Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Chuẩn Bị Lòng Chúng Ta để Lắng Nghe Tiếng Nói của Thánh Linh


56:3

Chuẩn Bị Lòng Chúng Ta để Lắng Nghe Tiếng Nói của Thánh Linh

Buổi Họp Đặc Biệt HTGDCGH Devotional dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 2 tháng Ba năm 2014 • Trường Brigham Young University-Idaho

Thật là một đặc ân được nhóm họp với các em trong buổi họp đặc biệt devotional này. Tôi đã cầu nguyện rằng Chúa sẽ ban phước cho các em để nghe được một điều gì đó nhằm giúp gia tăng khả năng của các em để nhận ra tiếng nói của Thánh Linh. Các em có thể đã nhận được một sứ điệp mà các em đã cảm thấy là chỉ dành cho chính mình trong phần âm nhạc tuyệt vời mà chúng ta đã nghe.

Cách đây khoảng 41 năm, tôi đã miễn cưỡng tham dự một buổi họp đặc biệt devotional dành cho những người thành niên trẻ tuổi được tổ chức tại Khuôn Viên Đền Thờ. Cơn bão tuyết rất lớn chúng tôi đã nhận được buổi chiều hôm ấy trước khi diễn ra buổi họp đã thử thách đức tin của tôi. Nhưng vì tôi đã được mời tham gia trong một chỉ định nhỏ, nên tôi đã làm tròn bổn phận của mình. Trong những năm qua, tôi đã học được một điều mà Chủ Tịch Eyring đã chia sẻ là đúng: “Một người không thể cho Chúa một lớp vỏ bánh mà không nhận được trở lại một ổ bánh.”1 Người chồng tuyệt vời của tôi là ″ổ bánh″ mà tôi nhận được lại vì đã cho ″lớp vỏ bánh″ vì đã tham dự buổi họp đó! Chính là trong buổi họp đặc biệt devotional đó mà tôi đã gặp anh ấy. Anh ấy hát trong ca đoàn và đã can đảm đến tự giới thiệu với tôi vào cuối buổi họp đó. Tôi biết ơn biết bao rằng tôi đã cảm thấy có trách nhiệm phải tham dự đêm đó và rằng Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta đã chấp nhận ngay cả nỗ lực miễn cưỡng của tôi để đi đến nơi tôi cần đến.

Tôi biết ơn có được mấy đứa con và đứa cháu gái lớn nhất của chúng tôi hiện diện ở đây với chúng ta buổi tối hôm nay. McKaela chơi đàn viola. Lúc 3 tuổi, nó đã bắt đầu học chơi vĩ cầm, violin, và bây giờ, 16 tuổi, nó là một nhạc sĩ khá giỏi. Tôi có thể nói rằng vì tôi là bà nội của nó, và bà nội thì không nói dối đâu! Thật là một điều đầy soi dẫn khi thấy nó tiến bộ từng bước một, học cách sử dụng nhạc cụ để ban phước không chỉ cho cuộc sống của nó mà còn cho cuộc sống của nhiều người khác. Nó đã học được nghệ thuật điều chỉnh nhạc cụ của mình; tầm quan trọng của việc tập luyện siêng năng hàng ngày; và niềm vui biểu diễn và đánh nhạc cụ của mình chung với những người khác.

Cách đây một vài năm, trong khi phục vụ truyền giáo với chồng tôi, tôi đã học cách đọc các ký hiệu và cách phát âm bảng chữ cái tiếng Hàn Quốc. Tôi đã học được một số lời chào hỏi cơ bản, hai câu nói, và một vài từ ngữ phúc âm, và tôi có thể phân biệt được tiếng Hàn Quốc với các thứ tiếng khác. Tôi thuộc lòng một vài bài thánh ca và các bài ca Thiếu Nhi tôi ưa thích bằng tiếng Hàn Quốc. Nhưng khả năng của tôi để nói hoặc hiểu hầu hết ngôn ngữ tuyệt vời đó thì rất là giới hạn.

Tại sao tôi chia sẻ những ví dụ dường như không liên quan này với các em? Vì tôi muốn chúng ta thảo luận về việc học ngôn ngữ của Thánh Linh---Ngài nói với chúng ta bằng cách nào và chúng ta có thể gia tăng khả năng lắng nghe tiếng nói của Ngài như thế nào. Cũng giống như việc học một nhạc cụ hoặc một ngôn ngữ là cả một quá trình, thì việc học ngôn ngữ của Thánh Linh cũng là cả một quá trình, một quá trình rất thiết yếu cho mỗi người chúng ta để học, cho dù chúng ta mới chịu phép báp têm hoặc là các tín hữu lâu đời của Giáo Hội.

Đấng Cứu Rỗi dạy trong Sách Mặc Môn rằng dân La Man “đã được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh mà họ không hay biết điều đó.”2 Ước muốn thiết tha của tôi là chúng ta sẽ gia tăng khả năng nghe và hiểu những thúc giục của Thánh Linh và hành động theo những thúc giục mà chúng ta nhận đươc từ Đức Thánh Linh (Ngài ban cho chúng ta). Để làm như vậy, trước hết chúng ta phải học cách nhận ra tiếng nói của Ngài.

Chúng ta hãy dành ra một phút để đánh giá kinh nghiệm của mình. Giờ đây, vì cử tọa của chúng ta ở đây rất đông và những người thành niên trẻ tuổi trên khắp thế giới đang cùng tham gia với chúng ta, tôi muốn mời các em làm một điều. Mong rằng đây không phải là điều quá riêng tư, các em có muốn chia sẻ với nhau một số kinh nghiệm của mình đối với các câu hỏi sau đây trên Twitter không? Khi các em có thời giờ, hãy nhắn những câu trả lời của các em trên tweeter đến #cesdevo.

Đây là câu hỏi cho sự đáp ứng của các em: Làm thế nào chúng ta có thể biết là mình đã nghe được tiếng nói của Thánh Linh?

Chúng ta có thể tự hỏi thêm trong khi suy ngẫm về câu hỏi này:

• Tôi có cảm nhận được tình yêu thương, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, hiền lành, dịu dàng, đức tin, hy vọng, và an ủi không?

• Có những ý tưởng đến với tâm trí của tôi, hoặc những cảm xúc đến với tâm hồn của tôi, mà tôi biết là từ Chúa, chứ không phải là từ tôi không?

•  Tôi có nghe thấy tiếng mình nói về lẽ thật mà không dự định điều tôi sẽ nói không?

•  Tôi có gia tăng các kỹ năng và khả năng của mình không?

•  Tôi có cảm thấy được hướng dẫn và bảo vệ khỏi bị lừa dối không?

•  Tôi có nhận thấy tội lỗi trong cuộc sống của mình và có ước muốn để sửa chữa tội lỗi đó không ?

•  Tôi có cảm thấy Thánh Linh đang làm vinh hiển và chia sẻ chứng ngôn về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô không?3

Nếu trả lời ″có″ cho bất cứ câu hỏi nào, thì các em đã cảm nhận được Thánh Linh của Chúa vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống của các em. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là “Các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?”4

Lời khuyên dạy của tiên tri Mặc Môn về việc tuân theo Ánh Sáng của Đấng Ky Tô có thể giúp chúng ta nhận được Đức Thánh Linh. Mặc Môn đã nói:

″Vì này, Thánh Linh của Đấng Ky Tô được ban cho mọi người, để họ có thể biết phân biệt được thiện và ác; vậy nên, tôi chỉ cho các người biết cách xét đoán; vì bất cứ việc gì mời mọc làm điều thiện, và thuyết phục để tin nơi Đấng Ky Tô, đều do quyền năng và ân tứ của Đấng Ky Tô đưa lại; vậy nên các người có thể hiểu biết một cách rõ ràng rằng điều đó do Thượng Đế mà ra.

“Nhưng bất cứ việc gì xúi giục loài người làm điều ác, và không tin nơi Đấng Ky Tô, cùng chối bỏ Ngài và không phục vụ Thượng Đế, thì các người có thể biết một cách rõ ràng rằng điều đó là do quỷ dữ mà ra; vì đó là cách thức mà quỷ dữ thường làm, vì nó không bao giờ thuyết phục ai làm một điều gì tốt lành cả, phải, không một người nào; và ngay cả những quỷ sứ của nó hay những kẻ tự phục tùng nó cũng vậy.”5

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nhận xét: “Đó là sự trắc nghiệm cuối cùng. Điều đó có thuyết phục một người làm điều tốt, đứng thẳng hơn, thẳng thắn, làm điều đúng, sống tử tế, sống rộng lượng không? Nếu có, thì điều đó thuộc về Thánh Linh của Thượng Đế.”6

Tại sao dường như rất khó để phân biệt những lời mách bảo của Thánh Linh? Có lẽ một lý do là Thánh Linh truyền đạt cho tâm trí lẫn tâm hồn. Trong việc học ngôn ngữ của Thánh Linh, đôi khi chúng ta lẫn lộn những ý nghĩ của riêng mình và cảm xúc của mình với những thúc giục của Thánh Linh. Một lý do khác là việc phân biệt được Thánh Linh là một ân tứ của Thánh Linh. Giống như việc học một ngôn ngữ rất dễ dàng đối với một số người nhưng lại không dễ dàng đối với những người khác, thì khả năng hiểu được những lời mách bảo của Thánh Linh cũng như vậy. Thông thường, việc học một nhạc cụ hoặc ngôn ngữ cần có rất nhiều nỗ lực, kể cả việc tập luyện và đôi khi bị mắc lỗi. Điều đó cũng như vậy với quá trình học ngôn ngữ của Thánh Linh.

Điều đó có giúp cho các em biết rằng sự mặc khải cá nhân là cả một quá trình từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một mà ngay cả các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải đều phải học để hiểu không? Sau đây là một ví dụ từ cuộc sống của Anh Cả Jeffrey R. Holland.

“ Có những lần khi cách duy nhất để đi từ chỗ A đến chỗ C là phải đi ngang qua B.

Vì lớn lên ở miền nam Utah và vui hưởng tất cả những nét kỳ diệu và vẻ đẹp của miền nam Utah và miền Bắc Arizona, nên tôi muốn giới thiệu điều đó cho con trai của tôi và tôi muốn cho nó thấy những nơi tôi đã thấy và rất thích ở độ tuổi của nó. Vì vậy, mẹ nó gói một chút thức ăn trưa cho chúng tôi và chúng tôi đã lái chiếc xe tải nhỏ của ông nội nó và đi về hướng nam đến nơi mà chúng tôi gọi là con đường Arizona Strip xưa.

“Vì thấy rằng mặt trời đang lặn, nên chúng tôi quyết định nên đi về. Nhưng chúng tôi lại đến một ngã ba đặc biệt trên đường, thực sự chỉ có mỗi ngã ba đó vào thời điểm đó là hoàn toàn không thể nhận ra. Tôi bảo con trai tôi cầu nguyện xem phải đi con đường nào và nó cảm thấy chắc chắn rằng chúng tôi nên đi về phía bên phải và tôi cũng cảm thấy như vậy. Và chúng tôi đã đi về phía bên phải, và đó là con đường cụt. Chúng tôi đã đi bốn hoặc năm hay sáu trăm mét và đó là một con đường cụt hoàn toàn, rõ ràng là sai đường.

“Chúng tôi quay trở lại, đi con đường kia. Và rõ ràng con đường bên trái là đúng đường.

“Trên đường đi, Matt nói: ″Cha ơi, tại sao sau khi cầu nguyện về điều đó, chúng ta lại cảm thấy rằng con đường bên phải là đúng đường phải đi, mà trái lại, đó không phải là đúng đường?″ Và tôi nói: ″Cha nghĩ rằng Chúa muốn cho chúng ta trong tình huống đó và sự đáp ứng của Ngài cho lời cầu nguyện của chúng ta là chúng ta đi trên con đường đúng càng nhanh càng tốt với một số bảo đảm, với một số hiểu biết rằng chúng ta đang ở trên con đường đúng và chúng ta không cần phải lo lắng về con đường nào phải đi. Và trong trường hợp này, cách dễ nhất để làm điều đó là để cho chúng ta đi 400 hoặc 500 mét trên con đường sai và biết ngay không hề nghi ngờ rằng đó là con đường sai và do đó biết được rằng con đường kia là đúng một cách chắc chắn giống như vậy, với niềm tin giống như vậy.’

“Tôi có sự hiểu biết chắc chắn, trọn vẹn rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta. Ngài là Đấng nhân từ. Ngài là Cha của chúng ta và Ngài mong muốn chúng ta cầu nguyện, tin cậy, tin tưởng và không bỏ cuộc, không hoảng sợ, không rút lui và không bỏ rơi mục tiêu khi một điều gì đó dường như không đúng. Chúng ta ở lại, chúng ta tiếp tục cố gắng, chúng ta tiếp tục tin tưởng, tiếp tục tin cậy, đi theo cùng một con đường và chúng ta sẽ sống để ngã vào vòng tay của Ngài và cảm thấy được bao bọc trong vòng tay của Ngài và nghe Ngài nói: ‘Ta đã nói với các ngươi là mọi việc đều sẽ ổn thỏa, ta đã nói với các ngươi là mọi việc đều sẽ tốt cả.’ 7

Tôi đã có một kinh nghiệm tương tự như của Anh Cả Holland khi tôi chuẩn bị để nói chuyện buổi tối hôm nay. Tôi bắt đầu với một ý nghĩ, nghiên cứu và viết xuống ý nghĩ của mình về một đề tài để nói, và tôi cảm thấy không ổn về đề tài đó. Tôi có cảm giác rằng có một điều gì khác tôi cần phải đề cập đến. Đó là lúc tôi nhớ lại một kinh nghiệm mà tôi đã có cách đây khoảng hai năm. Khi mới được kêu gọi phục vụ với tư cách là chủ tịch trung ương Hội Phụ Nữ, một số đêm, tôi đã mất ngủ. Trong một đêm trong những đêm đó, nhiều suy nghĩ tràn ngập tâm trí của tôi và đè nặng lên tâm hồn tôi. Tôi ghi lại những suy nghĩ đó và quên đi, không còn nhớ đến những điều đó nữa cho đến cách đây chỉ một vài tuần, khi những cảm giác khó chịu về đề tài đầu tiên bắt đầu quấy rầy tôi. Cha Thiên Thượng để cho tôi đi trên con đường kia trong một thời gian, nhưng Ngài dẫn tôi trở lại con đường này qua một cảm giác dịu dàng trong lòng và một ký ức được đánh thức trong tâm trí tôi qua ân tứ Đức Thánh Linh.

Chúng ta có thể làm gì để nhận được tiếng nói của Thánh Linh? Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng Cha Thiên Thượng muốn giao tiếp với chúng ta. Chúng ta biết điều này vì tất cả các vị tiên tri ngày sau đã giảng dạy giáo lý về sự mặc khải cá nhân. Hãy nghĩ về nhiều phước lành khác Chúa đã ban cho chúng ta để chúng ta có thể giao tiếp với Ngài và tiếp nhận lời Ngài: thánh thư, phước lành tộc trưởng, cầu nguyện, các giáo lễ, các vị lãnh đạo và các bậc cha mẹ đầy soi dẫn, và ân tứ Đức Thánh Linh.

Chúng ta bắt đầu với mục tiêu để đến gần Thượng Đế hơn và nghe tiếng nói của Ngài nói với chúng ta bằng cách nào? Chúng ta bắt đầu với những điều cơ bản. Chúng ta làm những việc nhỏ nhặt và tầm thường để chứng minh rằng Ngài là Đấng quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta và rằng chúng ta muốn nhận được sự mặc khải từ Ngài. Khi đến thăm Tây Phi, tôi đã học được một cụm từ tôi yêu thích dường như áp dụng với tiến trình mặc khải cá nhân: ″từ từ, từng bước một.″ Những điều ″từ từ, từng bước một″ mà chúng ta có thể làm là gì?

Số 1: Chân thành và khiêm tốn cầu nguyện.

Tấm lòng người mẹ đã được cảm động trong suốt bao nhiêu năm qua khi tôi nhìn con cháu tôi sử dụng đức tin bằng cách cầu xin trong lời cầu nguyện khiêm tốn và chân thành để được Chúa giúp đỡ cho những vấn đề giản dị của chúng. Một kỷ niệm yêu quý trong gia đình của chúng tôi minh họa điều này.

Con trai của chúng tôi là con cả trong gia đình. Nó có năm em gái và không có em trai. Ngay trước khi đứa con gái thứ ba của chúng tôi ra đời, chồng tôi đã hứa với đứa con trai đó một con chó nếu đứa con này lại là con gái. Khi đứa bé gái của chúng tôi ra đời, người chồng hiền của tôi đã giữ lời hứa. Con chó đã trở thành người bạn thân nhất của con trai chúng tôi. Nó yêu thương con chó đó. Nhưng một hôm, con chó đi lạc. Chúng tôi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không có kết quả. Chúng tôi gọi điện cho nhân viên kiểm soát động vật. Người này không cho chúng tôi nhiều hy vọng, vì chúng tôi sống khá gần xa lộ. Nhân viên này cảm thấy là con chó đã đi lạc lâu đến mức có thể đã đi vào xa lộ và bị xe cán rồi.

Chúng tôi cố gắng hết sức để an ủi con trai mình khi chúng tôi chia sẻ điều chúng tôi đã nghe nói, nhưng nó vẫn vô cùng buồn bã. Tôi nhớ đã bảo nó cầu nguyện với Cha Thiên Thượng để được an ủi. Đứa con trai bé bỏng của chúng tôi nhìn vào mắt tôi và nói: ″Mẹ ơi, con đã cầu nguyện nhiều rồi.″

Hai ngày trôi qua. Rồi, một buổi sáng sớm nọ, có tiếng gõ cửa nhà chúng tôi. Một trong mấy đứa con ra mở cửa và chạy đi kiếm tôi. Tôi lo lắng khi thấy một chiếc xe đậu trên đường lái xe vào nhà của chúng tôi có ghi hàng chữ ″Kiểm Soát Động Vật″. Người đứng ở cửa nhìn tôi và nói: ″Thưa Bà Burton, tôi nghĩ rằng tôi có một vật gì đó trong xe của tôi thuộc về con trai của bà.″

Tim tôi thắt lại. Tôi nhớ đã lo rằng người ấy đã nhặt được con chó của chúng tôi và rằng con chó có lẽ đã chết hoặc bị thương nặng. Tôi rất vui khi thấy con chó của chúng tôi ở phía sau xe---sinh động, khỏe mạnh, và sẵn sàng nhảy ra khỏi xe để vào vòng tay của đứa con trai nhỏ chúng tôi.

Tôi hỏi người nhân viên kiểm soát động vật xem người ấy đã tìm thấy con chó của chúng tôi ở đâu. Ông nói: ″Một điều bất thường nhất xảy ra sáng nay khi tôi ra khỏi nhà. Ở ngay trước nhà tôi, có một con chó đúng y như bà đã mô tả cho tôi trên điện thoại. Con chó đáp ứng khi tôi gọi tên nó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi sẽ mang nó về nhà nó và giúp cho cậu bé của bà yên tâm trước khi cậu ấy đi học.″

Tôi biết rằng Chúa đáp ứng những lời cầu nguyện chân thành, dịu dàng của trẻ thơ. Cha Thiên Thượng muốn trẻ em biết rằng Ngài hiện diện trong cuộc sống còn rất nhỏ của chúng để chúng sẽ tiếp tục tin cậy nơi Ngài khi chúng lớn lên đến tuổi trưởng thành. Vì trẻ em thường có tấm lòng khiêm nhường nên chúng hội đủ điều kiện để nhận được lời hứa của Cha Thiên Thượng như được đưa ra trong sách Giáo Lý và Giao Ước: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi.”8

Trong khi tôi chia sẻ những câu hỏi sau đây mà Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã đặt ra cho một nhóm giống như ở đây các em thì hãy xem xét lòng khiêm nhường của các em và sự chân thành của lời cầu nguyện của các em. “Các em có muốn được hướng dẫn không? Các em có cầu nguyện lên Chúa để được soi dẫn không? Các em có muốn làm điều đúng hay là các em muốn làm điều các em muốn làm cho dù điều đó có đúng hay không? Các em có muốn làm điều tốt nhất cho bản thân mình mà có ý nghĩa lâu dài hay là điều dường như được mong muốn hơn trong một khoảng khắc? Các em đã cầu nguyện chưa? Các em cầu nguyện nhiều bao nhiêu? Các em cầu nguyện như thế nào? Các em có cầu nguyện như Đấng Cứu Rỗi đã làm không ... hoặc các em đã cầu xin điều các em muốn bất kể là nó có thích hợp hay không?”

Rồi Chủ Tịch Kimball nói tiếp: “Các em có cầu nguyện là: ‘Ý Cha được nên’ không? Các em có nói: ‘Thưa Cha Thiên Thượng, nếu Ngài soi dẫn và gây ấn tượng cho con với điều đúng, thì con sẽ làm điều đúng đó không? Các em có nói rằng: ‘Thưa Cha Thiên Thượng, con yêu mến Cha, con tin tưởng vào Cha, con biết Cha là toàn trí. Con chân thật. Con chân thành muốn làm điều đúng. Con biết Cha có thể thấy được sự cuối cùng từ lúc ban đầu. Cha có thể nhìn thấy tương lai. Cha có thể phân biệt trong tình huống này mà con trình bày, nếu con sẽ được bình an hay bất ổn, hạnh phúc hay buồn phiền, thành công hay thất bại. Xin Cha Thiên Thượng yêu mến cho con biết, và con hứa sẽ làm điều Cha phán bảo con phải làm.’ Các em có cầu nguyện theo cách đó không? Các em không nghĩ là điều đó có thể là khôn ngoan sao? Các em có đủ can đảm để dâng lên lời cầu nguyện đó không?”9

Một cách để cầu nguyện chân thành là học cách suy nghĩ những câu hỏi chân thành và thành tâm và khiêm tốn dâng những câu hỏi này lên Chúa. Hãy xem xét những câu hỏi của Joseph Smith: “Bây giờ mình phải làm gì đây? Trong số các giáo phái này, giáo phái nào đúng, hay là tất cả họ đều sai lầm? Nếu có một giáo phái nào đúng, thì đó là giáo phái nào, và làm sao tôi biết được?” 10 Ông đã khôn ngoan tìm đến thánh thư, một nguồn lẽ thật thiêng liêng, làm cho ông ″bất ổn trầm trọng″ và dẫn ông đến “quyết định ‘cầu vấn Thượng Đế,’”11 vì tin rằng lời cầu nguyện của ông sẽ được đáp ứng.

Cầu nguyện chân thành có nghĩa là chúng ta có ý định để hành động theo như đáp ứng mà chúng ta nhận được. Joseph kể lại lời cầu nguyện khẩn thiết của ông trong Khu Rừng Thiêng Liêng: “Mục đích của tôi là đi cầu vấn Chúa để được biết giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng, ngõ hầu tôi có thể biết giáo phái nào để gia nhập.” 12 Rõ ràng là Joseph có ý định hành động theo bất cứ điều gì mà Chúa đã chọn để mặc khải cho ông. Tuy nhiên, trước khi ông đưa ra câu hỏi giản dị của mình, ông đã nhận được nhiều hơn những gì ông đã hy vọng. Ông đã được ban cho đặc ân đáng kể để nhìn thấy Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô! Tôi hân hoan trong sự đáp ứng đầy vinh quang này của thiếu niên tiên tri Joseph Smith cho một ước muốn giản dị nhưng chân thành để biết!

Số 2: Hành động nhanh chóng theo các ấn tượng của Thánh Linh.

Một sự kiện nghiêm trọng từ cuộc đời của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, cho thấy tầm quan trọng thiết yếu trong việc đáp ứng nhanh chóng với các ấn tượng từ Thánh Linh.

[Narrator:] Khi Giám Trợ Monson có kinh nghiệm nhiều hơn trong trách nhiệm của ông, ông đã học được nhiều bài học, trong số đó là tầm quan trọng của việc tuân theo Thánh Linh và tin cậy vào Chúa.

“Một đêm nọ, trong một buổi họp lãnh đạo chức tư tế của giáo khu, ông đã có ấn tượng rõ ràng rằng ông nên rời khỏi buổi họp ngay lập tức và lái xe đến bệnh viện cựu chiến binh ở phía đông bắc Salt Lake City. Trước khi ra khỏi nhà đêm hôm đó, ông đã nhận được một cú điện thoại cho ông biết rằng một tín hữu lớn tuổi trong tiểu giáo khu của ông bị bệnh và đã nhập viện để được chăm sóc. Người gọi điện thoại hỏi có thể nào vị giám trợ dành ra một giây lát để đi đến bệnh viện và ban cho một phước lành hay không? Vị giám trợ trẻ tuổi bận rộn giải thích rằng ông mới vừa trên đường đi tới một buổi họp nhưng chắc chắn ông sẽ đi đến bệnh viện sau đó. Lúc này thì sự thúc giục càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết: ‘Hãy rời buổi họp và đi tới bệnh viện ngay.’

Giám Trợ Monson nhìn lên bục giảng. Chủ tịch giáo khu đang nói chuyện! Ông không thấy bằng cách nào ông có thể đứng lên ở giữa buổi họp trong khi chủ tịch giáo khu đang nói chuyện và đi ngang qua hết một hàng ghế nơi những người đàn ông khác đang ngồi. Một cách miễn cưỡng, ông chờ đợi đến giây phút cuối cùng của sứ điệp của chủ tịch giáo khu rồi đi nhanh ra cửa ngay cả trước khi lời cầu nguyện kết thúc được loan báo. Trong khi chạy nhanh trên hành lang ở tầng thứ tư của bệnh viện, vị giám trợ trẻ tuổi thấy cảnh nhốn nháo ở bên ngoài căn phòng đã được chỉ cho đến.

“Một y tá chặn ông lại và nói: ‘Ông có phải là Giám Trợ Monson không?’

“Ông đáp: ‘Vâng.’”

“Người y tá nói: ‘Tôi rất tiếc. Bệnh nhân đã gọi tên ông ngay trước khi người ấy qua đời.’

“Giám Trợ Monson cố gắng cầm nước mắt và đi trở ra ngoài. Vào giây phút đó, ông hứa rằng ông sẽ luôn luôn hành động theo sự thúc giục của Chúa. Ông sẽ làm theo ấn tượng của Thánh Linh ngay lập tức bất cứ nơi nào ông được hướng dẫn đến.”

[Anh Cả Jeffrey R. Holland:] Không một ai có thể hiểu được Chủ Tịch Thomas S. Monson nếu không hiểu được số lần những loại thúc giục đó của Thánh Linh được lặp lại trong cuộc đời của ông và lòng trung thành tuyệt đối của ông trong việc đáp ứng những thúc giục đó.”13

Số 3: Tra cứu thánh thư hàng ngày.

Anh Cả Robert  D. Hales đã dạy: “Khi muốn thưa chuyện với Thượng Đế, thì chúng ta cầu nguyện. Và khi chúng ta muốn Ngài nói chuyện với chúng ta, thì chúng ta tra cứu thánh thư; vì lời Ngài được nói qua các vị tiên tri.”14

Năm 20 tuổi, tôi đã vật lộn với một quyết định khó khăn và dường như không thể có được một sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình. Một đêm nọ, cha tôi về nhà muộn từ một buổi họp Giáo Hội và thấy ánh đèn trong phòng ngủ của tôi còn sáng. Ông ngồi ở mép giường của tôi và hỏi xem ông có thể giúp đỡ gì được không, vì ông cảm thấy nỗi khó khăn của tôi. Tôi trút hết lòng mình ra với ông. Ông đề nghị tôi nên tìm đến thánh thư để hướng dẫn quyết định của tôi, đưa ra những đoạn cụ thể mà tôi có thể suy ngẫm và cầu nguyện. Tôi làm theo lời khuyên đầy soi dẫn của ông và tra cứu thánh thư. Sau một thời gian và tiếp tục cố gắng hết sức, tôi được ban phước với một câu trả lời rõ ràng cho lời cầu nguyện của tôi. Tôi đã dâng lên ý kiến và quyết định hay nhất của tôi lên Chúa và chân thành cầu xin một sự xác nhận về quyết định đó và cảm thấy một sư bảo đảm thầm lặng, thanh thản và sâu xa trong tâm hồn.

Chúng ta học trong thánh thư rằng các con trai ngay chính của Hê La Man, là Lê Hi và Nê Phi, đã ″nhận được nhiều điều mặc khải mỗi ngày.” 15 Khi nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô trong thánh thư và suy ngẫm những điều mình đọc, thì chúng ta cũng có thể có được mặc khải hàng ngày qua ân tứ Đức Thánh Linh, nhất là khi chúng ta cẩn thận ghi lại những ý nghĩ và cảm tưởng mà chúng ta nhận được.

Số 4: Sống theo luật nhịn ăn.

Muốn gia tăng khả năng của mình để nghe được tiếng nói của Thánh Linh, thì chúng ta nên nhịn ăn trong 24 giờ vào mỗi ngày Chủ Nhật nhịn ăn và tặng một của lễ nhịn ăn rộng rãi để giúp đỡ những người hoạn nạn. Chủ tịch Harold B. Lee khuyên bảo: “Chúa phán với Ê Sai rằng những người chịu nhịn ăn và tặng thức ăn của họ cho người đói, thì có thể kêu cầu và Chúa sẽ đáp: ′Có ta đây.’ [Xin xem Ê Sai 58: 6–9.] Đó là một cách để bắt đầu giao tiếp với Chúa. Hãy thử làm điều đó trong năm nay. Hãy hoàn toàn sống theo luật thập phân.” 16

Trong sách An Ma, chúng ta biết rằng các con trai của Mô Si A ″đã hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn; vậy nên họ có được tinh thần tiên tri và tinh thần mặc khải, và khi giảng dạy, họ đã giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế.”17 Cụm từ ″đã hết lòng″ đó là một cụm từ mà chúng ta cần phải suy ngẫm khi chúng ta đánh giá các nỗ lực của mình để nhịn ăn thực sự.

Số 5: Được xứng đáng và thờ phượng trong đền thờ.

Theo Chủ Tịch George Albert Smith, trích dẫn: “Mỗi người chúng ta được quyền nhận được sự soi dẫn của Chúa tương ứng với cách chúng ta sống một cuộc sống thánh thiện.”18 Xin lưu ý rằng ông đã không nói là chúng ta phải hoàn hảo để nhận được sự soi dẫn. Nhưng chúng ta cần phải nỗ lực để sống xứng đáng.

Hãy ghi nhớ và học hỏi từ tấm gương tiêu cực của những người dân của Vua Lim Hi trong Sách Mặc Môn: “Chúa đã chậm rãi trong việc nghe lời kêu cầu của họ, vì những điều bất chính của họ.”19

Sự xứng đáng dường như là một điều đòi hỏi nhỏ để mở cửa sổ trên trời ra. Khi tuân giữ các giao ước của mình và xứng đáng dự phần Tiệc Thánh, thì chúng ta đã được hứa rằng chúng ta sẽ luôn luôn có Thánh Linh ở cùng chúng ta.20 Nhưng điều đó đến sau khi chúng ta hứa và tuân giữ giao ước rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi! Ngoài ra, việc tập trung và sống xứng đáng để vào đền thờ, và làm như vậy thường xuyên khi hoàn cảnh cho phép, thì cho chúng ta có thể “tấn tới trong [Chúa], và nhận được sự trọn vẹn của Đức Thánh Linh.”21

Số 6: ″Chớ coi thường những gì thiêng liêng.″22

Hãy nhìn nhận rằng sự mặc khải từ Chúa là một trách nhiệm thiêng liêng. Anh Cả Richard G. Scott dạy rằng: “việc ghi lại kỹ sự soi dẫn đó cho Thượng Đế thấy rằng những sự giao tiếp của Ngài đều thiêng liêng đối với chúng ta. Việc ghi lại những điều đó … cần phải được bảo vệ không để bị mất mát hay bị người khác xâm phạm.”23

Một nhân chứng thứ hai về điều giảng dạy đó đến từ kinh nghiệm của Chủ tịch Harold B. Lee, ông đã nói: “Đôi khi trong lúc nửa đêm tôi thức giấc và không thể ngủ lại được cho đến khi tôi ra khỏi giường và ghi xuống giấy điều mà tôi đã trăn trở. Nhưng phải cần có rất nhiều can đảm để hành động khi được hướng dẫn như là một sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện.”24

Số 7: Hãy sẵn sàng để tiến bước trong đức tin.

Khi vợ chồng tôi đính hôn, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận dài về tương lai của chúng tôi với nhau. Chúng tôi nên làm gì về việc học hành? Chúng tôi nên có con vào lúc nào? Sự nghiệp nào sẽ cung cấp cho nhu cầu của gia đình chúng tôi và cho phép chúng tôi phục vụ trong Giáo Hội? Vì chúng tôi tin tưởng vào lời khuyên dạy của một vị tiên tri tại thế đã dạy rằng chúng ta có thể có con trong khi đang còn đi học và làm việc, thì chúng tôi đã tiến bước trong đức tin.

Điều đó không phải là dễ dàng. Cuối cùng, chồng tôi đã làm ba công việc bán thời gian trong khi anh đang đi học để cho phép tôi bắt đầu sự nghiệp mới của tôi với tư cách là một người mẹ và người chăm sóc. Hướng đi đó hoàn toàn trái ngược với lý lẽ của thế gian, ngay cả vào thời điểm đó. Khi nhìn lại, bây giờ chúng tôi thấy việc làm những bước đó theo đức tin đã mang đến các phước lành vĩnh cửu, các phước lành mà chúng tôi có thể không nhận được nếu chúng tôi không lưu tâm đến tiếng nói của Thánh Linh qua vị tiên tri đã được Chúa lựa chọn.

Để minh họa thêm, hãy xem xét kinh nghiệm của Anh Cả Robert D. Hales. Ông được chỉ định làm người bạn đồng hành ít thâm niên hơn của Chủ Tịch Ezra Taft Benson tại một buổi họp giáo khu trong đó một chủ tịch giáo khu mới đã được kêu gọi. Ông kể lại những lời sau đây: ″Sau khi cầu nguyện, phỏng vấn, xem xét kỹ và cầu nguyện một lần nữa, Anh Cả Benson hỏi tôi có biết ai sẽ là chủ tịch mới không. Tôi nói rằng tôi chưa nhận được sự soi dẫn đó. Ông nhìn tôi rất lâu và nói rằng ông cũng chưa nhận được. Tuy nhiên, chúng tôi đã được soi dẫn để yêu cầu ba người nắm giữ chức tư tế xứng đáng để nói chuyện trong phiên họp của đại hội vào tối thứ Bảy. Một lúc sau khi người nói chuyện thứ ba bắt đầu, thì Thánh Linh thúc giục tôi rằng người ấy phải là chủ tịch giáo khu mới. Tôi nhìn qua Chủ Tịch Benson và thấy nước mắt chảy dài trên mặt ông. Sự mặc khải đã được ban cho cả hai chúng tôi---nhưng chỉ bằng cách tiếp tục tìm kiếm ý muốn của Cha Thiên Thượng trong khi chúng tôi tiến bước trong đức tin.”25

Số  8: Hãy để Chúa quyết định các chi tiết về điều Ngài chọn để mặc khải và khi nào Ngài chọn để mặc khải điều đó.

Lời nhận xét của tác giả Corrie Ten Boom dường như áp dụng ở đây: “Mỗi kinh nghiệm Thượng Đế ban cho chúng ta, mỗi người Ngài đặt vào trong cuộc sống của chúng ta, là sự chuẩn bị hoàn hảo cho một tương lai mà chỉ có Ngài mới có thể thấy được.”26

Có lẽ một số các em cũng đã có một kinh nghiệm tương tự như sáu đứa con của chúng tôi khi chúng tìm kiếm người bạn đời vĩnh cửu xứng đáng. Về sau, khi các quyết định cho thấy là đã đúng, giờ đây chúng có thể nhận thức rằng mỗi đứa cần phải có một số kinh nghiệm nào đó để có thể nhận ra bàn tay của Chúa dẫn dắt đến với người bạn đời vĩnh cửu của chúng. Một số kinh nghiệm đó đã đòi hỏi nhiều năm kiên nhẫn chờ đợi và tiến bước trong đức tin. Đôi khi, dường như chúng không nhận được sự đáp ứng nào cả trong khi chúng cầu nguyện. Khi kỳ định của Chúa xung đột với ước muốn của chúng ta, thì sự tin tưởng rằng Chúa có thể cần chúng ta có một số kinh nghiệm dự bị trước khi những lời cầu nguyện của chúng ta được đáp ứng.

Anh Cả Dallin H. Oaks dạy:

“Chúng ta nên nhìn nhận rằng Chúa sẽ phán bảo với chúng ta qua Thánh Linh theo kỳ định và theo cách thức riêng của Ngài. Nhiều người không hiểu nguyên tắc này. Họ tin rằng khi nào họ sẵn sàng và khi nào tiện lợi cho họ, thì họ có thể kêu cầu Chúa và Ngài sẽ lập tức đáp ứng, ngay cả theo cách chính xác như họ mong muốn. Sự mặc khải không đến theo cách đó.  …

“… Chúng ta không thể ép buộc những sự việc thuộc linh.”27

Cách đây khoảng 15 năm, mẹ tôi trở nên mù. Bà đã vật lộn với thử thách gay go này trong nhiều tháng. Bà tìm thấy sự an ủi khi bà cầu nguyện khẩn thiết để hiểu trong một bài thơ giản dị mà đã trở thành một bài thơ ưa thích. Gần đây bài thơ này đã được Chủ Tịch Monson trích dẫn.

Tôi không biết bằng cách nào

Nhưng tôi biết Thượng Đế đáp ứng lời cầu nguyện.

Tôi biết Ngài đã phán bảo cho tôi biết

Là Ngài luôn nghe thấu lời cầu nguyện đó

Và sớm muộn gì cũng sẽ được đáp ứng,

Vì vậy tôi cầu nguyện và bình tĩnh chờ đợi.

Tôi không biết các phước lành tôi đang tìm kiếm

Sẽ đến theo như tôi nghĩ,

Nhưng tôi chỉ cầu nguyện lên Ngài mà thôi

Vì ý muốn của Ngài khôn ngoan hơn ý muốn của tôi,

Và tôi chắc chắn rằng Ngài sẽ đáp ứng lời cầu xin của tôi

Hoặc gửi tới đáp ứng để làm một phước lành lớn lao cho tôi.28

Giống như đa số chúng ta, mẹ tôi vẫn đang tìm cách đặt sự tin cậy của bà vào ý muốn của Ngài và kỳ định của Ngài. Khi làm như vậy, chúng ta nên ghi nhớ lời dạy này từ Anh Cả Richard G. Scott: ″Các anh chị em làm gì khi các anh chị em đã chuẩn bị kỹ, đã cầu nguyện khẩn thiết, đã chờ một thời gian hợp lý cho sự đáp ứng mà vẫn không cảm nhận được sự đáp ứng nào cả? Các anh chị em có thể muốn bày tỏ lòng cảm tạ khi điều đó xảy ra, vì đó là một bằng chứng về sự tin cậy nơi [Cha Thiên Thượng]. Khi các anh chị em sống một cách xứng đáng và sự chọn lựa của các anh chị em phù hợp với những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi và các anh chị em cần phải hành động, thì hãy tiến hành với sự tin tưởng. Khi các anh chị em bén nhạy với những thúc giục của Thánh Linh thì một trong hai điều chắc chắn sẽ xảy ra vào lúc thích hợp: hoặc là tâm trí như tê dại sẽ đến, cho thấy đó là một sự chọn lựa không đúng, hoặc sẽ cảm thấy bình an hay hừng hực trong lòng xác nhận rằng sự chọn lựa của các anh chị em là đúng. Khi các anh chị em sống ngay chính và hành động với sự tin tưởng, thì Thượng Đế sẽ không để cho các anh chị em tiến hành quá xa mà không ban cho một ấn tượng cảnh giác nếu các anh chị em đã chọn quyết định sai..”29

Tiếng nói cảnh báo đó của Thánh Linh thường đến qua tiếng nói của các tôi tớ đã được Chúa chọn, điều này đưa chúng ta đến điểm tiếp theo.

Số 9: Hãy lưu ý đến những lời cảnh báo của vị tiên tri.

Hãy xem xét kỹ một vài lời cảnh báo của vị tiên tri đưa ra trong thời kỳ của chúng ta. Trước hết, là một vài câu trích dẫn của Chủ Tịch Boyd K. Packer.

″Giờ đây là một lời cảnh báo! Một số loại âm nhạc rất tai hại cho phần thuộc linh. ... Nhịp điệu, âm thanh, và lối sống của những người trình diễn loại nhạc đó đẩy lùi Thánh Linh. Điều đó nguy hiểm nhiều hơn các em có thể nghĩ, vì điều đó có thể làm cho rất khó để cảm nhận Thánh Linh.”

Một lời cảnh báo khác:

“Có thể có những điều mặc khải giả mạo, những thúc giục từ quỷ dữ, những cám dỗ! …

Nếu các em có bao giờ nhận được một sự thúc giục để làm một điều gì đó làm cho các em cảm thấy khó chịu, thì một điều gì đó mà các em biết trong tâm trí của mình là sai và trái với các nguyên tắc của sự ngay chính, thì hãy đừng nghe!”

Và đây là một lời cánh báo nữa: ″Nếu một người hay chê bai và nuôi dưỡng những cảm nghĩ tiêu cực, thì Thánh Linh sẽ rút lui.” 30

Vị tiên tri yêu quý của chúng ta, Chủ Tịch Monson, đã cất cao tiếng nói cảnh báo khi ông nói: “Hãy cảnh giác trước bất cứ điều gì mà sẽ cướp đoạt khỏi các em các phước lành vĩnh cửu.”31

Tại sao chúng ta phải hòa hợp tâm hồn mình với tiếng nói của Thánh Linh? Các phước lành nào sẽ đến khi chúng ta làm như vậy?

Tôi vừa trở về từ Philippines, nơi đó tôi đã thấy hậu quả của trận bão Haiyan. Tôi đã nghe những kinh nghiệm của các anh chị em yêu quý của chúng ta ở Philippines khi họ làm chứng về việc được Thánh Linh hướng dẫn chính vào lúc hoạn nạn đó để họ biết phải làm gì và đi đâu. Tôi nghe họ nói về việc tiến bước trong đức tin khi con đường đôi khi không được rõ ràng. Tôi nghe những câu chuyện về những người truyền giáo trẻ tuổi của chúng ta, các chị truyền giáo lẫn các anh cả, tuân theo những thúc giục mà dẫn họ đến chỗ an toàn ở giữa các tình huống rất khó khăn. Tôi biết ơn biết bao về “một ân tứ Đức Thánh Linh không xiết kể,”32 mà cảnh báo, chỉ dẫn, an ủi, và hướng dẫn những người tìm cách sống xứng đáng.

Trong số tất cả các ân tứ mà Cha Thiên Thượng đã có thể chọn để ban cho các con trai và con gái của Ngài khi chúng ta ra khỏi nước báp têm, Ngài đã chọn để ban cho chúng ta ân tứ Đức Thánh Linh.

″Đức Thánh Linh hoạt động trong sự hiệp nhất hoàn hảo với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. …

Ngài ‘làm chứng cho Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con’(2 Nê Phi 31:18) và mặc khải cùng giảng dạy ‘lẽ thật của tất cả mọi điều’(Mô Rô Ni 10:5). Chúng ta có thể nhận được một bằng chứng chắc chắn về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô chỉ qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Sự truyền đạt của Ngài với linh hồn chúng ta chứa đựng nhiều điều chắc chắn hơn so với bất kỳ sự truyền đạt nào chúng ta có thể nhận được qua các giác quan tự nhiên của mình.”33

Các em thân mến, như các em cũng đã biết, tòa nhà rộng lớn vĩ đại đầy những người nhạo báng, chế giễu và lấy tay chỉ trỏ khinh miệt đều đang ở xung quanh chúng ta. Tiếng nói của thế gian rất to, không ngừng, có sức thuyết phục, và dai dẳng. Trừ khi chúng ta học cách hòa hợp tâm hồn mình với tiếng nói của Thánh Linh và làm cho khả năng của chúng ta để tìm kiếm, tiếp nhận, và hành động theo mặc khải cá nhân được hoàn chỉnh, nếu không, thì chúng ta đang ở trên một nền móng dao động. Chúng ta cần tiếng nói của Thánh Linh để hướng dẫn chúng ta xa khỏi tất cả những gì bẩn thỉu, rồ dại, thô tục, bạo lực, ích kỷ, và tội lỗi. Chúng ta cần Đức Thánh Linh không chỉ để dẫn dắt chúng ta đến tất cả mọi điều “đạo đức, đáng yêu chuộng, có tiếng tốt và đáng khen”34 mà còn giúp chúng ta trau dồi một ước muốn đối với những điều đó để chống lại sự lôi kéo của thế gian.

Một trong các phước lành tốt nhất chúng ta có thể nhận được khi chúng ta học cách nghe tiếng nói của Thánh Linh là khả năng tự thấy bản thân như Cha Thiên Thượng thấy chúng và, “từ từ, từng bước một,” trở thành con người tốt nhất của mình.

Hãy suy nghĩ về lời trích dẫn tuyệt vời này của một Vị Sứ Đồ ngày sau: “Ân tứ của Đức Thánh Linh ... thúc đẩy tất cả những khả năng trí tuệ, gia tăng, phóng đại, mở rộng và làm thanh sạch tất cả những đam mê và tình cảm thiên nhiên; và qua ân tứ của sự thông sáng, thích nghi chúng với việc sử dụng chúng một cách hợp pháp. Ân tứ này soi dẫn, phát triển, nuôi dưỡng và làm hoàn thiện tất cả các mối thiện cảm, niềm vui, sở thích, cảm xúc tương tự, và tình cảm tự nhiên tốt đẹp và lợi ích của chúng ta. Ân tứ này soi dẫn đức hạnh, lòng nhân từ, lòng thiện lành, tính nhân hậu, sự dịu dàng, và lòng bác ái. Ân tứ này phát triển vẻ đẹp, hình dáng và tính năng của con người. Ân tứ này góp phần vào sức khỏe, sức sống, sinh khí, và cảm nghĩ xã giao. Ân tứ này tiếp thêm sinh lực cho mọi khả năng thể chất và trí tuệ của con người. Ân tứ này củng cố, và làm cho hệ thần kinh rắn chắc hơn. Nói tóm lại, ân tứ đó hiện và đã cung cấp điều thiết yếu nhất và mang đến niềm vui cho chúng ta.″35

Điều Đức Thánh Linh có thể làm cho chúng ta về mặt thể chất, thuộc linh, tình cảm, tinh thần và trí tuệ điều mà không có liều thuốc chữa trị nhân tạo nào có thể bắt chước được.

Các em sẽ không đồng ý rằng việc sống xứng đáng với các phước lành đó là đáng bõ công, ngay cả khi việc này đòi hỏi một sự hy sinh đáng kể sao? Đó là “ổ bánh” chúng ta nhận được vì nỗ lực “lớp vỏ bánh” chúng ta đã bỏ ra. Tôi xin mời tất cả chúng ta hãy bắt đầu từ buổi tối hôm nay để hòa lòng của chúng ta với tiếng nói của Đức Thánh Linh.

Không phải là ngẫu nhiên mà Chúa đã dựng lên Chủ Tịch Thomas  S. Monson là vị tiên tri tại thế của Ngài để hướng dẫn chúng ta trong những ngày sau. Chủ Tịch Monson là một trong những người đã học cách nghe và đáp ứng những thúc giục của Thánh Linh. Chúng ta cũng nên noi theo tấm gương của ông. Tôi làm chứng rằng ông là người phát ngôn của Chúa trong thời kỳ của chúng ta.

Tôi cũng làm chứng rằng Cha Thiên Thượng muốn chúng ta quay trở lại nơi hiện diện của Ngài và đã cung ứng các phương tiện cho chúng ta để làm như vậy bằng cách ban cho Con Trai Độc Sinh của Ngài và ân tứ Đức Thánh Linh. Tôi làm chứng rằng mọi nỗ lực trong phần vụ của chúng ta để đạt được và giữ lại ân tứ không kể xiết đó thật là đáng bõ công, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

© 2014 by Intellectual Reserve, Inc. All rights reserved. English approval: 1/14. Translation approval: 1/14. Translation of Tuning Our Hearts to the Voice of the Spirit. Vietnamese. PD10050686 435

Ghi Chú

  1. Melvin J. Ballard, trong Henry B. Eyring, “Opportunities to Do Good,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2011, 25.

  2. 3 Nê Phi 9:20.

  3. Xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), 89–102.

  4. An Ma 5:26.

  5. Mô Rô Ni 7:16–17.

  6. Teachings of Gordon B. Hinckley (1997), 261.

  7. Jeffrey R. Holland, “Wrong Roads,” Mormon Messages video; lds.org/media-library/video.

  8. GLGƯ 112:10; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  9. Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball (2006), 246–47.

  10. Joseph Smith—Lịch Sử 1:10.

  11. Joseph Smith—Lịch Sử 1:8, 13.

  12. Joseph Smith—Lịch Sử 1:18.

  13. Trích từ On the Lord’s Errand: The Life of Thomas S. Monson; lds.org/media-library/video.

  14. Robert D. Hales, “Holy Scriptures: The Power of God unto Our Salvation,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 26–27.

  15. Hê La Man 11:23.

  16. Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee (2000), 54–55.

  17. An Ma 17:3; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  18. Teachings of Presidents of the Church: George Albert Smith (2011), 117.

  19. Mô Si A 21:15.

  20. Xin xem Mô Rô Ni 4:3.

  21. GLGƯ 109:15; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  22. GLGƯ 6:12.

  23. Richard G. Scott, “How to Obtain Revelation and Inspiration for Your Personal Life,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2012, 46.

  24. Teachings: Harold B. Lee, 54.

  25. Robert D. Hales, “Personal Revelation: The Teachings and Examples of the Prophets,” Ensign hoặc Liahona,tháng Mười Một năm 2007, 87–88.

  26. Corrie ten Boom, với Elizabeth and John Sherrill, The Hiding Place, kỷ niệm 35 năm xuất bản (2006), 12.

  27. Dallin H. Oaks, “In His Own Time, in His Own Way,” Ensign, tháng Tám năm 2013, 22, 24.

  28. Eliza M. Hickok, “Prayer,” trong James Gilchrist Lawson, bản thảo, The Best Loved Religious Poems, Gleaned from Many Sources (1933), 160.

  29. Richard G. Scott, “Using the Supernal Gift of Prayer,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 10.

  30. Boyd K. Packer, “Personal Revelation: The Gift, the Test, and the Promise,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 61.

  31. Thomas S. Monson, “May You Have Courage,” Ensign hoặc Liahona, Tháng Năm năm 2009, 125.

  32. GLGƯ 121:26.

  33. Các Đề Tài Phúc Âm, “Holy Ghost”; LDS.org.

  34. Các Tín Điều 1:13.

  35. Parley P. Pratt, Key to the Science of Theology, xuất bản lần thứ 5 (2000), 101–2.