phải là nói rằng chúng ta không nên tìm cách thành công, thậm chí còn xuất sắc trong những nỗ lực xứng đáng, kể cả học vấn và việc làm đáng kính. Đầu năm nay, Jed Rubenfeld và Amy Chua, là cặp vợ chồng giáo sư Trường Luật Yale, đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề là The Triple Package: How three Unlikely Traits Explain the Rise and Fall of Cultural Groups in America (Sự Kết Hợp Ba Điều, Làm Thế Nào Ba Đặc Điểm Khó Thể Xảy Ra Giải Thích Được Sự Thăng Trầm của Các Nhóm Văn Hóa ở Mỹ).Luận án của họ là một số nhóm ở Mỹ tốt hơn những nhóm khác dựa trên ba đặc điểm văn hóa, được mô tả trong sách này, mang đến cho các nhóm này một lợi thế. Chua và Rubenfeld xác định rằng Những Người Mặc Môn, người Do Thái, người châu Á, người nhập cư Tây Phi, người Mỹ Da Đỏ, và người Mỹ gốc Cuba là các nhóm ở Mỹ ngày nay có được những đặc điểm này.30

So sánh các nhóm này với xã hội Mỹ nói chung về các tiêu chuẩn như “số thu nhập, thành tích học tập, lãnh đạo doanh nghiệp, thành công trong nghề nghiệp, và các tiêu chuẩn thông thường khác," Chua và Rubenfeld nói rằng:

"Nếu có một nhóm tại Mỹ hiện nay xuất sắc với thành công thông thường, thì chính là những người Mặc Môn. …

“Trong khi đó, những người Tin Lành chiếm khoảng 51  phần trăm dân số Hoa Kỳ, thì 5 đến 6 triệu người Mặc Môn ở Mỹ chỉ chiếm 1,7  phần trăm. Tuy nhiên, một con số đáng kinh ngạc đã vươn lên trên đỉnh của các lĩnh vực doanh nghiệp và chính trị của nước Mỹ.”31

Chắc chắn là thành tích đáng kể như vậy thật đáng khen ngợi, nhưng nếu muốn cứu sự sống mình thì chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng trình độ học thức cao đó không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là cách để đạt được mục tiêu cao hơn. Với đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô, chúng ta phải xem chính trị, kinh doanh, học vấn, và các hình thức thành công tương tự không phải là để xác định đặc điểm của chúng ta mà là làm cho chúng ta có thể phục vụ Thượng Đế và đồng bào mình---bắt đầu ở nhà và mở rộng ra càng nhiều càng tốt trên thế giới. Sự phát triển cá nhân có giá trị khi nó góp phần vào sự phát triển một cá tính giống như của Đấng Ky Tô. Trong việc đo lường mức độ thành công, chúng ta nhận ra lẽ thật sâu sắc là nền tảng cho mọi điều khác---cuộc sống của chúng ta thuộc về Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, và Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Sự thành công có nghĩa là sống hòa hợp với ý muốn của hai Ngài.

Ngược lại với cuộc sống chỉ yêu thương bản thân mình, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã đưa ra lời phát biểu giản dị nhưng xuất sắc hơn:

“Sự phục vụ những người khác làm cho cuộc sống này phong phú và thú vị hơn trong khi chúng ta chuẩn bị để sống trong một thế giới tốt hơn. … Khi chúng ta tham gia vào sự phục vụ đồng bào của mình, không những hàng động của chúng ta phụ giúp họ, mà chúng ta còn đặt các vấn đề của chúng ta ở một triển vọng sáng sủa hơn. Khi chúng ta lo lắng nhiều hơn cho người khác, thì có rất ít thời gian để quan tâm đến bản thân mình! Trong phép lạ của sự phục vụ, có lời hứa của Chúa Giê Su rằng khi đánh mất bản thân mình, thì chúng ta tìm thấy bản thân mình! [Xin xemMa Thi Ơ 10:39].

"Không những chúng ta 'tìm thấy' bản thân về việc thừa nhận sự hướng dẫn thiêng liêng trong cuộc sống, mà khi chúng ta càng phục vụ đồng bào của mình theo những cách thích hợp, thì càng có nhiều thực chất trong tâm hồn chúng ta. … Chúng ta trở nên có thực chất hơn khi phục vụ người khác---quả vậy, thật là dễ dàng hơn để 'tìm thấy' bản thân mình vì có quá nhiều điều để tìm nơi chúng ta!”32

Tấm Gương về Việc Đánh Mất Sự Sống của Mình trong Đấng Ky Tô và Phúc Âm của Ngài

Tôi xin kết thúc với một vài tấm gương về ý nghĩa của việc đánh mất sự sống của mình hằng ngày trong Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài và nhờ đó tìm thấy được cuộc sống đích thực (và cuối cùng vĩnh cửu).

Vào tháng Sáu năm 1976, Chủ Tịch Henry B. Eyring là chủ tịch trường Ricks College, hiện nay là trường Brigham Young University-Idaho, khi đập nước Teton Dam mới vừa khánh thành, nằm cách Rexburg không xa lắm, bị sụp đổ. "Tám mươi tỷ ga lông nước trút vào phía Rexburg với tốc đội bốn mươi dặm một giờ, quét hết mọi thứ trên đường đi.”33Nhiều người trong cộng đồng đã đáp ứng một cách dũng cảm, giúp đỡ người khác ngay cả khi nhà cửa và đồ đạc của họ bị phá hủy bởi cơn lũ lụt. Tuy nhiên, một vài người đã bỏ lại ngay cả những người thân yêu để tự lo cho thân họ.

Chủ Tịch Eyring, đã tự mình giúp hướng dẫn một nỗ lực cứu trợ trọng đại, muốn hiểu điều giải thích về “sự khác biệt giữa phản ứng một cách dũng cảm của một số người … và sự phản bội của những người khác. … Ông đã thực hiện một cuộc nghiên cứu nhỏ nhưng có tính chất khoa học đáng kể. Về sau ông cho một lớp gồm có các học sinh lớp 12 sắp tốt nghiệp trung học biết: 'Chỉ có một điều chúng ta có thể tìm thấy được.'

"‘Những người anh hùng là những người đã từng luôn luôn ghi nhớ và giữ lời hứa trong những điều nhỏ nhặt, những điều hàng ngày … một lời hứa ở lại sau một bữa ăn tối nhà thờ để dọn dẹp, hoặc đến làm việc một dự án trong ngày thứ Bảy để giúp một người hàng xóm.

"‘Những người bỏ rơi gia đình của họ khi gặp khó khăn thường bỏ dở bổn phận của họ khi không gặp khó khăn. Họ đã có một mô hình không giữ lời hứa đối với những việc nhỏ khi sự hy sinh đối với họ có thể là không đáng kể và làm điều họ đã nói rằng họ sẽ làm sẽ được dễ dàng. Khi gặp khó khăn, họ không thể làm được.’”34

Chị Christofferson và tôi có một người bạn mà chúng tôi đã gặp trong khi tôi đang học luật. Chị ấy là một tín hữu trong tiểu giáo khu chúng tôi ở Durham, North Carolina. Vợ chồng chị ấy là một cặp vợ chồng trẻ lý tưởng có con nhỏ. Chị ấy được phước với trí thông minh, sức hấp dẫn và tính tình hoạt bát. Mọi người đều ngưỡng mộ và thích được ở gần chị. Tuy nhiên, khoảng 25 năm sau, khi chị vẫn còn ở độ tuổi 40, thì chị bị mắc bệnh ung thư dạ dày nặng và không thể chữa được mà cũng đã lan đến gan và phổi của chị. Mặc dù bị sốc và đau đớn vì cuộc sống của chị sắp kết thúc nhanh chóng, chị đã viết những lời dịu dàng này cho gia đình và bạn bè của chị, là những người mà chị rất lấy làm tiếc phải bỏ lại: "Kế hoạch của [Thượng Đế] là thiêng liêng và sẽ được thực hiện đúng như Ngài hoạch định. Kể từ khi tôi được chọn để đi qua cuộc thử thách này, tôi biết rằng điều này phải là vì lợi ích lớn nhất và niềm vui tột bậc của tôi. Các phước lành thuộc linh đã đến với tôi, và tôi cảm thấy trước khi kết thúc rằng tôi sẽ trải qua tất cả những gì tôi cần phải được chuẩn bị để gặp Đấng Cứu Rỗi. Quyền năng của Ngài là ở trên thế gian. Không hề có sai lầm. … Hiện tại có rất nhiều thử thách nặng nề. Mọi người dường như chịu thử thách riêng của mình. Hãy tin cậy Chúa và tiếp nhận sự giúp đỡ của Ngài. Hãy chấp nhận những điều thuộc vào mình thì nỗi đau đớn sẽ được cất khỏi, và sự bình an sẽ đến.”

Một chị phụ nữ trẻ tuổi đặc biệt đã quyết định phục vụ truyền giáo toàn thời gian sau khi đã học xong cả hai bằng đại học và sau đại học, và đã tham gia vào các chương trình thực tập và nghiên cứu có danh tiếng ở trong nước lẫn hải ngoại. Chị ấy đã phát triển một khả năng để kết nối và liên hệ với những người từ hầu hết mọi hệ thống tin tưởng, khuynh hướng chính trị, và quốc tịch, và chị ấy lo rằng việc đeo thẻ tên truyền giáo cả ngày, mỗi ngày có thể trở thành một cách định danh mà có thể cản trở khả năng đặc biệt của chị để thiết lập mối quan hệ. Sau khi đi truyền giáo chỉ được vài tuần, chị đã viết thư về nhà kể về một kinh nghiệm giản dị nhưng đầy ý nghĩa: "Chị Lee và tôi xoa thuốc mỡ vào đôi tay bị viêm khớp của một bà lão---mỗi người ngồi ở một bên của bà---trong khi chúng tôi ngồi trong phòng khách nhà bà. Bà ta không muốn nghe bất cứ sứ điệp nào cả, nhưng để cho chúng tôi hát, bà thích nghe chúng tôi hát. Xin cám ơn cái thẻ tên truyền giáo đã cho phép tôi có được những kinh nghiệm thân mật với những người hoàn toàn xa lạ.”

Bởi vì những điều mà ông phải chịu đau đớn, Tiên Tri Joseph Smith đã học được cách đánh mất sự sống của mình trong sự phục vụ Đức Thầy và Người Bạn của ông. Ông đã từng nói: “Tôi làm điều này thành luật lệ cho tôi: Khi Chúa truyền lệnh, hãy làm theo.”35Tôi nghĩ rằng chúng ta đều sẽ vui lòng để làm theo mức độ trung thành của Anh Joseph. Mặc dù vậy, ông đã từng bị buộc phải mòn mỏi đợi chờ nhiều tháng trong ngục thất ở Liberty, Missouri, đau đớn về thể xác nhưng có lẽ nhều hơn về tình cảm và tinh thần khi ông không thể giúp đỡ người vợ yêu quý, con cái của ông, và các Thánh Hữu trong khi họ đang bị hành hạ và ngược đãi. Những điều mặc khải và hướng dẫn của Ngài đã đưa họ đến Missouri để thiết lập Si Ôn, và bây giờ họ đã bị đuổi ra khỏi nhà của họ giữa mùa đông trong khắp tiểu bang. Bất chấp tất cả, trong những điều kiện đó ở ngục thất, ông đã thảo một lá thư đầy soi dẫn gửi đến Giáo Hội thành một bản văn thanh lịch và nâng cao tinh thần nhất, những phần của lá thư đó hiện nay bao gồm các tiết 121, 122 và  123 của sách Giáo Lý và Giao Ước, kết thúc với những lời này: “Chúng ta hãy vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta; và rồi chúng ta có thể đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế, và thấy cánh tay Ngài được để lộ ra.”36

Dĩ nhiên, hình ảnh minh họa quan trọng nhất của việc cứu sự sống của mình bằng cách đánh mất sự sống của mình là như sau: "Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên. Lạy Cha, nếu chén nầy không thể lìa khỏi tôi, ngoại trừ tôi uống nó, ngươi sẽ được thực hiện.”37Khi phó mạng sống của Ngài, Đấng Ky Tô không những cứu được sự sống của Ngài---mà Ngài còn cứu sự sống của tất cả chúng ta nữa. Ngài đã làm cho chúng ta có thể đổi cuộc sống trần thế phù phiếm của chúng ta cuối cùng trở thành cuộc sống vĩnh cửu.

Chứng Ngôn

Chủ đề về cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi là "Ta hằng làm sự đẹp lòng [Đức Chúa Cha].”38Tôi cầu nguyện rằng các em sẽ làm chủ đề này thành chủ đề của cuộc sống của các em. Nếu làm như vậy, các em sẽ cứu sự sống của mình.

Các bạn trẻ thân mến, hãy hài lòng trong tất cả cố gắng và đạt được việc đặt ý muốn của Ngài lên trước hết. Hãy học cách muốn điều Ngài muốn. Hãy thú nhận và ghi nhận Ngài trong mọi khía cạnh của cuộc sống các em. Đừng hổ thẹn về Đấng Ky Tô hay phúc âm của Ngài, và hãy sẵn lòng từ bỏ những điều trân quý, các mối quan hệ yêu thương, và ngay cả mạng sống của mình vì Ngài. Nhưng trong khi các em sống, hãy để cuộc sống của các em là một của lễ dâng. Hãy vác thập tự giá của Ngài mỗi ngày trong sự vâng lời, và phục vụ. Đây là những kết quả và trái của đức tin chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

© 2014 do Intellectual Reserve, Inc. Giữ mọi bản quyền. Bản tiếng Anh chuẩn nhận: 1/14. Bản dịch chuẩn nhận: 1/14. Translation of “Saving Your Life.” Vietnamese. PD10051044 435

In