Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional năm 2016
Lẽ Thật Được Phục Hồi


Lẽ Thật Được Phục Hồi

Một Buổi Họp Tối với Anh Cả Richard J. Maynes

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu Dành Cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 1 tháng Năm năm 2016 • Đại Thính Đường Salt Lake

Các em thân mến, tôi thích nghe câu chuyện cải đạo của Nancy, vợ tôi, và Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith và Sách Mặc Môn đã ảnh hưởng đến chứng ngôn ban đầu và sự cải đạo của bà biết bao. Tôi luôn biết ơn cơ hội được đóng vai trò của người truyền giáo trong việc giới thiệu bà với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vài năm sau khi trở về từ công việc truyền giáo toàn thời gian của tôi. Như các em có thể tưởng tượng, tôi rất vui mừng trước mọi điều đã thuận lợi cho cả hai chúng tôi như thế nào. Giáo Hội và cuộc sống gia đình của chúng tôi là quan trọng tột bậc đối với chúng tôi.

Tôi chân thành biết ơn sự chỉ định này từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để ngỏ lời cùng các em buổi tối hôm nay. Tôi cảm thấy là điều quan trọng cho các em để biết rằng tôi đã cảm nhận được ảnh hưởng và sự thúc giục của Đức Thánh Linh trong khi chuẩn bị sứ điệp này và hy vọng rằng điều được chia sẻ sẽ mang đến lợi ích tinh thần cho các em.

Sự Phục Hồi của phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau đã được các vị tiên tri thấy và đoán trước trong suốt lịch sử. Do đó, Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không đến như là một sự bất ngờ cho những người nghiên cứu thánh thư. Đã có hàng chục lời tiên tri trong khắp Kinh Cựu Ước, Tân Ước, và Sách Mặc Môn mà tiên đoán rõ ràng và chỉ về Sự Phục Hồi phúc âm. Các ví dụ từ Kinh Cựu Ước được tìm thấy trong Phục Truyền Luật Lệ Ký,1 Ê Sai,2 Giê Rê Mi,3 Ê Xê Chi Ên,4 Đa Ni Ên,5 A Mốt6, và Ma La Chi.7 Các ví dụ từ Kinh Tân Ước được tìm thấy trong các sách Ma Thi Ơ,8 Mác,9 Công Vụ Các Sứ Đồ,10 Rô Ma,11 Ê Phê Sô,12 2 Tê Sa Lô Ni Ca,13 và Khải Huyền.14 Nhiều lời tiên tri khác chỉ về sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được tìm thấy trong khắp Sách Mặc Môn. Các ví dụ được tìm thấy trong 1 Nê Phi,15 2 Nê Phi,16 Gia Cốp,17 và 3 Nê Phi.18

Một trong những ví dụ ưa thích của tôi về những lời tiên tri này liên quan đến Sự Phục Hồi đến từ sách Đa Ni Ên trong Kinh Cựu Ước. Vua Nê Bu Cát Nết Sa ở Ba Bi Lôn bao vây và xâm chiếm Giê Ru Sa Lem khoảng năm 586 Trước Công Nguyên. Sau khi xâm chiếm Giu Đa, Vua Nê Bu Cát Nết Sa ra lệnh cho một trong số những người trưởng hoạn quan của vua quy tụ một số con cái Y Sơ Ra Ên lại để phục vụ trong cung điện của vua với tư cách là các cố vấn. Nhà vua nói rằng nhóm chọn lọc này cần phải được “tập mọi sự khôn ngoan, biết cách trí, đủ sự thông hiểu khoa học, có thể đứng chầu trong cung vua.”19

Đa Ni Ên, Ha Na Nia, Mi Sa Ên, và A Xa Ria thuộc vào nhóm chọn lọc này. Các em có thể nhớ rằng trong khi bị giam cầm, các thanh niên này đã được đặt cho tên mới theo người Ba Bi Lôn là Bên Tơ Xát Sa; Sa Đơ Rắc; Mê Sác; và A Bết Nê Gô để nhồi sọ văn hóa Ba Bi Lôn cho những người này.

Vua Nê Bu Cát Nết Sa tìm dịp để tham khảo ý kiến với bốn thanh niên người Giu Đa này. Thánh thư cho chúng ta biết rằng “khi vua hỏi họ những câu hỏi về mọi sự khôn ngoan sáng suốt, thì thấy họ giỏi hơn gấp mười những đồng bóng và thuật sĩ trong cả nước mình.”20

Một đêm nọ, trong khi ngủ, nhà vua nằm mơ. Nhà vua lo lắng về giấc mơ đó và muốn biết ý nghĩa của giấc mơ đó. Nhà vua quyết định trắc nghiệm các cố vấn của mình bằng cách đưa ra một lời yêu cầu rất khác thường. Vua tụ họp những người đồng bóng, chiêm tinh và phù thủy của mình lại và ra lệnh cho họ trước hết phải nói cho vua biết về giấc mơ của vua và sau đó giải thích giấc mơ đó. Nhà vua khá nghiêm túc về lời yêu cầu của mình. Vua Nê Bu Cát Nết Sa nói với họ: “Nếu các ngươi không nói cho ta biết chiêm bao đó thể nào và lời giải nó làm sao, thì các ngươi sẽ bị phân thây.”21

Khi những người thông thái của nhà vua không thể nói cho vua biết về giấc mơ của vua, và do đó, rõ ràng là không thể giải thích giấc mơ đó thì nhà vua trở nên vô cùng tức giận và ra lệnh rằng tất cả những người thông thái của Ba Bi Lôn phải bị giết chết, kể cả Đa Ni Ên và những người bạn của ông. Tuy nhiên, Đa Ni Ên đã có thể sắp xếp một cuộc yết kiến nhà vua và thuyết phục nhà vua cho ông một thời gian và ông sẽ giải thích giấc mơ của nhà vua.

Đa Ni Ên trở về nhà và chia sẻ tin tức với những người bạn của mình. Họ cầu khẩn Chúa mặc khải về giấc mơ bí mật của nhà vua để họ và những người thông thái khác của Ba Bi Lôn sẽ không bị giết chết. Thánh thư chia sẻ kết quả của lời khẩn cầu đó như sau: “Vậy sự kín nhiệm được tỏ ra cho Đa Ni Ên trong sự hiện thấy ban đêm; Đa Ni Ên bèn ngợi khen Chúa trên trời.”22

Sau khi ngợi khen và tạ ơn Thượng Đế, Đa Ni Ên đã tìm đến A Ri Ốc, quan thị vệ của vua, và nói với ông: “Đừng diệt những bác sĩ của Ba Bi Lôn; nhưng hãy đưa tôi vào trước mặt vua, thì tôi sẽ giải nghĩa điềm chiêm bao cho vua.”23

A Ri Ốc vội vàng dẫn Đa Ni Ên đến trước mặt vua, và tâu cùng vua: “Tôi đã tìm thấy một người trong những con cái Giu Đa bị bắt làm phu tù, người ấy sẽ cho vua biết sự giải nghĩa đó.”24

Khi Đa Ni Ên được dẫn đến trước nhà vua, thì nhà vua hỏi Đa Ni Ên câu hỏi này: “Quả thật rằng ngươi có thể tỏ cho ta biết điềm chiêm bao ta đã thấy, và lời giải nó chăng?”25

Đa Ni Ên đáp:

“Sự kín nhiệm mà vua đã đòi, thì những bác sĩ, thuật sĩ, đồng bóng, thầy bói đều không có thể tỏ cho vua được;

“Nhưng có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những điều kín nhiệm; và đã cho vua Nê Bu Cát Nết Sa biết điều sẽ tới trong những ngày sau rốt. Vậy, chiêm bao của vua và các sự hiện thấy của đầu vua đã thấy trên giường mình là như vầy.”26

Rồi Đa Ni Ên tiết lộ giấc mơ cho Vua Nê Bu Cát Nết Sa nghe. Ông nói:

“Hỡi vua, vua nhìn xem, và nầy, có một pho tượng lớn. Pho tượng đó to lớn và rực rỡ lạ thường; đứng trước mặt vua, và hình dạng dữ tợn.

“Đầu pho tượng nầy bằng vàng ròng; ngực và cánh tay bằng bạc; bụng và vế bằng đồng;

“Ống chân bằng sắt; và bàn chân thì một phần bằng sắt một phần bằng đất sét.

“Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan nát.

“Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan nát cả; trở nên như rơm rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; nhưng hòn đã đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất.”27

Sau khi kể lại nội dung của giấc mơ cho Vua Nê Bu Cát Nết Sa nghe, Đa Ni Ên tiếp tục chia sẻ lời giải thích về giấc mơ với nhà vua. Đa Ni Ên nói:

“Hỡi vua, vua là vua các vua, vì Chúa trên trời đã ban nước, quyền, sức mạnh, và sự vinh hiển cho vua.

“Ngài đã trao trong tay vua những con cái loài người, những thú đồng và chim trời, dầu chúng nó ở nơi nào, Ngài cũng đã làm cho vua được cai trị hết thảy; vậy vua là cái đầu bằng vàng.”28

Đa Ni Ên tiếp tục giải thích cho nhà vua nghe về các vương quốc khác nhau mà sẽ tiếp nối vương quốc của nhà vua, được tượng trưng bằng ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và vế bằng đồng, ống chân bằng sắt, bàn chân một phần bằng sắt và một phần bằng đất sét.

Bây giờ là đến lời tiên tri về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và sự thiết lập vương quốc của Thượng Đế trong những ngày sau cùng. Đa Ni Ên nói:

“Trong đời các vua nầy [ám chỉ những ngày sau cùng], Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời;

“Theo như vua đã xem thấy hòn đá đục ra từ núi, chẳng phải bởi tay, đã đập vỡ sắt, đồng, đất sét, bạc, và vàng. Đức Chúa Trời lớn đã cho vua biết sự sau nầy sẽ đến. Điềm chiêm bao nầy là thật, và lời giải nó là chắc chắn .”29

Các em thân mến, Sự Phục Hồi và sự phát triển tiếp theo của Giáo Hội và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày cuối cùng này là sự khởi đầu của việc ứng nghiệm lời tiên tri rất chi tiết này đã được Đa Ni Ên vị tiên tri thời xưa chia sẻ.

Giờ đây tôi sẽ nói về điều đã xảy ra khoảng 2.400 năm sau thời vua Nê Bu Cát Nết Sa trị vì đến thời điểm ngay trước khi xảy ra Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi xin được chia sẻ với các em một số bối cảnh lịch sử dẫn đến Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith.

Asael Smith, ông nội của Joseph Smith, gia nhập quân đội Hoa Kỳ trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng và tận mắt chứng kiến sự ra đời của một quốc gia mới.

Joseph Sr. và Lucy Mack, cha mẹ của Joseph Smith vẫn còn nhỏ khi Bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ được phê chuẩn vào năm 1788, kể cả Bản Tu Chính Thứ Nhất vào năm 1791, mà bảo đảm rằng chính phủ sẽ không kiểm soát tôn giáo và tôn giáo sẽ không kiểm soát chính phủ.

Do đó, tôn giáo ở Hoa Kỳ đã không còn giữ độc quyền, và không có tôn giáo cụ thể nào được nhà nước hỗ trợ nên mọi người dân Mỹ được tự do chọn theo bất cứ tôn giáo nào hoặc không theo tôn giáo nào cả.

Về sau, Asael Smith hân hoan trước quyền tự do tôn giáo trong một quốc gia mới. Asael Smith sau đó vui mừng qua việc tự do tôn giáo tại các quốc gia mới. Ông nói, "[Thượng Đế] đã tiến hành với." Ông nói: “[Thượng Đế] đã hướng dẫn chúng ta qua một cuộc cách mạng vẻ vang và đã mang lại cho chúng ta một tình trạng bình an và tự do lý tưởng.”30

“Ngay sau cuộc Cách Mạng Mỹ, những thay đổi trong giao thông, thông tin liên lạc, và công nghiệp đã giúp tạo ra một nền văn hóa cộng hòa trong quốc gia mới. Các ngân hàng được thành lập để tài trợ cho doanh nghiệp mới trong nền kinh tế thị trường tự do mở rộng.

Cùng với những thay đổi trong xã hội và văn hóa Hoa Kỳ, một loạt các thập niên dài của những thời kỳ phục hưng tôn giáo bắt đầu vào cuối thập niên 1790, được các sử gia gọi là Thời Kỳ Đại Tỉnh Thức Thứ Hai. Những thời kỳ phục hưng này gồm có các buổi họp trại ngoài trời, những bài thuyết giảng nhiệt tình và đầy tình cảm, cùng những sự cải đạo của số đông người. Các giáo hội hưởng lợi nhiều nhất từ Thời Kỳ Đại Tỉnh Thức Thứ Hai là các giáo hội Báp Tít và Methodist, mà đã bác bỏ giáo lý phổ biến của đạo Calvin về sự tiền định đã được giảng dạy trong các giáo hội Tin Lành vào thời điểm đó. Những người theo đạo Calvin cho rằng Thượng Đế là một Đấng tối cao có toàn quyền quyết định đã bí mật định đoạt trước những người nam và người nữ để được cứu rỗi. Đối với những người theo đạo Calvin, vì Sự Sa Ngã nên những người nam và người nữ là những người phạm tội hoàn toàn suy đồi và không có khả năng chọn sự cứu rỗi qua Đấng Ky Tô.

Tuy nhiên, trong Thời Kỳ Đại Tỉnh Thức Thứ Hai, Giáo Hội Báp Tít và Methodist thuyết giảng về một Thượng Đế nhân từ và nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân có thể lựa chọn sự cứu rỗi. Quan điểm này về sự cứu rỗi cá nhân xuất phát đến một mức độ lớn từ thần học Arminian, hoặc các giáo lý của nhà thần học người Hà Lan là Jacobus Arminius. Arminius, và về sau những người lãnh đạo tôn giáo ở Hoa Kỳ đã tin rằng ân điển của Thượng Đế ban cho cá nhân khả năng lựa chọn Đấng Ky Tô và rằng Ngài là Đấng có quyền năng cứu rỗi tất cả những người đã chọn để được cứu rỗi.31

Chính là qua những quan điểm trái ngược về sự cứu rỗi này mà gia đình của Joseph Smith đã cố gắng hiểu cách nào và nơi nào để tin vào một tôn giáo. Cuối cùng, ông nội Asael và cha Joseph Sr. của Joseph Smith đã đồng ý với quan điểm của đạo Arminian về một Thượng Đế nhân từ và rộng lượng. Về sau, Asael Smith đã viết: “Chúa Giê Su Ky Tô có thể cứu tất cả mọi người cũng như bất cứ người nào.”32 Asael và Joseph Sr. tự nhận mình là những người tin rằng Thượng Đế là Cha của tất cả nhân loại và cuối cùng sẽ cứu chuộc mọi người không trừ một ai---về cơ bản là trái ngược với quan điểm của phái Calvin rằng sự cứu rỗi chỉ được dành cho những người đã được Thượng Đế chọn.

Tôn giáo của Lucy Mack chưa được biết đến cho tới năm 1802, khi bà lâm bệnh nặng và bà đã hứa với Thượng Đế rằng bà sẽ hết sức phục vụ Ngài nếu mạng sống của bà được cứu. Sau khi lành bệnh, Lucy Mack đã viết: “Tôi không nói nhiều về tôn giáo mặc dù tôi thường xuyên nghĩ về tôn giáo.”33 Joseph Sr. và Lucy Mack cuối cùng dọn nhà từ thị trấn này đến thị trấn khác để tìm kiếm sự cứu rỗi cho phần vật chất lẫn thuộc linh.

Trong thời gian chưa ổn định này của việc dọn nhà từ thị trấn này đến thị trấn khác, Joseph Smith Jr. sinh ra ở Sharon, Vermont, vào ngày 23 tháng Mười Hai năm 1805. Cuối cùng, gia đình Smith định cư ở Palmyra, New York, rồi sau đó dọn đến gần Manchester. Gia đình Smith đã thấy một quang cảnh tôn giáo giao động rộn rịp gần căn nhà mới của họ. Giáo hội Báp Tít, Presbyterian và Methodist đều trải qua sự tăng trưởng đáng kể trong khu vực giữa năm 1816 và năm 1821, dẫn đến sự hình thành một giáo đoàn Presbyterian mới, việc xây cất một nhà hội Methodist mới, và sự cải đạo của hàng trăm người nam và người nữ.

Lucy Mack đã thử tìm hiểu Giáo Hội Presbyterian, nhưng bà nói: “tất cả đều rỗng tuếch.” Sau đó, bà đã thử tìm hiểu Giáo Hội Methodist, nhưng Joseph Sr. can ngăn bà tiếp tục, vì ông và cha ông là Asael, không tin vào các giáo lý mà các giáo hội đó đã giảng dạy. Mặc dù gia đình Smith không gia nhập Giáo Hội nào nhưng họ vẫn cố gắng giảng dạy cho con cái của họ các nguyên tắc của Ky Tô giáo trong nhà, kể cả việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện riêng.34

Khi còn nhỏ, Joseph Smith Jr. tham dự với gia đình mình vài buổi họp tôn giáo phục hưng. Ông chịu ảnh hưởng nhiều bởi những lời giảng dạy và những cuộc thảo luận của cha ông, là người đã tìm kiếm và không thể tìm thấy trong các giáo phái phục hưng bất cứ tổ chức nào giống như tổ chức thời xưa của Chúa Giê Su Ky Tô và các Sứ Đồ của Ngài. Joseph thường lắng nghe và suy ngẫm trong lúc gia đình nghiên cứu Kinh Thánh. Lúc 12 tuổi, ông bắt đầu lo lắng về những tội lỗi của mình và sự an lạc của linh hồn bất diệt của ông, mà dẫn ông đến việc tự mình tra cứu thánh thư.

Khi Joseph Jr. được 14 tuổi, ông ghi lại:

“Nhân một hôm tôi đọc Bức Thư của Gia Cơ, chương nhất câu năm có viết rằng: Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan,hãy cầu xin Thượng Đế, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi,không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.

“Thật chưa có một đoạn thánh thư nào lại có tác dụng xúc động tâm hồn con người mãnh liệt bằng đoạn thánh thư này đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi tưởng chừng như có một sức mạnh lớn lao xuyên thẳng vào tận đáy tim tôi. Tôi suy ngẫm mãi về đoạn thánh thư trên và ý thức được rằng nếu có người nào cần đến sự khôn ngoan từ Thượng Đế, thì người ấy chính là tôi.”35

Cuối cùng Joseph đã quyết định cầu vấn Thượng Đế.

Joseph đã viết hoặc đọc cho người khác viết bốn câu chuyện được mọi người biết đến về Khải Tượng Thứ Nhất của ông. Ngoài ra. những người cùng thời với ông ghi lại kỷ ức của họ về điều họ đã nghe Joseph nói về khải tượng đó; năm câu chuyện như vậy đã được mọi người biết đến. Thật là một phước lành để có được những điều ghi chép này. Những điều này làm cho Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph thành khải tượng được ghi nhận trong lịch sử. Tôi khuyến khích các các em vào trang mạng history.lds.org để tìm hiểu thêm về các câu chuyện này và xem cách mà các câu chuyện này mô tả kinh nghiệm ấy một cách đầy đủ hơn.

Bài viết về Các Đề Tài Phúc Âm “First Vision Accounts [Những Lời Tường Thuật về Khải Tượng Thứ Nhất]” nói: “Những lời tường thuật khác nhau đều cùng về một câu chuyện, mặc dù dĩ nhiên chúng khác nhau về tầm quan trọng và chi tiết. Các sử gia cho rằng khi một cá nhân kể lại một kinh nghiệm trong nhiều bối cảnh khác nhau cho nhiều người nghe khác nhau trong nhiều năm thì mỗi lời tường thuật sẽ nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh khác nhau về kinh nghiệm và chứa đựng các chi tiết độc đáo. Thật vậy, sự khác biệt như vậy trong những lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất cũng được thấy trong nhiều lời tường thuật trong thánh thư về khải tượng của Phao Lô trên đường đi Đa Mách và kinh nghiệm của các Sứ Đồ trên Núi Biến Hình. Tuy nhiên, cho dù có những điều khác biệt đó, nhưng vẫn có một sự nhất quán cơ bản trong suốt mọi lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất. Một số người nhầm lẫn cho rằng bất cứ sự thay đổi nào trong lời kể lại câu chuyện là bằng chứng về sự bịa đặt. Ngược lại, biên sử ghi chép một cách phong phú cho chúng ta phép để tìm hiểu thêm về sự kiện đáng chú ý này hơn là khả năng của chúng ta có nếu cung cấp tư liện này ít hơn.”36

Tôi muốn xem lại với các em bốn bài tường thuật đã được Joseph Smith viết hoặc đọc cho người khác viết.

Trước hết, bài tường thuật vào năm 1832 là bài tường thuật được viết đầu tiên hết về Khải Tượng Thứ Nhất. Đó là một phần của quyển tự truyện sáu trang, hầu hết là do Joseph viết. Tài liệu này đã được Giáo Hội sở hữu từ khi nó được viết ra. Sau cuộc hành trình đi về phía Tây, tài liệu này vẫn còn được cất giữ trong một thùng đựng đồ trong nhiều năm và sau đó nói chung là không được ai biết cho đến khi nó được đăng trong luận án cao học vào năm 1965. Kể từ lúc đó tài liệu này đã được đăng nhiều lần, kể cả trên trang mạng LDS.org và trong Các Bài Viết của Joseph Smith. Trong tài liệu này Joseph thuật lại nỗi buồn vì không biết tìm sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi ở nơi nào. Ông làm chứng: “Chúa mở ra các tầng trời trên tôi và tôi nhìn thấy Chúa,”37 mà một số người đã giải thích rằng ông ám chỉ sự hiện đến của một đấng thiêng liêng, tuy nhiên, khi đọc rõ các tài liệu khác, thì câu này có thể được hiểu là Thượng Đế Đức Chúa Cha đã mở ra các tầng trời và cho Joseph biết về Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô.

Lời tường thuật này nhấn mạnh một cách tuyệt vời vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và sự cứu chuộc mà Ngài đã ban cho cá nhân Joseph. Một phần của lời tường thuật này là: “Chúa mở ra các tầng trời trên tôi và tôi nhìn thấy Chúa, và Ngài phán cùng tôi: ’Joseph con trai của ta, tội lỗi của ngươi đã được tha rồi. ... Ta đã bị đóng đinh vì thế gian để tất cả những ai tin vào danh ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.’” Joseph làm chứng rằng ông đã cảm nhận được niềm vui và tình yêu thương nhưng không thể tìm được một người tin tưởng. “Tâm hồn tôi tràn ngập yêu thương và trong nhiều ngày tôi có thể hân hoan với niềm vui lớn lao và Chúa ở cùng tôi, nhưng không thể tìm thấy người nào chịu tin khải tượng thiêng liêng này. Tuy nhiên, tôi suy ngẫm những điều này trong lòng mình.”38

Kế đến là bài tường thuật vào năm 1835 là phần mô tả của Joseph về khải tượng của ông cho Robert Matthews, một người khách đến thăm Kirtland vào năm 1835. Bài tường thuật này được người ghi chép của ông ghi vào nhật ký của Joseph. Bài này không được gồm vào trong các ấn bản đầu tiên về lịch sử của Joseph và được xuất bản lần đầu tiên trong BYU Studies trong những năm 1960. Trong bài tường thuật này, Joseph làm chứng rằng Thượng Đế hiện đến cùng ông đầu tiên và sau đó ông cũng đã nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi: “Tôi kêu cầu Chúa trong lời cầu nguyện khẩn thiết. Một cột lửa xuất hiện trên đầu tôi; nó giáng xuống trên tôi, và lòng tôi chan hòa niềm vui không kể xiết. Một Đấng hiện ra ở giữa cột lửa này lan rộng khắp nơi, tuy nhiên không đốt cháy một thứ nào cả. Chẳng bao lâu một Đấng khác hiện ra giống như Đấng đầu tiên. Ngài phán bảo tôi: ‘Tội lỗi của ngươi đã được tha rồi.’” Trong bài tường thuật này, Joseph cũng nói: “Tôi cũng nhìn thấy nhiều thiên sứ trong khải tượng này.”39

Kế đến là bài tường thuật năm 1838 là bài tường thuật nổi tiếng nhất và xuất phát từ Joseph’s Manuscript History. Bản thảo đầu tiên được viết sau khi Joseph bỏ trốn khỏi Kirtland vào đầu năm 1838, và bản thảo thứ hai ngay sau khi ông trốn khỏi Missouri vào năm 1839. Do đó bản thảo này đã được viết trong bối cảnh trái ngược hoàn toàn. Bản thảo này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1842 trong Times and Seasons. Nó cũng được gồm vào trong Sách Trân Châu Vô Giá vào năm 1851, mà lúc đầu là một cuốn sách nhỏ dành cho Các Thánh Hữu nước Anh, rồi sau đó được chính thức cho phép làm thánh thư cho tất cả Các Thánh Hữu vào năm 1880.

Nhiều bản thảo của bài tường thuật này đã được xuất bản trong Joseph Smith Papers. Giống như bài tường thuật vào năm 1835, câu hỏi chính của bài tường thuật này là giáo hội nào là chân chính. Vì là lịch sử của Giáo Hội, và không phải chỉ là về Joseph, nên bài tường thuật này “tập trung vào khải tượng là sự khởi đầu ’dấy lên và tiến bộ của Giáo Hội.’”40 Do đó, bài tường thuật này không bao gồm chi tiết về sự tha thứ cá nhân được đề cập trong hai bài tường thuật trước đó.

Và cuối cùng là bài tường thuật vào năm 1842 nhằm trả lời cho câu hỏi của John Wentworth, biên tập viên của báo Chicago Democrat. Joseph viết cho ông ấy một lá thư mà không những gồm vào Những Tín Điều mà còn một phần mô tả về Khải Tượng Đầu Tiên của mình. Lá thư đó được đăng trên Times and Seasons vào năm 1842. Với sự cho phép của Joseph, lá thư đó được sử gia Do Thái là Daniel Rupp đăng lại trong sách của ông về Ky Tô giáo ở Hoa Kỳ vào năm 1843. Bài tường thuật này đã được dành cho số độc giả còn xa lạ với đạo Mặc Môn. Bài này được viết trong suốt thời gian tạm lắng chống đối Vị Tiên Tri.

Cũng như những bài tường thuật kia, Joseph đề cập đến sự hoang mang ông đã trải qua và sự hiện đến của hai Đấng để đáp ứng cho lời cầu nguyện của ông: "Tôi đã tập trung vào một khải tượng thiêng liêng và nhìn thấy hai Đấng vinh quang giống nhau về nét mặt và hình dáng, bao quanh bởi một luồng ánh sáng rực rỡ hơn cả ánh nắng mặt trời ban trưa. Hai Ngài cho tôi biết rằng tất cả các giáo phái đều tin vào giáo lý sai lạc, và rằng không giáo phái nào trong số họ được Thượng Đế thừa nhận là giáo hội và vương quốc của Ngài. Và tôi đã được truyền lệnh rõ ’không được gia nhập các giáo phái đó,’ đồng thời nhận được một lời hứa rằng phúc âm trọn vẹn vào một thời điểm nào đó trong tương lai sẽ được tiết lộ cho tôi biết.”41

Thật là một phước lành để có được những bài tường thuật này về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph. Giống như mỗi Sách Phúc Âm trong Kinh Tân Ước mà khi kết hợp lại với nhau đã mô tả một cách đầy đủ hơn đời sống và giáo vụ của Đấng Ky Tô, mỗi một bài tường thuật này mô tả Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph đã thêm vào chi tiết độc đáo và quan điểm về kinh nghiệm trọn vẹn. Các bài tường thuật này cho biết về câu chuyện nhất quán, phù hợp của Joseph. Tất cả các bài này đều nhấn mạnh rằng có sự hoang mang và xung đột giữa các Ky Tô giáo, rằng Joseph mong muốn biết được giáo hội nào (nếu có) là đúng, ông đã tra cứu thánh thư và cầu nguyện, một ánh sáng đã giáng xuống từ trời, và các Đấng thiêng liêng đã hiện đến và đáp ứng lời cầu nguyện của ông.

Bây giờ tôi xin trở lại và xem xét một cách chi tiết phiên bản của bài tường thuật vào năm 1838 về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith. Đó là kinh nghiệm học tập mạnh mẽ nhất mà bất cứ người nào trên thế gian cũng có thể có được. Kinh nghiệm này đã thay đổi cuộc đời của Joseph, đã thay đổi cuộc đời của tôi, và tôi biết là nó đã hoặc sẽ thay đổi cuộc đời của các em khi các em đi tới Chúa để có được sự xác nhận về sự thật của kinh nghiệm này.

“Cuối cùng tôi đi đến kết luận rằng hoặc là tôi phải ở mãi trong tình trạng tối tăm và hoang mang, hoặc là tôi phải làm theo lời chỉ dẫn của Gia Cơ, nghĩa là cầu vấn Thượng Đế. Sau cùng tôi quyết định ‘cầu vấn Thượng Đế,’ vì đã kết luận rằng nếu Ngài ban sự khôn ngoan cho những ai thiếu khôn ngoan, và ban cho một cách rộng rãi và không trách móc, thì tôi có thể thử liều xem sao.

“Vì vậy, để thực hiện quyết định này, quyết định cầu vấn Thượng Đế, tôi đi vào rừng để thử làm việc ấy. Đó là buổi sáng của một ngày xinh đẹp, quang đãng, vào đầu xuân năm một ngàn tám trăm hai mươi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi, tôi đã thử làm một việc như vậy, vì lẽ giữa tất cả mọi bối rối lo âu của tôi, tôi vẫn chưa bao giờ thử cầu nguyện thành lời.

“Sau khi đến nơi mà tôi đã định trước để đi, và nhìn quanh thấy chỉ có mình tôi, tôi mới quỳ xuống và bắt đầu dâng lên Thượng Đế những ước muốn của lòng tôi. Khi tôi vừa mới bắt đầu cầu nguyện, thì liền bị một sức mạnh hoàn toàn chế ngự tôi, và có một ảnh hưởng thật lạ lùng trên tôi đến nỗi lưỡi tôi như bị buộc lại, khiến tôi không thể nói được. Một bóng tối dầy đặc bủa vây lấy tôi, và trong lúc đó tôi tưởng chừng như mình bất thần bị hủy diệt.

“Nhưng tôi đã vận dụng hết tất cả mọi năng lực của tôi để kêu cầu Thượng Đế giải thoát cho tôi khỏi quyền lực của kẻ thù này đang trói chặt lấy tôi, và ngay lúc tôi quá tuyệt vọng và sắp sửa buông tay phó mặc cho mình bị hủy diệt—không phải là một sự hủy diệt tưởng tượng, mà quả thật có quyền lực của một kẻ nào đó từ thế giới vô hình, kẻ có một quyền lực phi thường mà từ trước đến nay tôi chưa hề cảm thấy ở bất cứ người nào—ngay trong lúc cực kỳ nguy nan đó, tôi thấy một luồng ánh sáng ngay trên đầu tôi, sáng hơn cả ánh sáng mặt trời, ánh sáng ấy từ từ hạ xuống cho đến khi phủ lên tôi.

“Liền đó, tôi cảm thấy được giải thoát ngay khỏi kẻ thù đã trói buộc tôi. Khi ánh sáng chan hòa trên người tôi, tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta.Hãy Nghe Lời Người!

“Mục đích của tôi là đi cầu vấn Chúa để được biết giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng, ngõ hầu tôi có thể biết giáo phái nào để gia nhập. Một khi vừa trấn tĩnh lại và nói lên được, tôi bèn hỏi Hai Nhân Vật đang đứng bên trên tôi trong ánh sáng trước mặt tôi là giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng (vì vào lúc này trong tâm trí tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tất cả đều sai lầm)—và giáo phái nào tôi nên gia nhập.

“Tôi được trả lời rằng tôi không được gia nhập giáo phái nào cả, vì tất cả đều sai lầm.”42

Như đã được nói đến trong tài liệu “First Vision Accounts [Các Bài Tường Thuật về Khải Tượng Thứ Nhất]” được tìm thấy trên trang mạng LDS.org, “Joseph Smith đã nhiều lần làm chứng rằng ông đã kinh nghiệm được một khải tượng phi thường về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự thật về Khải Tượng Thứ Nhất lẫn những lập luận chống lại cũng không thể được chứng minh chỉ bởi cuộc nghiên cứu lịch sử. Việc biết được lẽ thật về chứng ngôn của Joseph Smith đòi hỏi mỗi người đi tìm kiếm lẽ thật một cách nghiêm túc phải nghiên cứu biên sử và sau đó thực hành đủ đức tin nơi Đấng Ky Tô để cầu vấn Chúa trong lời cầu nguyện chân thành, khiêm nhường xem biên sử này có thật không. Nếu người tìm kiếm lẽ thật cầu vấn với ý định thực sự để hành động theo câu trả lời được Đức Thánh Linh mặc khải, thì lẽ trung thực của khải tượng của Joseph Smith sẽ được biểu hiện. Bằng cách này, mỗi người đều có thể biết rằng Joseph Smith nói thật khi ông tuyên bố: “Tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được.’”Joseph Smith—Lịch Sử 1:25].”43

Theo như Chủ Tịch Joseph F. Smith, “Sự kiện lớn nhất mà đã từng xảy ra trên thế gian kể từ khi Vị Nam Tử của Thượng Đế phục sinh khỏi mộ phần và thăng lên trời, là sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cùng thiếu niên Joseph Smith.”44

Các em thân mến, thật là một kinh nghiệm tuyệt vời lẫn đầy soi sáng để phân tích điều chúng ta thực sự học hỏi từ kinh nghiệm thiêng liêng, đầy ấn tượng này của Joseph Smith. Tôi muốn chia sẻ với các em một số ví dụ về lẽ thật mà chúng ta biết được từ Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith về thiên tính vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng chúng ta; Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; sự hiện hữu của Sa Tan; và cuộc xung đột giữa điều thiện và điều ác, cũng như các khía cạnh quan trọng khác của kế hoạch cứu rỗi vĩ đại.

Chúng ta biết rằng thánh thư là chân chính và có thể được hiểu theo nghĩa đen và áp dụng vào cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta biết rằng việc suy ngẫm thánh thư mang lại quyền năng và sự hiểu biết sâu sắc.

Chúng ta biết rằng sự hiểu biết không thôi là không đủ; hành động theo điều chúng ta biết đưa đến việc nhận được các phước lành của Thượng Đế.

Chúng ta học cách đặt tin cậy vào Thượng Đế và tìm đến Ngài để có được những câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng nhất của đời sống chứ không đặt tin cậy vào con người.

Chúng ta biết rằng những lời cầu nguyện đã được đáp ứng tùy theo đức tin vững vàng của chúng ta và tùy theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.

Chúng ta biết về sự hiện hữu có thật của Sa Tan và nó có quyền năng thực sự để ảnh hưởng thế giới vật chất kể cả chúng ta.

Chúng ta biết rằng quyền năng của Sa Tan bị quyền năng của Thượng Đế hạn chế và khắc phục.

Chúng ta biết rằng Sa Tan sẽ không ngừng phá hủy công việc của Thượng Đế, và Sa Tan chắc hẳn đã biết được tầm quan trọng của Joseph Smith trong vai trò của ông là Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi.

Chúng ta biết rằng mình có thể chiến thắng Sa Tan bằng cách kêu cầu Thượng Đế và hoàn toàn đặt đức tin và sự tin cậy của mình vào Chúa.

Chúng ta biết rằng, nơi có ánh sáng, thì bóng tối bị xua tan.

Chúng ta biết rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là hai Đấng riêng biệt và khác biệt, giống nhau về nét mặt và hình dáng.

Chúng ta biết rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thượng Đế.

Chúng ta biết rằng Đấng Ky Tô đã phục sinh.

Chúng ta biết rằng Thượng Đế biết rõ từng người chúng ta và nhận biết về nhu cầu và mối quan tâm của chúng ta. Ngài đã gọi tên của Joseph.

Chúng ta biết về mối quan hệ giữa Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa Giê Su phục tùng Cha Ngài, và Đức Chúa Cha giao tiếp với con người trần thế nơi đây trên thế gian qua Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô được Cha Ngài yêu quý bằng cách gọi Chúa Giê Su là Con Trai Yêu Dấu của Ngài.

Chúng ta biết rằng Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô như khi Ngài tổ chức lúc nguyên thủy đã không được tìm thấy trên thế gian vào lúc Joseph Smith, xác nhận sự thực về Sự Đại Bội Giáo đã được Sứ Đồ Phao Lô báo trước.

Chúng ta biết rằng khi chúng ta có đủ quan tâm để mong muốn có được sự hướng dẫn của Thượng Đế trong đời sống của chúng ta, thì Ngài sẽ mặc khải một hướng đi tinh sạch cho chúng ta. Vào thời của Joseph, tất cả các giáo hội và giáo phái đều sai lầm.

Chúng ta biết rằng mỗi gian kỳ của thời kỳ đều nhận được các khải tượng, phước lành, và vinh quang của Thượng Đế.

Chúng ta biết rõ ràng về cách Thượng Đế chọn các vị tiên tri của Ngài.

Chúng ta biết rằng Thượng Đế chọn người có lòng trong sạch, ngay chính và có ước muốn ngay chính để làm công việc của Ngài, xác nhận việc giảng dạy từ Kinh Thánh rằng Thượng Đế nhìn thấy trong lòng chứ không chọn dựa theo vẻ bề ngoài hay địa vị hoặc chức vụ trong xã hội.

Các em thân mến, Khải Tượng Thứ Nhất là chìa khóa để mở ra nhiều lẽ thật đã bị giấu kín trong nhiều thế kỷ. Chúng ta chớ quên hoặc xem thường nhiều lẽ thật quý báu mà chúng ta đã học được từ Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith.

Sự hiện đến của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, cùng Joseph Smith khai mở gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Chúng ta nên chia sẻ sự kiện thiêng liêng này và những điều chúng ta đã học được từ sự kiện đó với tất cả những người chúng ta yêu thương và quan tâm.

Dưới đây là hai câu hỏi các em có thể cân nhắc, trả lời, và chia sẻ trên mạng truyền thông xã hội bằng cách sử dụng #LDSdevo.

  • Các em đã học được các lẽ thật nào từ Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith?

  • Chúa đã trả lời cho các em như thế nào khi các em tìm kiếm lẽ thật và những câu trả lời cho các câu hỏi mà các em đã có?

Tôi rất phấn khởi được đọc những gì các em có để chia sẻ về đề tài quan trọng này và những câu hỏi quan trọng.

Tôi xin kết thúc bằng cách chia sẻ với các em một lẽ thật nữa mà tôi đã học được nhờ vào việc tập trung vào Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith trong khi giảng dạy cho những người truyền giáo toàn thời gian.

Cách đây vài năm, tôi đã có đặc ân được phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Philippines. Các thành viên của Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng thay phiên nhau nói chuyện tại các buổi họp đặc biệt devotional tổ chức tại Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo ở Manila. Những người truyền giáo toàn thời gian mới được kêu gọi đã đến Manila từ khoảng 14 quốc gia khác nhau trên khắp châu Á và các nước nằm quanh Khu Vực Thái Bình Dương.

Khi sự chỉ định của chúng tôi đến Philippines sắp kết thúc, chúng tôi rất thích một cơ hội cuối cùng để nói chuyện với những người truyền giáo tại buổi họp đặc biệt devotional ở Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo. Tôi sẽ không bao giờ quên việc ngồi trên bục chủ tọa nhìn xuống giáo đoàn với những người truyền giáo toàn thời gian tuyệt vời này. Tôi đã cầu nguyện để có được sự soi dẫn nhằm có thể chia sẻ với họ một điều gì đó mà sẽ giúp họ hiểu được tầm quan trọng của công việc mà họ sắp tham gia. Trong khi tôi đang suy ngẫm điều tôi có thể nói, thì tôi thấy một bức tranh trên tường của hội trường. Đó là một bức tranh mà các em có lẽ đã thấy treo trong nhà hội của các em. Đó là bức tranh nổi tiếng của Del Parson về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith. Bức tranh đó mô tả thiếu niên Joseph Smith 14 tuổi đang quỳ trong Khu Rừng Thiêng Liêng và đang nhận những chỉ dẫn từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi bắt đầu đưa ra sứ điệp cho những người truyền giáo bằng cách chỉ vào bức tranh Khải Tượng Thứ Nhất của Del Parson và giải thích cho họ nghe rằng Joseph Smith, vào thời gian ấy, đang quỳ trong Khu Rừng Thiêng Liêng, cầu nguyện để được hướng dẫn trong cuộc sống của ông, tượng trưng cho tất cả những người tầm đạo trong quá khứ, hiện tại và tương lai đang tìm kiếm lẽ thật. Tại sao? Vì ông đã có cùng một câu hỏi mà tất cả những người tầm đạo chân thật và thành tâm đều có. Khi cầu vấn Chúa về giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng, quả thật ông đang tìm kiếm lẽ thật. Ông đang tìm kiếm mục đích của mình trong đời sống. Ông đang tìm kiếm kế hoạch cứu rỗi vĩ đại của Cha Thiên Thượng.

Có người truyền giáo nào có thẩm quyền trên thế gian vào lúc Joseph cầu nguyện chân thành để trả lời câu hỏi của ông không? Không, không có ai cả. Do đó, trong giây phút thiêng liêng đó, Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến và đáp ứng lời cầu xin của thiếu niên Joseph, và Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô đã bắt đầu.

Giống như Joseph Smith, những người tầm đạo có lẽ lập và tuân giữ những cam kết của họ và cuối cùng tiến tới việc chịu phép báp têm là những người tích cực tìm kiếm lẽ thật và mục đích của họ ở đây trên thế gian. Đây không phải chỉ là một bài học quan trọng cho những người truyền giáo toàn thời gian mà còn cho chúng ta để học hỏi khi chúng ta chia sẻ phúc âm. Cũng là điều quan trọng để lưu ý rằng nhiều người đang tìm kiếm sự hướng dẫn và mục đích trong đời sống được tượng trưng bởi nhóm tuổi đang tham dự buổi họp devotional đặc biệt này. Họ là bạn bè và những người quen biết của các em. Nancy, vợ tôi khi còn trong lứa tuổi của các em, cũng đã tìm kiếm lẽ thật và mục đích của bà trong đời sống.

Các bạn trẻ thân mến, thật là một phước lành tuyệt vời khi tất cả chúng ta đều được sinh ra trong một thời kỳ mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trọn vẹn trên thế gian. Tôi làm chứng cùng các em rằng Joseph Smith đã được Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hiện đến vào cái ngày mùa xuân đẹp trời đó vào năm 1820. Tôi làm chứng rằng những điều thiêng liêng mà hai Ngài đã chia sẻ và Joseph đã khiêm nhường nhận được đều được ứng nghiệm trong những lời tiên tri do các thánh tiên tri đưa ra trong suốt lịch sử của thế gian.  Tôi cũng làm chứng rằng các quyền tự do tôn giáo đã được sự sáng tạo và thành lập Hoa Kỳ giúp dọn đường cho Sự Phục Hồi. Tôi làm chứng thêm về lẽ trung thực của những lời của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đề cập đến Khải Tượng Thứ Nhất khi ông nói: “Joseph Smith đã học được trong những giờ phút đó, cho dù trong thời gian dài hay ngắn, về thiên tính của Thượng Đế nhiều hơn tất cả các nhà thần học của mọi thời đại đã từng biết được.”45 Thật là một cơ hội tuyệt vời cho tất cả chúng ta để chia sẻ chứng ngôn của mình về Sự Phục Hồi của phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau này.

Các em thân mến, lẽ thật đã được phục hồi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:27–31.

  2. Xin xem Ê Sai 60–62.

  3. Xin xem Giê Rê Mi 30–33.

  4. Xin xem Ê Xê Chi Ên 37:15–28.

  5. Xin xem Đa Ni Ên 2:44.

  6. Xin xem A Mốt 9:11.

  7. Xin xem Ma La Chi 3:1.

  8. Xin xem Ma Thi Ơ 17:11.

  9. Xin xem Mác 9:12.

  10. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21.

  11. Xin xem Rô Ma 11:25–27.

  12. Xin xem Ê Phê Sô 1:9–10.

  13. Xin xem 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1–3.

  14. Xin xem Khải Huyền 14:6.

  15. Xin xem 1 Nê Phi 13:34–42.

  16. Xin xem 2 Nê Phi 26:14–17.

  17. Xin xem Gia Cốp 6:1–4.

  18. Xin xem 3 Nê Phi 21.

  19. Đa Ni Ên 1:4.

  20. Đa Ni Ên 1:20.

  21. Đa Ni Ên 2:5.

  22. Đa Ni Ên 2:19.

  23. Đa Ni Ên 2:24.

  24. Đa Ni Ên 2:25.

  25. Đa Ni Ên 2:26.

  26. Đa Ni Ên 2:27–28.

  27. Đa Ni Ên 2:31–35.

  28. Đa Ni Ên 2:37–38.

  29. Đa Ni Ên 2:44–45.

  30. Asael Smith, trong Steven C. Harper, Joseph Smith’s First Vision: A Guide to the Historical Accounts (2012), 13–14.

  31. Xin xem Harper, Joseph Smith’s First Vision, 15–16; Richard Lyman Bushman, Joseph Smith: Rough Stone Rolling (2005), 197.

  32. Xin xem Harper, Joseph Smith’s First Vision, 16–22; Bushman, Joseph Smith, 14–29.

  33. Lucy Mack Smith, “Lucy Mack Smith, History, 1844–1845,” sách 2, trang 4; josephsmithpapers.org.

  34. Xin xem Harper, Joseph Smith’s First Vision, 16–22; Bushman, Joseph Smith, 14–29.

  35. Joseph Smith—Lịch Sử 1:11–12.

  36. “First Vision Accounts,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  37. Joseph Smith, trong Karen Lynn Davidson, David J. Whittaker, Mark Ashurst-McGee, and Richard L. Jensen, biên tập., Histories, Tập 1: Joseph Smith Histories, 1832–1844, quyển 1 trong the Histories series of The Joseph Smith Papers, do Dean C. Jessee, Ronald K. Esplin, và Richard Lyman Bushman biên tập (Salt Lake City: Church Historian’s Press, 2012), 12–13; chính tả, cách chấm câu, và viết hoa được hiện đại hóa; xin xem thêm Dean C. Jessee, “The Earliest Documented Accounts of Joseph Smith’s First Vision,” trong John W. Welch và Erick B. Carlson, biên tập, Opening the Heavens: Accounts of Divine Manifestations, 1820–1844 (2005), 1–33; “First Vision Accounts,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  38. Joseph Smith, trong Histories, Volume 1: Joseph Smith Histories, 1832–1844, 12–13; chính tả, cách chấm câu, và viết hoa được hiện đại hóa; xin xem thêm “First Vision Accounts,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  39. Joseph Smith, trong Dean C. Jessee, Mark Ashurst-McGee, và Richard L. Jensen, biên tập, Journals, Volume 1: 1832–1839, tập 1 trong the Journals series of The Joseph Smith Papers, do Dean C. Jessee, Ronald K. Esplin, và Richard Lyman Bushman biên tập (Salt Lake City: Church Historian’s Press, 2008), 88; chính tả, cách chấm câu, và viết hoa được hiện đại hóa; xin xem thêm “First Vision Accounts,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  40. “First Vision Accounts,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  41. Joseph Smith, trong Histories, Volume 1: Joseph Smith Histories, 1832–1844, 494; xin xem thêm “First Vision Accounts,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  42. Joseph Smith—Lịch Sử 1:13–19.

  43. “First Vision Accounts,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  44. Joseph F. Smith, Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (1998), 14.

  45. Gordon B. Hinckley, “Inspirational Thoughts,” Ensign, tháng Tám năm 1997, 3.

In